Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày: Tuần II Phục Sinh

156

SUY  NIỆM TUẦN II PHỤC SINH

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN II PHỤC SINH

ĐỜI SỐNG MỚI ĐƯỢC SINH RA TRONG THÁNH THẦN

(Cv 4:23-31; Ga 3:1-8)

Con người ngày hôm nay thường tìm niềm vui và trú ẩn trong những căn biệt thự đắt tiền hoặc trong những khu chung cư nổi tiếng. Chẳng mấy ai muốn ở trong những ngôi nhà không mấy đầy đủ tiện nghi. Khi mua nhà, ai cũng để ý đến những tiêu chuẩn: gần chợ, gần trường, gần chỗ làm việc. Không ai nghĩ đến tiêu chuẩn đầu tiên là gần nhà thờ. Lời Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay nhắc nhở chúng ta về một nơi mà sẽ làm chúng ta được hạnh phúc, đó là “hạnh phúc thay những ai ẩn náu bên Ngài [Thiên Chúa]” (Tv 2:12d). Liệu điều này có đúng với chúng ta không?

Bắt đầu từ tuần này, chúng ta sẽ nghe các bài đọc Lời Chúa để chuẩn bị đón mừng đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tìm thấy “lời kinh chung” đầu tiên của các Tông Đồ. Trong lời kinh này, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố sau: (1) tôn vinh Thiên Chúa bằng cách nhớ lại những công trình kỳ diệu Ngài đã làm (Cv 4: 24-26); (2) trình bày tình trạng đang xảy ra (Cv 4:27-28); (3) xin Chúa ra tay trợ giúp (Cv 4:29-30). Đây là mẫu cầu nguyện tuyệt hảo nhất mà chúng ta có thể sử dụng trong ngày sống. Khi đến với Chúa, thái độ đầu tiên cần phải có đó là tôn vinh và khẳng định lại Thiên Chúa là ai đối với mình, đồng thời nhớ lại những kỳ công Ngài thực hiện trên cuộc đời chúng ta. Bước này giúp chúng ta vững niềm tin vào Thiên Chúa vì chúng ta nhận ra Ngài là Chúa và Ngài đã thực hiện những kỳ công trong quá khứ thì Ngài cũng sẽ giúp chúng ta trong những cơn khốn cùng của hiện tại và tương lai vì Ngài là Thiên Chúa trung thành với lời hứa. Hai yếu tố kế tiếp của lời kinh giúp chúng ta sống “chân thành” hơn trong kinh nguyện của chúng ta. Nói cách cụ thể, khi cầu nguyện chúng ta cần nói cho Chúa nghe những gì đang xảy ra “cho chúng ta” [cho gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội hay xã hội]. Cầu nguyện là một cuộc đối thoại giữa “hai người yêu nhau.” Vì vậy, họ trải lòng cho nhau, không dấu điều gì để cảm thông và trợ giúp nhau bước trên con đường yêu thương. Chúng ta cũng cần có thái độ này khi chúng ta đến với Chúa. Hãy trải lòng ra với Chúa và Ngài sẽ trợ giúp chúng ta. Đừng đến với Ngài với thái độ và tâm hồn giả tạo!

Trong bài đọc 1, Chúa Thánh Thần được trình bày như là Đấng dùng miệng tổ phụ Đavít để tuyên sấm (x. Cv 4:25) và làm cho các Tông Đồ mạnh dạn nói Lời Thiên Chúa. Điều này được Giáo Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần … Người đã dùng miệng các tiên tri mà phán dạy.” Không những phán dạy qua các tiên tri, Chúa Thánh Thần còn ban cho họ sự can đảm để làm chứng cho Lời Thiên Chúa mà họ rao truyền, dù phải trả giá thật đắt là bị chống đối và giết chết. Điều này nhắc nhở cho chúng ta về vai trò của Chúa Thánh Thần trong ngày sống của mình. Nhiều khi chúng ta vẫn chưa dùng miệng lưỡi của mình để “mạnh dạn nói lời Thiên Chúa.” Ngược lại, chúng ta dùng miệng lưỡi của mình để mạnh dạn nói những lời không chân thật và làm tổn thương người khác. Hãy xin Chúa Thánh Thần “linh hứng” chúng ta mỗi khi chúng ta nói, để lời nói của chúng ta không gì khác hơn là Lời Thiên Chúa, lời mang lại niềm vui và an ủi cho anh chị em của chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu thuật lại cho chúng ta nghe cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô. Đây là cuộc gặp gỡ và đối thoại về việc đón nhận sự sống đời đời (Ga 3:1-15). Như chúng ta biết, Nicôđêmô là một bậc thầy người Do Thái có lòng bao dung nhưng không phải là một người tin (x. Ga 7:50-51; 19:39). Theo các học giả Kinh Thánh, mặc dù Nicôđêmô là một cái tên Hy Lạp, nhưng từ này là một từ mượn từ Aramaic và được gắn cho một gia đình quý tộc ở Giêrusalem. Nhiều nhà chú giải cho rằng cuộc gặp gỡ của Nicôđêmô với Chúa Giêsu là nhằm mục đích vẽ lại sự phát triển của hành trình đức tin. Nicôđêmô được phân biệt khỏi những người có đức tin giả tạo bị loại ra trong Ga 2:23 và ông ta là một bậc thầy trong Israel (x. Ga 4:10). Điều này cho thấy, thánh sử có ý định trình bày ông như một ‘người Do Thái thật” được phân biệt khỏi “người Do thái,” là những người cầm quyền muốn loại bỏ Chúa Giêsu cách công khai. Chúng ta có thể rút ra được điều gì từ bài Tin Mừng hôm nay?

Thứ nhất, thái độ khao khát để gặp và biết Chúa Giêsu của Nicôđêmô: “Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái. Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: ‘Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy’” (Ga 4:1-2). Chúng ta không biết động lực của Nicôđêmô khi đến với Chúa Giêsu là gì. Có lẽ là tò mò hay ái mộ, cũng có thể là đến để học hỏi. Để hiểu đoạn Tin Mừng này, chúng ta có thể làm một sự tương phản giữa Nicôđêmô và người phụ nữ Samaria (x. Ga 4:1-42): Nicôđêmô được gọi đích danh, trong khi đó người phụ nữ không có tên; Nicôđêmô là người có danh tiếng [một thủ lãnh của người Do Thái], còn người phụ nữ thì không có danh phận gì; Nicôđêmô đến gặp Chúa Giêsu ban đêm, còn người phụ nữ đến gặp Chúa Giêsu giữa ban ngày. Những chi tiết này chỉ ra cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đến gặp hết mọi người, không phân biệt họ là ai, làm gì. Chỉ cần họ khát khao gặp Ngài và Ngài sẽ đưa họ vào trong cuộc đối thoại và hành trình đức tin. Chúng ta thấy trong trường hợp của Nicôđêmô, ông ta chân nhận Chúa Giêsu là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Ông tuyên xưng như vậy vì ông nhận ra Thiên Chúa ở cùng với Chúa Giêsu qua những dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện. Điều này cho thấy Nicôđêmô đến với Chúa Giêsu với lòng thành muốn được biết những gì ‘xảy ra trong Thiên Chúa,’ hay đúng hơn những gì xảy ra trong Nước Thiên Chúa. Ước vọng này là khởi điểm cho cuộc đối thoại về việc sinh ra bởi ơn trên. Trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng có những ước vọng riêng mà muốn Thiên Chúa hoàn thành, hãy đem đến cho Thiên Chúa và Ngài sẽ thoả mãn ước vọng của chúng ta với tình yêu và sự quảng đại của Ngài.

Thứ hai, điều kiện để thấy Nước Thiên Chúa: “Đức Giêsu trả lời: ‘Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.’ Ông Nicôđêmô thưa: ‘Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?’ Đức Giêsu đáp: ‘Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí’” (Ga 4:3-5). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ cho Nicôđêmô thoả mãn ước vọng được biết những gì xảy ra trong Nước Trời, đó là phải sinh ra bởi ơn trên. Nhưng Nicôđêmô đã không hiểu những gì Chúa Giêsu nói và đã đặt vấn nạn với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn hướng dẫn ông trong hành trình đức tin. Chúng ta khác với Nicôđêmô, chúng ta đã được sinh ra bởi nước và thần khí và như thế chúng ta đã thấy Nước Thiên Chúa được hiện thực hoá nơi con người Chúa Giêsu. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là chúng ta có thấy Chúa Giêsu trong mọi biến cố cuộc đời mình không hay chúng ta vẫn lầm lũi đi trong bóng đêm vô vọng của những khát vọng trần thế của mình?

Cuối cùng là lời giải thích của Chúa Giêsu về việc sinh ra bởi Thần Khí: “Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 4:6-8). Chúng ta thấy ở đây hai loại sự sống, sự sống bởi xác thịt và sự sống bởi Thần Khí. Chỉ những người sinh ra bởi Thần Khí mới có khả năng ‘sáng tạo’ và ‘uyển chuyển.’ Nói cách khác, những người sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khi luôn sống đời sống được sinh ra từ trên trong bất kỳ nơi nào và hoàn cảnh sống nào. Chúng ta có thuộc nhóm những người này không?

****************************

THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH

TRONG CHÚA GIÊSU, CHÚNG TA CẢM NẾM ĐƯỢC THIÊN ĐÀNG

(Cv 4:32-37; Ga 3:7b-15)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về kiểu mẫu của một cộng đoàn [gia đình hay giáo xứ] lý tưởng và tuyệt hảo. Chúng ta có thể nói rằng, đây là hình ảnh của thiên đàng nơi chỉ có tình yêu ngự trị. Đâu là chìa khoá làm cho cộng đoàn hay gia đình hạnh phúc? Chúng ta tìm thấy những yếu tố cần thiết sau đây:

Thứ nhất, hiệp nhất giữa những khác biệt: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4:32). Bài đọc 1 cho chúng ta thấy rõ, các tín hữu thời đó rất đông, nhưng họ chỉ có một lòng một ý. Điều này xảy ra vì không ai nghĩ cho riêng mình mà chỉ nghĩ cho người khác; đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Khi mọi người sống chung với nhau chỉ có một mục đích để vươn tới, thì sẽ có hiệp nhất. Nhưng điều này không dễ dàng cho chúng ta ngày hôm nay khi chủ nghĩa cá nhân đang chiếm ưu thế và có ảnh hưởng lớn trên lối sống và việc làm của chúng ta. Chúng ta nghĩ về lợi ích của mình nhiều hơn là lợi ích chung. Vì vậy, chúng ta nhìn sự khác biệt của người khác như những “mối đe doạ” cho lợi ích cá nhân hơn là những điều để bổ sung cho những khuyết điểm của chúng ta. Để sống hạnh phúc, hãy biết đón nhận sự khác biệt của người khác như những món quà của Thiên Chúa để bổ sung cho những khiếm khuyết của chúng ta và đồng thời nghĩ về hạnh phúc của người khác hơn là của chính mình.

Thứ hai, làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng” (Cv 4:33). Chúa Thánh Thần là Đấng mang lại sự canh tân của vạn vật, mang lại sức sống mới. Yếu tố thứ hai liên quan đến việc để cho Chúa Thánh Thần uốn nắn chúng ta mỗi ngày để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh qua đời sống mới của chúng ta, đó là một đời sống chết đi cho tội lỗi để sống lại trong một đời sống yêu thương và tha thứ trong Đức Kitô.

Thứ ba, sống đời sống chia sẻ: “Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4:34-35). Một trong những điều làm cho đời sống chung hạnh phúc là khả năng trao ban và chia sẻ. Khi một người để cho anh chị em của mình túng thiếu trong khi mình sung túc giàu sang, chắc chắn con tim của người đó không có chút tình thương nào. Chỉ những người sống đời yêu thương mới có khả năng trao ban cho những người khác những gì mình có và mình là. Như vậy, khả năng trao ban [những gì mình có và những gì mình là chứ không phải những gì dư thừa] là thước đo tình yêu của một người dành cho anh chị em của mình. Tình yêu làm cho “người yêu” trao ban mọi sự cho “người được yêu.” Đây chính là tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi bắt chước mỗi ngày. Đừng để anh chị em của chúng ta thiếu thốn khi chúng ta no đủ.

Bài Tin Mừng hôm nay lặp lại [2 câu] và tiếp tục câu chuyện được bắt đầu hôm qua về cuộc gặp gỡ giữa Nicôđêmô và Chúa Giêsu. Cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay có thể được xem là lối viết ‘bánh mì kẹp’: Chúa Giêsu khẳng định về việc cần phải sinh ra bởi ơn trên – câu hỏi của Nicôđêmô về khả thể sinh ra bởi ơn trên – lời giải thích và khẳng định của Chúa Giêsu về việc sinh ra bởi ơn trên.

Trong miếng ‘bánh mì thứ nhất’ chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: ‘Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy’” (Ga 4:7b-8). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định mọi người phải được sinh ra bởi trên, bởi Thần Khí. Lời khẳng định này có sự ảnh hưởng của văn chương về thời cánh chung của Người Do Thái có liên quan đến việc tẩy rửa hay thánh hoá bởi Thần Khí của Thiên Chúa trong thời đại của Đấng Messia. Thánh Gioan đã sử dụng từ “gió” để nói về hoạt động cách bí nhiệm của Thần Khí. Đây là thuật ngữ giống với từ “Thần Khí” trong cả tiếng Do Thái (Ruah) và Hy Lạp (pneuma). Sự đồng hoá giữa Thần Khí và nước sẽ xuất hiện lại trong 7:38-39, đây là đoạn mang lại ý nghĩa trọn vẹn mang tính Kitô học về chân tính của Chúa Giêsu như là suối nguồn của Thần Khí/nước hằng sống. Chi tiết này gợi cho chúng ta điều chúng ta đã trình bày ở trên trong hình ảnh của các Tông Đồ, đó là muốn bước đi trong đời sống mới của Đức Kitô, chúng ta phải bước đi dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Việc sinh ra bởi ơn trên là một món quà nhưng không. Vì vậy, chúng ta cần mở lòng trước ân sủng Chúa, nhất là trở nên dễ dạy với Thần Khí Chúa.

Phần kẹp giữa là câu hỏi của Nicôđêmô: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?” (Ga 4:9). Câu hỏi này như ‘miếng thịt ở giữa’ để nối kết hai miếng bánh mì kẹp và làm cho chúng thêm mùi vị. Nhìnn từ khía cạnh khác, câu hỏi này nói về sự giới hạn của lý trí con người đứng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Một trong những nghệ thuật văn chương trong Tin Mừng Thánh Gioan là việc sử dụng cùng ngôn từ, nhưng được hiểu dưới những cấp độ khác nhau. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu muốn nói đến “việc sinh ra bởi ơn trên” như là sự tái sinh trong nước và Thần Khí, còn Nicôđêmô hiểu theo nghĩa thể lý, đó là chui vào trong bụng mẹ và sinh ra một lần nữa. Chi tiết này mời gọi chúng ta trở nên khiêm nhường khi đến với mầu nhiệm Thiên Chúa. Trí hiểu của chúng ta rất giới hạn. Chỉ những người khiêm nhường mới được Thiên Chúa mở trí và mặc khải cho cánh cửa để đi vào mầu nhiệm của Ngài.

Miếng ‘bánh mì thứ hai,” Chúa Giêsu khặng định về khả thể của việc sinh ra bởi ơn trên: “Đức Giêsu đáp: ‘Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời’” (Ga 4:10-15). Điểm đầu tiên chúng ta lưu ý là lời ‘khiển trách nhẹ’ của Chúa Giêsu với Nicôđêmô khi nói ông “không biết.” Từ này để tương phản với những gì Chúa Giêsu nói trong lời giải thích của Ngài. Sự tương phản này nói lên việc những thầy dạy và người lãnh đạo Do Thái không chấp nhận những lời chứng của người tín hữu về Chúa Giêsu, Đấng mang lại cho họ sự sống muôn đời.

********************************

THỨ TƯ TUẦN II PHỤC SINH

TÌNH YÊU VÔ BIÊN CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỨC KITÔ

(Cv 5:17-26; Ga 3,16-21)

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đã một lần hành động với sự ghen tức. Khi hành động như thế, chúng ta luôn muốn hãm hại hoặc mong ước những điều không tốt không lành xảy ra cho người chúng ta ghen tức. Đây chính là điều mà chúng ta thấy trong bài đọc 1 hôm nay: “Bấy giờ, vị thượng tế cùng tất cả những người theo ông – tức là phái Xađốc – ra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ, nhốt vào nhà tù công cộng” (Cv 5:17-18). Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn đứng về phía những người kính sợ Ngài hầu giải cứu họ khỏi tay những kẻ hãm hại họ: “Nhưng ban đêm thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói: ‘Các ông hãy đi, vào đứng trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống.’ Nghe thế, các ông vào Đền Thờ ngay từ lúc rạng đông và bắt đầu giảng dạy” (Cv 5:19-21). Những chi tiết này giúp chúng ta nhìn lại cuộc sống mình trong ánh sáng của sự phục sinh của Chúa Giêsu. Những người sống đời sống mới trong Chúa Giêsu là những người can đảm làm chứng cho tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa dẫu phải bị người khác ghen tức và hãm hại. Sự can đảm này đến từ sự kiện là Thiên Chúa sẽ luôn ở bên những kẻ kính sợ người để giải thoát chúng ta. Liệu chúng ta có đặt trọn niềm phó thác vào Ngài không?

Thánh Gioan trình bày cách rõ ràng cho chúng ta mục đích Chúa Cha sai Con Một đến trong thế gian trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh sử đã đưa vào trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô câu chuyện nói về việc Chúa Cha sai Con Một đến để mang sự sống cho thế gian. Chúng ta không thể không cảm thấy hạnh phúc và an ủi khi nghe những lời đầy yêu thương này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Động lực để Thiên Chúa sai Con Một của Ngài là vì yêu chúng ta. Tự bản chất, Thiên Chúa là tình yêu, nên tất cả những gì Ngài làm cũng đều phát xuất từ tình yêu. Những gì phát xuất từ tình yêu luôn mang lại niềm vui và sự sống. Tình yêu luôn vượt qua sự chết và đau khổ. Nhìn từ khía cạnh này chúng ta hiểu được phần nào ý nghĩa của những lời trên. Tuy nhiên, để được sự sống muôn đời, chúng ta cần phải tin vào Con Một Thiên Chúa, là ‘sự nhập thể của tình yêu Thiên Chúa’ cho con người có thể đụng chạm đến và cảm nghiệm cách cụ thể qua đời sống thường ngày.

Đề tài đức tin trở nên tâm điểm của bài Tin Mừng: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:17-18). Đức tin sẽ là tiêu chuẩn để phân biệt người bị lên án hoặc không bị lên án. Ở đây, chúng ta thấy một câu khẳng định mang tính Kitô học, đó là ơn cứu độ chỉ có được nơi Đức Kitô. Chính niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng yêu thế gian đến nỗi ban con một của mình là điều mang lại cho chúng ta sự an ủi và cũng là một thách đố cho chúng ta. An ủi vì chúng ta biết Thiên Chúa luôn yêu chúng ta và mọi sự Ngài làm cho chúng ta xuất phát từ tình yêu vô bờ bến của Ngài; thách đố vì chúng ta được mời gọi sống xứng đáng với tình yêu đó để không phải bị lên án. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng đức tin là một cái gì đó rất trừu tượng. Thật ra, đức tin là ‘sự gặp gỡ cá vị giữa tôi với Chúa.’ Chính trong cuộc gặp gỡ cá vị này mà chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, cũng như qua đó chúng ta diễn tả tình yêu của mình dành cho Ngài. Tóm lại, chính việc gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày sẽ giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng kết thúc với hình ảnh quen thuộc trong Tin Mừng, đó là sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối: “Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3:19-21). Như chúng ta biết, ánh sáng là một trong những biểu tượng quan trọng trong đêm vọng phục sinh và trong mùa phục sinh. Ánh sáng từ cây nến phục sinh, từ chính Chúa Giêsu phục sinh soi chiếu cho ta “biết bao điều cảm mến sướng vui.” Chính trong ánh sáng của Chúa Giêsu phục sinh mà chúng ta có thể phân biệt được bóng tối của sự chết, của con người cũ đang còn lại trong chúng ta. Thánh Gioan chỉ rõ cho chúng ta thấy ai là người sống trong ánh sáng phục sinh, đó là những người mà việc làm của họ không bị chê trách. Họ là những người luôn sống theo sự thật, nơi họ không có một dấu tích gì của Satan, cha của những kẻ gian dối. Là những người đang sống trong ánh sáng phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta hãy thực hiện tất cả mọi việc của mình trong Thiên Chúa, tức là trong tình yêu.

****************

THỨ NĂM TUẦN II PHỤC SINH

SỐNG VÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA

(Cv 5:27-33; Ga 3:31-36)

“Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga 15:20-21). Câu nói trên của Chúa Giêsu đã ứng nghiệm nơi các môn đệ trong bài đọc 1 hôm nay. Chúng ta thấy các thành viên của Thượng Hội Đồng có thái độ chống đối và muốn giết các Tông Đồ như họ đã từng làm với Chúa Giêsu. Đây cũng chính là điều chúng ta phải đối diện trong đời sống chứng tá cho Chúa Giêsu. Chúng ta đã nghe, đã biết điều này rất rõ, tại sao chúng ta lại ngạc nhiên và phàn nàn, kêu ca khi chúng ta phải chịu đau khổ và chống đối vì danh Ngài? Nhiều khi chúng ta đã đánh mất đi lòng yêu mến và nhiệt tình trong đời sống chứng tá khi bị chống đối hoặc khi nghe những lời chỉ trích.

Trong bài đọc 1 hôm nay, các Tông Đồ không để cho sự sợ hãi giết chết đi niềm vui có Chúa và niềm vui được mời gọi làm chứng nhân cho Ngài. Các ngài dạy cho chúng ta phải biết vâng lời ai: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5:29). Đây là điều chúng ta cần phải lưu ý trong từng ngày sống. Ai trong chúng ta cũng muốn tìm thánh ý Chúa và thực hành, nhưng chúng ta lại để mình bị chi phối bởi lời nói của người khác nhiều hơn là vâng lời Chúa. Ví dụ như khi chúng ta biết là Chúa không muốn chúng ta nghĩ xấu và nói xấu nhau, nhưng khi nghe người khác nói xấu về một người nào đó mà mình “không thích,” tự nhiên mình sẽ quên mất Chúa và để cho lời của người khác làm cho lòng mình hoan hỉ, để rồi mình cũng bắt đầu “thêm dầu vào lửa.” Các Tông Đồ không làm thế. Các ngài nắm bắt cơ hội đó để  làm chứng cho Chúa (x. Cv 5:30-32). Tại sao chúng ta không nắm bắt những cơ hội có được trong ngày sống để làm chứng cho Chúa? Đừng mất thời gian với những chuyện vô ích. Hãy dành thời gian tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và vâng theo lời Ngài hơn là để cho những lời chỉ trích như gió thoảng của người khác làm cho chúng ta mất đi niềm vui có Chúa.

Sợi chỉ nối kết hai bài đọc Lời Chúa hôm nay là chủ đề về đời sống mới trong Đức Kitô, đó là đời sống hoàn toàn vâng lời Thiên Chúa, hoàn toàn nói những điều Thiên Chúa muốn. Chúng ta nhận ra điều này trong bài đọc 1 qua hình ảnh các Tông Đồ và nhất là trong bài Tin Mừng qua hình ảnh Chúa Giêsu. Bài đọcTin Mừng của thánh Gioan hôm nay (Ga 3:31-36) được xem là bản tóm tắt của toàn chương [hay của toàn bộ lời chứng của Chúa Giêsu cho Nicôđêmô]. Bản tóm tắt này nhằm khẳng định rằng Chúa Giêsu được sai đến để ban cho con người sự sống mới, sự sống trong Thần Khí.

Phân tích cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra hai phần sau đây: phần thứ nhất (Ga 3:31-33) nói đến hai loại chứng nhân, đó là từ trời và từ đất. Trong phần này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Đấng đến từ trời và làm chứng cho chúng ta những gì Ngài đã thấy và mời gọi chúng ta bước vào sự hiệp thông của sự sống đời đời qua việc tin vào Ngài đã được Chúa Cha sai đến để làm chứng rằng, “Thiên Chúa yêu thế gian” cách tuyệt đối và vô điều kiện đến nỗi đã sai Con Một của mình đến thế gian (x. Ga 3:16); trong phần thứ hai (Ga 3:34-36), Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Đấng được Chúa Cha ban cho Thần Khí và sai đến thế gian không chỉ để làm chứng về những gì Ngài đã thấy, nhưng còn để ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Ngài.

Trong phần thứ nhất, chúng ta thấy Thánh Gioan tiếp tục tư tưởng sinh ra bởi xác thịt và sinh ra bởi Thần Khí và liên kết với đề tài đến từ trên cao và đến từ đất. Nói cách khác, người sinh ra bởi xác thịt là người đến từ đất và người được sinh ra bởi Thần Khí thì đến từ trời cao. Nói cách cụ thể hơn, người đến từ trên cao thì sống theo sự linh hứng và hướng dẫn của Thần Khí, còn người đến từ đất thì sống theo “bản năng tự nhiên.” Chúng ta thuộc loại nào trong hai loại này? Chắc chắn chúng ta thuộc loại thứ hai, sinh ra bởi Thần Khí, vì chúng ta đã được tái sinh trong Bí Tích Rửa Tội. Nhưng chúng ta có duy trì đời sống đó trong chúng ta không, đó là vấn đề chúng ta cần suy gẫm. Chúng ta tự hỏi: làm sao tôi có thể duy trì sự sống trong Thần Khí ở trong tôi?

Chìa khoá giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi trên nằm ở câu 35: “Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người.” Trong câu này, chúng ta tìm thấy lời chứng đầu tiên nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Chúa Con. Vì tình yêu này, Chúa Cha ban cho Chúa Con mọi sự, đó là quyền phán xét và ban sự sống đời đời cho mọi xác phàm. Khẳng định này giúp chúng ta nhận ra chân lý này: thứ nhất, ở đâu có tình yêu thật, ở đó có sự trao ban mọi sự, không giữ lại gì cho mình. Nói cách cụ thể hơn, người yêu với một tình yêu chân thật là người luôn trao ban cho người khác những gì mình có và mình là. Nhìn từ khía cạnh này, chỉ có một cách duy nhất để duy trì sự sống trong Thần Khí, đó là sống yêu thương trong trao ban. Như vậy, chính đời sống yêu thương [như Chúa Giêsu yêu] là dấu chỉ giúp chúng ta nhận ra một người được sinh ra bởi Thần Khí và đến từ trên cao.

Điểm cuối cùng của bài Tin Mừng mà chúng ta cần lưu ý là sự phân rẽ giữa những người tin và những người không tin: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3:36). Cặp tương phản này [tin-không tin] luôn xuất hiện trong Tin Mừng Thánh Gioan. Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy những người tin có sự sống đời đời, còn những người không tin sẽ bị xét xử. Câu này cũng ám chỉ đến nỗ lực của những ai khám phá ra chân tính của Chúa Giêsu và tin vào Ngài. Chúng ta tự hỏi: Tin là gì? Tại sao tin vào Người Con là có sự sống đời đời? Chúng ta biết rằng, theo nguyên ngữ, tin có nghĩa là “trao cho Chúa con tim của mình.” Điều này có nghĩa là khi mình tin vào Chúa, mình hoàn toàn trao cho Chúa cuộc sống và con tim của mình. Nói như Thánh Phaolô, người tin là người sống, “nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20). Khi Chúa Giêsu sống trong chúng ta, thì chúng ta không còn sống theo xác thịt, nhưng được sự sống đời đời tuôn chảy trong chúng ta. Như vậy, người tin là người sống trọn vẹn cho Thiên Chúa và là người sống và hành động như Đức Kitô. Chúng ta có thuộc loại người tin này không? Chúng ta đã hoàn toàn để cho Chúa Giêsu sống trong chúng ta chưa?

************************

THỨ SÁU TUẦN II PHỤC SINH

VƯỢT QUA DẤU CHỈ HỮU HÌNH ĐỂ ĐẠT ĐẾN THỰC TẠI VÔ HÌNH

(Cv 5:34-42; Ga 6:1-15)

Bài đọc 1 tiếp tục trình bày cho chúng ta cuộc họp của Thượng Hội Đồng để xét xử Phêrô và các môn đệ. Điều làm chúng ta suy gẫm là lời nói của Gamaliên và sự vui mừng của các Tông Đồ vì được chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Trong hình ảnh của Gamaliên, “một kinh sư được toàn dân kính trọng” (Cv 5:34), chúng ta thấy Thiên Chúa ban cho ngay cả những người chống đối sự khôn ngoan để bảo vệ những chứng nhân của Ngài. Lời nói của ông đã thuyết phục Thượng Hội Đồng. Những lời đáng suy gẫm của ông là: “Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa” (Cv 5:38-39). Trong những lời này, chúng ta đọc thấy một sự thật là: sự gì đến từ Thiên Chúa sẽ trường tồn, còn những gì đến từ con người sẽ chóng qua như cây cỏ; những gì đến từ Thiên Chúa thì dù con người có muốn phá huỷ cũng không thể, còn những gì do người phàm thì tự nó sẽ bị diệt vong. Những chi tiết này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc tìm kiếm những gì thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không cần phải ghen tỵ và so sánh với sự hưng thịnh của người khác, vì nếu điều đó đến từ Thiên Chúa thì chúng ta không bao giờ có thể dập tắt, còn nếu là của người phàm, thì nó sẽ tự sụp đổ, chúng ta không cần phải bận tâm.

Chi tiết thứ hai chúng ta có thể suy gẫm là thái độ của các Tông Đồ khi bị ngược đãi vì danh Chúa Giêsu: “Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5:40-41). Các Tông Đồ vui không phải vì bị đánh đòn hoặc cấm giảng dạy, nhưng hân hoan vì cảm thấy mình được coi là những người xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu. Chính vì niềm vui này mà các Tông Đồ tiếp tục “vâng phục Thiên Chúa hơn người phàm,” nên “mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô Giêsu” (Cv 5:42). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ của mình khi chúng ta đối diện với đau khổ và những thử thách trong cuộc sống. Những giây phút ấy, chúng ta có thấy mình gần Chúa không? Chúng ta có cảm thấy hãnh diện vì được xem là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu không? Hay chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chịu đau khổ vì danh Ngài?

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bài giảng của Chúa Giêsu về bánh hằng sống (Ga 6:1-71). Đây là một trong những chương dài trong Tin Mừng Thánh Gioan. Bài giảng này có sự tương đồng với những sự kiện được Thánh Máccô thuật lại trong 6:30-54 và 8:11-33. Những sự kiện đó bao gồm: (1) hoá bánh cho năm ngàn người ăn (Ga 6:1-15; Mc 6:30-44); (2) Chúa Giêsu đi trên biển (Ga 6:16-24; Mc 6:45-54); (3) đòi một dấu lạ (Ga 6:25-34; Mc 8:11-13); (4) bình luận về bánh hằng sống (Ga 6:35-59; Mc 8:14-21); (5) lời tuyên xưng của Phêrô (Ga 6:60-69; Mc 8:27-30); (6) [tiên báo về] cuộc thương khó (Ga 6:70-71; Mc 8:31-33). Những hình ảnh [biểu tượng] về Chúa Giêsu như Đấng cung cấp “nước hằng sống” trong chương 4 và bánh từ trời được phát triển cùng với nền Kitô học của Thánh Gioan như một vị vua – ngôn sứ theo Môsê. Đối với thánh sử, toàn bộ câu chuyện về bánh hằng sống trở thành một cuộc đối diện khác giữa đám đông không tin và Đấng đến từ trời với lời ban sự sống. Cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay như sau: (1) bối cảnh xa (Ga 6:1-4); (2) bối cảnh gần: Chúa Giêsu đối thoại với các môn đệ (Ga 6:5-10); (3) Chúa Giêsu thực hiện phép lạ (Ga 6:11-13); (4) phản ứng của dân chúng và hành động của Chúa Giêsu sau phép lạ (Ga 6:14-15). Chúng ta cùng nhau suy gẫm trên những điểm mà cấu trúc Tin Mừng đã gợi ý cho chúng ta.

Trước tiên, chúng ta cần lưu ý rằng Thánh Gioan đã nới rộng phần giới thiệu bằng việc thêm vào đó những chi tiết sau: (1) một cột móc không rõ ràng về thời gian [“sau những điều này”]; (2) một nơi chốn cụ thể [“bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria.”]; (3) động lực của đám đông tìm đến Chúa Giêsu [“Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.”]; (4) thời điểm quy chiếu [“Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái.”]. Trong phần này, điều đáng để chúng ta suy gẫm là động lực của đám đông đến với Chúa Giêsu. Thánh Gioan trình bày rõ ràng cho chúng ta là đám đông đến với Chúa Giêsu vì họ thấy ‘những dấu lạ người làm cho những kẻ đau ốm,’ nói cách khác là họ nhìn thấy Chúa Giêsu chữa lành những kẻ đau ốm. Như chúng ta biết, một trong những hành động quan trọng trong Tin Mừng Thánh Gioan là ‘thấy.’ Tuy nhiên, ‘thấy’ chỉ mới là bước đầu của tin. Đám đông đến với Chúa Giêsu chỉ vì ‘thấy’ Ngài thực hiện những dấu lạ chứ chưa biết và tin Ngài. Điều này được chỉ rõ trong phần kết của bài Tin Mừng, đó là họ chỉ nhận ra Ngài như một vị ‘ngôn sứ’ giống như Môsê, người đã cho dân Israel bánh ăn trong sa mạc. Chúng ta cũng đến với Chúa mỗi ngày [hoặc mỗi tuần], nhưng động lực của chúng ta là gì? Nhiều người trong chúng ta đã ‘thấy’ nhiều dấu lạ Chúa thực hiện mỗi ngày trong cuộc đời của mình [hay của người thân], nhưng chúng ta đã đóng cửa lòng mình lại, chúng ta không nhận ra Ngài và đặt trọn niềm tin yêu phó thác vào tay Ngài. Chúng ta chỉ đến với Chúa chỉ vì chúng ta cần những nhu cầu của mình được đáp ứng, chứ chúng ta không đến với Ngài vì tin yêu Ngài.

Bối cảnh gần của phép lạ là một cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, cụ thể là với Philipphê và Anrê. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này như sau:

Chúa Giêsu [“Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê]: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” [“Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi].

Ông Philípphê: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”

Anrê:               “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”

Chúa Giêsu: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” [Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn].

Trong phần phép lạ, chúng ta đọc thấy như sau: “Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: ‘Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.’ Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng” (Ga 6:11-13). Điều đáng để chúng ta lưu ý là sự tương phản và tiếp nối giữa hành động của Chúa Giêsu và các môn đệ. Trong Tin Mừng Thánh Gioan, chính Chúa Giêus là người phân phát cho dân chúng bánh và cá sau khi đã dâng lời tạ ơn. Các môn đệ chỉ là những người đi thu lại những gì Chúa Giêsu đã phân phát. Điều này khác với Tin Mừng Nhất lãm là Chúa Giêsu dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ đi phân phát cho dân chúng và cũng chính các môn đệ đi thu lại những gì Chúa Giêsu đã bẻ ra và các ông phân phát. Chúng ta rút ra từ những chi tiết này điều để suy gẫm là: Chúa Giêsu luôn là Người trao ban chính mình và mọi sự cho chúng ta. Về phần chúng ta, chúng ta chỉ cộng tác với Ngài trong việc phân phát những gì của Chúa Giêsu đã trao vào tay chúng ta cho anh chị em của mình. Sứ vụ của chúng ta là sự tiếp nối của sứ vụ Chúa Giêsu. Những gì chúng ta trao ban đều thuộc về Chúa Giêsu. Chỉ khi hiểu được điều này, sứ vụ của chúng ta mới sinh được nhiều hoa trái để mọi người được ăn no nê mà vẫn còn dư thừa.

Bài Tin Mừng kết thúc với phản ứng của đám đông sau khi nhìn thấy dấu lạ là: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: ‘Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!’” (Ga 6:14). Đứng trước sự hiểu lầm về chân tính của mình, Chúa Giêsu liền tránh mặt: “Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6:15). Đứng trước dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, dân chúng chỉ dừng lại ở những gì “thuộc về thân xác, thuộc về đất.” Vì vậy, họ không hiểu được thực tại trên trời mà qua dấu lạ Chúa Giêsu ám chỉ đến. Qua dấu lạ, họ chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ như Môsê, người đã cho họ bánh ăn trong sa mạc. Họ không thể đạt đến việc tuyên nhận rằng, Ngài là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, là Con Thiên Chúa. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài của sự kiện để rồi không thể đọc và hiểu được điều Thiên Chúa nói với chúng ta. Hãy vượt qua những gì mà con mắt thể lý có thể nhìn, và nhìn với con mắt đức tin, chúng ta mới hiểu được những thực tại của Thiên Chúa.

**************************

THỨ BẢY TUẦN II PHỤC SINH

THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!

(Cv 6:1-7; Ga 6:16-21)

Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta thấy một thực trạng thường xảy ra trong các cộng đoàn, đó là kêu ca phàn nàn khi các nhu cầu của các thành viên không được thoả mãn. Nếu điều này được giải quyết ổn thoả thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Nếu không, sẽ gây ra chia rẽ và bất hoà trong cộng đoàn. Để làm được điều đó, mỗi người phải nhận ra vị trí của mình trong cộng đoàn và hoàn thành nó cách tốt nhất. Nói cách đơn giản, bài đọc 1 hôm nay là bản tóm kết của một cuộc “bỏ phiếu” để chọn người thích hợp cho công việc cần được giải quyết. Tiến trình được thực hiện như sau:

Vấn đề xảy ra: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên” (Cv 6:1). Chi tiết này cho chúng ta thấy rằng, mỗi cộng đoàn đều có vấn đề riêng của nó và cũng thường có những lời kêu trách, phàn nàn về nhau và về những điều xảy ra. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: thực tế không có cộng đoàn hoàn hảo, vì mỗi cộng đoàn được tạo thành bởi những con người yếu đuối và giới hạn. Vì vậy, phải biết cảm thông và nâng đỡ nhau và nhất là tìm hướng giải quyết.

 Hướng giải quyết: Chúng ta thấy các Tông Đồ rất khôn khéo để tìm cách giải quyết vấn đề. Điều này đã đặt nền tảng [Kinh Thánh] cho việc thiết lập chức phó tế: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người có tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6:2-4). Trong hướng giải quyết, chúng ta thấy các Tông Đồ nêu rõ nguyên tắc “không ai được bỏ trách nhiệm của mình.” Nói cách khác, các Tông Đồ muốn nhắc nhở chúng ta rằng: khi có vấn đề xảy ra trong cộng đoàn, mỗi người không được lơ là với bổn phận của mình, nhưng phải hoàn thành cách tốt nhất. Khi thực hiện điều đó, chúng ta sẽ nhận ra được những người cần được tuyển chọn để đáp ứng nhu cầu cần thiết [lúc đó] của cộng đoàn.

Người [những người] được chọn phải là người nhân đức. Người đó phải là người “được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan.” Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình. Thiên Chúa cũng tuyển chọn chúng ta để chia sẻ với Ngài trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Nhưng chúng ta có phải là những người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan không? Hãy sống làm sao để danh thơm tiếng tốt của chúng ta được lưu truyền. Có câu nói trong đời rằng: Chúng ta chỉ có một cuộc sống để sống, sống sao cho có ý nghĩa, cho đầy yêu thương và tha thứ mới đáng sống. Chỉ qua danh thơm tiếng tốt và đời sống đạo đức thánh thiện của chúng ta mà người khác đón nhận đức tin (x. Cv 6:7).

Sự kiện được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay nằm sau đoạn nói về việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều. Sự kiện này cũng được hai thánh sử Mátthêu (14:22-33) và Máccô (6:45-52) thuật lại. Chi tiết khác biệt mà chúng ta cần lưu ý ở đây là, trong khi Thánh Mátthêu và Máccô dùng trình thuật này để nói đến đức tin của các môn đệ, còn Thánh Gioan hiểu trình thuật này như mạc khải của Chúa Giêsu về chính mình. Ngoài chi tiết trên, chúng ta còn nhận ra những điểm khác biệt sau: (1) Sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, Thánh Matthêu và Máccô cho biết Chúa Giêsu bắt các môn đệ lên thuyền đi qua bờ bên kia trong khi Ngài giải tán đám đông và sau đó Ngài lên núi cầu nguyện một mình. Chi tiết này không tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Gioan; (2) Thánh Mátthêu và Gioan không cho biết lý do Chúa Giêsu đi trên mặt nước để đến với các môn đệ, còn Thánh Máccô cho biết: “Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông” (Mc 6:48); (3) Thánh Mátthêu và Máccô cho biết lý do các môn đệ hoảng sợ là vì họ tưởng Chúa Giêsu là ma, còn Thánh Gioan không đề cập đến chi tiết này; (4) trong Tin Mừng Thánh Mátthêu chúng ta tìm thấy chi tiết Thánh Phêrô xin Chúa Giêsu cho ngài đi trên mặt nước để đến với Ngài. Chi tiết này không tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô và Gioan; (5) Chúa Giêsu lên thuyền thì gió và biển lặng (được Thánh Mátthêu và Máccô thuật lại), Tin Mừng Thánh Gioan không đề cập đến việc Chúa Giêsu lên thuyền vì thuyền đã đến bờ.

Giờ đây, chúng ta cùng nhau tập trung vào bài Tin Mừng để nghe Chúa nói gì với chúng ta trong ngày hôm nay. Khi đọc kỹ bài Tin Mừng, chúng ta nhận ra đây chính là hành trình “vượt biển” của các môn đệ [và của chúng ta]. Chúng ta thấy rõ rằng các môn đệ bắt đầu hành trình của mình vào buổi chiều, nghĩa là khi trời còn sáng: “Chiều đến, các môn đệ xuống bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Caphácnaum bên kia Biển Hồ” (Ga 6:17). Khi còn ánh sáng, các môn đệ vẫn còn thấy đường đi và họ “không cần Chúa đến” với họ. Tuy nhiên, tình hình thay đổi khi trời “đã tối mà Đức Giêsu chưa đến với các ông. Biển động, vì gió thổi mạnh” (Ga 6:17-18). Hai câu này rất quan trọng trong bài Tin Mừng hôm nay vì nó trình bày cho chúng ta sự thật về hành trình của các môn đệ và của chúng ta trong đêm tối. Thật vậy, trong đêm tối cuộc đời, nhiều vấn đề và khó khăn xảy ra như sóng biển dập vùi, chúng ta thường trông chờ Chúa đến, nhưng không thấy Chúa đâu. Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta rằng: không phải là Chúa không đến, mà là “Chúa Giêsu chưa đến.” Điều này có nghĩa là Ngài sẽ đến vào “giờ” của Ngài. Thật vậy, họ chỉ chèo được chừng “năm hoặc sáu cây số, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt Biển Hồ và đang tới gần thuyền” (Ga 6:19). Khi đi trong đêm tối của cuộc đời, chúng ta cần biết chắc chắn rằng, Chúa Giêsu sẽ đến. Nhưng khi Ngài đến, hy vọng chúng ta không hoảng sợ như các môn đệ: Các ông hoảng sợ vì quá tập trung đến bóng tối, bão tố và gió lốc nên không còn nhận ra Chúa Giêsu. Dù chúng ta không nhận ra Ngài, chúng ta vẫn biết rằng, Chúa Giêsu vẫn luôn nói những lời thật dịu hiền để trấn an và giúp chúng ta nhận ra Ngài: “Thầy đây mà, đừng sợ!” (Ga 6:20). Khi chúng ta không “sợ” để cho Chúa Giêsu bước vào cuộc đời của mình, chúng ta sẽ đến bến nơi chúng ta định đến (x. Ga 6:21). Chỉ với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể vượt qua đêm tối cuộc đời và đạt đến bến bờ hạnh phúc mà chúng ta luôn khao khát, mong chờ. Đừng sợ để cho Chúa Giêsu yêu bạn và đồng hành với bạn. Ngài không lấy gì ở bạn, nhưng sẽ ban mọi sự cho bạn!