SUY NIỆM MỖI NGÀY TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Lm. Ngọc Dũng, SDB
THỨ HAI TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI LÀM TRONG VƯỜN NHO CỦA THIÊN CHÚA
(Tb 1:3; 2:1a-8; Mc 12:1-12)
Bài đọc 1 hôm nay bắt đầu tường thuật lại cho chúng ta câu chuyện thật cảm động và đáng thán phục về cuộc đời ông Tôbít. Ông ta là một người “đã từng ăn ở theo sự thật và lẽ ngay suốt mọi ngày đời tôi. Tôi cũng đã từng rộng tay bố thí cho anh em và đồng bào tôi, những người cùng đi đày với tôi qua Ni-ni-vê, ở xứ Át-sua” (Tb 1:3). Là người sống công chính và ngay thẳng, ông luôn sống trọn vẹn điều đó dù những người chung quan nhạo cười ông. Điều này chúng ta thấy qua câu chuyện hôm nay. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại giữa Tôbít và Tôbia con ông như sau:
Tôbít: “Con ơi, con hãy đi tìm trong số các anh em chúng ta bị đày ở Ni-ni-vê, một người nghèo hết lòng tưởng nhớ Thiên Chúa, rồi dẫn người ấy về đây cùng dùng bữa với cha. Này, con ơi, cha đợi con cho đến khi con về.”
Tô-bi-a ra đi, tìm một người nghèo trong số các anh em chúng tôi. Khi trở về,
Tôbia: “Cha ơi!”
Tôbít: “Cha đây, con.”
Tôbia: “Thưa cha, có một người trong đồng bào chúng ta đã bị giết và quăng ngoài chợ, là nơi bây giờ người ấy còn đang bị thắt cổ.”
Đứng trước cảnh lầm than, Tôbít đã bỏ hết mọi sự để chôn cất người bị nạn dù theo luật nếu đụng vào xác chết sẽ bị ô nhiễm: “Tôi liền chồm dậy, bỏ cả ăn, chẳng kịp nếm chút gì. Tôi đem người ấy ra khỏi quảng trường và đặt trong một căn nhà nhỏ, chờ lúc mặt trời lặn sẽ đem chôn. Trở về nhà, tôi tắm rửa, rồi ăn bánh mà lòng cảm thấy ưu sầu tang tóc” (Tb 2:4-5). Những lời này cho thấy cõi lòng của Tôbít luôn đồng cảm với cảnh khốn cùng của anh chị em mình. Sự đồng cảm đầy yêu thương này đã làm cho Tôbít chỉ biết sống theo luật yêu thương dù cho láng giềng cười nhạo rằng: “Hắn vẫn còn chưa sợ! Người ta truy nã để giết hắn về tội ấy và hắn đã trốn đi, thế mà hắn lại vẫn chôn cất người chết!” (Tb 2:8). Tấm gương của Tôbít mời gọi chúng ta vun trồng cho mình con tim tràn đầy yêu thương để trở nên đồng cảm với cảnh khốn cùng của anh chị em mình. Dù cho người khác nhạo cười chế giễu, chúng ta vẫn không dừng sống yêu thương và làm việc tốt.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn vườn nho. Dụ ngôn này nói về việc Chúa Giêsu bị những người lãnh đạo Do Thái chống đối, một sự chống đối mà các sứ giả được Thiên Chúa sai đi trước kia cũng đã bị đối xử như vậy. Có một vài chi tiết mang tính ẩn dụ trong dụ ngôn: Vườn nho là Israel; người chủ vườn nho là Thiên Chúa; những tá điền là những người lãnh đạo Israel; người con yêu dấu là Chúa Giêsu. Những hình ảnh khác trong dụ ngôn không ẩn chứa gì quan trọng lắm. Bài Tin Mừng bắt đầu với việc chỉ rõ dụ ngôn này là dành cho các lãnh đạo trong dân Israel: “Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kinh sư và kỳ mục” (Mc 12:1). Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói với họ vì Ngài muốn sử dụng những ngôn từ và hình ảnh quen thuộc để chuyển tải sứ điệp Ngài muốn nói đến. Mặc dù khác nhau trong hình thức với những gì liên quan đến câu chuyện, nội dung chính của dụ ngôn là mối tương quan giữa Chúa Giêsu và những kẻ chống đối Ngài.
Điều chúng ta lưu ý ở đây là ngôn từ được sử dụng, nhất là “vườn nho”: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa” (Mc 12:1). Những ngôn từ sử dụng được lấy từ sách Ngôn Sứ Isaia (5:1-2). Thính giả của Chúa Giêsu nhận ra những hình ảnh quen thuộc sau: “Vườn nho” là biểu tượng của Israel; “Rào giậu” để không cho thú vật đến phá hoại vườn nho; “bồn đạp nho” là để nghiền nho thành rượu; “tháp canh” là nơi để những người canh gác giữ vườn nho và nghỉ ngơi. Hành động ban đầu của ông chủ là: trồng, rào giậu, đào bồn, xây tháp canh, cho tá điền canh tác, trẩy đi xa. Những hành động này chỉ ra rằng vườn nho thuộc về ông chủ. Ông đã làm hết mọi sự cần thiết. Nhiệm vụ của tá điền là chỉ canh tác vườn nho cho ông chủ chứ không phải làm chủ vườn nho. Đây chính là điểm xoáy trong dụ ngôn: Những người tá điền không chỉ muốn canh tác mà còn muốn làm chủ vườn nho. Điều này đã mang lại những hành động sai và kết quả không tốt cho các tá điền vì không sống đúng với chân tính của mình. Nhiều lần trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng không sống đúng với căn tính của mình. Chúng ta muốn làm chủ và quyết định hết mọi thứ. Chúng ta trở nên “chúa” của cuộc sống mình và của người khác. Điều này đã đưa đến những hành động sai trái và kết quả đau buồn. Hãy sống là chính mình trước mặt Chúa và người khác.
Như chúng ta đã nói, những người tá điền đã muốn chiếm lấy vườn nho, chiếm hữu những gì không thuộc về mình nên đã có những hành động sai trái: “Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết” (Mc 12:2-5). Thuật ngữ “đến mùa” có thể là năm thứ năm sau khi trồng vườn nho (x. Lv 19:23-25). Trong những lời trên, chúng ta thấy ba đầy tớ được sai đi nhận những lối hành xử càng ngày càng khốc liệt: người thứ nhất bị đánh đập, người thứ hai bị đánh vào đầu và hạ nhục, người thứ ba thì bị giết. Mặc dù trích đoạn trên nhằm mục đích đồng hoá ba người tôi tớ với các ngôn sứ trong Cựu Ước, nó phải được đọc trong một bối cảnh lớn hơn, đó là việc đồng hoá ba tôi tớ với những sứ giả của Thiên Chúa sai đến với Israel (Môsê, Giôsua, Davít, v.v.). Chúng ta học được gì ở đây? Là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ phải đối diện với những đối xử bất công và đôi khi mất mạng sống của mình. Đây là điều tất yếu sẽ xảy ra cho những sứ giả chân thật của Thiên Chúa. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận điều đó không?
Sau khi thấy những người tá điền đối xử không tốt với các tôi tớ, “Ông [chủ] chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho” (Mc 12:6-8). Ông chủ nghĩ những người tá điền sẽ đối xử cách tôn trọng với “người con yêu dấu” của ông. Thuật ngữ “con yêu dấu” được sử dụng bởi tiếng phán từ trời để nói về Chúa Giêsu trong sự kiện Ngài chịu phép rửa (x. Mc 1:11) và biến hình (x. Mc 9:7). Điều này cho thấy Máccô và đọc giả của mình đồng hoá Chúa Giêsu với “người con yêu dấu” của Thiên Chúa. Những người tá điền xem người con yêu dấu là “đứa thừa tự” và muốn giết người con. Niềm hy vọng chiếm hữu vườn nho của các tá điền không được đặt trên việc thực hành mang tính pháp lý, nhưng trên việc làm xáo trộn “danh xưng” [từ “người con yêu dấu” thành “đứa thừa tự”]. Theo ngôn từ bình dân, các tá điền muốn chiếm hữu vườn nho bằng việc “thừa nước đục thả câu.” Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần chúng ta làm xáo trộn mọi sự và trở thành “ngư ông đắc lợi.” Nhưng niềm hy vọng hão huyền của các tá điền đã bị tan biến vì họ quên mất rằng vườn nho không phải là của họ, mà là của ông chủ: “Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác” (Mc 12:9). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta chỉ là những người làm công trong vườn nho[Giáo Hội] của Thiên Chúa. Chúng ta không phải là chủ. Hãy làm lợi và nộp hoa màu cho Thiên Chúa như Ngài mong ước nơi chúng ta.
******************
THỨ BA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA NHỮNG GÌ THUỘC VỀ NGÀI
(Tb 2:9-14; Mc 12:13-17)
Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta lý do Tôbít bị mù sau khi làm việc tốt: “Tôi là Tôbít, ngay đêm lễ Ngũ Tuần, sau khi chôn cất người chết, tôi đi vào sân nhà tôi. Tôi nằm dọc theo bức tường ở sân, mặt để trần vì trời nóng. Tôi không biết là trong bức tường phía trên tôi có con chim sẻ. Phân chim nóng hổi rơi xuống mắt tôi, tạo ra những vết sẹo trắng. Tôi đến thầy thuốc xin chữa trị, nhưng họ càng xức thuốc cho tôi, thì các vết sẹo trắng càng làm cho mắt tôi loà thêm, cho đến khi tôi bị mù hẳn” (Tb 2:9-10). Chúng ta cũng thường chứng kiến điều này trong đời sống thường ngày, đó là người tốt gặp bất hạnh. Dù gặp bất hạnh, nhưng Tôbít vẫn sống công chính trước mặt Chúa. Ông tránh những lỗi phạm đến Chúa (x. Tb 2:13-14). Chính điều này làm cho ông bị người khác, ngay cả vợ ông nhạo báng chê cười: “Nàng còn nói với tôi: Các việc bố thí của ông đâu? Các việc nghĩa của ông đâu cả rồi? Đó, ông được bù đắp như thế nào, ai cũng đã rõ!’” (Tb 2:14). Những lời này cho thấy Tôbia bị nhạo cười vì ông làm nhiều việc tốt mà cuối cùng điều ông nhận là điều không may. Ai trong chúng ta cũng đã trải qua kinh nghiệm làm điều tốt cho người khác, nhưng lại nhận lại những lời nói và hành động không hay không phải. Chúng ta chỉ sống bình thản và hạnh phúc khi chúng ta tìm kiếm niềm vui trong chính việc làm tốt, còn phản ứng của người khác không quan trọng. Cái xảy ra cho chúng ta không quan trọng. Cái xảy ra trong chúng ta mới quan trọng. Ai làm chủ được những gì đang xảy ra trong mình với ơn Chúa là người tiếp tục làm việc tốt khi bị mọi người chống đối!
Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe về sự “trả thù” của những người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê sau khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn vườn nho [bài Tin Mừng hôm qua] để chỉ trích lối sống của họ. Sự hiện diện của những người thuộc phe Hêrôđê trong câu chuyện xảy ra ở Giêrusalem một phần nào đó khá hi hữu, nhất là việc họ về cùng phe với những người Pharisêu. Việc này xảy ra bởi vì Hêrôđê Antipa nợ quyền lực chính trị của mình từ Đế Quốc Rôma. Trong khi đó, người Pharisêu là những người không có não trạng chống đối người Rôma như những người thuộc nhóm nhiệt thành. Họ muốn cùng hiện hữu giữa người Do Thái và những người thống trị Rôma. Trình thuật cho chúng ta thấy họ “đến cùng Đức Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mc 12:13). Những lời này cũng làm cho chúng ta dừng lại suy gẫm vì cũng không biết bao nhiêu lần trong cuộc sống, chúng ta cũng “giăng bẫy” để bắt lỗi anh chị em mình. Cuộc sống sẽ trở nên nặng nề và mất hạnh phúc khi chúng ta chỉ chú tâm bắt lỗi người khác mà quên việc tha thứ khi anh chị em mình mắc lỗi.
Những người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê giăng bẫy để bắt lỗi Chúa Giêsu về việc nộp thuế: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” (Mc 12:14). Chúa Giêsu được gọi là “người chân thật.” Đây chính là lời khen ngợi của đối phương dành cho Chúa Giêsu và ám chỉ đến việc khẳng định Ngài là sự thật, luôn nói sự thật. Nhưng lời “ngon ngọt” này không phải để khen ngợi thật lòng, mà dùng để làm cho Chúa Giêsu đưa ra một câu trả lời trực tiếp để có thể bắt lỗi Ngài (x. Mc 11:27-33 – Chúa Giêsu tránh trả lời trực tiếp để không rơi vào cạm bẫy được đặt ra). Có bao giờ chúng ta đặt bẫy để hại anh chị em mình không? Chỉ những người sống trong sự thật, sống chân thật với căn tính của mình mới có thể sống đời sống yêu thương thật lòng, chứ không yêu thương giả tạo hoặc nửa vời.
Trước khi trả lời, Chúa Giêsu chỉ ra cho họ biết “dã tâm” của họ: “Biết họ giả hình, Đức Giêsu nói: ‘Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!’ Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: ‘Hình và danh hiệu này là của ai đây?’ Họ đáp: ‘Của Xêda.’ Đức Giêsu bảo họ: ‘Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.’ Và họ hết sức ngạc nhiên về Người” (Mc 12:15-17). Thánh Máccô làm sáng tỏ động lực đối thủ của Chúa Giêsu dựa trên ba điểm: (1) để gài bẫy, (2) sự giả hình, và (3) để thử. Thuật ngữ thuế (Gk. kensos) là một lời nhắc nhở sự lệ thuộc của người Do Thái vào người Rôma và điều đó được thể hiện qua việc trả thuế trong đồng tiền của người Rôma. Nếu Chúa Giêsu trả lời phải đóng thuế, thì Ngài sẽ bị những người Do Thái ghét bỏ vì cộng tác với người Rôma. Nếu Ngài trả lời không nộp thuế, thì Ngài bị liệt vào số những kẻ phản động và nguy hiểm cho đế quốc Rôma. Đối thủ của Chúa Giêsu đặt Ngài vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhưng Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp. Ngài đã thoát khỏi bẫy họ cài và dùng câu hỏi của họ như cơ hội để dạy họ về tương quan với Thiên Chúa. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta phải lưu ý hoàn cảnh của vấn đề, đó là những người Do Thái hỏi Chúa Giêsu, một người Do Thái về việc nộp thuế. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu cho phép họ nộp thuế, nhưng đồng thời Ngài đi xa hơn là thách đố thính giả phải tôn thờ Thiên Chúa theo cách thức họ đang phục vụ cho Xêda. Trong những lời này chúng ta nghe phảng phất sự liên kết giữa hai giới răn mến Chúa và yêu người. Ước gì trong đời sống thường ngày, khi dành thời gian để lo chạy theo cơm áo gạo tiền cũng như những lo lắng của thế gian, chúng ta cũng dành thời gian để đến với Chúa để tôn vinh và cảm tạ Ngài.
******************
THỨ TƯ TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
THIÊN CHÚA: ĐẤNG BAN SỰ SỐNG
(Tb 3:1-11a.16-17a; Mc 12:18-27)
Ai trong chúng ta cũng đã một lần bị lăng nhục hoặc nhìn người khác bị lăng nhục. Thông thường thái độ của những người bị lăng nhục luôn tràn ngập ưu phiền và có khi còn căm phẫn, thù hận. Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta hai người bị lăng nhục, đó là Tôbít và Xara. Tôbít bị lăng nhục vì ông bị mù loà. Theo tư tưởng của người Do Thái, khi chúng ta gặp bất hạnh, đó là hậu quả của tội lỗi chúng ta phạm. Khi thấy Tobít bị mù, mọi người chung quanh lăng nhục ông vì cho rằng ông phạm tội nên bị Thiênn Chúa đánh phạt. Thái độ này cũng chính là thái độ của Tôbít khi ông thốt lên: “Lạy Chúa, Ngài là Đấng công chính, mọi việc Ngài làm đều chính trực, tất cả đường lối Ngài đều là từ bi và chân thật; chính Ngài xét xử thế gian. Và giờ đây, lạy Chúa, xin Ngài nhớ đến con, xin đoái nhìn và chớ phạt con vì những tội con đã phạm và những điều ngu muội của con cũng như của cha ông con” (Tb 3:2-3). Lời lăng nhục của mọi người làm cho Tôbít “buồn phiền quá đỗi” và muốn chết đi để không còn chịu sự tủi nhục (x. Tb 3:6-7). Đây cũng là thái độ của Xara: “Ngày hôm ấy, lòng cô Xa-ra ưu phiền và cô kêu khóc. Cô về nhà cha cô, lên lầu trên, định thắt cổ tự tử” (Tb 3:10). Tuy nhiên, khi không còn chỗ nương tựa ở nơi con người, Tôbít và Xara chạy đến với Thiên Chúa, Đấng lắng nghe “lời cầu xin của hai người là Tôbít và Xara đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa. Và thiên sứ Raphaen được sai đến chữa lành cho cả hai” (Tb 3:16-17a). Chi tiết này mời gọi chúng ta đặt trọn niềm tin vào Chúa khi chúng ta không tìm đâu ra người nào để cậy dựa vào. Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta trong mọi nơi mọi lúc, nhất là khi chúng ta gặp gian nan thử thách. Hãy kêu lên với Ngài đến khi Ngài ghé mắt nhìn đến chúng ta.
Bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với những người thuộc nhóm Xađốc về việc người chết sống lại [niềm tin vào sự phục sinh]: “Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại” (Mc 12:18-27). Người Xađốc không tin vào sự sống lại vì họ chỉ chấp nhận Ngũ Kinh và từ chối tư tưởng của luật truyền khẩu được thêm vào cho Ngũ Kinh. Chỉ có một vài đoạn trong Cựu Ước nói về sự sống lại từ cõi chết (x. Is 25:8; 26:19; Tv 73:24-25; Đn 12:1-3). Nhưng những bản văn này không thuộc Ngũ Kinh và như thế không được xem là những bản văn chính yếu của niềm tin. Gánh nặng cho Chúa Giêsu ở đây là Ngài phải chỉ ra được rằng giáo huấn về việc sống lại có hiện diện ngay cả trong Ngũ Kinh (x. Mc 12:26). Trong câu hỏi của mình, những người Xađốc giả định rằng Chúa Giêsu chia sẻ niềm tin vào sự sống lại với những người Pharisêu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ goá mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.’ Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không có con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không có con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không có con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ” (Mc 12:19-23). Như chúng ta đã biết, những người Xađốc từ chối tin vào sự sống lại vì Ngũ Kinh không nói lời nào về việc này. Họ đã trích sách Đệ Nhị Luật (25:5-10) như là bằng chứng không thể chối cãi cho quan điểm của họ và nhằm chỉ ra sự vô lý của những ai tin vào sự sống lại. Động lực cho việc thực hành này là giữ tài sản trong gia đình của người nam. Câu chuyện về bảy người anh em cưới cùng một người vợ ám chỉ sự vô lý của niềm tin vào sự sống lại. Tuy nhiên, cạm bẫy của họ trở thành cơ hội cho Chúa Giêsu dạy về bản chất của sự sống lại (một sự sống rất khác với sự sống trên dương thế). Chi tiết trên dạy chúng ta rằng, có những thứ theo con mắt con người là vô lý, nhưng trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn có ý nghĩa. Chúng ta thường thấy nhiều thứ chúng ta tin dường như rất vô lý. Sự vô lý ở đây không hệ tại ở bản chất của sự việc hay mầu nhiệm, nhưng hệ tại ở giới hạn trí hiểu của chúng ta. Đây là điều Chúa Giêsu chỉ ra trong câu trả lời của Ngài. Chúng ta chỉ hiểu được những sự vô lý trong mầu nhiệm Thiên Chúa và trong huyền nhiệm cuộc sống khi chúng ta chìm sâu trong Chúa trong đời sống chiêm niệm và cầu nguyện.
Chúa Giêsu trả lời những người Xađốc theo hai bước, trước tiên khiển trách họ không hiểu về Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa và chứng minh niềm tin vào sự sống lại hiện diện trong Ngũ Kinh: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: ‘Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp.’ Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!” (Mc 12:24-27). Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu trước tiên nói đến quyền năng của Thiên Chúa, quyền năng đó chiến thắng sự chết và ban sự sống. Sau đó, Chúa Giêsu chỉ ra niềm tin vào sự phục sinh được ám chỉ trong Kinh Thánh. Theo Chúa Giêsu, sự sống phục sinh sẽ hoàn toàn khác biệt khỏi sự sống thế gian mà ví dụ của những người Xađốc thật sự không hợp lý lắm vì cuộc sống trong sự phục sinh thuộc về quyền năng Thiên Chúa, Đấng chiến thắng sự chết và ban sự sống. Sau khi chỉ ra sự thiếu hiểu biết của những người Xađốc, Chúa Giêsu sử dụng chính hình ảnh quen thuộc với Môsê và người Do Thái trong trình thuật về bụi gai để chứng minh sự sống lại được ám chỉ trong sự kiện đó. Chúa Giêsu trích sách Xuất Hành (3:6,15-16) để chứng minh rằng Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ của người Do Thái. Đây chính là niềm tin được ghi lại trong Ngũ Kinh, những sách mà những người Xađốc xem là quan trọng nhất. Khi khẳng định niềm tin vào Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ, Chúa Giêsu ám chỉ rằng các tổ phụ vẫn đang sống và vẫn tiếp tục mối tương quan với Thiên Chúa. Như vậy, giáo huấn vế sự sống lại là một phần được dạy trong Ngũ Kinh. Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Thiên Chúa luôn là Thiên Chúa của kẻ sống. Nói cách khác, ở đâu có Thiên Chúa, ở đó có sự sống và sự sống lại. Những nơi không có Thiên Chúa hiện diện, chỉ có sự chết chóc.
*******************
THỨ NĂM TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI LÀ ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
(Tb 6:10-11; 7:1.9-17; 8:4-8; Mc 12:28b-34)
Nói sự thật là một trong những điều khó nhất trong mọi thời đại, nhất là trong thời đại thông tin hôm nay. Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện kết hôn giữa Tôbia và Xara. Như chúng ta biết, Xara là người mang tiếng “sát chồng.” Cô có 7 đời chồng, mà cả bảy đều chết ngay trong đêm động phòng. Điều này làm cho cô thật đau khổ và gia đình, nhất là ông Raguên, bố Xara. Không ai muốn cưới Xara làm vợ vì họ sợ cùng chung số phận với những người chồng trước của cô. Khi Tôbia đến xin Raguên để cưới Xara, thay vì vui mừng, ông lo lắng cho Tôbít. Ông không dấu chuyện của Xara mà nói thật cho Tôbia biết: “Này cháu, cháu cứ ăn uống qua đêm nay cho thoải mái, vì ngoài cháu ra, không ai có quyền cưới Xara, con gái của chú, cũng như chú đây không có quyền gả cho người đàn ông nào khác ngoài cháu, vì cháu là người bà con gần nhất của chú. Nhưng này cháu, nhất định chú phải cho cháu biết sự thật: Chú đã gả nó cho bảy người trong số anh em của chúng ta, nhưng người nào cũng chết ngay trong đêm đến với nó. Vậy bây giờ, này cháu, cháu cứ ăn uống đi, rồi Đức Chúa sẽ xếp đặt cho chúng con” (Tb 7:10-11). Nói thật là một điều khó. Raguên có thể nói dối để con ông khỏi phải cô quạnh vì được tấm chồng. Nhưng ông đã không làm thế, ông không nghĩ cho cái lợi riêng của ông và gia đình ông. Ông nghĩ đến lợi ích của người khác. Điều này đã làm cho ông sống thật. Chi tiết đáng lưu ý trong những lời trên là việc ông Raguên nói với Tôbia rằng: trong những điều không may mắnn mà ông vừa kể, “Đức Chúa sẽ sắp xếp cho chúng con.” Đây là mấu chốt quan trọng của câu chuyện. Dù những bất hạnh xảy ra trong cuộc sống, Thiên Chúa vẫn có cách để “sắp xếp”cho chúng ta. Chính niền tin này đã làm cho Tôbia và Xara đặt trọn niềm tin vào Chúa, Đấng biến: “buồn phiền của con biến thành hoan lạc. Cứ tin tưởng đi con!” (Tb 7:17). Họ đã vượt qua thử thách, được sống hạnh phúc bên nhau vì họ tin tưởng vào Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp nhiều đau khổ và tổn thương đến nỗi chúng ta không còn sống thật với con người mình vì chúng ta sợ lại bị tổn thương. Hãy đặt niềm tin vào Chúa, Đấng sẽ biến phiền muộn của chúng ta trở thành niềm vui khi chúng ta bước đi ngay thẳng trước nhan Ngài.
Sau khi thấy Chúa Giêsu phá cạm bẫy người Pharisêu và những người theo nhóm Hêrôđê về việc nộp thuế, đồng thời thấy mọi người kinh ngạc về sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, thì một người kinh sư liền đến hỏi Ngài về giới răn hàng đầu trong mọi điều răn: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” (Mc 12:28b). Đây là cuộc tranh luận thứ tư. Cuộc tranh luận này liên quan đến điều răn hàng đầu trong 613 điều răn trong Cựu Ước. Đây là đề tài luôn được đưa ra tranh luận giữa những thầy dạy Do Thái. Câu trả lời của Chúa Giêsu liên kết hai câu trích trong Cựu Ước, đó là Đnl 6:4-5 và Lv 19:18: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó” (Mc 12: 29-31). Khi sử dụng hai bản văn Cựu Ước, Chúa Giêsu chỉ cho thấy Ngài là một thầy dạy người Do Thái chính thống và chứng minh rằng Ngài luôn thích đi đến ngọn nguồn của vấn đề. Chúa Giêsu trích bản văn của sách Đệ Nhị Luật. Đây là bản văn đầu tiên trong ba bản văn mà những người Do Thái đạo đức phải đọc hai lần mỗi ngày (x. Đnl 6:4-9; 11:13-21; Ds 15:37-41). Giới răn yêu Chúa tuôn chảy từ bản chất của Ngài là Thiên Chúa duy nhất. Bốn danh từ [lòng, linh hồn, trí khôn, sức lực] không ám chỉ những bộ phận khác nhau của con người nhưng là cách thức để nhấn mạnh rằng toàn bộ con người phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả những gì mình có. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình khi đến với Chúa. Chúng ta có đến với Ngài với trọn con người của mình không? Mặc dù chỉ hỏi một giới răn, Chúa Giêsu thêm một giới răn khác. Khi thêm giới răn này vào giới răn mến Chúa, Chúa Giêsu không có ý đánh đồng hoặc nối kết hai giới răn này với nhau. Nói cách khác, Chúa Giêsu không có ý nói hai giới răn này ngang bằng nhau (x. Lc 10:27). Hai giới răn được nối kết với nhau bởi từ “yêu.” Việc Chúa Giêsu đưa hai giới răn lại với nhau là một hành động mang tính thần học, ám chỉ đến việc tình yêu chúng ta dành cho anh chị em mình tuôn chảy từ tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa.
Trước câu trả lời khôn ngoan của Chúa Giêsu, người kinh sư “kinh ngạc” thốt lên: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Mc 12:32-33). Trong những lời này, chúng ta thấy người kinh sư đồng ý với câu trả lời của Chúa Giêsu. Sự đồng ý này được diễn tả qua việc lặp lại câu trả lời của Chúa Giêsu với cung giọng tôn trọng chứ không chống đối hoặc thách đố. Bên cạnh đồng ý với Chúa Giêsu, người kinh sư còn làm một sự so sánh giữa tình yêu dành cho Chúa và người thân cận với mọi lễ toàn thiêu và hy lễ. Lời so sánh này vọng lại lời của ngôn sứ Hôsê (6:6) và trong sách Samuen (1 Sm 15:22). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này không mang nghĩa chống lại toàn bộ hệ thống hy lễ. Trong bối cảnh này, việc yêu Chúa và người thân cận phải là nguyên lý quan trọng nhất chi phối toàn bộ hệ thống hy lễ. Nói cách cụ thể, việc dâng hy lễ là cách thức diễn tả tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ cần có khi đến dâng hy lễ, nhất là trong thánh lễ. Sự tham dự của chúng ta trong những buổi cử hành hy lễ này phải là sự diễn tả tình yêu của mình cho Thiên Chúa và anh chị em. Cụ thể hơn, sau mỗi buỗi cử hành hy lễ, tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình phải sâu đậm và thắm thiết hơn.
********************
THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
NIỀM VUI TRONG VIỆC LẮNG NGHE CHÚA GIÊSU
(Tb 11:5-17; Mc 12:35-37)
Bài đọc 1 hôm nay tiếp tục thuật lại cho chúng ta câu chuyện của Tôbít. Sống trong cảnh mù loà, ông dựa vào vợ mình là bà Anna và con trai mình là Tôbia. Tôbia đã được Thiên Thần Raphaen mách bảo cho phương cách để chữa bệnh mù của cha mình: “Khi vừa vào nhà, trước hết em hãy thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của em; rồi sau khi tạ ơn Người, em hãy đến bên cha và hôn ông. Hãy lấy ngay mật cá em mang về mà bôi vào mắt cha em. Em sẽ thấy mắt ông mở ra. Cha em sẽ thấy ánh mặt trời, và vui mừng nhìn thấy em” (Tb 11:7-8). Những lời này chỉ rõ cho chúng ta biết rằng trước khi được chữa lành, Tôbia phải thờ lạy và tạ ơn Thiên Chúa. Điều này dường như trái ngược với tâm tình của chúng ta hôm nay. Chúng ta thường chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa sau khi nhận được những điều chúng ta cầu xin. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ chúng ta có trước Thiên Chúa. Khi chúng ta đến cầu xin Ngài điều gì, thì chúng ta phải có tâm tình tôn thờ và tạ ơn trước, dù chúng ta chưa nhận được điều mình xin. Chúng ta tôn thờ và tạ ơn là vì dù là thân phận tội lỗi không xứng đáng đến trước mặt Thiên Chúa mà Ngài vẫn đoái thương và không chê bỏ những điều chúng ta cầu xin Ngài. Chúng ta thấy rõ điều này trong câu chuyện chữa lành của Tôbít: “Bấy giờ ông Tôbít nói: ‘Lạy Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, con xin chúc tụng Ngài vì Ngài đã sửa phạt con, nhưng cũng chính Ngài đã cứu thoát con; và này đây, con đang nhìn thấy Tôbia, con trai của con’” (Tb 11:17). Tôbít xem việc mù loà của ông là cách thức Thiên Chúa sửa phạt ông. Dù bất xứng, nhưng Đức Chúa lại cứu thoát ông. Trong cuộc sống, chúng ta cũng trải qua nhiều thử thách và khó khăn. Nếu có đức tin, chúng ta sẽ nhận ra rằng những giây phút đó là những lúc Thiên Chúa uốn nắn chúng ta để chúng ta trở nên xứng đáng cho Ngài. Liệu chúng ta có để Ngài sửa dạy chúng ta không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trích Thánh Kinh để nói về chân tính của con vua Đavít: “Khi ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu lên tiếng hỏi: ‘Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít? Chính vua Đavít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con’” (Mc 12:35-36). Mục đích đằng sau giải thích khá phức tạp này của Thánh Vịnh 110:1 là để chỉ ra rằng thuật ngữ “con vua Đavít” hoàn toàn không phải là định nghĩa đầy đủ và rõ ràng cho Đấng Messia. “Messia” là thuật ngữ được hiểu như “Chúa Thượng.” Đây là điều Thánh Máccô muốn chỉ ra. Thuật ngữ “Chúa Thượng” phải được sử dụng để nói đến Chúa Giêsu như là Đấng Messia. Để hiểu rõ hơn điều Chúa Giêsu muốn nói, chúng ta cần đặt luận chứng của chúng ta trên Thánh Vịnh 110:1 để chỉ ra rằng Đavít được hiểu như là tác giả của Thánh Vịnh. Bản văn Thánh Vịnh này được trích nhiều lần trong Tân Ước (x. Cv 2:34-35; 1 Cr 15:25; Dt 1:13; Thánh Vịnh được ám chỉ đến trong Mc 14:62; 16:19; Rm 8:34; Eph 1:20; Col 3:1; Dt 1:3; 8:1; 10:12). Việc sử dụng Thánh Vịnh này nhiều lần trong Tân Ước nhằm mục đích chỉ cho chúng ta thấy rằng bản văn này là một phần trích của Cựu Ước, được áp dụng cách cụ thể cho Chúa Giêsu. Chi tiết này một phần nào đó khẳng định rằng Chúa Giêsu là Đấng hoàn thành những gì được được viết trong Cựu Ước. Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng có những bước ngoặt, những giấc mơ, những lời hứa chưa thành. Lịch sử cuộc đời chúng ta cũng giống với lịch sử của dân Do Thái với nhiều yêu thương và phản bội. Chỉ nơi Chúa Giêsu, mọi sự mới tìm được sự hoàn thiện của chúng.
Chúa Giêsu cũng chỉ rõ cho thính giả của mình thấy rằng chính vua Đavít cũng gọi Đấng Messia là Chúa Thượng, chứ không phải là con của mình: “‘Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?’ Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú” (Mc 12:37). Nếu chúng ta giả định rằng Đavít là tác giả Thánh Vịnh 110:1, thì Đavít đang nói về một người khác chứ không phải nói về chính mình. Hai cụm từ “Chúa Thượng là Thiên Chúa” và “Chúa Thượng tôi” chỉ cho thấy Đấng Messia phải là một ai đó khác và trổi vượt hơn Đavít. Cho nên, Đấng Messia hoàn toàn không được mô tả như là con vua Đavít. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường nghe “hổ phụ sinh hổ tử” hoặc “con hơn cha là nhà có phúc.” Những câu nói này khó được chấp nhận bởi những ai có thái độ kiêu ngạo, luôn nghĩ “áo làm sao mặc qua đầu.” Ở đâu có tính đố kỵ và tự cao, ở đó sẽ có chia rẽ và hiểu lầm. Điều cuối cùng chúng ta lưu ý trong những lời trên là việc đám đông nghe Chúa Giêsu cách “thích thú.” Chúng ta có thích thú khi lắng nghe lời Chúa Giêsu hay không?
****************
THỨ BẢY TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
ĐẶT TÌNH YÊU TRONG NHỮNG GÌ CHÚNG TA TRAO BAN
(Tb 12:1.5-15.20; Mc 12:38-44)
Sau khi Tôbít được chữa lành, ông đã khuyên con ông là Tôbia trả công cho người đã cho thuốc chữa lành đôi mắt ông. Ông khuyên con ông không chỉ trả theo lẽ công bình, mà còn trả theo tình yêu: “trả thêm cho người ấy” (Tb 12:1). Đây là điểm đầu tiên chúng ta học được ở bài đọc 1 hôm nay. Trong cuộc sống, chúng ta thường đối xử với nhau theo luật công bình – trả cho người khác những gì thuộc về họ. Nhưng Thiên Chúa mời gọi chúng ta đi xa hơn, đi vượt qua công bình đến đức bác ái, đó là cho tất cả những gì mình có. Điều này được chứng minh trong hình ảnh bà goá nghèo trong Tin Mừng. Liệu chúng ta có sẵn sàng trao cho người khác cách quảng đại không?
Chi tiết thứ hai mà chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 để suy gẫm là việc Thiên Sứ căn dặn Tobít và Tôbia phải long trọng công bố những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho họ: “Hãy chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng Người trước toàn thể sinh linh, về những điều tốt lành Người đã làm cho cha con ông. Hãy chúc tụng và ca ngợi danh Người! Những việc Thiên Chúa đã làm, hãy long trọng công bố cho mọi người biết. Đừng ngần ngại xưng tụng Người! Giữ kín bí mật của vua là điều tốt đẹp; nhưng công trình của Thiên Chúa, thì phải tỏ bày và xưng tụng cho long trọng. Hãy làm điều lành thì cha con ông sẽ không gặp điều dữ” (Tb 12:6-7). Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình. Chúng ta thường ca tụng và không quên những việc tốt người khác làm cho mình. Tuy nhiên, chúng ta thường mau quên và không ca tụng Thiên Chúa khi Ngài thực hiện những điều tuyệt hảo trên cuộc đời chúng ta. Đừng quên những điều tốt lành Thiên Chúa làm cho chúng ta trong từng giây phút sống!
Chi tiết thứ ba mà chúng ta có thể suy gẫm là việc thiên sứ khuyên Tobít và Tôbia phải sống điều mình nói: “Cầu nguyện kèm theo đời sống chân thật, bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công; làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu. Những ai phạm tội ăn ở bất công là kẻ thù của chính mình” (Tb 12:8-10). Chúng ta cần lưu ý đến câu: Cầu nguyện kèm theo đời sống chân thật. Câu này mời gọi chúng ta xét lại chính mình. Nhiều người trong chúng tự hào là mình cầu nguyện nhiều. Nhưng chúng ta vẫn chưa sống thật. Chúng ta vẫn còn “giả hình” khi đến trước mặt Chúa và anh chị em. Hãy làm cho cầu nguyện trở nên xương thịt của mình – càng cầu nguyện, tôi càng trở nên đáng yêu, đáng mến hơn vì đời sống chân thật của tôi.
Bài Tin Mừng hôm nay nói về sự tương phản giữa những kinh sư và bà goá nghèo. Chúng ta thấy có hai sự kiện trong trình thuật hôm nay: Chúa Giêsu khuyên đám đông coi chừng các kinh sư (Mc 12:38-40) và sự quảng đại của bà goá (Mc 12:41-44). Hình ảnh những người kinh sư giả hình bị Chúa Giêsu khiển trách trong Tin Mừng hôm nay là điều đối nghịch với những gì mà Chúa Giêsu muốn nơi các môn đệ của Ngài: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ không được chạy theo vinh quang và tiếng tăm như các kinh sư. Ngài cũng khuyến cáo họ không được nuốt hết tài sản của những người cô thế cô thân trong khi giả hình trong đời sống đạo đức. Dù không có mạnh như Tin Mừng Mátthêu [chương 23], đoạn trích này đã được sử dụng để chống lại những thái độ giả hình của người Do Thái trong quá khứ, nhưng bản văn không chỉ trích tất cả các kinh sư, chỉ một loại nào đó (x. Mc 12:28-34), và rất hiếm cho mọi người Do Thái. Như chúng ta biết, kinh sư là những người giải thích Kinh Thánh. Loại kinh sư bị Chúa Giêsu chỉ trích ở đây là những người đặt mình ở trung tâm của cộng đoàn, nhất là trong bối cảnh tôn thờ. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng đặt mình làm trung tâm điểm của mọi sự, nhất là khi đến với Chúa. Thay vì đặt Chúa làm trung tâm của vinh quang và danh dự, thì chúng ta đặt mình vào đó. Thái độ này đưa chúng ta xa Chúa và xa anh chị em mình. Hãy để Chúa làm trung tâm, thì mọi người mới hiệp nhất trong yêu thương.
Câu chuyện của bà goá nghèo được nối kết với biến cố trên bởi thuật ngữ “bà goá.” Câu chuyện này cung cấp cho chúng ta một thái độ sống hoàn toàn trái ngược với những người kinh sư: “Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.” Hình ảnh âm thầm và quảng đại của bà goá là trọng tâm của câu chuyện. Theo các học giả Kinh Thánh, sự quảng đại và tận hiến nội tâm của bà goá là điều được sử dụng trong phần giới thiệu về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Nói cách khác, sự quảng đại và tận hiến của bà goá báo trước điều Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong cuộc thương khó của Ngài. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là sự tương phản giữa bà goá và những người giàu: Bà goá đã thật sự hy sinh tất cả để đóng góp cho Đền Thánh, còn những người giàu không có một hy sinh nào vì họ cho những của dư thừa. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc trao ban: Điều quan trọng không phải là “số lượng” mà là “chất lượng” – là tình yêu và hy sinh mà chúng ta đặt vào trong những gì chúng ta trao ban. Trao ban “một chút của những gì mình là” thì vẫn giá trị hơn trao ban “rất nhiều những thứ mình không cần.”