Suy niệm Lời Chúa Mùa Vọng – Ngày 20 – 24/12

178

MÙA VỌNG – NGÀY 20/12

 Phúc Âm: Lc 1, 26-38

Khi ấy Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà. Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít, tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra sẽ là Ðấng Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già, và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ, vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.

Suy niệm

“XIN VÂNG”

(Lc 1,26-38)

Vào thời Đức Maria, luật lệ Dothái rất gắt gao đối với những phụ nữ bị phạm tội ngoại tình. Nếu bị mắc phải, tức là có thai trước hôn nhân hay trong thời kỳ đính hôn là bị án tử hình. Hình phạt chính là ném đá cho đến chết.

Trong hoàn cảnh như thế, Đức Maria cũng thuộc về thành phần trong dân tộc này, hẳn Mẹ không thể thoát khỏi tội chết khi tự nhiên trong bụng mình có một Thai Nhi ngày càng lớn dần theo theo năm tháng…

Ai là người hiểu được Mẹ ngoài Thiên Chúa là chủ thể của Thai Nhi trong bụng Mẹ! Như thế, khi không chồng mà chửa là chắc chắn chết. Mẹ biết rõ điều đó. Tuy nhiên, khi Mẹ nhận được lời giải thích của Sứ Thần, Mẹ đã chấp nhận đi vào cuộc phưu lưu với Thiên Chúa trong niềm tin tưởng và phó thác. Quyết định này là một hành vi can đảm, bởi vì khi quyết định như vậy, Mẹ sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn đến từ gia đình, xã hội và nhất là với Giuse, bạn trăm năm của mình. Nhưng, vì tin vào Thiên Chúa tuyệt đối, nên Mẹ đã buông theo ân sủng để Thiên Chúa rợp bóng trên cuộc đời của Mẹ.

Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, đức tin nhiều khi bị lung lay vì những thử thách đến với chúng ta từ nhiều phía…

Đôi khi chính chúng ta cũng thử thách ngược lại Thiên Chúa để thỏa mãn sự hiếu tri của mình trước khi tin, và như thế, hẳn khó có thể chấp nhận nghịch lý ân sủng của Thiên Chúa.

Nguyên nhân sâu xa chính là việc chúng ta không nhạy bén với ơn Chúa, còn nghi ngờ quyền năng của Ngài, và cũng có thể do sự kiêu ngạo phủ lấp tâm trí chúng ta, nên Lời Chúa khó biến đổi tâm hồn trai đá của mình. Vì thế, nhiều khi còn uốn nắn Lời Chúa theo thiển ý của ta nữa.

Sở dĩ Đức Mẹ trở thành Nữ Tỳ Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận lời “xin vâng” với Thiên Chúa là vì Mẹ nhạy bén với ơn Chúa đã được loan báo từ trong thời Cựu Ước. Mẹ cũng khiêm tốn khi thấy điều này là kế hoạch đến từ Thiên Chúa chứ không phải do con người, nên Mẹ đã “xin vâng” để thánh ý Thiên Chúa được nên trọn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng, phó thác cuộc đời cho Chúa như Đức Mẹ. Khiêm tốn để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn và sinh hoa trái trong cuộc sống của chúng ta. Sống trung thành với Chúa dù có phải gặp muôn vàn khó khăn thử thách. Can đảm đón nhận thánh ý Chúa và trung thành với Thiên Ý.

Lạy Mẹ Maria, xin phù trợ chúng con để chúng con khiêm tốn, can đảm, nhạy bén và trung thành với Chúa như Mẹ. Amem.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

********************

MÙA VỌNG – NGÀY 21/12

Phúc Âm: Lc 1, 39-45

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave, và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà; và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Suy niệm

CUỘC VIẾNG THĂM ĐẦY ÂN SỦNG

(Lc 1, 39-45)

Trong cuộc sống, nơi các mối tương quan, hẳn sự cảm thông, liên đới là điều quan trọng. Có sự cảm thông, chúng ta dễ dàng tôn trọng, hiểu biết, và đón nhận nhau hơn. Có sự liên đới, chúng ta dễ dàng chia vui, sẻ buồn với nhau để giúp nhau thăng tiến…

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật cho chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét. Cuộc gặp gỡ này không chỉ dừng lại ở chỗ thăm hỏi xã giao, nhưng nó còn đi xa hơn để cho thấy rằng đây là một cuộc gặp gỡ trong tình yêu và ân sủng.

Đức Maria vội vã lên đường thăm bà chị họ Êlisabét không phải do Mẹ không tin lời Sứ Thần báo bà Êlisabét đã có thai được sáu tháng, vì thế, phải lên đường để tận mắt phục kích xem điều đó có thật không! Không phải vậy, nhưng Mẹ lên đường là để thể hiện sự vui mừng, mau mắn, sẵn sàng tín thác nơi Chúa và đem Tin Mừng ấy đến với người chị họ và cũng là người chị trong ân sủng, để cả hai cùng chung lời tạ ơn. Vì thế, khi vừa thấy Mẹ, bà Êlisabét đã cất tiếng tung hô: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,4243). Cùng lúc, Gioan trong bụng đã nhảy lên vui sướng vì mình được Thiên Chúa viếng thăm.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, vai trò của Chúa Thánh Thần là trọng tâm của mọi biến cố cũng như nhân vật từ Đức Giêsu, Mẹ Maria, thánh Gioan, ông Dacaria và bà Êlisabét… Tất cả những nhân vật này đã trung thành với lời hứa, mặc dù đôi lúc cũng còn chút nghi ngờ như ông Dacaria.

Từ đó, chúng ta được mời gọi mau mắn vâng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong Lương Tâm của mình để thi hành. Sẵn sàng tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa hứa. Yêu thương, tôn trọng và liên đới với tha nhân để giúp nhau nên thánh.

Mong sao trong Mùa Vọng này,  mọi người đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc vì có Chúa ở cùng như mẹ Maria, bà Êlisabét và thánh Gioan Tẩy Giả khi xưa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương nhau để cùng nhau làm chứng cho niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

*******************

MÙA VỌNG – NGÀY 22/12

 Phúc Âm: Lc 1, 46-56

Khi ấy, Maria nói rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!”

Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

Suy niệm: TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 Từ khi con người tách lìa Thiên Chúa, thế giới đi vào bế tắc. Thế giới đổ vỡ. Trật tự đảo lộn. Mọi thứ đều như chống lại con người. Con người chống lại nhau và chống lại chính mình. Mạnh hiếp yếu. Giầu áp bức nghèo. Lớn chèn ép nhỏ. Nhưng chính những người làm khổ người khác cũng chẳng thấy vui. Con người đi trong đêm tối. Không thấy tia hi vọng nào.

Nhưng khi có bàn tay Chúa can thiệp mọi sự đổi khác. Bà An-na được Chúa ban cho người con trai. Bà thoát khỏi nỗi ô nhục bị người đời cười chê. Bà được đổi đời. Bà được hãnh diện. Biết rằng mình được như vậy là nhờ ơn Chúa. Bà nhận ra tất cả là của Chúa. Chính vì thế bà tạ ơn Chúa muôn ngàn lần. Không những dâng lễ vật trọng hậu mà còn dâng chính người con vào đền thờ để phục vụ Chúa. Của Chúa phải dành cho Chúa. Bà đã cảm nhận được tình thương của Chúa. Tình thương Chúa giải thoát bà, đổi đời bà.

Đức Mẹ còn cảm nhận được ơn Chúa cách thâm sâu và cao xa hơn nữa. Đức Mẹ và bà Ê-li-sa-bét được chứng kiến một sự lạ lớn lao. Thánh Gio-an được tha tội đã nhảy mừng trong lòng mẹ. Cả hai nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Bà Ê-li-sa-bét lớn tiếng ca tụng Đức Mẹ. Lập tức Đức Mẹ cất tiếng ca tụng Chúa. Tất cả là tình thương của Chúa: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”. Tình thương đó thay đổi cuộc đời Đức Mẹ: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Còn hơn thế, tình thương Chúa sẽ thay đổi thế giới. Một cuộc cách mạng thay bậc đổi ngôi sẽ xảy ra. Để thế giới được sống trong công lý và hoà bình: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giầu có, lại đuổi về tay trắng”. Tất cả là do tình thương của Chúa. “Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”.

Thế giới chúng ta đang sống đầy vấn đề. Cuộc đời ta đầy bế tắc. Nhất là tội lỗi không buông tha. Luôn trói buộc ta. Gần đến ngày Chúa ngự viếng thăm. Ta tràn trề hi vọng. Tình thương Chúa sẽ đổi mới bản thân ta. Chúa sẽ làm một cuộc cách mạng thay đổi thế giới. Muôn dân sẽ sống trong an lạc thái hoà. Nhưng điều cần là tôi phải noi gương bà An-na và Đức Mẹ, luôn chuẩn bị sẵn sàng đón Chúa đến. Với niềm tin tưởng. Với đời sống ngay thẳng trong sạch. Và với tâm tình biết ơn tình thương bao la của Chúa.

**********************

MÙA VỌNG – NGÀY 23/12

Phúc Âm: Lc 1, 57-66

Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”.

Họ bảo bà rằng: “Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.

Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”.

Suy niệm: Ê-LI-A ĐẾN CHẤN CHỈNH

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Con dân tội lỗi. Phản bội Thiên Chúa. Lìa xa đường lối của cha ông. Chúa đã sai Ê-li-a đến chấn chỉnh “đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông”. Ê-li-a đã đến như lửa. Cuộc đời ngài bừng bừng lửa sốt mến. Lời ngài như lửa. Làm cho xứ sở bị hạn hán. Ngài dùng lửa thanh luyện tâm hồn Ít-ra-en. Chống lại vua A-kháp và hoàng hậu Giê-sa-ben. Giết chết hơn 400 sư sãi của Ba-an. Làm cho dân trở về với Chúa. Theo đường lối của cha ông. Tiên tri Ma-la-khi tiên báo sau cùng Chúa sẽ đến. Nhưng trước đó, Ê-li-a sẽ trở lại để dọn đường cho Chúa. Lời tiên báo ứng nghiệm vào Gio-an Tẩy giả. Chính Chúa Giê-su xác nhận Gio-an là Ê-li-a mới. Đến để mở đường cho Đấng Cứu Thế.

Ông mở đường bằng nghiêm chỉnh thực thi Lời Chúa. Cha mẹ ông đã làm gương về điều đó. Chúa truyền đặt tên ông là Gio-an. Nghĩa là Thiên Chúa thi ân. Bà Ê-li-sa-bét và ông Gia-ca-ri-a tuyệt đối vâng theo lệnh truyền. Đặt tên là xác nhận quyền làm cha mẹ. Khi đặt tên theo lệnh Thiên Chúa, ông bà xác nhận Gio-an là do Thiên Chúa ban tặng. Ngay khi đó Gia-ca-ri-a, trước đó bị câm, mở miệng nói được. Chỉ khi nói theo ý Chúa lời mới có ý nghĩa.

Chính Gio-an cũng nghiêm túc tuân thủ lời Chúa dạy. Nên ông xa lánh phồn hoa. Vào ở trong sa mạc. Ăn uống đạm bạc. Chỉ có châu chấu và mật ong rừng. Y phục đơn sơ. Một mảnh da thú đủ để che thân.

Ông chỉ nói lời của Chúa. Nên mạnh mẽ đe phạt những người đi vào đường tội lỗi. Kết án cả vua Hê-rô-đê. Vì đã chiếm vợ của anh vua. Ông đúng là Ê-li-a mới. Chấn chỉnh mọi sự. Dọn đường cho Chúa Cứu Thế ngự đến.

Bàn tay Chúa phù hộ em”. Nhận biết điều đó nên dân chúng tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Không ai biết được đường đi của Chúa. Không ai biết gió từ đâu tới và sẽ đi đâu. Gio-an luôn ở trong bàn tay Chúa. Luôn luôn nói Lời Chúa. Ông trở thành loa phát thanh Lời Chúa. Ông là “tiếng kêu trong hoang địa”. Ông là người chấn chỉnh mọi sự. Sửa đường cho ngay để đón Chúa Cứu Thế ngự đến.

Xin cho con noi gương thánh Gio-an. Chấn chỉnh chính mình. Rồi thế giới sẽ trật tự đón Chúa đến.

********************

MÙA VỌNG – SÁNG NGÀY 24/12

PHÚC ÂM: Lc 1, 67-79

Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: “Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế? để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

“Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

SUY NIỆM

Lời Chúa trong bài Tin Mừng ngày hôm nay là bài ca mang tính ngôn sứ của ông Giacaria, quen gọi là “Bài ca chúc tụng” (Benedictus), được Giáo Hội chọn làm bài thánh ca Tin Mừng trong giờ Kinh Sáng mỗi ngày.

Bài ca Benedictus này xuất phát từ sự kiện sinh ra cách lạ của thánh Gioan Tiền Hô. Việc sinh ra này làm nổi bật lên ý nghĩa: Khi nghi ngờ Lời Thiên Chúa, ông Giacaria đã bị câm, đến lúc ông thực hiện Lời Thiên Chúa hứa đặt tên cho con trẻ là Gioan thì ông lại nói được để chúc tụng Thiên Chúa. Giacaria đã tin theo lý luận của loài người, của khoa học hơn là quyền năng của Chúa. Ông cho rằng ông đã teo tóp, mà bà xã ông cũng đã hết đát, nên Chúa cũng bó tay. Điều này cho thấy, bao lâu con người còn nghi ngờ Lời Thiên Chúa, là bấy lâu tâm hồn con người còn bị đóng băng và không thể ca tụng Thiên Chúa, cũng như không thể thi hành chức vụ “ngôn sứ” là loan báo Ơn Cứu Độ cho người khác.

Đặc biệt, hiện tượng câm rồi lại mở ra của ông Giacaria như là một biểu tượng của việc ngay từ lúc này thời Cựu Ước đã đóng lại và thời Tân Ước mở ra.

Thật vậy, bài thánh ca này cũng được coi là những nhịp cầu cuối cùng của Cựu Ước bắc qua Tân Ước, đóng lại những gì thuộc tiên báo, chuẩn bị, hình bóng… để bắt đầu giai đoạn ứng nghiệm, giai đoạn của một khởi đầu mới. Để rồi, từ nay cách tính lịch sử chọn mốc “Trước Chúa Giáng Sinh” và “Sau Chúa Giáng Sinh”

Có thể nói, cùng với lời kinh của ông Giacaria, chúng ta nhớ lại giai đoạn thời khắc giao thừa của ơn cứu độ, để cùng mang lấy tâm tình của ông, là:

– Nhớ lại quá khứ để tạ ơn Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

– Hướng về tương lai để làm chứng nhân cho Người.

1. Nhớ lại quá khứ để tạ ơn Chúa.

Lịch Sử Cứu Độ cho thấy Thiên Chúa luôn trung thành và viếng thăm cứu chuộc con người, dù bao lần con người bội phản. Thiên Chúa đã dùng lời ngôn sứ mà loan báo sự xuất hiện của Đấng Cứu Tinh quyền thế, đến để cho con người được sống công chính thánh thiện mà phụng thờ Thiên Chúa.

Trong bài đọc I, sách Samuel quyển 2, qua miệng ngôn sứ Na-than, Thiên Chúa đã hứa với Đa-vít rằng từ dòng dõi vua sẽ kế vị vững bền: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7,16). Lời sấm ngôn này ban đầu dân Do-thái vẫn hiểu là dành cho triều đại Salômon. Tuy nhiên, từ sau khi vua Salômon chết, đất nước đã bị phân chia thành hai, dần dần lụi tàn để rồi lưu đày và mất nước. Vì thế, từ sau lưu đày, lời ngôn sứ này được hướng về một tương lai xa hơn, và dân Do-thái mòn mỏi mong chờ một Đấng Cứu Thế đến xuất thân từ dòng dõi Đa-vít.

Mở đầu bài ca của ông Giacaria đã xác tín rằng: Đấng thuộc dòng Đa-vít nay đã đến, vì Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người khi trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước…

Cũng vậy, hôm nay, đứng trước biến cố kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh, cùng với lời kinh của ông Giacaria, chúng ta ôn lại bao nhiêu hồng ân Chúa ban trong một thời gian đợi chờ của Mùa Vọng. Để rồi ngày mai kỷ niệm Giáng Sinh giúp chúng bắt đầu một khởi đầu mới cho việc làm chứng nhân cho Chúa.

2. Hướng về tương lai để làm chứng nhân cho Chúa.

Phần hai của bài ca chúc tụng nói lên sứ vụ của Vị Tiền Hô. Sứ vụ của Vị Tiền Hô là luôn đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, nói về tình thương tha thứ của Chúa, soi sáng cho ai còn ngồi trong bóng tối tử thần và dẫn họ vào nơi bình an.

Điều này đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Gioan Tẩy Giả, khi chính ngài đã rao giảng kêu gọi sự sám hối để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Đặc biệt, thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ rao giảng bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc đời chứng nhân sống động của mình.

Để thấy rõ hơn đời sống chứng nhân mẫu mực của thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta đọc lại lời của Giêsu trong Tin Mừng Luca 7, 24b-27: “Anh em đi xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Hẳn là không! Thế thì anh em đi xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Nhưng kẻ áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong cung trong điện. Thế thì anh em đi xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết: đây còn hơn cả ngôn sứ nữa! Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!”.

Với những lời này, điểm nổi bật hơn cả nơi thánh Gioan Tẩy Giả chính là sự can đảm chứng minh cho sự thật, và đời sống nghèo khó khiêm nhường.

Dựa theo đó, chúng ta cũng có thể tự hỏi:

Thế gian đến với chúng ta để tìm gì? Thấy một “cây sậy” phất phơ trước gió chăng? Người ta sẽ không thể chấp nhận một người mang danh con Chúa mà sống phất phơ, mong manh, hèn nhát và gió bên nào thì ngã theo bên ấy.

Cách riêng đối với các vị đại diện Chúa hay những ai sống đời thánh hiến, mọi người tìm đến để xem gì ? Một vị giàu sang tiện nghi lộng lẫy sống xa hoa trong cung điện ư? Thưa không ! Điều mà người ta chờ đợi nơi các vị là đời sống giản dị khó nghèo theo gương Chúa, chứ không phải đua đòi thời trang và tiện nghi…

Người ta đến với chúng ta là vì chúng ta là chứng nhân: luôn đi trước mặt Chúa, mở lối cho Người, nói về tình thương tha thứ của Chúa, soi sáng cho ai còn ngồi trong bóng tối tử thần và đem lại cho họ sự bình an.

Lạy Chúa Giê-su, miệng lưỡi chúng con như bị câm và không thể ca tụng Chúa vì chúng con còn nghi ngờ quyền năng của Chúa, niềm tin của chúng con chưa đủ lớn vì còn dựa theo tính thựng nghiệm của khoa học. Xin Chúa đến thánh hóa môi miệng chúng con và ban ơn đức tin cho chúng con, để chúng con tuyên xưng và cao rao danh Chúa cho mọi người. Amen

Hiền Lâm