Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày- Tuần III Phục Sinh

345

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN III PHỤC SINH

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN III PHỤC SINH

CHỈ CÓ MỘT VIỆC CẦN LÀM: TIN VÀO ĐỨC GIÊSU KITÔ

(Cv 6:8-15; Ga 6:22-29)

Trong những ngày vừa qua, bài đọc 1 trình thuật cho chúng ta câu chuyện về Thánh Phêrô. Hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện của Thánh Stêphanô. Như chúng ta biết, sách Công Vụ Các Tông Đồ kể lại cho chúng ta nghe về sứ vụ của các tông đồ và cộng đoàn tiên khởi. Một điều chúng ta nhận ra trong sách này là các Tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu phản chiếu cách trung thực đời sống của Chúa Giêsu qua cuộc sống của mình. Nói cách khác, họ lặp lại cuộc sống của Chúa Giêsu trong từng lời ăn tiếng nói và trong từng hành động của mình. Đó là điều chúng ta được mời gọi để suy gẫm.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta việc Thánh Stêphanô bị nhận bản án giống với bản án của Chúa Giêsu, đó là “chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa” (Cv 6:11). Thật vậy, đây chính là cáo trạng mà người Do Thái dùng để đóng đinh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đứng trước những nhân chứng giả và những lời cáo buộc của người Do Thái, Thánh Stêphanô vẫn phản chiếu vẻ đẹp của thiên sứ trên thiên đàng: “Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Stêphanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ” (Cv 6:15). Khi bị cáo buộc với những điều không phải, chúng ta phản ứng thế nào? Khuôn mặt của chúng ta có phản chiếu nét dịu hiền của Đức Giêsu Kitô, như các thiên sứ không? Khi gặp sự chống đối, chúng ta cần giữ thái độ bình thản và hiều dịu. Nếu không, chúng ta sẽ không phản chiếu cách trung thực hình ảnh của một tình yêu hiền lành và vô điều kiện của Thiên Chúa cho mọi người. Ai để cho tính nóng giận chiến thắng mình là người đã bại trận trước khi ra trận!

Trong những ngày vừa qua, chúng ta đang nghe Tin Mừng từ chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan. Đây là chương nói về việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều và cuộc “tranh luận” về Bánh Hằng Sống. Nhiều tác giả Kinh Thánh cho rằng, chương này trình thuật cho chúng ta về việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong tin Mừng Thánh Gioan [chúng ta không tìm thấy trình thuật về việc Chúa Giêsu thành lập Bí Tích Thánh Thể như trong Tin Mừng Nhất Lãm].

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, điều đầu tiên gợi lên cho chúng ta là câu hỏi: Tại sao chúng ta tìm đến Chúa Giêsu? Chúng ta tìm thấy câu trả lời đúng nhất từ những lời Chúa Giêsu nói với người Do Thái. Một cách cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với những người Do Thái sau khi được ăn bánh no nê và chứng kiến dấu lạ Ngài làm. Chúa Giêsu chỉ ra cho họ lý do họ tìm đến Ngài và điều Ngài mong ước khi họ đến với Ngài là gì. Đây cũng là điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy niệm hôm nay. Chúng ta chia bài Tin Mừng hôm nay thành 2 phần: Bối cảnh của đối thoại (Ga 6:22-24); nội dung cuộc đối thoại (Ga 6:25-27).

Bối cảnh (Ga 6:22-24): Sau khi Đức Giêsu cho năm ngàn người ăn no nê, các môn đệ thấy Người đi trên mặt Biển Hồ. Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Người.” Sau dấu lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng trở về nhà, và ngày hôm sau họ trở lại để tìm Chúa Giêsu, tìm người đã cho họ ăn no nê. Thoáng nhìn, chúng ta thấy động lực của họ thật tốt: họ muốn “tìm Người.” Tuy nhiên, đây chỉ là động lực bên ngoài mà chúng ta có thể quan sát được, còn động lực bên trong chúng ta không thể thấy. Chúng ta phải nhờ đến cuộc đối thoại với Chúa Giêsu; và Ngài chỉ ra cho chúng ta động lực đích thật họ tìm Ngài không phải vì Ngài mà vì một điều khác, đó là “được ăn bánh miễn phí.” Điều này có ý nghĩa gì với cuộc sống chúng ta? Trong cuộc sống, thường chúng ta chỉ biết được động lực của một người qua việc quan sát những hành động bên ngoài. Chúng ta không thể biết được ý hướng bên trong của người đó. Vì vậy, chúng ta cần phải cẩn thận trong nhận định của mình. Chỉ có với con tim và ánh mắt của Chúa Giêsu chúng ta mới có thể có những nhận định đúng đắn về anh chị em của mình. Đừng xét đoán khi chúng ta không biết những gì người anh chị em của mình đang trải qua.

Đối thoại (Ga 6:25-29): Cuộc đối thoại xảy ra như sau:

[Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ]

Người Do Thái: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Chúa Giêsu:        “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”

Người Do Thái: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”

Chúa Giêsu:  “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

Trong cuộc đối thoại này, chúng ta nhận ra hai điểm sau đây:

Thứ nhất, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của người Do Thái, “thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Thay vì trả lời Chúa Giêsu như “khiển trách” họ và đưa họ vào trong thế giới nội tâm, nhìn lại động lực của mình. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu cho thấy rằng việc hoá bánh ra nhiều cho họ ăn là “dấu chỉ,” tức là ám chỉ một thực tại khác, trong khi họ chỉ dừng lại ở thực tại bên ngoài, đó là “họ đã ăn no nê.” Chúa Giêsu tiếp tục phân tích cho họ rằng lương thực họ ăn chính là lương thực mau hư nát, nó chỉ là “dấu chỉ” một của ăn đem lại phúc trường sinh mà chính Ngài trao ban, đó chính là Máu Thịt Ngài. Qua chi tiết này, chúng ta được nhắc nhở rằng: Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng không thể đi vượt qua những gì xuất hiện bên ngoài để đọc được sứ điệp bên trong của sự kiện. Mỗi một sự kiện vui hoặc buồn xảy ra trong cuộc đời của chúng ta đều chứa đựng một sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Chỉ những người không dừng lại ở sự kiện mới có thể đọc được sứ điệp đó.

Thứ hai, có sự khác biệt giữa suy nghĩ của Chúa Giêsu và người Do Thái. Khi Chúa Giêsu nói họ phải “làm việc” cho lương thực trường tồn họ liền nghĩ ngay đến “những việc Thiên Chúa muốn.” Họ nghĩ đến việc theo số nhiều. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho họ biết rằng, chỉ có một việc quan trọng mà Thiên Chúa muốn họ làm, đó là tin vào Ngài. Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với thực tại của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thường tự hào mình làm được nhiều việc. Chúng ta bận rộn với “những công việc” của chúng ta đến nỗi chúng ta không còn giờ để dành cho Chúa và cho người thân của mình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt lại giá trị của cuộc sống. Chúng ta làm nhiều việc là tốt. Nhưng những việc chúng ta làm phải mang lại cho chúng ta cuộc sống trường sinh. Đừng chỉ dừng lại ở cuộc sống trần thế vì quê hương thật của chúng ta ở trên trời.

*********************

THỨ BA TUẦN III PHỤC SINH – Thánh Máccô, Tác Giả Sách Tin Mừng

TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA GIÊSU

(1 Pr 5:5b-14; Mc 16:15-20)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Máccô, tác giả sách Tin Mừng. Thánh Máccô là người trở lại đạo bởi Thánh Phêrô. Sau đó, thánh nhân đi theo Thánh Phêrô đến Rôma và làm việc như “thư ký riêng” hoặc “thông dịch viên” của Thánh Phêrô. Khi thánh Phêrô viết thư thứ nhất của mình cho những giáo hội ở Asia, thánh nhân đã một cách đầy yêu thương kết hợp lời chúc của mình với lời chúc của “người con Máccô của tôi.” Các tín hữu Rôma đã nài xin Máccô viết lại cho họ toàn bộ những phần quan trọng trong những bài giảng của Thánh Phêrô về cuộc đời Chúa Giêsu. Theo truyền thống cổ xưa, Thánh Máccô được sai đến Ai Cập để thiết lập giáo hội tại Alexandria. Ở đây, các môn đệ của thánh sử đã trở nên những mẫu gương về đời sống đạo đức và cầu nguyện. Thánh sử cũng thiết lập một trường học đầu tiên ở Alexandria, là nơi đào tạo ra nhiều tiến sĩ của Giáo Hội và nhiều giám mục. Sau khi chăm sóc địa hạt của mình nhiều năm, một ngày kia thánh Máccô bị bắt bởi những người cầm quyền ngoại giáo. Họ đã trói thánh sử vào một phiến đá và ném vào ngục. Ngày hôm sau, thánh sử tiếp tục bị đánh đòn và ngược đãi. Trong đau khổ, thánh sử đã được an ủi bởi một thị kiến về thiên thần và giọng nói của Chúa Giêsu, và thánh sử đã trút hơi thở cuối cùng để đón nhận triều thiên vinh quang. Thánh sử đặc biệt được tôn kính ở thành phố Venice, nơi thi hài của ngài được lưu giữ.

Trong bài đọc 1, chúng ta thấy Thánh Phêrô trong lời chào đã gọi Máccô là “con tôi”: “Hội Thánh ở Babylon, cũng được chọn như anh em, và Máccô, con tôi, gửi lời chào anh em. Anh em hãy hôn chào nhau trong tình yêu thương. Chúc tất cả anh em, những người đang sống trong Đức Kitô, được bình an” (1 Pr 5:13-14). Điều này cho thấy, thánh Máccô có một mối tương quan rất mật thiết với thánh Phêrô. Tuy nhiên, điều để chúng ta suy gẫm là những lời khuyến dụ của thánh Phêrô cho các Kitô hữu. Trong lời khuyến dụ của mình, thánh Phêrô chỉ ra những điều sau đây là quan trọng cho đời sống người Kitô hữu: (1) đức khiêm nhường [“Anh em thân mến, anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (c. 5b-6]; (2) hoàn toàn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa [“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (c. 7)]; (3) sống tiết độ [“Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (c. 8)]; (4) đứng vững trong đức tin [“Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế (c. 9)]. Nhìn bốn điều quan trọng cho đời sống người Kitô hữu, chúng ta có được điều nào không? Nếu chưa, chúng ta hãy bắt đầu từ bây giờ để trở nên những người “viết lại” cuộc đời của Chúa Giêsu trên cuộc đời của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay được xem là phần kết dài được thêm vào Tin Mừng Thánh Máccô sau này vì nó khác với phần con lại về ngôn ngữ và lối viết. Nội dung chính của bài Tin Mừng là việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Chúng ta có thể rút ra những ý sau để suy gẫm cho ngày sống của mình.

Thứ nhất, những ai tin vào lời rao giảng của các môn đệ sẽ được cứu độ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16:15-16). Trong lệnh truyền này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài trở nên những người loan báo Tin Mừng. Là những người loan báo Tin Mừng, người môn đệ trước tiên phải là người tin và có tấm lòng quảng đại cũng như sẵn sàng đi đến bất kỳ nơi đâu, sống trong bất cứ môi trường nào vẫn giữ cho mình niềm vui của người mang Tin Mừng. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho mình bị điều kiện hoá bởi nơi chốn và những người cùng sống với chúng ta, để rồi chúng ta đánh mất niềm vui Tin Mừng và trở thành những người “sống trong mùa chay muôn thuở” – là những người luôn phàn nàn, nói xấu và đổ lỗi cho người khác, nhất là không bao giờ trao cho người khác một nụ cười của tình thương mến. Đừng để bất cứ điều gì cướp mất niềm vui Tin Mừng!

Thứ hai, Chúa Giêsu chỉ ra những dấu lạ được ban cho những người tin: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16:17-18). Những người môn đệ Chúa Giêsu sẽ làm được những việc cao trọng với điều kiện họ phải làm tất cả nhân danh Ngài. Điều này ngụ ý rằng: không có Chúa Giêsu, người môn đệ sẽ không làm được gì. Những thành quả tốt đẹp người môn đệ thu lượm được đến từ Chúa Giêsu. Vì vậy, người môn đệ phải ý thức rằng: khi không kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu, thì những gì làm ra không phải đến từ Chúa Giêsu.

Cuối cùng, các môn đệ tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu khi Ngài được đưa lên trời. Nhưng dù được đưa lên trời, Chúa Giêsu cũng vẫn tiếp tục hiện diện với họ trong công việc rao giảng Tin Mừng: “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16:19-20). Những lời này mang lại cho chúng ta sự ấm áp khi biết rằng Chúa Giêsu luôn ở bên chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Chính Chúa Giêsu là Người thực hiện những dấu lạ để củng cố những gì chúng ta giảng dạy. Ở đây chúng ta thấy mình được mời gọi “làm việc chung” với Chúa Giêsu và để Ngài thực hiện những kỳ công trên cuộc đời chúng ta hầu mang Tin Mừng đến cho mọi loài thọ tạo. Chúng ta có để Chúa Giêsu hoạt động với và trong chúng ta không?

**********************

THỨ TƯ TUẦN III PHỤC SINH

SỐNG ĐỜI SỐNG YÊU THƯƠNG, KHÔNG LOẠI TRỪ

(Cv 8:1b-8; Ga 6:35-40)

Có một định luật trong đời rằng: mục đích của khó khăn là để chứng tỏ sức mạnh. Có thể chúng ta đã chứng kiến một mầm cây mọc lên; nếu chúng ta lấy một cái gì đè lên nó, nó sẽ tìm cách len lỏi và vươn lên. Một con vật cũng thế, khi nó muốn một cái gì, nó không bao giờ bỏ cuộc, dù có khó khăn như thế nào. Nó chỉ bỏ cuộc khi sự vật đó không còn hiện hữu. Định luật này cũng xảy ra trong đời sống con người. Khó khăn xảy ra không phải để làm chúng ta nản chí và bỏ cuộc. Mục đích của khó khăn là tôi luyện chúng ta về đức kiên nhẫn và hy vọng, làm cho chúng ta sáng tạo hơn và thử thách sự trung thành của chúng ta. Một người bỏ cuộc khi gặp khó khăn thì người đó chứng tỏ mình chỉ sống theo nguyên tắc: “thuận theo chiều gió” [gió thổi chiều nào, tôi theo chiều đó].

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về hoàn cảnh của Hội Thánh Tiên Khởi ở Giêrusalem bị bắt bớ. Việc bắt bớ này đã không làm các Tông Đồ bỏ cuộc, nhưng trở nên sáng tạo hơn trong việc rao giảng của mình. Các Ngài không còn nhóm họp một chỗ như trước, nhưng tản mác về các vùng quê (x. Cv 8:1b). Chính điều này, các Tông Đồ mới dần hiểu được mệnh lệnh của Chúa Giêsu: hãy đi khắp nơi mà rao giảng cho muôn người. Nhìn tứ khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng: Thiên Chúa có thể dùng hoặc cho phép những khó khăn xảy ra để kế hoạch của Ngài cho chúng ta được thực hiện.

Hình ảnh của Saolô mà chúng ta nghe trong câu cuối cùng của bài đọc 1 hôm qua càng ngày càng trở nên đáng sợ hơn cho các tin hữu: “Còn ông Saolô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8:3). Vì sự phá hoại Hội Thánh của Phaolô làm cho các Tông Đồ “phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8:4). Điều này lặp lại tư tưởng chúng ta vừa đề cập ở trên: Thiên Chúa có thể mang lại những điều tốt lành từ những “sự dữ” mà con người tạo ra. Chi tiết này giúp chúng ta vững tin và có cái nhìn lạc quan trước những khó khăn và đau khổ người khác tạo ra cho mình: Đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (Mt 19:26).

Trong số các Tông Đồ, Thánh Philiphê, được kể đến, là người đầu tiên thực hành sứ vụ rao giảng ở một thành miền Samaria. Thánh nhân không chỉ rao giảng Đức Kitô bằng lời, nhưng còn bằng những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ thánh nhân thực hiện là những điều Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc đời sứ vụ của Ngài, đó là trừ quỷ và chữa bệnh: “Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành” (Cv 7:7). Chính đời sống chứng tá và rao giảng bằng lời và hành động này làm cho “trong thành, người ta rất vui mừng” (Cv 7:8). Về phần chúng ta, những lời nói và hành động trong ngày sống của chúng ta có mang lại niềm vui cho người khác không?

Câu mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay lặp lại câu kết của bài Tin Mừng hôm qua để nói lên việc Chúa Giêsu chính “là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6:35). Nhưng người Do Thái không tin dù đã thấy dấu lạ Ngài thực hiện. Không chỉ thấy dấu lạ, họ con nhìn thấy Đấng làm dấu lạ mà vẫn không tin. Điều này đôi khi cũng xảy ra trong ngày sống của chúng ta. Chúng ta đã chứng kiến nhiều dấu lạ Chúa thực hiện, nhưng chúng ta không chỉ không tin vào dấu lạ mà còn không tin vào Đấng thực hiện dấu lạ đó.

Điều đầu tiên chúng ta cần suy gẫm là tâm tình đầy yêu thương của Chúa dành cho mỗi người trong chúng ta, những con người yếu đuối tội lỗi, khi đến với Ngài: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6:37-38). Những lời đáng để chúng ta suy gẫm là: “ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài.” Chúng ta phải thú nhận rằng, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã không đón tiếp anh chị em của mình khi họ đến với chúng ta. Chúng ta loại trừ họ ra khỏi con tim và cuộc sống của mình khi họ làm chúng ta tổn thương hoặc khi họ không thuộc về “những người chúng ta tuyển chọn.” Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta. Ngài không loại trừ một ai. Ngài đón tiếp từ người giàu đến người nghèo, từ người có học thức đến người thất học, từ người có địa vị cho đến người không có tiếng nói trong xã hội, từ người cùng quê hương của mình đến những người ngoại tộc. Ngài đón tiếp hết mọi người, quan tâm đến nhu cầu của họ và làm những gì tốt nhất cho họ. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại con tim và cách đối xử của mình với người khác: hãy đón tiếp mọi người như Chúa Giêsu hằng đón tiếp chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm tội và trở về với Ngài.

Sống trong xã hội bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thường đề cao ý riêng của mình. Chúng ta thường cảm thấy mất tự do khi phải làm theo mệnh lệnh [ý] của người khác; nếu có làm theo, chúng ta thường cảm thấy khó chịu và nặng nề. Một trong những điều trái ngược là ai trong chúng cũng muốn đi tìm thánh ý Thiên Chúa để thực hiện. Nhưng khi thánh ý Thiên Chúa được tỏ hiện và dường như “ngược” với điều chúng ta muốn, chúng ta trở nên chống đối và mất niềm tin. Chúng ta tìm đủ mọi cách để biện minh và giải thích theo ý mình về thánh ý Chúa.

Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta ý của Chúa Cha là gì: “Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:39-40). Từ những lời này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết thánh ý của Chúa Cha là chúng ta “không bị vuột mất khỏi vòng tay yêu thương của Chúa Giêsu.” Chúa Cha muốn tất cả chúng ta được cứu độ, được sống lại trong ngày sau hết. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng giải thích thêm: để đạt được sự sống đời đời hay không phải hư mất đi, chúng ta phải tin vào Ngài sau khi đã “thấy” Ngài. Như vậy, vấn đề quan trọng ở đây không phải là nhìn thấy dấu lạ mà “nhìn thấy Đấng làm dấu lạ” và tin vào Ngài.

********************

THỨ NĂM TUẦN III PHỤC SINH

SỐNG DƯỚI SỰ LÔI KÉO CỦA CHÚA CHA VÀ SỰ THÚC ĐẨY CỦA THẦN KHÍ

(Cv 8:26-40; Ga 6:44-51)

Câu chuyện của Thánh Philíphê mà chúng ta nghe hôm qua được tiếp tục và phát triển sang một giai đoạn mới. Nói cách khác, trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy rõ sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các Tông Đồ vượt sang một giai đoạn mới, một “châu lục mới” qua hình ảnh rửa tội của viên thái giám người Êthiôpia. Hơn nữa chúng ta còn nhận ra trong bài đọc 1 hôm nay “cấu trúc đầu tiên của chương trình giáo lý tân tòng.” Cấu trúc này được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và có hai giai đoạn căn bản sau: (1) đồng hành và giải thích Tin Mừng [hướng dẫn để hiểu về đức tin] (Cv 8:26-35), (2) phép rửa (Cv 8:36-38). Một trong những điều kiện cần thiết để chịu Phép Rửa đó là: “Ông Philípphê đáp: ‘Nếu ngài tin hết lòng, thì được.’ Viên thái giám thưa: ‘Tôi tin Đức Giê-su Kitô là Con Thiên Chúa’” (Cv 8:37). Yếu tố đức tin là điều nối kết hai bài lời Chúa ngày hôm nay. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng đức tin là yếu tố cần thiết để có sự sống đời đời. Điều này giúp chúng ta rút ra được bài học từ hai bài đọc: hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội là mang lại cho chúng ta sự sống mới trong Đức Kitô, sự sống đời đời.

Một điều chúng ta cần lưu ý trong bài đọc 1 là vai trò của Chúa Thánh Thần [Thần Khí]: “Thần Khí nói với ông Philíphê [những việc cần phải làm]” (Cv 8:26,29), “Thần Khí đem ông Philíphê đi mất” (Cv 8:39). Một cách cụ thể, trong sứ vụ rao giảng, Giáo Hội tuyên xưng rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng dùng miệng các vị thánh ngôn sứ và tông đồ xưa để phán dạy. Ngày hôm nay, Ngài cũng muốn dùng môi miệng chúng ta để công bố Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. Liệu chúng ta có cho phép Ngài nói qua chúng ta không? Vai trò thứ hai của Thần Khi là đem những người được sai đi đến những nơi Ngài muốn. Đời sống trong Thần Khí là một đời sống hoàn toàn tự do: “tự do khỏi” những ước muốn của riêng mình để hoàn toàn “tự do cho” việc phục vụ Tin Mừng.

Để hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau phân tích cấu trúc và lối giải thích “bài giảng” của Chúa Giêsu: Đầu tiên, trong câu 44, chúng ta thấy Chúa Giêsu sử dụng nguyên tắc “nhân-quả” để nói đến lý do đằng sau việc chúng ta đến với Ngài: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy; và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Chúng ta đến với Chúa Giêsu là do Chúa Cha lôi kéo chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn là Đấng đi bước trước, Đấng bắt đầu mọi sự. Chúng ta là những người đáp trả. Điều này làm chúng ta phải ngạc nhiên, vì chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là những người “chủ động đến” với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: trước khi chúng ta đến với Chúa Giêsu thì Chúa Cha đã ban cho chúng ta ơn sủng, đặt vào trong chúng ta khát khao được gần Ngài. Hãy đáp trả, đừng do dự khi được Chúa Cha lôi kéo để đến với Chúa Giêsu.

Hai câu 45 và 46 nói đến Giáo Huấn của Chúa Giêsu dành cho tất cả những người đến với Ngài. Ngài dạy dỗ điều gì? Ngài dạy cho chúng ta về Chúa Cha, về những gì Ngài đã thấy: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.” Trong những lời này, chúng ta nhận ra được định luật trong cuộc sống mà chúng ta đã từng nghe, đó là “chúng ta không thể cho những gì chúng ta không có.” Nói cách cụ thể, chúng ta không diễn tả cách chân thật về một sự vật hay một người nếu chúng ta chưa nhìn thấy hoặc gặp gỡ cách cá vị. Chúa Giêsu chỉ giáo huấn chúng ta về những gì Ngài đã thấy, đó là tình yêu vô điều kiện và tuyệt đối Chúa Cha dành cho Ngài đến nỗi trao ban cho Ngài mọi sự, ngay cả sự sống của mình. Đó chính là tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho những ai đến với Ngài: Ngài ban tất cả, ngay cả sự sống của Ngài. Đây là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta thấy và cảm nghiệm cách sâu xa tình yêu trao bao trọn vẹn của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, nên chúng ta cũng phải công bố cho người khác tình yêu đó qua đời sống phục vụ của chúng ta.

Câu 47 trình bày cho chúng ta điều kiện để có sự sống đời đời: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.” Đây là đề tài nối kết hai bài đọc ngày hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý rằng: Tin không phải là một cái gì lý thuyết. Tin là một lối sống. Nói cách cụ thể hơn, khi tôi nói tôi tin Chúa, có nghĩa là “từ nay trở đi cuộc sống của tôi sẽ khác với những người không tin Chúa vì cuộc sống của tôi là một “bức hoạ” cuộc sống của Thiên Chúa tôi tôn thờ.” Tin Chúa mà không thay đổi và sống khác với những người không tin Chúa và không sống giống Chúa mỗi ngày thì vẫn chưa tin Chúa cách chân thật.

Cuối cùng, câu 48 đến câu 51 khẳng định Chúa Giêsu là ai và hiệu quả của việc “đón rước” Ngài vào trong cuộc đời của chúng ta: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Trong những câu này, chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng phân biệt cho chúng ta sự khác biệt giữa manna và bánh hằng sống là chính Ngài. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu phân biệt cho chúng ta hai loại sự sống và hai loại sự chết: sự sống và sự chết thể lý và sự sống và sự chết thiêng liêng. Ai trong chúng ta cũng phải trải qua cái chết thể lý. Sự sống đời đời mà Chúa Giêsu ám chỉ là sự sống thiêng liêng. Như vậy, khi đón nhân Chúa Giêsu như bánh hằng sống trong Bí Tích Thánh Thể, đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ không chết đời đời. Nếu Thánh Thể có vị trí quan trọng như thế trong đời sống thiêng liêng, chúng ta đã đặt đúng vị trí của Thánh Thể trong đời sống của chúng ta chưa? Chúng ta đã có những thái độ xứng hợp khi đến với Thánh Thể chưa?

*********************

THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH

SỐNG VỚI SỰ SỐNG CỦA CHÚA

(Cv 9:1-20; Ga 6:52-59)

Có bao giờ chúng ta chọn kẻ thù của chúng ta để làm người đại diện cho chúng ta không? Chắc chắn là không, nhất là trong lãnh vực kinh tế thị trường với nhiều cạnh tranh như ngày hôm nay. Chúng ta thường nghe nói rằng: “Chọn bạn mà chơi,” chứ không ai nghe “chọn kẻ thù mà biến thành bạn.” Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta thấy tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng con người biết bao. Ngài chọn người “bắt đạo” để biến thành khí cụ “truyền đạo.”

Chúng ta thường nghe trích đoạn sách Công Vụ Các Tông Đồ hôm nay trong lễ Thánh Phaolô trở lại. Có thể nói, đây là câu chuyện về ơn gọi của Thánh Phaolô, người tông đồ cho dân ngoại. Đọc kỹ, chúng ta nhận ra rằng ơn gọi của Thánh Phaolô cũng bắt đầu như ơn gọi của các Tông Đồ khác, đó là ơn gọi được xảy ra trong khi ngài làm nhiệm vụ của mình, dù nhiệm vụ của ngài hoàn toàn “bất lợi” cho dân Chúa. Chúng ta có thể rút ra những yếu tố sau đây trong hành trình ơn gọi của Thánh Phaolô:

Thứ nhất, trước khi được gọi, thánh nhân có kế hoạch riêng cho cuộc sống của mình: “Bấy giờ, ông Saolô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9:1-2). Kế hoạch của ngài la “giết hết” các môn đệ Chúa. Chúng ta cũng thường có kế hoạch cho riêng mình. Điều đó không có gì sai. Nhưng câu hỏi chúng ta cần suy gẫm ở đây là liệu kế hoạch của chúng ta có tương hợp với kế hoạch của Chúa cho cuộc đời của chúng ta không?

Thứ hai, “được gọi tên” khi đang làm công việc thường ngày: “Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: ‘Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’” (Cv 9:3-4). Như chúng ta biết, “gọi tên” là thiết lập quan hệ hoặc muốn bắt đầu một cuộc đối thoại. Chắc chắn là người gọi đã biết người được gọi, còn người được gọi chưa chắc đã biết người gọi. Nên có nhiều ngỡ ngàng và ngạc nhiên từ phía người được gọi. Đây là yếu tố thứ ba trong các ơn gọi. Chúng ta thấy điều này xảy ra cho Saun. Sự ngỡ ngàng đã làm cho ngai thốt lên: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Và người gọi liền mạc khải chính mình: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ” (Cv 9:5). Và như vậy, cuộc đối thoại bắt đầu. Khi chúng ta nghe Chúa gọi tên chúng ta trong từng giây phút sống, chúng ta có đáp lại không? Để có khả năng đáp lại tiếng Chúa trong từng hoàn cảnh sống, chúng ta phải có thái độ “ngạc nhiên,” hay “ngỡ ngàng” trong những cái “quen thuộc” của cuộc sống thường ngày. Nhìn thấy cái mới trong cái cũ là chìa khoá khám phá ra hạnh phúc và sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thứ tư, sau khi đáp trả, người được gọi đi theo kế hoạch của Đấng gọi mình: “Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9:6). Không những thế, người được gọi còn phải làm những điều mà Người gọi muốn họ làm. Chúa tỏ ra điều này cho ông Khanania: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9:15-16). Khi đi theo Chúa Giêsu, chúng ta không còn làm chủ cuộc đời của mình, nhưng phó thác mọi sự vào tay Ngài để trở nên lợi khí mang danh Ngài đến cho người khác. Khi cố gắng làm theo kế hoạch của mình, chúng ta chỉ kết thúc ở việc tìm kiếm chính mình và lợi danh của mình. Chúng ta thấy Thánh Phaolô khi đã bỏ đi kế hoạch của mình ngài bắt đầu “rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9:20). Thánh nhân bắt đầu rao giảng Đấng mà trước kia Ngài không chấp nhận để cho Ngài bước vào trong cuộc đời. Thật vậy, khi không để Chúa bước vào trong cuộc đời của mình, chúng ta thường có những thái độ chống đối và loại trừ những người đi theo Ngài. Còn khi để Chúa bước vào cuộc đời của mình, chúng ta sẽ được biến đổi và cái nhìn của chúng ta về cuộc sống và những người chúng ta không thích trước đó cũng sẽ được thay đổi. Thật vậy, mọi sự sẽ trở nên đẹp hơn và mọi người sẽ trở nên dễ thương hơn khi chúng ta để cho Chúa bước vào trong cuộc đời của chúng ta.

Trong câu chuyện về ơn gọi của Thánh Phaolô hôm nay, chúng ta còn nghe một câu chuyện về “ơn gọi” khác xảy ra với ông Khanania. Điều làm chúng ta suy gẫm là thái độ của Khanania. Ông ta đổi cách xưng hô trong tương quan với Thánh Phaolô. Cụ thể là trước đó ông xem Thánh Phaolô là người làm “tất cả những điều ác” cho dân thánh Chúa tại Giêrusalem (x. Cv 9:13). Nói đúng hơn, ông xem Thánh Phaolô là kẻ thù. Nhưng sau khi Chúa nói với ông về kế hoạch của Ngài cho Thánh Phaolô, ông đã ra đi và thực hiện điều Chúa muốn và không còn xem Thánh Phaolô là “kẻ bắt bớ đạo Chúa” nhưng là “người anh em”: “Anh Saun, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần” (Cv 9:17). Khi để Chúa bước vào đời sống của chúng ta qua cầu nguyện và hy sinh, không những kẻ thù của chúng ta được biến đổi, nhưng chính chúng ta sẽ thay đổi từ thái độ hận thù đến thái độ yêu thương đối với kẻ thù của chúng ta.

Bài Tin mừng hôm nay kết thúc phần giảng dạy của Chúa Giêsu về bánh hằng sống. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã gây tranh cãi sôi nổi [chia rẽ] giữa những người Do Thái (x. Ga 6:52). Điều này ngụ ý sự khác biệt trong nhận thức về những lời Chúa Giêsu nói với họ, tức là có người hiểu và có người không hiểu, có người hiểu sâu và có người hiểu nông cạn. Họ không thể hiểu được việc Chúa Giêsu lấy thịt và máu mình cho họ ăn và uống. Họ vẫn không thể vượt qua “dấu lạ” để đến với thực tại, không thể vượt qua cái thể lý để đến với cái siêu hình [thiêng liêng]. Đứng trước khó khăn này của họ, Chúa Giêsu giải thích choi họ một cách rõ ràng hơn. Chúa Giêsu sử dụng “tính bắc cầu” trong lời giải thích của mình: nhưng ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ có sự sống trong Ngài như Ngài sống là nhờ Chúa Cha. Như vậy, sự sống ở trong chúng ta khi ăn thịt và uống máu Ngài chính là sự sống mà Ngài nhận từ Chúa Cha. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hơn bài Tin Mừng hôm nay, hầu rút ra những sứ điệp cần thiết cho ngày sống.

Chúa Giêsu trình bày giải thích của mình theo hai hướng: (1) hướng tiêu cực – “nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6:53); và (2) theo hướng tích cực – “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6:54-55). Điều này mang lại sự cân bằng trong lối giải thích. Nói cách bình dân là lời giải thích của Chúa Giêsu mang tính cách thưởng và phạt: không làm sẽ bị phán xét, làm sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đặt luận chứng của Ngài trên kinh nghiệm quen thuộc hằng ngày: khi chúng ta không ăn thức ăn thì cơ thể chúng ta sẽ bị suy dinh dưỡng và sẽ chết dần chết mòn. Còn khi chúng ta ăn uống đầy đủ, sự sống thể lý của chúng ta được bồi dưỡng. Chúng ta nuôi dưỡng sự sống thể lý bằng những của ăn ngon. Chúng ta có nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng với Mình và Máu thánh của Chúa Giêsu không?

Trong lời giải thích, Chúa Giêsu chỉ ra mối tương qua chặt chẽ giữa Ngài với người ăn thịt và uống máu Ngài. Ngài so sánh mối tương quan này với tương quan không thể tách rời giữa Ngài và Chúa Cha: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6:56-57). Như vậy, ai ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu sẽ có sự sống mà Ngài nhận được từ Chúa Cha. Nói cách khác là họ được thông hiệp hay chia sẻ trong sự sống thần linh của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu kết bài giảng của mình với lời khẳng định mà Ngài nói khi bắt đầu bài giảng: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:58). Câu này ngụ ý rằng sự sống thần linh đến từ trời. Chỉ khi chúng ta hướng lòng về trời chúng ta mới tìm thấy ở đó quê hương và sự sống đích thực của chúng ta đang mong chờ.

THỨ BẢY TUẦN III PHỤC SINH

BỎ THẦY THÌ CHÚNG CON BIẾT ĐẾN VỚI AI?

(Cv 9,31-42; Ga 6:51.60-69)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta sự bình an của Giáo Hội và Thánh Phêrô như vị mục tử đi “thăm mục vụ” các cộng đoàn dân Chúa. Một chi tiết chúng ta cần lưu ý ở đây là vài trò của Chúa Thánh Thần: “Hồi ấy, trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9:31). Trong câu này, chúng ta nhận ra bốn điều Hội Thánh tận hưởng, đó là bình an, được xây dựng vững chắc, sống trong niềm kính sợ Chúa, ngày một thêm đông. Tất cả những điều này xảy ra vì “nhờ Thánh Thần nâng đỡ.” Chúng ta cùng cầu xin cho Hội Thánh được tận hưởng những điều này và chúng ta cũng để cho cuộc đời của mình được nâng đỡ bởi Chúa Thánh Thần hầu có được sự bình an trong tâm hồn, trong gia đình [trong cộng đoàn] và được có lòng kính sợ Thiên Chúa.

Chi tiết thứ hai trong bài đọc 1 làm chúng ta lưu ý là việc Thánh Phêrô chữa lành cho một người què và làm cho một người chết sống lại. Khi đọc kỹ trình thuật, chúng ta nhận ra rằng những việc làm và lời nói của Thánh Phêrô lặp lại những gì Chúa Giêsu đã làm. Và tất cả hai sự kiện xảy ra mang lại một kết quả, đó là nhiều người trở lại hoặc tin vào Chúa. Nói cách cụ thể hơn, qua việc làm của Thánh Phêrô, những người “nguội lạnh” hay “bỏ bê” quay trở lại với Chúa, còn những người chưa biết Chúa thì đặt niềm tin vào Ngài. Đây cũng là lời mời gọi cho chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần, những lời nói và việc làm của chúng ta khiến cho những anh chị em kém lòng tin mất đi niềm tin nhỏ bé của họ; còn những người chưa nhận biết Chúa chê bai niềm tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi nói và làm những điều mang người khác đến với Chúa. Lời nói và việc làm của chúng ta phải diễn tả đức tin của chúng ta vào một Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, chậm giận nhưng giàu tình thương và lòng thành tín.

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta đến đoạn kết của cuộc tranh luận về bánh hằng sống. Điểm đầu tiên chúng ta cần lưu ý là bài trình thuật hôm nay nói đến phản ứng của “các môn đệ,” những người đã tin và đi theo Ngài chứ không còn nói đến phản ứng của đám đông. Chúng ta nhận ra hai nhóm “môn đệ” trong bài Tin Mừng hôm nay.

Nhóm thứ nhất gồm những người khi không hiểu hoặc thấy và nghe những lời “không hợp khẩu vị của mình” thì bỏ đi. Bài Tin Mừng trình thuật cho chúng ta, sau khi Chúa Giêsu công bố Ngài “là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:51), thì nhiều người phản ứng mãnh liệt: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6:60). Họ không thể chấp nhận được điều không hợp khẩu vị của họ. Họ không hiểu điều Chúa Giêsu đang nói là những điều thuộc “thượng giới,” thuộc về “Thần Khí,” chứ không phải những điều thuộc về “hạ giới,” thuộc về “xác thịt.” Điều này cũng nhiều lần xảy ra cho chúng ta. Khi chúng ta nghe người khác nói những lời không hợp khẩu vị của mình, chúng ta cũng có những phản ứng tiêu cực và đôi khi còn phản ứng cách giận dữ. Khi phản ứng như thế, chúng ta đã để cho mình bị chi phối bởi những lời theo gió bay, chứ không để mình được chi phối bởi sự thật phía sau những lời nói khó nghe đó. Người ta thường nói, nói sự thật đã khó, nhưng chấp nhận sự thật còn khó hơn, nhất là những sự thật đó đụng đến cái kiêu ngạo và tự phụ của mình.

Nhóm thứ hai gồm những người trung thành với Chúa Giêsu dù cuộc sống có thăng trầm thế nào. Nhóm này là Nhóm Mười Hai. Sau khi đã theo Chúa Giêsu một thời gian, chứng kiến những việc Ngài làm, họ đã có thể khẳng định được mục đích trong cuộc đời của họ. Họ sẵn sàng đối diện với câu hỏi của Chúa Giêsu: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6:67). Nhưng Thánh Phêrô, đại diện các tông đồ [và chúng ta] tuyên xưng rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6:68-69). Thật vậy, Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta mỗi ngày với câu hỏi: “Anh chị em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Có lẽ trên lý thuyết chúng ta khẳng định rất hăng say như Thánh Phêrô: chúng con không bao giờ bỏ đi. Chúng con sẽ ở lại với Thầy dù cuộc sống có thế nào. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều lần chúng ta đã bỏ Ngài khi chúng ta để cho mình bị níu kéo bởi những thói hư tật xấu. Giống như Thánh Phêrô, ông rất mạnh mẽ tuyên bố sẽ không bỏ Chúa Giêsu, nhưng khi gặp thử thách, thánh nhân đã chối Ngài và bỏ trốn.

Một điểm khác chúng ta cần suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là câu hỏi Chúa Giêsu nói với các các môn đệ đang xì xầm về việc Ngài khẳng định là bánh hằng sống: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Khi đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhiều người ngày hôm nay có thái độ chống đối vì họ không hiểu. Điều họ không hiểu, lẽ ra phải làm cho họ biết khiêm nhường để đến với Chúa để được giải thích. Ngược lại, nó lại làm cho họ kiêu ngạo và tỏ thái độ bất cần. Chúng ta cũng thế, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta muốn hiểu hết mọi sự và muốn cắt nghĩa mầu nhiệm Thiên Chúa theo những gì chúng ta cho là “hợp lý”. Khi có những lời khác với những gì chúng ta biết và hiểu, chúng ta tỏ thái độ loại trừ và khó chịu. Chúng ta phải nhớ rằng, có những chuyện bình thường trong cuộc sống mà chúng ta chưa hiểu hết, làm sao chúng ta có thể hiểu hết mầu nhiệm Thiên Chúa. Chỉ những người khiêm nhường vả cởi mở mới có thể hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa và như thế mới có khả năng thi hành thánh ý Ngài.