SUY NIỆM Lời Chúa Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần 16 Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần 16 Thường Niên

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI – THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA

NHẬN RA CHÚA KHI ĐƯỢC GỌI TÊN

(Dc 3:1-4a; Ga 20:1-2.11-18)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Maria Mađalêna. Thánh nữ là ai? Nhiều người trong chúng ta cho rằng thánh nữ là người đàn bà ngoại tình. Nhưng điều này không tìm được chứng cớ trong Kinh Thánh. Điều chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh là thánh nữ được nói đến như người phụ nữ mà Chúa Giêsu đã trừ khỏi bảy quỷ (x. Lc 8:2). Bên cạnh đó, có nhiều người xem thánh nữ là Maria, em của Mátta và Ladarô. Nhưng điều này cũng không được Kinh Thánh ủng hộ vì Maria em của Mátta đến từ làng Bêtany, trong khi đó Maria mà chúng ta mừng lễ hôm nay đến từ làng Magđala.

Bài đọc 1 trích từ sách diễm ca nói về tâm tình của một người đang yêu. Đây là tâm tình của Maria Mađalêna. Bà đã yêu nhiều vì bà đã được tha thứ nhiều. Sợi chỉ nối kết hai bài đọc lời Chúa hôm nay chính là thái độ “kiếm tìm người yêu.” Trong bài đọc 1 chúng ta thấy “cô gái” tìm người mình yêu dấu ngay cả trên giường ngủ. Nàng đã tìm nhưng không gặp được người mình yêu. Nhưng nàng không bỏ cuộc. Nàng đứng lên, “đi rảo quanh khắp thành, nơi đầu đường cuối phố, để tìm người yêu dấu của lòng tôi” (Dc 3:2). Nhưng rồi nàng cũng không gặp. Nàng tiếp tục kiên trì và cuối cùng nàng “đã gặp người lòng tôi yêu dấu” (Dc 3:4a). Tâm tình kiên trì tìm kiếm này được diễn tả cách cảm động trong Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng trình thuật lại cho chúng ta về sự kiện ngôi mộ trống mà Maria Mađalêna chứng kiến và cuộc gặp gỡ giữa bà và Chúa Giêsu Phục Sinh. Trong cả hai sự kiện này, thánh sử Gioan cho chúng ta biết Maria Mađalêna là người đầu tiên chứng kiến và đi báo lại cho các môn đệ. Một cách cụ thể khi bà đến mồ và thấy tảng đá lăn khỏi mộ “bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (Ga 20:2); và khi đã gặp Đức Giêsu Phục sinh, “bà Maria Mácđala đi báo cho các môn đệ: ‘Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20:18). Chính vì điều này mà bà được gọi là “Tông đồ của các tông đồ.” Hai sự kiện này có ý nghĩa gì với chúng ta? Sự kiện “ngôi mộ trống” ám chỉ sự mất mát, đau khổ trong cuộc sống và sự kiện “gặp Chúa Phục Sinh” nói đến niềm vui đoàn tụ. Trong tất cả những điều này, Chúa luôn hiện diện và Ngài muốn chúng ta công bố cho người khác nghe về những kỳ công Ngài thực hiện trong mọi giây phút cuộc sống dù đau buồn hay vui tươi. Chúng ta được mời gọi đọc được ý nghĩa trong mọi biến cố cuộc đời.

Điều thứ hai chúng ta rút ra cho ngày sống là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Maria Mađalêna. Chúng ta viết lại đoạn đối thoại này như sau:

Đức Giêsu: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?”

Maria Mađalêna: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”

Đức Giêsu: “Maria!”

Maria Mađalêna: “Rápbuni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).

Đức Giêsu: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.”

Một điều đáng ngạc nhiên trong cuộc đối thoại này là chính Chúa Giêsu là người bằt đầu dù Maria Mađalêna là người “quay lại và thấy Chúa Giêsu đứng đó” (Ga 20:14). Nhưng bà không biết là Chúa Giêsu. Chi tiết này không phải là điều ngẫu nhiên. Đây là một trong những nét “thần học” của Tin Mừng Thánh Gioan, đó là Chúa Giêsu luôn đi bước trước trong các mối tương quan hay đối thoại với con người. Ngài cũng làm như thế với mỗi người chúng ta trong từng ngày sống, nhất là khi chúng ta đang còn rơi vào tình trạng đau buồn, mất mát như Maria Mađalêna. Tuy nhiên, liệu chúng ta có đáp lại Ngài khi Ngài bắt chuyện với chúng ta không? Hay chúng ta để mình bị những đau buồn, những tiếng ồn ào khác lấn át tiếng nói của Chúa trong con tim chúng ta.

Điểm thứ hai mà chúng ta cần suy gẫm là sự tiệm tiến trong đức tin, trong việc nhận ra [trong việc đi từ bóng tối ra ánh sáng] Chúa Giêsu của Maria Mađalêna. Đây cũng là một đề tài quan trọng trong Tin Mừng Thánh Gioan. Bà chỉ nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài gọi chính tên bà. Điều này cho thấy đức tin chỉ lớn lên [trưởng thành] khi chúng ta xây dựng trên mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Chúa vẫn thường gọi đích danh chúng ta mỗi ngày. Ngài muốn chúng ta yêu Ngài với một tình yêu cá vị chứ không phải với một tình yêu “chung chung.” Nói cách khác, Ngài mong muốn nơi chúng ta một tình yêu mà không “giống với bất kỳ ai,” vì mỗi người chúng ta được dựng nên cách cá vị, không giống bất kỳ người nào. Chỉ khi chúng ta yêu Chúa với một tình yêu cá vị, không phân chia, chúng ta sẽ hiểu đức tin là gì.

*********************

THỨ BA TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

GIA ĐÌNH MỚI CỦA CHÚA GIÊSU

(Mk 7:14-15.18-20; Mt 12:46-50)

Ngôn sứ Mikha dâng lời cầu xin Đức Chúa không bỏ rơi, nhưng đến chăn dắt Israel như Ngài đã từng thực hiện: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài dùng gậy chăn dắt dân là đàn chiên, là cơ nghiệp của Ngài, đang biệt cư trong rừng giữa vườn cây ăn trái. Xin đưa họ tới đồng cỏ miền Basan và Galaát như những ngày thuở xa xưa. Như thời Ngài ra khỏi đất Aicập, xin Ngài cho chúng con thấy những kỳ công” (Mk 7:14-15). Chúng ta thấy, kinh nghiệm được giải thoát khỏi ách nô lệ Aicập luôn là kinh nghiệm quan trọng nhất đối với người Do Thái vì qua đó họ nhận ra tình yêu vô biên Đức Chúa đã dành cho họ. Ngài là Thiên Chúa duy nhất, uy dũng không ai có thể sánh được với Ngài. Dù uy quyền, Đức Chúa luôn đối xử nhân hậu với dân vì Ngài là Đấng trung tín: “Thần minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài? Người không giữ mãi cơn giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa, Người sẽ lại thương xót chúng ta, tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân. Mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển. Ngài sẽ bày tỏ lòng thành tín cho Giacóp, và tình thương cho Ápraham, như đã thề với tổ phụ chúng con từ thuở trước” (Mk 7:18-20). Trong những lời này, ngôn sứ Mikha chỉ ra những đặc tính sau của Đức Chúa: chịu đựng lỗi lầm, bỏ qua tội ác, không giữ mãi cơn giận, chuộng lòng nhân nghĩa, giàu lòng thương xót, luôn tha thứ, luôn thành tín với điều đã thề hứa. Là con cái, chúng ta được mời gọi nên giống Thiên Chúa. Trong những đặc tính trên, chúng ta đã có được đặc tính nào chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu. Nếu có, hãy tiếp tục phát triển cho đến mức thập toàn.

Đoạn Tin Mừng ngày hôm nay đi sau đoạn nói về việc Chúa Giêsu khuyến cáo việc trở lại của các thần ô uế (Mt 12:43-45) và đi trước những dụ ngôn về Nước Trời. Điều này cho thấy gia đình mới của Chúa Giêsu có liên quan đến việc trừ thần ô uế [đồng thời chuẩn bị chống lại những thần ô uế dữ tợn hơn] và việc thiết lập Nước Trời. Chúng ta cũng tìm thầy trình thuật về gia đình mới của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Máccô (3:31-35) và Thánh Luca (8:19-21). Nếu chúng ta lưu ý kỹ, chúng ta nhận ra rằng Thánh Mátthêu đưa ra câu khẳng định về tiêu chuẩn cho gia đình mới (câu 50) như câu trả lời cho vấn nạn được đặt ra trong câu 48-49. Tất cả những điều này được liên kết chặt chẽ với nhau và bổ sung cho nhau cách hỗ tương. Có hai điều chúng ta có thể rút ra để suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay.

Thứ nhất là hành vi Chúa Giêsu “giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi’” (Mt 12: 49). Hành vi “chỉ các môn đệ” thiết lập gia đình mới của Ngài. Theo một số nhà chú giải Kinh Thánh, hành vi “chỉ các môn đệ” là hành vi “đặt tay” để thiết lập họ thành gia đình mới. Nói cách khác, đối với Thánh Mátthêu, những thành viên mới trong gia đình Chúa Giêsu là những người môn đệ. Gia đình mới của Chúa Giêsu không dựa trên mối tương quan tự nhiên máu thịt, nhưng dựa trên mối tương quan mang tính “ý hướng,” đó là mọi người khi theo Chúa đều chỉ nhằm mục đích “lắng nghe và thi hành ý muốn Thiên Chúa.” Điều này thường đi ngược lại với cảm tính con người. Chúng ta thường xem những người thân, những người cùng huyết tộc với chúng ta là những thành viên thuộc gia đình mình. Hệ quả là chúng ta yêu thương và chăm sóc họ. Khi theo Chúa Giêsu, những điều này không bị bỏ đi. Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta đón nhận những anh chị em khác, là những người không phải máu mủ của mình để yêu thương và phục vụ họ như những người thuộc máu mủ. Tóm lại, những ai thuộc gia đình mới của Chúa phải đi vượt qua tính tự nhiên để sống đời sống siêu nhiên trong Chúa, đó là yêu mọi người như Chúa đã yêu thương họ.

Thứ hai là câu khẳng định của Chúa Giêsu: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:50). Câu này định nghĩa chân tính của người môn đệ là những người vâng phục Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Ngài. Đối với Thánh Mátthêu, căn tính của người môn đệ hệ tại việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Như vậy, người môn đệ không chỉ lắng nghe, mà con phải đem ra thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng làm sao để biết được ý muốn của Thiên Chúa? Chúng ta chỉ biết được ý muốn của Thiên Chúa chỉ khi chúng ta có một mối tương quan thân tình với Chúa Giêsu, được thiết lập qua việc lắng nghe cách chăm chú lời Ngài dạy. Nói cách cụ thể, những ai không có đời sống cầu nguyện thâm sâu, sẽ khó [hoặc không thể] biết được ý muốn của Thiên Chúa.

*********************

THỨ TƯ TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

SINH HOA TRÁI YÊU THƯƠNG

(Gr 1:1.4-10; Mt 13:1-9)

Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta về ơn gọi của ngôn sứ (tiên tri). Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về ơn gọi của Ngôn sứ Giêrêmia. Ngôn sứ là người như thế nào? Trong bài đọc 1, ngôn sứ được trình bày như là người được Thiên Chúa biết trước khi được thành hình trong lòng mẹ, được thánh hiến trước khi lọt lòng mẹ, thắt lưng, đứng dậy và nói cho dân tất cả những điều Đức Chúa truyền, không run sợ, là thành trì kiên cố và cột sắt chống lại dân (nguyên nhân cho mọi người chống đối), sẽ không bị thua trận vì có Đức Chúa ở cùng để giải thoát. Trước lời mời gọi của Đức Chúa, ngôn sứ Giêrêmia nhận ra giới hạn của mình, đó là vẫn còn trẻ người non dạ, không biết ăn biết nói (Gr 1:6). Nhưng Đức Chúa đã khẳng định rằng  “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1:7-8). Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng khi Đức Chúa gọi chúng ta cho một sứ mệnh, Ngài đều ban ơn đủ cho chúng ta. Ngài luôn ở bên để giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy và giúp chúng ta hoàn thành sứ mệnh của mình nếu chúng ta để Ngài chạm vào miệng ta và đặt lời Ngài vào tận đáy lòng (x. Gr 1:9-10). Liệu chúng ta có để Đức Chúa chạm vào môi miệng để chúng ta xứng đáng công bố lời Ngài không?

Còn Thánh Vịnh đáp ca trình bày cho chúng ta ngôn sứ là người mở miệng là tường thuật ơn cứu độ Thiên Chúa ban. Một trong những định nghĩa của ngày hôm nay về ngôn sứ mà mỗi người chúng ta được mời gọi để trở nên là: “Ngôn sứ là người có đôi mắt luôn ngước nhìn lên Chúa, có đôi tai luôn lắng nghe lời Chúa, có đôi môi luôn nói lời của Chúa, có con tim tràn đầy tình yêu của Chúa, có khối óc chứa đựng sự khôn ngoan của Chúa, có đôi tay để phục vụ Chúa và anh chị em, có đôi chân để đồng hành với những ai cô đơn trong cuộc sống.” Tóm lại, ngôn sứ là người để cho Chúa chiếm lấy và sử dụng họ theo cách thức Ngài muốn, nhất là, để cho Chúa yêu và tha thứ người khác qua họ.

Đoạn trích Tin Mừng hôm nay cũng được Thánh Máccô (4:1-9) và Luca (8:4-8) thuật lại. Đây là dụ ngôn người gieo giống. Dụ ngôn này là dụ ngôn đầu tiên trong những dụ ngôn về Nước Trời (Mt 13:1-53). Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn gieo giống được Chúa Giêsu sử dụng nhằm đến những thính giả là những người quen thuộc với việc cày cấy.

Thông thường chúng ta thấy Chúa Giêsu giảng trong các hội đường. Những trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài dạy dân chúng bên ngoài, ven Biển Hồ: “Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ” (Mt 13:1). Chi tiết Ngài “phải xuống thuyền mà ngồi” ám chỉ một nhóm người rất đông đứng trên bờ để lắng nghe Ngài. Cử chỉ “ngồi” là vị thế của một Rabbi. Chúng ta cùng nhau phân tích những loại hạt giống gieo trên những môi trường khác nhau và suy gẫm xem mình thuộc loại hạt giống được gieo trên môi trường nào.

Loại hạt đầu tiên của bốn loại là loại “rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (Mt 13:4). Như chúng ta biết, vệ đường là nơi không được cày cấy, đất không được chuẩn bị cho việc trồng trọt. Vì vậy, hạt giống rơi xuống chỉ nằm trên mặt đất. Nên chim trời dễ dàng đến ăn mất. Loại hạt này ám chỉ những người có tâm hồn chai đá hay những người đóng tai lại trước lời Chúa. Họ là những người đến với Chúa mà không chuẩn bị. Tâm hồn không được cày xới để lời Chúa được gieo vào. Lời Chúa chỉ “đi vào tai này và ra tai kia,” không đọng lại một tí gì trong tâm trí và cõi lòng họ. Ngày hôm nay, nhiều người chúng ta rơi vào tình trạng này khi chúng ta bị cuốn hút vào dòng chảy cuộc sống, chúng ta bận rộn đến nỗi không còn giờ để chuẩn bị tâm hồn đón nhận lời Chúa, nên lời Chúa chỉ ở trên bề mặt của cuộc sống và dễ dàng bị lấy đi bởi những lời khác của con người.

Loại thứ hai là loại “ rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô” (Mt 13:5-6). Như chúng ta biết, hầu hết diện tích đất ở Palestine là sỏi đá và lớp đất trên mặt thường rất mỏng. Khi rơi vào những chỗ như thế, hạt giống mọc lên rất nhanh, nhưng không được bảo vệ bởi đất sâu hơn, nên rễ không thể đâm sâu. Kết quả là nó sẽ bị chết khô. Đây là hình ảnh của những người sống theo cảm tình tự nhiên. Họ mau mắn đáp lại lời Chúa, nhưng đáp lại cách nhất thời. Họ không để cho lời Chúa cắm rể sâu trong tâm trí và cõi lòng họ. Nên khi có những khó khăn và giông bão cuộc đời ập đến, họ sẽ dễ dàng đánh mất niềm tin của mình.

Loại thứ ba là loại “rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt” (Mt 13:7). Loại thứ ba này rơi vào chổ có đất sâu vì bụi gai có thể mọc lên. Nhưng vấn đề là mãnh đất này đã bị chiếm lấy bởi cỏ lùng [bụi gai]. Nên khi hạt nảy mầm, nó không thể cạnh tranh với sức mạnh của bụi gai nên nó vị làm cho chết nghẹt. Đây là hình ảnh của những người cũng mong ước lắng nghe lời Chúa, nhưng lại để cho mãnh đất tâm hồn bị chiếm lấy bởi những tiếng nói khác. Khi lời Chúa được gieo vào lòng, thì ngay lập tức bị giết chết.

Loại cuối cùng là loại “rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13:8). Khi hạt giống rơi vào đất tốt và sâu, chúng sẽ đâm rễ sâu, sinh nhiều hoa trái, dù rằng chúng không cùng một khối lượng. Hình ảnh này áp dụng cho những người với khả năng riêng của mình để cho lời Chúa cắm rễ sâu trong tâm trí và cõi lòng mình để rồi sinh hoa trái theo khả năng Chúa ban cho họ.

Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn với lời mời gọi “Ai có tai thì nghe” (Mt 13:9). Đây là câu điệp khúc (x. 11:15; 13:43) tạo thành một lời mời gọi thính giả suy nghĩ cẩn thận về những ứng dụng vào cuộc sống con người những hình ảnh được trình bày trong dụ ngôn. Người nghe phải tham gia vào câu chuyện nếu muốn câu chuyện mang lại hiệu quả trong cuộc sống họ. Dụ ngôn này sẽ được giải thích trong câu 18-23 [chúng ta sẽ nghe vào một trong những ngày tới]. Dù lời giải thích đến sau, nhưng trong câu chuyện chúng ta có thể đoán biết rằng người gieo giống chính là Thiên Chúa, Chúa Giêsu hay một trong những sứ giả của Thiên Chúa. Hạt giống là lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả hoặc bị mai một đi, tùy theo thái độ sống và tự do của mỗi người: đón nhận hay chối từ. Như thế, dụ ngôn “Người Gieo Giống” là một lời kêu gọi tin tưởng vào sức mạnh của Ơn Chúa, của việc Chúa làm miễn là chúng ta để Chúa hành động trong chúng ta.

*********************

THỨ NĂM – THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

CÙNG UỐNG CHÉN ĐẮNG VỚI ĐỨC KITÔ

(2 Cr 4:7-15; Mt 20,20-28)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính thánh Giacôbê tông đồ. Thánh Giacôbê là một trong ba “bạn đồng hành quen thuộc” của Chúa Giêsu. Thánh nhân cùng với Phêrô và Gioan được đón tiếp vào nhà của Giairô nơi mà đứa bé gái được cho sống lại. Cả ba cũng được đưa lên núi cao và nhìn thấy Chúa Giêsu biến hình. Cả ba cũng là những chứng nhân giây phút đau buồn của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu. Điều gì làm cho Thánh Giacôbê chiếm được vị trí đặc biệt đó? Đó là đức tin, lòng nhiệt thành, mạnh mẽ và trực tính. Nhưng thánh nhân cũng cần được thanh luyện trước khi có thể công bố Tin Mừng bình an. Chính thánh nhân là người xin lửa từ trời thiêu đốt những người Samaria không hiếu khách và cũng là người đi tìm chỗ danh dự trong Nước Trời. Khi khiển trách Giacôbê về những “phản ứng thái quá” này, Chúa Giêsu đã tiên báo về sự trung thành cho đến chết của thánh nhân. Khi thánh nhân bị đưa ra trước vua Herôđê Agrippa, thánh nhân đã tuyên xưng Đức Kitô bị đóng đinh một cách không sợ hãi. Điều này đã làm cho người kết án thánh nhân tuyên nhận mình là người Kitô hữu và cả hai được đưa đi hành hình và trên đường đi, người xử án xin thánh nhân tha thứ cho mình. Nhưng thánh nhân đã tha thứ cho người kết án mình từ lâu. Cả hai bị chém đầu để làm chứng cho niềm tin. Học gương thánh nhân, chúng ta cần tha thứ cho những người làm tổn thương mình. Chính tình thương và sự bao dung là động lực để đưa anh chị em chúng ta về với đường lối của Thiên Chúa.

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô, trong thư Thứ Hai gởi tín hữu Côrintô, trình bày cho chúng ta về thực tại mà người môn đệ Chúa Giêsu đối diện, đó là “mang sứ vụ tông đồ nơi mình như chứa đựng kho tàng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4:7). Điều này được thấy rõ trong hình ảnh Thánh Giacôbê trong bài Tin Mừng hôm nay khi thánh nhân “nói mẹ” đến xin Chúa Giêsu cho được chỗ danh dự trong vương quốc của Ngài. Dù đi theo Chúa, nhưng những môn đệ vẫn còn trong mình những yếu đuối của con người. Chính trong những yếu đuối mà người môn đệ nhận ra rằng những gì họ đạt được không phải do sức của họ, nhưng do quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa. Điều này giúp chúng ta không thất vọng khi thấy mình yếu đuối, nhưng khi nhận ra sự yếu đuối của mình, chúng ta trở nên khiêm nhường và ý thức mình cần đến Chúa.

Điểm thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm là tâm tình tin tưởng và hy vọng của Thánh Phaolô khi đối diện với những đau khổ: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cr 4:8-9). Ngài sống trọn tâm tình này vì Ngài “luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2 Cr 4:10). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy khi đối diện với đau khổ, chúng ta không trốn chạy, nhưng đón nhận với tâm tình như mang trong mình cuộc thương khó của Đức Kitô. Khi làm được điều đó, chúng ta sẽ nhận ra chúng ta không còn sống với sự sống yếu đuối của mình, nhưng đang sống với sự sống mới trong Đức Kitô.

Đoạn Tin Mừng này được chọn đọc trong lễ kính nhớ Thánh Giacôbê, vì tên thánh nhân được đề cập đến. Tuy nhiên, khi chúng ta mới đọc lướt qua đoạn Tin Mừng này, thánh nhân được trình bày với một hình ảnh tiêu cực. Nói cách cụ thể, ngài được trình bày như người “ham chức ham quyền.” Chúng ta cùng nhau phân tích hai phần của bài Tin Mừng hầu rút ra điều Chúa muốn nói với chúng ta khi Ngài nói vời Thánh Giacôbê.

Phần 1 (Mt 20:20-23) trình bày việc mẹ của Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu ban cho bà một điều ước, đó là con bà sẽ ngồi một người bên hữu và một người bên tả Ngài trong Nước Trời (x. Mt 20:21). Chúng ta thấy ở đây Thánh Mátthêu đặt lời cầu xin vào miệng của người mẹ, để tránh tiếng cho người môn đệ. Thánh sử cũng không nói đến tên các con bà. Khi làm điều này, Thánh Mátthêu cố ý bảo vệ danh tiếng cho người hùng của những người Kitô hữu gốc Do Thái, đó là Thánh Giacôbê [người được xem là “giám mục đầu tiên” của Giêrusalem]. Đối với các tín hữu gốc Do Thái, Thánh Giacôbê là người rất được tôn kính. Tuy nhiên, để được tôn kính, Chúa Giêsu mời gọi thánh nhân chia sẻ trong “chén đắng” Ngài sắp uống. “Chén đắng” là biểu tượng của sự đau khổ. Ở đây Thánh Mátthêu bỏ qua “phép rửa” mà Thánh Máccô đề cập đến. Chi tiết này dạy chúng ta rằng: để được người khác tôn kính, chúng ta phải chia sẻ trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu. Nói cách khác, chúng ta chỉ được tôn kính chỉ khi chúng ta sống cho người khác ngay cả khi phải chịu đau khổ và chết cho họ.

Chúng ta cần lưu ý rằng trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu không trách các môn đệ [và người mẹ] về việc họ xin ngồi bên hữu và bên tả Ngài. Ngài chỉ muốn họ khẳng định quyết tâm chia sẻ trong đau khổ mà Ngài sắp chịu: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20:22). Và họ đã khẳng định với Ngài về quyết tâm của: “Thưa uống nổi.” Khi thấy họ quyết tâm, Chúa Giêsu bảo đảm cho họ một chỗ trong việc chia sẻ chén đắng của Ngài [có thể ám chỉ đến việc tử đạo], đồng thời Ngài cũng bảo đảm cho họ một phần thưởng mà Chúa Cha đã chuẩn bị cho họ: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được” (Mt 20:23).

Đứng trước lời yêu cầu của người mẹ các con ông Dêbêđê và phản ứng khó chịu của mười người môn đệ còn lại, Chúa Giêsu [trong phần 2 (Mt 20:24-28)] dạy họ về việc muốn được tôn trọng hoặc trở thành người lãnh đạo. Theo Chúa Giêsu, kiểu mẫu lãnh đạo theo kiểu trần thế không phù hợp với Nước Trời. Trong lời dạy của mình, Chúa Giêsu đưa ra hai mẫu người lãnh đạo, đó là “phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20:26) và “phải làm người đầy tớ anh em” (Mt 20:27). Hai kiểu mẫu này được tìm thấy trong chính Chúa Giêsu: Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Điều này cho thấy Chúa Giêsu muốn các môn đệ trở nên giống Ngài trong mọi sự, nếu họ muốn được ngồi vào “vị trí cao” trong Nước Trời. Càng nên giống Chúa Giêsu, chúng ta mới hiểu được thế nào là “có quyền.” Càng trở nên giống Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra rằng người có quyền là người tự do trao ban chính mình để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình cho những người kém may mắn.

Nếu chúng ta phân tích cấu trúc bài Tin Mừng hôm nay [gồm 9 câu], chúng ta nhận ra rằng câu ở giữa là câu 24: “Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó.” Điều này cho thấy có sự ghen tỵ, cạnh tranh ở giữa các môn đệ liên quan đến vấn đề chức danh và quyền lợi. Có thể đây là một vấn đề đang xảy ra trong cộng đoàn của Thánh Mátthêu. Vấn đề này vẫn xảy ra trong đời sống gia đình, cộng đoàn đời tu. Để giải quyết vấn đề này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trước hết phải đón nhận mọi sự như được chia sẻ trong “chén đắng” của Ngài và sau đó là khiêm nhường “cúi xuống” phục vụ anh chị em mình. Đây là hai thái độ cần thiết để chiến thắng sự ghen tỵ và tức tối khi người khác thành công hơn mình.

*********************

THỨ SÁU TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

HÃY ĐỂ LỜI CHÚA SINH HOA TRÁI TRONG CUỘC SỐNG CHÚNG TA

(Gr 3:14-17; Mt 13:18-23)

Qua lời ngôn sứ Giêrêmia, Đức Chúa đã kêu gọi con cái Israel trở về với Ngài: “Trở về đi, hỡi lũ con phản bội, vì Ta vẫn là chủ các ngươi. Ta sẽ lấy của các ngươi mỗi thành một người, mỗi thị tộc hai người, và đưa về Xion. Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; chúng sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi” (Gr 3:14-15). Những lời này cho thấy Đức Chúa luôn trung thành với chính mình, là chủ của Israel. Khi Israel trở về với Ngài, Ngài sẽ ban cho họ những mục tử tốt lành, khôn ngoan, sáng suốt chăn dắt. Với tình yêu của Đức Chúa bao bọc, “Giêrusalem sẽ được gọi là ‘Ngai toà của Đức Chúa,’ và mọi dân tộc sẽ nhân danh Đức Chúa quy tụ tại Giêrusalem; chúng sẽ không còn sống buông thả theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình nữa” (Gr 3:17). Vinh quang của Giêrusalem đến từ việc trở về với Đức Chúa. Ngài sẽ bao bọc Giêrusalem với tình yêu trung thành của Ngài. Chỉ có tình yêu trung thành mới có sức thu hút mọi dân nước đến chiêm ngắm Giêrusalem. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Ai trong chúng ta cũng muốn được vinh quang, muốn được danh thơm tiếng tốt của mình được lưu truyền hậu thế đến ngàn năm. Nhưng chúng ta lại đi tìm những điều đó trong những thực tại chóng qua của trần thế mà quên mất vinh quang vĩnh cửu chỉ tìm thấy ở nơi Đức Chúa. Chúng ta cần trở về với Chúa trong mọi giây phút để cảm nghiệm được tình yêu trung thành Ngài dành cho chúng ta và đáp lại với tình yêu đơn sơ nhỏ bé của mình. Lúc đó, chúng ta sẽ cảm nghiệm được vinh quang đích thật của đời người là gì, đó là yêu và được yêu.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn gieo giống. Trong lời giải thích của mình về dụ ngôn, Chúa Giêsu cho biết bốn loại đất tượng trưng cho bốn loại người. Chúng ta cũng tìm thấy phần này trong Tin Mừng Thánh Máccô (4:13-20) và Luca (8:11-15). Ngoài những thay đổi nhỏ ở phần mở đầu và kết thúc, Thánh Mátthêu theo sát trình thuật của Thánh Maccô. Trong bốn loại đất, tượng trưng cho bốn loại người khi nghe lời Chúa: Loại thứ nhất là những kẻ đã được gieo bên vệ đường. Họ là những người “nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy” (Mt 13:18-19). Loại người này chỉ nghe bằng tai thể lý, mà không mang lời Chúa vào trong tim mình để thực hành. Loại thứ hai là những “kẻ được gieo trên sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận; nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nông nổi nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay” (Mt 13:20-21). Loại người này là những người nghe với đôi tai thể lý, mang lời Chúa vào trong lòng, nhưng không để lời Chúa cắm rễ sâu vì không có thái độ sẵn sàng chấp nhận mọi gian khó để làm chứng cho lời Chúa. Loại thứ ba là những “kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời, khiến Lời không sinh hoa kết quả” (Mt 13:22). Loại người này là những người lắng nghe lời Chúa với đôi tai thể lý, đem lời Chúa vào lòng, nhưng không chuẩn bị chỗ xứng hợp cho lời Chúa, nên lời Chúa dễ dàng bị biến mất trong đống hoang tàn đổ nát của những lo lắng sự đời. Loại cuối cùng là những “kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13:23). Những người này là những người nghe lời Chúa với đôi tai thể lý và con tim rộng mở hầu lời Chúa bén rễ và sinh hoa kết trái trong cuộc đời họ. Tuy nhiên, điều quyết định năng suất của hoa trái là sự mở rộng cõi lòng để cho lời Chúa chiếm lấy chính mình. Mỗi khi lắng nghe lời Chúa, cõi lòng chúng ta như thế nào: hoàn toàn rộng mở hay chỉ nửa vời?

*********************

THỨ BẢY TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN

KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI ĐẾN CUỐI MÙA GẶT

(Gr 7:1-11; Mt 13:24-30)

Trong bài đọc 1, Đức Chúa sai ngôn sứ Giêrêmia kêu gọi con cái Israel phải thay đổi lối sống của mình cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa mà họ thờ phượng. Nói cách khác, lối sống của họ phải là cách thức thờ phượng: “Hãy cải thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này. Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: ‘Đền Thờ của Đức Chúa! Đền Thờ của Đức Chúa! Đã có Đền Thờ của Đức Chúa!’” (Gr 7:3-4). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta đi nhà thờ hoặc tham dự thánh lễ nhiều mà lối sống không thay đổi thì việc thờ phượng của chúng ta không mang lại hoa trái gì. Một cách cụ thể, ngôn sứ Giêrêmia khuyên con cái Israel rằng, khi họ đến thờ phượng Đức Chúa, thì họ cải thiện lối sống và hành động bằng việc “thật sự đối xử công bình với nhau, không ức hiếp ngoại kiều hay cô nhi quả phụ, nếu các ngươi không đổ máu người vô tội nơi đây, không đi theo các thần ngoại mà chuốc hoạ vào thân” (Gr 7:5-6). Chỉ khi con cái Israel làm những điều này, thì họ sẽ được an hưởng phần gia nghiệp mà Đức Chúa đã hứa ban. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: Phần gia nghiệp nước trời chỉ dành cho những người biết biến cuộc sống của mình thành lời ca ngợi và tạ ơn Chúa mỗi ngày.

Sau khi nghe dụ ngôn về gieo giống, chúng ta lại nghe một dụ ngôn gieo giống khác. Dụ ngôn gieo giống nói về các loại hạt giống rơi trên những môi trường khác nhau. Còn dụ ngôn gieo giống được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay nói về những hạt giống được gieo trong “đất tốt.” Dù được gieo trong “đất tốt,” hạt giống cũng phải đối diện với một thực tại khác, đó là phải lớn lên với “cỏ lùng.” Vì vậy, dụ ngôn hôm nay thường được gọi là dụ ngôn “Lúa Giữa Cỏ Lùng”.

Theo truyền thống, dụ ngôn này không có trong các Tin Mừng khác. Tuy nhiên, theo các học giả Kinh Thánh, Thánh Mátthêu đã viết lại câu chuyện của Thánh Máccô (4:26-29), dụ ngôn về hạt giống mọc lên cách âm thầm. Thánh Máthêu không chỉ “cập nhật” dụ ngôn cũ hầu làm cho nó phù hợp với nhu cầu của cộng đoàn mình, nhưng Ngài cũng cung cấp một lối giải thích đầy thuyết phục cho dụ ngôn (Mt 13:36-43). Tự chính bản chất, dụ ngôn này là dụ ngôn về Nước Trời. Điều này được chỉ rõ trong câu đầu tiên của bài Tin Mừng.

Điều đáng ngạc nhiên trong dụ ngôn là việc Chúa Giêsu sử dụng từ “một người.” Từ này được áp dụng cho Ngài trong bối cảnh một gia đình: Ngài với các đầy tớ. Các đầy tớ bị sốc vì thấy cỏ lùng xuất hiện trong ruộng ông chủ. Phản ứng của họ là muốn “giải quyết vấn đề cách ăn liền”: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” (Mt 13:28). Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Khi gặp vấn đề, chúng ta thường sống theo phản ứng tự nhiên. Chưa phân định rõ vấn đề, chúng ta đã đưa ra quyết định dựa trên những thông tin nông cạn. Chính vì vậy, những quyết định được đưa ra thường thiếu “tình người,” thiếu sự cảm thông và thiếu sự khoan dung. Hãy bình tĩnh trước mọi vấn đề, nhất là khi những vấn đề đó không như chúng ta mong muốn.

Điều đáng để chúng ta suy gẫm và học hỏi hôm nay chính là thái độ của ông chủ. Đứng trước sự “khó chịu” và đề nghị của các đầy tớ, ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’” (Mt 12:29-30). Đây là phần quan trọng của dụ ngôn nói chung và câu trả lời cho vấn nạn của các đầy tớ nói riêng. Trong những lời này, ông chủ ám chỉ đến thái độ kiên nhẫn và khoan dung cho đến khi mọi sự được trở nên rõ ràng. Nhiều khi chúng ta không đủ kiên nhẫn, chúng ta “trừ khử” hay loại trừ anh chị em chúng ta quá sớm. Hoặc khi thấy người khác sai lỗi, chúng ta không có đủ lòng khoan dung để chờ đợi họ thay đổi. Những lời Chúa Giêsu nói nhắc nhở chúng ta đến thái độ kiên nhẫn và khoan dung khi chúng ta sống với người khác.

Chi tiết cuối cùng mà chúng ta cần lưu ý để suy gẫm là từ “gom.” Từ này xuất hiện bốn lần trong bài Tin Mừng. Điều này cho thấy có vấn đề chia rẽ trong cộng đoàn của Thánh Mátthêu. Sự chia rẽ xảy ra khi mọi người trong cộng đoàn không một lòng một trí. Điều này được diễn tả trong hình ảnh lúa và cỏ lùng [hai loại khác nhau], lớn lên trong cùng một thửa ruộng [trong cùng cộng đoàn]. Điều này vẫn tồn tại trong ngày hôm nay trong các cộng đoàn. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, để sống hài hoà trong cộng đoàn, chúng ta cần hai đức tính, đó là kiên nhẫn và khoan dung.

Exit mobile version