SUY NIỆM Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần VII Phục Sinh

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần VII Phục Sinh

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN VII PHỤC SINH

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN VII PHỤC SINH

THẬP GIÁ LÀ DẤU CHỨNG VINH QUANG TRONG ĐỨC KITÔ

(Cv 19:1-8; Ga 16:29-33)

Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta câu chuyện của Thánh Phaolô với cộng đoàn tín hữu ở Êphêxô. Các tín hữu ở đây đã tin theo nhưng chưa chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Trong lời rao giảng của mình, Thánh Phaolô chỉ ra sự khác biệt giữa phép rửa của Gioan và phép rửa nhân danh Chúa Giêsu: “‘Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?’ Họ trả lời: ‘Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.’ Ông hỏi: ‘Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào?’ Họ đáp: ‘Phép rửa của ông Gioan.’ Ông Phaolô nói: ‘Ông Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giêsu.’ Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri” (Cv 19:2-6). Những lời này chỉ ra sự khác biệt giữa phép rửa của ông Gioan và phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Trong phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, chúng ta được đón nhận Thánh Thần để làm chứng cho Chúa Giêsu. Trong ngày rửa tội [thêm sức], chúng ta đã được Thiên Chúa ban Thánh Thần tràn ngập tâm hồn chúng ta, để chúng ta nói tiên tri, nói lời của Thiên Chúa. Nhưng theo thời gian, chúng ta để cho tâm hồn mình bị xâm chiếm bởi những “lời của thế gian.” Dần dần, tâm hồn của chúng ta có một chỗ rất nhỏ hoặc không còn chỗ cho Thánh Thần. Chúng ta chỉ còn nói lời của thế gian, chứ không còn nói lời Thiên Chúa cho nhau. Đây chính là lý do mà Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho chúng ta, để chúng ta không đánh mất đức tin của mình.

Thời gian Chúa Giêsu sẽ được tôn vinh đang đến gần, tất cả những “câu đố” khó hiểu của Chúa Giêsu cho các môn đệ từ từ được làm sáng tỏ. Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha, giờ đây Ngài trở về với Chúa Cha. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta biết về việc Chúa Giêsu không còn dùng dụ ngôn để nói với các môn đệ. Đây là cuộc đối thoại thân tình cuối cùng Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Ngài bắt đầu lời “Cầu Nguyện Tư Tế” của Ngài (chương 17) và bước vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài (chương 18-21). Cuộc đối thoại cuối cùng trong phòng Tiệc Ly này nói với chúng ta điều gì?

Cuộc đối thoại này bao gồm câu khẳng định từ các môn đệ và câu “bình luận” từ Chúa Giêsu. Chúng ta sắp xếp lại như sau:

Các môn đệ: “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16:29-30).

Chúa Giêsu: “Bây giờ anh em tin à? Này đến giờ – và giờ ấy đã đến rồi – anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:31-33).

Trong câu khẳng định của mình, các môn đệ hãnh diện là Chúa Giêsu không còn dùng dụ ngôn để nói với họ, nhưng đã nói rõ mọi sự. Như vậy, họ nhận ra rằng Chúa Giêsu biết hết mọi sự và họ không cần phải đi đâu để hỏi về bất cứ chuyện gì như họ đã từng làm (x. 13:33-14:31). Vì họ nhận ra Chúa Giêsu biết hết mọi sự, nên họ tin Ngài từ Thiên Chúa mà đến. Những lời này nói lên khát vọng của mỗi người chúng ta, đó là được biết Thiên Chúa cách rõ ràng, không còn phải băn khoăn tìm kiếm câu trả lời. Nhưng các môn đệ chỉ ra cho chúng ta biết, chỉ nơi Chúa Giêsu, Đấng biết hết mọi sự, chúng ta mới có thể tìm thấy câu trả lời thích đáng cho mình. Nhiều người trong chúng ta mong được biết rõ về Thiên Chúa để niềm tin của mình được vững mạnh không bị lung lay. Khi đọc những lời trong đối thoại của các môn đệ, chúng ta cần lưu ý đến công thức “biết để tin.” Các môn đệ hãnh diện là đã được Chúa Giêsu nói rõ mọi sự và họ đã nhận ra Ngài biết hết mọi sự, hệ quả là họ cũng sẽ được biết hết mọi sự. Và từ cái biết này họ tin vào Chúa Giêsu. Niềm tin của họ được đặt nền trên sự hiểu biết. Đây là điều mà nhiều người trong chúng ta đang làm. Chúng ta cũng muốn biết và hiểu hết mọi sự để rồi tin. Sống trong một thế giới chỉ lưu ý đến “sự hào nhoáng” bên ngoài và đặt nặng vấn đề trí thức và muốn mọi sự phải được chứng minh bằng các công thức khoa học, cấp độ tin của chúng ta lệ thuộc vào cấp độ chứng minh của chúng ta về mầu nhiệm Thiên Chúa. Đứng trước công thức này, Chúa Giêsu đã nói lên “nhận định” của mình.

Chúa Giêsu bắt đầu “nhận định” của mình với câu hỏi: “Bây giờ anh em tin à?” Tiếp theo Ngài nói cho các môn đệ biết về sự thật của niềm tin mong manh, niềm tin được đặt trên sự hiểu biết giới hạn của họ. Sự thật đó là: Họ sẽ phân tán mỗi người một ngả và để Chúa Giêsu cô độc một mình. Chúng ta cần lưu ý rằng, cuộc thương khó trong Tin Mừng Thánh Gioan không nói đến lời tiên báo này, vì người môn đệ Chúa Giêsu yêu không bỏ chạy, nhưng hiện diện dưới chân thập giá (x. Ga 19:26-27), và các môn đệ vẫn tụ họp với nhau ở Giêrusalem (x. Ga 20:19). Truyền thống thì nói việc họ trở về Galilê được thêm vào trong phần trình thuật về những câu chuyện phục sinh của Chúa Giêsu (x. Ga 21:1-14). Từ chi tiết này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng niềm tin của chúng ta luôn mong manh và mỏng giòn. Khi đặt niềm tin trên sự hiểu biết, niềm tin đó luôn có giới hạn vì trí hiểu của chúng ta luôn có giới hạn, nhưng khi đặt niềm tin trên tình yêu [như người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến], chúng ta sẽ đứng vững trong thử thách, đứng vững dưới chân thập giá Chúa Giêsu dù chúng ta không hiểu [hay đúng hơn chưa hiểu] những gì Thiên Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời của chúng ta. Chúng ta đang đặt niềm tin của mình trên sự hiểu biết hay tình yêu?

Một điểm khác đáng chúng ta suy gẫm trong câu khẳng định của Chúa Giêsu về việc Ngài “không cô đơn” dù các môn đệ “phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình,” vì “Chúa Cha luôn ở với Thầy.” Chi tiết này là chân lý giúp chúng ta cảm thấy được an ủi khi mọi người bỏ rơi chúng ta. Ai trong chúng ta cũng đã có lần phải đối diện với tình trạng bị bỏ rơi, phản bội hoặc lãng quên. Trong những trường hợp như thế, chúng ta cảm thấy cô đơn. Nhưng Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng, dù mọi người bỏ rơi và để chúng ta cô độc một mình, thì Thiên Chúa cũng không để chúng ta cô độc một mình, vì Ngài luôn ở với chúng ta. Câu hỏi chúng ta cần trả lời ở đây là: Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, còn chúng ta có luôn ở với Ngài không? Những người không luôn kết hiệp với Thiên Chúa [hoặc không cảm nghiệm được việc Chúa luôn ở với mình], thường cảm thấy cô đơn!

Điểm cuối cùng đáng chúng ta quan tâm, đó là việc Chúa Giêsu khẳng định rằng chỉ ở trong Ngài, các môn đệ mới được bình an. Điểm này bao gồm lời hứa bình an và lời khẳng định “Đức Giêsu đã chiến thắng thế gian.” Nói cách khác, các môn đệ tìm được bình an trong Chúa Giêsu vì sự bình an là hoa trái của thập giá mà qua đó Ngài đã chiến thắng thế gian. Thập giá không phải là vinh quang cho những ai chống đối Chúa Giêsu; cũng không phải là vinh quang cho cộng đoàn Thánh Gioan đang phải chịu sự bách hại. Khi các môn đệ hiểu được những gì đã xảy ra trong “giờ” mà qua đó Chúa Giêsu được tôn vinh, các môn đệ mới nhận ra rằng thập giá và sự đau khổ trong bách hại là vinh quang của Chúa Giêsu. Như vậy, sự bình an mà Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ không có nghĩa là không có đau khổ và thập giá, nhưng là hoa trái của tình yêu, của việc cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta đau khổ. Hãy can đảm trong đau khổ vì Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian, chiến thắng sự chết!

**********************

THỨ BA TUẦN VII PHỤC SINH

TÔN VINH THIÊN CHÚA QUA LỜI KINH NGUYỆN

(Cv 20:17-27; Ga 17:1-11a)

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe đến một cộng đoàn rất thân thương của Thánh Phaolô, đó là cộng đoàn Êphêsô, mà ngài viết đã viết thư cho họ. Để hiểu đoạn trích hôm nay, chúng ta cần phải biết về thính giả của Thánh Phaolô, đó là các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêsô. Họ là những người lãnh đạo và hướng dẫn cộng đoàn. Từ những lời ngài nói cho họ, chúng ta nhận ra ba ý tưởng:

Ý tưởng thứ nhất là “ôn lại quá khứ”: “Anh em biết, từ ngày đầu tiên đặt chân đến Axia, tôi đã luôn luôn cư xử với anh em thế nào. Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách do những âm mưu của người Do Thái. Anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia. Tôi đã khuyến cáo cả người Do Thái lẫn người Hy Lạp phải trở về với Thiên Chúa, và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (Cv 20:18-21). Trong quá khứ, chúng ta đã sống với người khác như thế nào?. Nếu ôn lại quá khứ, chúng ta có thể thốt lên những lời như trên của Thánh Phaolô không? “Tôi đã phục vụ anh chị em,” “tôi đã hết lòng khiêm nhường,” “tôi đã nhiều lần rơi lệ” [vì anh chị em], “tôi đã gặp bao thử thách và bị chống đối,” “tôi đã không bỏ qua một cơ hội nào để nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho anh chị em,” “tôi đã khuyến cáo anh chị em khi anh chị em đi sai đường,” và “tôi đã làm mọi việc để anh chị em tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta.” Nếu quá khứ của chúng ta chưa được đẹp như Thánh Phaolô, chúng ta hãy sống tốt giây phút hiện tại cách sung mãn như được Thánh Phaolô gợi ý trong hai ý tưởng tiếp theo.

Ý tưởng thứ hai là “sống hiện tại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”: “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20:22-24). Với những lời này, Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải sống giây phút hiện tại trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa, và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để có thể sẵn sàng đón nhận những xiềng xích và gian truân với niềm tin và sự trung thành. Nói cách khác, chúng ta phải sống trọn vẹn giây phút hiện tại để làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa dù phải đối diện với đau khổ, chống đối và gian truân.

Ý tưởng thứ ba là “sống trọn vẹn cho Nước Thiên Chúa trong giây phút hiện tại”: “Giờ đây tôi biết rằng: tất cả anh em, những người tôi đã đến thăm để rao giảng Nước Thiên Chúa, anh em sẽ không còn thấy mặt tôi nữa. Vì vậy, hôm nay tôi xin tuyên bố với anh em rằng: nếu có ai trong anh em phải hư mất, thì tôi vô can. Thật tôi đã không bỏ qua điều gì, trái lại đã rao giảng cho anh em tất cả ý định của Thiên Chúa” (Cv 20:25-27). Trong ý tưởng này, Thánh Phaolô nói về sự vô can của mình trong việc hư mất của người khác, vì ngài đã không bỏ qua điều gì, nhưng đã rao giảng cho họ tất cả ý định của Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta sống giây phút hiện tại với sự trao ban trọn vẹn, không giữ lại gì cho chính mình, nhất là những gì giúp người khác đón nhận Tin Mừng và biết ý định của Thiên Chúa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt đầu nghe trình thuật về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Chúng ta sẽ nhận ra một vài điểm tương đồng giữa lời cầu nguyện này với lời Kinh Lạy Cha như sau: (1) Việc sử dụng từ “Cha” như là hình thức để gọi Thiên Chúa; (2) vinh quang của Thiên Chúa và việc sử dụng danh xưng của Thiên Chúa (x. Ga 17:1,11-12); (3) thực hành thánh ý Thiên Chúa (x. Ga 17:4); (4) lời cầu xin để được giải thoát khỏi “sự dữ” (x. Ga 17:15). Cũng giống những hình ảnh cầu nguyện khác của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan, lời cầu nguyện này phản chiếu sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con và việc Chúa Giêsu hoàn toàn tận hiến chính mình cho sứ mệnh được trao phó. Lời cầu nguyện này cũng tiếp tục những gì đã được ám chỉ trong những trình thuật trước về sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con với các môn đệ như là nền tảng mà trên đó các môn đệ tiếp tục “ở lại trong thế gian.” Tóm lại, trong lời cầu nguyện của mình, Chúa Giêsu chỉ ra mục đích của cầu nguyện là đạt đến sự hiệp nhất [nên một] với Thiên Chúa và nên một với anh chị em mình theo kiểu mẫu của sự nên một của Chúa Cha và Chúa Con. Cầu nguyện càng làm chúng ta gần Chúa và gần nhau hơn. Nếu điều này chưa hoặc không xảy ra trong cầu nguyện, thì thật sự chúng ta chưa biết hoặc không cầu nguyện với trọn con tim.

Chúng ta thấy bài Tin Mừng này có hai phần: Phần 1 nói về lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha để được trở về với vinh quang mà Ngài có với Chúa Cha (Ga 17:1-5) và phần 2 là bản “tóm tắt” những gì được trao ban cho những người được chọn bởi Thiên Chúa và nhận được sự mạc khải Chúa Giêsu mang đến. Trong phần 1, chúng ta thấy, Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha tôn vinh mình vì “giờ” của Ngài đã đến: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô. Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:1-5). Những lời này giúp chúng ta hiểu về “giờ” của Chúa Giêsu. Khi “giờ” của Ngài đến, Chúa Giêsu được tôn vinh vì Ngài đã hoàn thành công việc được Chúa Cha trao, đó là tôn vinh Chúa Cha qua việc ban sự sống đời đời, và xin Chúa Cha tôn vinh mình. Trong và qua “giờ” của mình, Chúa Con sẽ được ban cho quyền trên hết mọi phàm nhân, đó là quyền ban sự sống và xét xử (x. Ga 5:20-27). Trong những lời trên, Thánh Gioan cũng đưa chúng ta về lại với Lời Dẫn của Ngài nhằm mục đích làm sáng tỏ rằng Chúa Giêsu là Đấng “đến từ Thiên Chúa,” là một với Thiên Chúa, điều mà những người chống đối Ngài không thể biết và hiểu; Thánh nhân không nhằm mục đích trình bày Chúa Giêsu là một người công chính, một con người hoàn toàn vâng phục được Thiên Chúa sai đến, là người được tôn vinh trên trời. Chúng ta cũng đã được nên một với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa qua bí tích rửa tội. Chúng ta đã sống điều này như thế nào? Trong bí tích rửa tội, chúng ta đã được Chúa Giêsu ban cho sự sống đời đời. Chúng ta đã gìn giữ sự sống này như thế nào?

Trong phần 2, Chúa Giêsu nhìn đến các môn đệ thân tín của Ngài, là những người được ám chỉ trong lời cầu nguyện của Ngài: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con. ‘Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha” (Ga 17:6-11a). Những lời này tóm kết tất cả những gì đã được ban cho những người được Thiên Chúa chọn và đón nhận sự mạc khải mà Chúa Giêsu mang đến. Câu 6-8, đổi ngược lời luận phạt của những kẻ không tin trong sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (x. Ga 8:23,28,58). Các môn đệ của Chúa Giêsu biết nguồn gốc thật của Ngài và biết rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự mà Chúa Giêsu đã nói và làm. Trong trình thuật, thuật ngữ “thế gian” được sử dụng như là biểu tượng của sự không tin và ghen ghét mà sự mạc khải của Chúa Giêsu phải đối diện. Vì vậy, các môn đệ được xem như là những người được ban cho Chúa Giêsu “từ thế gian.” Nói cách khác, Chúa Cha đã “lấy các môn đệ từ thế gian” mà ban cho Chúa Giêsu. Nên các môn đệ không còn thuộc về thế gian, dù sống trong thế gian. Chúng ta cũng là những người được Chúa Cha lấy từ thế gian để hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu. Nhưng trong thực tế, chúng ta vẫn sống lối sống của thể gian và chỉ thuộc về Chúa Giêsu một cách nửa vời. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ [cho chúng ta] nhắc nhở chúng ta về phẩm giá cao quý của mình, đó là chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa Cha, thuộc về Chúa Giêsu chứ không thuộc về thế gian.

*************************

THỨ TƯ TUẦN VII PHỤC SINH

ĐƯỢC THIÊN CHÚA THÁNH HOÁ VÀ SAI ĐI VÀO TRONG THẾ GIAN

(Cv 20:28-38; Ga 17:11b-19)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về những lời khuyên của Thánh Phaolô dành cho các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêsô. Các kỳ mục là những người được các tông đồ đặt lên để coi sóc các cộng đoàn mà các ngài thiết lập. Đây cũng có thể được xem là những lời “chia tay” của Thánh Phaolô: “Nói thế rồi, ông Phaolô cùng với tất cả các anh em quỳ gối xuống cầu nguyện. Ai nấy oà lên khóc và ôm cổ ông mà hôn. Họ đau đớn nhất vì lời ông vừa nói là họ sẽ không còn thấy mặt ông nữa. Rồi họ tiễn ông xuống tàu” (Cv 20:36-38). Từ những lời của Thánh Nhân, chúng ta [nhất là những ai đang trong vị trí hướng dẫn và coi sóc người khác] có thể rút ra những điều sau:

Thứ nhất, hết lòng chăm sóc cho chính mình và những người Chúa gởi đến. Mỗi người trong chúng ta đều có giá trị tuyệt đối trước mặt Thiên Chúa, chúng ta được cứu chuộc bởi giá máu của Chúa Giêsu: “Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình” (Cv 20:28). Nếu Chúa Giêsu đã đổ máu mình ra để chuộc lại chúng ta, làm sao chúng ta có thể nhìn người khác với một cái nhìn không thiện cảm hoặc không thương mến được. Những ai không nhận ra nhân phẩm cao quý của người khác, sẽ khó để chấp nhận và tôn trọng nhân phẩm của mình. Hãy luôn nhớ rằng: Chúa đã đổ máu cho chúng ta, đừng làm cho máu Chúa Giêsu ra vô ích khi sống một đời sống không đúng với ơn gọi và nhân phẩm của mình.

Thứ hai, phải luôn tỉnh thức vì nhiều nguy hiểm đang rình rập, nhất là những nguy hiểm đến từ bên trong cộng đoàn, lôi kéo chúng ta vào con đường sai lạc: “Phần tôi, tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng” (Cv 20:29-30). Trong những lời này, Thánh Phaolô chỉ ra rằng: những sói dữ không phải là những người xa lạ, nhưng là những người “giữa hàng ngũ anh em.” Nếu kẻ thù là những người bên ngoài, chúng ta có thể dễ dàng đối phó; nhưng khi kẻ thù đến từ bên trong, chúng ta sẽ dễ dàng bị đánh bại. Vì vậy, chúng ta phải luôn tỉnh thức [nhất là những người phục vụ quyền bính], để nhận ra những điều gây chia rẽ giữa chúng ta và tìm cách chống cự.

Thứ ba, làm gương sáng cho người khác qua đời sống thường ngày của mình: “Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:33-35). Người ta thường nói, “hành động nói lớn hơn lời,” hay “gương sáng dạy tốt hơn là lời nói.” Thánh Phaolô đã nêu gương sáng cho các tín hữu Êphêsô bằng sự quảng đại chia sẻ những gì ngài làm ra từ công việc thường ngày của mình. Ngài chỉ cho chúng ta một định luật sống: “Cho thì có phúc hơn là nhận.” Người cho là người “giàu và dư thừa” còn người nhận là người “nghèo và thiếu thốn.” Tuy nhiên, ở đây chúng ta không chỉ nói đến của cải vật chất, chúng ta còn nói đến những món quà thiêng liêng và nhất là con tim biết yêu mà Chúa đã ban cho chúng ta. Có câu nói trong đời rằng: không ai nghèo đến độ không có gì để cho, và cũng không ai giàu đến nỗi không cần đón nhận gì. Dù có nghèo đến đâu, chúng ta cũng có tình yêu, sự cảm thông, sự tha thứ, sự tế nhị, sự tốt lành, sự hiền dịu và nhiều phẩm chất [không mất tiền để mua] khác để trao ban cho người khác. Hãy trao ban và bạn sẽ nhận lại điều bạn đã trao ban!

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Đây là phần tiếp theo của lời cầu nguyện nói về việc Chúa Giêsu sai các môn đệ vào trong thế gian (x. Ga 17:6-19). Trình thuật hôm nay bắt đầu với danh xưng của Thiên Chúa: “Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: ‘Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh’” (Ga 17:11b-12). Danh xưng “Cha chí thánh” là lối diễn ta không thường xảy ra trong Tin Mừng Gioan. Danh xưng này có thể là lối diễn tả của ngôn từ phụng vụ (x. Did. 10:2). Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ trong danh Chúa Cha vì cho đến bây giờ Ngài đã có thể “giữ các môn đệ” trong “danh” Thiên Chúa khi Ngài còn ở với họ. Tuy nhiên, những lời trên đề cập đến một người, Giuđa Ítcariốt, phải hư mất (x. Ga 6:70; 13:2,27) như lời Kinh Thánh. Nhưng điều đáng để chúng ta suy gẫm trong những lời trên là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho chúng ta được nên một như Ngài với Chúa Cha. Lời cầu nguyện này được vang vọng mỗi ngày qua bao nhiêu thế kỷ, nhưng chúng ta vẫn sống trong sự chia rẽ. Trong đời sống gia đình hay cộng đoàn dòng tu, chúng ta vẫn chưa sống một lòng một ý. Chúng ta vẫn làm cho lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trở nên vô hiệu vì tính ích kỷ, ghen ghét, hận thù, không tha thứ của chúng ta. Chúng ta chỉ nên một khi chúng ta biết làm cho mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con biến thành xương thành thịt của mình.

Tiếp đến, Chúa Giêsu nói về thực tại bị chống đối mà các môn đệ phải đối diện khi sống trong thế gian: “Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17:13-16). Sau khi nói đến niềm vui mà những lời về sự ra đi của Chúa Giêsu mang đến cho các môn đệ (x. Ga 15:11; 16:20-22,24), trình thuật trở lại với nền tảng của những chống đối mà các môn đệ sẽ cảm nghiệm trong thế gian. Điều đáng lưu ý ở đây là lời khẳng định của Chúa Giêsu rằng các môn đệ sống trong thế gian, dù bị chống đối nhưng họ có “lời của Chúa Cha.” Điều này ám chỉ rằng các môn đệ từ nay có “lời của Thiên Chúa” đồng hành với mình chứ không phải “lời của thế gian,” nên họ không thuộc về thế gian (x. Ga 15:18-25). Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi ác thần, vì không như Ngài, Đấng không thể bị đụng đến bởi “quyền lực của thế gian” (x. Ga 12:31; 14:30; 16:33), các môn đệ sẽ bị quyền lực thế gian tấn công. Mặc dù các môn đệ không thuộc về thế gian, bởi vì họ đã đón nhận Chúa Giêsu, họ vẫn phải ở lại trong thế gian và như thế ít là họ cũng sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi thế gian. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ sống của mình. Chúng ta luôn có lời của Thiên Chúa với mình. Nhưng nhiều lần chúng ta đã không nói lời của Ngài mà dùng lời thế gian để nói với nhau nên làm tổn thương nhau. Hơn nữa, nhiều lần chúng ta cũng không ý thức rằng dù sống trong thế gian, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian mà thuộc về Thiên Chúa, nên chúng ta đã để cho mình bị ảnh hưởng bởi lối sống của thế gian. Hãy luôn sống với thái độ khiêm nhường và cần đến Chúa trợ giúp trong từng giây phút, vì chúng ta dễ dàng quên rằng mình thuộc về Thiên Chúa chứ không thuộc về thế gian.

Bài Tin Mừng kết thúc với lời cầu xin của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Ngài xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong sự thật: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17:17-19). Những lời này chính là đỉnh cao của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vì qua những lời này Chúa Giêsu sai các môn đệ tiếp tục sứ mệnh của Ngài trong thế gian. Hình ảnh thánh hiến có một cung điệu mạnh mẽ trong truyền thống nghi lễ (x. Xh 28:41; 40:13; Lv 8:30) và hy lễ (Xh 13:2; Đnl 15:19). Lối giải thích mang tính nghi lễ về cái chết của Chúa Giêsu như trong thư gởi tín hữu Do Thái gán quyền năng thánh hiến [thánh hoá] cho máu của Chúa Giêsu (x. Dt 2:11; 10:10,14,29). Trong Ga 10:36, chúng ta đọc thấy Chúa Cha đã thánh hiến và sai Chúa Con vào trong thế gian. Sứ mệnh của Chúa Con là làm chứng cho những gì Ngài đã thấy và nghe từ Chúa Cha (Ga 8:26; 3:32). Bây giờ, các môn đệ đã đón nhận những lời Chúa Giêsu nói (x. Ga 17:6,14; 15:3 nói đến lời của Chúa Giêsu ‘tẩy sạch’ các môn đệ), họ được sai đi vào trong thế gian để làm chứng cho lời của Chúa Giêsu. Là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được sai vào trong thế gian để làm chứng cho lời Chúa Giêsu. Chúng ta đã được thánh hiến trong sự thật. Hơn nữa, chúng ta cũng được thánh hiến bởi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Chúng ta phải sống thật, sống đúng với nhân phẩm của người môn đệ Chúa Giêsu trong thế gian.

**********************

THỨ NĂM TUẦN VII PHỤC SINH

SỐNG HIỆP NHẤT ĐỂ LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

(Cv 22:30; 23:6-11; Ga 17:20-26)

Chúa Giêsu đã khẳng định rằng: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15:20-21). Điều này áp dụng cho cuộc đời rao giảng của Thánh Phaolô, được tường thuật trong bài đọc 1 hôm nay. Tuy nhiên, chính trong sự bắt bớ và chống đối mà Thánh Phaolô phải đối diện, thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời của ngài được tỏ hiện, đó là: “Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa” (Cv 23:11). Chi tiết này giúp chúng ta có thái độ tin tưởng và an vui trong đau khổ và chống đối khi chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu. Khi nhận ra rằng, thánh ý Thiên Chúa được thể hiện qua những biến cố mà chúng ta “không thích” hoặc “không ước muốn,” chúng ta sẽ bình thản trước những trái ý của cuộc sống. Nhưng khi gặp đau khổ và đối diện với trái ý phật lòng mà chúng ta không cố gắng tìm thánh ý Thiên Chúa trong những biến cố như thế, chúng ta sẽ làm cho cuộc sống của mình và của người khác trở nên nặng nề và nhiều nước mắt.

Một điểm khác trong bài đọc 1 hôm nay được xem như tiền đề nói lên sự cần thiết của việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu thực hiện trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là sự chia rẽ giữa những người thuộc phái Xađốc và những người thuộc phái Pharisêu (x. Cv 23:6-10). Họ bị chia rẽ vì “hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại” (Cv 23:6). Cùng một sự kiện, nhưng “người Xađốc chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisêu thì lại tin là có” (Cv 23:8). Kết quả là “người ta la lối om sòm” (Cv 23:9). Điều này cũng hay xảy ra trong cuộc sống đời thường. Nhiều khi chúng ta cũng “la lối om sòm” và thoá mạ người khác vì họ không nhìn vấn đề như mình đã nhìn, vì quan điểm của họ khác với quan điểm của mình. Nhiều khi chúng ta không đón nhận sự khác biệt trong suy nghĩ và lập trường của người khác vì chúng ta không có thái độ cởi mở. Chúng ta đóng kín con tim của chúng ta trong cái nhìn giới hạn và quen thuộc của mình. Sự không cởi mở này là nguyên nhân dẫn đến chia rẽ. Đây chính là điều làm cho việc loan báo Tin Mừng của chúng ta không sinh hoa trái. Vì vậy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để chúng ta được nên một, vì chỉ khi chúng ta nên một trong Ngài, thế gian mới biết được Chúa Cha đã sai Ngài [và sai chúng ta].

Lời cầu nguyện “nên một” (Ga 17,11) của Chúa được giới thiệu trong bài Tin Mừng hôm nay được mở rộng ra với những người nhờ các môn đệ mà tin vào Ngài. Những người đó chính là chúng ta. Thật vậy, trong câu 20, Chúa Giêsu bất ngờ nhìn rộng ra nhóm môn đệ thân tín của mình [nhóm Mười Hai]. Ngài nhìn đến những người được xem là hoa trái việc làm chứng của các mộc đệ. Trong những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được trích trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra hai bình diện diễn tả sự hiệp nhất. Bình diện chiều dọc đặt sự hiệp nhất trong tương quan giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa [Chúa Cha]. Bình diện chiều ngang được tìm thấy trong giới răn yêu thương giữa các môn đệ; cũng là lối diễn tả sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha (x. Ga 13:34-35; 15:12,17). Chúng ta không được xem hai nguồn hiệp nhất này [(1) tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha và (2) giới răn yêu thương] là một diễn tả về sự liên đới giữa con người với nhau hoặc là sự ra đời của cơ cấu một tổ chức, bởi vì đối với Thánh Gioan, cả hai nguồn này được cắm rễ trong sự mạc khải về Chúa Cha, trong Đức Kitô. Hơn nữa, sự “nên một” mà Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha không phải là một kinh nghiệm cá nhân của cộng đoàn những người tin, bởi vì nó đặt ra những vấn nạn cho thế gian cùng cách thức mà sự nên một giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha đã đặt ra liên quan đến ơn cứu độ hoặc xét xử (câu 21 và 23). Sự “nên một” không nhằm mục đích thách đố thế gian về một vài thay đổi mang tính cộng đoàn, nhưng về sự diễn tả mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha.”

Chúng ta có thể chia lời cầu nguyện của Chúa Giêsu hôm nay làm hai phần: phần 1 (Ga 17:20-23) trình bày cho chúng ta về sự “nên một” không chỉ của các môn đệ, “nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin”; và phần 2 (Ga 17:24-26) sự khẳng định rằng chỉ một mình Chúa Giêsu là Đấng đưa các môn đệ và những người nhờ họ mà tin vào trong cộng đoàn của Thiên Chúa. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hơn hai phần này.

Chúng ta thật hạnh phúc khi được Chúa Giêsu “nghĩ đến” và cầu nguyện cho chúng ta. Ngài cầu nguyện gì cho chúng ta? Ngài cầu nguyện cho chúng ta “nên một”: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:20-21) Kết quả sự nên một của chúng ta không nhằm mục đích là để làm nhiều việc, nhưng là để “thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17:20) Như vậy, sự nên một của chúng ta có mục đích tối hậu là mạc khải về Chúa Cha, mạc khải về sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Hơn nữa, sự nên một của chúng ta không phải chỉ là nỗ lực của mình, nhưng là một ân ban của Chúa Giêsu: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17:22-23). Sự nên một của chúng ta đến từ việc mỗi người chúng ta đón nhận vinh quang mà Chúa Giêsu ban. Vinh quang đó chính là tình yêu mà Chúa Cha đã yêu mến Ngài. Chính trong tình yêu đó chúng ta “hoàn toàn” nên một, và cũng trong tình yêu đó mà thế gian nhận ra Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu và Chúa Cha đã yêu thương họ như đã yêu thương Chúa Giêsu.

Trong phần 2 của lời cầu nguyện, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy chỉ mình Ngài là Đấng làm cho các môn đệ cảm nghiệm được tình yêu và sự hiệp nhất giữa Ngài với Chúa Cha. Một điều thật cảm động đó là Ngài xin Chúa Cha để Ngài ở đâu thì các môn đệ và chúng ta cũng ở đó với Ngài. Nơi Ngài ở chính là cung lòng của Chúa Cha. Như vậy, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện và mong ước chúng ta luôn ở trong cung lòng và tình yêu của Chúa Cha, vì chỉ có như thế chúng ta mới chiêm ngưỡng được vinh quang của Chúa Giêsu, cảm nếm được tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu và cho chúng ta (x. Ga 17:24), biết được Chúa Cha là Đấng đã sai Chúa Giêsu (Ga 17:25). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được trích trong Tin Mừng hôm nay kết với một tâm tình thật thương mến: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17:26). Chúa Giêsu ao ước tình yêu tuyệt đối của Chúa Cha ở trong chúng ta, đồng thời Ngài cũng ở trong chúng ta nữa. Chúng ta có làm cho ước muốn của Chúa Giêsu thành hiện thực trong cuộc đời của chúng ta không? Hãy mở lòng để tình yêu của Chúa Cha chiếm lấy chúng ta. Chỉ khi được tình yêu của Chúa Cha chiếm lấy, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta đã trở nên một với Chúa Giêsu.

*****************

THỨ SÁU TUẦN VII PHỤC SINH

ĐÓN NHẬN NGƯỜI KHÁC VỚI TÌNH YÊU DÀNH CHO CHÚA GIÊSU

(Cv 25:13b-21; Ga 21:15-19)

Trong bài đọc 1 hôm nay, ông Phéttô trình bày với vua Ácrippa về “vụ án” Thánh Phaolô. Nếu đọc “vụ án” này cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy nó giống với “vụ án” của Chúa Giêsu được xử bởi Philatô. Cả hai vụ án có những yếu tố tương đồng như sau: (1) bị bắt; (2) bị điệu ra toà; (3) bị tố cáo; (4) không tìm ra lý do để buộc tội. Điểm khác biệt giữa hai vụ án là Chúa Giêsu bị Philatô kết án tử, còn Thánh Phaolô thì không bị kết án, nhưng “được xử lại” ở Giêrusalem. Như chúng ta biết, Thánh Phaolô là công dân Rôma, nên luật pháp của người Do Thái không thể kết án ngài. Nhờ chi tiết này, hành trình của Thánh Phaolô chuyển sang một trang mới, đó là hành trình rao giảng ở Rôma. Từ câu chuyện này, chúng ta rút ra được điểm sau: Nhìn từ khía cạnh con người, việc Thánh Phaolô bị bắt bớ, tố cáo và xét xử là một điều không may mắn. Đây là một điều không ai muốn xảy ra cho mình. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh Thiên Chúa, đây lại là một “sự kiện” trong kế hoạch của Chúa dành cho Thánh Phaolô để mang Tin Mừng đến “trung tâm của thế giới,” đến với những bậc vua chúa. Điều này giúp chúng ta an lòng và can đảm để đón nhận những điều trái ý và đau khổ với niềm xác tín rằng: Đấng biến thập giá thành phương tiện cứu độ sẽ biến những đau khổ của chúng ta thành niềm vui.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay được trích trong phần những lời của Chúa Giêsu về Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến (x. Ga 21:15-23). Đây là phần cuối của Tin Mừng Thánh Gioan. Trong bữa tiệc ly, câu hỏi của Phêrô về người nộp Chúa Giêsu được đặt ra qua người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến (x. Ga 13:23-25). Trong khi Phêrô chối Chúa Giêsu, người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến hiện diện dưới chân thập giá để nhận và được nhận bởi mẹ của Chúa Giêsu (x. Ga 19:26-27).

Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về Phêrô như một người mục tử và một người tử đạo. Vị trí mục tử của Phêrô được thuật lại trong cuộc đối thoại giữa thánh nhân với Chúa Giêsu. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này để thấy rõ hơn vẻ đẹp, sự gần gũi và sinh động của cuộc đối thoại (x. Ga 21:15-17):

Chúa Giêsu: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”

Phêrô: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.”

Chúa Giêsu: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”

Chúa Giêsu: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”

Phêrô: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.”

Chúa Giêsu: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.”

Chúa Giêsu: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có thương mến Thầy không?”

Phêrô [buồn]: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy.”

Chúa Giêsu: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.

Chúng ta thấy cuộc đối thoại này có cùng một kiễu mẫu. Những lời của Chúa Giêsu và Phêrô được lặp lại, nhưng với những cảm xúc khác nhau, nhất là về phía Phêrô. Trong lần hỏi đầu tiên, Chúa Giêsu thêm vào câu hỏi của mình một mệnh đề so sánh, đó là Phêrô có yêu mến Ngài “nhiều hơn” các môn đệ khác không. Chúng ta không tìm thấy điều này trong lần hỏi thứ hai và thứ ba. Theo các Giáo Phụ và học giả Kinh Thánh, ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô có yêu mến Ngài không là để đảo ngược [hay khẳng định lại tình yêu] ba lần Phêrô đã chối Ngài (x. Ga 18:17,25-26).  Trong Tin Mừng Thánh Luca (22:31-34), chúng ta tìm thấy lời tiên báo của Chúa Giêsu về việc Phêrô “sẽ trở lại và củng cố” anh em mình liên kết chặt chẽ với lời tiên báo Phêrô sẽ chối Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly. Sự thay đổi này thường được nối kết với vị trí của Phêrô như là người đầu tiên được nhìn thấy Chúa Giêsu sau khi Ngài sống lại (x. 1 Cr 15:4; Lc 24:34). Truyền thống này sẽ không bao giờ được kể lại trừ khi câu chuyện hiện ra trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 21: 1-14) có nguồn gốc trong câu chuyện Chúa Giêsu chỉ hiện ra với Phêrô. Tin Mừng liên kết việc yêu Chúa Giêsu với tuân giữ giới răn của Ngài (x. Ga 14:15; 15:10). Ở đây, giới răn yêu thương thiết lập Phêrô như một người “chăm sóc” và “chăn dắt” chiên của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, truyền thống này dường như giả định một sự phát triển về chức vụ “coi sóc” Giáo Hội. Chăn dắt đàn chiên thường được sử dụng cho các kỳ mục và trưởng lão trong thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô (x. 1 Pr 5:2-4) và Công Vụ Tông Đồ (20:28). Tin Mừng đã nhấn mạnh đến mối quan tâm của Chúa Giêsu cho đàn chiên của mình, đàn chiên mà đã được Thiên Chúa trao cho Ngài (x. Ga 10:3-4,14,27-30; 17:6:9-12). Phêrô bây giờ được Chúa Giêsu trao cho những mối quan tâm đó. Chúa Giêsu cũng trao cho chúng ta những mối quan tâm của Ngài dành cho những người Ngài trao cho chúng ta chăm sóc. Chúng ta chỉ hoàn thành những mối bận tâm này chỉ khi chúng ta đem giới răn yêu thương ra thực hành. Ở đâu không có yêu thương, ở đó sẽ không có sự quan tâm đến nhau.

Vai trò mục tử luôn đi đôi với việc hy sinh mạng sống cho đàn chiên. Đây chính là điều Chúa Giêsu chỉ ra cho Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: ‘Hãy theo Thầy’” (Ga 21:18-19). Trong những lời này, Chúa Giêsu công bố rằng Phêrô sẽ hoàn thành lời hứa trước của Ngài (x. Ga 13:37-38), đó là phải theo Ngài ngay cả trong cái chết. Thật vậy, Chúa Giêsu muốn Phêrô “theo” Ngài trong việc chết đi cho đàn chiên của mình như người mục tử nhân lành. Trong 1 Clement, chúng ta tìm thấy chứng thư trình bày Phêrô chết tử đạo trong thời của Nêrô. Chúa Giêsu đã sử dụng một câu ngạn ngữ [“Lúc anh còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi anh đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”] để nói về cái chết của Phêrô. Trong câu 19, người kể giải thích câu ngạn ngữ đó như ám chỉ đến cái chết của Phêrô. Tuy nhiên, điều không rõ ở đây là việc “dang tay ra” đơn giản ám chỉ đến hành động bị trói lại như một tù nhân hoặc là người kể đã có trong tâm trí truyền thống về việc Phêrô bị đóng đinh. Truyền thống này không được chứng thực cho đến thời của Tertullian (x. Scorpiace 15:3).

*******************

THỨ BẢY TUẦN VII PHỤC SINH

HÃY TẬP TRUNG VÀO CHÚA, ĐỪNG SO SÁNH!

(Cv 28,16-20.30-31; Ga 21:20-25)

Ai trong chúng ta cũng muốn được thấy Chúa và  “xin cho được thấy Chúa.” Vậy làm sao để thấy Chúa? Đọc Tám Mối Phúc Thật, chúng ta thấy rằng những người có lòng trong sạch là những người sẽ được nhìn thấy Chúa. Lời đáp ca hôm nay cũng cho chúng ta biết rằng những kẻ sống ngay lành (x. Tv 10:7b) sẽ được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa. Những người sống “ngay lành” là những người sống như thế nào? Họ là những người sống theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy học nơi Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). Chúng ta đã sống hiền lành và khiêm nhường chưa? Nếu chưa, hãy xin Chúa giúp chúng ta trở nên hiền lành và khiêm nhường, để được chiêm ngưỡng thánh nhan Ngài.

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta lại được chứng kiến việc Thiên Chúa làm nên điều kỳ diệu từ những gì con người cho là “điều bất hạnh.” Như chúng ta đã biết trong bài đọc 1 hôm qua, Thánh Phaolô bị bắt, điều tra và buộc tội. Nhưng qua quá trình bị xét xử, Thánh Nhân nhận ra rằng: “Nhưng vì người Do Thái chống đối, nên bó buộc tôi phải kháng cáo lên hoàng đế Xêda; tuy vậy không phải là tôi muốn tố cáo dân tộc tôi. Đó là lý do khiến tôi xin được gặp và nói chuyện với anh em, bởi chính vì niềm hy vọng của Israel mà tôi phải mang xiềng xích này” (Cv 28:19-20). Thánh Phaolô đã nhận ra rằng chính việc chống đối và bắt bớ của người Do Thái đã đưa Ngài đến với các tín hữu ở Rôma. Cũng chính vì niềm hy vọng được cứu độ của Israel mà thánh nhân đã phải chịu nhiều đau khổ. Nhìn vào gương Thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi: (1) nhận ra bàn tay của Chúa hướng dẫn lịch sử cuộc đời chúng ta, nhất là những khi gặp sóng gió và bóng đêm; (2) sẵn sàng và vui vẻ đón nhận khó khăn, vất vả và trái ý vì niềm hy vọng được cứu độ của anh chị em chúng ta.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về câu chuyện của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến. Phần này được xây dựng chung quanh một câu nói của Chúa Giêsu và được áp dụng cho người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến. Đây là truyền thống giống với những lời nói về Con Người, Đấng sẽ đến trước mọi người trong thế hệ của Chúa Giêsu nhìn thấy cái chết (x. Ga 21:22; Mc 9:1). Người kể đã tạo ra một phần mở đầu khá dài trong câu 21 để nhắc người đọc về mối tương quan đặc biệt giữa Chúa Giêsu và người môn đệ được Ngài thương mến. Sứ mệnh của Phêrô bao gồm việc tôn vinh Thiên Chúa qua cái chết tử đạo (x. câu 22b và 19), nhưng người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến không chết với cái chết tử đạo. Cộng đoàn Thánh Gioan sử dụng thuật ngữ “ở lại” với nhiều ý nghĩa khác nhau. Thuật ngữ này có thể ám chỉ mối tương quan mới giữa các môn đệ và Chúa Cha/Chúa Con. Và trong trường hợp này, thuật ngữ lại là nguyên nhân của sự hiểu lầm giữa các môn đệ.

Câu chuyện bắt đầu với một vài chi tiết về người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến: “ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” (Ga 21:20). Như chúng ta đã nói ở trên, những lời này nói lên mối tương quan đặc biệt giữa Chúa Giêsu và người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến. Tựa mình vào ngực Chúa Giêsu, để nghe được tiếng lòng của Ngài, để cảm nghiệm được tình yêu của Ngài, để biết được những ước muốn của Ngài cho người môn đệ. Tựa vào ngực Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ nhận ra tình yêu bao la của Thiên Chúa và sự đáp trả nửa vời của chúng ta được thể hiện qua việc “nộp Ngài.” Hình ảnh gần gũi thân thương của mối tương quan giữa Chúa Giêsu và người môn đệ là lời mời gọi chúng ta nhìn lại mối tương quan của mình với Chúa Giêsu. Chúng ta có tựa vào ngực của Chúa Giêsu để nghe tiếng thổn thức, để nghe tiếng lòng, để cảm nếm tình yêu bao la của Ngài dành cho chúng ta không?

Mối tương quan đặc biệt giữa Chúa Giêsu và người môn đệ đã làm cho Phêrô đặt câu hỏi về “số phận” của anh ta. Sau khi nhận lấy vai trò của mình là một mục tử và người tử đạo, Thánh nhân hỏi Chúa Giêsu về người môn đệ được Ngài thương mến: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?’ Đức Giêsu đáp: ‘Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy’” (Ga 21:21-22). Trong câu hỏi của Phêrô, chúng ta thấy có một sự “so sánh” hay có thể nói là “cạnh tranh.” Theo một vài học giả Kinh Thánh, đây là điều đang xảy ra trong cộng đoàn Thánh Gioan liên quan đến “người lãnh đạo.” Vấn đề này cũng vẫn còn xảy ra trong ngày hôm nay giữa các môn đệ của Chúa Giêsu. Các môn đệ vẫn còn so sánh hay cạnh tranh về vai trò của mình trong cộng đoàn. Hệ quả là có nhiều sự ghen tỵ và chia rẽ trong đời sống phục vụ, liên đới trong tình yêu. Câu trả lời của Chúa Giêsu nhắc lại cho Phêrô và mỗi người chúng ta về mục đích chính của đời mình, đó là “theo Chúa Giêsu,” chứ không “so sánh và ganh tỵ” với người khác. Khi mỗi người chúng ta tập trung vào việc theo Chúa, trở nên giống Chúa mỗi ngày, thì đời sống cộng đoàn sẽ êm ấm, hiệp nhất, tràn đầy yêu thương và tiếng cười.

Những lời của Chúa Giêsu vẫn bị hiểu lầm: “Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: ‘Anh ấy sẽ không chết,’ mà chỉ nói: ‘Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?’” (Ga 21:23). Câu này nói cho người đọc rằng có tiếng đồn giữa nhân gian là người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến không chết. Người thuật chuyện đã sửa sai sự hiểu lầm đó trong ánh sáng của sự kiện rằng người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến đã chết. Người thuật chuyện làm như vậy nhằm mục đích nói cho người đọc biết rằng người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến “ở lại” với cộng đoàn trong tinh thần linh hứng để giải thích truyền thống mà được đặt nền tảng trên lời chứng của ngài và là nền tảng của Tin Mừng.

Bài Tin Mừng kết thúc với lời chứng của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến về Chúa Giêsu và về mục đích của Tin Mừng: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21:24-25). Những lời này nhắc nhở chúng ta, những đọc giả của Tin Mừng, rằng chúng ta mắc nợ người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến về sự thật mà Chúa Giêsu đã trao trong Tin Mừng (x. Ga 19:35). Thuật ngữ “những điều đó” không ám chỉ đến toàn bộ Tin Mừng, nhưng có thể ám chỉ đến truyền thống truyền miệng khởi đầu từ người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến và có thể một số phần của truyền thống đó được viết ra là nền tảng của Tin Mừng. Tác giả của những lời này khẳng định rằng lời chứng của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến là thật. Chi tiết này làm chúng ta xét lại đời sống chứng tá của mình, nhất là lời nói của chúng ta có thật không?

Exit mobile version