SUY NIỆM Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 9 Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 9 Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần IX Thường Niên

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI LÀM TRONG VƯỜN NHO CỦA THIÊN CHÚA

(2 Pr 1:2-7; Mc 12:1-12)

Sau những ngày lễ trọng trong Mùa Phục Sinh, hôm nay, chúng ta bắt đầu trở lại Mùa Thường Niên. Mùa Thường Niên không phải là mùa “bình thường” không có gì đặc biệt như chúng ta thường hiểu. Mùa Thường Niên là mùa nhắc nhở chúng ta về việc thánh hiến thời gian “thường ngày” của mình cho Chúa. Nói cách khác, chúng ta được mời gọi tìm thấy Chúa trong những cái gì là tầm thường của ngày sống. Thật vậy, chúng ta dễ dàng tìm thấy Chúa trong những sự kiện lớn lao, trong những “mùa quan trọng” của năm phụng vụ. Nhưng trong những gì là nhỏ bé, không quan trọng chúng ta thường không thấy Chúa ở đâu. Nếu như thế, chúng ta sẽ bỏ qua thật nhiều cơ hội để gặp Chúa, vì Mùa Thường Niên chiếm thời gian nhiều nhất trong năm phụng vụ so với các mùa khác.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phêrô nhắc cho chúng ta biết rằng: “Anh em thân mến, chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an, nhờ được biết Thiên Chúa và Đức Giêsu, Chúa chúng ta” (2 Pr 1:2). Theo Thánh Phêrô, chúng ta được tràn đầy ân sủng và bình an vì nhờ biết Thiên Chúa và Đức Giêsu. Chúng ta đã biết Thiên Chúa và Đức Giêsu được bao nhiêu? Nếu thành thật với lòng mình, chúng ta nhận ra rằng chúng ta dành thời gian để biết những thứ không quan trọng hoặc không cần thiết trong cuộc sống hơn là để biết Thiên Chúa và Đức Giêsu. Thánh Phêrô nêu ra lý do tại sao chúng ta cần phải biết Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì chúng ta đã được ban tặng “những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” (1 Pr 1:4). Vì được thông phần bản tính Thiên Chúa, chúng ta chỉ biết giá trị thật của mình khi chúng ta biết Thiên Chúa và Đức Giêsu. Như thế, càng đến gần và càng biết Thiên Chúa và Đức Kitô, chúng ta càng biết chính mình cũng như giá trị thật của mình. Ngoài việc chỉ ra lý do tại sao chúng ta cần biết Thiên Chúa và Đức Kitô, Thánh Phêrô còn chỉ cho chúng ta cách thức để đạt đến điều đó. Đó là qua con đường đức ái: “Anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” (1 Pr 1:5-7). Chúng ta chỉ có thể biết Thiên Chúa và Đức Kitô qua con đường đức ái, vì Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8).

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn vườn nho. Dụ ngôn này nói về việc Chúa Giêsu bị những người lãnh đạo Do Thái chống đối, một sự chống đối mà các sứ giả được Thiên Chúa sai đi trước kia cũng đã bị đối xử như vậy. Có một vài chi tiết mang tính ẩn dụ trong dụ ngôn: Vườn nho là Israel; người chủ vườn nho là Thiên Chúa; những tá điền là những người lãnh đạo Israel; người con yêu dấu là Chúa Giêsu. Những hình ảnh khác trong dụ ngôn không ẩn chứa gì quan trọng lắm. Bài Tin Mừng bắt đầu với việc chỉ rõ dụ ngôn này là dành cho các lãnh đạo trong dân Israel: “Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục” (Mc 12:1). Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói với họ vì Ngài muốn sử dụng những ngôn từ và hình ảnh quen thuộc để chuyển tải sứ điệp Ngài muốn nói đến. Mặc dù khác nhau trong hình thức với những gì liên quan đến câu chuyện, nội dung chính của dụ ngôn là mối tương quan giữa Chúa Giêsu và những kẻ chống đối Ngài.

Điều chúng ta lưu ý ở đây là ngôn từ được sử dụng, nhất là “vườn nho”: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa” (Mc 12:1). Những ngôn từ sử dụng được lấy từ sách Ngôn Sứ Isaia (5:1-2). Thính giả của Chúa Giêsu nhận ra những hình ảnh quen thuộc sau: “Vườn nho” là biểu tượng của Israel; “Rào giậu” để không cho thú vật đến phá hoại vườn nho; “bồn đạp nho” là để nghiền nho thành rượu; “tháp canh” là nơi để những người canh gác giữ vườn nho và nghỉ ngơi. Hành động ban đầu của ông chủ là: trồng, rào giậu, đào bồn, xây tháp canh, cho tá điền canh tác, trẩy đi xa. Những hành động này chỉ ra rằng vườn nho thuộc về ông chủ. Ông đã làm hết mọi sự cần thiết. Nhiệm vụ của tá điền là chỉ canh tác vườn nho cho ông chủ chứ không phải làm chủ vườn nho. Đây chính là điểm xoáy trong dụ ngôn: Những người tá điền không chỉ muốn canh tác mà còn muốn làm chủ vườn nho. Điều này đã mang lại những hành động sai và kết quả không tốt cho các tá điền vì không sống đúng với chân tính của mình. Nhiều lần trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng không sống đúng với căn tính của mình. Chúng ta muốn làm chủ và quyết định hết mọi thứ. Chúng ta trở nên “chúa” của cuộc sống mình và của người khác. Điều này đã đưa đến những hành động sai trái và kết quả đau buồn. Hãy sống là chính mình trước mặt Chúa và người khác.

Như chúng ta đã nói, những người tá điền đã muốn chiếm lấy vườn nho, chiếm hữu những gì không thuộc về mình nên đã có những hành động sai trái: “Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết” (Mc 12:2-5). Thuật ngữ “đến mùa” có thể là năm thứ năm sau khi trồng vườn nho (x. Lv 19:23-25). Trong những lời trên, chúng ta thấy ba đầy tớ được sai đi nhận những lối hành xử càng ngày càng khốc liệt: người thứ nhất bị đánh đập, người thứ hai bị đánh vào đầu và hạ nhục, người thứ ba thì bị giết. Mặc dù trích đoạn trên nhằm mục đích đồng hoá ba người tôi tớ với các ngôn sứ trong Cựu Ước, nó phải được đọc trong một bối cảnh lớn hơn, đó là việc đồng hoá ba tôi tớ với những sứ giả của Thiên Chúa sai đến với Israel (Môsê, Giôsua, Davít, v.v.). Chúng ta học được gì ở đây? Là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ phải đối diện với những đối xử bất công và đôi khi mất mạng sống của mình. Đây là điều tất yếu sẽ xảy ra cho những sứ giả chân thật của Thiên Chúa. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận điều đó không?

Sau khi thấy những người tá điền đối xử không tốt với các tôi tớ, “Ông [chủ] chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho” (Mc 12:6-8). Ông chủ nghĩ những người tá điền sẽ đối xử cách tôn trọng với “người con yêu dấu” của ông. Thuật ngữ “con yêu dấu” được sử dụng bởi tiếng phán từ trời để nói về Chúa Giêsu trong sự kiện Ngài chịu phép rửa (x. Mc 1:11) và biến hình (x. Mc 9:7). Điều này cho thấy Máccô và đọc giả của mình đồng hoá Chúa Giêsu với “người con yêu dấu” của Thiên Chúa. Những người tá điền xem người con yêu dấu là “đứa thừa tự” và muốn giết người con. Niềm hy vọng chiếm hữu vườn nho của các tá điền không được đặt trên việc thực hành mang tính pháp lý, nhưng trên việc làm xáo trộn “danh xưng” [từ “người con yêu dấu” thành “đứa thừa tự”]. Theo ngôn từ bình dân, các tá điền muốn chiếm hữu vườn nho bằng việc “thừa nước đục thả câu.” Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần chúng ta làm xáo trộn mọi sự và trở thành “ngư ông đắc lợi.”  Nhưng niềm hy vọng hão huyền của các tá điền đã bị tan biến vì họ quên mất rằng vườn nho không phải là của họ, mà là của ông chủ: “Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác” (Mc 12:9). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta chỉ là những người làm công trong vườn nho[Giáo Hội] của Thiên Chúa. Chúng ta không phải là chủ. Hãy làm lợi và nộp hoa màu cho Thiên Chúa như Ngài mong ước nơi chúng ta.

*****************

THỨ BA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA NHỮNG GÌ THUỘC VỀ NGÀI

(2 Pr 3:12-15a.17-18; Mc 12:13-17)

Thánh Phêrô trong bài đọc 1 hôm nay mời gọi chúng ta ý thức rằng chúng ta đang sống trong sự mong đợi ngày của Thiên Chúa. Theo thánh nhân, ngày của Thiên Chúa là một ngày “đáng sợ” vì “các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng” (2 Pr 3:12), nhưng cũng là ngày tràn đầy ánh sáng và niềm vui vì “theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3:13). Trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì? Thánh Phêrô mời gọi chúng ta thực hiện những điều sau: (1) “phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3:14); (2) “coi chừng kẻo bị những kẻ phạm pháp và lầm lạc lôi cuốn, mà không còn đứng vững nữa chăng” (2 Pr 3:17); và (3) “lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta” (2 Pr 3:18).

Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe về sự “trả thù” của những người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê sau khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn vườn nho [bài Tin Mừng hôm qua] để chỉ trích lối sống của họ. Sự hiện diện của những người thuộc phe Hêrôđê trong câu chuyện xảy ra ở Giêrusalem một phần nào đó khá hi hữu, nhất là việc họ về cùng phe với những người Pharisêu. Việc này xảy ra bởi vì Hêrôđê Antipa nợ quyền lực chính trị của mình từ Đế Quốc Rôma. Trong khi đó, người Pharisêu là những người không có não trạng chống đối người Rôma như những người thuộc nhóm nhiệt thành. Họ muốn sự cùng hiện hữu giữa người Do Thái và những người thống trị Rôma. Trình thuật cho chúng ta thấy họ “đến cùng Đức Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mc 12:13). Những lời này cũng làm cho chúng ta dừng lại suy gẫm vì cũng không biết bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta cũng “giăng bẫy” để bắt lỗi anh chị em mình. Cuộc sống sẽ trở nên nặng nề và mất hạnh phúc khi chúng ta chỉ chú tâm bắt lỗi người khác mà quên việc tha thứ khi anh chị em mình mắc lỗi.

Những người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê giăng bẫy để bắt lỗi Chúa Giêsu về việc nộp thuế: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” (Mc 12:14). Chúa Giêsu được gọi là “người chân thật.” Đây chính là lời khen ngợi của đối phương dành cho Chúa Giêsu và ám chỉ đến việc khẳng định Ngài là sự thật, luôn nói sự thật. Nhưng lời “ngon ngọt” này không phải để khen ngợi thật lòng, mà dùng để làm cho Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời trực tiếp để có thể bắt lỗi Ngài (x. Mc 11:27-33 – Chúa Giêsu tránh trả lời trực tiếp để không rơi vào cạm bẫy được đặt ra). Có bao giờ chúng ta đặt bẫy để hại anh chị em mình không? Chỉ những người sống trong sự thật, sống chân thật với căn tính của mình mới có thể sống đời sống yêu thương thật lòng, chứ không yêu thương giả tạo hoặc nửa vời.

Trước khi trả lời, Chúa Giêsu chỉ ra cho họ biết “dã tâm” của họ: “Biết họ giả hình, Đức Giêsu nói: ‘Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!’ Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: ‘Hình và danh hiệu này là của ai đây?’ Họ đáp: ‘Của Xêda.’ Đức Giêsu bảo họ: ‘Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.’ Và họ hết sức ngạc nhiên về Người” (Mc 12:15-17). Thánh Máccô làm sáng tỏ động lực đối thủ của Chúa Giêsu dựa trên ba điểm: (1) để gài bẫy, (2) sự giả hình, và (3) để thử. Thuật ngữ thuế (Gk. kensos) là một lời nhắc nhở sự lệ thuộc của người Do Thái vào người Rôma và điều đó được thể hiện qua việc trả thuế trong đồng tiền của người Rôma. Nếu Chúa Giêsu trả lời phải đóng thuế, thì Ngài sẽ bị những người Do Thái ghét bỏ vì cộng tác với người Rôma. Nếu Ngài trả lời không nộp thuế, thì Ngài bị liệt vào số những kẻ phản động và nguy hiểm cho đế quốc Rôma. Đối thủ của Chúa Giêsu đặt Ngài vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp. Ngài đã thoát khỏi bẫy họ cài và dùng câu hỏi của họ như cơ hội để dạy họ về tương quan với Thiên Chúa. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta phải lưu ý hoàn cảnh của vấn đề, đó là những người Do Thái hỏi Chúa Giêsu, một người Do Thái về việc nộp thuế. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu cho phép họ nộp thuế, nhưng đồng thời Ngài đi xa hơn là thách đố thính giả phải tôn thờ Thiên Chúa theo cách thức họ đang phục vụ cho Xêda. Trong những lời này chúng ta nghe phảng phất sự liên kết giữa hai giới răn mến Chúa và yêu người. Ước gì trong đời sống thường ngày, khi dành thời gian để lo chạy theo cơm áo gạo tiền cũng như những lo lắng của thế gian, chúng ta cũng dành thời gian để đến với Chúa để tôn vinh và cảm tạ Ngài.

*****************

THỨ TƯ TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

THIÊN CHÚA LÀ CHÚA CỦA KẺ SỐNG

(2 Tm 1:1-3.6-12; Mc 12:18-27)

Bài đọc 1 thuật lại cho chúng nghe lời giáo huấn của Thánh Phaolô gửi cho Timôthê. Những lời này được chuyển tải trong một lá thơ đầy tình phụ tử, điều chúng ta tìm thấy trong lời mở đầu của lá thư: “Tôi là Phaolô, Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, do ý muốn của Thiên Chúa, chiếu theo lời Thiên Chúa hứa ban sự sống vốn có trong Đức Kitô Giêsu, gửi anh Timôthê, người con yêu dấu. Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh được ân sủng, lòng thương xót và sự bình an” (2 Tm 1:1-2). Sau khi chào hỏi và cầu chúc theo cách thức thông thường của một lá thư, Thánh Phaolô bắt đầu khuyến khích Timôthê sống đúng với ơn gọi của mình theo gương thánh nhân. Nếu chúng ta lưu ý, trong phần khích lệ, Thánh Phaolô mở (2 Tm 1:3) và kết (2 Tm 1:11-12) với chính gương sáng của mình. Còn phần giữa là lời mời gọi Timôthê nhiệt thành làm chứng cho Chúa (1 Tm 1:6-10). Điều chúng ta suy gẫm ở đây là lời mời gọi của Phaolô dành cho Timôthê: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1:6-8). Trong những lời này, chúng ta nhận ra Thánh Phaolô nhắc nhở Timôthê hai điều, đó là sống đúng với căn tính và ơn thánh mình đã nhận được [nói cách khác là sống đúng với ơn gọi của mình] và không hổ thẹn làm chứng cho Chúa. Khi nối kết hai điều này lại, chúng ta nhận ra rằng khi mình sống đúng, sống thật và sống tốt ơn gọi của mình, chúng ta đã làm chứng cho Chúa. Hãy sống trọn vẹn cho Chúa và anh chị em trong ơn gọi của mình.

Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với những người thuộc nhóm Xađốc về việc người chết sống lại [niềm tin vào sự phục sinh]: “Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại” (Mc 12:18-27). Người Xađốc không tin vào sự sống lại vì họ chỉ chấp nhận Ngũ Kinh và từ chối tư tưởng của luật truyền khẩu được thêm vào cho Ngũ Kinh. Chỉ có một vài đoạn trong Cựu Ước nói về sự sống lại từ cõi chết (x. Is 25:8; 26:19; Tv 73:24-25; Đn 12:1-3). Nhưng những bản văn này không thuộc Ngũ Kinh và như thế không được xem là những bản văn chính yếu của niềm tin. Gánh nặng cho Chúa Giêsu ở đây là Ngài phải chỉ ra được rằng giáo huấn về việc sống lại có hiện diện ngay cả trong Ngũ Kinh (x. Mc 12:26). Trong câu hỏi của mình, những người Xađốc giả định rằng Chúa Giêsu chia sẻ niềm tin vào sự sống lại với những người Pharisêu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ goá mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.’ Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không có con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không có con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không có con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ” (Mc 12:19-23). Như chúng ta đã biết, những người Xađốc từ chối tin vào sự sống lại vì Ngũ Kinh không nói lời nào về việc này. Họ đã trích sách Đệ Nhị Luật (25:5-10) như là bằng chứng không thể chối cãi cho quan điểm của họ và nhằm chỉ ra sự vô lý của những ai tin vào sự sống lại. Động lực cho việc thực hành này là giữ tài sản trong gia đình của người nam. Câu chuyện về bảy người anh em cưới cùng một người vợ ám chỉ sự vô lý của niềm tin vào sự sống lại. Tuy nhiên, cạm bẫy của họ trở thành cơ hội cho Chúa Giêsu dạy về bản chất của sự sống lại (một sự sống rất khác với sự sống trên dương thế). Chi tiết trên dạy chúng ta rằng, có những thứ theo con mắt con người là vô lý, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn có ý nghĩa. Chúng ta thường thấy nhiều thứ chúng ta tin dường như rất vô lý. Sự vô lý ở đây không hệ tại ở bản chất của sự việc hay mầu nhiệm, nhưng hệ tại ở giới hạn trí hiểu của -chúng ta. Đây là điều Chúa Giêsu chỉ ra trong câu trả lời của Ngài. Chúng ta chỉ hiểu được những sự vô lý trong mầu nhiệm Thiên Chúa và trong huyền nhiệm cuộc sống khi chúng ta chìm sâu trong Chúa trong đời sống chiêm niệm và cầu nguyện.

Chúa Giêsu trả lời những người Xađốc theo hai bước, trước tiên khiển trách họ không hiểu về Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa và chứng minh niềm tin vào sự sống lại hiện diện trong Ngũ Kinh: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: ‘Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp.’ Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12:24-27). Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu trước tiên nói đến quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng đó chiến thắng sự chết và ban sự sống. Sau đó, Chúa Giêsu chỉ ra niềm tin vào sự phục sinh được ám chỉ trong Kinh Thánh. Theo Chúa Giêsu, sự sống phục sinh sẽ hoàn toàn khác biệt khỏi sự sống thế gian mà ví dụ của những người Xađốc thật sự không hợp lý lắm vì cuộc sống trong sự phục sinh thuộc về quyền năng Thiên Chúa, Đấng chiến thắng sự chết và ban sự sống. Sau khi chỉ ra sự thiếu hiểu biết của những người Xađốc, Chúa Giêsu sử dụng chính hình ảnh quen thuộc với Môsê và người Do Thái trong trình thuật về bụi gai để chứng minh sự sống lại được ám chỉ trong sự kiện đó. Chúa Giêsu trích sách Xuất Hành (3:6,15-16) để chứng minh rằng Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ của người Do Thái. Đây chính là niềm tin được ghi lại trong Ngũ Kinh, những sách mà những người Xađốc xem là quan trọng nhất. Khi khẳng định niềm tin vào Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ, Chúa Giêsu ám chỉ rằng các tổ phụ vẫn đang sống và vẫn tiếp tục mối tương quan với Thiên Chúa. Như vậy, giáo huấn vế sự sống lại là một phần được dạy trong Ngũ Kinh. Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa của kẻ sống. Nói cách khác, ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có sự sống và sự sống lại. Những nơi không có Thiên Chúa hiện diện, chỉ có sự chết chóc.

*****************

THỨ NĂM TUẦN IX THƯỜNG NIÊN

PHỤC SINH: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG CHÚA

(2 Tm 2:8-15; Mc 12:28b-34)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô nói cho Timôthê biết việc ngài phải chịu đau khổ nhiều trên con đường loan báo Tin Mừng: “Vì Tin Mừng ấy, tôi chịu khổ, tôi còn phải mang cả xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích! Bởi vậy, tôi cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, và được hưởng vinh quang muôn đời” (2 Tm 2:9-10). Trong những lời trên, Thánh Phaolô cho thấy, trong mọi hoàn cảnh, lời Thiên Chúa phải được công bố vì lời Thiên Chúa không bao giờ bị xiềng xích dù người sai đi bị xiềng xích. Điều này ám chỉ việc chúng ta phải công bố lời Thiên Chúa dù có phải bị tù đày, loại trừ hay ghen ghét. Đây chính là việc sẵn sàng chết đi vì Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm. Cuộc đời người môn đệ là nỗ lực để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.

Bên cạnh đó, Thánh Phaolô cũng chỉ cho Timôthê thấy một điều mà người môn đệ Chúa Giêsu luôn tin cậy, đó là: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta. Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2:11-13). Những lời này chỉ ra bốn cặp tương đồng mà người môn đệ thực hiện và hệ quả kèm theo: chết-sống, chịu đựng-hiển trị, chối bỏ-bị chối bỏ, không trung tín-trung tín. Điều an ủi chúng ta ở đây là Thiên Chúa luôn trung tín dù chúng ta nhiều lần không trung tín với Ngài. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại tương quan của mình với Chúa. Chúng ta có hoàn toàn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa không? Chỉ khi chúng ta có tương quan mật thiết với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể chết với Ngài, kiên tâm chịu đựng, không chối bỏ và luôn một lòng trung tín với Ngài. Nói tóm lại, khi chúng ta luôn sống kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta sẽ “ra trước mặt Thiên Chúa như một người đã được thử luyện, một người thợ không có gì phải xấu hổ, một người thẳng thắn dạy lời chân lý” (2 Tm 2:15).

Sau khi thấy Chúa Giêsu phá cạm bẫy người Pharisêu và những người theo nhóm Hêrôđê về việc nộp thuế, đồng thời thấy mọi người kinh ngạc về sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thì một người kinh sư liền đến hỏi Ngài về giới răn hàng đầu trong mọi điều răn: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” (Mc 12:28b). Đây là cuộc tranh luận thứ tư. Cuộc tranh luận này liên quan đến điều răn hàng đầu trong 613 điều răn trong Cựu Ước. Đây là đề tài luôn được đưa ra tranh luận giữa những thầy dạy Do Thái. Câu trả lời của Chúa Giêsu liên kết hai câu trích trong Cựu Ước, đó là Đnl 6:4-5 và Lv 19:18: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó” (Mc 12: 29-31). Khi sử dụng hai bản văn Cựu Ước, Chúa Giêsu chỉ cho thấy Ngài là một thầy dạy người Do Thái chính thống và chứng minh rằng Ngài luôn thích đi đến ngọn nguồn của vấn đề. Chúa Giêsu trích bản văn của sách Đệ Nhị Luật. Đây là bản văn đầu tiên trong ba bản văn mà những người Do Thái đạo đức phải đọc hai lần mỗi ngày (x. Đnl 6:4-9; 11:13-21; Ds 15:37-41). Giới răn yêu Chúa tuôn chảy từ bản chất của Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Bốn danh từ [lòng, linh hồn, trí khôn, sức lực] không ám chỉ những bộ phận khác nhau của con người nhưng là cách thức để nhấn mạnh rằng toàn bộ con người phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả những gì mình có. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình khi đến với Chúa. Chúng ta có đến với Ngài với trọn con người của mình không? Mặc dù chỉ hỏi một giới răn, Chúa Giêsu thêm một giới răn khác. Khi thêm giới răn này vào giới răn mến Chúa, Chúa Giêsu không có ý đánh đồng hoặc nối kết hai giới răn này với nhau. Nói cách khác, Chúa Giêsu không có ý nói hai giới răn này ngang bằng nhau (x. Lc 10:27). Hai giới răn được nối kết với nhau bởi từ “yêu.” Việc Chúa Giêsu đưa hai giới răn lại với nhau là một hành động mang tính thần học, ám chỉ đến việc tình yêu chúng ta dành cho anh chị em mình tuôn chảy từ tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa.

Trước câu trả lời khôn ngoan của Chúa Giêsu, người kinh sư “kinh ngạc” thốt lên: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12:32-33). Trong những lời này, chúng ta thấy người kinh sư đồng ý với câu trả lời của Chúa Giêsu. Sự đồng ý này được diễn tả qua việc lặp lại câu trả lời của Chúa Giêsu với cung giọng tôn trọng chứ không chống đối hoặc thách đố. Bên cạnh đồng ý với Chúa Giêsu, người kinh sư còn làm một sự so sánh giữa tình yêu dành cho Chúa và người thân cận với mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. Lời so sánh này vọng lại lời của ngôn sứ Hôsê (6:6) và trong sách Samuen (1 Sm 15:22). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này không mang nghĩa chống lại toàn bộ hệ thống hy lễ. Trong bối cảnh này, việc yêu Chúa và người thân cận phải là nguyên lý quan trọng nhất chi phối toàn bộ hệ thống hy lễ. Nói cách cụ thể, việc dâng hy lễ là cách thức diễn tả tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ cần có khi đến dâng hy lễ, nhất là trong thánh lễ. Sự tham dự của chúng ta trong những buổi cử hành hy lễ này phải là sự diễn tả tình yêu của mình cho Thiên Chúa và anh chị em. Cụ thể hơn, sau mỗi buỗi cử hành hy lễ, tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình phải sâu đậm và thắm thiết hơn.

*****************

THỨ SÁU LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU: SUỐI NGUỒN TÌNH YÊU

(Hs 11:1.3-4.5c.8ac-9; Ep 3:8-12.14-19; Ga 19:31-37)

Tình yêu trung thành của Thiên Chúa dành cho con cái Israel được diễn tả trong những ngôn từ đầy cảm xúc trong bài đọc 1 hôm nay. Đức Chúa đã yêu Israel ngay từ thời niên thiếu; Ngài đã chọn, đã gọi, đã dẫn dắt và đối xử đầy yêu thương với Israel: “Khi Israel còn non trẻ, Ta đã yêu nó, từ Aicập Ta đã gọi con Ta về. Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11:1-4). Với tình yêu tràn đầy và sâu đậm, Đức Chúa đã yêu thương Israel. Ngài mong ước Israel đáp trả lại với tình yêu. Nhưng Israel đã không chịu về với Đức Chúa (x. Hs 11:5c). Nhưng dù cho Israel không trở về với Ngài, Đức Chúa vẫnn trung thành với tình yêu của Ngài: “Hỡi Épraim, Ta từ chối ngươi sao nổi! Hỡi Israel, Ta trao nộp ngươi sao đành! Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Épraim nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11:8ac-9). Hình ảnh trung thành của Thiên Chúa làm chúng ta nhìn lại tình yêu của mình dành cho Ngài. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta biết và cảm nghiệm cách sâu xa tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta biết Ngài yêu chúng ta ngay từ khi chúng ta vừa mới hình thành trong dạ mẫu thân; Ngài đồng hành với chúng ta qua từng ngày sống với tình yêu quan phòng của Ngài; Ngài nâng niu, ấp ủ chúng ta như mẹ hiền ấp ủ con thơ. Nhưng nhiều lần chúng ta đã không đáp lại tình Ngài. Chúng ta đặt tình yêu của mình vào những thứ chóng qua của trần thế. Dù chúng ta không trung thành với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn trung thành với tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Hãy trở về và để tình yêu trung thành của Thiên Chúa chiếm lấy chúng ta!

Thánh Phaolô trong bài đọc 2, sau khi nói cho các tín hữu Êphêsô về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ. Kế hoạch này được uỷ thác cho thánh nhân đó là được biết mầu nhiệm về Đức Kitô (x. Ep 3:2-5). “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6). Thánh Phaolô liền trình bày cho họ biết vai trò của mình trong kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa. Thánh nhân cũng chỉ ra rằng mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tìm ra vai trò của mình trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Để làm được điều này, chúng ta cần phải trau dồi một tương quan mật thiết với Đức Kitô vì chỉ trong Ngài và nhờ tin vào Ngài, “chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa” (Ep 3:12). Thật vậy, những ai càng gần Chúa Giêsu, người đó càng nhận ra vai trò mà mình được mời gọi thực hiện để cộng tác vào trong công trình yêu thương của Thiên Chúa. Càng ở gần Đức Kitô bao nhiêu, chúng ta càng trở nên khiêm nhường bấy nhiều để nhận ra rằng chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng được mời gọi chia sẻ trong sứ mệnh của Đức Kitô.

Chi tiết thứ hai chúng ta có thể suy gẫm trong bài đọc 2 là việc Thánh Phaolô khẳng định rằng Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự trên trời dưới đất. Đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thánh Phaolô đã nguyện xin cho các tín hữu Êphêsô những điều sau: (1) củng cố con người nội tâm của họ được vững vàng [“Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng” (Ep 3:16)]; (2) được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; (3) được bén rễ sâu và xây dựng trên đức ái; (4) hiểu thấu mầu nhiệm Thiên Chúa và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3:19). Nói cách khác, Thánh Phaolô nguyện xin cho các tín hữu Êphêsô được tình yêu và sự sống viên mãn của Thiên Chúa chiếm lấy. Tâm tình của Thánh Phaolô dành cho các tín hữu Êphêsô là gương sáng cho chúng ta khi chúng ta đối xử với anh chị em mình. Trong đời sống cầu nguyện, chúng ta thường nguyện xin gì cho anh chị em mình, nhất là những người làm chúng ta tổn thương bằng lời nói hoặc bằng hành động? Trong mọi sự, nhất là trong đời sống cầu nguyện, hãy tìm kiếm điều tốt lành mà thực hiện cho anh chị em mình.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta những gì xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết trên Thập Giá. Bối cảnh là ngày “áp lễ Vượt Qua.” Điều gì đã xảy ra? Thánh Gioan cho chúng ta biết như sau: “Hôm đó là ngày áp lễ Vượt Qua, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống” (Ga 19:31). Những lời này cho thấy người Do Thái muốn Chúa Giêsu chắc chắn đã chết khi xin Philatô cho đánh giập ống chân, để nếu Ngài còn sống thì không thể đứng mà giữ hơi thở của mình hầu khỏi bị chết ngộp. Nhưng khi “quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người” (Ga 19:32-33). Những lời này chứng minh cho chúng ta là Chúa Giêsu “đã chết” hầu cho chúng ta biết rằng Ngài nên giống chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi (x. Hr 4:15). Chi tiết này cũng nhằm chứng minh Chúa Giêsu là người thật.

Tuy nhiên, để chắc chắn là Chúa Giêsu đã chết, “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34). Theo các học giả Kinh Thánh, theo nguồn gốc, những yếu tố nước và máu chảy ra từ cạnh sườn của nạn nhân, có thể chỉ là những chi tiết nói về câu chuyện của một vị thánh tử đạo. Tuy nhiên, Tin Mừng đã giải thích “nước” như là Thần Khí, Đấng mà Đức Kitô Phục Sinh sẽ ban cho những kẻ theo Ngài (x. Ga 7:39). Theo truyền thống của Giáo Hội, hình ảnh máu và nước là biểu tượng của hai bí tích khơi nguồn tái sinh của Giáo Hội: Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể.

Câu 35 được thêm vào để nói về vai trò của người làm chứng: “Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này được thêm vào bởi người “chủ bút” cuối cùng của Tin Mừng Thánh Gioan. Câu này trở thành nền tảng cho lời khẳng định của Thánh Gioan trong thư Thứ Nhất của ngài (x. 1 Ga 5:6-7), đó là việc khẳng định máu (cái chết) của Chúa Giêsu là cần thiết cho ơn cứu độ (x. 1 Ga 1:7). Tuy nhiên, theo mạch văn chúng ta đang suy gẫm, những lời này khẳng định giá trị của những chứng nhân “mắt thấy tai nghe.” Nói cách khác, những chứng nhân đích thật là những người “nhìn thấy” Thiên Chúa và nói về những điều mình đã thấy. Mỗi ngày chúng ta cũng nhìn hay cảm nghiệm thấy Chúa đang hoạt động trong ta, trong người khác và trong thế giới. Lời chứng của chúng ta chỉ xác thực để người khác tin khi chúng ta chỉ nói về những điều Thiên Chúa đã làm chứ không phải những gì chúng ta làm. Tóm lại, lời chứng của chúng ta là nhằm mục đích mang người khác đến với Chúa chứ không phải để tôn vinh chính mình.

Bài Tin Mừng kết với khẳng định rằng những gì xảy ra với Chúa Giêsu là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19:36-37). Hai câu này, theo các học giả Kinh Thánh, là bất thường vì chúng có đến hai câu trích từ Cựu Ước. Nguồn gốc của câu trích đầu tiên không rõ ràng lắm. Nếu câu này nhằm mục đích đặc Chúa Giêsu song song với chiên Vượt Qua thì mệnh lệnh không đánh giập xương của con chiên có nguồn gốc trong sách Xuất Hành (12:10) và Dân Số (9:12). Nếu tác giả chỉ dùng hình ảnh của người tôi tớ đau khổ của Giavê , thì một trong các Thánh Vịnh (22:19) nói về đau khổ được xem là nguồn gốc của câu trích. Câu thứ hai trích từ sách Ngôn Sứ Dêcaria (12:10) chỉ có thể áp dụng vào trong truyền thống này của Thánh Gioan để cung cấp cho chúng ta bằng chứng về hành động của người lính. Mọi người sẽ nhìn lên Đấng bị đóng đinh (trong ngày phán xét). Đối với Gioan, phán xét đã được hoàn thành trong cái chết của Chúa Giêsu. Như thế, câu trích này làm nhiệm vụ như là lời sấm về việc phán xét muôn dân. Dù nguồn gốc của hai câu trích ở đâu, điều Thánh Gioan muốn nhấn mạnh ở đây là ơn cứu độ đến từ Đấng Treo Trên Thập Giá với cạnh sườn bị đâm thủng để con người có thể đi vào trong tình yêu Thiên Chúa cách tự do. Trái tim Chúa Giêsu luôn mở rộng cho hết mọi người. Con tim chúng ta thế nào: đang đóng kín hay mở rộng? Nếu mở rộng thì cho hết mọi người hay chỉ một số người mình thích?

*****************

THỨ BẢY LỄ TRÁI TIM VÔ NHIỄM ĐỨC MẸ

BIẾN CON TIM CHÚNG TA THÀNH NƠI CƯ NGỤ CỦA CHÚA

(Is 61:9-11; Lc 2:41-51)

Hôm qua, chúng ta đã cùng nhau chiêm ngưỡng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng trái tim vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria. Nơi trái tim Mẹ, chúng ta sẽ khám phá ra tình yêu dịu hiền của một người mẹ. Trình thuật của ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 đưa chúng ta về với lời sấm của Đức Chúa dành cho con cái Israel. Những lời này được Giáo Hội sử dụng hầu ca ngợi Mẹ Maria: “Dòng dõi các ngươi sẽ nức tiếng giữa chư dân, và giống nòi các ngươi sẽ lừng danh giữa muôn nước. Tất cả những ai thấy các ngươi sẽ biết rằng các ngươi là một dòng dõi được Đức Chúa ban phúc lành” (Is 61:9). “Dòng dõi” của Mẹ Maria chính là Đức Giêsu, Đấng mang phúc lành cho mọi người. Mẹ là người được chúc phúc giữa các người phụ nữ và niềm vui của Mẹ đến từ Thiên Chúa: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61:10-11). Mẹ không tìm niềm vui nào khác ngoài Đức Chúa. Mọi vinh dự Mẹ có đều được Thiên Chúa ban cho. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta thấy trong trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria chỉ có tình yêu, lòng cảm mến tạ ơn, niềm vui vì được Thiên Chúa chọn và yêu thương. Là con cái của Mẹ, con tim chúng ta cũng phải chứa đựng những điều cao trọng như Mẹ. Đừng chứa đựng những cay đắng, hờn ghen, trả thù, những ý tưởng chua chát với anh chị em mình. Hãy để Chúa chiếm trọn con tim chúng ta như Mẹ Maria đã để Chúa hoàn toàn chiếm lấy trái tim Mẹ.

Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta nghe sự kiện Chúa Giêsu đi lạc trong đền thờ. Chúng ta có thể suy gẫm về hình ảnh của Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay theo ba bước: Trước khi Chúa Giêsu lạc, trong khi lạc Chúa Giêsu, và sau khi tìm thấy Chúa Giêsu. Trước khi lạc Chúa Giêsu, trình thuật Tin Mừng trình bày cho chúng ta hình ảnh của Mẹ Maria trong một gia đình người Do Thái sống trung thành với luật: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ” (Lc 2:41-42). Những lời này nhấn mạnh đến gia đình của Chúa Giêsu, một gia đình trung thành sống theo luật như là môi trường mà trong đó Chúa Giêsu lớn lên. Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện này báo trước hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu sau này, hành trình mà Ngài đi cùng các môn đệ và mạc khải Cha của Ngài qua lời dạy và hành động của Ngài (x. Lc 9:51-19:27). Trong bối cảnh này, chúng ta thấy trước khi lạc mất Chúa Giêsu, trái tim Mẹ Maria chứa đựng tình yêu dành cho Thiên Chúa qua việc tuân giữ luật của Ngài và dành cho gia đình của mình qua việc luôn hiện diện với các thành viên khác trong gia đình. Học ở nơi Mẹ, chúng ta để cho Thiên Chúa đổ đầy con tim mình với tình yêu của Ngài hầu chúng ta sống cho Ngài và cho anh chị em của mình.

Trong những ngày lạc mất Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã vất và tìm kiếm và trái tim Mẹ tràn đầy lo lắng của tình mẫu tử: “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2:43-45). Trong những ngày này, mối bận tâm duy nhất của Mẹ là Chúa Giêsu. Mẹ tìm kiếm cho đến khi tìm được Ngài. Mỗi khi lạc xa khỏi Chúa, chúng ta có thái độ như thế nào? Chúng ta có băn khoăn lo lắng tìm kiếm Ngài, hay trách Ngài bỏ rơi chúng ta? Mẹ Maria đã đi mọi nơi, gặp mọi người để hỏi thăm về Chúa Giêsu. Trong giây phút lạc xa khỏi Chúa, chúng ta cũng được mời gọi đi mọi nơi, tìm mọi người để hỏi thăm về Chúa cho đến khi tìm thấy Ngài.

Khi tìm thấy Chúa Giêsu, Mẹ Maria đã sửng sốt và ghi nhớ tất cả mọi sự [về Chúa Giêsu] trong lòng: “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: ‘Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!’ Người thưa: ‘Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2:46-51). Chi tiết đáng để chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu được tìm thấy trong Đền Thờ. Chúng ta chỉ hiểu điều này khi chúng ta liên kết với câu nói của Chúa Giêsu với Mẹ Maria: “Cha Mẹ không biết là con có bổn phận trong nhà của Cha con sao?” Đền Thờ chính là “nhà của Chúa Cha.” Trong câu nói này, Chúa Giêsu ám chỉ rằng Ngài chỉ được tìm thấy trong “cung lòng” của Chúa Cha. Và đây chính là điều Mẹ Maria ghi nhớ trong lòng. Trong lòng của Mẹ chỉ có mối tương quan đầy tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con. Nói cách khác, trong lòng Mẹ, chỉ có Chúa ngự trị. Khi chiêm ngắm trái tim vô nhiễm Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi biến con tim của mình thanh nơi cư ngụ của Thiên Chúa.

Exit mobile version