Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Tuần IV Mùa Phục Sinh

130

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN IV MÙA PHỤC SINH

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN IV MÙA PHỤC SINH

NHẬN RA TIẾNG CHÚA TRONG NGÀY SỐNG

(Cv 11:1-18; Ga 10:1-10)

Hôm qua, chúng ta hân hoan mừng Lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành và chúng ta đã cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Tiếp tục tinh thần đó, Lời Chúa hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta tập trung vào Người Mục Tử Nhân Lành, được trình bày trong hình ảnh của Thánh Phêrô trong bài đọc 1 và hình ảnh của Chúa Giêsu trong chương 10 của Tin Mừng Thánh Gioan. Chúng ta hãy lắng đọng và để Lời Chúa hướng dẫn và chất vấn chúng ta.

Khi chúng ta thấy ai làm một điều gì đó hoặc nói một điều gì đó khác với những điều chúng ta đã quá quen thuộc hoặc tin “là sự thật,” chúng ta thường có thái độ chống đối và phản ứng cách tiêu cực. Điều này cũng xảy ra cho Thánh Phêrô trong bài đọc 1 hôm nay. Ngài bị “các người thuộc giới cắt bì chỉ trích” vì ngài “đã vào nhà những kẻ không cắt bì và cùng ăn uống với họ” (Cv 11:2-3). Với tấm lòng của người mục tử, Thánh Phêrô kiên nhẫn giải thích cho họ về việc Ngài đến với những người dân ngoại. Qua việc này, Thánh Phêrô cũng nhắc nhở họ rằng ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho họ, mà cho mọi người, những người chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 11:15-17). Qua những chi tiết trên, chúng ta có thể rút ra những điều sau để suy gẫm:

Thứ nhất, những người thường phản ứng cách tiêu cực trước những điều mới mẻ có vẻ “thách thức” hệ thống niềm tin quen thuộc và thói quen của họ, sẽ khó để nhìn thấy và đón nhận sức mạnh canh tân của Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thuộc loại này không? Chúng ta có hay phản ứng tiêu cực khi thấy người khác nói hoặc làm những việc “không hợp với khẩu vị” của mình không?

Thứ hai, ngược lại những người để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ luôn biết sáng tạo, luôn giữ cho mình được bình thản và có cái nhìn cảm thông và bao dung khi có những điều xảy ra “ngoài ý muốn” của họ.

Thứ ba, để không phản ứng tiêu cực trước những điều mình không thích và sẵn sàng đón nhận mọi sự mới mẻ từ Chúa Thánh Thần, chúng ta cần học ở Thánh Phêrô thái độ lắng nghe và tìm ý Chúa trong cầu nguyện (x. Cv 11:5). Chỉ trong thinh lặng của cầu nguyện, chúng ta mới có thể hiểu được ý của Thiên Chúa trong những điều không hợp với ý của chúng ta, và như thế không ngăn cản những điều Thiên Chúa muốn thực hiện cho những người Ngài muốn ban ơn cứu độ.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể được chia làm 2 phần. Phần 1 (Ga 10:1-5) nói về kinh nghiệm chăn chiên hay dụ ngôn về đàn chiên; phần 2 (Ga 10:7-10) trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu áp dụng kinh kinh nghiệm chăn chiên cho chính mình; Ngài gọi mình là cửa chuồng chiên. Chúng ta phân tích chi tiết hơn hai phần của Tin Mừng để rút ra sứ điệp Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay.

Trong phần 1, theo một số học giả kinh thánh, Thánh Gioan trình bày hai dụ ngôn: dụ ngôn về thái độ đến với chiên (Ga 10:1-3a), và dụ ngôn về tương quan giữa mục tử và đàn chiên (Ga 10:3b-5). Thật vậy, trong dụ ngôn về thái độ đến với đàn chiên của người mục tử, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta hai loại: loại “không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp” (Ga 10:1), và loại “đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử” (Ga 10:2). Thái độ đến với chiên sẽ khẳng định căn tính của một người là cướp hay mục tử. Nói cách khác, qua hành động chúng ta sẽ biết người đó như thế nào: trèo qua lối khác mà vào là cướp, còn đi qua cửa mà vào là mục tử. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: hãy luôn cẩn thận với mọi hành động của mình, vì qua hành động chúng ta khẳng định mình là ai. Hãy đi vào cửa tâm hồn của người khác bằng những hành động tốt và mang niềm vui cho họ. Đừng trèo qua lối gièm pha và ghen tị mà cướp đi niềm vui của họ. Dụ ngôn này kết thúc với việc giới thiệu nhân vật thứ ba, đó là “người giữ cửa” (Ga 10:3a). Ở đây, chúng ta vẫn chưa biết người giữ cửa là ai. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể đoán biết trước Chúa Giêsu đang ám chỉ đến Chúa Cha.

Trong dụ ngôn về tương quan giữa chiên và mục tử, Thánh Gioan chỉ ra những hành động của chiên và người mục tử như sau: (1) người mục tử: gọi tên từng con và dẫn ra, đi trước chiên; (2) chiên: nghe tiếng mục tử, đi theo sau mục tử, nhận biết tiếng mục tử, “không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10:5). Trong hai vai trò này, đôi khi chúng ta là mục tử, nhưng đôi khi chúng ta là chiên. Chúng ta là mục tử trong tương quan với những người chúng ta có trách nhiệm yêu thương và phục vụ [cha mẹ cho con cái, cha xứ cho giáo dân, chủ công ty cho công nhân, v.v.]. Chúng ta luôn là chiên trong tương quan với Thiên Chúa. Nếu là mục tử, chúng ta đã biết hết chiên của chúng ta chưa? Chúng ta đã dẫn dắt và đi trước chiên trong đời sống gương sáng về tình yêu và tha thứ chưa? Nếu là chiên, chúng ta đã nghe tiếng, nhận biết và đi theo Chúa chưa? Hay chúng ta vẫn còn đi theo những người dẫn chúng ta xa Chúa?

Phần 1 và 2 được nối kết với nhau bởi câu 6: “Đức Giêsu kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.” Vì họ không hiểu ý nghĩa của dụ ngôn về thái độ đến với chiên và tương quan giữa chiên và người mục tử, nên Chúa Giêsu phải nói cách rõ ràng cho họ. Ngài khẳng định chính Ngài là cửa cho chiên ra vào. Khi nói đến những “kẻ đến trước Ngài” (Ga 10:8), Chúa Giêsu ám chỉ đến các thầy dạy [kinh sư và biệt phái] và truyền thống Do Thái mà họ nại đến như luật tối thượng để được ơn cứu độ. Điều này đồng thời ám chỉ rằng: chỉ nơi Chúa Giêsu chiên mới tìm được ơn cứu độ. Nói cách khác, Thánh Gioan khẳng định Chúa Giêsu là suối nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, chỉ trong Ngài chúng  ta mới có thể ra vào và gặp được đồng cỏ. Và cũng chỉ trong Ngài, chúng ta có được sự sống dồi dào.

Một chi tiết đáng để chúng ta suy gẫm trong phần 2 này là sự tương phản giữa mục tử [Chúa Giêsu] và kẻ trộm. Người mục tử hay người noi gương Chúa Giêsu luôn mang lại cho đàn chiên [người khác] những điều tốt đẹp nhất. Nơi đâu có sự hiện diện của họ là có niềm vui và sự sống. Ngược lại, kẻ trộm luôn mang đến sự phân tán hoảng sợ. Nơi đâu có sự hiện diện của họ là có “mất mát,” chia rẽ và chết chóc. Tự đáy lòng, chúng ta tự vấn xem sự hiện diện của chúng ta mang lại niềm vui hay nỗi buồn và đau khổ cho người khác.

*********************

THỨ BA TUẦN IV MÙA PHỤC SINH

CHÚA GIÊSU VÀ CHÚA CHA LÀ MỘT

(Cv 11:19-26; Ga 10:22-30)

Bài đọc 1 hôm nay trình thuật cho chúng ta về việc rao giảng Tin Mừng của các Kitô hữu tiên khởi và sự thiết lập cộng đoàn Kitô hữu ở Antiôkhia. Sau cuộc bách hại Têphanô, các môn đệ tản mác đi khắp nơi và lời Chúa được rao giảng vượt ra khỏi giới hạn của người Do Thái và đến với người Hy Lạp. Điều làm chúng ta suy gẫm là công việc rao giảng Tin Mừng được đón nhận vì có bàn tay Chúa ở với những người đi rao giảng Tin Mừng: “Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa” (Cv 11:21). Những lời này trở thành những lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta, những người được mời gọi đem Tin Mừng đến cho những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Sự thành công trong đời sống rao giảng Tin Mừng không lệ thuộc vào khả năng hay công sức của con người, nhưng hệ tại ở bàn tay Thiên Chúa hoạt động nơi những người mang Tin Mừng. Điều này được thể hiện rõ nét trong hình ảnh của Banaba. Vì “ông là người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin. Và đã có thêm một đám rất đông theo Chúa” (Cv 11:24). Chính đời sống thánh thiện hay đúng hơn để bàn tay Thiên Chúa hoạt động trong mình, Banaba và Saolô đã thiết lập cộng đoàn ở Antiôkhia, nơi “mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu” (Cv 11:26).

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết những con chiên của Chúa Giêsu thì biết Ngài là ai. Chúng ta có biết Chúa Giêsu không? Câu mở đầu của trình thuật hôm nay đặt chúng ta vào bối cảnh lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Khi ấy, ở Giêrusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Salômôn” (Ga 10:22-23). Bối cảnh không chỉ trình bày một lễ mừng khác của người Do Thái mà trong đó mạng sống của Chúa Giêsu bị đe doạ, nhưng còn đưa Ngài trở lại đền thờ nơi mà Ngài mới bỏ ra đi vì người Do Thái mới định ném đá Ngài (x. Ga 8:59). Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tuân giữ những ngày lễ của người Do Thái, dù Ngài biết nhiều người chống đối và muốn giết Ngài. Khi thấy Chúa Giêsu vẫn can đảm đến trong lễ Cung Hiến Đền Thờ, “người Do Thái vây quanh Đức Giêsu và nói: ‘Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết’” (Ga 10:24). Họ đòi hỏi nơi Ngài một câu trả lời nơi công cộng cho câu hỏi Ngài có phải là Đức Kitô hay không. Câu hỏi này đưa người đọc về với những cuộc tranh luận được thuật lại trong chương 7 và 8. Trong những cuộc tranh luận đó, Chúa Giêsu đã từ chối không thực hiện những dấu lạ ở Giêrusalem để tỏ ra thân phận của mình một cách công khai (x. Ga 7:4). Nhiều người cũng không nói về Chúa Giêsu “một cách công khai vì sợ người Do Thái” (Ga 7:13). Chúa Giêsu xuất hiện cách công khai ở Giêrusalem đã dẫn đến việc nhiều người nghĩ rằng Ngài là Đức Kitô (x. Ga 7:26). Chi tiết này gợi cho chúng ta những khoảnh khắc trong đời sống mà trong đó chúng ta cũng thắc mắc về căn tính của Chúa Giêsu, những khoảnh khắc mà trong đó chúng ta đi trong bóng tối của niềm tin và không thấy Ngài ở đâu, những khoảnh khắc mà chúng ta đối diện với đau khổ và thử thách nhưng vẫn không thấy Ngài làm gì để thay đổi hoàn cảnh. Rồi chúng ta cũng hỏi như người Do Thái: Ngài có phải là Đấng chúng tôi tin không? Sao Ngài im lặng và không làm gì để giúp chúng tôi.

Đáp lại sự đòi hỏi trả lời công khai của người Do Thái, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng Ngài đã nói với họ về căn tính của Ngài rồi, nhưng họ không tin: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi” (Ga 10:25). Câu nói này không chỉ đến một đám đông cụ thể. Một câu nói trực tiếp như thế này chỉ được nghe bởi một người tin. Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria rằng Ngài chính là “Đức Kitô” [Messia] và với anh mù rằng Ngài là “Con Người.” Cả hai sự kiện đều nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu, “Đấng đang nói với chị/anh,” là Đấng mà câu nói trên ám chỉ về. Dĩ nhiên, Chúa Giêsu đã nói một cách công khai về căn tính của mình trong khu vực Đền Thờ trong lễ mừng trước đó, trong câu khẳng định thần tính của mình “Ta là” trong 8:24,58. Thánh sử muốn chúng ta nhớ lại sự kiện đó qua việc kết thúc phần này với việc tái khẳng định sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa con trong câu 30. Các công việc Chúa Giêsu thực hiện cũng làm chứng cho chân tính của Ngài. Chi tiết này làm chúng ta xét lại chính cuộc sống và hành động của mình. Là những người Kitô hữu, những môn đệ của Chúa Giêsu, những hành động của chúng ta có làm chứng cho người khác biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu không? Hay các hành động của chúng ta trở nên phản chứng? Có câu nói trong triết học rằng: hữu thể nào hành động đó – nếu là môn đệ của Chúa Giêsu thì hành động phải tương hợp là người môn đệ Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đưa ra lý do tại sao người Do Thái không tin, đó là “vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10:26-29). Trong những lời này, chúng ta thấy hình ảnh người mục tử trở lại trong trình thuật khi Chúa Giêsu giải thích về sự thất bại trong đức tin với một hình ảnh khác về việc phân rẽ giữa hai nhóm “con cái Ápraham” và “Con cái sự dữ.” Điều này là lý do đưa Chúa Giêsu đến cái chết. Đám đông nghe Chúa Giêsu ở đây không thuộc hai nhóm trên. Để hiểu những lời trên của Chúa Giêsu, chúng ta phải trở lại câu 6:44, trong đó Chúa Giêsu nói rằng không ai đến được với Ngài nếu không được Chúa Cha thúc đẩy và tiếp theo đó là sự kiện một số môn đệ đã không còn theo Chúa Giêsu (x. Ga 6:55). Kinh nghiệm về thất bại trong đức tin, về sự chia rẽ cũng đang xảy ra trong cộng đoàn, vì thế cộng đoàn Thánh Gioan đã sử dụng những kinh nghiệm trên để mời gọi người khác đến với đức tin hầu nhờ đức tin mà biết được sự loại trừ, sự thất bại của mình trong ơn gọi làm môn đệ, và trong những cơn bách hại luôn xảy ra trong đời sống thường ngày. Những kinh nghiệm này chính là điều ẩn chứa bên trong những lời Chúa Giêsu nói trên. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng trao ban những con chiên này cho Chúa Giêsu, không ai (ngay cả những người lãnh đạo tôn giáo hành động nhân danh Thiên Chúa như những người trong chương 9) có thể cướp họ khỏi Chúa Giêsu. Không ai có thể đánh bại mục đích của Chúa Giêsu, đó là trao ban món quà sự sống muôn đời cho những ai tin (x. Ga 17:2,6). Tấy cả những điều này xảy ra vì “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:30). Chúng ta nhiều lần tự hào là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng cũng nhiều lần chúng ta sống như không thuộc về Ngài. Chúng ta đã không nghe theo tiếng Ngài hoặc có nghe thì cũng không đem ra thực hành. Là Mục Tử Nhân Lành, Chúa Giêsu luôn biết chúng ta. Còn chúng ta, chúng ta có biết Ngài và đi theo Ngài để được sự sống đời đời không?

*********************

THỨ TƯ TUẦN IV MÙA PHỤC SINH

HÃY NÓI ĐÚNG NHỮNG GÌ THIÊN CHÚA MUỐN

(Cv 12:24 – 13,5a; Ga 12:44-50)

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe về việc Banaba và Saolô sau khi tham dự công đồng Giêrusalem [khoảng năm 49] trở về mang theo một người mà chúng ta rất quen thuộc, đó là Thánh Máccô, tác giả của một trong bốn cuốn Tin Mừng. Chi tiết này nhắc nhở cho chúng ta biết rằng công việc rao giảng Tin Mừng, ngoài việc cần đến ơn Chúa, còn cần đến sự cộng tác của người khác. Chúng ta sẽ không làm được gì nếu chúng ta khép lòng mình lại và không muốn người khác chung tay vào trong công việc của chúng ta.

Tuy nhiên, kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta hay rằng, mỗi người là một cá vị, không thể lặp lại; nghĩa là trước khi chúng ta sinh ra không ai giống chúng ta và sau khi chúng ta chết cũng không ai giống chúng ta. Mỗi người là một cá vị trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi người có một nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã mời gọi từ muôn thuở. Chúng ta thấy chi tiết này nơi Hội Thánh Antiôkhia trong bài đọc 1. Trong số các ngôn sứ và thầy dạy, Thiên Chúa muốn dành riêng Banaba và Saolô cho Ngài, để lo công việc Ngài đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13:2). Hai ông được dành riêng cho Chúa để loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Thế nhưng nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không nhìn thấy sự cá vị và đặc trưng của chính mình và của người khác, chúng ta mong muốn được như người khác, làm những việc như người khác hoặc bắt người khác nghĩ và làm giống mình. Khi làm như thế, chúng ta đã đánh mất ơn riêng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người. Sự cộng tác hay hiệp nhất chỉ xảy ra khi chúng ta tôn trọng sự khác biệt của nhau. Nếu không có sự khác biệt, sẽ không có sự hiệp nhất, chỉ có sự đồng nhất.

Cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay được trình bày như sau: (1) Chúa Giêsu khẳng định về mối tương quan của Ngài với Chúa Cha như tương quan của Người sai và Người được sai; (2) Chúa Giêsu khẳng định chân tính của Ngài là ánh sáng thế gian; (3) Chúa Giêsu khẳng định hệ quả của việc không nghe và không tuân giữ lời Ngài; (4) Chúa Giêsu khẳng định mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha trong việc giảng dạy của Ngài. Đây là lối viết “bánh mì kẹp” mà chúng ta đã quen thuộc: phần mở đầu và phần kết nói đến tương quan của Ngài với Chúa Cha. Chính mối tương quan này xác định chân tính của Ngài và vai trò của Ngài trong việc xét xử được trình bày trong phần kẹp bên trong. Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta trong những khẳng định này?

Trong phần 1 (Ga 12:44-45), Chúa Giêsu khẳng định vai trò “trung gian” của Ngài. Ai tin vào Ngài là tin vào Đấng đã sai Ngài và ai thấy Ngài là thấy Đấng đã sai Ngài. Chi tiết này cho chúng ta thấy Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa chúng ta với Chúa Cha. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu sẽ khẳng định với các môn đệ trong chương 14: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Như vậy, Chúa Giêsu chính là “hình ảnh” của Thiên Chúa vô hình. Hay nói cách khác, Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình nơi Chúa Giêsu. Khi suy gẫm về điểm này, chúng ta cũng được nhắc nhở về vai trò trung gian của mình. Chúng ta là trung gian giữa Chúa Giêsu với anh chị em của mình. Chúng ta phải sống thế nào để người khác tin vào chúng ta vì chúng ta là những người tin vào Chúa Giêsu; chúng ta phải hành động thế nào để ai nhìn thấy chúng ta là nhìn thấy Đấng đã sai chúng ta. Đừng làm cho người khác rời xa Thiên Chúa bằng gương mù gương xấu của chúng ta.

Vai trò trung gian của Chúa Giêsu được diễn tả cách trung thực nhất qua chân tính của Ngài là ánh sáng thế gian (Ga 12:46). Ánh sáng này là để soi chiếu cho những ai trong ở trong bóng tối nhìn thấy Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa Giêsu là ánh sáng phát xuất từ ánh sáng. Tuy nhiên, ánh sáng này chỉ được nhận ra bởi những người tin. Chi tiết này là hệ quả của tương quan không thể tách rời giữa người sai và người được sai. Người được sai phải làm thế nào để không để cho “cái bóng” của mình che mờ đi hình ảnh của Đấng sai họ đi. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta bổn phận làm chứng cho Chúa trong ngày sống của chúng ta. Nhiều lần trong khi phục vụ, chúng ta chỉ tìm kiếm chính mình và vinh quang của mình hơn là tìm kiếm Thiên Chúa và vinh quang của Ngài. Mong rằng chúng ta là những tấm gương trong suốt để phản chiếu cách trung thực hình ảnh của Thiên Chúa cho mọi người qua lời ăn tiếng nói, qua hành động và lối sống yêu thương của chúng ta.

Phần thứ 3 nói về hệ quả của những người không nghe và tuân giữ lời Ngài. Họ sẽ bị chính Lời của Chúa Giêsu xét xử trong ngày sau hết (Ga 12:48). Từ những lời Chúa Giêsu nói, chúng ta thấy hình ảnh một Con Người thật dịu hiền: Ngài được sai đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian (Ga 12:47). Tuy nhiên, trong sự dịu hiền đó có một sự cương nghị. Hai chi tiết này vẽ cho chúng ta hình ảnh của một Đức Kitô giàu tình thương nhưng công bình. Chúng ta rút ra được điều gì từ hình ảnh này? Hình ảnh này giúp chúng ta sống một đời sống trung dung hơn: không quá “uỷ mị” chỉ cậy dựa vào Thiên Chúa mà không có nỗ lực nào để sửa đổi chính mình, nhưng cũng không quá “cứng rắn” chỉ cậy dựa vào sức mình mà không cần đến ơn Chúa và sự trợ giúp của anh chị em. Chúa Giêsu không xét xử chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta không bị xét xử. Chúa Giêsu cho chúng ta hay rằng: Lời Ngài sẽ xét xử chúng ta. Vậy hãy để cho Lời Ngài chất vấn chúng ta mỗi ngày, để chúng ta nhận ra những thiếu xót của mình mà sửa đổi, để rồi chúng ta sẽ không bị xét xử vào ngày sau hết.

Phần cuối khẳng định về tính chân thật trong việc giảng dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu khẳng định rằng, chính Chúa Cha đã sai Ngài và truyền cho Ngài phải nói gì và tuyên bố gì. Ngài chỉ nói đúng như Chúa Cha đã nói với Ngài (x. Ga 12:49-50). Trong một ngày từ sáng đến tối, chúng ta nói rất nhiều. Nhưng liệu những lời chúng ta nói có đến từ Thiên Chúa không? Nói cách khác, chúng ta có nói những gì Chúa muốn chúng ta nói không? Thực tế mà nói, nhiều khi chúng ta đã thốt ra những lời thiếu suy nghĩ, thiếu cảm thông và nhất là thiếu cầu nguyện. Những lời đó đã phá huỷ nhiều mối tương quan chúng ta đã dày công xây dựng. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy nói đúng như Thiên Chúa đã nói với chúng ta. Nếu muốn làm được điều này, chúng ta phải luôn hiệp nhất với Ngài trong cầu nguyện. Người không có đời sống hiệp nhất thâm sâu với Thiên Chúa thường nói những lời gây tổn thương cho người khác.

*********************

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA PHỤC SINH

Thánh Máccô, Tác Giả Sách Tin Mừng

TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA GIÊSU

(1 Pr 5:5b-14; Mc 16:15-20)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Máccô, tác giả sách Tin Mừng. Thánh Máccô là người trở lại đạo bởi Thánh Phêrô. Sau đó, thánh nhân đi theo Thánh Phêrô đến Rôma và làm việc như “thư ký riêng” hoặc “thông dịch viên” của Thánh Phêrô. Khi thánh Phêrô viết thư thứ nhất của mình cho những giáo hội ở Asia, thánh nhân đã một cách đầy yêu thương kết hợp lời chúc của mình với lời chúc của “người con Máccô của tôi.” Các tín hữu Rôma đã nài xin Máccô viết lại cho họ toàn bộ những phần quan trọng trong những bài giảng của Thánh Phêrô về cuộc đời Chúa Giêsu. Theo truyền thống cổ xưa, Thánh Máccô được sai đến Ai Cập để thiết lập giáo hội tại Alexandria. Ở đây, các môn đệ của thánh sử đã trở nên những mẫu gương về đời sống đạo đức và cầu nguyện. Thánh sử cũng thiết lập một trường học đầu tiên ở Alexandria, là nơi đào tạo ra nhiều tiến sĩ của Giáo Hội và nhiều giám mục. Sau khi chăm sóc địa hạt của mình nhiều năm, một ngày kia thánh Máccô bị bắt bởi những người cầm quyền ngoại giáo. Họ đã trói thánh sử vào một phiến đá và ném vào ngục. Ngày hôm sau, thánh sử tiếp tục bị đánh đòn và ngược đãi. Trong đau khổ, thánh sử đã được an ủi bởi một thị kiến về thiên thần và giọng nói của Chúa Giêsu, và thánh sử đã trút hơi thở cuối cùng để đón nhận triều thiên vinh quang. Thánh sử đặc biệt được tôn kính ở thành phố Venice, nơi thi hài của ngài được lưu giữ.

Trong bài đọc 1, chúng ta thấy Thánh Phêrô trong lời chào đã gọi Máccô là “con tôi”: “Hội Thánh ở Babylon, cũng được chọn như anh em, và Máccô, con tôi, gửi lời chào anh em. Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương. Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Kitô, được bình an” (1 Pr 5:13-14). Điều này cho thấy, thánh Máccô có một mối tương quan rất mật thiết với thánh Phêrô. Tuy nhiên, điều để chúng ta suy gẫm là những lời khuyến dụ của thánh Phêrô cho các Kitô hữu. Trong lời khuyến dụ của mình, thánh Phêrô chỉ ra những điều sau đây là quan trọng cho đời sống người Kitô hữu: (1) đức khiêm nhường [“Anh em thân mến, anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (c. 5b-6]; (2) hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa [“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (c. 7)]; (3) sống tiết độ [“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (c. 8)]; (4) đứng vững trong đức tin [“Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế (c. 9)]. Nhìn bốn điều quan trọng cho đời sống người Kitô hữu, chúng ta có được điều nào không? Nếu chưa, chúng ta hãy bắt đầu từ bây giờ để trở nên những người “viết lại” cuộc đời của Chúa Giêsu trên cuộc đời của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay được xem là phần kết dài được thêm vào Tin Mừng Thánh Máccô sau này vì nó khác với phần con lại về ngôn ngữ và lối viết. Nội dung chính của bài Tin Mừng là việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Chúng ta có thể rút ra những ý sau để suy gẫm cho ngày sống của mình.

Thứ nhất, những ai tin vào lời rao giảng của các môn đệ sẽ được cứu độ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16:15-16). Trong lệnh truyền này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài trở nên những người loan báo Tin Mừng. Là những người loan báo Tin Mừng, người môn đệ trước tiên phải là người tin và có tấm lòng quảng đại cũng như sẵn sàng đi đến bất kỳ nơi đâu, sống trong bất cứ môi trường nào vẫn giữ cho mình niềm vui của người mang Tin Mừng. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho mình bị điều kiện hoá bởi nơi chốn và những người cùng sống với chúng ta, để rồi chúng ta đánh mất niềm vui Tin Mừng và trở thành những người “sống trong mùa chay muôn thuở” – là những người luôn phàn nàn, nói xấu và đổ lỗi cho người khác, nhất là không bao giờ trao cho người khác một nụ cười của tình thương mến. Đừng để bất cứ điều gì cướp mất niềm vui Tin Mừng!

Thứ hai, Chúa Giêsu chỉ ra những dấu lạ được ban cho những người tin: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16:17-18). Những người môn đệ Chúa Giêsu sẽ làm được những việc cao trọng với điều kiện họ phải làm tất cả nhân danh Ngài. Điều này ngụ ý rằng: không có Chúa Giêsu, người môn đệ sẽ không làm được gì. Những thành quả tốt đẹp người môn đệ thu lượm được đến từ Chúa Giêsu. Vì vậy, người môn đệ phải ý thức rằng: khi không kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, thì những gì làm ra không phải đến từ Chúa Giêsu.

Cuối cùng, các môn đệ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu khi Ngài được đưa lên trời. Nhưng dù được đưa lên trời, Chúa Giêsu cũng vẫn tiếp tục hiện diện với họ trong công việc rao giảng Tin Mừng: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20). Những lời này mang lại cho chúng ta sự ấm áp khi biết rằng Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Chính Chúa Giêsu là Người thực hiện những dấu lạ để củng cố những gì chúng ta giảng dạy. Ở đây chúng ta thấy mình được mời gọi “làm việc chung” với Chúa Giêsu và để Ngài thực hiện những kỳ công trên cuộc đời chúng ta hầu mang Tin Mừng đến cho mọi loài thọ tạo. Chúng ta có để Chúa Giêsu hoạt động với và trong chúng ta không?

*********************

THỨ SÁU TUẦN IV MÙA PHỤC SINH

ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG GIÊSU

(Cv 13:26-33; Ga 14:1-6)

Hành trình rao giảng của Thánh Phaolô đã đưa ngài đến thành Antiôkhia, nơi lần đầu tiên những người môn đệ của Chúa Giêsu được gọi là “Kitô hữu.” Khi đọc sách Công Vụ Các Tông Đồ, một chi tiết chúng ta thường nhận ra đó là các Tông Đồ không để qua cơ hội nào mà không rao giảng về Đức Giêsu Kitô. Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô luôn nắm bắt cơ hội để rao giảng Tin Mừng và chúng ta thường thấy ngài trong các hội đường. Chúng ta vẫn thường nghe thấy danh từ “hội đường.” Nhưng “hội đường là gì? Theo nguyên ngữ [tiếng Hy Lạp], “hội đường” có nghĩa là “tụ họp mọi người,” nhưng nó cũng ám chỉ nơi tụ họp. Theo sử gia cổ đại Josephus [trong Antiquities], hội đường được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như nơi để cầu nguyện, nơi để Lời Chúa được công bố và giải thích, trường học [Kinh Thánh], nơi những bữa ăn chung diễn ra, toà án xét xử, nơi các cuộc họp chính trị được tổ chức, nơi nhận và phân phát quà từ thiện.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Phaolô đã sử dụng hội đường như nơi để rao giảng Tin Mừng. Nội dung của lời rao giảng của thánh nhân xoay quanh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, hay chúng ta còn gọi là Kerygma. Ngài cố gắng chứng minh cho mọi người rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng đến hoàn thành lời hứa Thiên Chúa đã hứa với Abraham và con cháu của ông. Lời hứa này được hoàn thành trong sự kiện sống lại của Chúa Giêsu. Điều này giải thích lý do tại sao người Do Thái không nhận biết Đức Giêsu Kitô (Cv 13:27). Đó là vì họ mong chờ một Đấng Cứu Độ “không chịu đau khổ, không chết và không sống lại”; họ mong chờ một Đấng Cứu Độ đến để giải thoát họ khỏi quyền lực của ngoại xâm, chứ không phải khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta điều gì? Thường ngày trong cuộc sống, khi chúng ta mong chờ một cái gì đó, chúng ta thường mong muốn điều đó xảy ra theo cách thức chúng ta muốn. Hoặc khi ai hứa với chúng ta một điều gì, chúng ta thường “tưởng tượng” ra cách thức người đó thực hiện lời hứa của mình theo cách chúng ta vạch ra. Khi sự việc xảy ra không theo cách thức chúng ta mong muốn, chúng ta thường có những phản ứng tiêu cực.

Theo Thánh Phaolô, lời Thiên Chúa hứa với chúng ta sẽ không được thực hiện nếu Đức Giêsu Kitô không sống lại. Đây chính là Tin Mừng chúng ta loan báo: “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Cv 13:32-33). Những lời này giúp chúng ta nhận ra nội dung của việc loan báo Tin Mừng, đó là Đức Giêsu là Đấng đã đến để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa cho con người qua cuộc khổ nạn, phục sinh và lên trời của Ngài. Việc rao giảng của chúng ta phải được thực hiện qua chính cuộc sống “cũng được phục sinh với Chúa Giêsu.” Nói cách khác, sự sống mới đầy yêu thương, cảm thông và tha thứ trong Đức Kitô là cách thức rao giảng hiệu quả nhất mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện.

Ai trong chúng ta cũng đã có lần cảm thấy xao xuyến? Nếu có, chúng ta xao xuyến về chuyện gì? Chúng ta có xao xuyến khi sắp mất đi người thân của mình không? Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu “khuyên” các môn đệ của Ngài đừng xao xuyến. Ngài khuyên họ đừng xao xuyến về việc Ngài sẽ về với Chúa Cha và như vậy họ sẽ không còn được thấy Ngài. Điều Ngài mong muốn nơi họ là: trong giây phút xao xuyến “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1). Để hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc đoạn trích này trong bối cảnh gần của nó, đó là bối cảnh nói về việc Chúa Giêsu là đường dẫn đến Chúa Cha (Ga 14:1-11). Đoạn văn này bắt đầu với lời mời gọi: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1) và kết thúc với lời mời gọi: “Hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga 14:11). Điều này cho chúng ta biết rằng: Chúa Giêsu muốn các tông đồ nếu không tin vào “lời của Ngài” thì những dấu lạ [việc] Ngài làm chính là nền tảng để cho họ tin rằng Chúa Cha và Ngài là một (x. Ga 10:37-38). Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Qua chi tiết này, Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta như đã từng nói với các tông đồ rằng: Nếu các con không tin vào lời Thầy công bố mỗi ngày [hoặc mỗi Chúa Nhật] khi chúng con tham dự thánh lễ [hoặc khi đọc Kinh Thánh], thì chúng con hãy xem những việc Thầy đã làm cho chúng con mỗi ngày để rồi tin rằng Chúa Cha và Thầy là một. Nói cách cụ thể, nếu chúng ta không nhận ra Chúa Giêsu khi “đọc kinh cầu nguyện hay tham dự thánh lễ,” thì cố gắng nhận ra Ngài trong những công việc bé nhỏ thường ngày của chúng ta.

Trở lại với bài Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra hai phần sau: phần 1 (Ga 14:1-4) nói đến “lời khuyên” của Chúa Giêsu, và phần 2 (Ga 14:5-6) trình bày cho chúng ta phần “hỏi đáp” của Chúa Giêsu với Tôma. Trong lời khuyên của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài bảo đảm cho họ ba điều sau:

(1) Trong nhà Cha Ngài có nhiều chỗ ở và mỗi người có một chỗ trong nhà Cha Ngài (Ga 14:2). Theo truyền thống, “nhà Cha” được hiểu là Thiên Đàng. Theo thần học bây giờ, một số thần học gia hiểu “nhà Cha” chính là “con tim của Thiên Chúa.” Vì vậy, chúng ta có thể hiểu điều Chúa Giêsu nói như sau: trong con tim của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ, không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim [tình yêu] của Ngài. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta suy gẫm là chúng ta có muốn ở trong tim, trong tình yêu của Ngài hay không?

(2) Chúa Giêsu đi để chuẩn bị chỗ và Ngài sẽ trở lại để đón họ (Ga 14:2-3). Trong câu này, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng: họ sẽ trải qua những giây phút mà Ngài “không hiện diện” với họ vì Ngài đi về nhà Cha Ngài để dọn chỗ cho họ, và rồi Ngài sẽ trở lại để đón họ. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng cảm thấy “vắng bóng” Chúa Giêsu. Chúng ta đi tìm kiếm Người và đôi khi chúng ta kêu gào trong thất vọng. Trong những giây phút như vậy, chúng ta cần nhớ rằng: Chúa Giêsu luôn nghĩ đến chúng ta và đang chuẩn bị cho chúng ta một chỗ trong cung lòng của Chúa Cha. Tuy nhiên, liệu khi Chúa Giêsu đến đón chúng ta vào trong cung lòng của Chúa Cha, chúng ta có nhận ra Ngài và đi theo Ngài không?

(3) Chúa Giêsu muốn Ngài ở đâu thì các môn đệ sẽ ở đó với Ngài. Điều này hàm chứa một ý nghĩa sâu xa cho chúng ta ngày hôm nay [nhất là những người sống đời thánh hiến]. Chúng ta thường mong muốn có một chỗ ở thật tốt, thật đẹp, và thật tiện nghi. Nói cách đơn giản, chúng ta thường tìm cho mình những nơi hợp với “khẩu vị” của mình. Điều này càng ngày càng làm cho chúng ta khó chấp nhận sống những nơi mà không đáp ứng được nhu cầu và sự mong muốn của chúng ta. Chi tiết thứ ba này mời gọi chúng ta đặt lại tầm quan trọng của “nơi chốn” chúng ta cư ngụ. Chúa Giêsu chỉ có một nơi cư ngụ mà Ngài ưa thích, đó là cung lòng của Chúa Cha. Điều này ám chỉ rằng: ở đâu không quan trọng, điều cần thiết và quan trọng là dù ở đâu chúng ta cũng cảm nghiệm được mình đang ở với Chúa Giêsu trong cung lòng, trong tình yêu của Chúa Cha.

Chúa Giêsu kết thúc lời khuyên bằng việc khẳng định về sự hiểu biết của các môn đệ về con đường mà Ngài sẽ đi: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:4). Như chúng ta đã biết, theo Thánh Gioan, sự hiểu biết của các môn đệ Chúa Giêsu luôn có giới hạn. Điều này được diễn tả trong câu hỏi của Tôma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” (Ga 14:5). Có một sự hiểu lầm ở đây: Chúa Giêsu nói về “đường đi” [phương tiện], còn Tôma thì nghĩ về “nơi chốn” [mục đích/điểm đến]. Vì không biết mục đích hay nơi đến nên sẽ không biết phương tiện để đạt mục đích hay đường đi để đến nơi cần đến. Chính sự giới hạn về hiểu biết của các môn đệ mà Chúa Giêsu, một lần nữa mạc khải cho họ về chân tính của Ngài: “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Trong câu này, Chúa Giêsu lại khẳng định vai trò trung gian duy nhất của Ngài: chỉ qua Ngài, chúng ta mới có thể đến được với Chúa Cha. Ngài là “con đường” dẫn đến “sự thật và sự sống.” Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài không chỉ là “người dẫn” đến ơn cứu độ, nhưng còn là suối nguồn của sự sống và sự thật. Ai sống trong Chúa Giêsu, người đó đạt được ơn cứu độ và luôn sống vui và sống thật.

*********************

THỨ BẢY TUẦN IV MÙA PHỤC SINH

XIN TỎ CHO CHÚNG CON THẤY CHÚA CHA!

(Cv 13:44-52; Ga 14:7-14)

Khi đọc bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy có một cảm giác khó chịu với những người Do Thái. Họ được trình bày với một hình ảnh không mấy “dễ thương” ngay trong cách đối xử của họ với Chúa Giêsu và bây giờ với các Tông Đồ. Trong bài đọc 1, chúng ta có thể nhận ra ba nhóm sau: (1) các môn đệ [Phaolô và Banaba], (2) người Do Thái, (3) dân ngoại. Thái độ của ba nhóm phản ánh thái độ sống của chúng ta.

Các môn đệ: Các ngài bị người khác ghen tức, phản đối, ngược đãi, nhục mạ, và trục xuất, nhưng các ngài “được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13:51). Còn chúng ta thì sao: khi bị ngược đãi và nhục mạ, chúng ta phản ứng thế nào? Các môn đệ chịu đựng tất cả những ngược đãi với niềm vui vì các ngài biết rằng mình đang thực hành thánh ý Thiên Chúa. Chỉ những người tìm kiếm và thực hiện thánh ý Thiên Chúa mới có thể đón nhận mọi trái ý với niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần.

Người Do Thái: Họ là những người ghen tức khi các môn đệ thành công trong việc rao giảng và được nhiều người quý mến; họ phản đối, nhục mạ, xách động người khác, xúi giục, ngược đãi và trục xuất các môn đệ. Nói tóm lại, họ sống trong sự bất an vì ghen tỵ. Đây cũng thường là thái độ của chúng ta khi thấy người khác, nhất là những người chúng ta không thích, thành công hơn mình. Tuy nhiên, chúng ta cần tránh thái độ này, vì nó đánh mất niềm vui và sự bình an của chúng ta. Thật vậy, người sống trong sự ghen tỵ và ghen ghét luôn bất an và không có niềm vui. Tại sao bạn tự làm khổ chính mình khi sống với thái độ đó!

Dân ngoại: “dân ngoại vui mừng tôn vinh Lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo” (Cv 13:48). Khi biết được Thiên Chúa đoái thương sai các môn đệ đến với họ, dân ngoại vui mừng. Họ vui mừng không chỉ vì các môn đệ. Họ vui mừng vì họ được Thiên Chúa “định cho hưởng sự sống đời đời.” Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về một thực tế trong cuộc sống, đó là nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở niềm vui vì những người mang Tin Mừng đến cho chúng ta [các linh mục, tu sĩ, v.v. đến phục vụ giáo xứ]. Khi họ ra đi, chúng ta cũng mất niềm vui phục vụ. Chúng ta cần phải vượt qua thái độ này, để tìm thấy niềm vui trong Tin Mừng, trong Thiên Chúa để chúng ta luôn tôn vinh Chúa trong bất kỳ mọi hoàn cảnh.

Ngày hôm qua, chúng ta nghe Tôma hỏi Chúa Giêsu về đường đi và hôm nay Philíphê hỏi Chúa Giêsu về Chúa Cha. Để đến được đích mình muốn đến, chúng ta cần biết đường mình đi có phải là đường đúng không. Nhiều khi chúng ta quá chú ý đến đích và chúng ta không để ý đến đường và cuối cúng chúng ta bị lạc đường. Nếu đi đúng đường, chắc chắn chúng ta sẽ đến được đích. Đây là kinh nghiệm thường ngày khi chúng ta muốn đi đến một nơi nào đó. Tuy nhiên, trong câu khẳng định của Chúa Giêsu với Philíphê, Ngài cho ông và các môn đệ khác biết rằng Ngài là trung gian nhưng cũng là đích đến, vì “ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14: 9).

Mấu chốt của bài Tin Mừng hôm nay nằm ở câu đầu tiên: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người’” (Ga 14:7). Tuy nhiên, trong câu này, từ quan trọng nhất là từ “biết.” Từ này được lặp lại ba lần. Trong bài chia sẻ ngày hôm qua, chúng ta đã trình bày về ý nghĩa của chữ “biết,” “biết” theo nghĩa Kinh Thánh khi đạt đến mức hoàn hảo chính là “yêu.” Như vậy, chúng ta có thể viết lại câu trên như sau: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Nếu anh em yêu Thầy, anh em cũng yêu Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em yêu Người và đã thấy Người’.” Như chúng ta biết, tình yêu sẽ làm cho người yêu và người được yêu trở nên một. Chính trong bối cảnh này, chúng ta mới hiểu được điều Chúa Giêsu trả lời cho Philíphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha.”

Trong phần hỏi-đáp của Chúa Giêsu và Philíphê, chúng ta nhận ra cấu trúc như sau: Philíphê xin (Ga 14:8) – Chúa Giêsu trả lời (Ga 14:9-11) – Chúa Giêsu hứa (Ga 14:12-14). Chúng ta cùng nhau phân tích từng phần để rút ra những điều đáng để chúng ta suy gẫm trong ngày hôm nay.

Điều Philíphê xin là điều đáng làm chúng ta suy gẫm cho cuộc đời của những người lam lũ ngày đêm để tìm kiếm những của cải vật chất và danh vọng hầu thoả mãn nhu cầu của mình. Điều Philíphê xin đơn giản là: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14:8). Điều ông và các môn đệ khác mong ước chỉ là “thấy Chúa Cha.” Dầu ông chưa biết và chưa hiểu được về mầu nhiệm hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, nhưng trong tận đáy thẳm tâm hồn, điều ông hằng mong ước đó là được nhìn thấy Thiên Chúa [Chúa Cha], Đấng mà Chúa Giêsu yêu mến và luôn dành thời gian để đối thoại. Đây có phải là điều chúng ta hằng mong ước không? Nói cách cụ thể hơn, mỗi khi đến với Chúa, chúng ta xin Ngài điều gì? Hay điều gì làm chúng ta mãn nguyện trong cuộc sống dương thế này? Cuộc đời con người ở dương thế là một hành trình tìm kiếm và chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa. Và hành trình này chỉ đạt được khi chúng ta “biết” Chúa Giêsu, vì chỉ nơi Ngài chúng ta mới nhìn thấy dung nhan “hữu hình” của Thiên Chúa.

Như chúng ta thấy trong câu 7, Chúa Giêsu khẳng định rằng: ai “biết” Ngài thì cũng “biết” và “thấy” Chúa Cha. Ở đây, “biết” hay đúng hơn là “yêu” liên kết chặt chẽ với “thấy.” Nói cách khác, khi chúng ta nói là chúng ta “biết” hay “yêu” một người, thì chắc chắn chúng ta đã “thấy” người đó. Đây chính là mấu chốt để chúng ta hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philíphê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.” Trong phần trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có hai phần riêng biệt, đó là Chúa Giêsu khẳng định Ngài và Chúa Cha là một (Ga 14:9-10a) và hệ quả là những lời Ngài nói và những việc Ngài làm là từ Chúa Cha (Ga 14:10b-11). Như vậy, Ngài chính là “mạc khải” của Chúa Cha qua lời nói và việc làm của Ngài. Đây là điều chúng ta cần suy gẫm: qua lời nói và việc làm của chúng ta, chúng ta có tỏ lộ cho người khác biết về Thiên Chúa không? Trong triết học, có nguyên lý sau: “Hành động đi theo hữu thể” [hay “hữu thể nào, hành động đó]. Chính hành động “mạc khải” hữu thể: nếu là một linh mục thì hành động của họ phải tương xứng với “hữu thể” của họ, nếu là một tu sĩ thì hành động của họ phải tương hợp với ơn gọi của họ, và nếu là một người Kitô hữu thì hành động phải tỏ ra mình là một người tin vào Chúa Giêsu. Hành động của chúng ta đã tỏ ra cho người khác biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu chưa?

Trong phần thứ hai câu trả lời của Chúa Giêsu cho Philíphê, Ngài bắt đầu đưa các môn đệ đến những lời hứa của Ngài. Ngài hứa với họ là họ “sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc thầy làm…” (Ga 14:12). Lời hứa này hàm chứa việc các môn đệ có khả năng làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu. Điều này chúng ta thấy trong bài đọc 1, trích từ sách Công Vụ các Tông Đồ, mà chúng ta đã, đang và tiếp tục nghe. Các môn đệ làm được những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm. Điều này cũng được lặp lại ngày hôm nay nơi các thánh mà chúng ta biết hoặc đọc về các ngài. Tuy nhiên, có một “phép lạ” mà ai trong chúng ta cũng làm được nhưng nhiều người trong chúng ta không để ý đến, đó là “yêu thương và tha thứ.” Đây chính là phép lạ cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã thực hiện để biến chúng ta từ “tội nhân” thành “con cái Thiên Chúa.” Hãy sống và làm “phép lạ” này mỗi giây phút trong ngày của chúng ta.

Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu hứa làm tất cả những gì mà các môn đệ xin Chúa Cha nhân danh Ngài: “Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14:13-14). Câu nói này được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau trong các Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mt 7:7//Lc 9:9; Mt 7:8//Lc 9:10; Mt 18:19; Mt 21:22). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, các hình thức khác nhau của lời hứa này được tìm thấy trong các câu 14:13-14; 15:16 và 16:23-24,26. Trong những hình thức này, chúng ta thấy đôi khi Chúa Giêsu là người thực hiện lời cầu xin cho chúng ta, đôi khi Chúa Cha. Chi tiết chúng ta cần lưu ý ở đây là việc Chúa Cha sẽ được tôn vinh khi chúng ta xin bất cứ điều gì nhân danh Chúa Giêsu và Ngài sẽ thực hiện điều đó. Nói cách khác, Chúa Cha được tôn vinh khi chúng ta xin và Chúa Giêsu làm cho chúng ta điều chúng ta xin nhân danh Ngài. Điều chúng ta xin nhân danh Ngài ở đây là gì? Trong bối cảnh của chương 14 và những chương kế tiếp [15-17], điều Chúa Giêsu muốn chúng ta xin đó là sự hiệp nhất trong Thánh Thần, để tất cả những gì chúng ta nói và làm sẽ làm chứng cho sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con. Cụ thể hơn, hãy xin Chúa biến chúng ta thành khí cụ của sự hiệp nhất qua lời nói và việc làm chứ không phải là nguyên nhân chia rẽ.