CÁC BÀI SUY NIỆM TUẦN II MÙA CHAY
Lm Ngọc Dũng, SDB
THỨ HAI
HÃY TRỞ NÊN NHÂN LÀNH NHƯ CHA CHÚNG TA Ở TRÊN TRỜI
(Đn 9:4b-10; Lc 6:36-38)
Một người Kitô hữu (tu sĩ) tốt, thánh thiện là người cầu nguyện luôn. Chúng ta thường cầu nguyện một mình [cá nhân] hay cầu nguyện với người khác. Nhưng điều chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 hôm nay là: hãy cầu nguyện như chúng ta là. Điều này có nghĩa là gì? Nó đơn giản là: nếu chúng ta là những người cha, người mẹ thì hãy cầu nguyện như những người cha người mẹ; nếu là một người thầy, người cô, thì cầu nguyện như một người thầy, người cô; nếu là một người thánh hiến cho Thiên Chúa, thì hãy cầu nguyện như một người thánh hiến cho Thiên Chúa, v.v. Lời cầu nguyện và cách thức cầu nguyện phải tương hợp với mình là ai trước mặt Chúa và trước mặt anh chị em mình.
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta một mẫu cầu nguyện của một vị ngôn sứ, người cầu nguyện trên danh nghĩa của toàn dân. Chúng ta thấy trong mẫu cầu nguyện này những yếu tố cần thiết [chúng ta cũng đã trình bày trong các bài suy niệm trước] như sau: (1) nhận ra Thiên Chúa là ai (Đn 9:4b); (2) nhận ra mình là ai trước mặt Chúa (Đn 9:5-6); (3) nhận ra sự khác biệt giữa Thiên Chúa với chúng ta (Đn 9:7); (4) xin Thiên Chúa giúp để trở nên giống Ngài hơn (Đn 9:8-10).
Điều chúng ta cần suy gẫm trong bài đọc 1 hôm nay là việc Đanien nêu ra nguyên nhân tội lỗi của dân Israel [và chúng ta], đó là, “chúng con đã không nghe lời các tôi tớ Chúa là các ngôn sứ,” những người “đã nhân danh Chúa mà nói với vua chúa quan quyền, với cha ông chúng con và toàn dân trong xứ (Đn 9:6) và “chúng con đã không nghe tiếng của Đức Chúa là Thiên Chúa chúng con” (Đn 9:10). Kinh nghiệm thường ngày dạy chúng ta điều này. Khi chúng ta không lắng nghe và đem ra thực hành lời của Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng phạm tội và từ chối tình yêu và đường lối của Ngài. Nghe là một trong những thái độ cần thiết khi đến với Lời Chúa. Nhưng nghe với đôi tai thể lý thì chưa đủ; chúng ta phải nghe với đôi tai của tâm hồn. Chỉ có như thế thì lời Chúa mới có thể ở lại trong con tim của chúng ta và làm chúng ta trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Đây chính là điều mà bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay bao gồm lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ nhằm chỉ ra cho họ mục đích sống ơn gọi của họ là: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Thánh Luca sử dụng từ “lòng nhân từ” thay vì “hoàn hảo” [hay “hoàn thiện”] như Thánh Mátthêu. Trong Cựu Ước, lòng nhân từ là thuộc tính của Thiên Chúa, rất ít khi được gán cho con người, trong khi đó sự hoàn hảo là mục đích mà mỗi con người tìm kiếm. Nhìn từ khía cạnh này, Thánh Luca chỉ ra cho các môn đệ rằng mục đích mà họ tìm kiếm chính là trở nên giống Thiên Chúa mỗi ngày. Để trở nên giống Thiên Chúa là Cha trên trời, người môn đệ phải thực hiện những việc sau:
Thứ nhất người môn đệ không xét đoán người khác: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán” (6:37). Trong Kinh Thánh, ‘xét đoán’ không đơn giản là đưa ra một ý kiến để chỉ cho biết một điều gì đó đúng hay sai. Điều này chắc chắn là không tránh khỏi. Từ ‘xét đoán’ ở đây có nghĩa là ‘xét đoán cách gay gắt’ để kết tội hoặc chỉ trích. Đây chính là tiền đề của những gì Chúa Giêsu nói trong điều thứ hai mà các môn đệ phải tránh. Trong những lời trên, chúng ta được khuyến cáo rằng: Chúng ta thường xét đoán người khác, nhưng chúng ta phải ý thức rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về những xét đoán của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng việc một người xét đoán người khác cách không công bằng không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ đối xử với người đó với thái độ không công bằng. Ý nghĩa của những lời trên là: xét đoán anh chị em mình cách khắc nghiệt sẽ bị trừng phạt, nhưng theo lẽ công bằng. Nói cách đơn giản hơn, mình sẽ nhận lại những gì mà mình đã làm.
Thứ hai, người môn đệ không lên án anh chị em mình: “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (6:37). Xét đoán và lên án thường là hai hành động đi đôi với nhau. Thông thường, chúng ta lên án người khác dựa trên những gì chúng ta quan sát được, nhưng chúng ta không thể nào nhìn thấy những gì đang xảy ra trong họ. Vì vậy, chúng ta thường lên án anh chị em mình cách bất công. Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất thấu suốt tâm can con người, chỉ mình Ngài mới có thể lên án. Nhưng dù có quyền kết án, Thiên Chúa sai Con Một Ngài đến để cứu chúng ta chứ không phải để kết án chúng ta. Là những môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi sống đời cảm thông và tha thứ khi anh chị em mình lầm lỗi, xúc phạm đến chúng ta. Đây chính là điều thứ ba mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ thực hiện.
Thứ ba, người môn đệ mau mắn tha thứ cho người khác: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (6:37). Tha thứ cho người khác làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa, vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tha tội (x. Mc 2:7). Đời sống thường ngày dạy chúng ta rằng tha thứ là một trong những thách đố lớn nhất của mỗi người chúng ta. Để tha thứ, chúng ta phải chết đi con người của mình. Nhiều người thướng nói: tôi tha thứ chứ tôi không bao giờ quên điều người khác làm cho tôi. Thật sự là như vậy. Nhưng điều quan trọng là việc tôi ‘giữ trong lòng’ điều người khác làm cho tôi có cản trở việc tôi đến với người làm tổn thương tôi và làm tốt cho họ không? Chúng ta chỉ tha thứ thật cho một người khi chúng ta nối lại tương quan bị rạn nứt hay cắt đứt trước kia và làm tốt cho người đã làm mình đau khổ.
Cuối cùng, người môn đệ sống đời trao ban cách quảng đại: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (6:38). Những lời nay nhắc nhở người môn đệ về sự quảng đại của Thiên Chúa đối với họ. Tất cả những gì họ là và có đều đến từ Thiên Chúa. Họ chỉ là những người quản gia trung tín mà thôi. Chỉ những ai hiểu được chân lý này mới sống một đời sống quảng đại với anh chị em mình. Nói cách khác, chỉ những ai nhận ra rằng Thiên Chúa luôn quảng đại với mình thì mới có khả năng rộng mở bàn tay để trao ban cho kẻ khác.
****************
THỨ BA Tuần II Mùa Chay
SỐNG TRỌN VẸN CHO CHÚA
(Is 1:10.16-20; Mt 23:1-12)
Lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay là lời đem lại an ủi cho chúng ta, những tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Lời Đức Chúa phán với những dân sống trong hai thành được xem là tội lỗi nhất, đó là Xơđôm và Gômôra. Lời Đức Chúa thật âu yếm và yêu thương. Ngài mời gọi dân trong hai thành này thực hiện những điều sau: (1) Tránh làm điều bất lương: “Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa” (Is 1:16); (2) thực hành bác ái: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ” (Is 1:17); (3) chạy đến với Đức Chúa để cảm nghiệm sự tha thứ của Ngài: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18). Đây là hành trình sám hối của mỗi người chúng ta. Sám hối không chỉ đơn thuần ăn năn và xưng thú tội của mình rồi trở về lại với lối sống cũ. Sám hối là hành trình từ bỏ lối sống cũ [tránh thực hiện những điều xấu] và mặc lấy lối sống mới [sống đời bác ái yêu thương]. Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta cảm nhận cách sâu xa tình yêu bao la của Thiên Chúa, tình yêu mà biến màu đỏ của tội chúng ta thành màu trắng tinh tuyền. Là những tội nhân, chúng ta có tin tưởng chạy đến Đức Chúa để xin Ngài tha thứ và để bắt đầu một đời sống mới không?
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của những lời ‘khốn’ chống lại các kinh sư và người Pharisêu của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy bài Tin Mừng có hai phần: trong phần 1, Chúa Giêsu nêu ra lý do tại sao các kinh sư và người Pharisêu bị Chúa Giêsu ‘chống đối’ và trong phần 2, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống thái độ như thế nào trước người khác.
Trong phần 1, Chúa Giêsu công nhận việc giảng dạy của các kinh sư và người Pharisêu qua việc Ngài mời dân chúng và các môn đệ thực hành lời giảng dạy của họ: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23:1-3). Theo các học giả Kinh Thánh, từ ‘ngồi’ trên toà Môsê các kinh sư và người Pharisêu được sử dụng theo thì ‘quá khứ.’ Điều này ám chỉ rằng uy quyền của họ là ở quá khứ. “Toà của Môsê” là biểu tượng uy quyền của Môsê và những người Pharisêu tuyên nhận họ là những người thừa kế Môsê. Điểm đáng lưu ý trong những lời trên là việc Chúa Giêsu nêu ra lý do đầu tiên Ngài chống lại các kinh sư và những người Pharisêu, đó là lời dạy không đi đôi với hành động. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ nghe những lời dạy của họ và đem ra thực hành, chứ không bắt chước những việc họ làm. Chi tiết này mời gọi chúng ta thực hành những gì mình nói. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ trở nên những người đáng tin cậy.
Ngoài việc khiển trách các kinh sư và người Pharisêu không sống điều họ dạy, Chúa Giêsu còn khiển trách họ về những điều sau: (1) không sống sự liên đới với người khác hay nói cách khác là đồng lao cộng khổ: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23:4); (2) làm việc để cho người khác tôn vinh mình: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23:5; luôn tìm kiếm chỗ danh dự và lời khen của người khác trong đám đông: “Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy” (Mt 23:6-7). Đây cũng là những điều chúng ta cần lưu tâm vì nhiều lần chúng ta sống dửng dưng và đóng lòng mình lại trước những đau khổ của anh chị em. Chúng ta chỉ biết lo cho riêng mình. Cái tôi của chúng ta thật lớn vì chúng ta đặt cái tôi lên trước để được tôn vinh và phục vụ. Lời Chúa mời gọi chúng ta phải có đời sống thật khiêm nhường, ầm thầm và luôn đặt anh chị em mình lên trên để yêu thương và phục vụ.
Về phần các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi họ tập trung vào Ngài và tập trung vào Thiên Chúa hơn là vào chính mình: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:8-12). Chúa Giêsu hướng các môn đệ đi ra khỏi cái tôi của mình và vượt qua những ‘danh hiệu’ mà người khác đặt cho mình. Điều quan trọng trong cuộc sống không phải là chạy theo những danh hiệu chính mình và người khác đặt ra, nhưng chạy theo danh hiệu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, đó là trở nên môn đệ chân chính của Ngài.
************
THỨ TƯ Tuần II Mùa Chay
CHÉN ĐẮNG CỦA CHÚA GIÊSU: PHỤC VỤ ANH CHỊ EM CHO ĐẾN CÙNG
(Gr 18:18-20; Mt 20:17-28)
Chúng ta thường đáp lại những hành động không tốt của người khác bằng một hành động không tốt khác. Nếu có người chửi tôi thì tôi chửi lại, hoặc tệ lắm thì tôi cũng nói lời khó nghe hoặc có một ý tưởng không tốt về họ; nếu một người nói xấu tôi thì tôi cũng sẽ nói những lời không hay về họ hoặc ít ra cũng có ý tưởng không hay về họ. Có mấy người trong chúng ta đáp lại điều không tốt bằng một việc tốt. Điều này thật hiếm, nhưng không phải là không thể và không có. Nó chỉ có thể cho những người luôn chạy đến Chúa khi người khác mang lại cho cuộc sống của họ nhiều nước mắt và đau khổ. Đây là trường hợp của Ngôn sứ Giêrêmia mà chúng ta nghe trong bài đọc 1.
Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Giêrêmia thuật lại cho chúng ta câu chuyện về chính ngài khi bị kẻ thù mưu hại. Cấu trúc của bài đọc 1 gồm có hai phần: âm mưu của kẻ thù và phản ứng của Giêrêmia. Kẻ thù của Giêrêmia mưu toan rằng: “Hãy đến đây ta cùng nhau bàn mưu tính kế hại Giêrêmia. Vì thiếu tư tế, lề luật không chết, thiếu hiền nhân, không thiếu ý kiến, thiếu ngôn sứ, không thiếu lời dạy bảo. Đến đây, ta hãy dùng lời nó mà hại nó, và phải hết sức để ý đến mọi lời nó nói” (Gr 18:18). Chúng ta thấy, họ chỉ để ý đến lời nói của ngôn sứ để mưu hại. Tại sao? Vì ngôn sứ là người “nói” nhân danh Thiên Chúa. Như vậy, chính qua “lời nói” mà họ có thể phân biệt được ngôn sứ thật và ngôn sứ giả. Chúng ta thường nghe người ta nói: cái miệng hại cái thân. Một lời nói thiếu suy nghĩ sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Nhìn vấn đề từ khía cạnh khác, thì việc bàn mưu tính kế hại Giêrêmia khuyến cáo chúng ta việc đừng tìm cách kéo bè kéo phái để mưu hại người khác khi họ không sống theo “phong cách” của chúng ta.
Đứng trước mưu toan của kẻ thù, phản ứng của Ngôn sứ Giêrêmia là chạy đến “than thở” với Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa, xin để ý đến con và nghe những kẻ tố cáo con nói đó. Nào có ai lấy oán đền ơn? Thế mà chúng lại đào hố nhằm làm con mất mạng. Xin Ngài nhớ cho: con đã từng đứng trước nhan Ngài để nói tốt nói hay cho chúng, để ngăn cơn thịnh nộ của Ngài khỏi giáng lên đầu chúng” (Gr 18:19-20). Điều đầu tiên Ngôn sứ Giêrêmia làm khi biết người khác tìm cách hại mình là nghĩ đến Đức Chúa và chạy đến với Ngài. Ngôn sứ chỉ muốn Thiên Chúa là Đấng minh oan cho mình. Còn chúng ta thì sao? Khi biết người khác âm mưu hại chúng ta hoặc khi người khác hại chúng ta, việc đầu tiên chúng ta làm là gì? Và người đầu tiên chúng ta chạy đến là ai? Chỉ những ai chạy đến với Chúa thì mới có những phản ứng đúng đắn khi người khác hại mình hoặc làm cho mình đau khổ.
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay dạy các môn đệ về việc thực thi quyền bính. Chúng ta có thể thấy bài Tin Mừng gồm ba ý nối kết với nhau. Ý đầu tiên nói về lời tiên báo lần thứ ba của Chúa Giêsu về cuộc thương khó của Ngài: “Khi ấy, lúc sắp lên Giêrusalem, Đức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường Người nói với các ông: ‘Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20:17-19). Lời tiên báo xảy ra khi Chúa Giêsu ‘sắp lên Giêrusalem’ và ‘khi Ngài đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình.’ Đây chính là bối cảnh chuẩn bị cho việc ‘tranh giành chỗ nhất’ của các môn đệ. Sự kiện là Chúa Giêsu ‘sắp lên Giêrusalem’ đã tạo cho các môn đệ ấn tượng Ngài là Đấng Messi dân Do Thái đang mong chờ. Một Đấng Messia dùng quyền lực chính trị đánh đuổi quân Rôma và thiết lập vương quốc Israel bền vững cho đến muôn đời. Vì vậy, khi Ngài lên Giêrusalem lần này, Ngài có thể sẽ thiết lập vương quốc của Ngài. Nên các môn đệ mới bắt đầu tranh luận ai sẽ là người trong họ có được chỗ nhất trong vương quốc Ngài vì cả Mười Hai ông là môn đệ của Ngài. Đây cũng là vấn đề con người thường tranh đấu, được ‘ăn trên ngồi trốc.’ Ngay cả giữa chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu cũng thế, chúng ta cũng đi tìm kiến chỗ nhất cho chính mình. Nhưng Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng để được chia sẻ trong vinh quang của Ngài, họ cũng phải chia sẻ chén đắng của Ngài. Nếu Ngài bị nộp, bị kết án, bị nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, thì người môn đệ của Ngài cũng phải trải qua những điều đó. Tại sao chúng ta lại muốn vinh quang mà không qua thập giá?
Đứng trước một sự kiện lớn, ai trong chúng ta cũng muốn có được một chỗ đứng nổi bật. Đây cũng chính là ước muốn của các môn đệ Chúa Giêsu. Họ muốn có được chỗ nhất trong vương quốc của Ngài, nên họ tìm cách để chiếm lấy: “Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: ‘Bà muốn gì?’ Bà thưa: ‘Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy’” (Mt 20:20-21). Việc Thánh Mátthêu đặt lời yêu cầu vào miệng của một người phụ nữ, mẹ của các con ông Dêbêđê là để tránh cho các môn đệ tiếng xấu là ham quyền lợi danh. Hơn nữa, thánh sử cũng không đề cập đến tên của Giacôbê và Gioan là để bảo vệ danh tiếng anh hùng của các tín hữu người Do Thái, đó là Giacôbê. Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định việc phải chia sẻ trong sự đau khổ của Ngài, còn vinh quanh sẽ được Chúa Cha ban cho: “Đức Giêsu bảo: ‘Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?’ Họ đáp: ‘Thưa uống nổi.’ Đức Giê-su bảo: ‘Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được’” (Mt 20:22-23). Trong những lời này, chúng ta thấy hai môn đệ sẵn sàng chia sẻ chén đắng với Chúa Giêsu, nhưng với động lực rất con người là được ngồi bên hữu hay bên tả trong vương quốc Ngài. Đây cũng là tâm tình của nhiều người trong chúng ta vì chúng ta cũng thường muốn chia sẻ với Chúa trong chén đắng của Ngài với điều kiện là được chỗ vinh dự trước mặt người đời. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chia sẻ chén đắng của Ngài, nhưng không tìm vinh quang trước mặt người đời, mà tìm vinh quang đến từ Thiên Chúa mà thôi.
Đứng trước khát vọng quyền lực của các môn đệ, Chúa Giêsu dạy họ về quyền lực đích thật của các môn đệ của Ngài không đến từ việc người khác cúi đầu tôn vinh, mà đến từ đời sống phục vụ: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:25-28). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra hai loại lãnh đạo: Loại thứ nhất là thống trị và cai quản người khác bằng quyền lực để người khác quy phục mình; còn loại thứ hai là thống trị và cai quản người khác bằng đời sống phục vụ để người khác theo mình. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về việc trở nên một người lãnh đạo qua phục vụ. Chúng ta noi gương Ngài phục vụ anh chị em mình trong tình yêu và cảm thông.
**************
THỨ NĂM Tuần II Mùa Chay
SỐNG NHẠY CẢM VỚI NHU CẦU CỦA NGƯỜI BÊN CẠNH
(Gr 17:5-10; Lc 16:19-31)
Trong cuộc sống, chúng ta luôn dùng những cặp tương phản để đánh giá về con người: người này tốt, người kia xấu; người này vui, người kia buồn, v.v. Bài đọc 1 hôm nay cũng dùng hình ảnh tương phản để nói lên hai loại người: loại tin vào người đời và loại tin vào Thiên Chúa.
Ngôn sứ Giêrêmia trình bày cho chúng ta về hậu quả của những người tin tưởng ở người đời. Họ là những người đáng nguyền rủa vì lòng dạ xa rời Thiên Chúa. Quả thật, không có gì sai khi tin tưởng ở người khác. Nhưng điều làm chúng ta bị nguyền rủa là “lòng dạ xa rời Thiên Chúa.” Khi làm như thế, chúng ta trở thành “như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17:5). Những người đặt niềm tin vào người đời, họ chỉ có được những hạnh phúc chóng qua nhất thời. Ngược lại, những người đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Ngài làm chỗ nương thân thì họ sẽ như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Gr 17:8). Chúng ta thuộc loại người nào trong hai loại trên?
Câu cuối cùng của bài đọc 1 hôm nay là lời cảnh tỉnh cho chúng ta khi tương quan với người khác: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được? Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm” (Gr 17:9-10). Cho dù không ai biết lòng dạ của chúng ta, nhưng Thiên Chúa biết. Điều này nhắc nhở chúng ta phải sống tốt, làm tốt mọi nơi mọi lúc, dù người khác không nhìn thấy, dù người khác không theo, dù người khác không để ý. Vì Chúa nhìn thấy hết tâm can chúng ta và Ngài sẽ thưởng cho chúng ta theo việc chúng ta làm.
Bài Tin Mừng hôm nay kể về dụ ngôn Người Phú Hộ Giàu Có và Ladarô. Bài Tin Mừng tiếp tục đề tài về chia sẻ của cải cho người khác, đặc biệt là những anh chị em đang túng thiếu, mà dụ ngôn Người Quản Gia Bất Tín tuần trước đã thuật lại cho chúng ta. Dụ ngôn hôm nay cho chúng ta thấy mọi sự dường như bị đảo ngược trong sự sống đời sau. Bài Tin Mừng là một “câu chuyện hai tầng” tập trung vào ông nhà giàu, năm người anh em và người đọc câu chuyện [chúng ta]. Câu hỏi được câu chuyện đặt ra là: Liệu năm người anh em và người đọc [chúng ta] sẽ sống theo lối sống của ông nhà giàu hay làm theo lời dạy của Chúa Giêsu và của Cựu Ước để chăm sóc người nghèo như Ladarô và như thế trở thành con cái Abraham? Nếu năm người anh em và người đọc không theo lời dạy của Chúa Giêsu, họ sẽ không có chỗ trong bàn tiệc của Đấng Messia.
Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng làm hai phần: phần 1 [Lc 16:16-26] trình bày đời sống của ông nhà giàu và người nghèo khi đang sống và sau khi chết. Trong phần 2 [Lc 16:27-31, chúng ta sẽ tìm thấy lý do tại sao ông nhà giàu bị luận phạt. Khi phân tích cẩn thận phần 1, chúng ta nhận ra rằng ông nhà giàu dường như không làm gì sai về mặt luân lý. Chúng ta đọc thấy: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình” (Lc 16:19). Chúng ta không thấy ông phạm tội gì trong Mười Điều Răn. Ông đơn giản chỉ “hưởng thụ” những gì ông có, hay đúng hơn được ban cho ông. Bản văn cũng không cho chúng ta thấy Ladarô đúng về mặt luân lý. Điều chúng ta biết về Ladarô là: “Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16:20-21). Chúng ta thấy Ladarô không làm việc gì tốt, ngoại trừ “mấy con chó đến liếm ghẻ chốc anh ta.” Điều gì làm cho tình trạng của họ thay đổi sau khi chết?
Chi tiết đáng để chúng ta lưu ý đầu tiên trong phần 1 là “ông nhà giàu” không có tên, trong khi đó “một người nghèo” lại có tên. Trong tư tưởng của người Do Thái, tên rất quan trọng vì nó nói đến nguồn gốc và căn tính của người đó. Tên để được gọi. Tên để thiết lập tương quan. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta hiểu ông nhà giàu không có tên vì ông chỉ có một tương quan duy nhất, đó là với của cải vật chất, những thứ không thể gọi tên người. Chỉ có con người mới gọi tên sự vật và tên nhau, chứ sự vật không thể gọi tên người. Tuy nhiên, Thánh Luca không đặt tên cho ông nhà giàu với lý do là để chính mỗi người chúng ta điền tên mình vào chỗ ông nhà giàu để nhìn lại tương quan của mình với người khác và với của cải vật chất. Bài học của ông nhà giàu cho chúng ta thấy, chỉ có “tương quan” với con người qua đời sống bác ái mới đảm bảo cho chúng ta hạnh phúc đời sau. Còn tương quan với vật chất sẽ không đi theo chúng ta khi chúng ta chết. Nói cách cụ thể hơn, chỉ có con người [những người yêu mến chúng ta] mới cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta chết, còn vật chất của cải không thể theo và cầu nguyện cho chúng ta khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này.
Cuộc đối thoại giữa Ápraham và ông nhà giàu là chi tiết thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm. Nó giúp chúng ta thấy được sự “đảo lộn” xảy ra sau cuộc sống dương thế. Trong cuộc đối thoại này, chúng ta thấy lời dạy của Chúa Giêsu về mối phúc cho người nghèo và mối hoạ cho người giàu trong bài giảng về các mối phúc và hoạ mà Thánh Luca đã trình bày trong chương 6 (câu 20-26) được hoàn thành. Chi tiết trọng tâm ở đây là: “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16:22). Những lời này chỉ cho chúng ta thấy một thực tại, dù giàu hay nghèo cũng phải đối diện, đó là cái chết. Ai cũng phải chết! Tuy nhiên, điều xảy ra sau cái chết mới quan trọng: Ladarô được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham, còn ông nhà giàu thì bị đem đi chôn. Trong lời giải thích của Ápraham, chúng ta thấy ông nhà giàu “đã nhận được phần phước trên dương thế,” hay nói cách khác là ông đã “được trả công rồi.” Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về lối sống tìm kiếm những thú vui trần thế mà quên vun trồng cho mình một kho tàng trên trời. Để có được kho tàng trên trời, chúng ta cũng phải như Ladarô, “suốt đời chịu toàn những bất hạnh” (Lc 16:25), tức là vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu. Khoảng cách trên dương thế giữa chúng ta với anh chị em quyết định khoảng cách trong cuộc sống mai sau: “Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16:26). Khoảng cách giữa ông nhà giàu và Ladarô là “cái cổng.” Chính khoảng cách này tạo ra một vực thẳm lớn giữa ông và Ladarô trong cuộc sống mai sau. Khoảng cách giữa chúng ta và anh chị em mình cũng chỉ là “cánh cửa trái tim.” Liệu chúng ta có mở để mời họ vào ngồi chung bàn không?
Phần 2 tiếp tục cuộc đối thoại giữa Ápraham và ông nhà giàu. Trong cuộc đối thoại này, Ápraham chỉ ra lý do tại sao ông nhà giàu bị luận phạt. Chúng ta tìm thấy lý do trong câu trả lời của Ápraham cho thỉnh nguyện của ông nhà giàu: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16:29). Câu này chỉ cho thấy ông nhà giàu đã không “yêu thương người thân cận như chính mình” như Môsê và các Ngôn Sứ dạy. Bên cạnh khẳng định này, qua những lời này Chúa Giêsu khẳng định giá trị của Cựu Ước vì nó chuẩn bị cho việc đón nhận Chúa Giêsu. Điều này chúng ta thấy nơi hai câu cuối của bài Tin Mừng: “Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Ápraham đáp: ‘Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’” (Lc 16:30-31). Những lời này ám chỉ việc khi Chúa Giêsu sống lại, nhiều người đã không tin vào Ngài và như thế không tin vào sự sống đời đời. Cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay cũng thường bị chi phối bởi “cơm áo gạo tiền.” Điều này làm chúng ta không quan tâm hoặc không đặt đúng vị trí những giá trị thiêng liêng [sự sống đời sau]. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xem xét lại những tương quan chúng ta có, nhất là hai tương quan với Chúa [nghe và thực hành lời Ngài] và tương quan với anh chị em [quan tâm và chăm sóc]. Chính hai tương quan này sẽ quyết định “vận mệnh” của chúng ta trong sự sống đời sau.
***************
THỨ SÁU Tuần II Mùa Chay
HÃY TRAO CHO CHÚA CÁC HOA LỢI CHÚNG TA LÀM RA
(St 37:3-4.12-13a.17b-28; Mt 21:33-43.45-46)
Lời Chúa ngày hôm nay kể về hai câu chuyện của hai người con. Hai hình ảnh hoàn toàn khác nhau: một người là một trong số 12 người con, trong khi người kia là con một. Nhưng cả hai có điểm tương đồng như sau: cả hai người gặp đau khổ vì người khác tạo ra cho mình. Chúng ta thấy ở đây kỳ công Chúa đã thực hiện trong cả hai trường hợp. Hay nói đúng hơn, qua hai câu chuyện, chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa tuyệt hảo như thế nào. Đây là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta khi chúng ta phải mang thập giá người khác tạo ra cho mình: Thiên Chúa sẽ biến nước mắt của chúng ta thành niềm vui.
Câu chuyện về Giuse trong bài đọc 1 tiếp tục nói về sự đổ vỡ của tương quan trong gia đình nhân loại. Những tuần trước chúng ta đã chia sẻ với nhau về đổ vỡ trong tương quan vợ chồng của hôn nhân đầu tiên của nhân loại giữa Adam và Eva, về đổ vỡ trong tương quan huynh đệ giữa hai anh em đầu tiên là Cain và Abel. Và hôm nay, chúng ta chứng kiến sự đổ vỡ ngay trong gia đình mà từ đó 12 chi tộc của dân thánh Israel sẽ được sinh ra. Nhìn lại những đổ vỡ này, chúng ta nhận ra rằng: nguồn gốc của đổ vỡ là do ghen tỵ, là do việc không chấp nhận giới hạn của mình nên không muốn người khác hơn mình.
Từ thực tế cuộc sống, chúng ta phải chân nhận rằng khi người khác được quan tâm và yêu thương hơn mình, chúng ta thường có cảm giác khó chịu và nhiều khi chúng ta trở nên tự ti, ghen tỵ và khép kín. Đôi khi chúng ta tỏ ra thái độ không mấy thiện cảm với người kia. Các anh của Giuse thấy cha yêu và quan tâm cậu hơn họ, nên họ “sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu” (St 37:4). Được yêu nhiều và quan tâm hơn không phải là lỗi của Giuse. Lỗi của Giacóp chăng? Những người anh của Giuse có thể nghĩ rằng Giacóp đã không đối xử công bằng với họ. Ông không thương mọi người như nhau và đó là lý do làm cho họ ghen tỵ và là nguyên nhân dẫn họ đến việc đối xử “tàn nhẫn” với Giuse. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, trong Kinh Thánh, chúng ta thường thấy người con út hoặc trẻ hơn đều được yêu thương và quan tâm hơn (như Abel, Giuse, David, v.v.). Điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là, hình ảnh người con trẻ đại diện cho sự thiếu trưởng thành nên cần được chăm sóc và quan tâm. Còn những người đã trưởng thành thì không cần đến điều này vì họ đã biết yêu và cảm nhận được mình được yêu. Chúng ta rút ra được điều gì trong chi tiết này? Những người luôn đi tìm sự quan tâm, yêu thương và chú ý của người khác, có thể nói, là những người chưa trưởng thành vì họ chưa biết yêu và chưa cảm nghiệm là họ được yêu. Người trưởng thành là người không ghen tỵ với người khác và cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc khi người khác được yêu và quan tâm hơn mình, vì điều đó cho biết mình đã trưởng thành và biết thế nào là yêu và được yêu.
Điều chúng ta thường thấy trong lịch sử con người là trong sự dữ luôn có sự hiện diện của sự thiện, trong những mưu toan phá huỷ cũng có kế hoạch xây dựng. Chúng ta thấy trong câu chuyện của Giuse có sự hiện hữu của “cha của kẻ nói dối”: các người anh mưu toan giết Giuse và nói dối với Giacóp là cậu bị thú dữ ăn thịt (x. St. 37:20). Chúng ta thấy sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay qua hình ảnh Rưuvên và sau đó là của Giuđa. Chính những “toan tính tốt lành” của họ mà Thiên Chúa đã thực hiện công trình vĩ đại của Ngài là cứu dân Israel khỏi cảnh túng thiếu lương thực trong khi hạn hán. Trong những đắng cay của cuộc đời luôn có sự an ủi dịu ngọt của Thiên Chúa.
Chúng ta thấy phản ứng của Giuse trong câu chuyện thật khác thường: Cậu không chống lại, không nói lời nào. Cậu hoàn toàn thinh lặng. Hình ảnh của Thánh Giuse trong Tân Ước được phản chiếu ở cậu: anh chàng chiêm bao. Điều này chúng ta cũng thấy rõ ràng trong hình ảnh của Thánh Giuse: Chúa luôn báo cho Ngài mọi sự Ngài cần thực hiện qua chiêm bao. Câu chuyện Giuse bị bán sang Aicập sẽ được tái diễn trong Tân Ước với hình ảnh Thánh Giuse đem Chúa Giêsu và Mẹ Maria trốn sang Aicập để lời Ngôn sứ Isaiah được ứng nghiệm. Tuy nhiên, điều chúng ta lưu ý ở đây là thái độ thinh lặng của Giuse trước những sự dữ mà những người anh của cậu làm cho cậu. Hình ảnh thinh lặng này của Giuse được phản chiếu trong hình ảnh của người con trong bài Tin Mừng hôm nay. Không một lời hay một hành động chống cự nào của người con được ghi chép lại. Người con hoàn toàn thinh lặng. Thái độ thinh lặng này nhắc nhở chúng ta hãy bình tĩnh và thinh lặng khi đối diện với thập giá người khác tạo ra cho chúng ta. Nói cách khác, người không biết thinh lặng sẽ không hiểu được ý nghĩa đằng sau những thập giá chúng ta phải vác trong cuộc sống hằng ngày.
Câu chuyện vườn nho và những tá điền gian ác trong bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh những bài giảng dạy sau cùng của Chúa Giêsu ở Giêrusalem. Sự hiện diện của Chúa Giêsu ở Giêrusalem trước cuộc thương khó của Ngài báo trước sự đến gần của Nước Thiên Chúa. Chi tiết này được phản chiếu trong câu: “gần đến mùa hái nho” (Mt 21:34). Đây là sứ điệp đầu tiên mà Ngài rao giảng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2). Chúng ta thấy hai đề tài về “sám hối” và “Nước Trời” được đề cập trong bài Tin Mừng hôm nay. Hai đề tài này luôn đi với nhau không thể tách rời, để nói cho chúng ta rằng: người nào muốn được vào Nước Trời thì phải sám hối, phải thay đổi lối sống, lối suy nghĩ và nhất là phải sinh lợi cho chủ.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc sinh lợi cho chủ và trả lại cho chủ những gì thuộc về ông. Nhưng chúng ta thấy thay vì sinh lợi cho chủ thì các tá điền dành lấy cho mình. Chúng ta chọn ba điểm trong bài Tin Mừng hôm nay để suy gẫm về điều Chúa muốn mời gọi chúng ta thực hiện để xứng đáng được vào Nước Trời.
Thứ nhất là hành động của ông chủ: “Có chủ nhà kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa” (Mt 21:33). Hình ảnh vườn nho thường được sử dụng để ám chỉ dân Israel và hôm nay chính là Giáo Hội. Ông chuẩn bị mọi sự sẵn sàng từ bên trong lẫn bên ngoài, không thiếu một điều gì. Và ông trao cho các tá điền trông coi vườn nho của mình mà không can thiệp gì. Ông chỉ đợi đến mùa nho để thu hoa lợi thuộc về ông. Khi các tá điền không trao hoa lợi thuộc về ông, ông vẫn kiên nhẫn cho họ cơ hội. Hình ảnh ông chủ này chính là hình ảnh của Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ. Ngài chuẩn bị mọi sự và trao cho chúng ta toàn bộ “gia tài” của Ngài [đó là con tim có khả năng yêu thương, vì Ngài là tình yêu]. Ngài để chúng ta tự do sử dụng gia tài của Ngài. Ngài kiên nhẫn với chúng ta và cho chúng ta nhiều cơ hội để thay đổi. Ngài chỉ mong chúng ta trao lại cho Ngài những gì thuộc về Ngài. Trước thái độ này của Thiên Chúa, chúng ta có thay đổi không? Đừng để Chúa chờ quá lâu!
Thứ hai là hành động của những tá điền: họ đối xử tệ với những người mà chủ sai đến để thu hoa lợi. Cuối cùng, họ còn giết cả người con duy nhất của ông chủ. Chúng ta biết Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói về định mệnh của các Ngôn Sứ được sai đến cho dân Israel trước Ngài và định mệnh của Ngài là bị bắt, bị “tống ra khỏi vườn nho và giết đi” (Mt 21:39). Họ cứ nghĩ rằng, khi họ giết được người con thì vườn nho thuộc về họ. Họ quên mất một điều là ông chủ vẫn sống và vườn nho là của ông. Chính vì vậy mà “ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông” (Mt 21:41). Chúng ta nhiều khi cũng giống như những tá điền: chúng ta đối xử tệ bạc với những người Thiên Chúa sai đến để giúp chúng ta như cha mẹ, thầy cô, hoặc những người có trách nhiệm trên chúng ta. Không những thế, chúng ta còn giết chết Chúa Giêsu từng ngày khi chúng ta để cho con tim của mình bị chiếm lấy bởi sự ghen tỵ và hận thù ngay sau khi chúng ta rước Ngài trong thánh lễ; khi chúng ta để cho hành động của mình không phản chiếu tình yêu đầy yêu thương của Ngài. Hãy cẩn thận, đừng để Chúa Giêsu không tìm thấy chỗ trong con tim của chúng ta.
Điểm cuối cùng là câu nói của Chúa Giêsu: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Mt 21:42). Trong câu này, chúng ta thấy được sự khác biệt giữa những gì con người có thể làm và những gì Thiên Chúa có thể làm. Nói cách cụ thể, những gì con người loại trừ sẽ trở nên quan trọng trong bàn tay của Thiên Chúa. Đây chính là điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm. Nhìn vào cuộc sống của mình [nhất là những người thánh hiến cho Thiên Chúa], chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước mặt người đời chúng ta không có giá trị gì, nhưng khi hoàn toàn trao cuộc sống của mình vào tay Thiên Chúa, chúng ta trở nên mối phúc cho nhiều người. Điểm này nhắc nhở chúng ta hai điều: thứ nhất là chúng ta đừng thất vọng về chính mình khi người khác cho rằng mình “không được tích sự gì”; hãy đặt trọn vẹn con người của mình vào tay Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy điều kỳ diệu Ngài sẽ thực hiện. Thứ hai là chúng ta tránh thái độ coi thường người khác khi họ dường như “vô dụng.” Họ có thể vô dụng với chúng ta, nhưng hữu dụng trong bàn tay của Thiên Chúa. Tóm lại, hãy biết trân trọng chính mình và người khác với những gì chúng ta có và chúng ta là.
****************
THỨ BẢY Tuần II Mùa Chay
THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG NHÂN HẬU, TỪ BI
(Mk 7:14-15.18-20; Lc 15:1-3.11-32)
Trong bài đọc 1, chúng ta nghe lời cầu khẩn của dân Chúa qua miệng ngôn sứ Mikha. Nếu chúng ta lưu ý cấu trúc của trích đoạn, chúng ta nhận ra câu 18 là câu ở giữa, câu quan trọng nhất vì nó trình bày cho chúng ta biết Thiên Chúa chúng ta là Đấng giàu lòng xót thương mà không có thần minh nào như Ngài: “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài?” Hai câu đầu (câu 14-15) là lời cầu xin Đức Chúa đến để chăn dắt họ như thuở xưa Ngài đã chăn dắt cha ông họ: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài dùng gậy chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái. Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Basan và Galaát như những ngày thuở xa xưa. Như thời Ngài ra khỏi đất Aicập, xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công.” Đối với người Do Thái, việc nhớ lại những kỳ công Đức Chúa đã làm là một điều quan trọng vì điều đó giúp cho dân nhận biết uy quyền của Đức Chúa. Ngài tỏ uy quyền của Ngài cách đặc biệt nhất qua việc tỏ lòng thương xót với dân Ngài. Đây chính là nội dung của hai câu cuối (câu 18-19) của đoạn trích: “Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Giacóp, và tình thương cho Ápraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước.” Những lời này vẽ lên một hình ảnh thật đẹp về Đức Chúa mà chúng ta tôn thờ. Ngài là một Thiên Chúa chậm giận và giàu lòng khoan dung. Có một Thiên Chúa như thế, chúng ta an tâm đặt trọn niềm tin vào Ngài dù cuộc sống của chúng ta còn nhiều yếu đuối và vấp ngã.
Ba dụ ngôn trong chương 15 là những dụ ngôn đặc trưng của Thánh Luca. Qua ba dụ ngôn này, Thánh Luca muốn nói với chúng ta rằng lòng thương xót của Thiên Chúa vượt qua tất cả những giới hạn của con người khi nghĩ đến việc Thiên Chúa sẽ đối xử với những người tội lỗi như thế nào. Tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa có thể nói rất “dại dột” như người mục tử bỏ rơi 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, như người phụ nữ xáo trộn cả căn nhà của mình để tìm cho được đồng tiền đã mất, và như một người cha Do Thái, là người vui mừng đón “người con đã trở thành dân ngoại” của mình trở về. Qua ba dụ ngôn này, Thánh Luca nhắc nhở chúng ta rằng: Vì chúng ta có một Thiên Chúa yêu thương như thế, nên chúng ta theo con đường Giêsu để tin tưởng và vui mừng chạy đến với Ngài.
Ba dụ ngôn này có cùng một kiểu mẫu: mất – đi tìm – tìm thấy – vui mừng. Qua ba dụ ngôn này, Chúa Giêsu nói cho chúng ta về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, đó là một tình yêu “tìm kiếm” những người con đã bỏ đi. Trong hai dụ ngôn đầu, Thánh Luca trình bày tình yêu Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi trong hình ảnh của một người nam và một người nữ. Điều đầu tiên chúng ta cần lưu ý trước khi phân tích ba dụ ngôn là lý do cho cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu. Mặc dù Thánh Luca không đặt cuộc tranh luận vào trong bối cảnh bàn ăn hay giảng dạy, nhưng cuộc tranh luận này vẫn có sự quy chiếu về bàn tiệc, điều mà chúng ta thấy trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Vấn đề bên dưới cuộc tranh luận hay đúng hơn dưới ba dụ ngôn là câu hỏi: Sẽ có một số người bị loại ra khỏi tình yêu Thiên Chúa phải không? Qua ba dụ ngôn, Thánh Luca nói cho những thành viên trong cộng đoàn mình rằng không ai bị loại trừ khỏi tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.
Câu điệp khúc chúng ta nghe trong suốt chương 15 là “mất”: mất chiên, mất đồng tiền (câu 9), mất người con (câu 24), và mất người anh em (câu 32). Trong ba dụ ngôn, chỉ có dụ ngôn thứ nhất cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (18:12-14). Cũng như dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, đề tài chính là “niềm vui”: Niềm vui được đến gần Chúa Giêsu; niềm vui được đồng bàn với Ngài [Thánh Thể]; niềm vui được yêu thương, được tìm thấy và được tha thứ. Chi tiết này thường dễ dàng bị bỏ qua bởi nhiều người khi đọc ba dụ ngôn này, họ chỉ chú tâm đến thái độ của người Pharisêu hay sự tha thứ của Thiên Chúa mà quên mất đi niềm vui khi được tha thứ và lời mời gọi “chia sẻ” niềm vui được tha thứ đó cho người khác bằng cách tha thứ cho họ. Theo các học giả Kinh Thánh, ba dụ ngôn [nhất là hai dụ ngôn đầu] nhấn mạnh đến đề tài niềm vui với bốn đặc tính sau: (1) chủ đề về phổ quát, cộng đoàn và cứu độ luôn đan xen với nhau; (2) sự sám hối luôn là tiền đề để tìm thấy niềm vui; (3) hạnh phúc chủ yếu hệ tại việc sẵn sàng chia sẻ niềm vui của chính Thiên Chúa trong việc mang ơn cứu độ đến cho mọi người; (4) lời mời gọi tham dự vào tình yêu và niềm vui của Thiên Chúa đến từ Đức Giêsu Kitô.
Chúng ta cùng nhau tập trung vào dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, để khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa, tình yêu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tham dự. Dụ ngôn này kể cho thính giả nghe về câu chuyện của hai anh em. Trong câu chuyện này, người em “được vinh quang” hơn người anh. Chi tiết này gợi lại cho chúng ta những câu chuyện về anh em xảy ra trong Cựu Ước: Cain và Aben; Êsau và Giacóp; ông Giuse và các người anh của ông. Chúa Giêsu dường như đổi ngược sự mong chờ: người con hoang đàng là hình ảnh của người em. Điều làm cho người em trở nên “không là chính mình” là việc “đi chăn heo.” Việc chăn heo đã làm cho người em rơi vào vũng sâu của lối sống dân ngoại. Trong sự khốn cùng của mình, người em thầm thốt lên những điều khơi dậy sự sám hối trong mình. Khi anh ta trở về, đúng ra anh phải “chạy” đến với người cha, nhưng bài Tin Mừng lại trình bày cho chúng ta thấy chính người cha “chạy” đến với anh. Hành động này không thể chấp nhận được theo văn hoá phương đông: Một người già không thể chạy cách vội vã. Hành động này không có nhân phẩm cho lắm! Nhưng tình yêu của người cha đã làm cho ông không quan tâm đến chính mình, cho bằng nhân phẩm của người con. Sự tha thứ của người cha dành cho người con, là người đã trở thành dân ngoại, được diễn tả trong nghi thức mang áo, đeo nhẫn, dày, và tiệc mừng. Câu chuyện có thể kết thúc ở đây, nhưng Thánh Luca tiếp tục thêm vào hình ảnh người anh cả (x. câ 25-32) để hoàn thành câu chuyện về hai anh em, đồng thời khuyến cáo những thành viên trong cộng đoàn, là những người tự xem mình là người công chính để rồi chỉ trích, xem thường và loại trừ người khác. Điều này được diễn tả qua lời nói cũng như hành động của người anh: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (Lc 15:30). Qua những lời này, người anh không muốn chấp nhận đứa em “đã chết” vẫn đang còn sống là người em của mình. Thái độ này cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần chúng ta xem người khác, là những người đang sống, như đã chết. Chúng ta loại họ ra khỏi con tim, ra khỏi cuộc đời mình. Đứng trước thái độ đó, lời người cha nói với người con cả làm chúng ta phải “sám hối”: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15:32). Những lời thật dịu hiền và yêu thương. Trong những lời này, người cha [Thiên Chúa] mời gọi người anh [chúng ta] đón nhận người em sám hối của mình. Thách đố lớn nhất mà Thánh Luca để ngỏ qua dụ ngôn này là: Không biết người anh có vào dự tiệc và đón nhận lại người em của mình không? Đây cũng là thách đố cho mỗi người chúng ta: Liệu chúng ta có ngồi vào bàn tiệc với Chúa Giêsu và đón nhận những người khác, những người làm chúng ta đau khổ và tổn thương là anh chị em của mình không?