SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN X THƯỜNG NIÊN
Lm. Ngọc Dũng, SDB
THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN
SỐNG CÁC MỐI PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY
(2 Cr 1:1-7; Mt 5:1-12)
Sau những ngày lễ lớn của Mùa Phục Sinh, chúng ta bắt đầu trở lại Mùa Thường Niên. Mùa Thường Niên không có nghĩa là không quan trọng như những mùa khác. Trong Mùa Thường Niên, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhận ra Chúa và diễn tả tình yêu của chúng ta cho Ngài trong những gì là bình thường của ngày sống. Nhận ra Thiên Chúa trong những gì ngoại thường là bình thường, nhưng nhận ra Chúa trong những gì bình thường là ngoại thường. Đây là lời mời gọi của Thánh Vịnh Gia trong đáp ca hôm nay: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy” (Tv 33:9a). Trong những biến cố thường ngày, chúng ta được mời gọi để cảm nghiệm sự tốt lành và yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa. Đây là tâm tình mà chúng ta sẽ tìm thấy trong hai bài đọc ngày hôm nay.
Trong bài đọc 1, thư gởi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô [và Timôthê] cầu xin “Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an” (1 Cr 1:2). Ân sủng và bình an là những điều mỗi người chúng ta cần để sống trọn vẹn ngày sống của mình trong ơn nghĩa Thiên Chúa. Trong phần trích này, Thánh Phaolô vẽ lên một hình ảnh tuyệt đẹp về Thiên Chúa: Ngài “là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó” (1 Cr 1:3-4). Trong những lời này, Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Côrintô [và chúng ta] phải cố gắng để trở nên giống Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ và yêu mến. Ngài cũng mời gọi chúng ta không giữ lại cho riêng mình những ơn thiêng nhận được. Sau khi cảm nghiệm được sự an ủi và tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi làm lại cho anh chị em chúng ta những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta có thể khẳng định rằng, người không cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời mình và những kỳ công Ngài làm cho họ, sẽ không thể trở nên “sự hiện diện của Chúa” và thực hiện những kỳ công đầy yêu thương cho người khác.
Tiếp đến, Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu Côrintô đang lâm cảnh gian nan khốn khó phải hạnh phúc lên “vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi” (1 Cr 1:5). Làm sao chúng ta có thể hạnh phúc khi chúng ta đau khổ? Thông thường khi bị đau khổ, chúng ta thường oán trách Thiên Chúa và oán trách người khác. Ít người trong chúng ta biết liên kết những đau khổ của chúng ta với những đau khổ của Chúa Giêsu để sinh ích cho người khác. Thánh Phaolô cũng đã thốt lên rằng: chính trong những đau khổ của tôi mà tôi hoàn tất những gì còn thiếu xót trong sự đau khổ của Chúa Giêsu (x. Cl 1:24). Khi biết liên kết sự đau khổ của chúng ta với những đau khổ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy được an ủi và đau khổ của chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn.
Điểm cuối cùng để chúng ta suy gẫm là việc Thánh Phaolô đan cử gương sáng của mình và Timôthê. Các ngài “có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu” (1 Cr 1:6). Thánh nhân kết thúc phần này với sự hoán chuyển điều ngài viết trong câu 5: việc chia sẻ trong đau khổ với Đức Kitô và được chứa chan niềm an ủi của Ngài thành “thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy” (1 Cr 1:7). Ở đây, Thánh Phaolô khẳng định rằng, nỗi thống khổ của các ngài cũng chính là nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, và sự an ủi các ngài nhận được cũng đến từ Chúa Giêsu.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần Bài Giảng trên Núi của Chúa Giêsu (Mt 4:23-7:29). Bài giảng trên Núi là một trong năm bài giảng lớn đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Đây chính là tuyệt phẩm của Thánh Mátthêu và thường được trích dẫn trong thời đầu của Giáo Hội. Theo G. A. Kennedy, đây là mẫu văn hùng biện nhằm thuyết phục người nghe hãy làm việc trong trong hiện tại để vui hưởng niềm vui tương lai; nó cũng nhằm cung cấp một bản tổng hợp của toàn bộ Tin Mừng, mang lại sự thoả mãn và an toàn cho tâm trí của người nghe. Theo nghĩa Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu tính chất cánh chung, luân lý và sự khôn ngoan mang tính pháp lý dưới sự hướng dẫn của Luật (Torah) trong viễn cảnh của Nước Trời. Đề tài quan trọng của bài giảng trên núi là Nước Trời và sự công bình. Tóm lại, bài giảng trên núi rất có hệ thống, bao gồm những lãnh vực chính về đời sống luân lý và tôn giáo như được hiểu trong dân Israel. Nhiều người chỉ trích bài giảng trên núi này vì nó đưa ra những tiêu chuẩn quá cao không thể thực hiện. Nhưng nếu chúng ta hiểu bản văn này trong tương phản với bối cảnh Do Thái Giáo, nó trở nên có thể nhưng vẫn là tiêu chuẩn cao của sự khôn ngoan luân lý về cuộc sống. Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích các mối phúc để xem chúng có khả thi với chúng ta hay không.
Thánh Mátthêu bắt đầu bài giảng trên núi bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu như một Môsê [hay một thầy Rabbi] như sau: “Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên” (Mt 5:1). Đây chính là hình ảnh của một người Thầy với các môn sinh. Như vậy, các lời dạy [mối phúc theo sau] nhắm đến các môn đệ. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng, đây chính là “bản đồ” mà Chúa Giêsu đưa ra để các môn đệ đi theo hầu đạt đến Nước Trời. Hay nói cách khác, tám mối phúc là những thái độ sống mà các môn đệ phải sở hữu nếu họ muốn đạt đến Nước Trời. Một số học giả Kinh Thánh lại cho rằng đây chính là chân dung của Chúa Giêsu mà các môn đệ phải hoạ lại trong cuộc đời của họ.
Tám mối phúc được viết theo lối “bánh mì kẹp” quen thuộc. Mối phúc đầu và cuối có cùng một lời hứa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3) và “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:10). Điều này cho thấy mục đích chính của tám mối phúc là đạt đến Nước Trời. Sáu mối phúc ở giữa là những “thái độ cụ thể” để diễn tả sự khó nghèo và khi phải đối diện với sự “bách hại vì sống công chính.” Chúng ta thấy ở đây thái độ sống ở thể hiện tại, nhưng lời hứa ở thể tương lai. Lời hứa trong tương lai hoàn toàn ngược lại với thể hiện tại:
4Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Mối phúc thứ 9 được xem như bản tóm tắt của tám mối phúc trên. Tất cả những gì họ trải qua: sống nghèo khó, hiền lành, chịu sầu khổ, sống khao khát nên người công chính, sống xót thương, sống trong sạch, xây dựng hoà bình, và bị bách hại vì sống công chính, tất cả vì Đức Giêsu. Chúng ta chỉ được phúc khi chúng ta sống những điều này vì Chúa Giêsu: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5:11-12). Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng phải chịu nhiều điều trái ý phật lòng: có khi chịu đói và có khi phải tỏ thái độ hiền lành, có khi sầu khổ và có lúc khao khát nên thánh, có lúc thấy xót thương cho người khác và có lúc phải chiến đấu để giữ tâm hồn trong sạch, có khi được mời gọi trở nên người hoà giải nhưng cũng có khi bị người khác bách hại. Tất cả những điều này chúng ta làm vì động lực nào? Vì Chúa hay vì mình? Phần thưởng Nước Trời dành cho những ai sống những điều này vì Chúa.
Những lời cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra cho các mộn đệ về một sự thật: các mối phúc chỉ là “lời tiên báo” về những gì các môn đệ sẽ phải đối diện vì danh Ngài. Đây cũng là điều các ngôn sứ đã phải trải qua vì danh Thiên Chúa: “Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:12). Như chúng ta đã đề cập ở trên, theo các học giả Kinh Thánh, các mối phúc vẽ lên “chân dung” đích thật của Chúa Giêsu. Các mối phúc chính là bản tóm tắt của tất cả những gì Chúa Giêsu dạy các môn đệ mà chúng ta nhìn thấy nơi Đức Giêsu Kitô. Liệu chúng ta có để Chúa vẽ lên chân dung này trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta không?
**************************
THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN
LÀ MUỐI VÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI
(2 Cr 1:18-22; Mt 5:13-16)
Chắc chắn thánh Phaolô đã phải đau lòng khi viết ra những lời này. Người đã hy sinh nhiều năm tháng cho giáo đoàn Côrintô. Họ đã nhận được đức tin nhờ người. Nhưng người vừa đi thì nhiều tông đồ giả đã đến quấy phá… Người phải viết một thư để dạy dỗ. Không xong, người đã phải trở lại Côrintô để dàn xếp công việc. Trước khi ra đi, người hứa sẽ trở lại nữa. Nhưng rồi không trở lại được, người còn nghe nói có nhiều dư luận xúc phạm tới người. Người phải viết một thư thứ hai. Thư này mất rồi, nhưng nó đã có tác động tốt, khiến thánh Phaolô lại viết bức thư mà hôm nay chúng ta trích đọc để ôn tồn và dứt khoát giải quyết mọi vấn đề.
Trong đoạn thư hôm nay, thánh tông đồ gợi lại việc dân Côrintô trách người không giữ lời hứa mà trở lại thăm họ, để “đối chất” với họ nếu ta có thể nói được như vậy. Họ trách người là hứa một đàng làm một nẻo, có có, không không, không ra gì cả. Họ nghi ngờ chính bản chất con người của các tông đồ khiến thánh Phaolô thật buồn. Và vì thế ở đây người không biện minh cho việc vì sao người đã không trở lại thăm họ. Người muốn trả lời cho ý nghĩa sâu xa của họ là chính lòng nghi ngờ bản chất con người tông đồ của Chúa. Người nói: Thiên Chúa là đấng trung tín. Con Thiên Chúa, là Ðức Yêsu Kitô cũng là đấng trung tín. Ở nơi Người không có gì Thiên Chúa hứa mà không thực hiện. Người đã trở thành “có” hoàn toàn, chứ không phải vừa “có” vừa “không”. Chính Người là sự “có” toàn diện của mọi lời Thiên Chúa đã hứa… Nên Người là Ðấng Trung tín như Thiên Chúa là Ðấng Trung tín. Và bây giờ các tông đồ, những người rao giảng Ðức Kitô, rao giảng sự “có” của mọi lời Thiên Chúa hứa, có lẽ nào các tông đồ lại không trung tín? Hơn nữa, họ còn được Thánh Thần “củng cố”, xức dầu và “niêm ấn” bằng bao dấu thiêng điềm lạ. Thế thì làm sao các tông đồ lại không phải là những người trung tín, đáng tin tưởng? Lời thánh Phaolô thật thắm thiết. Chắc chắn nó đã làm cho giáo dân Côrintô và cả chúng ta ngày hôm nay phải suy nghĩ. Chúng ta có thật sự là những người trung tín và đáng tin tưởng không?
Thánh Mátthêu đã lấy những câu nói từ Chúa Giêsu trong trình thuật Tin Mừng hôm nay (x. Mc 9:50; 4:21; Lc 8:16; 11:33; 14:34-35), sử dụng hình ảnh muối và ánh sáng, và áp dụng chúng cho thính giả của bài giảng. Trong thời gian đó, Pliny viết: “Không có gì hữu dụng cho bằng muối và ánh sáng.” Thánh Mátthêu nhấn mạnh đến việc gọi thính giả cách cá vị qua việc lặp đi lặp lại “anh em” và “của anh em.” Thật ra, Ngài nói với các môn đệ: mặc dù bị bách hại, anh [chị] em có một ơn gọi cho thế gian.
Điều đầu tiên là Chúa Giêsu dùng hình ảnh muối để ví các môn đệ của mình: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5:13). Theo nghĩa hẹp, muối không thể mất đi vị của mình và mãi mãi là muối. Nhưng trong Do Thái Giáo, muối có thể trở thành thứ không trong sạch và cần phải bị quăng ra ngoài. Muối vừa là một trong các gia vị làm cho thức ăn đậm đà, vừa là đồ bảo quản để cho thức ăn không bị hư thối. Vì vậy, muối là một vị thầy tuyệt vời. Lối diễn tả về định mệnh của muối sử dụng hình ảnh về sự phát xét của Thiên Chúa. Những chi tiết trên khuyến cáo chúng ta về lối sống của mình. Mỗi người chúng ta được mời gọi không chỉ làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp mà còn bảo vệ cuộc sống tươi đẹp đó khỏi những tấn công của những lối sống đi ngược với Tin Mừng.
Hình ảnh thứ hai được Chúa Giêsu sử dụng để nói về ơn gọi của các môn đệ trong thế gian là ánh sáng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:14-16). Hình ảnh ánh sáng được áp dụng cho Thiên Chúa, cho Israel (x. Rom 2:19). Trong Tân Ước, ánh sáng được áp dụng cho Chúa Giêsu (x. Mt 4:16; Lc 1:79; 2:32; Phil 2:15; Eph 5:8). Hình ảnh “một thành xây trên núi” được lấy từ sách Ngôn sứ Isaia (2:2-5). Nếu đây là một thành miền núi thuộc Galilê được ám chỉ đến, đối tượng chính có thể là thành Hippos; còn không là Giêrusalem. Với niềm tin, các môn đệ sẽ không bỏ đi sứ vụ của mình trên thế gian. Hình ảnh “thắp đèn để trên đế” giả định ngôi nhà một phòng ở Palestine, một cây đèn dầu bằng đất, và một bàn ăn. Hình ảnh này ám chỉ việc các môn đệ không sống cho chính mình, nhưng cho người khác. Thánh Mátthêu viết phần kết luận lấy từ những yếu tố thánh sử lấy được từ truyền thống: “Hãy để cho ánh sáng của anh em chiếu sáng.” Câu này chứa đựng một hành động cân bằng giữa làm việc tốt và không được tự hào hoặc tìm kiếm danh lợi. Cuộc sống của người môn đệ được diễn tả trong phần còn lại của bài giảng không được dẫn đến tình trạng vô tri, nhưng mang lại sự sám hối của nhiều người trở về với “Thiên Chúa là Cha của anh em ở trên trời.” Đây chính là đặc tính của Chúa Giêsu khi Ngài gọi Thiên Chúa là Cha. Tóm lại, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ sống thật với bản chất của mình: Là người, là người công giáo, là người đời, là tu sĩ, là giáo sĩ. Mỗi người phải sống đúng, sống thật với ơn gọi của mình. Nếu không, chúng ta sẽ trở nên vô dụng trước mặt Chúa và có thể nói là trở thành trò cười trước mặt thiên hạ.
********************
THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN
TRUNG THÀNH TRONG VIỆC NHỎ
(2 Cr 3:4-11; Mt 5:17-19)
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay tự mãn với những gì mình đạt được. Ít người trong chúng ta xem những gì mình đạt được là nhờ ơn Chúa. Chúng ta đang sống trong một thế giới bị “tục hoá,” trong đó con người đang nỗ lực để “đuổi” Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình, ra khỏi thế giới của họ. Họ tìm vinh quang trong những gì là chóng qua và giới hạn hơn là những gì là vĩnh cửu, trong những gì là xác thịt hơn là trong thần khí. Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay nhắc nhở các tín hữu Côrintô về việc họ có làm được gì cũng nhờ ơn Chúa (x. 2 Cr 3:5). Nhờ ơn Chúa, ngài và các Tông Đồ có khả năng phục vụ Giao Ước Mới [yêu thương nhau].
Thánh Phaolô phân biệt hai loại giao ước và những hệ quả chúng mang lại: Giao Ước cũ căn cứ trên chữ viết, Giao Ước mới dựa vào Thần Khí. “Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3:6). Thánh Phaolô không chê Giao Ước cũ vì nó cũng mang lại vinh quang cho con người khi tuân giữ nó, nhưng ngài muốn các tín hữu Côrintô sống Giao Ước mới, vì nó mang lại vinh quang lớn lao hơn cho con người: “Nếu việc phục vụ Lề Luật – thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá – mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Môsê được, vì mặt ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua – thì việc phục vụ Thần Khí lại không được vinh quang hơn sao? Vì việc phục vụ án chết mà còn được vinh quang như thế, thì việc phục vụ đức công chính lại chẳng vinh quang hơn lắm sao? (2 Cr 3:7-9). Đây là điều chúng ta được nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu tôn trọng lề luật, Ngài không bãi bỏ, nhưng kiện toàn nó. Chúng ta thường thoả mãn với những vinh quang chóng qua mà không để ý đến việc mình có thể đạt được vinh quang lớn lao hơn, đó là vinh quang vĩnh cửu (x. 2 Cr 3:11).
Sau khi vẽ lên chân dung của một người môn đệ lý tưởng trong các mối phúc (Mt 5:1-12) và nói về bản chất của người môn đệ là ánh sáng cho trần gian và muối cho thế giới (Mt 5:13-16, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ một sự công chính cao hơn của “những người biệt phái và Phariêu.” Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn trích trong bài Tin Mừng hôm nay là những câu bị tranh cãi nhiều nhất trong Tin Mừng Thánh Mátthêu mà không tìm ra một sự đồng ý nào trong việc giải thích chúng. Vấn đề xảy ra ở đây là việc Chúa Giêsu khẳng định tính hợp pháp của Torah, nhưng điều này lại đối nghịch với khẳng định của Thánh Phaolô (x. Gl 2:15-16; Rm 3:21-31). Thêm vào đó, chúng ta không bị đòi hỏi phải giữ tất cả 613 luật trong Cựu Ước, nhưng chỉ tuân giữ 10 điều răn và lệnh truyền yêu Chúa và yêu người thân cận. Có nhiều ý kiến khác nhau để giải quyết vấn đế này, nhưng chúng ta chỉ chọn ý kiến được xem là khả thể nhất. Ý kiến này cho rằng, theo nguyên tắc, luật trong Tin Mừng Thánh Mátthêu không cắt đứt với Torah, nhưng với “luật” được người Pharisêu đưa ra. Chúng ta thấy điều này được Chúa Giêsu thường nói đến trong các cuộc tranh luận của Ngài vời những người Pharisêu.
Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng nói mục đích của việc Ngài đến, đó là không phải để bãi bỏ lề luật, mà làm cho nó được kiện toàn: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định ba điều: (1) có người đang “hiểu sai” về mục đích rao giảng của Ngài trong tương quan với Torah và các ngôn sứ, và như thế (2) Ngài khẳng định giá trị của Luật Môsê [Torah] và lời các ngôn sứ. Tuy nhiên, dù (3) Luật Môsê và lời các ngôn sứ có giá trị, nhưng chúng vẫn chưa đạt đến sự hoàn hảo, nên Ngài đến để kiện toàn chúng. Sự hoàn hảo của Luật Môsê và các ngôn sứ chỉ được tìm thấy trong Ngài. Công thức “Luật và ngôn sứ” thường được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (x. 7:12; 11:13; 22:40). Công thức này ám chỉ toàn bộ sự mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Còn sự tương phản giữa “phá huỷ – kiện toàn” dạy chúng ta rằng thái độ căn bản của Chúa Giêsu trước di sản của người Do Thái là tích cực và cảm thông [đồng tình], mặc dầu thái độ này bao gồm việc chỉ trích một số phát triển về luật mà Ngài xem là có hại (x. chương 15 và 23). Như thế, Ngài muốn bắt đầu một thời đại mới. Thái độ của Chúa Giêsu về luật dạy chúng ta rằng: mục đích của luật là giúp chúng ta thăng tiến trong các tương quan với Thiên Chúa và anh chị em mình. Nói cách khác, mục đích của luật là giúp chúng ta trở nên những con người tốt và thánh thiện. Khi luật làm chúng ta xa Chúa và vô cảm trước những nhu cầu của người anh chị em, chúng ta cần phải xem lại những luật đó và “kiện toàn” chúng.
Điểm cuối cùng để chúng ta suy gẫm là việc Chúa Giêsu khẳng định giá trị của Torah và các ngôn sứ: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18). Chúa Giêsu khẳng định điều này vì Torah và các ngôn sứ có giá trị mang lại sự sống đời đời, nên “ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5:19). Trong những lời này, Chúa Giêsu liên kết việc tuân giữ Torah và các ngôn sứ với Nước Trời. Hơn nữa, trong những lời này, Chúa Giêsu dùng lối tương phản để nói về việc tuân giữ luật và vị trí trong Nước Trời: không tuân giữ điều “nhỏ nhất” sẽ là người nhỏ nhất trong Nước Trời, nhưng nếu tuân giữ điều “nhỏ nhất” sẽ được gọi là “lớn” trong nước trời. Điều quan trọng ở đây chính là điều “nhỏ nhất,” điều nhiều người trong chúng ta không mấy để ý đến. Tuy nhiên, trước mặt Chúa, một cử chỉ nhỏ nhất cũng đáng giá thật nhiều. Đừng chê bai những gì “nhỏ bé” vì mọi sự luôn bắt đầu với những gì là đơn sơ và nhỏ bé nhất. Tại sao chúng ta lại mong ước làm việc lớn, trong khi ngay những cái nhỏ nhất chúng ta không muốn thực hiện? Làm sao chúng ta nên thánh khi một việc nhỏ nhất chúng ta không muốn thực hiện, ví dụ: chào người chúng ta không thích hay làm một việc tốt cho người làm chúng ta buồn?
********************
THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN
SỐNG HIỀN HOÀ – ĐỪNG NÓNG GIẬN
(2 Cr 3:15 – 4:1.3-6; Mt 5:20-26)
Hôm qua, lời Chúa trình bày cho chúng ta về vấn đề Luật. Hôm nay trong bài đọc 1, Thánh Phaolô tiếp tục nêu lên sự khác biệt giữa Luật Môsê và Luật mới Chúa Giêsu mang lại. Đây là điểm nối kết hai bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay. Thánh Phaolô dùng hình ảnh “tấm màn” che mặt của Môsê để nói về sự “che khuất” vinh quang của Thiên Chúa khi đứng từ khía cạnh con người. Nhưng từ phía Thiên Chúa, tấm màn được cất đi. Hình ảnh “tấm màn” nhắc nhở chúng ta về một thực tế trong cuộc sống, đó là có những chuyện chúng ta làm mà người khác không thể biết, nhưng Chúa biết hết những điều đó. Vì vậy, chúng ta hãy sống chân thật, không gian dối vì “chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một tấm gương; như thế, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, nhưng ngày càng trở nên rực rỡ hơn bởi tác động của Chúa là Thần Khí” (2 Cr 3:18). Khi chúng ta sống chân thật, không che đậy, chúng ta phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa và được biến đổi để trở nên ngày càng đồng hình đồng dạng với Ngài hơn.
Điều thứ hai Thánh Phaolô muốn dạy chúng ta trong bài đọc 1 hôm nay là trong khi phục vụ anh chị em đồng loại, chúng ta không nên “sờn lòng nản chí” (2 Cr 4:1). Điều này rất quan trọng vì không phải ai cũng có thể nghĩ tốt và nói tốt về những điều chúng ta thực hiện. Từ kinh nghiệm của mình, Thánh Phaolô nói rằng ngay cả Tin Mừng ngài và các Tông Đồ rao giảng cũng bị che khuất (2 Cr 4:3). Dù nhiều người không tin và chống đối các ngài vì Tin Mừng bị “che khuất,” các ngài không nản chí sờn lòng. Điều này nhắc nhở chúng ta về đời sống yêu thương và phục vụ của mình. Nhiều lần tình yêu, sự quảng đại và kiên nhẫn của chúng ta bị “thử thách,” nhiều người trong chúng ta đã bỏ cuộc, ngừng yêu thương và phục vụ. Khi đối diện với một người không đón nhận chúng ta và việc phục vụ của chúng ta, đây không phải là lý do để chúng ta tháo lui, nhưng là cơ hội để chúng ta trở nên kiên nhẫn hơn, sáng tạo hơn trong lối tiếp cận của mình hầu làm cho người khác đón nhận chúng ta và sứ điệp Tin Mừng mà chúng ta mang đến cho họ. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta suy gẫm là: chúng ta có mang sứ điệp Tin Mừng của Chúa đến cho người khác không?
Ai trong chúng ta cũng muốn được lên Thiên Đàng. Để đạt được điều này, chúng ta thường cố gắng sống tốt và làm việc tốt. Trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu, có hai lần Chúa Giêsu nói cách trực tiếp đến điều kiện cần để được vào Nước Trời, đó là: (1) “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20); (2) “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Chúng ta có cả hai hay một trong hai điều kiện để vào Nước Trời trên không? Nếu chưa có, chúng ta phải có gắng hầu tìm được niềm vui với Chúa trên Thiên Đàng.
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt nằm trong bối cảnh bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Như chúng ta đã nghe trong những ngày qua, trong bài giảng này, Chúa Giêsu đặt ra trước các môn đệ một tiêu chuẩn sống mới, hay đúng hơn là một nền luân lý mới để hướng dẫn các hành động của họ. Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu khẳng định về giá trị của Luật Môsê và ngôn sứ và Ngài đến để kiện toàn chúng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ thấy Ngài kiện toàn chúng qua việc giải thích cách mới mẻ với những đòi hỏi mới.
Điều đầu tiên Chúa Giêsu muốn kiện toàn là giới răn thứ 5 trong 10 điều răn: Giới răn chớ giết người. Trong giới răn này, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy gốc rễ của giết người, và một trong những gốc rễ đó là tức giận: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:21-22). Thật vậy, luận chứng đầu tiên trong sáu luận chứng Chúa Giêsu nói về sự tức giận trong bài giảng trên núi. Theo tâm lý học, chúng ta có thể nói rằng tức giận là một phản ứng bình thường trước một ai hoặc một điều gì đó “làm phiền” chúng ta. Tuy nhiên, nếu tức giận không được kiểm soát thường dẫn đến “bạo lực.” Người tức giận thường nghĩ xấu và ước muốn làm điều xấu cho người khác. Nói cách khác, trong tư tưởng, những người tức giận thường muốn giết chết người làm cho họ tức giận. Ông bà ta thường nói, “giận quá thì mất khôn.” Thật vậy, khi tức giận chúng ta thường có những lời nói và hành động làm tổn thương đến người khác. Đây là điều mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Theo Chúa Giêsu, tức giận thường làm cho chúng ta “mắng” và “chửi” anh chị em của mình. Hãy là người kiểm soát “cảm xúc” nóng giận, đừng để “cảm xúc” kiểm soát chúng ta! Đừng để sự nóng giận làm chúng ta “mất khôn” nhưng hãy khôn ngoan điều phối sự nóng giận. Đừng để một phút nóng giận làm chúng ta ân hận suốt đời!
Điều thứ hai Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay là cách thức hành xử khi có sự bất hoà với anh chị em của mình. Sự bất hoà này thường là hậu quả của sự nóng giận. Theo Chúa Giêsu, sự bất hoà với người khác có ảnh hưởng đến việc tôn thờ Thiên Chúa của chúng ta. Nói cách khác, khi tương quan của chúng ta với anh chị em của mình bị tổn thương, thì tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5:23-26). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời đưa ra hai giả định: (1) Đền Thánh vẫn còn đứng vững và chưa bị phá đổ bởi người Rôma vào năm 70. Nên đoạn văn này phải được viết trước năm 70; (2) Chúa Giêsu chuẩn nhận Đền Thánh và hệ thống hy lễ của Đền Thánh. Việc Chúa Giêsu đặt ưu tiên về đời sống luân lý trên nghi lễ phản ảnh lời dạy của các ngôn sứ trong Cựu Ước: sẽ không có việc tôn thờ Thiên Chúa cách chân thật nếu không có đức công bình và yêu thương. Điều này mời gọi chúng ta xem lại đời sống thờ phượng của mình. Việc thờ phượng Thiên Chúa phải làm cho chúng ta trở nên những người sống yêu thương và hài hoà với anh chị em. Hãy làm hoà với anh chị em khi chúng ta đang còn đi với họ trên đường về Thiên Đàng và gặp vị thẩm phán chí công. Bản án của chúng ta hệ tại việc chúng ta sống với anh chị em như thế nào.
***************
THỨ SÁU TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu
SUỐI NGUỒN TÌNH YÊU VÀ THA THỨ
(Đnl 7:6-11; 1 Ga 4:7-16; Mt 11:25-30)
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong đời sống thường ngày, người ta thường lấy trái tim làm biểu tượng của tình yêu. Theo cách nhìn bình dân này, khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng tình yêu của Ngài. Đây là một tình yêu tuyệt đối, vô điều kiện. Tình yêu này phản ánh cách chân thật nhất tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Chúng ta có thể nói rằng, nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy một tình yêu mạc khải cách trọn vẹn Thiên Chúa là ai: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8,16). Chúng ta cùng nhau để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc khám phá tình yêu Thiên Chúa và đem ra sống trong đời sống thường ngày của mình.
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta những lời Môsê nói với dân Israel về giao ước Thiên Chúa đã ký kết với họ. Trong giao ước đó, Môsê đã chỉ cho dân Israel biết chính tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa đã làm cho họ xứng đáng với giao ước, chứ không phải công trạng của họ. Chúng ta có thể thấy những đặc điểm sau trong tình yêu giao ước của Thiên Chúa dành cho dân Israel: (1) Tình yêu của Thiên Chúa là vô điều kiện. Động lực Ngài chọn Israel là vì Ngài yêu: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người. Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân. Nhưng chính là vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaô, vua Aicập” (Đnl 7:6-8). Tình yêu là “bản tính” của Ngài. (2) Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu trung thành cho đến muôn đời: Anh em phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người” (Đnl 7:9). Đây chính là hai yếu tố quan trọng trong tình yêu Thiên Chúa mà mỗi khi đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu chúng ta chiêm ngưỡng và học đòi bắt chước.
Nếu chúng ta lưu ý cấu trúc của đoạn trích, chúng ta nhận ra hai câu mở đầu và kết thúc nói về căn tính và bổn phận của dân Israel trong tương quan giao ước với Thiên Chúa. Bổn phận đối với Thiên Chúa tuôn chảy từ chính căn tính “là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 7:6). Vì là dân thánh hiến cho Thiên Chúa, nên dân Israel “phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền cho anh em đem ra thực hành” (Đnl 7:11). Được thánh hiến cho Thiên Chúa trong ngày rửa tội [canh tân trong ngày khấn dòng], chúng ta cũng được mời gọi chu toàn bổn phận của mình là tuân giữ những mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Thiên Chúa [đối với người tu sĩ là tuân giữ hiến luật (hiến chương) và quy tắc (nội quy) của dòng]. Chúng ta phải sống đúng với căn tính của mình.
Trong bài đọc 2, Tháng Gioan cho biết suối nguồn của tình yêu là Thiên Chúa. Điều kiện để biết một người được sinh ra và biết Thiên Chúa chính là đời sống yêu thương: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:7-8). Trong những lời này, chúng ta có được định nghĩa về Thiên Chúa là ai. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên mọi sự Ngài thực hiện đều phát xuất từ tình yêu. Người sống yêu thương luôn đi bước trước: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:10). Thật vậy, Thiên Chúa luôn đi bước trước để hoà giải chúng ta với Ngài. Chỉ khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa cách cá vị, chúng ta mới nhận ra rằng mình được mời gọi yêu thương anh chị em mình như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1 Ga 4:11). Chính qua tình yêu chúng ta dành cho nhau mà chúng ta biết chúng ta đang ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong chúng ta: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4:16). Như vậy, trong khi cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được nhắc nhở về đời sống yêu thương của mình. Một mặt, chúng ta được mời gọi đến với Thiên Chúa, suối nguồn tình yêu. Mặt khác, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta phải sống yêu thương, vì chúng ta đã được yêu thương trước.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta tiếng kêu của niềm vui và lời mời gọi của Đấng Cứu Độ. trình thuật Tin Mừng bao gồm một câu chuyện mang tính mạc khải mà trong đó Chúa Giêsu xuất hiện như người mạc khải về sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Theo cấu trúc, chúng ta có thể chia trình thuật ra làm ba phần: (1) lời tạ ơn về mạc khải (Mt 11:25-26); (2) nội dung của mạc khải (Mt 11:27); (3) lời mời gọi đến với mạc khải (Mt 11:28-30). Theo các học giả Kinh Thánh, cấu trúc này giống với cấu trúc trong sách Sirắc 51:1-12,13-22,23-30, nhưng chỉ có 51:23-30 thật sự gần với Mt 11:28-30.
Trong lời tạ ơn về mạc khải, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11:25-26). Những lời mở đầu [Lạy Cha là Chúa Tể trời đất] là công thức chúc lành đặc trưng của người Do Thái. Nhưng Chúa Giêsu thêm lời gọi thân tình Abba – Cha vào trong công thức để cho thấy mối tương quan mật thiết giữa Ngài và Thiên Chúa của Israel. Trong lời tạ ơn này, Chúa Giêsu chỉ ra lý do của tạ ơn, đó là “mạc khải mầu nhiệm nước trời cho những người bé mọn.” Chúng ta tự hỏi, tại sao Chúa Cha lại giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời? Đây là lối nói tượng hình ám chỉ sự kiêu ngạo của những bậc khôn ngoan thông thái theo tiêu chuẩn con người. Họ cho rằng mình biết hết mọi sự. Nhưng mầu nhiệm nước trời chỉ được mạc khải cho những người đơn sơ, không học hành. Điều đẹp ý Thiên Chúa là vén mở mầu nhiệm Nước Trời cho những người được xem là bị loại ra ngoài. Đây là quyết định của Thiên Chúa để chọn một số người đến với ơn cứu độ. Chi tiết này cho thấy, mạc khải về tình yêu và ơn cứu độ là quyết định theo ước muốn của Thiên Chúa chứ không theo ước muốn con người.
Nội dung của mạc khải chính là Chúa Cha và không ai có thể đến được với Chúa Cha nếu Chúa Con không mạc khải cho: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11:27). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là “truyền thống cá vị của Thiên Chúa.” Nói cách khác, Ngài là “lời mạc khải tuyệt đối” về Thiên Chúa. Trong những lời trên Chúa Giêsu công bố Ngài chính là con đường “độc nhất vô nhị” để đến với Chúa Cha. Ngài chính là lối đi duy nhất để đạt đến sự hiểu biết và tình yêu của Chúa Cha. Bên cạnh đó, trong câu khẳng định của mình, Chúa Giêsu cũng cho thấy sự hiểu biết và tình yêu hỗ tương giữa Ngài với Chúa Cha. Ngài chính là mạc khải duy duy nhất về Chúa Cha (x. Mt 1:23; 28:18; Ga 3:35; 10:15; 13:3). Khi đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi gắn bó với Chúa Giêsu, vì chỉ nơi Ngài chúng ta mới biết và cảm nghiệm cách cụ thể tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Những lời mời gọi đến với mạc khải của Chúa Giêsu thật nhẹ nhàng, êm ái: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Trong những lời này, Chúa Giêsu nói như Sự Khôn Ngoan được cá vị hoá (x. Cn 8), với những đặc tính của người nữ như là người mang lại sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Lời mời gọi của Ngài dành cho hết mọi người. Ngài mời gọi họ đến với Ngài để mang lấy ách của Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, các rabbi nói về cái ách của Luật [Torah] và cái ách của vương quốc [bị đô hộ]. Ở đây, cái ách của Chúa Giêsu ám chỉ lời giải thích luật của Ngài. Người môn đệ không chỉ mang lấy ách của Chúa Giêsu, nhưng còn học ở nơi Ngài. Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường và hiền lành, vừa là thầy dạy vừa là khuôn mẫu của các môn đệ vì Ngài chính là Luật được cá vị hoá. Là những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đã học ở nơi Ngài sự khiêm nhường và hiền lành trong lời ăn tiếng nói, trong cách cư xử của mình với anh chị em của mình chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu từ hôm nay!
******************
THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
TRÁI TIM TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
(Is 61:9-11; Lc 2:41-51)
Hôm qua, chúng ta đã cùng nhau chiêm ngưỡng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng trái tim vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria. Nơi trái tim Mẹ, chúng ta sẽ khám phá ra tình yêu dịu hiền của một người mẹ. Trình thuật của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 đưa chúng ta về với lời sấm của Đức Chúa dành cho con cái Israel. Những lời này được Giáo Hội sử dụng hầu ca ngợi Mẹ Maria: “Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân, và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa muôn nước. Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết rằng các ngươi là một dòng dõi được Đức Chúa ban phúc lành” (Is 61:9). “Dòng dõi” của Mẹ Maria chính là Đức Giêsu, Đấng mang phúc lành cho mọi người. Mẹ là người được chúc phúc giữa các người phụ nữ và niềm vui của Mẹ đến từ Thiên Chúa: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61:10-11). Mẹ không tìm niềm vui nào khác ngoài Đức Chúa. Mọi vinh dự Mẹ có đều được Thiên Chúa ban cho. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta thấy trong trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria chỉ có tình yêu, lòng cảm mến tạ ơn, niềm vui vì được Thiên Chúa chọn và yêu thương. Là con cái của Mẹ, con tim chúng ta cũng phải chứa đựng những điều cao trọng như Mẹ. Đừng chứa đựng những cay đắng, hờn ghen, trả thù, những ý tưởng chua chát với anh chị em mình. Hãy để Chúa chiếm trọn con tim chúng ta như Mẹ Maria đã để Chúa hoàn toàn chiếm lấy trái tim Mẹ.
Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta nghe sự kiện Chúa Giêsu đi lạc trong đền thờ. Chúng ta có thể suy gẫm về hình ảnh của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay theo ba bước: Trước khi Chúa Giêsu lạc, trong khi lạc Chúa Giêsu, và sau khi tìm thấy Chúa Giêsu. Trước khi lạc Chúa Giêsu, trình thuật Tin Mừng trình bày cho chúng ta hình ảnh của Mẹ Maria trong một gia đình người Do Thái sống trung thành với luật: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2:41-42). Những lời này nhấn mạnh đến gia đình của Chúa Giêsu, một gia đình trung thành sống theo luật như là môi trường mà trong đó Chúa Giêsu lớn lên. Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện này báo trước hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu sau này, hành trình mà Ngài đi cùng các môn đệ và mạc khải Cha của Ngài qua lời dạy và hành động của Ngài (x. Lc 9:51-19:27). Trong bối cảnh này, chúng ta thấy trước khi lạc mất Chúa Giêsu, trái tim Mẹ Maria chứa đựng tình yêu dành cho Thiên Chúa qua việc tuân giữ luật của Ngài và dành cho gia đình của mình qua việc luôn hiện diện với các thành viên khác trong gia đình. Học ở nơi Mẹ, chúng ta để cho Thiên Chúa đổ đầy con tim mình với tình yêu của Ngài hầu chúng ta sống cho Ngài và cho anh chị em của mình.
Trong những ngày lạc mất Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã vất và tìm kiếm và trái tim Mẹ tràn đầy lo lắng của tình mẫu tử: “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2:43-45). Trong những ngày này, mối bận tâm duy nhất của Mẹ là Chúa Giêsu. Mẹ tìm kiếm cho đến khi tìm được Ngài. Mỗi khi lạc xa khỏi Chúa, chúng ta có thái độ như thế nào? Chúng ta có băn khoăn lo lắng tìm kiếm Ngài, hay trách Ngài bỏ rơi chúng ta? Mẹ Maria đã đi mọi nơi, gặp mọi người để hỏi thăm về Chúa Giêsu. Trong giây phút lạc xa khỏi Chúa, chúng ta cũng được mời gọi đi mọi nơi, tìm mọi người để hỏi thăm về Chúa cho đến khi tìm thấy Ngài.
Khi tìm thấy Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã sửng sốt và ghi nhớ tất cả mọi sự [về Chúa Giêsu] trong lòng: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: ‘Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!’ Người thưa: ‘Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2:46-51). Chi tiết đáng để chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu được tìm thấy trong Đền Thờ. Chúng ta chỉ hiểu điều này khi chúng ta liên kết với câu nói của Chúa Giêsu với Mẹ Maria: “Cha Mẹ không biết là con có bổn phận trong nhà của Cha con sao?” Đền Thờ chính là “nhà của Chúa Cha.” Trong câu nói này, Chúa Giêsu ám chỉ rằng Ngài chỉ được tìm thấy trong “cung lòng” của Chúa Cha. Và đây chính là điều Mẹ Maria ghi nhớ trong lòng. Trong lòng của Mẹ chỉ có mối tương quan đầy tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con. Nói cách khác, trong lòng Mẹ, chỉ có Chúa ngự trị. Khi chiêm ngắm trái tim vô nhiễm Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi biến con tim của mình thanh nơi cư ngụ của Thiên Chúa.