SUY NIỆM Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 2 Mùa Vọng

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 2 Mùa Vọng

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày Tuần II Mùa Vọng

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG

CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG ĐỨC TIN

(Is 35:1-10; Lc 5:17-26)

Sứ điệp của ngôn sứ Isaia cho dân Israel trong thời lưu đày được trình thuật trong bài đọc 1 hôm nay hàm chứa một cung giọng thật ấm áp và đầy an ủi. Lời kêu gọi hãy vui lên vì Đức Chúa đang đến để cứu thoát dân Người vang vọng trong vùng “sa mạc và đồng khô cỏ cháy” (Is 35:1). Trong khi chờ đợi Đức Chúa đến, con cái Israel được mời gọi “hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35:3-4). Qua những lời này, Đức Chúa mời gọi con cái Israel trở nên sức mạnh của nhau và nâng đỡ nhau để vượt qua thời gian thử thách đau thương. Đây cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Trong đời sống thường ngày, ai trong chúng ta cũng có thánh giá riêng của mình. Hãy trở nên sức mạnh của nhau; hãy nâng đỡ nhau để cùng nhau hoàn thành hành trình vác thập giá mình theo Chúa Giêsu cho trọn; đừng trở nên gánh nặng và thập giá của nhau.

Chi tiết thứ hai để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là hình ảnh bình an vì được chữa lành mà dân Israel sẽ được tận hưởng khi Đức Chúa đến cứu thoát họ: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Miền nóng bỏng biến thành ao hồ, đất khô cằn có mạch nước trào ra. …. Ở đó sẽ không có sư tử, thú dữ ăn thịt cũng chẳng vãng lai, không thấy bóng dáng một con nào, những ai được Chúa cứu chuộc sẽ bước đi trên đó” (Is 35:5-9). Hình ảnh này chỉ cho chúng ta thấy, nơi nào có sự thăm viếng và hiện diện của Thiên Chúa, nơi đó có sự chữa lành và bình an. Nhìn từ khía cạnh thiêng liêng, những tâm hồn được Chúa viếng thăm và cư ngụ sẽ được chữa lành và tận hưởng sự bình an bất tận. Khi được chữa lành và bình an, nơi nào có sự hiện diện của họ, nơi đó có sự chữa lành và cảm nghiệm được bầu khí bình an của tin yêu và tha thứ. Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa thăm viếng mỗi ngày. Chúng ta có đón tiếp và để cho Chúa chữa lành những vết thương của chúng ta hầu mang lại cho chúng ta sự bình an đích thật không?

Sứ điệp chữa lành được ngôn sứ Isaia nói đến trong bài đọc 1 cho con cái Israel được hoàn thành nơi Đức Giêsu Kitô, điều mà Thánh Luca đã trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay. Trích đoạn Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh các lãnh đạo tôn giáo [những người Pharisêu và luật sĩ] chống đối Chúa Giêsu về sứ điệp Nước Trời của Ngài (x. Lc 5:17-6:11). Như chúng ta biết, từ Lc 4:31-5:16, Thánh Luca trình bày quyền năng của Chúa Giêsu trong việc chữa bệnh và trừ quỷ. Trong câu chuyện chữa lành được trình thuật hôm nay, Thánh Luca thuật lại một điều thật lạ thường (x. 5:26), đó là Chúa Giêsu tha tội, điều mà chỉ một mình Thiên Chúa có thể làm. Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể suy gẫm dựa trên những chi tiết sau:

Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là Chúa Giêsu chữa bệnh với quyền năng của Thiên Chúa: “Quyền năng Chúa ở với Người, để Người chữa bệnh” (Lc 5:11). Điều này đưa chúng ta đến những lời Chúa Giêsu khẳng định với những người Pharisêu khi họ nói Ngài dựa thế quỷ Bêendêbun mà trừ quỷ. Ngài mạnh dạn khẳng định: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11:19-20). Chi tiết đầu tiên này nhắc nhở chúng ta về sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa giống như Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ không làm được gì nếu không có ơn Chúa. Sự chữa lành những vết thương mà chúng ta gây ra cho nhau sẽ chỉ được chữa lành khi chúng ta có sức mạnh của Thiên Chúa. Nói cách khác, nếu không có đời sống cầu nguyện sâu xa và không để tình yêu Thiên Chúa chiếm lấy, chúng ta sẽ không thể nào hàn gắn và tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình.

Chi tiết thứ hai là bối cảnh của việc chữa lành: “Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người. Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu. Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: ‘Này anh, tội anh được tha cho anh rồi’” (Lc 5:18-20). Những lời này cho thấy những người bạn của người bị bại liệt có một niềm tin sâu đậm vào quyền năng của Thiên Chúa đang hoạt động trong Chúa Giêsu. Nói cách khác, phép lạ xảy ra dựa trên đức tin của những người bạn chứ không phải dựa trên đức tin của người bại liệt. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta suy gẫm ở đây là trước tất cả mọi sự, điều đầu tiên Chúa Chúa Giêsu thực hiện là phục hồi tương quan của người bại liệt với Thiên Chúa qua việc nói cho anh biết tội của anh đã được tha. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng trước khi tất cả những tương quan với người khác và chính mình được phục hồi, tương quan với Thiên Chúa phải được phục hồi trước. Điều này nói lên vị trí tối thượng của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.

Chi tiết thứ ba là sự bắt lỗi và chống đối của các kinh sự và các người Pharisêu: “Các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu suy nghĩ: ‘Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có thể tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?’” (Lc 5:21). Đối với những người Pharisêu, những lời Chúa Giêsu nói là phạm thượng vì qua những lời này Chúa Giêsu đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền tha tội. Những người Pharisêu đã không nhận ra chân tính của Chúa Giêsu vì họ tự giam hãm mình trong lối nhìn hạn hẹp. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng giam hãm chính mình trong lối nhìn hạn hẹp và đầy thành kiến của mình. Vì vậy, chúng ta không thể nhận ra và hiểu đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta cần có con tim rộng mở, biết ngạc nhiên trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chỉ như thế chúng ta mới hiểu đường lối của Thiên Chúa thì khác với đường lối của người phàm.

Chi tiết thứ tư mà chúng ta có thể suy gẫm là phản ứng của Chúa Giêsu trước chống đối: “Nhưng Đức Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: ‘Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Tội anh được tha cho anh rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giêsu nói với người bại liệt: Tôi bảo anh: Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!’” (Lc 5:22-24). Chúa Giêsu không dừng làm việc tốt ngay cả khi bị chống đối. Vì biết hết tư tưởng của thính giả, Chúa Giêsu giải thích cho họ phải chọn lựa giữa hai điều để thực hiện: một dễ và một khó. Dẫu biết việc tha tội là việc khó, nhưng Chúa Giêsu vẫn thực hiện vì đó là cách thức để mạc khải căn tính của Ngài. Một cách cụ thể, trong những lời trên, Chúa Giêsu thực hiện việc khó để mạc khải cho những người Pharisêu [đại diện cho những người cứng lòng tin!] Ngài là Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng thực hiện việc dễ hơn đó là chữa lành người bị bại liệt. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc cẩn trọng trong lời nói và hành động vì lời nói và hành động của chúng ta luôn có ảnh hưởng trên người khác.

Chi tiết cuối cùng là thái độ của người bại liệt sau khi được chữa lành và phản ứng của đám đông dân chúng: “Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái giường anh đã nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Lòng đầy sợ hãi, họ bảo nhau: ‘Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!’” (Lc 5:25-26). Niềm vui được chữa lành của người bị bại liệt và sự kinh ngạc của đám đông dân chúng trước kỳ công Chúa Giêsu thực hiện nhắc nhở chúng ta về niềm vui khi nhận ra bàn tay Thiên Chúa luôn nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong từng ngày sống. Nhiều khi chúng ta xem mọi sự xảy ra trong ngày sống như là một cái gì đó lặp đi lặp lại, không có gì mới mẻ để rồi chúng ta đánh mất thái độ biết kinh ngạc trước những kỳ công Thiên Chúa thực hiện. Chỉ những người có con tim rộng mở mới có thể biết kinh ngạc trước những điều bình thường của cuộc sống vì họ nhận ra bàn tay yêu thương của Thiên Chúa trong tất cả những sự kiện xảy ra trong ngày sống mình.

************************

THỨ BA TUẦN II MÙA VỌNG

NIỀM VUI TÌM ĐƯỢC ANH CHỊ EM ĐI LẠC VỀ

(Is 40:1-11; Mt 18:12-14)

Bài đọc 1 hôm nay trình thuật cho chúng ta lời an ủi của Thiên Chúa cho dân của Ngài đang bị lưu đày qua miệng Ngôn Sứ Isaia. Để chuẩn bị cho ngày dân được giải phóng, ngôn sứ đưa ra những điều sau: (1) lấy đi những vật cản không làm cho vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện [“Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (Is 40:3-5)]; (2) nhận ra thân phận chóng tàn của chính mình và sự vĩnh cửu của lời Chúa [“Người phàm nào cũng đều là cỏ, mọi vẻ đẹp của nó như hoa đồng nội. Cỏ héo, hoa tàn khi thần khí Đức Chúa thổi qua. Phải, dân là cỏ: cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (Is 40:6-8)]; (3) Đức Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân Ngài [“Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40:11)]. Những chi tiết này vừa thách đố vừa an ủi chúng ta: thách đố vì chúng ta phải nhận ra và loại bỏ đi những vật ngăn cách chúng ta với Chúa và với nhau, điều mà nhiều người trong chúng ta nhiều khi không muốn làm hoặc có muốn làm lại không đủ sức mạnh và can đảm để làm vì nó đòi hỏi chúng ta phải bỏ đi chính con người của mình; vừa an ủi vì dù thân phận chúng ta chóng tàn như hoa cỏ đồng nội mà Thiên Chúa lại đoái thương nhìn đến và chăm sóc như mục tử chăm sóc đàn chiên mình. Chúng ta cố gắng sống một cuộc sống xứng đáng với ơn Chúa.

Dụ ngôn con chiên lạc là một trong những dụ ngôn đánh động nhiều con tim, nhất là con tim của những người đi tìm sự tha thứ và bình an trong Chúa. Chúng ta tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Luca (15:3-7). Chúng ta chỉ hiểu đoạn trích này khi đặt nó trong bối cảnh của gia đình, của cộng đoàn mình sống. Điều đầu tiên chúng ta lưu ý là trích đoạn này cho chúng ta biết chính Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài [và mỗi người chúng ta hôm nay] về thái độ cần có khi một anh chị em trong gia đinh hay cộng đoàn đi lạc. Qua chính kinh nghiệm thường ngày trong gia đình và cộng đoàn, Chúa Giêsu đưa chúng ta đến với kinh nghiệm về Thiên Chúa.

Câu hỏi của Chúa Giêsu vẫn vang vọng trong ngày sống chúng ta: “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?” (Mt 18:12). Trong những lời này, Chúa Giêsu thách đố chúng ta tìm ra câu trả lời cho vấn đề của một “con sâu làm rầu nồi canh.” Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, con chiên không mất như trong Tin Mừng Thánh Luca, nhưng chỉ đi lạc khỏi đàn chiên. Đây là dấu hiệu của việc “đi mạo hiểm.” Chi tiết thứ hai là việc để chín mươi chín con để đi tìm một con. Điều này ám chỉ đến sự mạo hiểm hay liều lĩnh. Trong bối cảnh thời đó, vần đề là chín mươi chín con chiên không đi lạc sẽ được một người khác chăm sóc hoặc chó chăn chiên bảo vệ. Nhưng trong bối cảnh của dụ ngôn, đây không phải là vấn đề đang bàn đến. Vấn đề nằm ở chỗ là người chăn chiên sẵn sàng liều lĩnh và chấp nhận mọi nguy hiểm để đi tìm con chiên lạc. Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, dụ ngôn này nhắm đến việc quan tâm đến một thành viên đi lạc trong cộng đoàn, trong khi đó trong Tin Mừng Thánh Luca, dụ ngôn nhắm đến việc trả lời câu hỏi: Chúa Giêsu đối xử với tội nhân như thế nào? Đây chính là điều mà Chúa Giêsu hỏi: Các con sẽ nghĩ và làm gì khi một trong những anh chị em của con trở thành nỗi đau của gia đình và cộng đoàn? Theo lẽ tự nhiên, nhiều người trong chúng ta tìm cách loại trừ hoặc tìm đồng minh để chống lại người đó. Nếu không thì chúng ta cũng tìm cách để nói không tốt về người anh chị em đi lạc đó.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tránh những thái độ tiêu cực khi có một anh chị em đi lạc. Ngài mời gọi chúng ta đi tìm họ về. Động lực để làm điều đó chính là niềm vui tìm được con chiên lạc: “Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (Mt 18:13). Nhìn từ khía cạnh mục vụ, nhiều khi cũng nên liều “bỏ quên” chín mươi chín con chiên không đi lạc để đi tìm một con người có một linh hồn đáng giá và khi chiến thắng được linh hồn này, đàn chiên sẽ trở nên đầy đủ và hoàn thiện. Chi tiết này mời gọi chúng ta biết nhìn thấy giá trị thật của mỗi anh chị em mình, vì chỉ có như thế chúng ta mới hiểu được lý do tại sao lại phải “liều lĩnh” một tí để đem anh chị em của mình trở về với Chúa.

Từ king nghiệm của niềm vui tìm được người anh chị em đi lạc về, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui khi chúng ta hoặc một anh chi em trở về với Chúa: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:14). Thiên Chúa không muốn bất kỳ ai trong chúng ta phải hư mất. Đây cũng là tâm tình của mỗi người chúng ta. Chúng ta phải vượt qua bản tính tự nhiên của mình, bản tính mà nhiều khi cảm thấy hạnh phúc khi thấy anh chị em mình thất bại. Chúng ta phải vun trồng thái độ “vui với người vui, khóc với người khóc,” nhất là trong đời sống gia đình và cộng đoàn.

 *****************

THỨ TƯ TUẦN II MÙA VỌNG

HÃY ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU ĐỂ ĐƯỢC NGHĨ NGƠI

(Is 40:25-31; Mt 11:28-30)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay so sánh người này với người kia, vật này với vật nọ. Ít hay nhiều chúng ta cũng có lần đem tôn giáo của mình so sánh với tôn giáo của người khác, Thiên Chúa của mình với các thần minh khác, để rồi cũng có lần chúng ta tự hỏi tại sao phải theo Thiên Chúa này, Đấng đòi hỏi chúng ta phải sống yêu thương và tha thứ. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn Sứ Isaia trình bày cho chúng ta cảm thức bị Thiên Chúa bỏ rơi của con dân Israel trong thời lưu đày: “Hỡi Giacóp, sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: ‘Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?’” Họ nghĩ rằng Thiên Chúa của họ không bằng những thần minh khác nên đã không thể bảo vệ họ. Đứng trước điều này, Đức Chúa khẳng định với dân rằng Ngài là Thiên Chúa duy nhất, Đấng ban sức mạnh cho người cậy trông Ngài: “Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo. Nhưng những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân” (Is 40:29-31). Những lời này chỉ cho chúng ta biết nơi đâu chúng ta chạy đến khi cuộc đời trở nên mệt mỏi và đau khổ. Chỉ nơi Chúa chúng ta mới tìm được sức mạnh để đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Chỉ nơi Chúa chúng ta mới tìm được sự nghỉ ngơi khi mệt mỏi và thất vọng.

Chúng ta chỉ có thể hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi chúng ta đặt nó trong bối cảnh của niềm vui năm thánh và lời mời gọi của Đấng Cứu Độ. Trong bối cảnh của niềm vui và sự nghỉ ngơi của năm thánh, Chúa Giêsu đã thốt lên những lời sau: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Những lời này âm hưởng lại những lời của Ngôn Sứ Isaia được trình thuật trong bài đọc 1. Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định những điều sau:

Thứ nhất, Ngài khẳng định Ngài là sự Khôn Ngoan được nói đến trong sách châm ngôn (chương 8) với những đặc tính của một người nữ như là người mang lại sự nghỉ ngơi và an ủi. Ngài mở rộng lời mời gọi cho hết mọi người. Với cuộc sống bận rộn hôm nay, chúng ta đôi lúc cũng muốn có những giây phút để nghỉ ngơi. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài để được nghỉ ngơi và xa rời sự ồn ào của cuộc sống. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi của Ngài không? Đừng để bị cuốn theo sự ồn ào của cuộc sống để rồi cuối cùng không còn có giờ cho Chúa, cho mình, cho gia đình và những người thân.

Thứ hai, Ngài mời gọi chúng ta mang lấy ách của Ngài. Các thầy Rabbi nói về cái ách của Torah và cái ách của vương quốc. Khi Chúa Giêsu nói đến cái ách, Ngài ám chỉ đến lời giải thích của mình về luật. Trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều luật để theo. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi vì phải theo nhiều luật. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài để cảm nghiệm được sự nhẹ nhàng của luật Ngài đưa ra, đó là luật yêu thương. Ai sống trong yêu thương mới hiểu được sự êm ái và niềm vui mà tình yêu mang lại dù cho có khó khăn và thách đố của cuộc sống.

Thứ ba, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ và chúng ta học ở Ngài. Người môn đệ luôn là người theo học cho đến cuối đời. Chúa Giêsu muốn chúng ta học ở Ngài hai điều, đó là sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Hiền lành để chúng ta đối xử nhẹ nhàng với hết mọi người; còn khiêm nhường để biết rằng mình rất cần Thiên Chúa vì chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay, sự khiêm nhường của Chúa Giêsu vừa là mẫu gương của người thầy vừa là nội dung lý tưởng bởi vì chính Ngài là Torah được cá vị hoá. Khi đến với Ngài chúng ta sẽ tìm được sự nghỉ ngơi. Điều này ám chỉ đến việc nghỉ trong ngày Sabbath là biểu tượng của sự an nghỉ trong Nước Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ tìm được niềm vui.

Thứ tư, Chúa Giêsu khẳng định ách của Ngài êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng. Chúng ta hiểu điều này khi đặt nó trong sự so sánh với halaka của người Pharisêu. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu có thể nói về số lượng dễ dàng hơn bởi vì ngắn hơn và tập trung vào những điều quan trọng. Nhưng để đáp ứng được lời mời gọi trở nên công chính như trong Mt 5:20, lời giảng dạy của Chúa Giêsu về chất lượng lại khó hơn, bởi vì sự đòi hỏi của tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận thì vô tận. Nói cách khác, tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận đòi chúng ta phải diễn tả trong lời nói và hành động hằng ngày của mình: Mỗi lời nói, mỗi hành động là một diễn tả tình yêu dành cho Chúa và anh chị em mình.

*****************

THỨ NĂM TUẦN II MÙA VỌNG

CHIẾM LẤY NƯỚC TRỜI BẰNG CON TIM YÊU THƯƠNG

(Is 41:13-20; Mt 11:11-15)

Ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 nói cho nhà Israel và nhà Giacóp biết sấm ngôn của Đức Chúa về ý định của Ngài, đó là phục hưng và biến hai nhà thành dấu hiệu tình yêu của Ngài cho muôn dân. Trước mặt Đức Chúa, nhà Giacóp chỉ là sâu bọ, nhà Israel là kẻ mọn hèn (Is 41:14). Nhưng vì có bàn tay Đức Chúa luôn phù trợ, Ngài đã biến hai nhà “thành một cái bừa vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn. Ngươi sẽ dày đạp và nghiền nát núi non, sẽ làm cho các đồi nên như trấu. Ngươi sẽ rê chúng, gió sẽ cuốn đi và bão táp sẽ phân tán chúng” (Is 41:15-16). Những lời này cho thấy trong bàn tay của Đức Chúa, nhà Israel và nhà Giacóp sẽ trở thành khí cụ để Đức Chúa thanh luyện muôn dân. Chỉ trong Đức Chúa, họ “sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ hãnh diện, tự hào” vì Đức Chúa thực hiện bao công trình kỳ diệu cho họ: “Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ rơi chúng. Ta sẽ khai mở sông ngòi trên các đồi trọc, và khe suối dưới các lũng sâu. Ta sẽ biến hoang địa thành hồ ao, biến đất khô nên mạch nước dồi dào. Và trong vùng hoang địa, Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ôliu; trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào   du, nào hoàng dương, để cùng một lúc, thiên hạ đều nhìn ra và nhận biết, nghiền ngẫm và hiểu rằng: điều ấy, bàn tay Đức Chúa đã làm nên, điều ấy, Đức Thánh của Israel đã tạo thành” (Is 41:17-20). Nơi đâu có bàn tay của Đức Chúa, nơi đó sẽ có sự thay đổi, sẽ có sự màu mỡ và sinh nhiều hoa trái. Những lời trên mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Có những lúc tâm hồn hay cuộc sống của chúng ta cũng là những đồi trọc, những hoang địa khô cháy không tình yêu. Đức Chúa muốn đến trong tâm hồn chúng ta, để khai mở một dòng suối tình yêu tươi mát để tưới dội cho con tim khô cằn, chai đá của chúng ta, làm cho nó nên màu mỡ sinh nhiều hoa trái. Hầu qua cuộc sống của chúng ta, mọi người sẽ nhận thấy kỳ công của Đức Chúa mà tôn vinh Ngài đến muôn đời.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta nghe lời dạy của Chúa Giêsu về Nước Trời. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng ra làm ba phần: Trong phần 1 (Mt 11:11), Chúa Giêsu tôn vinh ông Gioan Tẩy Giả: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả.” Như chúng ta biết, Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ, và còn hơn thế nữa, là một sứ giả của Thiên Chúa (x. Mal 3:1; Xh 23:20) và là người lớn nhất trong số những người được sinh ra từ lòng mẹ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không giải thích lý do tại sao ông là người cao trọng nhất. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng sự cao trọng của ông hệ tại mối tương quan mật thiết giữa ông và Chúa Giêsu, Đấng ông được sai đến để tiên báo và chuẩn bị đường. Cũng có thể sự cao trọng của ông hệ tại vai trò “tiền hô” [báo trước] sự sinh ra và cái chết của Chúa Giêsu qua chính sự sinh ra và cái chết của mình. Nói cách khác, sự cao trọng của ông hệ tại việc ông trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Ai trong chúng ta cũng muốn trở nên cao trọng và được người khác tôn vinh. Nhưng sự cao trọng và tôn vinh của người đời thì chóng qua như làn gió thổi. Chỉ có sự cao trọng và được tôn vinh trong nước trời mới vĩnh cửu. Chúng ta hãy sống thế nào để trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa hơn là trước mặt người đời.

Trong phần 2, Chúa Giêsu khẳng định sự cao trọng của những ai đón nhận vào trong Nước Trời: “Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (Mt 11:11). Trong những lời ngắn ngủi này, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy dù Gioan Tẩy Giả cao trọng trọng như thế nào trong mắt mọi người cũng không là gì khi so sánh với kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Điều này cũng ám chỉ việc Gioan Tẩy Giả đã không tìm kiếm cho mình vinh quang ở đời, mà biến mình trở nên người hèn mọn trong Nước Trời khi khiêm nhường làm chứng rằng thánh nhân chỉ là người tôi tớ hèn mọn vô dụng không đáng để cúi xuống cởi giây dày cho Đấng Thiên Sai. Những người hèn mọn trong Nước Trời là những người sống đời sống khiêm nhường tự hạ. Họ không chạy theo vinh hoa của đời, nhưng chỉ đặt trọn vẹn cuộc đời của mình vào trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa để được dẫn đi trên đường ngay nẻo chính.

Trong phần 3, Chúa Giêsu chỉ cho mọi người biết trước khi Ngài đến, mọi người phải làm thế nào để chiếm được Nước Trời: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu anh em muốn chấp nhận, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có tai thì nghe” (Mt 11:12-15). Chi tiết đáng lưu ý trong những lời trên là việc Chúa Giêsu chỉ cho thấy việc Nước Trời phải được chiếm lấy với sức mạnh. Theo các học giả Kinh Thánh, điều này có lẽ ám chỉ việc người Roma chiếm lấy Israel bằng sức mạnh vũ lực và đối xử tồi tệ với Gioan Tẩy Giả, người giảng dạy về Nước Trời. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng nói đến lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện qua miệng các ngôn sứ. Từ khởi đầu cho đến thời của Gioan Tẩy Giả là thời gian của lời hứa; bây giờ là thời gian của hoàn thành. Thật vậy, nơi Đức Giêsu, mọi lời hứa được các ngôn sứ công bố cho dân sẽ được hoàn thành. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về lịch sử đời mình. Mọi sự chỉ đạt đến sự hoàn hảo trong Đức Kitô mà thôi. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải lắng nghe cách chăm chú lời Ngài nói cho chúng ta biết trong từng biến cố của ngày sống. Hãy chiếm lấy Nước Trời với sức mạnh của tình yêu hơn là sức mạnh của vũ lực [sự ghen ghét, giận hờn và oán trách.]

******************

THỨ SÁU TUẦN II MÙA VỌNG

SỐNG KHÔN NGOAN NHƯ CHÚA GIÊSU

(Is 48:17-19; Mt 11:16-19)

Bài đọc 1 hôm nay trình thuật cho chúng ta về lời của Đức Chúa cho dân hầu nhắc nhở cho họ về giao ước mà họ đã ký kết với Ngài. Trong giao ước đó, họ ký kết thuộc về Ngài và tuân giữ các huấn lệnh của Ngài. Trong sấm ngôn của mình, Ngôn Sứ Isaia nhắc lại cho dân những lợi ích của việc tuân theo mệnh lệnh của Đức Chúa: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi” (Is 48:17). Nếu dân Israel tuân giữ những điều Đức Chúa truyền dạy, thì họ được những điều bổ ích sau: (1) họ sẽ được bình an: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi sẽ chan chứa như dòng sông”; (2) họ sẽ được nên công chính: “Sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển; (3) con cháu sẽ hùng cường: “Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số; (4) tên tuổi sẽ được lưu truyền đến muôn đời: “tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta (Is 48:18-19). Những lợi ích này mời gọi chúng ta bước đi theo thánh chỉ của Thiên Chúa vì thánh chỉ của Ngài không phải là gánh nặng lấy mất tự do như nhiều người chúng ta hôm nay hiểu. Nhưng mang lại cho chúng ta sự tự do và niềm vui đích thật.

Đoạn trích Tin Mừng hôm nay nói về sự phê bình [phán xét] của Chúa Giêsu về thế hệ của Ngài qua việc sử dụng một dụ ngôn nhỏ (Mt 11:16-17), và một lời giải thích về dụ ngôn (Mt 11:18-19a), và một lời nói khôn ngoan mà có thể được thêm vào sau này (Mt 11:19b).

Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn không phải dễ để giải thích: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với đám đông rằng: “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than’” (Mt 11:16-17). Theo họ, khả thể lớn nhất để giải thích dụ ngôn này là những đứa trẻ là Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Theo nghĩa của bản văn lời mời gọi của những đứa trẻ là chơi trò chơi đám cưới và sau đó là đám tang. Nhưng khi được mời sống niềm vui của đám cưới hoặc nỗi buồn của đám tang thì ‘những đứa trẻ khác’ không đáp lại. Nói theo Kinh Thánh, khi lắng nghe lời Tin Mừng cứu độ, họ không tỏ ra hạnh phúc và vui vẻ đón nhận. Khi được mời gọi để ăn năn sám hối thì họ lại tìm vui trong những thú vui trần thế. Điều này cũng có thể xảy ra cho chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không thấy vui vẻ để đến với Chúa, cũng không khóc than cho lầm lỗi của mình. Chúng ta sống chai lì trong lối sống dửng dưng và vô cảm trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Hãy trở nên dễ dạy với Chúa! Hãy đáp lại sứ điệp Tin Mừng của Chúa trong từng hoàn cảnh sống của cuộc đời.

Chi tiết thứ hai để chúng ta suy gẫm là thái độ của “những đứa trẻ khác.” Những đứa trẻ này là những người cùng thời với Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu, là những người loại trừ lối sống quá khắt khe của Gioan Tẩy Giả và cái ách nhẹ nhàng của Chúa Giêsu: “Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’” (Mt 11:18-19). Điều này dạy chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ làm vừa lòng hết mọi người. Thật vậy, trong cuộc sống chúng ta thường nghe câu: “Làm dâu trăm họ.” Chúng ta không bao giờ có thể làm vừa lòng hết mọi người. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng dù có làm việc tốt như thế nào đi nữa, vẫn có những tiếng thị phi trong thiên hạ. Hãy cố gắng làm đẹp lòng Chúa và tìm niềm vui trong Ngài hơn là làm vừa lòng người khác mà mất lòng Thiên Chúa.

Câu kết của bài Tin Mừng cho thấy, mọi sự được thực hiện với đức Khôn Ngoan sẽ được chứng minh qua hành động: “Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mt 11:19b). Chi tiết này khác với Tin Mừng Thánh Luca. Trong hình thức của Thánh Luca chúng ta đọc thấy: “Nhưng đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho” (Lc 7:35). Theo các học giả Kinh Thánh, hình thức của Thánh Luca có thể là bản nguyên thuỷ. Câu này có nghĩa rằng Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu là con cái của sự khôn ngoan. Chính các Ngài đến dùng hành động của mình để minh chứng cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi để dùng đời sống và hành động của mình hầu làm cho mọi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.

**********************

THỨ BẢY TUẦN II MÙA VỌNG

ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY: NƠI TÌM THÁNH Ý CHÚA

(Hc 48:1-4.9-11; Mt 17:10-13)

Tác giả của sách Huấn Ca hôm nay trình bày cách vắn gọn cho chúng ta về Ngôn Sứ Êlia. Ông là một trong những Ngôn Sứ quan trọng nhất của Israel. Ông được xem là đại diện cho các ngôn sứ. Vì vậy, chúng ta thấy trong Tân Ước, nhất là trong biến cố biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor, ông hiện ra với Môsê để đàm đạo với Chúa Giêsu. Tác giả sách Huấn Ca mô tả Isaia với những đặc tính sau: (1) lời của Ngôn Sứ có khả năng thanh luyện như lửa: “Ngôn sứ Êlia xuất hiện, ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng” (Hc 48:1); (2) quan tâm đến nỗi khổ của dân: “Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân, và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt” (Hc 48:2); (3) dùng lời của mình để mang ân sủng từ trời: “Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời, và ba lần cũng cho lửa đổ xuống” (Hc 48:3). Qua những đặc tính này, chúng ta có thể nhận ra rằng ngôn sứ là người chỉ nói lời của Thiên Chúa, lời mà có sức thanh luyện và đem ân sủng đến cho người khác. Họ không nói gì ngoài lời của Thiên Chúa. Đọc những đặc tính của Êlia, chúng ta cũng suy gẫm về cuộc sống của mình. Lời nói của chúng ta có mang đến sự thanh luyện không hay chúng ta sử dụng lời nói của mình để làm tổn thương người khác với với những lời lẽ thiếu tế nhị hoặc thiếu suy nghĩ? Cuộc sống sẽ đẹp hơn khi chúng ta học ở Êlia, biết quan tâm đến nhu cầu của người khác hơn là lo cho hạnh phúc của riêng mình.

Đoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết của biến cố Chúa Giêsu biến hình. Trong phần này, chúng ta thấy vấn nạn về việc Êlia sẽ trở lại được các môn đệ đưa ra. Điều này chứng tỏ họ đã một phần nào đó biết được căn tính của Chúa Giêsu là Đấng Messia. Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc các môn đệ đặt câu hỏi khi thầy trò “đang trên núi xuống”: “Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giêsu rằng: ‘Sao các kinh sư nói rằng ông Êlia phải đến trước?’ (Mt 17:10). Hình ảnh trên núi đi xuống nói lên sự trở về với thực tại của đời sống thường ngày. Trên núi, giây phút thân tình với Thiên Chúa đã làm cho các môn đệ hạnh phúc, nhưng cũng có thể làm cho các ông quên đi thực tại cụ thể của đời sống thường ngày. Việc các môn đệ đặt vấn nạn với Chúa Giêsu khi đang trên núi xuống ám chỉ rằng những thực tế trong cuộc sống thường ngày nhiều khi làm chúng ta đặt vấn nạn với Chúa về những gì xảy ra cho mình và cho người khác. Chi tiết này cũng cho chúng ta thấy rằng khi hạnh phúc vui sướng [trên núi với Chúa], chúng ta không bao giờ đặt vấn đề với Chúa. Nhưng khi đụng chạm đến những thực tại sinh, lão, bệnh, tử của cuộc sống thường ngày của con người, chúng ta lại đặt nhiều câu hỏi. Dù chúng ta có nhiều vấn nạn cho cuộc sống mình, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn đồng hành và giải thích cho chúng ta. Liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn để đi theo Ngài để được Ngài giải thích cho không?

Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ rằng: “Đúng thế, ông Êlia đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế” (Mt 17:11-12). Những lời này đưa chúng ta về với bài đọc 1. Chúa Giêsu cũng khẳng định cho các môn đệ về vai trò của Êlia là đến để chỉnh đốn dân chúng để đón mừng ngày được giải thoát. Nhưng Chúa Giêsu cũng khuyến cáo các môn đệ về việc họ có thể không nhận ra người Thiên Chúa sai đến như những người trong thời của Ngôn Sứ Êlia. Trong ngày sống của mình, Thiên Chúa cũng gởi nhiều ngôn sứ của Ngài đến để chỉnh đốn đời sống của chúng ta, nhưng chúng ta không nhận ra hoặc không muốn nghe. Thiên Chúa không chỉ sai các ngôn sứ của Ngài đến, nhưng chính Ngài đến với chúng ta và nhiều khi chúng ta không nhận ra, và nếu nhận ra chúng ta không tiếp đón Ngài vào trong ngày sống của mình. Hãy để cho Chúa một cơ hội để được đón nhận vào trong con tim của chúng ta hôm nay.

Chi tiết kết thúc bài Tin Mừng hôm nay mang lại cho chúng ta sự an ủi vì các môn đệ dường như “hiểu” những điều Chúa Giêsu nói: “Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 17:13). Trong Tin Mừng, chúng ta thường thấy các môn đệ không hiểu hoặc hiểu sai những gì Chúa Giêsu dạy. Nhưng trong trường hợp này, họ lại hiểu. Đâu là lý do? Chính ánh sáng của kinh nghiệm biến hình đã chiếu soi tâm hồn các ông, giúp các ông hiểu được những gì Chúa Giêsu nói. Nói cách cụ thể hơn, chính kinh nghiệm sống thân tình với Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ hiểu được những lời dạy của Chúa Giêsu. Như vậy, để biết và hiểu điều Chúa Giêsu dạy [hay thánh ý Thiên Chúa], chúng ta phải chìm sâu trong những giây phút thân tình với Thiên Chúa, điều mà chúng ta thường gọi là cầu nguyện. Người không cầu nguyện, dù có học giỏi và có nhiều bằng cấp thì cũng chỉ có được những tư tưởng về Chúa chứ không có Chúa trong cuộc sống, nên sẽ không bao giờ biết và hiểu được thánh ý của Ngài.

Exit mobile version