Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 29 Thường niên

419

Suy niệm mỗi ngày Tuần XXIX Thường Niên

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

HÃY TRÁNH MỌI THỨ THAM LAM

(Rm 4:20-25; Lc 12:13-21)

Thề hứa là điều mà chúng ta thường chứng kiến trong cuộc sống thường ngày. Một yếu tố đi kèm với việc thề hứa là niềm tin: Khi một ai đó hứa và thực hiện lời hứa thì người đó đáng được tin cậy. Còn ngược lại, người hứa mà không làm thì đánh mất niềm tin của người khác. Đây chính là điều chúng ta nghe trong bài đọc 1 hôm nay. Thánh Phaolô tiếp tục dùng hình ảnh Ápraham như gương mẫu về đức tin cho chúng ta. Ông Ápraham tin, “chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa” (Rm 2:20), bởi vì “ông hoàn toàn tín thác rằng: điều gì Thiên Chúa hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4: 21). Trong những lời này chúng ta có thể nhận ra sự khác biệc giữa việc tin tưởng vào lời hứa của con người và vào lời hứa của Thiên Chúa. Con người có thể không thực hiện lời hứa của mình vì hai lý do: (1) cố ý không muốn thực hiện lời hứa; (2) không đủ khả năng để thực hiện lời hứa. Vì vậy, nhiều khi chúng ta đánh mất niềm tin của người khác vào mình. Còn về phần Thiên Chúa, Ngài không bao giờ lỗi lời hứa, vì Ngài có đủ quyền năng để thực hiện lời Ngài đã hứa, nên Thiên Chúa luôn luôn là Đấng đáng tin cậy. Điều này mời gọi chúng ta tự hỏi mình: Chúng ta có phải là người đáng tin cậy không? Hay chúng ta thường làm mất niềm tin của mình nơi người khác qua việc sống không thật và không giữ lời hứa của mình?

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với một suy gẫm dài về những hậu quả làm băng hoại người môn đệ Chúa Giêsu bởi của cải vật chất. Đề tài này sẽ được tiếp tục cho đến câu 34 và sẽ được lặp lại trong câu 45. Hai câu mở đầu trong bài Tin Mừng cho thấy khuynh hướng “đam mê” của cải vật chất của con người: Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi. Người đáp: ‘Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?’” (Lc 12:13-14). Trong những lời này, chúng ta có thể nhận ra việc tranh chấp “gia tài” giữa hai anh em trong cùng một gia đình. Chi tiết này cho thấy của cải vật chất có thể làm rạn nứt hay phá hoại tương quan trong gia đình. Chúng ta đã từng chứng kiến trong cuộc sống thường ngày: con cái từ bố mẹ, anh chị em không nhìn mặt nhau chỉ vì một miếng đất, một số tiền; vợ chồng cãi cọ, bỏ nhau cũng chỉ vì vấn đề tiền bạc; bạn bè trở thành kẻ thù của nhau và còn nhiều mối tương quan khác bị phá huỷ cũng chỉ bởi vật chất. Tại sao chúng ta lại để cho những thứ không hồn, không trường sinh làm chủ và huỷ hoại chúng ta, những con người có hồn và có sự sống vĩnh cửu?

Lời khuyến cáo của Chúa Giêsu về việc giữ mình khỏi mọi thứ tham lam đáng để chúng ta suy gẫm: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12:15). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này là một phần của luận chiến chống lại những thầy dạy giả tạo trong cộng đoàn. Họ là những người chu toàn công việc với mục đích thu gom của cải vật chất hơn là mang lại ích lợi thiêng liêng cho những người nghe. Chính thái độ tham lam của cải vật chất làm cho người môn đệ Chúa Giêsu khép mình lại trong những gì mình có và quên mất vai trò của mình là những người mang Tin Mừng đến cho anh chị em. Chúng ta đang tham lam điều gì: của cải dưới đất hay của cải trên trời? Dụ ngôn Chúa Giêsu giúp chúng ta biết mình phải tham lam điều gì.

Một chi tiết quan trọng nhất trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể là cách sử dụng từ ngữ để cho thấy đâu là mấu chốt của “sự ngu ngốc” của nhà phú hộ. Hình ảnh của nhà phú hộ được vén mở theo những bước sau: (1) Ông ta là người có nhiều của cải vật chất [“ruộng nương sinh nhiều hoa lợi”] (Lc 12:16). Ở đây, chúng ta thấy ông phú hộ không có gì sai và có thể nói là ông được chúc lành. (2) Vì có nhiều của cải nên ông mới “nghĩ bụng” về việc làm thế nào với tài sản của mình (x. Lc 12:16). Ở bước này, chúng ta thấy ông ta đang tìm cho mình một cách thức để sử dụng của cải mình có. (3) Sau khi “nghĩ bụng” xong, ông “tự bảo” sẽ phá cái cũ, xây cái mới để tích trữ tất cả những gì ông có vào trong đó. Lại một lần nữa, chúng ta có thể nói ông vẫn chưa có gì sai, vì đó là điều chúng ta thường làm [phá đi cái cũ mà không thể chứa đựng những gì mình có và xây lại cái lớn hơn để chứa đựng hoa lợi]. (4) Điều đáng khiển trách của ông phú hộ là việc “nhủ lòng” của ông: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:19). Trong những lời này chúng ta có thể nhận ra sự “ích kỷ” của ông phú hộ. Điều này được chứng tỏ rõ ràng hơn qua việc ông tập trung vào chính mình đến nỗi loại trừ Thiên Chúa và người khác ra khỏi cuộc sống mình. Thứ ông ta luôn nghĩ đến chỉ là của cải vật chất. Chỉ trong 4 câu, thuật ngữ “tôi” và “của tôi” lặp lại nhiều lần. Nói cách cụ thể hơn, điều làm cho ông phú hộ bị lên án là ông chỉ tìm kiếm, tích trữ, và sử dụng của cải mình có cho riêng mình mà không nghĩ đến người khác. Thành thật mà nói, nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng đã hành xử như nhà phú hộ. Chúng ta cũng ích kỷ, chỉ nghĩ đến chính mình, tìm kiếm niềm vui chóng qua và tạm thời đến nỗi Thiên Chúa và người khác không có chỗ trong con tim chúng ta. Lời khiển trách của Chúa Giêsu làm chúng ta thức tỉnh: “‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12:20-21). Những lời này nhắc nhở đến một thực tế mà chúng ta phải đối diện, đó là cái chết. Thật vậy, chính cái chết sẽ làm chúng ta bỏ lại tất cả những gì chúng ta thu gom và tích trữ. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt lại giá trị trong cuộc sống của mình. Những gì chúng ta có phải được chia sẻ cho người khác. Đó là cách thức làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, mỗi ngày hãy trao cho nhau những gì Chúa đã ban cho chúng ta: một nụ cười, một lời khen, một lời khích lệ, một vật gì đó làm người khác hạnh phúc và cảm thấy gần Chúa và gần nhau.

****************

THỨ BA TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI TÔI TỚ KHÔN NGOAN

(Rm 5:12.15b.17-19.20b-21; Lc 12:35-38)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô đưa ra một sự tương phản giữa hình ảnh Adam và Chúa Giêsu. Theo Thánh Phaolô, “vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5:12). Những lời này cho chúng ta thấy tội lỗi lan tràn vào trong thế gian vì một người và hậu quả của tội chính là sự chết. Tuy nhiên, tình thế này bị đảo ngược cũng chỉ bởi một người: “nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy” Rm 5:15b,17). Thánh Phaolô cho biết trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm nên những điều cao trọng, đó là ban cho chúng ta tràn đầy ân sủng và trở nên công chính để rồi được sống và được thống trị với Ngài (x. Rm 5:17). Qua hai hình ảnh này, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải cẩn thận trong mọi việc mình làm, vì những gì mình làm không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà ảnh hưởng đến những người khác. Nếu công việc chúng ta làm là tốt, thì cả chúng ta và những người khác được hưởng hoa trái ngọt ngào. Ngược lại, nếu những việc chúng ta làm là xấu thì chúng ta và mọi người sẽ nếm mùi chua chát. Hãy chọn lựa những hành động tốt, để chính mình và người khác được hưởng niềm vui.

Chúng ta bắt đầu nghe những dụ ngôn về những người đầy tớ trong bối cảnh của những chống đối từ bên trong và bên ngoài mà người môn đệ phải đối diện. Thánh Luca dùng cái nhìn Giáo Hội học để giải thích những dụ ngôn này. Nói cách cụ thể hơn, theo Thánh Luca, những người lãnh đạo cộng đoàn phải trung thành và không được tạo ra những vấn đề nội tại cho Giáo Hội. Một trong những thuật ngữ quan trọng để hiểu ý nghĩa những dụ ngôn của Thánh Luca là doulos, “tôi tớ” hay “người nô lệ.” Từ này xuất hiện trong các câu 37, 43, 45, 46, 47 và nó có nghĩa là “người phục vụ cộng đoàn Kitô hữu.” Một thuật ngữ quan trọng khác là oikonomos, “quản gia,” chỉ tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (x. 12:42, 16:1,3,8). Từ này cũng có nghĩa là “người phục vụ cộng đoàn Kitô hữu.” Nhìn từ khía cạnh ngôn ngữ, người phục vụ cộng đoàn hay người lãnh đạo cộng đoàn là những người tôi tớ, những người nô lệ của cộng đoàn. Hơn nữa, họ là những người quản gia, những người chăm sóc và phân phát những gì thuộc về Thiên Chúa cho dân của Ngài. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi trở nên những người tôi tớ hay quản gia của hồng ân Thiên Chúa trong môi trường mình sống và làm việc [gia đình, cộng đoàn tu sĩ, giáo xứ, trường học, công sở, v.v.). Vì vậy, chúng ta phải là những người mang lại niềm vui, hạnh phúc và nhất là sự hiệp nhất cho mọi người, chứ không phải trở thành nguyên nhân của sự chia rẽ.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta những thái độ cần thiết mà một người tôi tớ cần phải có, đó là “anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (Lc 12:35-36). Chúng ta nhận ra bốn hành động cần thiết của một người tôi tớ là “thắt lưng cho gọn,” “thắp đèn cho sẵn,” “đợi chủ về,” và “mở ngay cửa cho chủ.” Bốn hành động này ám chỉ việc người tôi tớ phải luôn trong tư thế sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Hai hành động quan trọng nhất trong bốn hành động này là “thắp đèn” và “mở cửa ngay.” Bối cảnh bài Tin Mừng cho thấy là người chủ sẽ trở về vào ban đêm. Vì vậy, yếu tố cần thiết để không vấp ngã và nhìn thấy người khác trong bóng đêm chính là ánh sáng. Chính ánh sáng của ngọn đèn sẽ giúp người tôi tớ nhìn thấy ông chủ của mình trong bóng đêm. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng trong bóng đêm của cuộc sống, nhất là khi gặp khó khăn, thử thách, Chúa luôn đến với chúng ta. Tuy nhiên, để nhận ra Ngài, chúng ta cần đến ánh sáng của đức tin. Ánh sáng này chúng ta nhận được qua biểu tượng của ngọn nến trong ngày rửa tội. Chỉ với ánh sáng của đức tin chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, và như thế sẵn sàng để nhận ra Chúa Giêsu đang gõ cửa con tim của mình và mau mắn mở cho Ngài. Hãy nhớ rằng Chúa luôn gõ cửa con tim chúng ta khi chúng ta đối diện với bóng tối trong cuộc sống. Liệu chúng ta có đủ ánh sáng đức tin để nhận ra và mở cửa cho Ngài không?

Khi ông chủ về thấy người đầy tớ có những thái độ ông mong ước, người “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12:37). Chúng ta thấy vai trò tôi tớ và ông chủ được đổi ngược: ông chủ trở thành tôi tớ và tôi tớ trở thành chủ. Việc hoán đổi vị trí này rất quan trọng vì nó nói đến phần thưởng tuyệt đối mà Thiên Chúa sẽ ban cho những người tôi tớ trung thành. Hình ảnh này cũng cho thấy, những người tôi tớ [môn đệ] nào trung thành trong thời gian sống trên dương thế sẽ được ngồi vào bàn tiệc mà Thiên Chúa đã chuẩn bị trong Nước của Ngài. Mỗi ngày sống của chúng ta là một cơ hội để sống tỉnh thức và trung thành với ơn gọi [làm Kitô hữu/tu trì] của mình. Sự trung thành đó được thể hiện qua việc chu toàn bổn phận của mình cách vui vẻ vì qua những công việc hằng ngày, chúng ta nhận ra Chúa đến với mình. Chỉ những ai làm việc hôm nay với ánh mắt hướng về ngày mai hoặc những ai làm việc dưới đất mà mắt hướng về trời [thiên đàng], mới hiểu được ý nghĩa của những khó khăn và đau khổ mà công việc họ mang lại.

****************

THỨ TƯ TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

HÃY LÀ NGƯỜI ĐẦY TỚ TRUNG THÀNH

(Rm 6:12-18; Lc 12:39-48)

Chúng ta phải chân nhận rằng, xã hội chúng ta đang sống là một xã hội đang tôn sùng những giá trị vật chất. Vì vậy, thân xác con người được tôn sùng như một ngẫu tượng. Nhiều người mất rất nhiều tiền của để chăm sóc cho thân xác của mình. Điều này không có gì sai. Cái sai của nhiều người trong thời đại hôm nay là quá chú trọng đến thân xác, chạy theo những thú vui của thân xác mà quên mất những giá trị thiêng liêng, quên mất việc nuôi dưỡng linh hồn. Nói như lời Thánh Phaolô trong bài đọc 1 là “dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi” (Rm 6:13). Thật vậy, nhiều người trong chúng ta hôm nay dùng thân xác của mình như khí cụ để làm điều bất chính và phục vụ cho tội lỗi. Thân xác của chúng ta không phải là khí cụ cho tội lỗi mà là “khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6: 13). Theo Thánh Phaolô, khi chúng ta sử dụng thân xác mình để làm điều công chính và phục vụ Thiên Chúa, thì tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với chúng ta (x. Rm 6:14). Chiều theo những “khuynh hướng tự nhiên” của thân xác là nô lệ cho tội lỗi vì chúng ta hạ thấp phẩm giá của mình như những con người được phú ban lý trí và ý chí để điều khiển những khuynh hướng tự nhiên. Chúng ta không chỉ là con người, nhưng còn là con Thiên Chúa, được mời gọi sống một cuộc sống hoàn hảo trong Ngài. Vì vậy, “trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính” (Rm 6:17-18).

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục lời dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ về những khó khăn và đối kháng mà họ phải đối diện. Ngài mời gọi họ phải luôn tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh để được bình tĩnh và nhận ra Ngài đến với họ trong những thời khắc mà họ không ngờ đến. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay ra làm ba phần: Phần 1 (Lc 12:39-40) là lời dạy của Chúa Giêsu về việc các môn đệ phải luôn sẵn sàng chờ Ngài đến. Phần 2 (Lc 12:41-46) trình bày hình ảnh của người đầy tớ trung tín và bất trung và thái độ của ông chủ đối với họ. Phần 3 (Lc 12:47-48) nói về các cấp độ khác nhau của hình phạt cho những đầy tớ bất trung.

Trong phần 1, Chúa Giêsu dùng hình ảnh cụ thể của cuộc sống hằng ngày để dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta về điều cần phải biết khi chờ Ngài đến: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Trong những lời này, điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có là “biết”: Người môn đệ phải “biết” kẻ thù [kẻ trộm] là ai và họ muốn lấy đi điều gì. Chỉ khi biết được điều này, người môn đệ mới có được những phương án thích hợp để đối phó hầu không bị kẻ trộm lấy đi những điều quý giá mình có. Từ kinh nghiệm thường ngày này, người môn đệ học cách để biết được những phương án, những thái độ cần thiết khi Con Người [Chúa Giêsu] đến. Phần này mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình. Nhiều lần, chúng ta không biết kẻ thù của mình là ai nên không có sự đề phòng và như thế chúng ta đã để những thứ quý giá trong cuộc sống của mình bị lấy đi. Cũng đôi khi chúng ta “biết” kẻ thù của mình là ai và chúng thường tấn công những lãnh vực nào trong cuộc sống, nhưng chúng ta không chống lại. Hãy tỉnh thức! Đừng để kẻ trộm lấy đi những giá trị cao quý của cuộc đời chúng ta như gia đình, tình thân và niềm vui có Chúa.

Phần hai là câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Phêrô: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” (Lc 12:41). Đây là câu hỏi của người đại diện cho những người lãnh đạo trong Giáo Hội. Chúa Giêsu trả lời cho Phêrô bằng cách chỉ ra vai trò của người quản gia trung tín, khôn ngoan, đó là người được “ông chủ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để phân phát thóc gạo đúng giờ đúng lúc” (Lc 12:42). Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan phải biết mình là ai và công việc của mình là gì: họ là người được “đặt lên” và như thế phải thực hiện những công việc mà người đặt họ lên mong đợi. Chi tiết này cho thấy, một người lãnh đạo là người biết quyền bính của mình là từ Thiên Chúa và họ chỉ làm những điều Chúa muốn họ làm chứ không làm điều mình muốn. Điều này được làm sáng tỏ trong hình ảnh của người đầy tớ trung tín và thất tín: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Còn lâu chủ ta mới về,’ và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín” (Lc 12:43-46). Chúng ta thuộc loại nào trong hai đầy tớ này: trung tín hay thất tín? Chúng ta đang sử dụng những gì Chúa ban để phục vụ anh chị em mình hay chúng ta đang sử dụng những điều Chúa ban để chiếm lấy chỗ của Chúa và “thống trị” anh chị em mình.

Bài Tin Mừng kết thúc với phần ba, phần nói về hình phạt dành cho những người không làm theo ý chủ. Phần này đưa chúng ta về lại với phần 1 và chìa khoá nối kết hai phần là chữ “biết.” Trong phần 1, nếu người chủ nhà biết lúc nào kẻ trộm đến thì ông sẽ có cách đối phó. Điều này chỉ cho thấy sự tấn công đến từ bên ngoài. Nói cách khác, cái biết ở đây là cái biết về những gì xảy ra bên ngoài. Còn trong phần này, cái biết đến từ bên trong, đó là “biết ý chủ.” Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta hai loại: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12:47-48). Cả hai đều thực hiện điều không đẹp lòng chủ. Nhưng hình phạt của họ lệ thuộc vào cái biết của họ. Cái biết ở đây được giải thích rõ trong câu “ai được cho nhiều” và “ai được giao phó nhiều.” Những người môn đệ là những người được giao phó nhiều về mầu nhiệm nước trời. Vì vậy, họ sẽ phải là những người chia sẻ những điều được giao phó hầu sinh ích lợi cho anh chị em mình. Trong mọi điều chúng ta được giao phó, con tim là điều quý giá nhất. Con tim đó được giao phó để chúng ta yêu thương người khác: Chúng ta đã làm điều này thế nào? Con tim chúng ta chứa đầy tình yêu hay sự chua chát, đắng cay và hận thù?

THỨ NĂM TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

HÃY ĐỂ SỨ ĐIỆP TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU THANH LUYỆN CHÚNG TA

(Rm 6:19-23; Lc 12:49-53)

Thánh Phaolô tiếp tục khuyên dạy các tín hữu Rôma về việc sử dụng thân xác mình để làm điều công chính, thay vì làm điều bất chính: “Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện” (Rm 6:19). Trong những lời này, Thánh Phaolô muốn chỉ ra rằng sau khi tin vào Chúa Giêsu, chúng ta phải cắt đứt với lối sống tội lỗi mà trước kia chúng ta sống. Nói cách khác, niềm tin vào Chúa Giêsu phải làm cho cuộc sống của chúng ta thay đổi: thay đổi để trở nên tốt hơn, yêu thương hơn, công chính hơn và tha thứ hơn. Thánh Phaolô trình bày sự tương phản giữa trước và sau khi tin vào Chúa Giêsu như sau: “Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính. Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chỗ chết. Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời” (Rm 6:20-22). Những lời này mời gọi chúng ta xem xét lại cuộc sống của mình, những người tự hào mình đã theo Chúa nhiều năm. Cuộc sống chúng ta có thay đổi không hay chúng ta vẫn sống trong những lỗi phạm của mình? Những người sống trong Chúa Giêsu là những người sống một đời sống thánh thiện. Nơi nào họ đến đều có sự sống và niềm vui. Còn những người nô lệ cho tội lỗi thì nơi nào họ đến đều có sự chết và đau buồn.

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những đoạn khó giải thích vì mới đọc chúng ta thấy điều Chúa Giêsu nói về Ngài dường như trái ngược với mong đợi của con người. Những lời của Chúa Giêsu trong trích đoạn hôm nay chỉ ra cho chúng ta hai điều Chúa Giêsu đem vào thế gian: lửa và sự chia rẽ. Chúng ta phải hiểu hai điều này như thế nào?

Trước tiên chúng ta nói đến lửa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12:49-50). Theo các học giả Kinh Thánh, lửa được sử dụng ở đây ám chỉ đến sứ điệp Chúa Giêsu có năng lực thanh luyện và là nguyên nhân để phân biệt những gì là giả tạo và những gì là thật. Nói cách cụ thể hơn, sứ điệp Chúa Giêsu mang lại có sức thanh luyện con người và như thế phân biệt người sống thật [sống yêu thương] với người sống giả tạo [sống ghen ghét]. Chúa Giêsu đem lửa “sự thật” đó và mong nó bùng cháy trong con tim mỗi người chúng ta hầu thanh luyện chúng ta thành những người sống trọn vẹn cho Ngài qua việc sẵn sàng chịu phép rửa mà Ngài đã chịu. Phép rửa ở đây được sử dụng như một hình ảnh ám chỉ đến việc một người bị đè nặng bởi những tai ương, nhưng không bỏ cuộc, không chạy trốn. Đây là hình ảnh của Chúa Giêsu. Vâng phục Chúa Cha, Chúa Giêsu hành trình lên Giêrusalem để hoàn thành cuộc xuất hành của Ngài, dù biết sẽ bị nhiều chống đối và đau khổ. Đây cũng chính là hành trình của mỗi người. Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và chống đối khi làm một người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu. Liệu chúng ta có đứng vững, vâng phục như Chúa Giêsu không hay chúng ta bỏ cuộc?

Điều thứ hai Chúa Giêsu mang đến chính là sự chia rẽ: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12:51). Chúng ta chỉ hiểu những lời này khi liên kết với hình ảnh lửa. Như chúng ta đã trình bày, lửa ám chỉ việc thanh luyện và phân tách cái chân thật khỏi cái giả tạo. Đây chính lá ý nghĩa của từ “chia rẽ.” Từ này được hiểu theo nghĩa “phân rẽ” giữa những người sống theo sứ điệp Chúa Giêsu mang đến khỏi những người không sống theo. Sự phân rẽ này xảy ra ngay chính trong gia đình: “Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12:52-53). Nói cách khác, sự phân rẽ này xảy ra ngay chính trong cộng đoàn của Thánh Luca. Nói cách cụ thể hơn, trong cộng đoàn có những người sống theo sứ điệp của Chúa Giêsu, nhưng cũng có nhiều người thì không. Chúng ta vẫn chứng kiến điều này trong ngày hôm nay. Chỉ khi chúng ta hiểu rằng để đạt được sự hoà bình, chúng ta không được đánh đổi lời Chúa cho những giá trị chóng qua ở đời này. Nói cách khác, hoà bình chỉ có được khi mọi người trong cộng đoàn sống theo sứ điệp Tin Mừng, khi mỗi người biết tha thứ cho người khác từ tận đáy con tim mình và hoà giải với nhau ngay cả khi không phải là lỗi của mình.

*******************

THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

ĐỌC DẤU LẠ CỦA CHÚA TRONG TỪNG NGÀY SỐNG

(Rm 7:18-25a; Lc 12:54-59)

Ông bà ta nói: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện.” Tự bản chất, con người luôn khao khát và hướng tới điều thiện. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có khuynh hướng hướng đến sự dữ. Theo niềm tin Kitô giáo, khuynh hướng này là hậu quả của tội nguyên tổ. Vì vậy, nhiều lần chúng ta thấy mình phải chiến đấu để làm điều thiện và cũng không ít lần chúng ta bị thất bại. Đây chính là kinh nghiệm mà Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta trong bài đọc 1 hôm nay. Theo thánh nhân, sự thiện không ở trong xác thịt của Ngài. Vậy sự thiện tìm thấy ở đâu? Câu trả lời được tìm thấy trong câu cuối của trích đoạn hôm nay: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Rm 7:24-25a). Trong những lời này, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết đâu là nguồn sức mạnh để nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự nô lệ của tội lỗi, đó là Chúa Giêsu Kitô. Càng gắn bó với Ngài, thì chúng ta càng mạnh mẽ để chống lại sự tấn công của tội lỗi. Nói cách cụ thể hơn, ai để Chúa Giêsu sống trong mình, thì sẽ luôn làm điều thiện.

Điều đáng để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 hôm nay là kinh nghiệm “bị phân chia” của Thánh Phaolô: “Thưa anh em, tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7:18-20). Đây cũng là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta. Nhiều lần chúng ta muốn tha thứ cho người làm tổn thương mình, nhưng chúng ta không làm; hoặc chúng ta không muốn làm tổn thương người thân của mình, chúng ta lại làm qua những lời nói và cử chỉ thiếu tế nhị, thiếu bác ái. Từ kinh nghiệm này, Thánh Phaolô khám phá ra rằng: chúng ta thường bị chi phối bởi “luật thân xác” [khuynh hướng tự nhiên]. Luật này nhiều lần chống lại và chiến thắng luật lý trí của chúng ta để rồi làm chúng ta chống lại luật của Thiên Chúa, luật mà chúng ta yêu thích (x. Rm 7:21-23). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: khi đối diện với bất kỳ biến có nào trong cuộc sống, chúng ta phải bình tĩnh, đừng có làm theo bản tính tự nhiên của mình. Nói cách cụ thể hơn, chúng ta phải tránh những lời nói và hành động bị thúc đẩy bởi những cảm xúc tự nhiên mà không có suy nghĩ, không để lời Chúa hướng dẫn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sử dụng những hình ảnh thường ngày để dạy cho dân chúng biết cách đọc được sứ điệp của Ngài: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12:54-56). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa các thính giả của Ngài trở về với việc giả hình của những người Pharisêu (x. Lc 12:1). Tuy nhiên, trong trích đoạn này, sự giả hình được áp dụng cho đám đông. Họ được xem là những người quan tâm đến vẻ bên ngoài, là những người xem những dấu chỉ của đất trời [mây- gió] mà không quan tâm đến sứ điệp bên trong của những dấu chỉ này. Chính sự giả hình đã đưa họ đến tình trạng từ chối không chấp nhận Chúa Giêsu (x. Lc 12:56). Nói cách khác, họ không biết đọc những dấu lạ mà Ngài làm để tin nhận Ngài chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Mỗi ngày sống cũng là một dấu chỉ của tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa cho chúng ta. Liệu chúng ta có nhận ra và đáp trả lại với trọn niềm tin tưởng và phó thác không?

Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là lời khuyến cáo của Chúa Giêsu cho thính giả của mình về việc họ phải dàn xếp những tranh chấp với đối phương trước khi đến quan toà: “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng” (Lc 12:57-59). Những lời này ám chỉ việc đám đông sở hữu một sự thông minh đủ trong những vấn đề mang tính pháp lý để đạt đến sự hoà giải và được tự do khỏi cảnh tù đày. Họ được mời gọi sử dụng lối hành xử này để để đọc những dấu chỉ của thời đại trong Chúa Giêsu. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cho rằng mình thông minh, mình biết thật nhiều trong mọi lãnh vực. Chúng ta biết cách làm thế nào để càng ngày càng trở nên chuyên viên trong các lãnh vực đó. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chúng ta không áp dụng cách thức đó để lớn lên trong sự hiểu biết về Thiên Chúa, về những dấu lạ mà Chúa Giêsu thực hiện trong từng ngày sống của chúng ta. Hãy là người môn đệ không chỉ sở hữu kiến thức sâu rộng về con người, nhưng còn sở hữu kiến thức sâu rộng về Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô.

*******************

THỨ BẢY TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CUỘC SỐNG LÀ THEO CHÚA GIÊSU

Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông Đồ

(Ep 2:19-22; Lc 6:12-19)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ kính Thánh Simon và Thánh Giuđa tông đồ. Cả hai vị thánh là những người bình thường được chính Chúa Giêsu chọn để dạy người khác về tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc sống của các ngài giúp chúng ta hiểu rằng ngay cả những người bình thường, yếu đuối có thể trở thành những vị thánh khi họ quyết định theo Chúa Giêsu. Cả hai được biết đến bằng những tên khác khi còn sống. Thánh Simon được gọi là “Người Nhiệt Thành.” Một người nhiệt thành là người dấn thân một cách mạnh mẽ cho một cái gì đó. Trong trường hợp của Simon, thánh nhân tin chắc vào tầm quan trọng của những người theo luật Do Thái. Khi gặp Chúa Giêsu, cuộc sống của thánh nhân đã bị thay đổi và thánh nhân tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc sống là theo Chúa Giêsu và đem những lời giảng dạy của Ngài ra thực hành. Từ Thánh Simon chúng ta học biết nhận ra việc theo Chúa Giêsu là quan trọng nhất. Liệu chúng ta có đánh đổi việc theo Chúa Giêsu cho những điều khác không?

Thánh Giuđa cũng được gọi là Giuđa Tađêô. Chúng ta thường dùng tên này để không lẫn lộn với Giuđa là người môn đệ trong nhóm Mười Hai đã phản bội và nộp Chúa Giêsu. Thánh Giuđa là bổn mạng của những người không có hy vọng hoặc đang sống trong những hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhiều người thường cầu nguyện với thánh Giuđa khi họ cảm thấy không có ai hiểu họ và không có ai để họ chạy đến kêu cứu. Họ xin thánh nhân mang những khó khăn của họ đến với Chúa Giêsu. Bởi vì thánh Giuđa có một đức tin mạnh mẽ, chúng ta biết rằng không có gì là không thể cho những ai tin tưởng vào Thiên Chúa. Từ Thánh Giuđa chúng ta được mời gọi trở nên chỗ dựa cho những anh chị em không tìm thấy nơi nương tựa nơi người khác.

Thánh Simon và Thánh Giuđa hành trình với nhau để dạy người khác về Chúa Giêsu. Bởi vì họ là những chứng nhân đầu tiên về những phép lạ, sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, nên nhiều người đã tin vào lời chứng của các ngài và tin vào Thiên Chúa. Theo tương truyền, Thánh Simon và Giuđa chết cho niềm tin trong cùng một ngày ở Bêrút. Thi thể của Thánh Giuđa được đưa về Rôma nơi thánh nhân được chôn trong một phần mộ dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Khi chúng ta tôn kính hai thánh nhân, chúng ta được mời gọi học hỏi tất cả những điều cần thiết về Chúa Giêsu để chia sẻ cho người khác như các ngài đã làm. Chúng ta cùng nhau học hỏi những điều cần biết về Chúa Giêsu trong các bài đọc của ngày lễ mừng kính các ngài.

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu chính là “đá tảng góc tường’ trên đó các Tông Đồ là nền móng và mọi người là dân thánh được xây dựng cách vững chắc. Chính Chúa Giêsu là Đấng mang lại sự hiệp nhất của toàn bộ những ai thuộc dân thánh. Chỉ trong Chúa Giêsu, “toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2:21-22). Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại nền tảng của cuộc sống mình. Đồng thời, những lời này cũng cảnh báo rằng nơi nào có sự chia rẽ và phân tán, ở đó Chúa Giêsu không còn là trung tâm điểm mọi người quy chiếu về.

Bài Tin Mừng hôm nay có thể được chia ra làm hai phần: phần thứ nhất (Lc 6:12-16) nói về việc Chúa Giêsu chọn những người mà Ngài gọi là các Tông Đồ. Trong phần thứ hai (Lc 6:17-19), Chúa Giêsu tỏ cho các Tông Đồ mà Ngài đã tuyển chọn được biết những việc Ngài làm, những việc mà chính họ sẽ được sai đi để thực hiện. Điều chúng ta cần suy gẫm trong lễ kính hôm nay là những điều cần biết về Chúa Giêsu. Vậy, chúng ta rút ra được điều gì về Chúa Giêsu từ bài Tin Mừng hôm nay?

Điều thứ nhất chúng ta cần biết là Chúa Giêsu luôn dành thời gian để đối thoại với Thiên Chúa. Một cách cụ thể hơn, Ngài luôn cầu nguyện trước khi “đưa ra những quyết định quan trọng: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12). Trong những lời này, chúng ta cần lưu ý đến hai hình ảnh, đó là hình ảnh “núi” và “màn đêm.” Trong Kinh Thánh, hình ảnh “núi” ám chỉ đến nơi Thiên Chúa hiện diện, hay nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa. Chúa Giêsu đi ra núi ám chỉ việc Ngài gặp gỡ Thiên Chúa và điều này xảy ta trong khi Ngài cầu nguyện. Nhìn từ khía cạnh này, cầu nguyện là hình thức mà qua đó chúng ta sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và đồng thời gặp gỡ Ngài cách cá vị. Hình ảnh thứ hai là hình ảnh màn đêm. Hình ảnh này luôn ám chỉ đến mãnh lực sự dữ. Chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm nhắc nhở chúng ta về việc liên lỉS cầu nguyện, nhất là khi chúng ta đang bước đi trong đêm tối của cuộc đời. Càng gặp khó khăn bao nhiêu, chúng ta phải bám vào Chúa bấy nhiêu.

Điều thứ hai chúng ta cần biết về Chúa Giêsu là Ngài gọi và chọn những người theo Ngài và những người Ngài chọn thuộc mọi tầng lớp khác nhau: “Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simôn mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê, và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội” (Lc 6:13-16). Điểm đầu tiên chúng ta cần lưu ý là hình ảnh “ánh sáng.” Sau khi ra khỏi “bóng đêm” với lời cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa, Chúa Giêsu có “ánh sáng” của ban ngày để “kêu và “chọn” các Tông Đồ. Chi tiết này mời gọi chúng ta phải luôn khôn ngoan trong các quyết định của mình. Chúng ta không quyết định gì, nhất là những quyết định quan trọng trong cuộc sống, nếu chúng ta đang đi trong bóng đêm và chưa có đủ ánh sáng từ Thiên Chúa để thấy rõ mọi sự trước khi quyết định.

Điều thứ ba chúng ta cần biết về Chúa Giêsu là Chúa Giêsu luôn đồng hành và hiện diện với các môn đệ của Ngài. Sự hiện diện của Ngài luôn mang lại sự chữa lành: “Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người” (Lc 6:17-19). Trong những lời này, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ hai việc quan trọng mà Ngài mời gọi họ học ở Ngài để Ngài sẽ sai họ đi thực hiện là giảng dạy về Nước Thiên Chúa và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng. Nói cách cụ thể hơn, ở đâu có sự hiện diện của Chúa Giêsu hoặc các môn đệ của Ngài, ở đó có Tin Mừng được rao giảng và có sự chữa lành. Là những môn đệ Chúa Giêsu, sự hiện diện của chúng ta với những người khác như thế nào: chúng ta có đem Tin Mừng và sự chữa lành cho người khác không?