Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 15 Thường niên

154

Thứ Hai sau Chúa Nhật XV Thường niên

Lời Chúa: Mt 10, 34 – 11, 1

34“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.36 Kẻ thù của mình chính là người nhà. 37 “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy.39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.40 “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” 1 Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.

Suy niệm: Không xứng với Thầy

Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.
Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.
Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau :
“Con thuyền đi qua
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng.
Đoàn người đi qua
để lại bóng.
Tôi không đi qua tôi
để lại gì ?”

Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.
Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.
Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.
Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.
Phải chăng đó là điều Văn Cao, một kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,
muốn gửi gấm qua những vần thơ này ?

Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.
Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.
Đặc biệt trong xã hội Do-thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.
Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).
Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.
Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,
như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).
Trước những giá trị thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.
Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.
Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.
Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,
vì đó là những giá trị thiêng liêng cao quý.
nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.
Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.
Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.
Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.
Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).
Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,
người ấy mới xứng đáng với Thầy.
Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,
người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).

Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,
nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa ?
Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.
Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,
tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác (Mt 19, 29).
Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy :
“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thứ Ba sau Chúa Nhật XV Thường niên

Lời Chúa: Mt 11, 20-24

20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối:21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay.24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Suy niệm: Không sám hối

Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17).
Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự.
Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương.
nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài.
Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến.
Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối,
dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20).

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin ! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa !”
Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn,
trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân.
Khoradin là một vùng ở tây bắc của Hồ Galilê (Mc 10, 13).
Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường.
Bếtsaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên.
Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa.
Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tia và Xiđôn.
Nếu Tia và Xiđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu,
hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).

Caphácnaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.
Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).
Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ.
Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban ?
“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao ? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”
Đức Giêsu dám so sánh Caphácnaum với Sơđôm.
Sơđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25).
Ngài cho rằng Sơđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm,
hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23).

Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.
Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.
Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu.
Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa.
“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài,
và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26).
Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ.
Điều quan trọng là sám hối.
Những ơn lộc Chúa ban cho đời kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.
Chúng ta không thể coi mình là Caphácnaum để khinh Xơđôm được.
Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người,
từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo.

Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày ?
Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra.
Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ.
Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.

Lời nguyện

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thứ Tư sau Chúa Nhật XV Thường niên

Lời Chúa: Mt 11, 25-27

25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

 Suy niệm: Cha mặc khải

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu.
Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.
Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi,
nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng,
Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25).
Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người.
Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu.
Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết.
Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối.
Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26).

Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay:
“Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.”
Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử,
vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4).
Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt.
Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai.
Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình,
và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ,
người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa.
Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và truyền thống,
đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô,
vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối.
Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn.
Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới.

Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con.
Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị.
“Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…”
Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này
như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con.
Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải.
Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải.
Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17).
Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm.
Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào.
Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người.
Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha.
Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con.

Chị Edit Stein là một phụ nữ Do thái được coi là thông thái, trí tuệ.
Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức.
và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl.
Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo.
Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã.
Chị Bênêđícta Thánh Giá được phong thánh năm 1998 bởi Đức Gioan Phaolô II.
Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thứ Năm sau Chúa Nhật XV Thường niên

TIN MỪNG: Mt 11, 28-30

28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.

29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. (Mt 11, 28-30)

 Suy niệm:  Trong một thế giới ồn ào, náo nhiệt và không ngừng phát triển như ngày hôm nay, nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu cần thiết với bất cứ ai. Nghỉ ngơi không chỉ cho thân xác, cho trí tuệ nhưng còn cần cho cả tâm hồn nữa. Thời Đức Giêsu cũng vậy và thời nay cũng thế, có biết bao con người đang bị căng thẳng, đang bị suy sụp vì những vất vả và gánh nặng: Gánh nặng trong thân phận, gánh nặng trong ơn gọi, gánh do tội lỗi và vấp ngã . Gánh trong trách nhiệm, phận vụ được trao phó, gánh chúng ta phải mang cho người khác hay gánh do chính chúng ta tự tạo cho mình…

Mỗi người mỗi gánh khác nhau nhưng Chúa đã chỉ cho chúng ta một mẫu số chung để tháo gỡ chúng khỏi bờ vai phận người. Đó là “hãy đến với Ngài” vì bất cứ lý do gì.  Đến để ở lại và học với Chúa.

Ở lại để Chúa giúp ta nhận ra sự thật về chính ta.

Ở lại để gắn kết tương quan với Chúa như cành nho liền với cây nho.

Ở lại để học đòi bắt chước Chúa trong nhân đức hiền hậu khiêm nhường…

Ở lại, Chúa sẽ đổ đầy vào trái tim ta một thứ năng lượng của Tình Yêu. Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta có thêm nghị lực để mang vác tất cả những gì Chúa muốn. Mỗi khi chúng ta càm ràm kêu than về chút khó nhọc nào đó, biết đâu từ trên Thánh Giá Chúa vẫn không ngừng hỏi ta rằng: Con đã khổ, đã đau bằng Ta chưa?

Câu hỏi ấy khiến ta thức tỉnh và ngộ ra rằng chẳng có thánh giá nào là vô nghĩa. Chúa đang thánh hóa ta và giúp ta vững vàng hơn trên lộ trình phía trước.

Lạy Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh!

Con cảm tạ Chúa đã nghe lời chúng con cầu nguyện và ban lời an ủi, cảm tạ Chúa đã cất gánh nặng khỏi vai chúng con theo sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Chúa. Lạt Chúa, con xác tín và tin tưởng rằng:

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,

Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn

Ơn cứu độ do Người mà đến

Duy Người là núi đá độ trì tôi

Là thành lũy chở che, tôi chẳng hề nao núng.” (Tv 61)

 Sr. Anna Nguyễn Hạt, MTG.Thủ Đức

 

Thứ Sáu sau Chúa Nhật XV Thường niên

Lời Chúa: Mt 12, 1-8

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn.

Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: “Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat”.

Người nói với các ông rằng: “Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao?

Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”, chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat”.

Suy niệm: GIỮ LUẬT VÌ LÒNG MẾN (Mt 12, 1-8)

Chúng ta vẫn thường nghe những người khác tôn giáo nhận định về người Công Giáo như sau: “Những người theo đạo Công Giáo sướng thật! Ngày Chủ nhật họ ăn mặc đẹp, nghỉ ngơi để đi lễ nhà thờ”.

Lời nhận định tuy thật đơn sơ nhưng cũng đủ để cho chúng ta thấy rằng: Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa. Ngày tưởng niệm và tạ ơn Chúa vì Ngài đã tạo dựng nên tất cả cho con người hưởng dùng. Đồng thời cũng là ngày tưởng niệm hồng ân cứu chuộc của Đức Giêsu nơi lịch sử nhân loại. Trong ngày này, chúng ta thi hành việc bác ái, nâng đỡ những người túng thiếu, bần cùng. Đồng thời, chúng ta cũng dùng ngày này để làm mới lại tình yêu của mọi thành viên trong gia đình.

Như vậy, vì tình yêu, Thiên Chúa dựng nên tất cả. Cũng vì tình yêu, con người được đón nhận tất cả. Nên cũng chỉ có con đường duy nhất chính là tình yêu để dẫn đưa con người đến gặp Thiên Chúa và đến được với nhau.

Nếu làm mọi chuyện chỉ vì sợ tội, sợ mất chức, sợ tiếng chê, rồi sinh ra nhu nhược hay tàn ác trong khi thi hành bổn phận thì thật là tắc trách. Tự bản chất, con đường này không thể gặp được Thiên Chúa và không thể có mối tương quan thân tình với nhau, bởi vì nó được thi hành bằng mệnh lệnh của cái đầu mà không phải bằng tình thương của trái tim.

Hôm nay, Đức Giêsu khiển trách những người Pharisêu về thái độ nệ luật của họ, nên đã đánh mất đi tương quan với Thiên Chúa và với nhau trong tình yêu. Họ đã thể hiện và củng cố uy quyền của mình bằng sự tàn ác, vô nhân đạo và mất đi tính người. Vì thế, Đức Giêsu cho họ biết là lòng nhân hậu thì quý hơn của lễ được làm nên bởi sự ích kỷ, bất nhân, tàn ác. Thiên Chúa cần sự bao dung, tha thứ và nhân hậu trong của lễ. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Ta muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” (Mt 12, 7).

Như vậy, Đức Giêsu nhấn mạnh đến ý nghĩa cốt lõi của ngày Sabát và đưa con người đến chỗ nhận ra ý định yêu thương của Chúa, đồng thời mời gọi con người biết cộng tác vào việc thánh hóa ngày ấy theo như ý Thiên Chúa muốn.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa vì nhờ lề luật của Chúa mà chúng con được tự do, hạnh phúc. Xin cho chúng con biết tuân giữ luật vì lòng yêu mến. Amen.

Ngọc Biển SSP

Thứ Bảy sau Chúa Nhật XV Thường niên – Lễ Kính Thánh Maria Mađalêna

 

Lời Chúa: Ga 20, 1. 11-18

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.

(Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu”.)

Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni”, nghĩa là “Lạy Thầy”. Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: “Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.

Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.

Suy niệm: YÊU NHIỀU

Maria Madalena – người phụ nữ ấy đã đi vào thơ ca nhạc họa không phải vì tài sắc vẹn toàn nhưng bởi “chị đã yêu nhiều”. Chị cũng có một tuổi trẻ, một quá khứ, nhưng quá khứ ấy dường như chỉ là một vùng tối, chị bị dập dụi dưới cái xã hội mà người nữ bị coi khinh đến tận cùng. Người ta nhìn chằm chằm vào quá khứ của chị, người ta không thích chị, không ai thương hại, không ai bênh đỡ…

Rất nhiều người đã từng tin vào định mệnh, còn chúng ta, những người được chọn gọi là Kitô hữu, chúng ta phải tin vào sự sắp đặt của Chúa. Không có gì là vô duyên, vô nghĩa nếu có con mắt đức tin. Câu chuyện cuộc đời Mađalêna có lẽ sẽ kết thúc bi thảm, nhục nhã nếu không có cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu- người mà sau này chị gọi là “Ráp-bu-ni”. Nơi Giêsu, chị được ngụp lặn trong một trái tim thênh thang sự bao dung, chị được “thở”, và như được sinh ra lần thứ hai. Chúa không nhiều lời, không cho chị thứ này, thứ khác nhưng chị lại như nhận được rất nhiều. Từ ánh mắt, từ giọng nói, từng cử chỉ đều giá trị với chị.

Liệu trong đời ta đã gặp được một ánh mắt nào giống ánh mắt Chúa? Một ánh mắt đáng giá hơn cả trăm bài diễn văn lê thê. Nếu nhận rồi thì liệu trong đời, đã lần nào ta biết trao ban những ánh mắt như thế cho người khác chưa? Một anh mắt thông cảm và yêu thương, liệu có khó quá không? Mađalêna đã khám phá ra những thứ ngôn ngữ không lời nhờ “yêu Chúa nhiều”. Nhưng nhiều làm sao bằng Chúa yêu chị, yêu tôi và yêu bạn… Với Chúa điều quan trọng không phải là “đã phạm tội” nhưng là “đừng phạm tội nữa”. Vì yêu chúng ta mà Chúa không thích “giết” nhưng muốn “cứu chữa”. Người không “hủy bỏ” nhưng “kiện toàn”.

Phần còn lại chúng ta phải học nơi Maria Mađalêna, đó là đưa tay ra để Chúa nâng ta dậy khỏi vũng sình tội lỗi. Nếu chúng ta thiếu tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa chẳng khác nào ta đang “quệt” lên khuôn mặt Chúa một vết nhơ xấu xí. Và như vậy, ta có hơn gì Giuđa? Không vị thánh nào mà không có quá khứ, cũng không tội nhân nào không có tương lai. Dù chúng ta là ai, chúng ta có quá khứ ra sao…thì “nên thánh” vẫn là bổn phận của chúng ta.

Chị Maria Mađalêna đã dạy chúng ta điều đó. Trong ngày lễ của chị, Giáo Hội cho chúng ta gặp lại chị trong trang Tin Mừng ngày Chúa sống lại. Nếu trong quá khứ Chúa nói: Chị đã được tha vì chị yêu nhiều, thì khi Chúa sống lại, dẫu Chúa không nói lý do tại sao Chúa lại hiện ra với chị trước nhất thì chúng ta cũng đã hiểu được lý do rồi. Trong không gian buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần ấy, mọi sự dường như ngưng đọng trong một tiếng gọi thân thương và một lời đáp cũng đầy thương kính. – Maria ! – Ráp-bu-ni (Lạy Thầy!)

Lạy Chúa !

Xin hướng ánh mắt con về Chúa như ánh mắt chị Mađalêna đã hướng nhìn Chúa năm xưa. Không một tiếng nói, không một lời xin lơn, không một câu ca nhưng con biết Chúa đọc được tất cả ánh mắt ấy và hiểu được ngôn ngữ của nó. Một thứ ngôn ngữ không giới hạn. Tình yêu cũng vậy, giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn phải không thưa Chúa?

Anna Nguyễn Hạt, MTG Thủ Đức