Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần 20 Thường Niên

270

Suy niệm Tuần XX Thường Niên

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN XX THƯỜNG NIÊN – Thánh Piô X, Giáo hoàng

THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN –  Đức Maria Nữ Vương

THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN Thánh Batôlômêô tông đồ

THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 (Tl 2:11-19; Mt 19:16-22)

PHÚC ÂM: Mt 19, 16-22

Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?” Người bảo kẻ ấy rằng: “Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Ðấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn”. Người ấy hỏi rằng: “Những giới răn nào?” Chúa Giêsu đáp: “Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình”. Người thanh niên thưa lại rằng: “Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng? Chúa Giêsu bảo anh: “Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta”. Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp.

 

 SUY NIM: NÊN HOÀN HO NHƯ THIÊN CHÚA

Một trong những điều dữ mà dân Do Thái thường lặp đi lặp lại là sự bất trung với Đức Chúa. Họ “đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, và đã làm tôi các thần Baan. Họ đã lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Aicập, và họ đã đi theo các thần ngoại lai trong số các thần của các dân chung quanh. Họ sụp lạy các thần ấy và chọc giận Đức Chúa” (Tl 2:11-12). Khi họ làm điều này, họ đã không tuân giữ giao ước họ đã ký kết tại núi Sinai, đó là chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa của tổ tiên họ. Sách Thủ Lãnh chỉ rõ cho chúng ta thấy đâu là nguồn gốc của việc tôn thờ ngẫu tượng, đó là “họ vội từ bỏ con đường cha ông họ đã đi, là tuân giữ mệnh lệnh của Đức Chúa; họ đã không noi gương các ngài” (Tl 2:17). Những lời này cho chúng ta thấy rõ việc không tuân giữ mệnh lệnh của Đức Chúa là nguyên nhân dẫn đến những tai hoạ và cảnh khốn cùng mà dân Israel phải chịu. Điều đáng làm chúng ta trắc ẩn là việc Đức Chúa luôn trung thành với giao ước của mình. Ngài mãi là Thiên Chúa của dân Israel dù họ nhiều lần không muốn là dân của Ngài. Khi dân gặp cảnh khốn cùng, Đức Chúa lại “cho xuất hiện các thủ lãnh để giúp họ, vì Đức Chúa ở với vị thủ lãnh và Người cứu họ khỏi tay quân thù bao lâu vị thủ lãnh còn sống, vì Đức Chúa động lòng trắc ẩn trước những tiếng than khóc của họ, khi họ bị đàn áp và ức hiếp” (Tl 2:18). Chúng ta cũng cảm nghiệm được điều này trong ngày sống của mình. Nhiều lần chúng ta cũng loại Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Chúng ta lo mải mê chạy theo tiền tài và danh vọng, chạy theo bạn bè và thú vui trần thế. Chúng ta không muốn trung thành với lời cam kết [trong bí tích rửa tội và khấn dòng] là thuộc trọn về Chúa. Nhưng Chúa vẫn luôn trung thành, đồng hành và giải thoát chúng ta khỏi cảnh khốn cùng. Vì vậy, hãy tri ân Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương!

Ai trong chúng ta cũng muốn được giàu có. Tự bản chất, giàu có không xấu. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy giàu có [cách chính trực/không bất công] là dấu hiệu sự chúc lành của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh của việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ về nguy hiểm của giàu có. Thánh Máccô (10:17-31) và Luca (18:18-30) cũng thuật lại cho chúng ta câu chuyện về người thanh niên giàu có này. Điểm khác biệt giữa Thánh Máccô và Thánh Mátthêu hệ tại ở chỗ Thánh Máccô bắt đầu câu chuyện với một cuộc đối thoại mà các Kitô hữu  sau này bị xúc phạm vì trong cuộc đối thoại đề cập đến việc Chúa Giêsu từ chối Ngài là Chúa (x. Mc 10:17-19//Ga 1:1). Thánh Mátthêu viết lại cuộc đối thoại giống như thánh sử muốn tránh sự xúc phạm này, nên chỉ đưa ra việc Chúa Giêsu tôn kính Thiên Chúa.

Câu hỏi của người thanh niên chính là câu hỏi của mỗi người chúng ta: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” (Mt 19:16). Chúng ta thường tập trung vào câu hỏi “tôi phải làm gì?” hơn là “tôi là ai?” hoặc “tôi phải là người thế nào?” Ở đây chúng ta có thể nhận ra một nền luân lý tập trung vào hành vi con người hơn là vào chủ thể. Nền luân lý tập trung vào hữu thể sẽ hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải trở thành người như thế nào để được hưởng sự sống đời đời.” Trong câu hỏi của người thanh niên, chúng ta nhận ra có một mối tương quan không thể tách rời giữa “làm điều tốt” và “sự sống đời đời.” Trong câu hỏi, chúng ta thấy không phải hành động nào cũng giúp chúng ta hưởng sự sống đời đời, nhưng chỉ những hành động tốt. Những hành động tốt là những hành động nào? Chúa Giêsu cho biết: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19:17). Tuân giữ các điều răn (Mười Điều Răn) là con đường dẫn vào cõi sống (x. Mt 19:18; Xh 20:13-16; Đnl 5:17-20). Thêm vào các điều răn là giới luật yêu thương đồng loại như chính mình (x. Lv 19:18). Khi nghe những điều này, người thanh niên rất “vui mừng” vì “tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?” (Mt 19:20). Chúng ta cần lưu ý rằng chỉ duy Thánh Mátthêu chỉ ra người hỏi Chúa Giêsu là một thanh niên và anh ta nhận ra có một cái gì đó không hoàn hảo trong cuộc đời của mình dù anh đã tuân giữ tất cả các điều răn. Vì vậy, anh nhận ra nơi Chúa Giêsu điều anh thiếu và muốn xin Chúa Giêsu chỉ ra cho anh. Chi tiết này giúp chúng ta nhận ra rằng, chúng ta cũng như anh thanh niên. Có thể chúng ta đã sống tốt, đã làm nhiều điều tốt. Nhưng khi nhìn sâu vào trong con tim mình, chúng ta vẫn nhận ra mình vẫn còn thiếu một cái gì đó mà chỉ có Chúa Giêsu mới mang lại cho chúng ta câu trả lời hoàn hảo nhất. Hãy đến với Chúa Giêsu để tìm ra ý nghĩa tròn đầy cho cuộc sống của mình.

Chúa Giêsu thấy người thanh niên đã làm “nhiều điều tốt,” nhưng Ngài đề nghị với anh một cấp độ cao hơn, đó là “nên hoàn hảo”: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ có được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19:21). Để nên hoàn thiện, Chúa Giêsu mời gọi anh thanh niên làm bốn việc (1) “bán hết tài sản mình có,” (2) đem cho người ngheo,” (3) tích trữ kho tàng trên trời,” (4) đến theo Chúa Giêsu. Nghe lời đề nghị này, “người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19:22). Trong những lời này, Thánh Mátthêu ám chỉ việc sự giàu có đặt ra những nguy hiểm cho đời sống thiêng liêng vì thực tế cuộc sống cho chúng ta thấy những tội ác thỉnh thoảng liên quan đến việc tìm kiếm sự giàu có; và khi chúng ta sở hữu của cải, sự giàu có có thể làm chúng ta lãng quên Thiên Chúa, chia cắt chúng ta khỏi anh chị em, và dẫn chúng ta đến tình trạng bóc lột [lợi dụng] và áp bức. Nhưng giàu có cũng có thể được sử dụng để làm nhiều điều tốt. Chọn lựa sử dụng của cải như thế nào là do chúng ta. Nếu có chọn lựa, chúng ta sẽ sử dụng những gì chúng ta có như thế nào: làm giàu cho cuộc sống dương thế hay cho cuộc sống đời đời?

 

THỨ BA TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 Đức Maria Nữ Vương

 (Is 9:1-6; Lc 1:39-47)

PHÚC ÂM: Lc 1, 39-47

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vả ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabeth. Và khi bà Êlisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”. Bà Maria nói rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi”.

 

 SUY NIỆM: HOÀN TOÀN ĐẶT MÌNH TRONG KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA

Phụng vụ hôm nay cử hành lễ Đức Maria, Nữ Vương Trời và Đất. Đây là lễ rất gần gũi với nhiều Đức Thánh Cha trong thời gian hiện đại. Thánh Lễ này được Đức Thánh Cha Piô XII trong thông điệp Ad Coeli Reginam thiết lập năm 1954 [4 năm sau tín điều Mẹ Lên Trời được công bố]. Trước đó, Đức Thánh Cha Piô XII nói về Mẹ Maria Nữ Vương như sau: “Mẹ luôn hướng trái tim hiền mẫu của Mẹ về phía chúng ta và cộng tác vào trong công việc cứu độ con người. Mẹ luôn quan tâm đến toàn thể nhân loại. Được Thiên Chúa đặt làm Nữ Vương trời và đất, và được tôn vinh trên ca đoàn các Thiên Thần và phẩm trật các thánh, đứng bên hữu Người Con Yêu Dấu của Mẹ, Đức Giêsu Kitô, Mẹ chuyển cầu cách mạnh mẽ với lời cầu nguyện đầy tình hiền mẫu của Mẹ và Mẹ được ban cho tất cả những gì Mẹ cầu xin.” Và Đức Thánh Cha Piô XII thêm những lời sau: “Chúng tôi mong ước rằng trong lễ mừng này, chúng ta canh tân lại sự tận hiến toàn nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria. Trên sự canh tân này, chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong đời sống tôn giáo và trong sự bình an Kitô giáo. … Vì vậy, tất cả chúng ta hãy đến với ngai thương xót và ân sủng của Nữ Vương và Mẹ chúng ta với sự tự tin hơn để xin Mẹ giúp chúng ta trong khi khó khăn, ban ánh sáng lúc tối tăm và an ủi chúng ta khi khổ đau buồn sầu. … Như thế, tất cả những ai tôn kính Đấng Nữ Vương các thiên thần và con người – và đừng có ai nghĩ rằng mình được miễn khỏi việc tôn kính Mẹ với một tâm hồn đầy yêu thương và biết ơn – Tất cả chúng ta hãy kêu lên Mẹ như Nữ Vương thật và như Đấng mang cho chúng ta ơn Chúa, sự bình an, để Mẹ tỏ cho tất cả chúng ta, sau cuộc đời lữ thứ trần gian, Chúa Giêsu là niềm vui và sự bình an muôn đời của chúng ta.” Mừng kính lễ Mẹ hôm nay, chúng ta ngước nhìn lên Mẹ, học hỏi nơi Mẹ để trở nên những người con thảo hiếu của Mẹ. Chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta.

Bài đọc 1 hôm nay thường được trích đọc trong đêm giáng sinh. Nội dung chính là nói về một viễn cảnh thật tươi sáng mà “một trẻ thơ” sẽ mang đến cho dân đang bị lưu đày [“đang lần bước giữa tối tăm”]. “Trẻ thơ” này là được sinh trong dòng tộc vua Đavít và sẽ là vua: “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9:5-6). Theo truyền thống, “trẻ thơ” này ám chỉ đến Chúa Giêsu. Ngài thuộc dòng dõi vua Đavít và là vua. Hình ảnh này nói lên việc Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, nên Mẹ được chia sẻ trong vương quyền của Ngài. Đây chính là nền tảng [Cựu Ước] mà trên đó vương quyền của Mẹ Maria đã được ám chỉ. Giáo Hội chọn bài trích này từ Ngôn sứ Isaia để đọc trong ngày lễ hôm nay nhằm nói lên vương quyền của Mẹ là được “chia sẻ” trong vương quyền của Người Con mà Mẹ sinh ra. Vì lý do này mà chúng ta nhận thấy trong bài đọc 1 không đề cập gì đến Mẹ Maria mà chỉ tập trung vào “trẻ thơ.” Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng sự vĩ đại của Mẹ Maria và của mỗi người chúng ta hệ tại việc chúng ta được chia sẻ với Chúa như thế nào trong công trình cứu độ của Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay thường được gọi là trình thuật về truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta cùng nhau phân tích thái độ của Mẹ Maria, Nữ Vương trời đất hầu học nơi Mẹ những điều làm cho Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa. Bài Tin Mừng bắt đầu với việc thánh sử Luca thiết lập bối cảnh cho cuộc gặp gỡ giữa Thiên Thần Gáprien và người Trinh Nữ thành Nadarét. Những chi tiết quan trọng chúng ta cần lưu ý là: (1) Êlizabét có thai được 6 tháng [chi tiết này sẽ được Thiên Thần sử dụng như một chứng cứ về quyền năng của Thiên Chúa để “thuyết phục” Maria]; (2) làng Nazarét [làng của vua Đavít]; (3) trinh nữ đã thành hôn với Giuse thuộc dòng dõi Đavít [thiết lập vương quyền của người con trinh nữ sẽ sinh ra]; (4) tên trinh nữ là Maria [Chúa luôn gọi chúng ta bằng tên]. Những chi tiết này cho chúng ta hay rằng Thiên Chúa luôn thực hiện công trình của mình trong những bối cảnh lịch sử, những nơi chốn và với những con người cụ thể. Nói cách khác, Thiên Chúa luôn hoạt động trong lịch sử qua sự cộng tác của những con người nhỏ bé ở những nơi không mấy người biết đến. Chúng ta có sẵn sàng cộng tác với Chúa khi được mời gọi không? Hãy để Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta qua hành trình đáp trả của Mẹ.

Thái độ thứ nhất của Mẹ trước lời chào của Thiên Thần là “bối rối” và “tự hỏi.” Mẹ “bối rối” vì Mẹ chỉ là một cô gái trẻ, bình thường, không có gì nổi bật vậy mà được “Chúa ở cùng.” Câu “Chúa ở cùng bà” mang một truyền thống lâu dài của lịch sử dân Israel. Câu này thường được Đức Chúa nói với những người Ngài chọn để cộng tác vào việc giải thoát dân Israel khỏi áp bức. Giờ đây, nghe những lời này dành cho mình, một người nữ [khác với những điều đã xảy ra trong lịch sử dân Israel, đó là câu này thường nói cho người nam], Mẹ “bối rối” và “tự hỏi.” Đây là điều rất tự nhiên. Vì Mẹ “bối rối” và “tự hỏi” về ý nghĩa của lời chào, nên sứ thần giải thích: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:30-33).

Lời giải thích của sứ thần dẫn Mẹ đến thái độ thứ hai, đó là “cần làm sáng tỏ”: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Đây không phải là thái độ nghi ngờ [như Dacaria]. Mẹ chỉ muốn thiên sứ làm sáng tỏ cho Mẹ biết điều đó sẽ xảy ra thế nào. Và Thiên Thần làm sáng tỏ cho Mẹ như sau: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:35-37). Trong những lời này, thiên sứ đã nói cho Maria biết (1) cách thức sẽ xảy ra [“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà”], (2) hoa trái của sự việc [“Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”], (3) dẫn chứng [“Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng”], (4) khẳng định về quyền năng Thiên Chúa [“đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”].

Sau khi nghe thiên sứ làm sáng tỏ điều mình muốn biết, Mẹ nhanh nhẹn đáp lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Đây là thái độ cuối cùng mà Mẹ tỏ ra trong hành trình đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Mẹ hoàn toàn tin tưởng đặt cuộc đời mình vào trong kế hoạch đầy yêu thương của Chúa. Chính thái độ này làm cho Mẹ trở nên “muôn đời được gọi là diễm phúc.” Mừng lễ Mẹ Maria Nữ Vương, là con cái của Mẹ, chúng ta được nhắc nhở đến phẩm giá cao trọng của mình. Để sống trọn vẹn phẩm giá này, chúng ta cần học ở Mẹ ba thái độ trên. Khi đối diện với những điều chúng ta không thể hiểu vì giới hạn của mình, chúng ta xin Chúa “làm sáng tỏ” cho chúng ta. Nhưng cuối cùng, chúng ta học ở Mẹ, hoàn toàn đặt trọn cuộc đời mình vào quỹ đạo yêu thương của Thiên Chúa qua việc “xin vâng” với thánh ý Ngài.

THỨ TƯ TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

(Tl 9:6-15; Mt 20:1-16a)

PHÚC ÂM: Mt 20, 1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. “Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy. “Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”. “Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết”. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?” “Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

SUY NIỆM: SỐNG QUẢNG ĐẠI – KHÔNG SO SÁNH

Như chúng ta biết, dân Israel rất dễ dàng để mình bị lôi kéo theo lối sống của dân ngoại để tôn thờ ngẫu tượng. Bài đọc 1 hôm nay đưa chúng ta sang một giai đoạn mới trong lịch sử của dân Israel, đó là việc họ muốn có cho mình một vị vua như các dân tộc khác. Sau thời của Môsê và Giôsuê, dân Israel được các thủ lãnh hướng dẫn. Nhưng điều này không làm cho dân thoả mãn. Họ nhìn vào những dân tộc chung quanh, là những dân tộc được cai trị bởi những vị vua họ đặt lên, và họ muốn trở thành giống như những dân tộc đó, cũng được cai trị bởi một vị vua mà họ tôn lên. Đây chính là bối cảnh cho “dụ ngôn” của Giôtham được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay.

Một trong những điểm chúng ta cần lưu ý ở đây là câu trả lời của các loại cây được đề nghị lên làm vua cai trị các loại cây. Chúng từ chối bằng cách biện minh rằng chúng không thể sống khác với bản chất của chúng: cây ôliu không thể “bỏ dầu của tôi là thứ đã từng làm cho thần minh và người đời được tôn trọng” (Tl 9:9); cây vả không thể “bỏ vị ngọt và trái ngon” (Tl 9:10); cây nho không thể “từ bỏ rượu của tôi là thứ đã từng làm cho thần minh và người đời được phấn khởi” (Tl 9:13). Chi tiết này dạy chúng ta rằng Thiên Chúa muốn mỗi sinh vật Ngài dựng nên sống đúng với bản chất của chúng. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta mới hiểu tại sao việc dân Israel xin một vị vua để cai trị họ là một lỗi phạm lớn: Họ đã từ chối quyền thống trị của Thiên Chúa trên họ. Nói cách khác, họ từ chối “bản chất dân Thiên Chúa” của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng từ chối sống đúng với bản chất là “con Thiên Chúa.” Chúng ta để cho những người khác “thống trị” chúng ta bằng cách nói chúng ta làm những việc không đúng với “bản chất” là người, là con Thiên Chúa của mình.

Trong Tin Mừng Thánh Matthêu, chúng ta cũng tìm thấy một dụ ngôn về vườn nho trong chương kế tiếp (21:33-34). Bài Tin Mừng hôm nay liên kết với những bài Tin Mừng chúng ta đã đọc trong những ngày trước làm sáng tỏ đề tài phần thưởng dành cho những môn đệ Chúa Giêsu và sự đảo ngược về vận mệnh của những người trước hết sẽ nên sau hết và những người sau hết sẽ nên trước hết. Tuy nhiên, trong dụ ngôn này, Thánh Mátthêu đưa một đề tài mới vào trong phần thưởng dành cho những người theo Chúa Giêsu, đó là sự quảng đại của Thiên Chúa.

Hình ảnh đầu tiên mà chúng ta lưu ý là “vườn nho.” Đây là biểu tượng cho dân Israel (x. Is 5; Gr 2:10). Nhìn từ bối cảnh này, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói đến việc “mướn” nhiều người để “sai đến với những con chiên lạc Israel.” Sau khi đã thoả thuận với thợ mỗi ngày một quan tiền, đây là tiền công bình thường cho một ngày làm công trong thời gian đó (x. Mt 20:2). Người chủ thuê người làm vào lúc 6g sáng, 9g sáng, 12g trưa, 3g chiều, và 5g chiều. Trong khoảng thời gian đó, những người tìm việc làm thường đứng ở các ngã ba đường hoặc chợ để mong được thuê làm. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý sự khác biệt ở đây là vấn đề tiền công. Đối với những người làm công được thuê ngay từ đầu ngày là có thoả thuận một quan tiền; còn những người được thuê từ 9g sáng đến 5g chiều thì tiền công không được đưa ra để thoả thuận, nhưng lệ thuộc vào người chủ. Ông chỉ hứa là “sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (Mt 20:5). Như chúng ta biết, ngày sống của người Do Thái bắt đầu lúc 6g sáng và kết lúc 6g tối. Như vậy, những người làm từ 6g sáng phải làm 12 tiếng, còn những người được thuê làm sau chỉ làm 9 tiếng, 6 tiếng, 3 tiếng hoặc chỉ 1 tiếng. Điều này là lý do tại sao những người làm 12 tiếng phàn nàn vì ông chủ trả công không theo lẽ “công bằng.” Vì nếu theo lẽ công bằng, họ làm nhiều hơn sẽ nhận được nhiều hơn. Nhưng họ quên rằng tiền công của họ không được hứa trả theo lẽ công bằng, nhưng theo “thoả thuận.” Đây chính là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần, chúng ta đến với Chúa và “bắt” Chúa phải trả cho mình theo lẽ công bằng: con làm nhiều thì con phải được nhận lại nhiều. Con đi lễ nhiều, làm việc tốt nhiều thì con phải được thưởng nhiều. Thái độ này đã đặt giới hạn cho tình yêu và sự quảng đại của Thiên Chúa. Đồng thời cũng chỉ rõ ý hướng làm việc của chúng ta là chỉ để được thưởng hầu có thể so sánh với người khác là mình đã làm hơn người khác. Hãy chú tâm làm việc và để việc thưởng công cho Đức Chúa. Đừng so sánh và tức giận, nhưng biết tìm vui trong những gì nhỏ bé mình nhận được.

Một chi tiết khác chúng ta có thể suy gẫm là: “Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp : ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’” (Mt 20:6-7). Những lời này cho chúng ta thấy họ muốn làm việc, nhưng lại không được ai thuê mướn. Chi tiết này biện minh cho việc “sao các anh đứng đây suốt ngày.” Điều Mátthêu ám chỉ ở đây là để dạy các tín hữu trong cộng đoàn mình về giá trị của làm việc: có một việc làm, dù nhỏ mọn hay ngắn ngủi cũng tốt hơn là không có gì để làm hay không chịu làm gì [lười biếng]. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ trước công việc. Ai cũng muốn có việc lớn, việc tốt, còn những việc tầm thường chẳng mấy ai thích. Thánh Mátthêu dạy chúng ta rằng: điều quan trọng không phải loại việc tôi làm, nhưng là thái độ làm việc của tôi. Sự vĩ đại của công việc hệ tại ở chỗ biết nhìn công việc mình như là sự đáp trả lời mời gọi vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa, làm việc Chúa trao, chứ không phải là làm việc mình thích, theo giờ mình thích.

Câu 8 và 9 là những câu chuyển tiếp và là bối cảnh để giải thích những gì đi theo sau: “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.” Đúng ra nếu ông chủ trả tiền cho những người vào làm trước và họ đi về thì không có vấn đề “cằn nhằn.” Tuy nhiên, điều này xảy ra để hoàn thành điều Chúa Giêsu nói trong câu cuối của chương 19 (câu 30) và cũng là câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mt 20:16a). Chi tiết này cho thấy cách thức ông chủ làm việc khác với cách thức mà những người làm công thường nghĩ đến. Vì cách thức làm việc “kỳ quặc đó” mà những người làm trước nhất lẩm bẩm, khó chịu và cằn nhằn với ông chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20:12). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng trong cuộc sống khi không hiểu được đường lối của Thiên Chúa, chúng ta cũng thường lẩm bẩm, khó chịu, và cằn nhằn với Chúa. Nhiều người mất cả niềm tin vì họ không thể chấp nhận đường lối “bất công” của Thiên Chúa. Nhưng ông chủ cho thấy, ông không bất công với họ vì ông trả cho họ đúng với khoản tiền cả hai bên đã đồng ý: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?” (Mt 20:13). Thiên Chúa không bao giờ đối xử bất công với chúng ta, vì Ngài “công bình” và giàu tình thương. Điều làm cho những người đến làm trước cảm thấy tức giận với ông chủ là vì họ “mong chờ điều không phải của họ.” Khi chúng ta mong chờ điều không phải là của mình thì chúng ta sẽ dễ dàng thất vọng vì chúng ta sẽ không bao giờ có được điều đó. Thái độ này hoàn toàn trái ngược với thái độ những người vào làm sau. Họ không mong chờ. Họ hoàn toàn dựa vào sự quảng đại của ông chủ và họ nhận được khoản tiền công vượt sự mong chờ của họ. Khi đến với Chúa, chúng ta ai cũng có mong ước. Nhưng điều quan trọng là liệu sự mong ước của chúng ta có giống với sự mong ước của Chúa cho chúng ta không? Hãy để sự mong ước của chúng ta tan biến trong sự mong ước của Chúa, vì sự mong ước của Ngài luôn luôn tốt hơn và hoàn hảo hơn cho cuộc đời của chúng ta.

THỨ NĂM TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 Thánh Batôlômêô, Tông Đồ

(Kh 21:9b-14; Ga 1:45-51)

 

PHÚC ÂM: Ga 1, 45-51

Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: “Ðấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét”. Nathanael đáp: “Bởi Nadarét nào có cái chi hay?” Philipphê nói: “Hãy đến mà xem”. Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: “Ðây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối”. Nathanael đáp: “Sao Ngài biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi”. Nathanael thưa lại rằng: “Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”. Chúa Giêsu trả lời: “Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa”. Và Người nói với ông: “Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người”.

 

SUY NIỆM: ĐẾN, XEM, VÀ Ở LẠI VỚI CHÚA GIÊSU

Thánh Batôlômêô là một trong những tông đồ ít được biết đến. Thánh nhân là một trong Mười Hai Tông Đồ, là người được chính Chúa Giêsu gọi là tông đồ. Nhiều học giả Kinh Thánh nổi tiếng cho rằng vị tông đồ này chính là Nathanaen, một người thuộc Cana, ở Galilê. Ông ta là một tiến sĩ về luật Do Thái và là một trong 72 môn đệ của Đức Kitô. Sự đơn sơ, trong trắng của thánh nhân đã được Chúa Giêsu khen ngợi. Thánh nhân được nhắc đến trong số các môn đệ gặp nhau để cầu nguyện sau khi Chúa Giêsu lên trời và thánh nhân được đón nhận Thánh Thần với các môn đệ khác. Được ban cho những ơn cần thiết để trở nên một Tông Đồ của Chúa Giêsu, thánh nhân được nói đến theo nhiều nguồn đã mang Tin Mừng đến những dân tộc ngoại giáo ở Phương Đông. Thánh nhân sau đó trở lại phía tây bắc Châu Á, và gặp Thánh Philipphê tại Hierapolis ở Phrygia. Từ đó thánh nhân đi đến Lycaonia. Ở đây thánh nhân giảng dạy dân chúng về niềm tin Kitô giáo. Chúng ta không biết tên những nơi mà thánh nhân đã giảng dạy. Di chuyển cuối cùng của Thánh Batôlômêô mà truyền thống cho chúng ta biết là Great Armenia, nơi mà thánh nhân được nhận vương miện tử đạo. Các sử gia Hy Lạp hiện đại cho rằng thánh nhân bị kết án đóng đinh. Những người khác khẳng định rằng thánh nhân bị lóc thịt, điều mà có thể đi liền với đóng đinh. Hai hình thức trừng phạt này thường được sử dụng không chỉ ở Ai Cập, nhưng còn giữa những người Persia. Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính thánh nhân, chúng ta có thể học được gì ở Ngài? Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy gẫm về những phẩm chất mà thánh nhân nêu gương, hầu chúng ta cũng trở nên giống ngài, là những người môn đệ trung tín và những tông đồ nhiệt thành cho Nước Trời.

Bài đọc 1 hôm nay, trích từ sách Khải Huyền, tường thuật cho chúng ta viễn cảnh về Thành Thánh Giêrusalem trên trời. Thành Thánh mới từ Thiên Chúa xuống này được gọi là “Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên” (Kh 21:9b). Đây chính là hình ảnh Giáo Hội, “chói lọi vinh quang Thiên Chúa” (Kh 21:11). Điều đáng để chúng ta lưu ý là Thành Thánh này bao gồm cả Israel cũ và “Israel” mới. Điều này được thể hiện qua hai chi tiết sau: (1) “Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Israel” (Kh 21:12), và (2) “Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên” (Kh 21:14). Các tông đồ được xem là nền móng của Giáo Hội. Mỗi người chúng ta cũng được xem là từng viên đá xây lên toà nhà Hội Thánh [hay gia đình, hay cộng đoàn tu trì]. Chính Chúa Giêsu là Đấng nối kết chúng ta lại hầu trở thành một ngôi Đền Thánh vững chắc. Điều này chỉ xảy ra khi mỗi người chúng ta biết gắn chặt đời mình với Chúa Giêsu và sống xứng đáng, hoàn thành công việc được trao phó cho vị trí của mình mà không so sánh với những vị trí khác để sinh ra ghen tỵ và hiếm khích. Sống trọn vẹn cho Chúa mỗi giây phút trong những gì mình là và mình có.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu đang quy tụ [đang gọi] các môn đệ. Sau khi mời gọi các môn đệ đầu tiên [Anrê và một người khác] “ở lại” với Ngài. Ông Anrê giới thiệu Chúa Giêsu cho Phêrô và dẫn ông đến với Chúa Giêsu. Điều này xảy ra trong ngày thứ nhất. Hôm sau, Chúa Giêsu gặp Philíphê, người “cùng quê với ông Anrê và Phêrô” (Ga 1:44), và gọi ông. Ông liền đi theo Ngài. Câu chuyện được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm nay xảy ra trong ngày hôm đó. Câu chuyện được vén mở qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (Ga 1:45-46) là cuộc đối thoại giữa Philíphê và Nathanaen [Batôlômêô]. Cuộc đối thoại thứ nhất bao gồm một lời giới thiệu: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét” (G1 1:45). Đây chính là lời khẳng định về niềm tin vào Chúa Giêsu của các tín hữu đầu tiên. Ngài là Đấng đến để kiện toàn lề luật và ngôn sứ. Tuy nhiên, lời giới thiệu này gặp ngay một sự “từ chối” hay “khinh miệt”: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1:46). Những lời này báo trước việc Chúa Giêsu sẽ bị từ chối vì nguồn gốc tầm thường của Ngài mà Thánh Gioan sẽ thuật lại trong chương 6 và 7 của Tin Mừng. Cuộc đối thoại kết thúc với việc Philípphê lặp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu cho các môn đệ đầu tiên: “cứ đến mà xem.” Cuộc đối thoại này nói cho chúng ta biết về một thực tại thường xảy ra trong việc giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác. Không phải lúc nào việc giới thiệu của chúng ta cũng thành công. Nhiều lần chúng ta sẽ bị chống đối và nhạo cười. Đối diện với sự chống đối, loại trừ và nhạo cười, chúng ta phải trung thành đề nghị với họ “chính xác” điều Chúa Giêsu muốn. Nói cách khác, chúng ta phải trung thành mang cho họ sứ điệp của Chúa Giêsu chứ không phải sứ điệp của mình, lời mời gọi của Chúa Giêsu chứ không phải lời mời gọi của mình. Vì lời mời gọi của “Chúa Giêsu được Philípphê lặp lại,” nên Nathanaen đáp lại. Điều này dẫn đến cuộc đối thoại thứ hai.

Giai đoạn 2 (Ga 1:47-51) trình bày cho chúng ta kết quả của việc “đến mà xem” của Nathanaen, đó là ông tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Như thường lệ [trong Tin Mừng Thánh Gioan], Chúa Giêsu đi bước trước để bắt chuyện (Ga 1:47-50):

Chúa Giêsu:  “Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối.”

Ông Nathanaen: “Làm sao Ngài lại biết tôi?”

Chúa Giêsu: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

Ông Nathanaen:  “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!”

Chúa Giêsu: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”

Cuộc đối thoại bắt đầu với “lời khen” của Chúa Giêsu dành cho Nathanaen. Chúa Giêsu nói ông là một người Israel đích thật vì ông đến với Chúa Giêsu chứ không từ chối Ngài bằng việc dựa trên luật và ngôn sứ. Là một người Israel đích thực, ông luôn tìm kiếm Đấng mà “sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới.” Chúng ta thấy ở đây một sự đảo ngược: Thay vì ông muốn biết Chúa Giêsu, thì ông được Chúa Giêsu biết đến [trước khi ông biết Ngài]. Chính điều này làm cho ông kinh ngạc. Cái biết của Chúa Giêsu về ông đã làm cho ông thốt lên lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về một cám dỗ mà chúng ta thường gặp, đó là chúng ta chỉ tuyên xưng Chúa Giêsu dựa trên điều “chúng ta biết về Ngài” chứ không phải dựa trên điều “Ngài biết về chúng ta.” Hãy nhớ rằng cái biết của chúng ta là hữu hạn, còn cái biết của Chúa Giêsu [Thiên Chúa] là vô hạn. Ngoài nỗ lực biết Chúa, chúng ta hãy “cho phép” Chúa biết chúng ta.

Bài Tin Mừng kết thúc với khẳng định của Chúa Giêsu cho các môn đệ đầu tiên: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1:51). Theo các học giả Kinh Thánh, câu này được đưa vào cuộc đối thoại với Nathanaen nhằm mục đích khẳng định Chúa Giêsu là Đấng từ trời xuống và chỉ mình Ngài nhìn thấy Thiên Chúa (x. Ga 1:13). Đây chính là viễn cảnh mà Giacóp đã nhìn thấy trong giấc mơ (St 28:11-12). Viễn cảnh này trở thành viễn cảnh trong tương lai được hứa cho những người tin và cái thang trong giấc mơ của Giacóp chính là Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là “cầu nối” giữa trời và đất. Chi tiết này cho thấy, Chúa Giêsu là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Để biết những gì ở trên trời, hãy đến với Chúa Giêsu! Để hiểu ý nghĩa những gì xảy ra dưới đất, hãy hỏi Chúa Giêsu!

Tóm lại, chi tiết quan trọng mà chúng ta có thể rút ra từ bối cảnh của trình thuật Tin Mừng hôm nay là bất cứ ai gặp Chúa Giêsu với thái độ “đến mà xem” và “ở lại” thì sẽ gặp Ngài, và khi đã gặp Ngài, họ sẽ giới thiệu Ngài cho người khác để họ cũng cảm nghiệm được niềm vui khi “ở lại” với Ngài. Chúng ta cũng đã gặp và đã ở lại với Chúa Giêsu [nhất là trong bí tích Thánh Thể], chúng ta có cảm nghiệm được niềm vui khi “ở lại” với Ngài không? Chúng ta không thể giới thiệu Chúa cho người khác cách thuyết phục nếu chúng ta không cảm nghiệm cách cá vị tình yêu và niềm vui tuôn chảy từ tình yêu đó khi chúng ta ở với Ngài. Hãy làm người giới thiệu Chúa cho người khác qua thái độ sống yêu thương và vui tươi!

THỨ SÁU TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

(R 1:1.3-6.14b-16.22; Mt 22:34-40)

PHÚC ÂM: Mt 22, 34-40

Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại. Đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

  SUY NIỆM: TÌNH YÊU VƯỢT TRÊN MỌI LỀ LUẬT

Ở mọi thời, vấn đề mẹ chồng và nàng dâu luôn là vấn đề rất căng thẳng: mẹ chồng phàn nàn về nàng dâu, còn nàng dâu thì chê trách mẹ chồng. Tuy nhiên, bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta một mối tương quan mẹ chồng – con dâu thật tuyệt vời. Tuy nhiên, để câu chuyện này xảy ra, tác giả sách Ruth phải dàn cảnh [x. R 1:-7]. Chúng ta cùng nhau phân tính bối cảnh để hiểu hơn sứ điệp của bài đọc 1.

Đoạn trích này bỏ câu 2 và 7, hai câu có đóng góp lớn cho bối cảnh câu chuyện. Câu 1 đặt chúng ta vào bối cảnh lịch sử của câu chuyện [“thời các thủ lãnh”] và nguyên nhân xảy ra câu chuyện [“nạn đói xảy ra trong xứ”]. Chúng ta cũng cần lưu ý đến nơi chốn, đó là Bêlem [quê quán của Vua Đavít và nơi Chúa Giêsu sinh ra]. Câu 2 nêu tên những người có liên quan đến câu chuyện: “Tên người đàn ông là Êlimeléc, tên người vợ ấy là Naomi và tên của hai con trai là Máclôn và Kingiôn. Họ là người Épratha thuộc xứ Bêlem miền Giuđa. Họ đến cánh đồng Môáp và ở lại đó.” Như chúng ta biết, trong truyền thống Kinh Thánh, tên thường nói đến căn tính con người. Tên của hai người con trai mang tính tượng trưng và trong bối cảnh câu chuyện, chúng ám chỉ đến tương lai của họ: cả hai sẽ chết [Máclôn có nghĩa là “bệnh tật” và Kingiôn có nghĩa là “hoang phí”].

Những gì tiếp theo trong bối cảnh là “ba người goá chồng” (x. R 1:4-6). Trước hết là bà Naomi. Sau khi chồng chết, bà dựa vào hai người con trai. Nhưng rồi hai người con trai cũng chết. Như thế, bà chỉ còn lại một mình, một người không có ai bảo vệ [không chồng, không con]. Hơn nữa, bà bây giờ chỉ là một người goá phụ già nua không có sự bảo vệ từ quê hương và người thân. Bà thật sự là một người không còn gì. Nhưng giờ lại còn có hai người goá phụ trẻ cũng thiếu thốn mọi sự như bà. Thiếu thốn mọi sự, bà quyết định trở về lại quê hương, đó là Bêlem. Những chi tiết này tạo nên bối cảnh cho nội dung chính của câu chuyện (phần còn lại của đoạn trích trong bài đọc 1), đó là “hành động” của hai người con dâu với mẹ chồng.

Như chúng ta biết, Noami đã thành công trong việc thuyết phục Oócpa trở về với dân tộc của mình. Và bà cũng thuyết phục Rút làm như vậy: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!” (R 1:15). Trong những lời này, chi tiết chúng ta cần lưu ý là “hãy theo chị dâu con” [dịch đúng hơn là: “hãy trở nên như chị dâu con”]. Thái độ của Rút cho thấy cô dứt khoát không “như chị dâu mình”: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (R 1:16). Trong những lời này, Rút tuyên xưng “từ bỏ tôn thờ ngẫu tượng” để chỉ tôn thờ Thiên Chúa của dân Israel. Điều này làm cho Rút “không giống” với người chị dâu. Rút “cam kết trung thành” với Thiên Chúa và dân của Ngài [trong hình ảnh Naomi]. Qua hình ảnh người chị dâu và Rút, tác giả ám chỉ việc nhắc nhở con cái Israel đừng trở về với lối sống cũ, đừng nên giống những dân lân cạnh, nhưng phải trung thành với Thiên Chúa. Chúng ta cũng vậy, chúng ta đã thuộc về Chúa. Đừng trở nên giống người khác. Hãy là mình trong tương quan trung thành với Chúa.

Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng được Thánh Máccô (12:28-34) và Thánh Luca (10:25-28) thuật lại. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu thêm vào câu 34 để giữ vai trò chuyển tiếp và tạo bối cảnh cho cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu. Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là việc Thánh Mátthêu dùng từ “thông luật” trong câu 35. Trong câu 34, chúng ta đọc thấy “những người Pharisêu họp nhau lại,” trong khi câu 35 thì lại sử dụng “một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người.” Chi tiết này cho thấy, những người Pharisêu đồng hoá như những “thông luật.” Từ “thông luật” này [tiếng Hy Lạp là nomikos] chỉ xuất hiện ở đây trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, nhưng lại xuất hiện sáu lần trong Tin Mừng Thánh Luca. Nó ám chỉ đến người rất thông suốt Luật [Torah]. Điều này giúp chúng ta hiểu động lực họ hỏi Chúa Giêsu là “để thử Người,” vì họ thông suốt về luật, còn Chúa Giêsu chỉ là “con bác thợ mộc” ở Nazareth. Câu hỏi họ đưa ra đơn giản để thử xem Chúa Giêsu có biết sách Luật [Torah] không: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22:36). Đối với Người Do Thái, Torah giữ vị trí cao nhất [sau đó là các sách ngôn sứ và cuối cùng là các sách khác]. Theo các “thông luật,” Torah chứa đựng 613 luật [trong đó 365 luật tiêu cực – không được làm và 248 luật tích cực – phải làm]. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta thấy câu hỏi của người thông luật rất thách đố vì nó đòi buộc Chúa Giêsu phải biết trong sách Torah có bao nhiêu luật và trong số đó điều nào là quan trọng nhất. Nói cách khác, câu hỏi này muốn Chúa Giêsu phải cung cấp cho họ bản tóm tắt của toàn bộ các luật trong Torah hoặc sâu hơn là điểm nòng cốt nhất của Torah. Để hiểu hơn điều này, chúng ta cần biết rằng những người Pharisêu thường thích thú trong việc học Torah và giảng dạy cho dân chúng. Hơn nữa, họ cũng quá nhấn mạnh đến việc phát triển những luật nhỏ, những chi tiết của luật mà quên đi cái chính yếu. Vì vậy, câu hỏi của người thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu lại mang một ý nghĩa mới, đó là họ muốn Chúa Giêsu đưa họ về lại với những gì là căn bản, là chính yếu của Luật mà Thiên Chúa muốn khi Ngài ban Torah cho họ. Điều này nhắc nhở chúng ta về thực tại của ngày sống. Nhiều khi chúng ta cũng để mình bị cuốn hút hay chi phối bởi những chi tiết nhỏ nhặt mà quên đi những gì quan trọng nhất của cuộc đời. Đến khi nhận ra thì quá muộn. Hãy dừng lại giây phút trong ngày để xem mình đang tập trung vào những điều chính yếu [mang lại hạnh phúc đích thật] hay những điều không cần thiết [chỉ mang lại hạnh phúc chóng qua].

Chúa Giêsu trích Đnl 6:5 để trả lời câu hỏi của người thông luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22:37-38). Đối với người Do Thái, “Shema Israel” là điều răn quan trọng nhất mà họ phải luôn nhẩm trên môi, đeo trên người và khắc ghi trong lòng. Yêu Chúa là điều quan trong nhất và là điều răn thứ nhất. Điều này ám chỉ việc phải đặt Thiên Chúa vào vị trí tối thượng [quan trọng nhất] trong cuộc đời chúng ta. Nói cách khác, Chúa Giêsu nhìn luật là một thể thống nhất. Từ tình yêu Thiên Chúa, tất cả những luật khác sẽ được rút ra và được nâng đỡ. [Điều này có xảy ra với chúng ta không? Thiên Chúa có vị trí nào trong cuộc đời chúng ta?]. Trong câu trả lời của mình Chúa Giêsu cho biết tình yêu không đơn giản chỉ là một cảm xúc, nhưng là một “giao ước trung thành,” là vấn đề của việc ước muốn và làm [của cả lý trí và con tim]. Điều này được diễn tả trong những lời hết “lòng” – có nghĩa là hết ước muốn; hết “linh hồn” – có nghĩa là hết cuộc sống; và “sức lực” – có nghĩa là tài sản. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu không “dịch” [sử dụng] từ “sức lực” mà thay vào đó là từ “trí khôn,” cũng có nghĩa như “lòng” (x. Mt 4:1-11). Ngày hôm nay, nhiều người yêu với tình yêu “duy cảm xúc.” Khi cảm xúc tàn, thì tình yêu cũng chết theo. Khi yêu, chúng ta phải yêu với cả con người [và yêu cả con người của người mình yêu]. Vì vậy, tình yêu đòi hỏi sự trung thành. Không có trung thành thì tình yêu không còn là chính mình!

Bên cạnh điều răn yêu Chúa, Chúa Giêsu trích sách Lêvi (19:18) để thêm vào điều răn thứ hai, nhưng cũng giống điều răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:39). Điều răn thứ hai này ít quan trọng trong bối cảnh phụng vụ của người Do Thái, nhưng lại trở nên rất quan trọng trong Tân Ước (x. Mt 5:43; 19:19; Rm 13:8-10; Gal 5:14; Gc 2:8). Trong mệnh lệnh này, Chúa Giêsu ám chỉ đến một hình thức “yêu chình mình cách đúng đắn.” Khi Chúa Giêsu đưa hai điều răn này lại với nhau, Ngài muốn nói với chúng ta rằng: Những ai không có tình yêu chân thật dành cho Thiên Chúa, thì không thể có tình yêu chân thật dành cho chính mình [và hệ quả là không có tình yêu chân thật dành cho người khác]. Như chúng ta biết, con người chỉ biết và hiểu chính mình khi đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên họ. Giống như một cái máy được sáng chế, không ai biết rõ nó bằng người sáng chế ra nó. Cũng vậy, không ai biết chúng ta bằng Thiên Chúa. Chỉ khi con người yêu Chúa, Đấng tạo dựng nên họ, họ mới có khả năng yêu chình mình, là tạo vật của Ngài. Yêu Chúa và yêu người [trước tiên là “yêu chính mình” trong tương quan với Chúa, và sau là “yêu người khác” trong tương quan với Chúa và với mình] là hai chuyển vận không tách rời của cùng một tình yêu. Thiếu một trong hai, tình yêu sẽ dễ dàng trở thành một loại cảm xúc chóng tàn, chứ không phải là quyết định sáng suốt của con tim và tâm trí.

Chúa Giêsu kết luận với khẳng định rằng: “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22:40). Trong những lời này, Thánh Mátthêu ám chỉ đến sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến cho thế giới. Theo các thầy dạy [rabbi], thế giới được dựng trên Luật, các nghi lễ trong Đền Thờ Giêrusalem, và các hành động tốt, hay nói cách khác, thế giới được đặt nền tảng trên sự thật, phán xét và hoà bình [bình an]. Theo Thánh Mátthêu, sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến chính là việc Ngài đặt toàn bộ lề luật và ngôn sứ trên mệnh lệnh yêu thương. Tình yêu Ngài nói đến không mang tính lý thuyết, nhưng được diễn tả qua những hành động yêu thương cụ thể trong đời sống thường ngày. Nói cách cụ thể, khi chúng ta thực hiện một hành vi yêu thương [yêu thương cách đúng đắn], chúng ta đã hoàn thành những lời dạy của Luật và ngôn sứ. Hãy biến ngày sống trở thành chuỗi dây của các hành động yêu thương.

THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

(R 2:1-3.8-11; 4:13-17; Mt 23:1-12)

PHÚC ÂM: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là “Thầy”, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là “cha”, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là “người chỉ đạo”: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 

 SUY NIỆM: SỐNG KHIÊM NHƯỜNG TRƯỚC MẶT CHÚA

Bài đọc 1 hôm nay thuật lại câu chuyện của Rút. Chúng ta thấy rõ ràng có hai phần trong bài đọc 1: Phần 1 (2:1-11) nói cho chúng ta biết bối cảnh của cuộc gặp gỡ giữa Rút và Bôát và phần 2 (4:13-17) thuật lại việc Bôát lấy Rút làm vợ. Trong phần 1, điều đáng để chúng ta lưu ý là việc Rút xin mẹ chồng để đi mót lúa, nhưng chỉ ở “đằng sau người nào rộng lượng đối với con” (R 2:2). Đây chính là đặc tính mà Rút tìm kiếm như dấu chỉ từ Đức Chúa và Rút đã được Đức Chúa lắng nghe. Rút đã được Bôát rộng lượng cho vào mót trong ruộng mình vì ông đã nghe “người ta đã kể lại cho ta nghe tất cả những gì con đã làm cho mẹ chồng sau khi chồng con mất, cũng như chuyện con đã bỏ cả cha mẹ và quê hương, mà đến với một dân trước kia con không hề biết tới” (R 2:11). Hương thơm lòng tốt của Rút đã được đáp lại với lòng rộng lượng của Bôát. Đây chính là bối cảnh cho chuyện tình của Bôát và Rút. Chi tiết này mời gọi chúng ta sống tốt, sống quảng đại, sống rộng lượng. Những giá trị này luôn mang lại cho chúng ta danh thơm tiếng tốt và sẽ được đáp trả đúng thời đúng buổi. Phần 2 của câu chuyện nói cho chúng ta về việc Bôát lấy Rút làm vợ và niềm vui của bà Naomi khi Rút sinh con. Niềm vui của bà Naomi hệ tại việc Đức Chúa đã đoái thương nhìn đến bà để bà có người bảo tồn dòng dõi. Đứa cháu của bà “sẽ giúp bà lấy lại sức sống, và sẽ là người nâng đỡ bà trong tuổi già, vì mẹ nó là người con dâu biết yêu quý bà, nàng quý giá hơn bảy đứa con trai” (R 4:15). Những lời này cho thấy, “một người con dâu hiếu thảo thì đáng quý hơn bảy đứa con trai.” Câu chuyện giữa bà Naomi và Rút trở nên kiểu mẫu cho mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu. Nói cách khác, mối quan hệ đích thật không chỉ dựa trên máu huyết, nhưng dựa trên lòng kính sợ Chúa và tình yêu dành cho nhau. Hãy đối xử với nhau với trọn tình yêu, lòng rộng lượng thì chúng ta sẽ nhận lại được những mối tương quan tốt đẹp trong cuộc sống.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của những lời ‘khốn’ chống lại các kinh sư và người Pharisêu của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy bài Tin Mừng có hai phần: trong phần 1, Chúa Giêsu nêu ra lý do tại sao các kinh sư và người Pharisêu bị Chúa Giêsu ‘chống đối’ và trong phần 2, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải sống thái độ như thế nào trước người khác.

Trong phần 1, Chúa Giêsu công nhận việc giảng dạy của các kinh sư và người Pharisêu qua việc Ngài mời dân chúng và các môn đệ thực hành lời giảng dạy của họ: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên toà ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (Mt 23:1-3). Theo các học giả Kinh Thánh, từ ‘ngồi’ trên toà Môsê các kinh sư và người Pharisêu được sử dụng theo thì ‘quá khứ.’ Điều này ám chỉ rằng uy quyền của họ là ở quá khứ. “Toà của Môsê” là biểu tượng uy quyền của Môsê và những người Pharisêu tuyên nhận họ là những người thừa kế Môsê. Điểm đáng lưu ý trong những lời trên là việc Chúa Giêsu nêu ra lý do đầu tiên Ngài chống lại các kinh sư và những người Pharisêu, đó là lời dạy không đi đôi với hành động. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ nghe những lời dạy của họ và đem ra thực hành, chứ không bắt chước những việc họ làm. Chi tiết này mời gọi chúng ta thực hành những gì mình nói. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ trở nên những người đáng tin cậy.

Ngoài việc khiển trách các kinh sư và người Pharisêu không sống điều họ dạy, Chúa Giêsu còn khiển trách họ về những điều sau: (1) không sống sự liên đới với người khác hay nói cách khác là đồng lao cộng khổ: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23:4); (2) làm việc để cho người khác tôn vinh mình: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23:5; luôn tìm kiếm chỗ danh dự và lời khen của người khác trong đám đông: “Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy” (Mt 23:6-7). Đây cũng là những điều chúng ta cần lưu tâm vì nhiều lần chúng ta sống dửng dưng và đóng lòng mình lại trước những đau khổ của anh chị em. Chúng ta chỉ biết lo cho riêng mình. Cái tôi của chúng ta thật lớn vì chúng ta đặt cái tôi lên trước để được tôn vinh và phục vụ. Lời Chúa mời gọi chúng ta phải có đời sống thật khiêm nhường, ầm thầm và luôn đặt anh chị em mình lên trên để yêu thương và phục vụ.

Về phần các môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi họ tập trung vào Ngài và tập trung vào Thiên Chúa hơn là vào chính mình: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23:8-12). Chúa Giêsu hướng các môn đệ đi ra khỏi cái tôi của mình và vượt qua những ‘danh hiệu’ mà người khác đặt cho mình. Điều quan trọng trong cuộc sống không phải là chạy theo những danh hiệu chính mình và người khác đặt ra, nhưng chạy theo danh hiệu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, đó là trở nên môn đệ chân chính của Ngài.