SUY NIỆM Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa Thứ 6 sau Chúa Nhật XV Thường niên

Suy niệm Lời Chúa Thứ 6 sau Chúa Nhật XV Thường niên

Lời Chúa: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
(Mt 12, 7-8)

Suy niệm:                                        SỐNG YÊU THƯƠNG

Có một Giám Mục kiểm tra nhóm dự tòng chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Ngài nói: 
– Người ta biết các con là người Công giáo qua dấu hiệu nào?
Không ai trả lời, dường như không ai mong chờ câu hỏi này. Đức Giám Mục lập lại câu hỏi lần nữa, rồi Ngài ra cử chỉ làm dấu Thánh Giá để gợi ý câu trả lời cho mọi người. Đột nhiên một trong các dự tòng thưa lên:
– “Yêu Thương”
Giám Mục e dè, Ngài định nói “sai” nhưng ngay lúc đó Ngài xét lại chính mình.
              Câu chuyện ngắn này có thể chúng ta đã đọc hoặc gặp đâu đó trong chính cuộc sống thường ngày của chúng ta. Ta bất giác nhận ra bóng dáng một lão Pharisêu nào đó trong con người mình. Pharisêu – nói mà không làm, Pharisêu – dạy mà không sống. Đôi tay và miệng lưỡi Pharisêu không đồng nhất, giữ luật cặn kẽ mà không yêu thương đồng loại thì cũng ra như vô ích. Trước thực tại ấy, Lời Chúa vẫn vang lên thẳng thắn, không úp mở:
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát.” (Mt 12,7-8) Nhắc đến luật, thường chúng ta hay có cảm giác “sợ”, nhưng sự thực luật không “đáng sợ” đến vậy. Nếu giữ luật, luật sẽ giữ chúng ta khỏi “trượt chân quá đà”, khỏi muôn điều tai hại mà chúng ta không lường trước được. Luật không phải là cái lưới chùm lên tự do của chúng ta, luật càng không phải là sợi dây thừng giàng buộc chúng ta với những hà khắc, bảo thủ. Luật là do con người và giúp con người thăng tiến. Nhưng vẫn có nhiều nghịch lý đã xảy ra khi luật bị hiểu và áp dụng sai, Luật bị lạm dụng nên nhiều giá trị đã bị đảo lộn… Thời đại hôm nay, thiếu gì những quan chức cậy luật, dựa luật làm bừa, cậy “chiếc ghế” quyền lực mà coi thường an sinh của dân nghèo. Thiếu gì những bạn trẻ tìm mọi cách luồn lách, bon chen, dùng thủ đoạn để kiếm cho được thật nhiều tiền. Danh vọng và tiền bạc nghiễm nhiên trở thành “ông chủ”, trở thành mục đích của đời họ. Luật yêu thương, bác ái mà Chúa hằng dạy trở thành thứ yếu và mờ nhạt trong tâm thức con người. Lời Chúa dường như cũng trở thành mớ chữ chỉ dành cho kẻ “mơ mộng” nước thiên đàng.
“Các môn đệ bứt lúa ăn ngày Sa-bát” và sự lên án của Pharisêu chẳng phải là chuyện của học trò Thầy Giêsu thủa xưa, nếu thức tỉnh một chút thì chúng ta sẽ thấy, đó vẫn là câu chuyện của hôm nay, của tôi, của bạn…
Chúng ta đừng vội lên án mấy gã Pharisêu quan liêu, biết đâu ngẫm kỹ lại chúng ta cũng đã hơn một lần vì sợ bị trừ lương, sợ kỷ luật nếu đến công ty trễ nửa giờ, mà ta đã nhắm mắt làm ngơ trước một cụ già bên vỉa hè cần ta giúp đỡ. Cũng đã hơn một lần ta chưa cần biết nguyên nhân, ngọn nguồn mà đã buông lời trách móc người khác khi họ làm điều gì đó không đúng trật tự, không hợp ý ta – “Tại sao ông lại làm điều không được phép làm trong ngày Sabát ?” 
          Lạy Chúa!
Chúa vẫn nhắc cho con biết rằng “Chúa muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Xin Ngài uốn nắn lòng trí chúng con theo khuôn luật của Chúa: Luật yêu thương, bác ái.
Xin giúp chúng con năng động mà nhạy bén, linh hoạt mà tế nhị hơn trước những cảnh huống của việc giữ và sống luật Chúa. Ước mong sao cung cách ứng xử yêu thương chính là dấu thánh giá đẹp nhất mà chúng con có thể tuyên xưng về Chúa mỗi ngày. Amen. 

Anna Bích Hạt, Học Viện MTG Thủ Đức

 

Exit mobile version