Suy niệm mỗi ngày Tuần 25 Thường niên

248

SUY NIỆM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

TRỞ NÊN ÁNH SÁNG MANG NGƯỜI KHÁC ĐẾN VỚI CHÚA

(Er 1:1-6; Lc 8:16-18)

Chúng ta bắt đầu nghe trình thuật trích từ sách Ét-ra trong bài đọc 1. Sách này trình bày cho chúng ta về việc dân Do Thái trở về từ lưu đày và tái thiết lại đất nước và Đền Thờ Giêrusalem. Điều đáng lưu ý trong bài đọc 1 là việc Đức Chúa “sử dụng” Kyrô, một vị vua thuộc dân ngoại để làm “ứng nghiệm lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia” (Er 1:1). Chi tiết này làm cho chúng ta ý thức hơn về uy quyền của Thiên Chúa. Ngài có thể sử dụng mọi người và mọi sự theo cách thức Ngài muốn để hoàn thành kế hoạch của Ngài. Đường lối của Ngài thường không giống với cách thức quen thuộc mà chúng ta thường làm hoặc thường nghĩ. Vì vậy, để biết và hiểu được thánh ý Thiên Chúa, chúng ta phải có một con tim rộng mở, một tâm trí sẵn sàng ra khỏi lối suy nghĩ hạn hẹp của mình. Hãy trau dồi một lối sống và suy nghĩ rộng mở hầu có thể ôm trọn cả vũ trụ và mọi người, không phân biệt và loại trừ.

Một chi tiết khác trong bài đọc 1 đáng để chúng ta suy gẫm là việc vua Kyrô ý thức được quyền trên mọi vương quốc dưới đất của mình là được Đức Chúa ban cho (x. Er 1:2). Quyền này được dùng trước tiên là để “tái thiết cho Người [Đức Chúa] một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giuđa.” Chi tiết này cho thấy Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều ơn lành. Tất cả những ơn này giúp chúng ta nhận ra vị trí tối thượng của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Nói cách cụ thể hơn, ơn Chúa luôn ban đủ để chúng ta có thể chuẩn bị cho Ngài một chỗ thật xứng đáng trong con tim [trong gia đình hay cộng đoàn] của chúng ta. Đứng trước lời mời gọi “tái thiết lại đền thờ,” “những người đứng đầu các gia tộc của Giuđa và Bengiamin, các tư tế và các thầy Lêvi, tất cả những người được Thiên Chúa tác động trên tâm trí, trỗi dậy để đi lên xây Nhà Đức Chúa ở Giêrusalem. Mọi người hàng xóm láng giềng đều mạnh tay giúp họ: bạc, vàng, của cải, thú vật, những đồ vật có giá, không kể mọi lễ vật tự nguyện” (Er 1:5-6).

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục điều bài đọc 1 trình bày, đó là Chúa sử dụng những cách thức khác nhau để biểu hiện thánh ý Ngài. Bài Tin Mừng được đặt trong bối cảnh những cách thức khác nhau để lắng nghe lời Chúa. Những lời Chúa Giêsu nói mang tính cách ngạn ngữ. Những hình ảnh Ngài sử dụng cũng rất gần gũi với đời sống hằng ngày của người nghe. Ngài sử dụng những hình ảnh quen thuộc này để chuyển tải sứ điệp Ngài muốn dạy. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh “đốt đèn”: “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (Lc 8:16). Câu này trình bày cho chúng ta thấy kiểu nhà mà Thánh Luca biết, đó là nhà với sảnh và hành lang. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh này để ám chỉ đời sống của các môn đệ [trong cộng đoàn Thánh Luca] phải là ánh sáng để đưa những ai tìm Chúa gặp được Ngài. Nói cách khác, người môn đệ phải biểu lộ cho người khác ánh sáng của Lời Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta đã trở nên ánh sáng để soi rõ bước chân cho những anh chị em đang đi tìm Chúa chưa? Nhiều lần, thay vì là ánh sáng, chúng ta trở thành bóng tối che khuất đi lời Chúa để những người tìm kiếm không thể tìm thấy. Điều này xảy ra khi chúng ta không sống đúng với căn tính của mình là Kitô hữu hay những người được thánh hiến. Hãy là ánh sáng dọi bước chân cho những người tìm kiếm Chúa.

Chi tiết thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay để chúng ta suy gẫm là lời dạy của Chúa Giêsu về việc không có gì có thể che giấu “suốt đời”: “Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (Lc 8:17). Trong những lời này, nhiều người cho rằng Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống thành thật, không dối trá. Chúng ta có thể hiểu là như thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh của trình thuật, câu này ám chỉ rằng sự hiểu biết về những “bí ẩn” của Nước Thiên Chúa [x. câu 10] không mang tính cách riêng tư hoặc chỉ dành riêng cho một số người được tuyển chọn. Sự hiểu biết này phải được chia sẻ cho mọi người. Nói cách cụ thể hơn, sự hiểu biết và niềm vui có Chúa không phải là điều chúng ta giữ riêng cho mình. Niềm vui có Chúa phải được chia sẻ cho mọi người. Điều này giả định rằng trước khi chia sẻ niềm vui có Chúa thì chúng ta phải “có Chúa” và cảm nghiệm được niềm vui có Ngài trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đã có được điều này chưa? Nhà truyền giáo vĩ đại nhất không phải là người giảng thuyết lừng danh, nhưng là người có khả năng cảm nghiệm được niềm vui đích thật khi có Chúa trong cuộc đời mình.

Bài Tin Mừng kết với lời khuyến cáo của Chúa Giêsu cho các môn đệ về cách thức họ lắng nghe: “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất” (Lc 8:18). Nghe mà không hiểu lời, đặc biệt là sự hiểu biết bắt nguồn từ nỗ lực truyền tải lời Chúa cho người khác, dẫn đến việc hoàn  toàn đánh mất việc lắng nghe. Nghe và hiểu phải đi với nhau. Nghe mà không hiểu thì cái mình nghe không có ý nghĩa gì. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại việc [thái độ] chúng ta lắng nghe lời Chúa. Nhiều khi chúng ta chỉ lắng nghe với đôi tai thể lý, còn con tim và tâm trí thì không lắng nghe. Để “được thêm” những gì chúng ta đã có qua việc lắng nghe lời Chúa từ trước đến giờ, chúng ta phải lắng nghe không chỉ với đôi tai thể lý, nhưng với cả trọn con tim và khối óc. Có như thế, chúng ta mới hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta.

*******************

THỨ BA TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

THUỘC VỀ GIA ĐÌNH MỚI CỦA CHÚA GIÊSU

(Er 6:7-8.12b.14-20; Lc 8:19-21)

Bài đọc 1 tiếp tục nói đến việc xây cất Nhà Thiên Chúa ở Giêrusalem. Vị vua thay thế vua Kyrô là Đariô. Cũng giống với vị tiền nhiệm của mình, vua Đariô “ra lệnh cho các quan chức vùng bên kia sông Êuphơrát rằng : “Hãy để cho tổng trấn của người Do Thái và các kỳ mục Do Thái lo việc xây cất Nhà Thiên Chúa, họ phải tái thiết Nhà Thiên Chúa ở chỗ cũ. Đây là lệnh ta ban cho các ngươi về cách đối xử với hàng kỳ mục Do Thái trong việc tái thiết Nhà Thiên Chúa: phải lấy tiền bạc của nhà vua trích từ thuế thu được ở Vùng bên kia sông Êuphơrát, mà cung cấp đầy đủ các chi phí cho những người đó, không được gián đoạn” (Er 6:7-8). Mệnh lệnh này được hoàn thành và mọi người vui mừng khi Nhà Thiên Chúa được tái thiết. Bầu khí hân hoan vui mừng bao trùm con cái Israel và họ bắt đầu tái thiết lại đời sống của mình “chung quanh” Nhà Thiên Chúa, bắt đầu với đời sống phụng tự qua việc “thiết lập hàng tư tế theo các phẩm trật của họ, và các thầy Lêvi theo các cấp bậc của họ, để phục vụ Thiên Chúa tại Giêrusalem, như đã chép trong sách Môsê” (Er 6:18). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về vị trí quan trọng của đời sống “phục vụ Thiên Chúa” [thờ phượng] trong ngày sống của mình. Nhiều khi chúng ta quá bận rộn với công việc đến nỗi việc thờ phượng được xem như là phần “đính kèm” hay “phụ lục” của ngày sống mà chúng ta có thể bỏ qua. Nói cách khác, việc thờ phượng hay đời sống cầu nguyện chỉ được thực hiện khi chúng ta “có thời gian rảnh.” Nếu chúng ta có tí thời gian để thờ phượng thì trong những giây phút đó chúng ta cũng đã mệt mỏi, không còn tập trung cách trọn vẹn. Hãy đặt lại vị trí xứng hợp cho việc thờ phượng Chúa trong ngày sống của chúng ta: Việc thờ phượng phải là yếu tố chính của ngày sống, còn những công việc chỉ là hoa trái được sinh ra từ việc thờ phượng.

Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn nhưng nó mang một ý nghĩa rất lớn cho những người Kitô hữu nói chung và những người thánh hiến cho Thiên Chúa nói riêng. Tầm quan trọng của bài Tin Mừng đó là việc chỉ ra cho chúng ta tiêu chuẩn cần thiết để trở thành thành viên trong gia đình mới mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Bài Tin Mừng bắt đầu với sự kiện “mẹ và anh em Đức Giêsu đến gặp Người” (Lc 8:19). Chi tiết này cho thấy những người tìm Ngài có một mối tương quan “máu mủ” với Ngài. Đây chính là lối suy nghĩ của người Do Thái [thời đó]: chỉ những người có tương quan máu mủ mới được xem là “thuộc về gia đình” [hay thuộc về dân được tuyển chọn của Thiên Chúa vì là con cái Abraham]. Lối suy nghĩ này “cản trở” chúng ta lại gần Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả trong việc “họ không làm sao lại gần [Chúa Giêsu] được” (Lc 8:19). Họ không lại gần Chúa Giêsu được vì họ không biết rằng tiêu chuẩn máu mủ không còn là tiêu chuẩn chính để thuộc về gia đình mới của Thiên Chúa [dân riêng] mà Chúa Giêsu đến để thiết lập. Khi liên hệ máu mủ không còn là tiêu chuẩn, thì “dân chúng quá đông” sẽ đến được gần Thiên Chúa [Chúa Giêsu].

Tiêu chuẩn Chúa Giêsu đưa ra để trở thành thành viên trong gia đình mới là: “nghe lời Thiên Chúa” và “đem ra thực hành” (Lc 8:21). Hai tiêu chuẩn này không thể tách rời. Tiêu chuẩn thứ nhất nối kết chúng ta với đoạn trích đi trước (Lc 8:16-18). Trong trích đoạn đó, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ [và mọi người] “hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8:18). Cách thức nghe tuyệt hảo nhất là “giữ trong lòng, suy niệm và đem ra thực hành.” Đây chính là tiêu chuẩn mà Chúa Giêsu đưa ra cho những ai muốn trở thành môn đệ, thành viên trong gia đình mới của Ngài. Chúng ta cũng nghe lời Chúa mỗi ngày [hoặc ít nhất là mỗi Chúa nhật], chúng ta nghe như thế nào? Chắc chắn chúng ta nghe với đôi tai thể lý. Nhưng nghe với đôi tai thể lý không làm cho chúng ta trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta phải nghe với con tim [cõi lòng] và tâm trí rộng mở hầu có thể hiểu sứ điệp Chúa muốn nói với chúng ta. Bước cuối cùng của tiến trình nghe là “đem ra thực hành.” Như thế, cách thức nghe mà Chúa Giêsu đề nghị cho người môn đệ gồm ba bước: (1) nghe với đôi tai thể lý [với con tim và tâm trí rộng mở]; (2) giữ và suy niệm trong lòng; (3) đem ra thực hành.

Một chi tiết quan trọng khác trong bài Tin Mừng này chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Luca trình bày Mẹ Maria như là kiểu mẫu của người môn đệ Chúa Giêsu. Mẹ là “thành viên kiểu mẫu nhất” trong gia đình mới Chúa Giêsu thiết lập, hay đúng hơn, Mẹ là Mẹ của gia đình này. Trong những lời [“Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”], Chúa Giêsu không tỏ thái độ “bất hiếu” với Mẹ Maria, nhưng là tôn vinh Mẹ vì Mẹ là người “giữ lời Chúa và suy niệm trong lòng” (x. Lc 2:19). Mẹ không chỉ giữ và suy niệm trong lòng, nhưng mẹ còn đem ra thực hành. Là những người con của Mẹ [những người môn đệ Chúa Giêsu], chúng ta có giữ, suy niệm và đem ra thực hành lời Chúa không?

**********************

THỨ TƯ TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

RA ĐI LÀM CHỨNG VỚI NĂNG QUYỀN CỦA CHÚA GIÊSU

(Er 9:5-9; Lc 9:1-6)

Ai trong chúng ta cũng đã có những giây phút sống thân tình với Chúa. Trong những lúc như thế, lòng chúng ta trào dâng những tâm tình đầy yêu thương và gần gũi. Chúng ta cảm nghiệm Chúa thật gần, đang lắng nghe và chia sẻ những “cảm xúc” thật con người của chúng ta. Cũng trong những giây phút như thế, chúng ta khám phá ra mình là ai trong tương quan với Thiên Chúa và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đây chính là tâm tình mà chúng ta tìm thấy trong bài đọc 1 hôm nay. Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta tâm tình của Étra khi thực hành các nghi lễ thờ phượng. Khi đối diện với Thiên Chúa, Étra trào dâng những tâm tình sau: (1) nhận ra sự yếu đuối, nhỏ bé mong manh của mình: “Lạy Thiên Chúa của con, con thật xấu hổ thẹn thùng khi ngẩng mặt lên Ngài, lạy Thiên Chúa của con, vì tội chúng con quá nhiều, đến nỗi ngập đầu ngập cổ, lỗi chúng con cứ chồng chất lên mãi tới trời” (Er 9:6). Đứng trước Thiên Chúa, chúng ta nhận ra mình là ai: một tạo vật tội lỗi yếu đuối, nhưng được yêu một cách vô điều kiện; (2) nhớ lại quá khứ “đau buồn” của mình và sự đồng hành đầy yêu thương của Thiên Chúa (x. Er 9:7-8); (3) nhận ra sự trung thành của Thiên Chúa (x. Er 9:9). Ba yếu tố này cũng được tìm thấy trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Khi chúng ta có thời gian ngồi lại với Chúa, chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối của mình. Nhìn lại quá khứ, chúng ta phải chân nhận rằng chúng ta không có gì để “vỗ ngực xưng tên” vì chỉ là một quá khứ đầy tội lỗi. Nhưng dù yếu đuối và tội lỗi như thế, Chúa không bỏ rơi chúng ta trong cảnh nô lệ của tội lỗi. Ngài đã yêu thương chúng ta, đã ban ơn cho chúng ta để chúng ta có thể “tái thiết” lại cuộc đời của mình cách tốt đẹp qua việc xây dựng lại “ngôi đền thánh của con tim” để Ngài đến ngự trị.

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt nền trên trình thuật của Thánh Máccô (6:7-13). Nó phải được đọc trong tương quan của toàn bộ phần này, đó là Lc 7:1-8:56. Trình thuật hôm nay thuật lại việc Nhóm Mười Hai tiếp tục sứ mệnh rao giảng về Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh này, các ông phải ý thức được rằng các ông được sai đi với năng lực của Chúa Giêsu: “Khi ấy, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9:1-2). Trong những lời này, chúng ta cần lưu ý những yếu tố sau: (1) trước khi được sai đi, các môn đệ được Chúa Giêsu “tập họp” quanh Ngài. Đây là yếu tố tiên quyết cho sứ mệnh. Ở với Chúa Giêsu khẳng định căn tính của người môn đệ. Nói cách khác, trước khi được sai đi, người môn đệ phải ở lại với thầy mình; (2) các môn đệ được sai đi với năng lực và quyền phép của Chúa Giêsu. Nói cách khác, người môn đệ thực hành sứ mệnh không phải với khả năng của mình, nhưng với năng lực và quyền phép của Chúa Giêsu. Chi tiết này cho thấy người môn đệ không phải là nhân vật chính. Nếu không có năng lực và quyền phép của Chúa Giêsu, họ sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh được trao phó; (3) mục đích của sứ mệnh là “rao giảng Nước Thiên Chúa” chứ không rao giảng về chính mình. Bên cạnh đó, người môn đệ được sai đi “để chữa lành” và quy tụ chứ không phải để gây thuơng tích và chia rẽ. Ba chi tiết này nhắc nhở chúng ta về ơn gọi làm môn đệ của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, thay vì để Chúa Giêsu là “nhân vật chính” chúng ta chiếm lấy vị trí của Ngài. Chúng ta biến mình thành trung tâm và làm cho người khác thấy rằng mình có thể làm được mọi sự với sức của mình, chứ không phải với ơn của Chúa. Chúng ta phải ý thức rằng, chúng ta được gọi, được yêu thương, được tha thứ và được sai đi, với năng lực và quyền phép của Chúa Giêsu, để rao giảng Nước Thiên Chúa cho anh chị em mình.

Chi tiết thứ hai trong bài Tin Mừng là lời giáo huấn của Chúa Giêsu về những gì cần và không cần cho hành trình rao giảng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (Lc 9:3-5). Trong phần này, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có thái độ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Họ không cần phải lo lắng về “cái ăn cái mặc” là những nhu cầu căn bản của con người. Ngài muốn các môn đệ cũng đừng lo lắng về “chỗ ăn chỗ ở” vì Ngài sẽ cung cấp cho họ. Điều quan trọng họ cần lưu ý là những gì xảy ra cho Ngài thì cũng xảy ra cho người môn đệ. Nói cách khác, người ta đối xử với Ngài như thế nào thì họ cũng sẽ đối xử với người môn đệ như thế. Nói cách cụ thể hơn, Chúa Giêsu được nhiều người đón tiếp, nhưng cũng không ít người chống đối và không đón tiếp Ngài. Điều này cũng sẽ xảy ra cho người môn đệ. Chi tiết này giúp người môn đệ biết rằng họ đừng tự mãn khi được đón tiếp hay tự ti khi không được đón tiếp. Điều họ cần quan tâm là: cuộc sống của họ phải phản ánh cách trung thực cuộc sống của Đấng đã sai họ. Họ phải làm chính xác những gì họ được sai đi để làm chứ không làm những điều họ muốn làm. Điều này được phản chiếu qua câu kết của bài Tin Mừng: “Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi” (Lc 9:6). Các môn đệ thực hiện chính xác những điều Chúa Giêsu truyền. Còn chúng ta thì thế nào: Chúng ta đang làm những điều Chúa muốn chúng ta làm hay chúng ta đang cố gắng thay thế điều Chúa muốn bằng những điều chúng ta muốn trong đời sống sứ mệnh phục vụ?

*******************

THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

GẶP GỠ CÁ VỊ ĐỂ BIẾT CHÚA GIÊSU LÀ AI

(Kg 1:1-8; Lc 9:7-9)

Chúng ta đang nghe trong bài đọc 1 về lịch sử dân Israel sau thời lưu đày. Người ta thường nói: Nhìn lại lịch sử để biết được mình là ai và Thiên Chúa của mình là ai. Nhìn lại lịch sử để thấy được bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Qua lịch sử của mình, dân Israel nhận ra Thiên Chúa của họ là một Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Ngài.

Cùng với sách Ét-ra mà chúng ta nghe trong những ngày vừa qua, tác giả sách Khácgai trình thuật về việc tái thiết lại Đền Thánh Giêrusalem. Điều đáng suy gẫm là lời của ngôn sứ Khácgai nói với dân Israel, là những người mong ước tái thiết lại Đền Thánh: “Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong các nhà có ghép gỗ đóng trần, còn Đền Thờ thì lại hoang tàn đổ nát không? Vậy giờ đây, Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Các ngươi gieo vãi nhiều, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Các ngươi ăn mà không đủ no, uống không đủ say, mặc không đủ ấm. Đồng lương của người làm thuê lọt qua túi thủng. Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Các ngươi hãy để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ cho Ta. Ta sẽ lấy làm vui và tỏ vinh quang Ta ở đó, Đức Chúa phán” (Kg 1:4-8). Trong những lời sấm này, chúng ta nhận ra rằng Đức Chúa mời gọi dân Israel hãy nhìn lại “lối sống của họ.” Chi tiết này nhắc nhở họ về nguyên nhân tại sao Đền Thánh bị phá huỷ, đó là vì “lối sống” của họ xa rời Thiên Chúa. Nói cách khác, tái thiết lại Đền Thánh là điều cần, nhưng chỉnh sửa lại “lối sống của mình” là điều cần thiết hơn. Tái thiết Đền Thánh bằng đá bằng gỗ chỉ là hình ảnh của việc tái thiết lối sống hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Qua chi tiết này, chúng ta được mời gọi nhìn lại lối sống hằng ngày của mình. Lối sống của chúng ta phải là “cách thức tôn thờ Thiên Chúa.”

Bài Tin Mừng hôm nay nói về định mệnh vị tiền hô của Chúa Giêsu. Khi trình thuật về sự kiện này, Thánh Luca muốn nhắc nhở thính giả của mình rằng: định mệnh của vị tiền hô tiên báo về định mệnh của Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài. Đoạn trích này cũng được Thánh Máccô (Mc 6:14-16) thuật lại. Nếu đặt trong cấu trúc, chúng ta sẽ thấy trích đoạn này là phần “thịt” được kẹp bên trong hai miếng “bánh mì,” đó là sai các môn đệ đi rao giảng (Lc 9:1-6) và các môn đệ trở về (Lc 9:10-17). Giống như sứ vụ của Gioan Tẩy Giả và của Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối, thì Giáo Hội [các môn đệ của Chúa Giêsu] cũng sẽ gặp chống đối.

Chi tiết đầu tiên là thái độ của Hêrôđê khi nghe biết tất cả những gì Chúa Giêsu [và các môn đệ được sai đi] thực hiện, thì ông “phân vân”: “Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm” (Lc 9:7). Từ những gì xảy ra, ông phân vân về “con người.” Nói cách khác, từ những gì xảy ra đã làm cho ông băn khoăn tự hỏi: Chúa Giêsu là ai? Trong phần này, chúng ta thấy hình bóng của câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ: Người ta gọi thầy là ai? Còn anh em, anh em gọi thầy là ai? Bất kỳ ai trong chúng ta cũng phải đối diện với những câu hỏi này. Ngay cả Hêrôđê, ông cũng đối diện với câu hỏi như thế. Ông cũng nghe người ta nói về Chúa Giêsu là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy hay ông Êlia xuất hiện hay một ngôn sứ thời xưa sống lại (x. Lc 9:8). Những “ý kiến” của người khác không giải toả được sự phân vân của Hêrôđê. Ông muốn đi tìm câu trả lời về căn tính Chúa Giêsu cho riêng mình: “Còn vua Hêrôđê thì nói: ‘Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?’ Rồi vua tìm cách gặp Đức Giêsu” (Lc 9:9). Trong những lời này, chúng ta thấy chứa đựng một chân lý mà chúng ta cần lưu ý, đó là nếu muốn có câu trả lời cho riêng mình về Chúa Giêsu, chúng ta phải “tìm cách gặp Đức Giêsu.” Thái độ “tìm gặp của Hêrôđê” được đặt đối nghịch với thái độ của những người mở rộng với mạc khải của Thiên Chúa trong cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Lc 23:35-49). Nói cách khác, Hêrôđê muốn gặp Chúa Giêsu để thoả mãn tình “tò mò” của mình chứ không phải để “trở nên môn đệ của Ngài.” Còn những người mở rộng cõi lòng đón nhận mạc khải của Thiên Chúa qua Đấng bị treo trên thập giá không phải để thoả mãn sự tò mò, nhưng để trở nên môn đệ của Ngài hầu được sai đi loan báo điều họ vừa chứng kiến. Tóm lại, điều Thánh Luca muốn thính giả mình nhận ra trong trình thuật hôm nay là nếu họ không tìm cách gặp gỡ Chúa Giêsu, họ sẽ không bao giờ biết được Ngài là ai. Bên cạnh đó, họ phải xét lại động lực tìm gặp Chúa Giêsu: họ tìm gặp không phải để thoả mãn tính tò mò, nhưng là để trở thành môn đệ của Ngài.

*********************

THỨ SÁU TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gáprien, Raphaen

“CON NGƯỜI” ĐƯỢC CÁC THIÊN THẦN TÔN VINH THỜ LẠY

(Đn 7:9-10.13-14; Ga 1:47-51)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ các Tỗng Lãnh Thiên Thần. Thiên thần—những sứ giả từ Thiên Chúa—xuất hiện thường xuyên trong Kinh Thánh, nhưng chỉ có Micaen, Gáprien, Raphaen được gọi tên. Micaen [Ai giống như Thiên Chúa?] xuất hiện thị kiến của Đanien như là “hoàng tử vĩ đại,” là người bảo vệ Israel khỏi các kẻ thù; trong sách Khải Huyền, Micaen hướng dẫn đạo quân của Thiên Chúa đến chiến thắng cuối cùng trên những mãnh lực sự dữ. Lòng sùng kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen là lòng sùng kính thiên thần cổ xưa nhất, bắt đầu từ Phương Đông vào thế kỷ thứ tư. Giáo Hội Phương Tây bắt đầu cử hành nghi lễ tôn Kính Micaen và các thiên thần vào thế kỷ thứ năm. Gáprien [Thiên Chúa là sức mạnh của con] cũng xuất hiện trong các thị kiến của Đanien, công bố vai trò của Micaen trong kế hoạch của Thiên Chúa. Sự hiện ra quan trọng nhất của Gáprien là cuộc gặp gỡ với người con gái Do Thái trẻ tên là Maria, là người đồng ý cưu mang Đấng Messia. Hoạt động của Raphaen [Sự chữa lành của Thiên Chúa] được trình thuật trong Sách Tôbít. Trong sách đó, Raphaen hiện ra để hướng dẫn con trai của Tôbít là Tôbia qua những cuộc mạo hiểm thần kỳ để đạt đến ba kết cục hạnh phúc: Kết hôn giữa Tôbia và Sara, chữa lành sự mù loà của Tôbít và khôi phục sự thịnh vượng của gia đình.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta thị kiến ban đêm của Đanien. Trong thị kiến, Đanien nhìn thấy phiên toà xét xử muôn dân muôn người. Trong phiên toà, “vị chủ toạ” là Đấng Lão Thành, “có ngàn ngàn hầu hạ Người, vạn vạn túc trực trước Thánh Nhan” (Đn 7:10). Khi việc xét xử bắt đầu thì quang cảnh của phiên toà thay đổi: “có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7:13-14). Những lời trên đưa chúng ta về hình ảnh trung tâm của ngày phán xét, đó là Con Người, điều mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Chúng ta sẽ như thế nào trong ngày phán xét? Chính Chúa Giêsu là Đấng mà mọi vinh quang danh dự đều quy chiếu về. Các thiên thần sẽ lên xuống để hầu hạ và túc trực trước nhan Ngài. Đây là điều chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng hôm này trình bày cho chúng ta về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Nathanaen. Để hiểu hơn sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta viết lại cuộc đối thoại như sau:

Đức Giêsu: “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.”

Nathanaen: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”

Đức Giêsu: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

Nathanaen: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!”

Đức Giêsu: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Trong cuộc đối thoại, Chúa Giêsu khẳng định Nathanaen là người Israel “đích thật.” Chi tiết ám chỉ rằng Nathanaen là một người Do Thái gương mẫu bởi vì ông ta không loại bỏ Chúa Giêsu, nhưng đến với Ngài. Ông là người công chính, ngay thẳng, ở nơi ông không có sự giả dối [men Pharisêu]. Lòng ông luôn tìm kiếm sự thật trong sách luật và các ngôn sứ. Hình ảnh ông ngồi dưới gốc cây vả liên quan đến truyền thống sau này, nói đến việc các rabi học luật “dưới gốc cây vả.” Như thế, chi tiết này ám chỉ đến việc những ai đọc và suy gẫm sách Luật sẽ được dẫn đến với Chúa Giêsu. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta đọc với thái độ như thế nào? Chúng ta có được thúc đẩy để đến với Chúa Giêsu và theo Ngài trên con đường yêu thương và phục vụ không?

Một chi tiết khác mà chúng ta có thể suy gẫm là câu khẳng định của Chúa Giêsu về việc các “thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người.” Hình ảnh này chỉ được hiểu khi chúng ta liên kết với câu 13: “Không có ai đã lên trời trừ Con Người đã từ trời xuống.” Câu này ám chỉ rằng: Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, ngoại trừ Con Người. Như vậy, thị kiến của Giacóp (St 28:11-12 – được sử dụng ở đây) đã được biến thành một viễn cảnh trong tương lai được hứa cho những người tin, lời hứa mà trong đó Chúa Giêsu là mối dây liên kết trời và đất. Như vậy, chỉ nơi Chúa Giêsu mà chúng ta có thể nhìn thấy ý nghĩa trọn vẹn của kiếp sống trên trần thế và những gì sẽ xảy ra trên thiên đàng. Chúng ta có cảm nghiệm được điều này mỗi khi đến với Chúa Giêsu không?

*********************

THỨ BẢY TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN

THẬP GIÁ: CÂU TRẢ LỜI CHO MẦU NHIỆM CỦA SỰ ĐAU KHỔ

(Dcr 2:5-9.14-15a; Lc 9:43b-45)

Khi xây một căn nhà, chúng ta thường thấy người ta cũng quan tâm nhiều đến việc xây dựng một bức tường vững chắc và đẹp. Thời xưa, các thành cũng thường có những tường luỹ bao quanh thật vững chắc để bảo vệ thành khỏi sự tấn công của quân thù. Đây là điều được trình bày trong thị kiến của ngôn sứ Dacaria. Thành Giêsusalem là thành rộng lớn. Dân chúng cũng xây dựng tường thành nhằm bảo vệ thành. Nhưng qua thị kiến này, Đức Chúa cho thấy không phải tường luỹ bằng sắt bằng đá có thể bảo vệ thành khỏi bị tấn công và phá huỷ. Nhưng chính là Đức Chúa: “Phần Ta, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ là tường luỹ bằng lửa bao quanh nó, và Ta sẽ là vinh quang ở giữa nó” (Dcr 2:9). Chính Đức Chúa là tường luỹ bao quanh để bảo vệ thành. Khi có Chúa là Đấng bảo vệ, thì không có kẻ thù nào có thể tấn công và tàn phá thành. Hơn nữa, không chỉ là thành luỹ bảo vệ thành, Đức Chúa còn đến và cư ngụ giữa con cái trong thành. Đây chính là lý do làm cho dân thành vui sướng reo hò (x. Dcr 2:14-15a). Những chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại “thành luỹ” bảo vệ cuộc đời chúng ta trước sự tấn công của “kẻ thù” là gì? Là ai? Chỉ khi có Chúa làm thành luỹ bảo vệ, chúng ta mới có đủ khả năng chống lại sự tấn công của cám dỗ, của thói hư tật xấu và như thế sẽ cảm nghiệm được niềm vui có Chúa ở cùng, có Chúa cư ngụ trong cung lòng chúng ta. Hãy để Đức Chúa là thành trì bảo vệ chúng ta. Đừng quá cậy dựa vào sức mình mà quên mất Chúa!

Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba câu. Nếu chúng ta lưu ý cẩn thận, chúng ta thấy cấu trúc bài Tin Mừng được sắp xếp cách cẩn thận để truyền tải cho chúng ta sứ điệp Chúa Giêsu muốn nói đến. Nội dung chính của sứ điệp đó nằm trong câu giữa (câu 44):  “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Những lời này đưa chúng ta về với lời khẳng định của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm qua về Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa. Để “biết” và “hiểu” điều này, thái độ cần thiết mà người môn đệ phải có là “lắng tai nghe cho kỹ.” Lắng nghe là thái độ mà người Do Thái được mời gọi để sống trong tương quan với Thiên Chúa. Đây là mệnh lệnh được tìm thấy trong “Shema Israel” (Đnl 4:6). Còn đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, thái độ lắng nghe phải là thái độ cần thiết nhất trong hành trình biết Chúa Giêsu là ai. Ngài là Lời của Thiên Chúa. Lời phải được lắng nghe. Chúng ta sẽ không biết và hiểu được Lời nếu chúng ta không lắng nghe cho kỹ.

Thái độ lắng nghe của người môn đệ được đặt đối nghịch với thái độ “bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giêsu làm” của mọi người. Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng: trong Tin Mừng Thánh Luca, tất cả các việc làm của Chúa Giêsu phải được nhìn từ khía cạnh của thập giá. Thái độ này được đặt đối diện với thái độ “tò mò” của Hêrôđê về những việc Chúa Giêsu làm. Qua việc làm của Chúa Giêsu, nhiều người đặt nghi vấn về căn tính của Ngài. Ở đây chúng ta nhận ra một định luật triết học, đó là hành động mạc khải hữu thể. Nói cách khác, qua hành động chúng ta biết được hữu thể. Cũng vậy, qua hành động của mình, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Ngài là ai. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về đời sống của mình. Chính hành động của chúng ta tỏ cho người khác biết mình là ai. Vấn đề ở đây là chúng ta không chỉ là những “con người” như những người thuộc tôn giáo khác. Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu; chúng ta là “con Thiên Chúa.” Liệu hành động của chúng ta có phản chiếu những thực tại này không?

Trước lời khẳng định về “căn tính của mình” là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa, các môn đệ “không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy” (Lc 9:45). Theo Marshall, câu này là lối diễn tả của Thánh Luca về “sự bí mật về đau khổ.” Nói cách cụ thể hơn, đau khổ hàm chứa một bí mật mà không ai có thể hiểu được. Chính bí mật này làm cho con người đôi khi cảm thấy sợ hãi. Quả vậy, kinh nghiệm cuộc sống dạy chúng ta rằng khi đối diện với đau khổ, chúng ta thường hỏi “tại sao.” Và chúng ta nhiều lần không tìm thấy câu trả lời. Đau khổ quả là một huyền nhiệm làm cho ai trong chúng ta cũng hoảng sợ. Chúng ta hoảng sợ đến nỗi, như các môn đệ, không dám hỏi Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một câu trả lời về đau khổ. Chỉ sau khi Chúa Giêsu phục sinh và món quà của sự hiểu biết được ban (x. Lc 24:13-35), các môn đệ mới hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm của đau khổ. Cũng vậy, chỉ trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu chúng ta mới có thể hiểu được những đau khổ mà mình đã hoặc đang đối diện. Càng đau khổ bao nhiêu, chúng ta càng phải ngước nhìn Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá bấy nhiêu. Chỉ trong ánh sáng của mầu nhiệm thập giá mà chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của những đau khổ chúng ta chịu.