THỨ HAI TUẦN VI PHỤC SINH
LÀM CHỨNG CHO CHÚA QUA ĐỜI SỐNG VỮNG MẠNH TRONG ĐỨC TIN
(Cv 16:11-15; Ga 15:26 – 16:4a)
Bài đọc 1 hôm nay tiếp tục trình bày cho chúng ta về hành trình rao giảng Tin Mừng của Thánh Phaolô. Những chương sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta đọc trong các tuần vừa qua, chỉ nói đến những người nam lắng nghe và trở lại đạo. Hôm nay, chúng ta thấy một người phụ nữ và cả nhà bà tin vào lời chứng của Phaolô và “chịu phép rửa” (Cv 16:15). Điều này nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ. Không chỉ người nam được đón nhận ơn cứu độ và có ảnh hưởng trên người khác, nhưng những người phụ nữ cũng được cứu độ và có vai trò quan trọng trong công việc rao giảng Tin Mừng.
Hình ảnh của bà Lyđia làm chúng ta suy gẫm. Trước khi đón nhận Tin Mừng, bà đã là “người tôn thờ Thiên Chúa.” Khi nghe những lời Phaolô nói, Thiên Chúa mở lòng bà để đón nhận sứ điệp Tin Mừng. Sau khi chịu phép rửa, bà mời Phaolô và các môn đệ khác đến ở nhà bà và sẵn sàng giúp các ngài trong công việc rao giảng Tin Mừng. Hành trình của bà Lyđia nhắc nhở chúng ta về hành trình đức tin của mình. Bà Lyđia có một đức tin từ cõi thâm sâu của con tim. Bà luôn khao khát được lắng nghe Tin Mừng. Và khi được rao giảng, bà nhanh chóng đón nhận đức tin. Và khi đã đón nhận đức tin, bà bắt đầu hành động, hay đúng hơn, đức tin của bà hướng dẫn bà trong các hoạt động bà thực hiện, đó là đón rước và cộng tác với các Tông Đồ trong việc rao giảng Tin Mừng. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã lắng nghe, đã đón nhận đức tin, nhưng đức tin có hướng dẫn chúng ta trong các việc làm hay không? Chúng ta có diễn tả đức tin qua việc làm của mình để người khác nhìn thấy và tin vào Thiên Chúa không? Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17).
Hình ảnh Phaolô được bà Lyđia đón nhận trong bài đọc 1 hôm nay tương phản với hình ảnh bị khai trừ của các môn đệ mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Phần 1 (Ga 15:26-27) trình bày cho chúng ta biết Đấng Bảo Trợ chính là chứng nhân cho Chúa Giêsu và phần 2 (Ga 16:1-4a) nói về việc các môn đệ của Chúa Giêsu sẽ bị bắt bớ. Ca hai phần đều xoay quanh đời sống làm chứng của các môn đệ với sự trợ giúp của Đấng Bảo Trợ để đối diện với những bách hại. Trong phần 1, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết rằng Đấng Bảo Trợ sẽ cùng làm chứng với các môn đệ về Chúa Giêsu: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” Khi nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng tá của các môn đệ trong thời gian bị bách hại, chúng ta cũng tìm thấy những bản văn tương đồng trong Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mc 13:9,11; Mt 10:20). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, những câu trên gắn kết “lời chứng” của Đấng Bảo Trợ với “lời chứng” mà các môn đệ phải nói về Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, nếu trình thuật này được viết lên như phần 2 của trình thuật đi trước, thì “lời chứng” của các môn đệ về Chúa Giêsu có thể ám chỉ việc “sinh nhiều hoa trái” [trong đời sống yêu thương]. Tuy nhiên, điều chúng ta suy gẫm ở đây là việc chúng ta phải ý thức rằng chúng ta luôn làm chứng cho Chúa Giêsu cùng với Đấng Bảo Trợ. Trong đời sống chứng nhân, chúng ta không hoạt động một mình. Sống trong thế giới bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân, nhiều người trong chúng ta chỉ tập trung vào chính mình, quy mọi sự cho mình ngay cả những công việc tự bản chất chỉ mang vinh quang cho Thiên Chúa và phần rỗi cho anh chị em. Chúng ta cần nhắc nhở chính mình là chúng ta luôn sống trong tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em và với vũ trụ. Tất cả những gì chúng ta làm đều bắt đầu và kết thúc với ơn Chúa. Chúng ta không có gì để tự phụ!
Trong 14:29 [“Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin”], chúng ta đọc thấy lời Chúa Giêsu như một khẳng định đức tin của các môn đệ trước sự kiện Chúa Giêsu chịu đóng đinh, thì câu 16:1nói về khả thể của việc vấp ngã vì thập giá Chúa Giêsu: “Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã” (Ga 16:1). Thuật ngữ “vấp ngã” được sử dụng trong 6:61 [“Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: ‘Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?’”] để diễn tả những người môn đệ “vấp ngã” vì những lời Chúa Giêsu nói về bánh hằng sống được sử dụng ở đây để nói lên mối nguy hiểm mà trình thuật này muốn chỉ ra, đó là những cuộc bách hại tàn bạo sẽ làm cho nhiều người từ chối tin vào Chúa Giêsu. Chúng ta không còn sống trong những cuộc bách hại như thời của các tín hữu đầu tiên, nhưng khả thể vấp ngã của người môn đệ vẫn được chúng ta cảm nghiệm trong đời sống hằng ngày. Một cách cụ thể, nhiều người trong chúng ta vấp ngã ngay cả khi chúng ta làm việc vì danh Chúa, đó là khi chúng ta tỏ thái độ ghen tỵ, chống đối, chia rẽ, nói xấu, cắt nghĩa sai trong đời sống phục vụ. Rồi chúng ta cũng vấp ngã khi được mời gọi chia sẻ với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thập giá của Ngài lúc đau ốm bệnh tật, lúc gặp thử thách, khó khăn và đau khổ, lúc bị hiểu lầm và loại trừ. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu về khả thể vấp ngã vì Ngài giúp chúng ta ý thức hơn thân phận yếu đuối của mình để sống gắn bó mật thiết với Ngài hơn trong từng ngày sống của mình.
Sau khi nói đến khả thể “vấp ngã,” Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ biết về những điều sẽ xảy ra trong khi họ đối diện với bách hại: “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi” (Ga 16:2-4a). Những thực tại về việc bị loại trừ cũng được chúng ta đối diện trong đời sống hằng ngày của mình, nhất là trong đời sống của các hội đoàn hoặc cộng đoàn. Sự khai trừ xảy ra khi lối sống của chúng ta khác với những người khác vì chúng ta thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Chúa Giêsu. Điều đáng để chúng ta xét mình ở đây là việc Chúa Giêsu chỉ ra nguyên nhân của việc bách hại và loại trừ có thể đến từ những “ý hướng có vẻ tốt” – nhân danh Thiên Chúa. Nhiều lần chúng ta cũng “dùng danh Chúa” để loại trừ anh chị em của mình. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng khi chúng ta loại trừ anh chị em mình là chúng ta chưa biết hoặc không biết Chúa Cha và Chúa Giêsu. Thiên Chúa của chúng ta là Đấng chậm giận và rất mực khoan dung, Ngài là Đấng không loại trừ ai ra khỏi tình yêu của mình. Học ở nơi Ngài, chúng ta sống đời sống yêu thương tha thứ, không loại trừ anh chị em mình ra khỏi con tim của mình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được nhắc nhở rằng dù bị anh chị em mình loại trừ, Thiên Chúa luôn yêu thương và có chỗ cho chúng ta trong trái tim Ngài.
************
THỨ BA TUẦN VI PHỤC SINH
SỐNG NIỀM VUI TRONG THÁNH THẦN
(Cv 16:22-34; Ga 16:5-11)
Một hình ảnh thật cảm động được trình bày trong bài đọc 1 hôm nay, đó là việc Phaolô và Xila rao giảng Tin Mừng ngay cả trong lúc bị chống đối, đánh đòn và bị lao tù. Các ngài cảm hoá ngay cả viên cai ngục [và cả nhà của ông], người “tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại” (Cv 16:24), hay nói đúng hơn là “kẻ thù” của hai ông. Chính thái độ “lấy ơn báo oán” của hai ngài đã cải hoá người cai tù và gia đình ông. Ai trong chúng ta cũng muốn cải hoá người khác, nhất là những người mà chúng ta cho là không tốt [hoặc chưa tốt], những người làm chúng ta phải rơi lệ. Nhưng cách thức chúng ta cảm hoá họ đôi khi mang tính cách “trả thù” và với thái độ “trịch thượng và dạy đời” hơn là tỏ cho họ sự hiền dịu, yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Lời mời gọi của Chúa Giêsu cho các môn đệ, hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét các con, phải là một trong những tính chất của những người Kitô hữu. Chúng ta cần phải tận dụng mọi cơ hội để tỏ cho người khác tình yêu và niềm vui được biết và tin vào Thiên Chúa.
Về phần mình, người cai ngục đã nhận ra tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho ông sau sự kiện động đất và những người tù “không trốn chạy.” Điều để chúng ta suy gẫm là câu hỏi đầu tiên của ông với Phaolô và Xila sau sự kiện: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu độ?” (Cv 16:30). Ông không hỏi: “Tại sao các ông không chạy trốn khi có cơ hội?” Ông biết nhìn vượt qua sự kiện để nhận ra ý định cứu độ của Thiên Chúa dành cho ông và gia đình của ông. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Thiên Chúa có thể dùng tất cả những sự kiện [vui hay buồn, tốt hay xấu] xảy ra trong ngày sống hầu mưu ích ơn cứu độ cho chúng ta và cho những người thân yêu của chúng ta. Liệu chúng ta có nhìn ra bàn tay nhân từ của Ngài trong những sự kiện xảy ra trong ngày sống không?
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục trình thuật cho chúng ta về những lời an ủi của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi Ngài ra đi về với Chúa Cha: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: ‘Thầy đi đâu?’ Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền” (Ga 16:5-6). Việc ra đi của Chúa Giêsu làm các môn đệ ưu phiền. Phần này nhằm mục đích giới thiệu những gì Chúa Giêu sẽ nói với các môn đệ trong phần sau và sử dụng một vài câu nói của phần đi trước như là (1) điểm quy chiếu là Chúa Giêsu, Đấng nói cho họ nghe những điều sẽ xảy ra, (2) sự tương phản giữa việc khi Chúa Giêsu ở với các môn đệ và sự ra đi của Ngài được lặp lại, (3) việc sử dụng cụm từ “ngay từ đầu.” Điều chúng ta lưu ý ở đây là điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ là nguyên nhân làm cho các ông ưu phiền [trong câu 6]. Những lời này ngược với những lời Chúa Giêsu nói trong 15:11, “Thầy nói những điều này với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” Những chi tiết này cho chúng ta thấy lời nói của Chúa Giêsu “như con dao hai lưỡi” cắt tận tâm can chúng ta để lộ ra những cảm xúc vui buồn của cuộc sống. Hãy để lời Chúa diễn tả cũng như hướng dẫn cảm xúc của ngày sống chúng ta.
Nhưng Chúa Giêsu cho các môn đệ biết về mối lợi họ sẽ nhận được khi Ngài ra đi về với Chúa Cha: “Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16:7). Trong những lời này, Chúa Giêsu lặp lại cho các môn đệ rằng họ phải vui mừng khi ngài ra đi (x. Ga 14:27b-28). Bên cạnh đó, cụm từ “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” ám chỉ đến sự hoàn thành của kế hoạch Thiên Chúa đã hoạch định (x. Ga 11:50), đó là Đấng Bảo Trợ sẽ đến khi Chúa Giêsu ra đi. Theo các học giả Kinh Thánh, việc đến của Đấng Bảo Trợ có thể được liên kết với món quà của Thánh Thần mà các môn đệ chỉ nhận được sau khi Chúa Giêsu được tôn vinh (x. Ga 7:39; 20:17,22). Chi tiết trên chỉ cho chúng ta thấy rằng có nhiều thứ trong cuộc sống chúng ta nghĩ là điều tuyệt hảo nhất và chúng ta cố giữ lại cho riêng mình cho đến muôn đời. Nhưng trong kế hoạch của Thiên Chúa, những điều đó chỉ là “bước chuẩn bị” cho một điều gì tốt đẹp hơn mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta đừng “ngủ quên” trong những niềm vui hoặc thành công của mình, nhưng biết tiếp tục nhìn về phía trước, nhìn về những niềm vui trọn vẹn hơn [trên thiên đàng] mà trong kế hoạch yêu thương, Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta.
Bài Tin Mừng kết thúc vời lời của Chúa Giêsu về vai trò xét xử thế gian của Đấng Bảo Trợ: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử: về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Ga 16:8-11). Vai trò của Đấng Bảo Trợ trong những lời trên mang tính chất pháp lý. Lối diễn tả “chứng minh” có thể mang nghĩa: (1) “mang ra ánh sáng,” “làm tỏ lộ ra”; (2) “kết tội.” Mặc dù, “Đấng Bảo Trợ” thường được xem như một người chuyển cầu hoặc bảo vệ, truyền thống của Thánh Gioan đã chuyển “đấng bảo vệ” của Israel, là Môsê, thành người tố cáo Israel. Lối diễn tả “Thần Khí sự thật,” liên kết với Đấng Bảo Trợ trong cộng đoàn Thánh Gioan, có thể ám chỉ đến một người hướng dẫn như thiên thần cho những người công chính và cho hoạt động bên trong của lương tâm. Với Đấng Bảo Trợ đến, việc xét xử thế gian của Chúa Giêsu được quyết định và tội bị xét xử là “không tin,” tội mà được nói đến nhiều lần trong Tin Mừng. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng không tin vào Chúa Giêsu: Chúng ta không tin khi chúng ta phạm tội; chúng ta không tin khi chúng ta không sống một đời sống cống chính; chúng ta không tin khi chúng ta không để cho tình yêu của Chúa Giêsu biến đổi chúng ta; chúng ta không tin khi để cho tình yêu thập giá trở nên vô hiệu trong cuộc sống chúng ta. Đời sống đức tin chỉ chiếu sáng khi chúng ta để cho mình hoàn toàn được Thiên Chúa chiếm lấy và sử dụng theo thánh ý Ngài.
*******************
THỨ TƯ TUẦN VI PHỤC SINH
CHÚA THÁNH THẦN: ĐẤNG DẪN CHÚNG TA ĐẾN SỰ THẬT TOÀN VẸN
(Cv 17:15.22 – 18:1; Ga 16:12-15)
Khi đi rảo qua một khu vực nào đó, chắc chắn ai trong chúng ta cũng bị cuốn hút vào một vài cảnh hấp dẫn, hợp sở thích: người thích thiên nhiên thì lưu ý đến cây cối cảnh vật, người thích mua sắm thì lưu ý đến các tiệm bán đồ, người thích đọc sách thì để ý đến các nhà sách, v.v. Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta một tình huống tương tự, đó là việc Thánh Phaolô rảo qua thành phố Athen và cũng bị cuốn hút vào những điều ngài quan tâm. Ngài quan tâm đến điều gì? Thánh Phaolô quan tâm đến việc rao giảng Lời Chúa hay đúng hơn vị trí của Thiên Chúa trong đời sống của người Athen. Ngài nói lên điều này qua những lời sau: “Thưa quý vị người Athen, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: ‘Kính thần vô danh.’ Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17:22-23). Vì mối bận tâm của ngài là rao giảng Tin Mừng, nên ngài chỉ lưu ý đến những yếu tố giúp ngài nói về Chúa. Mối bận tâm của chúng ta là gì? Có bao giờ chúng ta bận tâm việc rao giảng Lời Chúa trong đời sống hằng ngày không? Nếu chưa, chúng ta hãy bắt đầu từ hôm nay!
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng: không phải lúc nào lời rao giảng của chúng ta cũng được đón nhận. Bài đọc 1 cho chúng ta thấy người Athen phản ứng mạnh mẽ khi Thánh Phaolô nói đến việc Chúa Giêsu sống lại, một điều quá xa lạ với họ. Thay vì ngạc nhiên và “tò mò” để hiểu thêm, họ nhạo cười Thánh Phaolô. Tuy nhiên, cũng có một số người tin vào ngài, trong số đó có cả những người có chức sắc (x. Cv 17:34). Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta thấy việc rao giảng của mình bị chống đối hay không mang lại những hoa trái như lòng mong ước và chúng ta nản chí, không còn muốn rao giảng nữa. Chúng ta phải kiên nhẫn rao giảng, dù không nhiều người nghe và tin vào lời rao giảng của chúng ta. Dù chỉ có một người nghe và tin vào Chúa qua lời giảng dạy của chúng ta, cũng đã là niềm vui rồi. Đừng đặt nặng đến tầm ảnh hưởng “rộng” của mình, nhưng quan tâm đến sự ảnh hưởng “sâu đậm” trên niềm tin của người khác vào Thiên Chúa. Tìm thấy niềm vui trong những kết quả nhỏ bé của việc rao giảng là chìa khoá của hạnh phúc đích thật.
Trình thuật Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về vai trò của Đấng Bảo Trợ trong tương quan với các môn đệ sau khi Chúa Giêsu ra đi. Trước khi nói đến vai trò của Đấng Bảo Trợ, Chúa Giêsu nói về “giới hạn” của các môn đệ trong việc hiểu những điều Chúa Giêsu nói với họ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi” (Ga 16:12). Sự giới hạn trong sự đón nhận và hiểu biết sứ điệp Tin Mừng của các môn đệ làm nổi bật vai trò của Đấng Bảo Trợ được sai đến từ Chúa Cha. Giống như trong Ga 14:25-26, Đấng Bảo Trợ đóng vai trò quan trọng trong cộng đoàn những người tin. Ngài sẽ hướng dẫn các môn đệ trong tương lai bởi vì Chúa Giêsu không thể nói cho các môn đệ biết tất cả những gì họ phải biết và vì các môn đệ không thể hiểu mọi lời nói cũng như hành động của Chúa Giêsu trước khi Ngài được tôn vinh (x. Ga 2:22; 12:16; 13:7). Những lời trên của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về đời sống khiêm nhường. Đứng trước mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa, trí hiểu của chúng ta không thể nào nắm bắt hết. Vì vậy, chúng ta cần đến sự hướng dẫn của Thần Khí Chúa. Chúng ta không thể đi sâu vào mầu nhiệm của Thiên Chúa qua lời và hành động của Chúa Giêsu nếu chúng ta không tự hạ chính mình để được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đến chân lý toàn vẹn.
Vì sự “giới hạn” của các môn đệ nên Chúa Giêsu hứa với các môn đệ sẽ xin Chúa Cha ban cho các họ Đấng Bảo Trợ, và “khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:13-14). “Sự thật” mà Đấng Bảo Trợ hướng dẫn các môn đệ đến có cùng nghĩa với “sự thật” được nói đến trong những chỗ khác của Tin Mừng, đó là niềm tin vào Chúa Giêsu như là sự mạc khải duy nhất về Thiên Chúa và là Đấng nói lời của Thiên Chúa (x. Ga 3:20,33; 8:40,47). Không những thế, Đấng Bảo Trợ còn giúp cộng đoàn những người tin hoàn thành điều Chúa Giêsu nói đến trong Ga 8:31-32, “Nếu anh em giữ lời [ở lại trong lời] Thầy, anh em thật sự là môn đệ Thầy, và anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát anh em.” Chính trong sự thật của Thiên Chúa mà chúng ta được tự do. Sự thật đó được vén mở trong những điều sẽ xảy đến, đó là mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, “những điều sẽ xảy đến,” không có nghĩa là Đấng Bảo Trợ sẽ đưa ra một loại mạc khải mang tính tiên tri về tương lai, nhưng Đấng Bảo Trợ sẽ hướng dẫn cộng đoàn những người tin trong việc hiểu Chúa Giêsu như là sự hoàn thành của mọi sự đã được hứa trong Kinh Thánh. Tác giả của trình thuật chỉ rõ cho chúng ta rằng Đấng Bảo Trợ “không tự mình nói điều gì,” nên Ngài không phải là nguồn của một mạc khải mới hoặc một cái gì khác ngoài điều đã được Chúa Giêsu mạc khải. Nhiệm vụ của Đấng Bảo Trợ là tôn vinh Chúa Giêsu và lấy những gì thuộc về Chúa Giêsu để loan báo cho các môn đệ: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:15). Chi tiết này đưa chúng ta về đời sống rao giảng Tin Mừng của mình. Nhiều khi chúng ta rao giảng chính mình, những sự thuộc về mình hoặc nói những điều tự mình chứ không phải rao giảng hoặc nói những điều chúng ta nghe hoặc thấy từ Thiên Chúa. Người môn đệ chân chính là người không tự mình nói điều gì, nhưng dùng lời nói và hành động của mình để tôn vinh Thiên Chúa.
********************
THỨ NĂM TUẦN VI PHỤC SINH
NỖI BUỒN CỦA ANH CHỊ EM SẼ TRỞ THÀNH NIỀM VUI
(Cv 18:1-8; Ga 16:16-20)
Ơn gọi làm tông đồ cho dân ngoại ngày càng trở nên rõ nét hơn nơi Thánh Phaolô. Điều này là nội dung chính trong bài đọc 1 hôm nay. Dù biết mình đã được kêu mời làm tông đồ cho dân ngoại, nhưng, chúng ta có thể nói rằng, vì khuynh hướng tự nhiên, Phaolô vẫn muốn làm việc cho những người “đồng bào” của mình là những người Do Thái. Đây cũng chính là cám dỗ cho mỗi người chúng ta. Chúng ta luôn mong làm việc với những người chúng ta quen, những người có cùng niềm tin, cùng sở thích. Không mấy người trong chúng ta muốn làm việc cho những người xa lạ.
Khi làm việc cho người Do Thái, Thánh Phaolô cũng gặp được những người cộng tác với ngài. Họ cũng là những người rất quảng đại với ngài, như Aquila và vợ là Pơrítkila (x. Cv 18:1-3)). Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngài cũng bị chính những người đồng bào của mình chống đối và nói lộng ngôn (x. Cv 18:6). Vì sự chống đối này mà Thánh Phaolô quyết định sẽ đến với dân ngoại. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về một “chân lý” trong cuộc sống, đó là chúng ta không thể làm hài lòng hết mọi người. Dù chúng ta có sống tốt, sống vui và làm những điều tốt đẹp đến đâu, vẫn có người chống đối và nói những lời không tốt về chúng ta. Khi biết được “chân lý” này, chúng ta đừng để cho mình bị chi phối bởi một sự chống đối của một vài người mà dừng làm việc tốt, ngừng làm chứng cho Chúa qua đời sống yêu thương, cảm thông và tha thứ của chúng ta. Đừng để cho bất kỳ người nào lấy đi niềm vui có Chúa và làm việc với Chúa của chúng ta!
Kinh nghiệm thường ngày dạy chúng ta rằng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi của Thiên Chúa hoặc của Chúa Giêsu. Có những lúc chúng ta thấy Chúa rất gần, nhưng cũng có lúc chúng ta thấy Chúa quá xa vời. Điều này được diễn tả cách trung thực qua lời nói của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Nói cách khác, Chúa Giêsu dường như muốn chơi trò chơi trốn tìm với các môn đệ. “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16:16). Trong câu này, Chúa Giêsu chuyển sự tập trung của các môn đệ từ “nơi Ngài đi” đến “ít lâu nữa,” từ “nơi chốn” đến “thời gian.”
Đề tài “ít lâu nữa” là trung tâm của 4 câu (16-19) trong bài Tin Mừng hôm nay. Câu 16 được xem là “tiền đề” của “câu đố” mới cho các môn đệ. Hai câu tiếp theo (17 và 18) nói đến sự cố gắng tìm câu trả lời cho câu đố của các môn đệ, nhưng cuối cùng, họ không thể tìm thấy câu trả lời. Câu 19 nói đến sự can thiệp của Chúa Giêsu để giúp các môn đệ tìm ra câu trả lời. Trong câu này có một chi tiết mà chúng ta cần lưu ý là “Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông….” Chi tiết này ám chỉ về sự “biết trước” của Chúa Giêsu mà chúng ta thường gặp trong Tin Mừng Gioan: Chúa Giêsu luôn đi bước trước. Ngài “đã biết” và “đi bước trước” để giải thích cho các môn đệ điều các ông đang thắc mắc. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta? Trong cuộc sống, chúng ta cũng gặp nhiều điều không hiểu. Nhưng chúng ta không dám hỏi Chúa? Nhiều khi chúng ta cứ loay hoay đi tìm câu trả lời cho riêng mình, hay chúng ta tìm sự giúp đỡ từ con người hơn là từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, Chúa luôn đi bước trước. Ngài luôn tìm cách giải thích cho chúng ta bằng nhiều cách: qua lời Ngài, qua các sự kiện xảy ra trong ngày sống hoặc qua những người khác. Liệu chúng ta có nhạy cảm và nhận ra sự hướng dẫn của Ngài không?
Trở lại với “câu đố” và câu giải thích của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu không cho các môn đệ câu trả lời trắng đen. Ngài giải thích “ít lâu nữa” không phải là thời gian ám chỉ về Ngài, nhưng ám chỉ về các môn đệ: “anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16:20). Trong những lời này, chúng ta nhận thấy một sự “đổi ngược” mang tính mạc khải sẽ xảy ra trong thời cánh chung. Các môn đệ của Ngài sẽ khóc lóc và lo buồn, thế gian sẽ vui mừng. Nhưng sự khóc lóc và lo buồn của các môn đệ không “tồn tại muôn đời.” Sự khóc lóc và lo buồn của các môn đệ sẽ trở thành niềm vui. Lời hứa về sự “đổi ngược” này sẽ xảy ra trong “tương lai.” Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: trong cuộc sống, khi gặp phải những khó khăn, thử thách, buồn sầu và lo lắng, chúng ta đừng để cho những điều đó lấy mất đi niềm tin và hy vọng của chúng ta vào một tương lai với nhiều niềm vui và hạnh phúc đang chờ đợi. Những người sống không niềm tin và hy vọng vào một tương lai đầy yêu thương và niềm vui sẽ thấy mỗi giây phút sống của mình rất nặng nề và không có ý nghĩa. Ngược lại, những người đón nhận mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống với con tim của Chúa Giêsu sẽ luôn thấy cuộc sống này thật đẹp và có ý nghĩa.
***************
THỨ SÁU TUẦN VI PHỤC SINH
NIỀM VUI VÌ ĐƯỢC THẤY CHÚA GIÊSU
(Cv 18:9-18; Ga 16:20-23a)
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta hành trình rao giảng Tin Mừng của Thánh Phaolô ở Côrintô. Thánh nhân vẫn phải chịu sự chống đối từ người Do Thái (x. Cv 18:12-17). Nhưng Thiên Chúa khuyến khích Phaolô trong thị kiến tiếp tục làm chứng cho Ngài: “‘Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.’ Ông Phaolô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa” (Cv 18:9-11). Những lời này chỉ ra cho chúng ta thấy điều làm cho Phaolô mạnh mẽ và can đảm trong đời sống rao giảng Tin Mừng chính là việc “Chúa Giêsu luôn ở với thánh nhân.” Đây chính là lời hứa của Chúa Giêsu cho các môn đệ và cũng là điều Thiên Chúa hứa cho những người Ngài chọn để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Chúng ta cũng được mời gọi để cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, trong việc đem Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Nhiều lần đối diện với khó khăn và thử thách, chúng ta cũng nản lòng và muốn bỏ cuộc. Có khi chúng ta không còn can đảm để rao giảng lời Chúa. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta rằng, Ngài luôn ở với chúng ta. Điều đáng để chúng ta suy gẫm ở đây là: Chúa Giêsu luôn ở với chúng ta trong từng giây phút của đời sống chứng tá; còn chúng ta, chúng ta có ở với Ngài trong từng giây phút của ngày sống mình hay không?
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta về những điều các môn đệ sẽ đối diện khi Chúa Giêsu ra đi. Chúng ta thấy bài Tin Mừng nói về sự tương phản giữa hai thái độ của các môn đệ khi Chúa Giêsu ra đi và khi Ngài trở lại. Chúng ta đã trình bày điều này trong bài chia sẻ lời Chúa ngày hôm qua [Chúa Giêsu dùng sự tương phản giữa thái độ của các môn đệ và thế gian khi “ít lâu nữa” sẽ đến: các môn đệ sẽ khóc lóc và than van, trong khi thế gian sẽ vui mừng]. Nếu lưu ý đến cấu trúc của trình thuật hôm nay, chúng ta thấy trình thuật có ba phần và được xếp theo cấu trúc “bánh mì kẹp.” Hai “miếng bánh mì” nói lên sự tương phản của nỗi buồn và niềm vui của người môn đệ trước và sau khi Chúa Giêsu ra đi. Phần kẹp bên trong, Chúa Giêsu dùng một dụ ngôn để làm sáng tỏ sự tương phản trong thái độ của các môn đệ khi đối diện với việc ra đi và trở lại của Chúa Giêsu.
Chúng ta thấy hai “miếng bánh mì” là sự tương phản trong thái độ sống của người môn đệ trước và sau khi Chúa Giêsu ra đi. Trong miếng bánh mì thứ nhất, Chúa Giêsu nói đến một sự đổi ngược trong thái độ sống của người môn đệ nhưng không nói đến lý do của sự đổi ngược này: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16:20). Chúng ta thấy ở đây chỉ là dữ kiện, đó là các môn đê sẽ khóc lóc và than van trong khi thế gian sẽ vui mừng. Nhưng rồi, nỗi buồn của các môn đệ sẽ trở thành niềm vui. Đây là lý do? Chúng ta sẽ biết được lý do trong miếng bánh mì thứ hai: “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa” (Ga 16:22-23a). Những lời này chỉ cho chúng ta thấy điều mang lại sự đổi ngược trong thái độ của người môn đệ chính là việc được gặp lại Chúa Giêsu. Niềm vui được gặp Chúa Giêsu là niềm vui tuyệt hảo nhất vì sẽ không bị ai lấy mất. Trong cuộc sống thường ngày của mình, chúng ta cũng mong ước được thấy nhiều thứ hoặc nhiều người. Chúng ta mong ước được thấy bạn hữu hoặc những người chúng ta yêu mến; chúng ta muốn thấy những người nổi tiếng mà chúng ta ngưỡng mộ. Chúng ta cảm thấy rất vui khi chúng ta gặp được những người này. Còn thái độ chúng ta đến gặp Chúa Giêsu mỗi ngày như thế nào? Chúng ta có thấy vui khi đến gặp Ngài hay không? Chúa Giêsu khẳng định cho chúng ta rằng, khi chúng ta gặp Ngài, chúng ta sẽ vui mừng để rồi chúng ta không còn nhớ đến những đau khổ chúng ta đã phải chịu vì danh Ngài. Điều này cho thấy, những người sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa luôn cảm thấy vui tươi hạnh phúc vì họ không còn đặt niềm vui của mình nơi những thứ chóng qua của trần thế này, nhưng hoàn toàn đặt trọn niềm vui của mình nơi Chúa Giêsu. Khi có Chúa Giêsu, chúng ta sẽ quên hết những lo âu phiền muộn. Đây chính là điều được Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn được kẹp ở giữa.
Trong dụ ngôn kẹp giữa, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh người mẹ trong khi sinh con để nói đến sự tương phản trong thái độ của người môn đệ trước và sau khi gặp Chúa Giêsu: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16:21). Những lời này cho thấy sự đổi ngược trong thái độ sống của người phụ nữ sinh con. Hình ảnh này đã từng được áp dụng cho thời đại của Đấng Messia trong Cựu Ước (x. Is 26:17-18; 66:7-10, nói đến sự đau đớn sinh con của Sion trong Ngày của Đức Chúa). Tuy nhiên, ở đây thuật ngữ “đau đớn sinh con” (Gk. thlipsis) cũng có thế ám chỉ đến “những thử thách” mà những người tin Thiên Chúa phải đối diện trong những ngày cuối cùng (x. Zeph 1:14-15; Hab 3:16; Mc 13:19,24). Hình ảnh người phụ nữ sinh con ở đây là lối nói loại suy sự đảo ngược trong đời sống của người tin: Trong cuộc sống trần thế, họ sẽ phải đối diện với những thứ thách và đau khổ; họ phải than van khóc lóc cho tội lỗi của họ và của người khác. Nhưng trong những ngày sau hết, họ sẽ được tràn đầy niềm vui vì sẽ được vui hưởng nhan thánh Chúa. Chi tiết này giúp chúng ta đối diện với những khó khăn, thử thách và đau khổ trong đời sống của chúng ta với niềm hy vọng, tin yêu là chúng ta sẽ được nhìn thấy Chúa, Đấng chúng ta yêu mến trên hết mọi sự.
THỨ BẢY TUẦN VI PHỤC SINH
HÃY XIN ĐỂ BIẾT VÀ CẢM NGHIỆM TÌNH YÊU CỦA CHÚA CHA
(Cv 18:23-28; Ga 16:23b-28)
Hành trình rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại của Thánh Phaolô bắt đầu được mở rộng. Ngài ra khỏi cộng đoàn quen thuộc đầu tiên, đó là Antiôkhia và bắt đầu với một cộng đoàn mới, đó là Êphêsô, cộng đoàn mà ngài đã viết một lá thư để lại và vẫn có giá trị cho chúng ta ngày hôm nay. Tuy nhiên, trước khi di chuyển qua một cộng đoàn mới Thánh Phaolô đã “làm cho tất cả các môn đệ [ở Antiôkhia] được vững mạnh” (Cv 18:23). Đây là điều đầu tiên chúng ta có thể suy gẫm dựa trên lời Chúa hôm nay. Chúng ta chắc cũng đã di chuyển nhiều chỗ ở và làm nhiều việc. Khi di chuyển như thế, chúng ta cũng muốn có ảnh hưởng trên người khác. Hình ảnh của Thánh Phaolô hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại sự ảnh hưởng của mình trên người khác. Nói cách cụ thể, sự hiện diện của chúng ta ổ một nơi nào đó phải làm cho niềm tin của người khác vào Thiên Chúa được vững mạnh. Điều này chỉ có thể khi chúng ta sống yêu thương và khiêm nhường: sự hiện diện của chúng phải làm cho người khác cảm nghiệm được niềm vui và tình yêu của Thiên Chúa.
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe kể về câu chuyện Apôlô: “Có một người Do Thái tên là Apôlô, quê ở Alêxanria, đã đến Êphêxô; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh. Ông đã được học Đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giêsu, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gioan. Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơrítkila và ông Aquila mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn” (Cv 18:24-26). Apôlô là người sau này được Thánh Phaolô nhắc lại trong một lá thư ngài viết: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3:6). Trong những lời này, chúng ta thấy Apôlô là người đi sau để xây dựng và vun đắp những gì Thánh Phaolô đã gieo. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ cộng tác trong việc rao giảng Tin Mừng. Chúng ta tránh thái độ “phá đổ” những gì người trước đã tốn công gây dựng. Người ta thường nói: nếu muốn phát triển một cái gì đó, thế hệ đi sau phải xây dựng trên nền tảng thế hệ đi trước đã xây dựng. Còn nếu phá đổ tất cả để xây dựng lại, thì mãi mãi không có sự phát triển nào vì mỗi thế hệ luôn bắt đầu từ con số không.
Điểm cuối cùng chúng ta quan tâm trong bài đọc 1 là mục đích rao giảng của các môn đệ: “Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu, vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do Thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô” (Cv 18:27-28). Những lời này trình bày cho chúng ta nỗ lực của các môn đệ là “chứng minh rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô,” nhưng sự làm chứng này không dựa vào khả năng hoặc trí thông minh của con người. Sự làm chứng này hoàn toàn dựa trên mạc khải, dựa trên lời Kinh Thánh. Nói cách cụ thể hơn, những người có thể chứng minh Đức Giêsu là Đấng Kitô là những người luôn “lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.” Thật vậy, chỉ có đời sống được gợi hứng bởi những giá trị Tin Mừng mới có thể làm chứng cho Chúa Giêsu. Hãy để Lời Chúa hướng dẫn và gợi hứng cho ngày sống của chúng ta. Đừng sống theo những giá trị thế gian, nhưng sống theo những giá trị Tin Mừng. Đó là cách làm chứng tốt nhất cho Chúa Giêsu Kitô.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta những lời đầy yêu thương của Chúa Giêsu cho các môn đệ liên quan đến việc cầu xin Chúa Cha bất cứ điều gì nhân danh Chúa Giêsu. Xét theo cấu trúc, chúng ta thấy trình thuật có thể được chia ra làm ba phần theo cấu trúc “bánh mì kẹp”: Mở đầu và kết thúc với việc khuyến khích các môn đệ xin Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu và phần giữa nêu lên lý do tại sao Chúa Giêsu không còn dùng dụ ngôn để nói với các môn đệ. Điều đáng để chúng ta quan lưu ý là trong cả hai câu 23 và 26 đều có từ “ngày ấy.” Thuật ngữ này được sử dụng ở đây để nói lên tình trạng mới của các môn đệ được phản chiếu trong những lời hứa của Chúa Giêsu về những gì sẽ đến. Trong bối cảnh này, lời hứa cho các môn đệ trong tình trạng mới chính là những điều các ông xin nhân danh Chúa Giêsu sẽ được Chúa Cha ban cho: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 16:23b-24)// “Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em” (Ga 16:26). Chìa khoá để mở ý nghĩa của những lời trên chính là “niềm vui” Chúa Giêsu mang lại cho các môn đệ. Thuật ngữ “niềm vui của anh em,” niềm vui mà không ai có thể lấy khỏi họ, có thể ám chỉ đến việc bắt bớ mà các môn đệ phải chịu (x. 15:11). Trong tình trạng bắt bớ đó, các môn đệ sẽ hiểu những gì không rõ ràng cho đến khi Chúa Giêsu được tôn vinh [và Đấng Bảo Trợ đến]. Và cũng trong tình trạng bắt bớ, tương quan mới của các môn đệ với Chúa Cha sẽ giúp họ đến với Ngài trong cầu nguyện với trọn vẹn sự tin tưởng (x. Ga 14:13-14; 15:7,16). Chi tiết này chỉ ra cho chúng ta thái độ cần có của người môn đệ khi đối diện với những khó khăn, bắt bớ, đau khổ. Trong những hoàn cảnh đó, chúng ta cần chìm sâu trong đời sống cầu nguyện, trong tương quan mật thiết với Chúa Cha. Chỉ như thế, chúng ta mới hiểu rằng những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống là yếu tố giúp chúng ta có được một mối tương quan mới, mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Trong hai miếng bánh, chúng ta thấy có một sự thay đổi trong tương quan giữa các môn đệ và Chúa Cha. Trong miếng bánh thứ nhất, chúng ta được biết là các môn đệ sẽ được Chúa Cha ban cho những gì xin nhân danh Chúa Giêsu. Nhưng trong miếng bánh thứ hai cho thấy, không phải Chúa Giêsu là Người cầu xin Chúa Cha cho họ vì qua Ngài họ đã có một tương quan trực tiếp với Chúa Cha. Đây chính là tình trạnh mới của các môn đệ. Điều này giúp chúng ta hiểu điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong miếng bánh thứ hai: “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha” (Ga 16:27-28). Chúa Cha yêu mến chúng ta vì chúng ta yêu mến Chúa Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến thế gian. Khi Chúa Giêsu “bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha,” các môn đệ cũng sẽ được đưa vào trong mối tương quan đầy yêu thương đó. Chính trong mối tương quan trực tiếp đầy yêu thương mà các môn đệ hiểu rằng họ không còn cần dụ ngôn để hiểu rõ về Chúa Cha vì họ đã có mối tương quan trực tiếp với Chúa Cha: “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở” (Ga 16:25). Phần ở giữa cho chúng ta thấy nếu chúng ta có mối tương quan trực tiếp với Thiên Chúa [với Chúa Giêsu], chúng ta sẽ hiểu rõ những gì Ngài muốn nói với chúng ta. Nói cách cụ thể, khi chúng ta chìm sâu trong đời sống cầu nguyện, nhất là khi cuộc sống chúng ta gặp nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta, hay theo lối nói truyền thống, chúng ta sẽ hiểu được thánh ý của Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ trong cầu nguyện mà chúng ta có thể canh tân mối tương quan với Thiên Chúa và làm cho mối tương quan đó trở nên mới mẻ, khắng khít và tràn đầy yêu thương mỗi ngày.