Suy niệm Tuần XIX Thường Niên
Lm Ngọc Dũng, SDB
THỨ HAI TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
(Đnl 10:12-22; Mt 17:22-27)
PHÚC ÂM: Mt 17, 21-26
“Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền. Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: “Thầy các ông không nộp thuế “đền thờ’ sao?” Ông nói: “Có chớ”. Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Ðòi con cái mình hay người ngoài?” Ông thưa rằng: “Ðòi người ngoài”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con”.
SUY NIỆM: TRÁNH LÀM CHO NGƯỜI KHÁC VẤP NGÃ
Những lời “tâm tình” của Môsê cho con cái Israel được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay đáng để chúng ta suy gẫm. Chúng ta rút ra hai điều sau để làm kim chỉ nam cho ngày sống của mình. Điều đầu tiên là lời mời gọi kính sợ Thiên Chúa: “Giờ đây, hỡi Israel, nào Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được hạnh phúc? (Đnl 10:12-13). Kính sợ Thiên Chúa được thể hiện qua việc (1) đi theo mọi đường lối của Người; (2) yêu mến phụng thờ Người hết lòng hết dạ; (3) giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người. Khi thực hiện những điều này, chúng ta sẽ được hạnh phúc. Điều này dường như đối nghịch với lối suy nghĩ của nhiều người ngày hôm nay. Chúng ta xem việc thờ phượng và giữ các mệnh lệnh của Ngài [được “đề nghị bởi Giáo Hội] lấy đi sự tự do và hạnh phúc của mình. Những lời “dặn dò” của Môsê chỉ cho chúng ta thấy rằng, chúng ta chỉ được hạnh phục đích thật khi chúng ta kính sợ Thiên Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài.
Điều thứ hai là lời mời gọi “cắt bì tâm hồn và đừng cứng cổ” (Đnl 10:16). Đối với người Do Thái, cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa với Ápraham. Cắt bì là tháp nhập họ vào trong dân riêng của Chúa. Tuy nhiên, điều Môsê mời gọi ở đây là không chỉ cắt bì thể lý, nhưng quan trọng hơn là cắt bì tâm hồn. Nói cách khác, Môsê mời gọi dân Israel thuộc trọn về Chúa không chỉ bằng những lễ nghi bên ngoài, nhưng hơn hết con tim và cõi lòng thuộc trọn về Ngài. Họ không nên chỉ tôn thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, mà lòng họ thì xa Chúa. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ chúng ta có khi đến với Chúa hay khi chúng ta diễn tả đức tin của mình. Những cử chỉ bên ngoài phải được đi kèm với tình yêu và lòng thành kính bên trong. Chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa cả trên môi miệng lẫn tâm hồn.
Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu tiên báo về cuộc thương khó của Ngài. Trình thuật này cũng được thánh Máccô (9:30-32) và Luca (9:43-45) ghi lại. Đây là lần tiên báo ngắn nhất và không rõ ràng nhất. Theo một số học giả Kinh Thánh, trình thuật này diễn tả kiểu tiên đoán đầu tiên. Trong lời tiên đoán, Thánh Mátthêu bỏ đi sự bí mật được Thánh Máccô thuật lại. Thánh Mátthêu đồng hoá Con Người với Chúa Giêsu và định mệnh của Ngài là phải chịu đau khổ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy” [đúng hơn là “Người sẽ được làm cho trỗi dậy”] (Mt 17:22-23). Tư tưởng Con Người phải chịu đau khổ này không được ám chỉ trong hình ảnh Con Người tìm thấy trong sách Ngôn sứ Đanien (x. Đn 7:13). Sự đồng hoá này được thấy rõ hơn qua việc “các môn đệ buồn phiền lắm” (Mt 17:23) vì họ biết rằng Chúa Giêsu đang nói về Ngài. Một chi tiết mà chúng ta cần lưu ý trong lời tiên đoán là việc Chúa Giêsu sử dụng thể “bị động” khi nói đến cuộc thương khó và phục sinh của Ngài [“Con Người sắp bị nộp…” hoặc “ngày thứ ba Người sẽ được làm cho trỗi dậy]. Điều này ám chỉ Thiên Chúa [Chúa Cha] chính là Đấng chủ động, còn Chúa Giêsu luôn làm theo thánh ý Chúa Cha. Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Chúng ta sẽ gặp đau khổ [hoặc có được niềm vui] trong cuộc sống. Nếu để Thiên Chúa hướng dẫn dòng đời của mình, chúng ta luôn đi đúng đường vì chúng ta luôn thực hiện thánh ý Ngài.
Sau khi thuật lại lần tiên đoán thứ hai về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu thêm vào một câu chuyện mà chỉ thấy trong Tin Mừng của Ngài, đó là câu chuyện về việc đóng thuế cho đền thờ. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng loại thuế được đề cập đến trong đoạn trích này là thuế đền thờ, nhưng trong thực tế có đến bốn loại thuế được đề nghị ở đây. Nếu loại thuế này là thuế nhà nước, thì ý nghĩa của câu chuyện giống với trình thuật trong Mt 22:15-22. Nếu câu chuyện nói về một biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu, loại thuế nói đến có thể là thuế về tôn giáo cho người giữ Đền Thờ (x. Xh 30:13-14). Nếu câu chuyện đến từ chính việc ấn bản của Thánh Mátthêu và ám chỉ đến tình trạng sau năm 70 [sau khi Đền Thờ bị phá huỷ], thì loại thuế được đề cập đến là loại thuế để đóng góp cho đền thờ của Jupiter Capitolinus ở Rôma. Điều này không thể xảy ra vì nó đóng góp cho việc tôn thờ ngẫu tượng, điều mà người Do Thái và Kitô giáo không thể thực hiện. Loại thuế cuối cùng có thể là khoản đóng góp để nâng đỡ các học giả ở Jamnia như là dấu chỉ hiệp thông của các tín hữu Do Thái với những người Do Thái khác. Tuy nhiên, điều này cũng khó có thể xảy ra vì trong “công đồng” Jamnia, người Do Thái đã đuổi các tín hữu Do Thái. Bốn loại thuế trên vẫn được tranh cãi giữa các học giả Kinh Thánh. Tuy nhiên, như chúng ta đã trình bày, thuế đền thờ là khả thể nhất vì nó được phản ánh trong câu chuyện.
Câu chuyện về nộp thuế đền thờ được vén mở trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (Mt 17:24-25) nói về cuộc đối thoại của những người thu thuế với Phêrô. Giai đoạn 2 (Mt 17: 25-27) bao gồm cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô. Chìa khoá để hiểu câu chuyện là việc Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Thánh Phêrô cho biết, chỉ có người ngoài nộp thuế. Điều này cho thấy những người thu thuế xem Chúa Giêsu như người ngoài. Đây là lối diễn tả về việc Chúa Giêsu bị loại trừ [nó cũng phản ánh tình trạng các tín hữu của cộng đoàn Thánh Mátthêu bị loại trừ khỏi hội đường của người Do Thái]. Chi tiết đáng để chúng ta suy gẫm trong cuộc đối thoại với Phêrô là việc Ngài nói đến lý do tại sao Ngài đóng thuế cho Ngài và Phêrô, đó là “khỏi làm cớ cho họ sa ngã” (Mt 17:27). Trong những lời này, Thánh Mátthêu chỉ cho thấy sự nhạy cảm của Ngài về việc đối thoại “đại kết” và mục vụ. Ngài đề cập đến việc tránh làm gương mù gương xấu trong đoạn này như lời giới thiệu cho chương kế tiếp [chương 18]. Như vậy, nội dung chính của đoạn này không phải là phép lạ [câu cá mở miệng để lấy tiền] vì phép lạ không được mô tả [chỉ được nói đến trong thể chưa xảy ra]. Nội dung chính ở đây là việc Chúa Giêsu muốn các môn đệ sống đời sống hoàn hảo hơn, đó là không làm cớ cho người khác vấp ngã. Chúng ta cũng được mời gọi thực hiện điều này. Nhiều khi chúng ta cần làm hoặc tránh một vài việc, dù theo “luật” những việc này là hợp lý. Chúng ta làm như thế vì “bác ái,” vì chúng ta không muốn làm cho người khác sa ngã vì hành động của mình.
THỨ BA TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN – Đức Mẹ Lên Trời
(Kh 11,19a ; 12,1-6a.10ab; 1 Cr 15:20-27; Lc 1:39-56)
PHÚC ÂM: Lc 1, 39-56
“Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại: Người nâng cao những người phận nhỏ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:
“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.
Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”. Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
SUY NIỆM: LINH HỒN TÔI TÔN VINH THIÊN CHÚA
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Mẹ Lên Trời. Đây là một trong bốn tín điều về Đức Mẹ [Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đồng Trinh Trọn Đời, Mẹ Vô Nhiểm, và Mẹ Lên Trời]. Tín điều này là tín điều mới nhất về Đức Mẹ được công bố năm 1950 bởi Đức Thánh Cha Piô XII. Mừng trọng thể Lễ Mẹ lên trời, chúng ta tự hỏi: Lễ này có ý nghĩa gì với chúng ta? Qua tín điều Mẹ Lên Trời, Giáo Hội muốn nói với chúng ta điều gì? Chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta.
Bài đọc 1, trích từ sách Khải Huyền, trình thuật cho chúng ta về điềm lớn “xuất hiện trên trời” (Kh 12:1). Đây là ý nghĩa đầu tiên của lễ trọng hôm nay, đó là hướng lòng chúng ta về những thực tại trên trời. Nói cách khác, tín điều Mẹ Lên Trời mời gọi chúng ta ý thức về quê hương thật của chúng ta là nước trời. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn trích hôm nay không phải là một bài thống nhất, nhưng được xây dựng trên hai câu chuyện từ hai nguồn khác nhau: một câu chuyện mô tả sự đối kháng giữa người phụ nữ với đứa con và con rồng [phản chiếu trong câu 1-6 và 13-17] và một trình thuật vẽ lên một cuộc chiến trên trời (x. câu 7-9). Có thể những nguồn này được tạo ra bởi những Kitô hữu không phải là người Do Thái và Thánh Gioan biên soạn lại và thêm vào những phần cần thiết để chuyển tải sứ điệp ngài muốn nhắm đến bao gồm bài ca trong câu 10-12.
Chi tiết liên quan đến thánh lễ ngày hôm nay là: “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12:1). Những đặc tính được gán cho người phụ nữ thường được sử dụng để gán cho những vị thần nữ trong truyền thuyết thời cổ [nhất là trong truyền thuyết Hy Lạp]. Chân tính của người phụ nữ trong đoạn trích này thường được tranh luận gay gắt. Lối giải thích truyền thống của người công giáo Rôma là đồng hoá người phụ nữ này với Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và cũng là Eva mới. Những lối giải thích khác đề nghị rằng, người nữ là hình ảnh của Giêrusalem trên trời, là sự khôn ngoan được cá vị hoá, hoặc là hình ảnh của Giáo Hội. Nhưng theo nguồn mà từ đó bản văn được xây dựng trên, thì người phụ nữ chính là dân Israel được cá vị hoá, người “đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” (Kh 12:2) là hình ảnh của những nỗi “khốn khổ” phải chịu trước khi Đấng Cứu Thế xuất hiện. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, trong hình thức hiện tại của chương 12, người phụ nữ là Israel trên trời, là hiền thê của Thiên Chúa. Vì Thánh Gioan áp dụng từ “Dân Do Thái” cho các tín hữu (x. Kh 2:9; 3:9), nên thánh sử không phân biệt giữa dân Israel và Giáo Hội. Vì vậy, hình ảnh người phụ nữ trong đoạn trích này là Giáo Hội, trong đó Mẹ Maria là một thành phần, là kiểu mẫu và cũng là Mẹ.
Khi Giáo Hội trích đoạn sách Khải Huyền để đọc trong thánh lễ hôm nay, Giáo Hội muốn giải thích hình ảnh người phụ nữ trong đoạn trích theo truyền thống, đó là Mẹ Maria. Mẹ là người cùng với Giáo Hội chống lại thế lực ma quỷ được diễn tả trong hình con Mãng Xà. Mẹ chiến đấu để bảo vệ những người con của Mẹ cho đến khi các con của Mẹ được đưa “ngay lên Thiên Chúa, lên tận Ngai của Người” (Kh 12:5). Đây là ý nghĩa thứ hai mà chúng ta có thể rút ra trong thánh lễ hôm nay, đó là Mẹ luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc chiến chống lại quyền lực ma quỷ. Mẹ luôn bảo vệ, phù hộ chúng ta trên từng bước đường dương thế hầu đưa chúng ta về quê trời, về với Thiên Chúa, nơi Mẹ đang chờ đợi chúng ta.
Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 trình bày cho chúng ta ý nghĩa của thánh lễ hôm nay trong những lời tuyệt hảo sau: “Thưa anh em, Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1 Cr 15:20-21). Trong những lời này Thánh Phaolô cho biết, tín điều Mẹ lên trời chỉ được hiểu cách trọn vẹn trong ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu. Trong Chúa Giêsu, tất cả chúng ta đều chết với Ngài và trong sự phục sinh của Ngài, chúng ta được trỗi dậy trong vinh quang với Ngài. Mẹ Maria được chia sẻ cách chặt chẽ nhất trong mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, nên Mẹ được đặc ân chia sẻ trong vinh quang của Ngài qua việc được đưa lên trời cả hồn lẫn xác.
Thánh Luca trình bày Mẹ Maria như người phụ nữ “vội vã đi đến miền núi.” Những lời này mang tính hình tượng. Núi trong truyền thống Kinh Thánh là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, khi Mẹ Maria vội vã đi lên miền núi đồng nghĩa với việc Mẹ vội vã đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa để thăm bà Êlisabét. Khi đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta cần lưu ý rằng: chúng ta sẽ không hiểu được ý định của Thánh Luca nếu chúng ta chỉ phóng đại hành động thăm viếng của Mẹ Maria như là mối quan tâm mang tính bác ái và xã hội. Nếu Thánh Luca có ý định trình bày Mẹ Maria như là mẫu gương của đức ái, thì thánh sử đã không viết câu 56 [“Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà”], câu mà mô tả Mẹ Maria bỏ về nhà mình trong thời gian mà Êlisabét cần Mẹ nhất vì bà mới sinh con [hoặc có thể sắp sinh con vì bà mang thai được 6 tháng thì Mẹ Maria đến thăm sau biến cố truyền tin]. Hơn nữa, theo các học giả Kinh Thánh, điều có thể nói là vô lý ở đây là chúng ta khó mà tưởng tượng một trinh nữ người Do Thái, mới 14 tuổi đi một mình trong một hành trình dài 4 ngày. Vậy đâu là ý định của Thánh Luca? Ý định của Thánh Luca vừa mang tính văn chương vừa mang tính thần học. Thánh sử muốn đưa hai người sắp làm mẹ (x. Lc 1:25 và Lc 1:36) đến với nhau để cả hai tôn vinh Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời của họ và nhất là người con của Êlisabét được giới thiệu như người đi trước để dọn đường cho người con của Mẹ. Thánh Luca lấy đi sự hiện diện của Mẹ Maria khỏi bối cảnh trước khi Gioan được sinh ra để mỗi trình thuật về sự ra đời chỉ có ba nhân vật chính: Dêcaria, Êlisabét và Gioan; Giuse, Maria và Chúa Giêsu. Tóm lại, trong tư tưởng của Thánh Luca, Mẹ Maria được trình bày như gương mẫu của người “luôn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời mình và không ngừng tôn vinh Thiên Chúa.” Đây là điều Thánh Luca mời gọi mỗi người chúng ta học nơi Mẹ Maria khi chúng ta cử hành lễ Mẹ Lên Trời. Sống trong thế giới luôn bận rộn với công việc và những ồn ào, chúng ta có ít thời gian để lắng đọng, để nhìn lại và ý thức sự hiện diện và hoạt động không ngừng của Chúa trong đời sống chúng ta. Chỉ những ai ý thức được Chúa đang hoạt động trong đời sống của mình mới có khả năng biến cuộc sống mình thành lời ca tụng Chúa không ngừng.
THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
(Đnl 34,1-12; Mt 18:15-20)
PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20
“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế. “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ. “Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.
SUY NIỆM: TRỞ NÊN MỘT LÒNG MỘT TRÍ TRONG ĐỨC KITÔ
Trong lịch sử dân Israel, không có vị ngôn sứ nào như Môsê: “Trong Israel, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Môsê, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt” (Đnl 34:10). Sự vĩ đại của Môsê hệ tại việc ông được Đức Chúa biết rõ và nói chuyện diện đối diện. Dù vĩ đại, nhưng Môsê không được đặt chân vào đất mà Đức Chúa đã thề hứa với Ápraham, Ixaác và Giacóp. Điều an ủi ông là được Đức Chúa “cho ngươi thấy tận mắt” đất hứa. Chúng ta không chỉ được Chúa biết rõ, mà còn được đón nhận Ngài vào trong tâm hồn mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ. Chúng ta cũng tận mắt nhìn thấy sự hiện diện thật của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể. Những điều này phải làm cho cuộc sống chúng ta trở nên vĩ đại. Sự vĩ đại của con người không được định nghĩa bằng tương quan với thế gian, nhưng bằng tương quan với Thiên Chúa.
Ai trong chúng ta cũng đã một lần phạm lỗi với người khác hoặc bị người khác phạm lỗi. Có hai khả thể xảy ra nếu chúng ta phạm lỗi với người khác: Một là chúng ta khiêm nhường nhận lỗi và đi xin lỗi, hai là chúng ta để cho sự kiêu ngạo [bất cần] thống trị để rồi chúng ta không thấy cần phải đi xin lỗi. Bài Tin Mừng hôm nay nói về “tiến trình xử án.” Thánh Mátthêu dựa trên nền tảng của lời khuyên bảo về việc sửa lỗi huynh đệ trong nguồn Q (x. Lc 17:3) để phát triển thành một “học thuyết” về cách phân xử trong câu 15-17. Chúng ta thấy có ba giai đoạn trong tiến trình kỷ luật một người anh em ngoan cố trong cộng đoàn. Còn trong câu 18-20, Thánh Mátthêu cung cấp lý do thiêng liêng cho những quyết định được đưa ra trong tiến trình sửa lỗi này, đó là đi từ lề luật đến thần học.
Như chúng ta đã trình bày, phần sửa lỗi gồm ba giai đoạn: (1) Giai đoạn 1 bắt đầu với việc nhận ra người anh em phạm lỗi thì “đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em” (Mt 18:15). Trong giai đoạn này, sự sửa lỗi mang tính cách cá nhân, đi một mình hầu “giữ thể diện” cho người anh chị em. Trong giai đoạn này, hai điều cần làm là lắng nghe để đối chiếu sự thật và “khiển trách.” Tuy nhiên, chúng ta làm những điều này chỉ với mục đích là “chinh phục” người anh em. Chữ “chinh phục” ở đây là từ mang tính chuyên môn trong thần học của các thầy Rabbi. Nó ám chỉ đến nỗ lực mang người khác về trong việc truyền giáo (x. Lv 19:17-18). (2) Giai đoạn 2 xảy ra khi chúng ta thất bại trong giai đoạn 1. Trong giai đoạn 2, chúng ta cần thêm “một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân” (Mt 18:16). Đây là câu trích từ Đnl 19:15. Mục đích của giai đoạn này cũng nhằm thuyết phục người anh chị em của mình dựa trên lời chứng của người khác, chứ không chỉ dựa trên lời chứng mang tính chất “chủ quan” của riêng mình [điều có thể xảy ra trong giai đoạn 1]. Như vậy, trong giai đoạn 2, cả hai khía cạnh chủ quan và khách quan được thiết lập. Nhưng nếu người anh em không chịu lắng nghe, “thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18:17). Từ “Hội Thánh” ở đây ám chỉ đến cộng đoàn địa phương. Khi người sai phạm không nghe cộng đoàn, thì chính họ tự cắt mình ra khỏi cộng đoàn và như thế cộng đoàn xem họ như “một người ngoại hay một người thu thuế. Đây là lối nói khác của “vạ tuyệt thông,” tức là bị loại trừ ra khỏi cộng đoàn. Điều này chỉ xảy ra trong những trường hợp rất nghiêm trọng, khi lợi ích của cộng đoàn bị đe doạ. Dù bị loại ra như một người thu thuế hay dân ngoại, người anh em vẫn được đón nhận trở về với điều kiện tỏ lòng sám hối. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng đón nhận những người thu thuế, nhưng chỉ khi họ tỏ cho thấy họ tin và sám hối (x. Mt 9:9-13).
Trong phần cung cấp lý do thiêng liêng cho việc sửa lỗi huynh đệ, Chúa Giêsu sử dụng lời Ngài nói với Phêrô khi ông tuyên xưng đức tin ở Ceasarea Philippi để nói với các môn đệ (x. Mt 1:13-20): “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 18:18). Trong câu này, các môn đệ khác [những người lãnh đạo cộng đoàn] cũng được ban cho quyền ràng buộc và tháo cởi, nhưng không được ban cho quyền gắn liền với “chìa khoá Nước Trời.” Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý thể thức văn phạm được sử dụng trong câu này, đó là thể “bị động mang tính thần học” – “sẽ bị ràng buộc.” Chi tiết này cho thấy chính Thiên Chúa là Đấng chủ động trong việc ràng buộc [trên trời]. Điều này nhắc nhở chúng ta về việc chúng ta phải hành động nhân danh Chúa, nhất là trong việc sửa lỗi huynh đệ và tha thứ cho nhau. Nói cách cụ thể hơn, khi sửa lỗi huynh đệ và tha thứ, chúng ta phải có con tim bao dung như Chúa để có thể yêu và thuyết phục anh chị em sai lỗi.
Bài Tin Mừng kết thúc với lời mời gọi hãy trở nên “một lòng một trí” trong đời sống cộng đoàn, nhất là trong đời sống cầu nguyện. Khi chúng ta “một lòng một trí” trong đời sống cầu nguyện, mọi sự khác sẽ được tốt đẹp vì đời sống cầu nguyện giúp chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Trong câu này, Chúa Giêsu ám chỉ đến việc Ngài là trung tâm hiệp nhất của cộng đoàn. Các thành viên trong cộng đoàn sẽ loại trừ nhau khi mọi người không “một lòng một trí” trong Đức Kitô.
THỨ NĂM TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
(Gs 3:7-10a.11.13-17; Mt 18:21 – 19:1)
PHÚC ÂM: Mt 18,21 – 19,1
“Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. “Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. “Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.
SUY NIỆM: SỐNG QUẢNG ĐẠI VỚI NHAU
Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Giôsuê thuật lại cho chúng ta việc Giôsuê được Đức Chúa tuyển chọn lên làm người thay thế Môsê. Chính Đức Chúa sẽ hiện diện qua Hòm Bia Giáo Ước để cùng đi với Giôsuê và dân Israel qua sông Giođan để vào đất hứa. Điều đáng để chúng ta lưu ý là việc Đức Chúa khẳng định cho Giôsuê và dân Israel biết rằng chính Hòm Bia Giao Ước sẽ dẫn họ qua sông Giođan: “Này đây, Hòm Bia Giao Ước của Vị Chúa Tể toàn cõi đất sắp dẫn đầu anh em mà qua sông Giođan. Khi các tư tế khiêng Hòm Bia của Đức Chúa, Vị Chúa Tể toàn cõi đất, vừa đặt chân xuống nước sông Giođan, thì nước sông Giođan, nước mạn ngược chảy xuống, sẽ bị chặn lại và dừng lại thành một khối duy nhất” (Gs 3:11-13). Trong những lời này, Đức Chúa nhắc nhở dân Israel và chúng ta rằng Ngài luôn đồng hành với họ [chúng ta] trên hành trình vào đất hứa [thiên đàng]. Ngài chính là Đấng dẫn đường. Điều này ám chỉ rằng nếu không đi theo lối Ngài chỉ dẫn thì chúng ta sẽ không vào được đất hứa [thiên đàng]. Chi tiết này cũng nhắc nhở những người được mời gọi đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn cộng đoàn phải trở nên khiêm nhường để nhận ra rằng Đức Chúa là Đấng hướng dẫn. Họ chỉ là những người nói cho dân biết thánh ý của Đức Chúa. Tuy nhiên, họ không làm được điều này nếu không trở nên thân tình với Đức Chúa như Môsê và Giôsuê.
Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn về người đầy tớ không tha thứ. Câu chuyện này cũng là câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi của Phêrô về số lượng của tha thứ. Trong trình thuật này, Thánh Matthêu biến lời dạy của Chúa Giêsu trong nguồn Q thành cuộc đối thoại giữa Phêrô và Chúa Giêsu. Trong cuộc đối thoại này, chúng ta sẽ chứng kiến sự tự phụ mang tính ngạo mạn của Lamech bị đảo ngược (x. St 4:15,24). Dụ ngôn đi kèm chỉ nhằm mục đích làm sáng tỏ lời dạy này. Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn là một bài giảng midrash về những lời dạy trong Mt 6:12,14-15. Dụ ngôn này được viết ra bởi chính thánh sử để làm cho một phần của lời kinh Lạy Cha được trở nên rõ ràng với dân chúng. Cuộc đối thoại bắt đầu với câu hỏi của Phêrô: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” (Mt 18:21). Chúa Giêsu trả lời Phêrô rằng: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy’” (Mt 18:22). Trong câu hỏi của mình, Phêrô đổi ngược điều được nói trong việc báo thù cho Cain: “ĐỨC CHÚA phán với ông: ‘Không đâu ! Bất cứ ai giết Cain sẽ bị trả thù gấp bảy’” (St 4:15). Trong câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy sự tự phụ mang tính ngạo mạn của Laméc bị đổi ngược từ báo thù đến tha thứ: “Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4:24). Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu không đơn giản nhắm đến số lượng và chất lượng của việc tha thứ, mà là việc thay thế thù hận bằng việc tha thứ. Thật vậy, khuynh hướng tự nhiên của con người là giữ trong lòng thù hận. Nếu có tha thứ thì tính toán bao nhiêu lần. Lời dạy của Chúa Giêsu không chỉ mời gọi chúng ta tha thứ hoàn toàn, trọn vẹn. Điều này được diễn tả trong con số 7, con số mà trong tư tưởng của người Do Thái là con số hoàn hảo, tròn đầy. Ngài mời gọi chúng ta không giữ lòng hận thù. Nếu có người anh chị em nào đó xúc phạm đến mình, chúng ta sẵn sàng tha thứ cho họ. Chúng ta tha thứ cho người khác không phải chỉ vì họ đáng được tha thứ, nhưng vì chúng ta đáng được hưởng sự bình an.
Dụ ngôn Chúa Giêsu sử dụng để làm sáng tỏ lời dạy của mình là dụ ngôn về Nước Trời. Trong dụ ngôn, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh người “đầy tớ” trong tương quan với vua. Thuật ngữ “đầy tớ” ở đây được sử dụng trong Cựu Ước ám chỉ đến những người làm trong triều đình hoặc những thừa tác viên tôn giáo. Tuy nhiên, trong dụ ngôn người đầy tớ có thể ám chỉ đến những người đi thu thuế hoặc quản gia. Hình ảnh đáng để chúng ta lưu ý là sự tương phản giữa khoản nợ của người đầy tớ nợ vua và của người đồng bạn nợ người đầy tớ, giữa lòng thương xót của vua và lòng thương xót của người đầy tớ. Cụ thể hơn, chúng ta thấy người đầy tớ nợ vua một khoản rất lớn [“mười ngàn yến vàng”]. Một khoản nợ mà ngay cả bán hết tất cả những gì người ấy có để trả nợ: “Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y, cùng tất cả tài sản mà trả nợ” (Mt 18:25). Còn người đồng bạn của người đầy tớ mắc nợ chỉ một khoản nhỏ [“một trăm quan tiền”] so với khoản nợ của người đầy tớ. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về khoản nợ [tình yêu và tha thứ] mà chúng ta nợ Thiên Chúa lớn gấp nhiều lần so với khoản nợ mà anh chị em nợ chúng ta. Khi không nhận ra điều này, chúng ta sẽ không mở rộng cõi lòng để tha thứ cho người khác. Chi tiết này được chứng minh trong thái độ của người đầy tớ với đồng bạn của mình. Chúng ta lưu ý đến hành động của người đầy tớ trước mặt vua và người bạn đồng hành trước mặt người đây tớ là giống nhau: “sấp mình xuống van xin” (Mt 18:26,29). Cùng hành động này, nhưng làm cho vị vua “chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ” (Mt 18:27), còn người đầy tớ thì “túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’” (Mt 18:28). Điều này cũng thường xảy ra trong cuộc sống của chúng ta. Cùng một hành động, nhưng có những phản ứng khác nhau, lệ thuộc vào cõi lòng chúng ta dành cho người khác. Chúng ta có đóng cửa lòng mình, không tha thứ cho người khác khi họ đến nài xin không?
Chi tiết cuối cùng chúng ta có thể suy gẫm là cấu trúc của dụ ngôn. Dụ ngôn bắt đầu với vị vua và người đầy tớ, kế đến là giữa những người đầy tớ của vua, và kết với việc trở lại với vị vua và người đầy tớ. Đây là cấu trúc “bánh mì kẹp” quen thuộc: Mở và kết giống nhau. Tuy nhiên, hành động của vị vua trước và sau có thay đổi: trước vị vua tỏ lòng thương xót – sau vị vua xét xử theo lẽ công bình. Sự thay đổi này lệ thuộc vào việc đối xử của người đầy tớ dành cho đồng bạn của mình. Chi tiết này cho chúng ta thấy rằng kết cục của chúng ta trước mặt Thiên Chúa lệ thuộc vào việc chúng ta đối xử với anh chị em của mình như thế nào. Dụ ngôn mời gọi chúng ta bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa trong cách cư xử với anh chị em mình.
THỨ SÁU TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
(Gs 24:1-13; Mt 19:3-12)
PHÚC ÂM: Mt 19, 3-12
“Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: “Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?” Người đáp: “Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”. Họ hỏi lại: “Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?” Người đáp: “Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình”. Các môn đệ thưa Người rằng: “Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ”. Người đáp: “Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu”.
SUY NIỆM: SỐNG TRỌN VẸN ƠN GỌI VÌ MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
Sau khi ông Môsê qua đời, ông Giôsuê trở thành người lãnh đạo dân Israel. Chính ông là người được chỉ định để đưa dân vào đất hứa. Điều đầu tiên ông Giôsuê làm là nhắc lại cho dân tất cả những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện để giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập và đưa họ vào đất mà Ngài đã hứa với các tổ phụ của họ. Chi tiết này trình bày cho chúng ta một tư tưởng rất quan trọng đối với người Do Thái, đó là “tưởng nhớ.” Họ không được quên những kỳ công Chúa đã thực hiện. Nhìn lại thời gian họ đi trong sa mạc. Mỗi khi họ bị thử thách, họ liền quên những việc Chúa đã làm cho họ. Hệ quả là họ chống đối và phàn nàn Thiên Chúa [và ông Môsê]. Đây chính là nội dung của bài đọc 1 hôm nay và cũng là lý do tại sao Giôsuê triệu tập dân chúng và tường thuật lại tất cả những gì mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta về “bộ nhớ” của mình. Chúng ta nhớ rất nhiều thứ. Thành thật mà nói điều chúng ta nhớ nhất là những lỗi phạm và những tổn thương mà người khác làm cho chúng ta. Ít người trong chúng ta nhớ đến những kỳ công Chúa làm trong cuộc đời của mình [như ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ cho một ai đó, hoặc đủ sức mạnh để vượt qua cám dỗ, v.v.]. Khi chúng ta quên Chúa và những việc Ngài làm, chúng ta bắt đầu trở nên vô ơn và sống càng ngày càng xa Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng lời dạy của Chúa Giêsu về vấn đề ly dị. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Máccô (10:1-12). Lời dạy về ly di được đặt trong bối cảnh địa lý mới sau khi Chúa Giêsu rời Galilê. Chúa Giêsu tiếp tục huấn luyện các môn đệ của Ngài bắt đầu với vấn đề hôn nhân và độc thân, trẻ em, giàu và nghèo, cuộc thương khó mà Ngài sẽ chịu trong tương lai và nhất là cám dỗ về ước muốn sai lạc (x. chương 19-20). Thánh Mátthêu sử dụng chuỗi những sự kiện được Thánh Máccô trình thuật và sẽ theo thứ tự của chúng cho đến cuối cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Thánh sử chỉ thêm vào những chi tiết cần thiết khác mà hữu dụng cho cộng đoàn của mình.
Vấn nạn về gia đình, ly dị và ly thân là vấn nạn của mọi thời. Theo triết gia Aristotle, “Đối với đời sống gia đình, ly dị được ví như chiến tranh xảy ra cho một nước.” Vấn nạn về ly dị được mấy người Pharisêu đặt ra cho Chúa Giêsu. Vấn đề được giả định ở đây là họ biết tất cả những luật liên quan đến vấn đề ly dị được viết trong Cựu Ước (x. Đnl 24:1-4). Sách Đệ Nhị Luật đã đưa ra những lý do để “rẫy vợ.” Nhưng những người Pharisêu không muốn dừng lại ở những lý do đó, họ muốn đi xa hơn khi hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19:3). Những lời này ám chỉ đến cuộc tranh luận giữa Hilel và Shammai về vấn đề ly dị. Thay vì chiều theo yêu cầu của họ là chọn một trong hai quan điểm họ đưa ra, Chúa Giêsu đưa họ về với ý định ban đầu của Thiên Chúa: “Các ông không đọc thấy điều này sao: thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:4-6). Chúa Giêsu đưa họ về với thuở ban đầu để chỉ ra cho họ biết hôn nhân được thiết lập ngay từ đầu bởi Thiên Chúa khi tạo dựng con người chứ không phải được con người thiết lập. Vì vậy, đời sống hôn nhân phải được giải thích trong ánh sáng ý định của Thiên Chúa, chứ không phải được giải thích theo ý định của con người. Theo Chúa Giêsu, trong ý định ban đầu của Thiên Chúa, hôn nhân là sự hợp nhất mang tính vĩnh cửu. Như vậy, con người không thể thay đổi ý định đó thành “tạm thời.”
Như chúng ta đã trình bày, những người Pharisêu biết luật rất rõ, nên họ trích Kinh Thánh để chất vấn Chúa Giêsu: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” (Mt 19:7). Lại một lần nữa, Chúa Giêsu lại đưa họ về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Không những thế, Ngài nêu rõ lý do Môsê cho phép rẫy vợ vì “các ông lòng chai dạ đá” (Mt 19:8). Ở đây Chúa Giêsu khẳng định lại ý định của Thiên Chúa là hôn nhân không bao giờ thay đổi. Con người không sống theo ý định của Thiên Chúa là vì họ lòng chai dạ đá. Điều này thường xảy ra trong xã hội ngày hôm nay. Nhiều người biện minh cho những việc sai trái của mình [trong vấn đề ly dị hoặc xuất tu] bằng cách đổ lỗi cho người khác. Trái tim họ thật sự không còn chút yêu thương nào vì nó đã trở nên chai đá. Khi con tim trở nên chai đá, không còn rung động theo nhịp đập của tình yêu mà Chúa muốn, con người không còn nhìn thấy vẻ đẹp hoặc không còn nhận ra những điều tốt người khác làm cho mình. Điều duy nhất họ nhìn thấy là sai phạm của người khác [ngay cả khi người khác đúng]. Khi chúng ta bắt đầu nhìn thấy tất cả những gì người khác làm là sai, chúng ta hãy xem lại con tim của mình để điều chỉnh lại cho đúng nhịp với ý định ban đầu của Thiên Chúa.
Lời dạy về đời sống gia đình của Chúa Giêsu cho các môn đệ kết thúc với cuộc đối thoại mang tính riêng biệt giữa Ngài với các môn đệ. Nhưng lần này, không phải là những người Pharisêu chất vấn Ngài, mà chính là các môn đệ. Nói đúng hơn, các môn đệ không chất vấn Chúa Giêsu cho bằng nhận định trên câu trả lời của Chúa Giêsu cho những người Pharisêu: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19:11). Nắm bắt lấy cơ hội này, Chúa Giêsu nói đến khả thể độc thân vì Nước Trời điều mà “chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.” Khả thể này là một trong ba khả thể mà một người có thể không lập gia đình: (1) bẩm sinh không có khả năng lập gia đình; (2) bị người khác làm cho không có khả năng [loại này đa số gồm những người phục vụ trong cung cấm của vua chúa ngày xưa]; (3) những người cố ý không lập gia đình để dấn thân phục vụ Nước Trời. Loại thứ ba là loại mà Chúa Giêsu đề nghị với các môn đệ và muốn họ hiểu. Tuy nhiên, họ chỉ hiểu khi được Chúa Cha cho hiểu. Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định rằng, chính Thiên Chúa là Đấng ban cho những người Ngài chọn khả năng để sống độc thân vì Nước Trời. Nói cách khác, khả năng sống độc thân vì Nước Trời không phải là ước muốn của con người, cũng không phải là điều con người có thể tự mình sở hữu. Nhưng là một món quà của Thiên Chúa. Điều này nhắc nhở những người sống độc thân vì Nước Trời về món quà tuyệt đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Họ chỉ gìn giữ được món quà đó khi họ cậy dựa vào Thiên Chúa, Đấng cho họ hiểu giá trị đích thật của nó.
THỨ BẢY TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN
(Gs 24:14-29; Mt 19:13-15)
PHÚC ÂM: Mt 19, 13-15
“Ðừng ngăn cấm các trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”. Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.
SUY NIỆM: TRỞ NÊN ĐƠN SƠ NHƯ TRẺ NHỎ
Một trong những tội mà dân Israel thường phạm đến Đức Chúa là tội tôn thờ ngẫu tượng. Như chúng ta biết, ngay sau khi ra khỏi Ai Cập và trong hành trình trong sa mạc, dân Do Thái đã đúc con bò vàng để tôn thờ. Ý thức được điều này, ngay khi vào đất hứa, Giôsuê mời gọi dân “hãy kính sợ Đức Chúa, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người. Anh em hãy vất bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả và ở Ai Cập, và hãy phụng thờ Đức Chúa” (Gs 24:14). Ông đặt trước dân sự chọn lựa: Tôn thờ Đức Chúa hay tôn thờ các “thần cha ông anh em đã phụng thờ” (Gs 24:15). Còn ông và gia đình ông đã chọn để tôn thờ một mình Đức Chúa. Trước gương sáng của Giôsuê, toàn dân lập lại giao ước họ đã thiết lập với Đức Chúa ở Núi Sinai: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua. Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người Emôri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi” (Gs 24:16-18). Họ chọn Đức Chúa vì họ “nhớ lại” những kỳ công Ngài đã làm cho họ. Như chúng ta đã biết, “nhớ lại” [hay “tưởng nhớ”] những điều Thiên Chúa đã làm là điều quan trọng đối với dân Israel [và chúng ta]. Chỉ khi dân Israel nhớ lại những việc Đức Chúa đã làm, họ đồng thời nhớ lại giao ước họ đã ký kết với Đức Chúa. Chi tiết này đáng để chúng ta suy gẫm. Mỗi người chúng ta cũng đã ký kết một giao ước với Thiên Chúa trong ngày rửa tội [và trong ngày khấn dòng] là chúng ta thuộc trọn về Chúa. Chúng ta sẽ dễ dàng quên giao ước mình đã ký kết để chạy theo tôn thờ ngẫu tượng khi chúng ta quên những kỳ công Chúa đã thực hiện trên cuộc đời chúng ta.
Một hình ảnh khác đáng để chúng ta lưu ý trong bài đọc 1 là hình ảnh tảng đá mà Giôsuê dùng để làm chứng cho giao ước dân Israel đã ký kết với Đức Chúa: “Đây, tảng đá này sẽ làm chứng về những điều chúng ta đã cam đoan, vì nó đã nghe mọi lời Đức Chúa phán với chúng ta. Nó sẽ làm chứng về những điều anh em đã cam đoan, kẻo anh em chối bỏ Thiên Chúa của anh em” (Gs 24:27). Trong truyền thống Kinh Thánh, “tảng đá” là biểu tượng của Đức Chúa. Thánh vịnh gia diễn tả điều này như sau: “Thiên Chúa là đá tảng của tôi.” Như vậy, chính Đức Chúa là nhân chứng cho giao ước mà chúng ta đã ký kết với Ngài. Trong Tân Ước, chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để đặt tên cho Simon [Phêrô], người đại diện cho Giáo Hội. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta hiểu lý do tại sao khi chúng ta ký kết giao ước với Đức Chúa [qua bí tích và khấn dòng], Giáo Hội luôn là nhân chứng. Điều này nhắc nhở chúng ta phải luôn sống trọn vẹn giao ước của mình vì ngoài chúng ta, Đức Chúa [và Giáo Hội] là nhân chứng cho sự trung thành của chúng ta với giao ước hay không.
Trong hầu hết các nền văn hoá, trẻ em luôn là trung tâm của sự chăm sóc. Đoạn Tin Mừng ngắn gọn hôm nay trình bày cho chúng ta thái độ của Chúa Giêsu đối với trẻ em. Thánh Máccô (10:13-16) và Thánh Luca (18:15-17) cũng thuật lại sự kiện này. Điều này cho thấy đây là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Câu 13 tạo nên bối cảnh của bài Tin Mừng đó là việc “người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng.” Trong những lời này, chúng ta thấy hai thái độ khác nhau: “Người ta” mong muốn trẻ em đến với Chúa Giêsu để được Ngài chúc lành và cầu nguyện cho chúng. Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu khác với các thầy dạy về tôn giáo và triết học trong thời đó [hoặc trước đó]. Ngài đón tiếp trẻ em như những “thính giả” quan trọng của Ngài. Điều này quá khác thường, ngay các môn đệ của Ngài chưa chuẩn bị kịp để chấp nhận điều này, nên họ la rầy trẻ em. Một chi tiết khác trong câu trên mà chúng ta cần lưu ý là hai hành động mà người ta muốn Chúa Giêsu làm cho trẻ em, đó là “đặt tay trên chúng” và “cầu nguyện.” Qua hai hành động này, Thánh Mátthêu biến hành vi mang tính bình thường và chữa lành của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Máccô thành một nghi thức long trọng mang tính tôn giáo. Chi tiết này cho thấy đối với Thánh Mátthêu, những hành vi rất bình thường trong đời sống hằng ngày của chúng ta có mang tính tôn giáo. Nói cách cụ thể hơn, những hành vi chúng ta thực hiện trong đời sống thường ngày có thể trở thành hành vi tôn giáo để tôn vinh, tạ ơn hay cầu xin Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, ngày sống của chúng ta là một hành vi thờ phượng Thiên Chúa.
Đứng trước sự la rầy trẻ em của các môn đệ, Chúa Giêsu “la rầy” lại các môn đệ: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19:14). Khi đặt những lời này vào miệng Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu muốn nói đến việc làm phép rửa cho trẻ em đang được thực hành trong Giáo Hội sơ khai. Lý do cho việc thực hành này là “Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Nói cách khác, Nước Trời dành cho mọi người, người lớn cũng như trẻ nhỏ. Vì vậy, chúng ta không nên loại trừ bất cứ người nào ra khỏi Nước Trời. Tuy nhiên, khi chúng ta đọc những lời trên cẩn thận, chúng ta sẽ dễ dàng liên kết hình ảnh “trẻ em đến với Chúa Giêsu” và “Nước Trời là của những ai giống như chúng”: Chúa Giêsu chính là Nước Trời. Ngài là của mọi người. Không ai có thể sở hữu Ngài cho chính mình. Đây là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết chia sẻ Chúa Giêsu cho người khác qua việc biến những hành động hằng ngày của mình thành phương tiện hữu hiệu để làm chứng cho Chúa Giêsu.