Tin Mừng: Ga 20, 1-2.11-18)
“Đức Giê su gọi bà: “Maria !”
Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là Lạy Thầy)” (Ga 20, 16)
YÊU NHIỀU
Rất nhiều người đã từng tin vào định mệnh, còn chúng ta, những người được chọn gọi là Kitô hữu, chúng ta phải tin vào sự sắp đặt của Chúa. Không có gì là vô duyên, vô nghĩa nếu có con mắt đức tin. Câu chuyện cuộc đời Mađalêna có lẽ sẽ kết thúc bi thảm, nhục nhã nếu không có cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu- người mà sau này chị gọi là “Ráp-bu-ni”. Nơi Giêsu, chị được ngụp lặn trong một trái tim thênh thang sự bao dung, chị được “thở”, và như được sinh ra lần thứ hai. Chúa không nhiều lời, không cho chị thứ này, thứ khác nhưng chị lại như nhận được rất nhiều. Từ ánh mắt, từ giọng nói, từng cử chỉ đều giá trị với chị.
Liệu trong đời ta đã gặp được một ánh mắt nào giống ánh mắt Chúa? Một ánh mắt đáng giá hơn cả trăm bài diễn văn lê thê. Nếu nhận rồi thì liệu trong đời, đã lần nào ta biết trao ban những ánh mắt như thế cho người khác chưa? Một anh mắt thông cảm và yêu thương, liệu có khó quá không? Mađalêna đã khám phá ra những thứ ngôn ngữ không lời nhờ “yêu Chúa nhiều”. Nhưng nhiều làm sao bằng Chúa yêu chị, yêu tôi và yêu bạn… Với Chúa điều quan trọng không phải là “đã phạm tội” nhưng là “đừng phạm tội nữa”. Vì yêu chúng ta mà Chúa không thích “giết” nhưng muốn “cứu chữa”. Người không “hủy bỏ” nhưng “kiện toàn”.
Phần còn lại chúng ta phải học nơi Maria Mađalêna, đó là đưa tay ra để Chúa nâng ta dậy khỏi vũng sình tội lỗi. Nếu chúng ta thiếu tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa chẳng khác nào ta đang “quệt” lên khuôn mặt Chúa một vết nhơ xấu xí. Và như vậy, ta có hơn gì Giuđa? Không vị thánh nào mà không có quá khứ, cũng không tội nhân nào không có tương lai. Dù chúng ta là ai, chúng ta có quá khứ ra sao…thì “nên thánh” vẫn là bổn phận của chúng ta.
Chị Maria Mađalêna đã dạy chúng ta điều đó. Trong ngày lễ của chị, Giáo Hội cho chúng ta gặp lại chị trong trang Tin Mừng ngày Chúa sống lại. Nếu trong quá khứ Chúa nói: Chị đã được tha vì chị yêu nhiều, thì khi Chúa sống lại, dẫu Chúa không nói lý do tại sao Chúa lại hiện ra với chị trước nhất thì chúng ta cũng đã hiểu được lý do rồi. Trong không gian buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần ấy, mọi sự dường như ngưng đọng trong một tiếng gọi thân thương và một lời đáp cũng đầy thương kính. – Maria ! – Ráp-bu-ni (Lạy Thầy!)
Lạy Chúa !
Xin hướng ánh mắt con về Chúa như ánh mắt chị Mađalêna đã hướng nhìn Chúa năm xưa. Không một tiếng nói, không một lời xin lơn, không một câu ca nhưng con biết Chúa đọc được tất cả ánh mắt ấy và hiểu được ngôn ngữ của nó. Một thứ ngôn ngữ không giới hạn. Tình yêu cũng vậy, giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn phải không thưa Chúa?
Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức