Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 7 Thường niên

100

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần VII Thường niên

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh

TRUNG THÀNH DƯỚI BÓNG THẬP TỰ

(St 3:9-15.20; Ep 1:3-6.11-12; Lc 1:26-38)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta “thảm cảnh” của nhân loại sau khi Adam và Eva ăn trái cây giữa vườn, cây biết thiện biết ác. Con người đã không còn có được mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và với nhau. Với Thiên Chúa, con người đã lẩn trốn: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (St 3:10). Con người nhận ra sự “trần truồng,” hay đúng hơn sự giới hạn của mình và như thế lẩn trốn khỏi Thiên Chúa. Họ lẩn trốn vì sợ hãi và vì xấu hổ. Đây chính là cảm thức của con người khi phạm tội. Cảm thức này vẫn hiện diện trong mỗi người chúng ta. Nói cách cụ thể, mỗi khi phạm tội, trong chúng ta có một cảm giác xấu hổ, không dám đối diện với Thiên Chúa. Chúng ta muốn trốn chạy khỏi Ngài. Nhưng chúng ta thấy, dù con người trốn chạy, Thiên Chúa vẫn gọi chúng ta: “Ngươi ở đâu?” và Ngài chờ đợi chúng ta trả lời từ trong chỗ ẩn nấp của mình. Sau khi phạm tội, đừng sợ việc trả lời Thiên Chúa khi Ngài gọi. Hãy trả lời cách nhanh chóng, để được Ngài chữa lành. Còn với tha nhân, con người đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho hoàn cảnh để biện mình cho lỗi phạm của mình: “Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: ‘Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?’ Con người thưa: ‘Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.’ Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: ‘Ngươi đã làm gì thế?’ Người đàn bà thưa: ‘Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn’” (St 3:11-14). Chúng ta vẫn sống kinh nghiệm này ngày hôm nay. Nhiều người chúng ta đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh về những thất bại của mình.

Tuy nhiên, trong thảm cảnh đó, chúng ta nhận ra tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không bỏ rơi con người, nhưng hứa ban Đấng Cứu Thế. Tin Mừng đầu tiên được công bố: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: ‘Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó’” (St 3:14-15). Trong những lời này, chúng ta thấy Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Ngài đã có một kế hoạch để cứu chuộc con người bằng cách tiên báo sự chiến thắng trên mãnh lực của sự dữ. Là dòng giống của người “đàn bà,” chúng ta có chiến đấu để chiến thắng mãnh lực của con rắn không hay chúng ta đang làm nô lệ cho nó?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hình ảnh xảy ra dưới chân thập giá: “Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:25-27). Chúng ta chỉ hiểu rõ ý nghĩa đoạn Tin Mừng này khi đặt nó vào trong bối cảnh của toàn Tin Mừng Thánh Gioan. Trong Tin Mừng Nhất lãm, những người phụ nữ theo Chúa Giêsu đứng đằng xa, còn các môn đệ của Ngài thì bỏ trốn. Còn Thánh Gioan lại đưa ra hình ảnh những người phụ nữ theo Chúa Giêsu đứng dưới chân thập giá. Như chúng ta biết, trong Tin Mừng Thánh Gioan, Mẹ Maria xuất hiện hai lần: một lần tại tiệc cưới Cana, và lần thứ hai dưới chân thập giá. Điều này không phải là một sự ngẫu nhiên, nhưng mang ý nghĩa thần học sâu xa. Trong hai lần xuất hiện của Mẹ Maria, Thánh Gioan muốn trình bày cho chúng ta hình ảnh chân chính của một người môn đệ chúa Giêsu, đó là người theo Ngài khi vui tươi, hạnh phúc [như khi tham dự tiệc cưới] cũng như lúc buồn phiền, đau khổ [như khi đứng dưới chân thập giá]. Cuộc sống mỗi người chúng ta cũng có nhiều niềm vui và đau khổ. Mẹ Maria dạy chúng ta luôn ở bên cạnh, luôn trung thành với Chúa Giêsu trong mọi giây phút.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về dưới chân thập giá. Trong khi Tin Mừng Nhất Lãm thuật lại một số lời và hành động của Chúa Giêsu xảy ra khi Ngài bị treo trên thập giá. Những lời và hành động này mang lại những phản ứng khác nhau từ những người “ở bên ngoài.” Tin Mừng Thánh Gioan tập trung vào Chúa Giêsu và những kẻ “thuộc về Ngài.” Họ không phải là những người bàng quang đứng từ xa để nhìn như những phụ nữ trong Mc 15:40-41. Theo Thánh Gioan, dưới chân thập giá một gia đình mới được thiết lập, được quy tụ. Điều này được trình bày qua những lời Chúa Giêsu nói với Mẹ Maria và người môn đệ được Ngài yêu. Khi phó dâng Mẹ mình cho người môn đệ Ngài yêu, Chúa Giêsu chỉ ra cho biết sứ mệnh của Ngài đã hoàn tất trong tình yêu và những điều chuẩn bị cần thiết cho tương lai của những kẻ “thuộc về Ngài.” Sứ mệnh của Ngài là quy tụ một gia đình mới không theo máu mủ huyết thống. Điều này xảy ra dưới chân thập giá! Mỗi lần ngắm nhìn thập giá, chúng ta được mời gọi nhìn người khác với ánh mắt yêu thương, vì họ chính là anh chị em mình. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao chúng ta cho nhau để yêu thương và tha thứ. Đừng để cái chết của Chúa Giêsu trở nên vô hiệu trong cuộc sống chúng ta.

*****************

THỨ BA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU LUÔN LÀM ĐIỀU TỐT CHO NGƯỜI KHÁC

(Gc 4:1-10; Mc 9:30-37)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta lời dạy của Thánh Giacôbê về việc tranh chấp và xung đột trong cộng đoàn. Theo thánh nhân, lý do chính yếu cho việc tranh chấp và xung đột là do “những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em” (4:1). Tất cả cũng do lòng ham muốn, lòng tham của con người: “Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (4:2-3). Khi ham muốn và có lòng tham, chúng ta tìm mọi cách để thoả mãn và thu gom cho riêng mình để rồi chà đạp lên lợi ích của anh chị em mình. Khi sống như thế, chúng ta trở thành bạn của thế gian. Thánh Giacôbê mời gọi chúng ta hãy đến gần Chúa, hãy rửa tay cho sạch, hãy tẩy luyện tâm can, hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Những điều này là những dấu hiệu chứng tỏ rằng chúng ta tự hạ chính mình trước mặt Thiên Chúa và như vậy Thiên Chúa sẽ nhắc chúng ta lên (x. 4:5-10).

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu phần 2 hướng dẫn về Chúa Giêsu và các môn đệ (Mc 9:30-10:31). Điều giữ cho những lời giảng dạy khác nhau được hoà hợp là đề tài về Nước Thiên Chúa và những đòi hỏi để được vào. Rất nhiều những đòi hỏi rất triệt để, và được xem là có nền tảng trên kinh nghiệm của chính Chúa Giêsu với các môn đệ đầu tiên và nỗ lực của Giáo Hội tiên khởi để tiếp tục lối sống này trong việc từ bỏ như là cách thức đóng góp vào việc công bố Nước Thiên Chúa.

Trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay bao gồm lời tiên báo thứ hai của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài (9:30-32) và việc Chúa Giêsu sửa sai sự hiểu lầm của các môn đệ về ơn gọi làm môn đệ (9:33-37). Trọng tâm của trình thuật là câu 35, vì nó trình bày cho chúng ta hình ảnh người môn đệ chân thật là người “làm người rốt hết và người phục vụ mọi người.” Trong phần 1, chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là lý do Chúa Giêsu không muốn cho ai biết về việc Ngài đi băng qua miền Galilê, đó là để dạy các môn đệ về cuộc thương khó và phục sinh của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (9:31). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này ẩn chứa việc Giuđa phản bội Chúa Giêsu và cách thức Chúa Giêsu chết cách nào không được nói rõ. Tuy nhiên, những điều đó không quan trọng. Điều được nhắm đến trong bản văn là trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, cái chết của Chúa Giêsu là trọng tâm. Bên cạnh đó, chi tiết này cũng ám chỉ sứ vụ công khai của Chúa Giêsu ở Galilê đã kết thúc. Đứng trước lời tiên báo lần thứ hai của Chúa Giêsu, các môn đệ “không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (9:32). Sau lời tiên báo thứ nhất (x. 8:31) và những lời giải thích của Chúa Giêsu, thật khó để hiểu lý do tại sao các môn đệ vẫn chưa hiểu điều Ngài muôn nói. Bản văn cho thấy, họ sợ không dám hỏi Chúa Giêsu. Nhưng theo các học giả Kinh Thánh, việc Thánh Máccô giữ điểm này là để phát triển một hình ảnh hơi tiêu cực về các môn đệ và sẽ được phát triển trong phần kế tiếp của trình thuật. Hình ảnh này cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Là những người theo Chúa Giêsu, nhưng chúng ta vẫn không hiểu điều Ngài dạy chúng ta. Nếu có hiểu thì chúng ta cũng không mang ra thực hành. Và như vậy, chúng ta còn tranh giành quyền lợi và chỗ cao chỗ thấp như các môn đệ làm: “Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: ‘Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?’ Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (9:33-34).

Đứng trước sự tranh chấp của các môn đệ, Chúa Giêsu dạy các ông phải trở nên những người rốt hết và phục vụ mọi người (9:35). “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: ‘Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy’” (9:36-37). Dùng hình ảnh đứa trẻ để dạy các môn đệ, Chúa Giêsu muốn họ phải trong trắng, đơn sơ và khiêm nhường như một người không có quyền pháp lý trong xã hội. Đứa trẻ không thể làm gì cho các môn đệ; vì vậy, việc đón nhận một đứa trẻ là thực hiện một hành vi bác ái cho một người nhỏ bé trong xã hội, mà không hy vọng sẽ nhận được phần thưởng hay được trả lại. Đây chính là thái độ sống mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ thực hiện trong đời sống hằng ngày.

*****************

THỨ TƯ TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

SỐNG HIỆP NHẤT TRONG CHÚA

(Gc 4:13-17; Mc 9:38-40)

Ai trong chúng ta cũng mong ước có một tương lai thật tốt đẹp. Chúng ta lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Chúng ta thường nghe những lời sau: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên,” hay “người tính không bằng trời tính.” Nhiều người trong chúng ta đã trải qua những kinh nghiệm như thế vì không ai trong chúng ta không biết ngày mai mình sẽ như thế nào. Thánh Giacôbê nói về kinh nghiệm này như sau: “Anh em thân mến, bây giờ, hãy nghe tôi. Có những kẻ nói: “Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành nọ thành kia, sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời,” trong khi các người không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, các người chỉ là hơi nước xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi” (Gc 4:13-14). Khi nói điều này, Thánh Giacôbê không có ý khuyên chúng ta sống theo “chiều gió,” chỉ biết ngày hôm nay. Ngài muốn chúng ta sống với trọn niềm tin vào Thiên Chúa,  Đấng thấu suốt hết mọi sự. Nói một cách cụ thể, thánh nhân khuyên chúng ta sống và làm mọi việc vì “nếu Chúa muốn,” chứ không phải “tôi muốn” hoặc “chúng tôi muốn.” Thật vậy, mỗi thời khắc trong cuộc sống của chúng ta đều thuộc về Chúa. Chúng ta không biết trong những giờ tới hoặc ngày mai chúng ta sẽ như thế nào. Nhưng nếu chúng ta biết phó thác đường đời mình cho Chúa và tin rằng bàn tay Ngài luôn đỡ nâng và dẫn chúng ta đi, chúng ta sẽ biết mình phải sống mỗi giây phút như thế nào.

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay giống với câu chuyện được trình thuật trong sách Dân Số (11:26-30). Sách Dân Số kể cho chúng ta nghe về việc Joshua đến nói với Môsê về trường hợp nói tiên tri của Eldad và Medad. Nhưng Môsê trách mắng thái độ ghen tỵ của Joshua. Thái độ rất khoan hồng của Môsê đối với Eldad và Medad được phản ảnh trong thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta có thể rút ra những điểm sau để suy gẫm cho ngày sống của chúng ta:

Thứ nhất, tránh thái độ cục bộ và giới hạn quyền năng của Thiên Chúa: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9:38). Chẳng có mấy người trong chúng ta vui khi những người chúng ta không thích được thành công hoặc được Thiên Chúa nhận lời cầu nguyện của họ. Không những thế, chúng ta còn cắt nghĩa sai về những việc tốt họ làm đơn giản vì “họ không theo chúng ta.” Thái độ cục bộ này thường gây chia rẽ trong Giáo Hội, trong giáo phận và trong giáo xứ [trong nhà dòng, trong cộng đoàn]. Nếu không làm được điều tốt thì chúng ta đừng ngăn cản hoặc cắt nghĩa sai hoặc nói xấu những người khác khi họ làm việc tốt nhân danh Chúa Giêsu.

Thứ hai, luôn trung thành với thái độ sống của mình, đừng chuyển từ làm việc tốt sang “nói xấu” nhau: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9:39). Ở đây, Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta một chân lý sống cần thiết, đó là, “đừng trở mặt” hay “thay lòng đổi dạ”: Những người lấy danh nghĩa Ngài để làm việc tốt thì cũng phải nói tốt về Ngài. Dùng danh Chúa Giêsu để làm điều tốt và nói tốt về Ngài thì dễ, nhưng dùng danh nghĩa Chúa Giêsu để làm việc tốt rồi nói tốt cho anh chị em của mình là điều khó đối với chúng ta.

Thứ ba, cộng tác với người khác không thuộc “phe” chúng ta để làm việc tốt: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:40). Đây là hình thức “tổng quát hoá” của điều Chúa Giêsu dạy ở trên, đó là, tránh thái độ loại trừ người khác. Một thực tế mà chúng ta học được trong câu nói của Chúa Giêsu là dù người khác như thế nào, nhưng họ không “chống lại” khi chúng ta làm việc tốt là họ đang ủng hộ chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý rằng: Những người không chống đối khi chúng ta làm việc tốt là ủng hộ chúng ta. Còn nếu chúng ta làm điều xấu mà bị họ chống đối, thì những người chống đối là những “ân nhân” của chúng ta; còn những người khuyến khích hoặc không chống đối khi chúng ta làm điều xấu là những người “chống đối” và là kẻ thù thật sự của chúng ta.

*****************

THỨ NĂM TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

TRÁNH CỚ VẤP NGÃ

(Gc 5:1-6; Mc 9:41-50)

Thánh Giacôbê trong bài đọc 1 khuyến cáo những người giàu có về thái độ sống của họ. Thánh Giacôbê khuyến cáo họ những điểm sau: (1) tài sản của họ chỉ là những thứ chóng tàn [“Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này” (Gc 5:2-3)]; (2) gian lận không trả lương theo lẽ công bình và bác ái [“Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (Gc 5:4)]; (3) sống lối sống xa hoa, buông theo khoái lạc [“Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thoả mãn trong ngày sát hại” (Gc 5:5)]; (4) kết án và giết hại người vô tội [“Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:6)]. Đọc bốn điểm này, ai trong chúng ta cũng không khỏi tự vấn lòng mình vì chúng ta cũng đã sống lối sống như thế. Sự giàu có [về của cải hay tài năng] dễ làm chúng ta trở nên kiêu ngạo để rồi chúng ta không cần Chúa và xem thường anh chị em mình. Người giàu có là người có Chúa làm gia nghiệp và anh chị em mình làm bạn đồng hành trên đường về thiên đàng.

Câu đầu tiên của bài Tin mừng hôm nay tiếp tục tư tưởng về việc sử dụng “danh Chúa Giêsu” của những ngày trước, nhất là ngày hôm qua. Điểm khác biệt so với hôm qua là thay vì nói đến thái độ đón nhận người khác nhân danh Chúa Giêsu thì Thánh Maccô nói đến làm việc tốt cho người khác nhân danh Chúa Giêsu: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9:41). Tuy nhiên, toàn bộ lời dạy của Chúa Giêsu chuyển từ thể tích cực trong câu 41 [làm tốt cho người khác] sang thể tiêu cực [nên cớ vập phạm cho người khác] trong những câu tiếp theo của Tin Mừng.

Trong phần tiếp theo của bài Tin Mừng hôm nay, từ “làm cớ” là “khẩu hiệu”: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9:42). Từ này có thể dịch là “nguyên nhân cho người khác phạm tội” hoặc “đặt một chướng ngại vật trước người khác.” Và từ “những kẻ bé mọn” không có nghĩa là những “đứa trẻ con,” nhưng là các thành viên của cộng đoàn. Tất cả các câu tiếp theo từ câu 43 đến 48 có chung một cấu trúc, nhưng chuyển từ việc làm cớ cho người khác sa ngã đến việc một bộ phận của cơ thể làm cớ cho chúng ta sa ngã, khi đó chúng ta phải cắt bộ phận đó để chúng ta có thể vào cõi sống/Nước Thiên Chúa và tránh được hoả ngục: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9:43-48).

Nhiều người trong chúng ta hiểu đoạn Tin Mừng này theo nghĩa văn tự, tức là nghĩa đen của từ. Nói cách khác, chúng ta áp dụng những lời Chúa Giêsu dạy vào trong cuộc sống của mình: Nếu tay, hoặc chân hoặc mắt làm cớ vấp phạm cho chúng ta, chúng ta hãy cắt nó khỏi cơ thể chúng ta. Nếu làm như thế, không ai trong chúng ta còn tay, còn chân hay còn mắt. Vậy Chúa Giêsu muốn dạy điều gì ở đây?

Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu đang dạy các môn đệ của Ngài về chân tính của Ngài là Đấng Messia và ơn gọi của người môn đệ. Trong những ngày vừa qua, chúng ta nghe từ Tin Mừng việc Chúa Giêsu khuyên dạy các môn đệ những thái độ cần có để sống với nhau, nhất là thái độ đón nhận nhau nhân danh Ngài. Theo nghĩa này, chúng ta thấy những lời dạy của Chúa Giêsu trong những câu trên mang nghĩa cộng đoàn và nhằm mục đích nói đến khả thể loại trừ những thành viên làm cớ vấp phạm cho người khác trong cộng đoàn vì trong văn hoá Hy Lạp – Roma cổ, người ta sử dụng “thân thể” như hình ảnh tượng trưng cho cộng đoàn [chúng ta thấy điều này rõ ràng trong tư tưởng của Thánh Phaolô].

Câu cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về lại với điều Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ về ơn gọi của mình, đó là, trong thế gian họ phải là muối để ướp mặn cộng đoàn chứ không phải là gương mù gương xấu cho người khác trong cộng đoàn: “Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau” (Mc 9:50). Nói cách khác, Ngài mời gọi chúng ta phải sống trung thành với bản chất môn đệ [là muối men cho đời] của mình.

 

*****************

THỨ SÁU TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

SỐNG TRỌN VẸN Ý ĐỊNH BAN ĐẦU CỦA THIÊN CHÚA

(Gc 5:9-12; Mc 10:1-12)

Về phần mình, Thánh Giacôbê trình bày cho chúng ta biết rằng, để sống niềm vui của việc đón mừng Chúa đến trong ngày sống, chúng ta phải sống kiên nhẫn. Thánh nhân sử dụng hình ảnh của nhà nông để nói lên thái độ chúng ta cần phải có khi chờ đợi ngày Thiên Chúa quang lâm: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa” (Gc 5:7-8). Hơn nữa, trong khi chờ đợi, “anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa” (Gc 5:9). Nhiều người trong chúng ta thường hay phàn nàn kêu trách khi mong chờ một điều gì đó. Chúng ta thường mất kiên nhẫn để rồi có những thái độ hay lời nói làm tổn thương người khác. Chúng ta không thể lớn lên trong đời sống nhân đức nếu chúng ta không có sự kiên nhẫn và một sự thinh lặng thâm sâu của cõi lòng kết hợp với Chúa. Cuối cùng, thánh nhân mời gọi chúng ta noi gương các ngôn sứ, là những vị đã nói nhân danh Chúa, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn (x. Gc 5:10). Để đạt được điều này, chúng ta cần sống thật, “hễ “có” thì phải nói “có,” “không” thì phải nói “không” (Gc 5:12). Thật vậy, những người sống thật là những người có sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn khi bị người khác phàn nàn kêu trách.

Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với mấy người Pharisêu hôm nay nằm trong bối cảnh việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ về những thách đố để trở nên môn đệ chân chính của Ngài. Lời dạy của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay phản ánh chính quan điểm của Chúa Giêsu về đời sống hôn nhân và quan điểm của Ngài hoàn toàn khác với quan điểm về hôn nhân tìm thấy trong Cựu Ước và các tôn giáo khác. Để hiểu lời dạy của Chúa Giêsu về hôn nhân tốt hơn, chúng ta có thể sắp xếp lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và mấy người Pharisêu như một bản kịch như sau:

Người dẫn: Khi ấy, Đức Giêsu, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ (Mc 10:1). Trong khi Đức Giêsu đang giảng dạy, có mấy người Pharisêu đến hỏi ý kiến của Ngài về đời sống hôn nhân.

Mấy người Pharisêu: Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? (Mc 10:2).

 Chúa Giêsu: Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì? (Mc 10:3).

Mấy người Pharisêu: Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ (Mc 10:4).

Chúa Giêsu: Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly (Mc 10:5-9).

Chúng ta thấy trong cuộc đối thoại này điều Chúa Giêsu quở trách những người Pharisêu trong chương 7 về việc họ lấy truyền thống cha ông để biện minh cho những việc làm sai trái của họ và không thi hành luật của Thiên Chúa. Cụ thể hơn, mấy người Pharisêu nại vào “phép” của ông Môsê để rẫy vợ, còn Chúa Giêsu thì đưa họ [và chúng ta] về với ý định ban đầu của Thiên Chúa khi Ngài sáng tạo người nam và người nữ. Ngài muốn tình yêu của họ phản chiếu cách trung thực tình yêu của Ngài, là tình yêu vô điều kiện và trung thành, là tình yêu làm cho Cha, Con và Thánh Thần nên một. Chính vì lẽ đó mà “họ không còn là hai [như Cha, Con, Thánh Thần không còn là ba], nhưng chỉ là một xương một thịt [nhưng chỉ là một Chúa].” Như vậy, trong ý định của Thiên Chúa, không có việc rẫy nhau. Chúng ta có thể rút ra điều gì ở đây? Nơi nào con người sống theo “ý định ban đầu” của Thiên Chúa [dù trong đời sống hôn nhân hay đời sống thánh hiến], nơi đó có hiệp nhất, có một lòng một trí; còn nơi nào con người sống theo “ý định nhất thời của mình,” nơi đó chỉ có chia rẽ và nước mắt.

Hai chi tiết cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay mà chúng ta đã quen thuộc là: (1) Động lực đến đối thoại với Chúa Giêsu của mấy người Pharisêu là “để thử Người” (Mc 10:2); (2) Chúa Giêsu giải thích mọi sự cho các môn đệ khi họ “ở trong nhà” với Ngài: “Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy” (Mc 10:10). Khi đặt hai chi tiết này với nhau, chúng nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải “ở một mình với Chúa,” nhưng với một động lực đúng nếu chúng ta muốn biết và hiểu đường lối và mệnh lệnh của Ngài: “Lạy Chúa, trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi.”

*****************

THỨ BẢY TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

ĐÓN NHẬN NƯỚC CHÚA VỚI TÂM HỒN TRẺ THƠ

(Gc 5:13-20; Mc 10:13-16)

Bài đọc 1 hôm nay được trích để đọc trong nghi thức xức dầu bệnh nhân hoặc trong những Thánh Lễ xin ơn chữa lành. Thánh Giacôbê chỉ ra cho chúng ta biết khi đau khổ, khi vui, khi đau yếu, chúng ta cần làm gì: “Anh em thân mến, ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5:13-14). Chúng ta đã thực hiện những điều này chưa?

Điểm thứ hai Thánh Giacôbê chỉ ra để chúng ta suy gẫm là hiệu quả của lời cầu nguyện của người có lòng tin: “Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5:15). Những lời này cho thấy lời cầu nguyện với lòng tin có sức mạnh chữa bệnh và có thể mang lại sự tha thứ cho lỗi lầm đã phạm. Tuy nhiên, thông thường chúng ta cầu nguyện để chữa lành những căn bệnh thể xác mà quên đi những căn bệnh linh hồn cần được chữa lành. Chính những căn bệnh linh hồn làm chúng ta xa Chúa và anh chị em mình. Vì vậy, điểm cuối cùng thánh nhân mời gọi chúng ta suy gẫm là phải có thái độ yêu thương với những anh chị em lạc xa chân lý: “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý, và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình” (Gc 5:19-20). Chúng ta có thái độ như thế nào khi một trong những anh chị em chúng ta lạc xa chân lý: kiên nhẫn dẫn đưa họ về hay loại trừ và nói không hay không tốt về họ?

Sau lời giảng dạy về đời sống vợ chồng ngày hôm qua, lời dạy về con cái của Tin Mừng hôm nay đi theo sau là hợp lý. Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ về việc trở nên giống trẻ em, Chúa Giêsu không đơn giản nói đến việc trở nên theo thể lý. Ngài có ý nhắm đến bình diện “tương quan.” Chúng ta phải chân nhận rằng, đối với trẻ em, mối tương quan quan trọng nhất đối với chúng là tương quan với bố mẹ. Không có mối tương quan nào quan trọng hơn mối tương quan này! Nhưng khi lớn lên, chúng có những mối tương quan khác [bạn bè, vợ chồng, đồng nghiệp] và những mối tương quan này đôi khi làm cho tương quan với bố mẹ trở nên thứ yếu.

Khi đặt những lời Chúa Giêsu nói cho các môn đệ trong bối cảnh tương quan như trên, chúng ta hiểu rõ hơn điều Ngài muốn ám chỉ trong câu: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10:14-15). Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là: Trong Nước Thiên Chúa, chỉ có một mối tương quan là quan trọng: Thiên Chúa là Cha, còn tất cả chúng ta là con cái của Ngài và là anh chị em của nhau. Còn nhìn từ khía cạnh Kitô học, trong những lời trên của Chúa Giêsu, Ngài muốn các môn đệ phải học ở Ngài, vì Ngài luôn sống tinh thần “trẻ thơ” [là Con] với Chúa Cha. Theo văn hoá thời đó của người Do Thái, trẻ em thường được trình bày để làm ví dụ cho những hành vi “không hợp lý” theo lẽ con người và cần phải được dạy dỗ. Đây chính là điều cần thiết mà Chúa Giêsu đề ra để được vào Nước Thiên Chúa: Ai muốn vào Nước Thiên Chúa thì cần phải từ bỏ lối lý luận hợp lý của con người để được Thiên Chúa dạy dỗ cho lối lý luận của Ngài.

Tuy nhiên, đoạn Tin Mừng này không có ý nói về trẻ nhỏ, nhưng nói về Nước Thiên Chúa và những ai sẽ được vào. Một cách tổng quát, chỉ những ai nhận ra và đón nhận Nước Thiên Chúa như một món quà nhưng không với thái độ ngạc nhiên và hạnh phúc của trẻ nhỏ mới được vào; Nước Thiên Chúa chỉ dành cho những ai không cậy dựa vào quyền lực hoặc địa vị của mình như trẻ nhỏ là những người không có quyền lực và địa vị, bởi vì Nước Thiên Chúa siêu việt trên mọi quyền lực và địa vị của con người.

Câu đầu tiên và câu kết thúc của đoạn Tin Mừng hôm nay giống nhau. Cả hai nói về việc Chúa Giêsu đặt tay chúc lành cho trẻ em: “Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng” (Mc 10:13) và “Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10:16). [Theo tư tưởng của người Do Thái, “trẻ em” bao gồm những em từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến 12 tuổi]. Khi để hai câu này với nhau, chúng ta khám phá ra vẻ đẹp của chúng, đó là sự “hợp tác” giữa chúng ta với Chúa Giêsu để mang lại ơn lành cho người khác. Một cách cụ thể, về phần mình, chúng ta “dẫn người khác đến với Chúa Giêsu và xin Ngài chúc lành cho họ”; về phần Ngài, Chúa Giêsu “ôm lấy họ và đặt tay chúc lành cho họ.” Không có sự “hợp tác” nào đẹp cho bằng sự hợp tác này vì nó không nhắm đến lợi ích cá nhân của mình, nhưng luôn nhắm đến lợi ích của người khác. Đây chính là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa vì “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17).