Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần 13 Thường Niên

96

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày-Tuần 13 Thường Niên

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

TƯƠNG QUAN VỚI CHÚA LÀ QUAN TRỌNG NHẤT

(Am 2:6-10.13-16; Mt 8:18-22)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Amốt nói về những lỗi phạm của con cái Israel và những kỳ công Chúa đã thực hiện. Những lỗi phạm của con cái Israel bao gồm: “Vì chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày. Vì chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen và xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ. Vì cả con lẫn cha đi lại với cùng một ả, mà làm ô nhục danh thánh của Ta. Vì y phục người ta cầm cố, chúng nằm lên trên, ngay bên mọi bàn thờ, và rượu của người bị nộp phạt, chúng đem uống tại đền thờ Thiên Chúa của chúng” (Am 2:6-8). Con cái Israel phạm đến những lỗi trên là vì họ quên đi những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho họ, đó là “diệt trừ người Amôri” và đem dân Israel “ra khỏi Aicập, dẫn các ngươi đi trong sa mạc bốn mươi năm trường để các ngươi chiếm hữu đất của người Emôri” (Am 2:16). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thân phận yếu đuối của mình, đó là chúng ta cũng hay quên những kỳ công Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta quên Chúa, chúng ta dễ dàng chạy theo những thú vui trần thế và sống bất công với anh chị em của mình. Vì vậy, hãy luôn nhớ đến Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Chỉ có như thế chúng ta mới luôn bước đi trong đường lối của Ngài.

Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc theo Chúa Giêsu. Chúng ta tìm thấy trình thuật tương tự trong Tin Mừng Thánh Luca (9:57-62). Đó là trình thuật trong Cựu Ước được tìm thấy trong sách Các Vua Quyển Thứ Nhất (1 V 19:19-21), trình bày Ngôn sứ Êlia gọi Êlisa trở thành ngôn sứ [chúng ta nghe trong bài đọc 1 ngày hôm qua]. Khi so sánh bản văn Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta nhận ra rằng trường hợp Êlisa đi theo Êlia không bị đòi hỏi nhiều như trong trường hợp của người môn đệ Chúa Giêsu, vì Êlia cho phép Êlisa về chào tạm biệt gia đình, còn Chúa Giêsu thì không. Nói như vậy không có nghĩa là ơn gọi trong Cựu Ước [phản chiếu trong ơn gọi Êlisa] không từ bỏ tận căn. Sự tận căn được diễn tả qua việc Êlisa đốt cày là phương tiện kiếm sống hằng ngày. Điều khác biệt được quyết định ở sự “khẩn cấp” của việc loan báo Tin Mừng [như chúng ta đã trình bày ngày hôm qua].

Khi so sánh bản văn của Tin Mừng Thánh Mátthêu với bản văn của Tin Mừng Thánh Luca, chúng ta thấy những khác biệt sau: (1) Trong bản văn của Tin Mừng Thánh Luca, có đến ba người theo Chúa [hai người tự nguyện theo và một người được gọi theo]. Họ không được nêu danh. Còn trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, chỉ có hai người [cả hai tự nguyện đi theo Chúa Giêsu]. Danh tánh của họ được nêu ra, đó là một kinh sư và một môn đệ. Thánh Mátthêu thêm vào thuật ngữ chuyên môn “kinh sư” hay “thầy dạy” trong Tin Mừng của mình. Khi người kinh sư nói: “Tôi sẽ theo Ngài,” điều này đồng nghĩa với “tôi sẽ là môn đệ của Ngài.” Như chúng ta biết, kinh sư là người lãnh đạo cộng đoàn, là người dạy dỗ người khác. Trong bối cảnh này, câu ông nói hàm chứa sự “tự hạ”: từ một người thầy dẫn đường người khác, ông hạ mình xuống để “được dạy” và “được Chúa Giêsu dẫn đường.” Nhìn tứ khía cạnh khác, ông đã “nhận ra Chúa Giêsu là thầy dạy đích thật.” Điều này nhắc nhở chúng ta về cuộc sống của mình. Nhiều khi chúng ta cũng có khuynh hướng xem mình là những nhà chuyên môn, những người hướng dẫn người khác. Dần dần chúng ta lấy công trạng cho riêng mình, dẫn người khác đi theo mình hơn là đến với Chúa hoặc đi theo Chúa. Trong bối cảnh theo Chúa, hoặc làm thế nào để sống một cuộc sống đẹp lòng Chúa, chúng ta nhận ra rằng, chuyên môn không quan trọng cho bằng để cho Chúa Giêsu hướng dẫn. Chúng ta cần phải nhớ chân lý này: Những người để Chúa hướng dẫn mới có thể hướng dẫn người khác. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hơn hai đối thoại về “ơn gọi” để rút ra những điều hữu ích cho việc theo Chúa của mình.

Trong trường hợp thứ nhất, khi người kinh sư xin theo Ngài, Chúa Giêsu dùng lối nói biểu tượng lấy từ thiên nhiên để nói về những đòi buộc Ngài muốn nơi người môn đệ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8:20). Khi nói những lời này, Chúa Giêsu khuyến cáo người kinh sư [các môn đệ và những người muốn theo Ngài] rằng cuộc sống theo Ngài là một cuộc sống không cố định, luôn di chuyển và gặp nhiều nguy hiểm. Đây là một cuộc sống mà Ngài đang sống. Đi theo Chúa Giêsu là luôn “trên đường,” luôn “sẵn sàng đón nhận những bất tiện của hành trình.” Những người tìm tiện nghi, an nhàn cho cuộc sống sẽ gặp thất vọng khi theo Chúa Giêsu. Một chi tiết khác trong câu nói của Chúa Giêsu là việc Ngài sử dụng từ “Con Người” lần đầu tiên trong Tin Mừng Thánh Mátthêu ở đây. Từ này chỉ được tìm thấy trên môi miệng của Chúa Giêsu trong các Tin Mừng. Đây là dữ liệu phản ánh một truyền thống chân thật về việc Chúa Giêsu dùng ngôn từ này để nói về chính mình. Từ “Con Người” ở đây hàm chứa hình ảnh người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia. Như vậy, theo Chúa Giêsu là sống cuộc đời người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã sống.

Trường hợp thứ hai xảy ra cho một người môn đệ đã theo Ngài. Với một người đã theo Ngài, Chúa Giêsu đòi hỏi nơi họ một sự từ bỏ tận căn hơn. Người môn đệ chỉ xin Chúa Giêsu cho phép về chôn cất người cha đã mất. Đây là một thỉnh cầu hết sức tự nhiên, hết sức nhân bản, hết sức con người [đầy tình người]. Tại sao Chúa Giêsu lại không cho phép? Có phải Chúa Giêsu quá tàn nhẫn? Hay có điều gì được hàm chứa sau lời thỉnh cầu của người môn đệ? Chúng ta đọc lại câu thỉnh cầu: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã” (Mt 8:21). Cái sai trong lời thỉnh cầu của người môn đệ hệ tại ở chữ “trước.” Trong lời thỉnh cầu này, người môn đệ ám chỉ rằng việc “chôn cất cha” phải có vị trí cao hơn việc “là môn đệ của Chúa Giêsu.” Nói cách khác, “tương quan tự nhiên” với gia đình phải được đặt lên trước tương quan [siêu nhiên] với Thiên Chúa [Chúa Giêsu]. Đứng trước thái độ này, Chúa Giêsu khẳng định lại vị trí tối thượng của Thiên Chúa trên tất cả mọi tương quan: Đối với người môn đệ [người theo Ngài], tương quan với Thiên Chúa phải chiếm vị trí ưu việt nhất. Điều này được Chúa Giêsu diễn tả qua mệnh lệnh: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ” (Mt 8:22). Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu muốn nơi người môn đệ một con tim không phân chia, một sự kiên định trong chọn lựa của mình. Là những người theo Chúa Giêsu, chúng ta đang sống các mối tương quan của chúng ta thế nào? Việc theo Chúa có phải là ưu tiên hàng đầu của chúng ta không?

**********************

THỨ BA TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

ĐẶT TRỌN NIỀM TIN VÀO CHÚA GIÊSU

(Am 3:1-8; 4:11-12; Mt 8:23-27)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Amốt tuyên sấm với con cái Israel về đường lối của Đức Chúa. Nội dung của lời sấm là để “tố cáo toàn thể thị tộc đã được Ta đưa lên khỏi đất Aicập” (Am 3:1). Điều đáng để chúng ta suy gẫm là lời của Đức Chúa nói với con cái Israel về sự hiện hữu của mọi vật trên trần gian: Mỗi vật hiện hữu đều có mục đích riêng của nó. Khi dựng nên điều gì, Thiên Chúa luôn có kế hoạch cho riêng sự vật đó: “Vì Đức Chúa là Chúa Thượng không làm điều gì mà không bày tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ, tôi tớ của Người được biết” (Am 3:7). Nhìn từ khía cạnh này, Đức Chúa cho con cái Israel biết khi chọn họ, Ngài cũng có kế hoạch riêng cho họ. Ngài bày tỏ kế hoạch đó cho các ngôn sứ. Những con cái Israel đã không lắng nghe các ngôn sứ để trở về với Đức Chúa. Vì vậy, Đức Chúa đã có kế hoạch xử con cái nhà Israel: “Ta đã làm cho các ngươi phải sụp đổ như chính Thiên Chúa đã làm sụp đổ thành Xơđôm và Gômôra ; các ngươi khác nào thanh củi được rút khỏi đống lửa cháy ; thế mà các ngươi vẫn không chịu trở về với Ta – sấm ngôn của Đức Chúa. Vậy, hỡi Israel, Ta sẽ xử với ngươi như thế này, và bởi vì Ta sẽ xử với ngươi như vậy nên, hỡi Israel, ngươi hãy chuẩn bị đi gặp Thiên Chúa của ngươi” (Am 4:11-12). Những lời sấm của Amốt giúp chúng ta nhìn lại tương quan của mình với Thiên Chúa. Khi tạo dựng và gọi chúng ta sống trong bậc sống của mình, Thiên Chúa cũng có kế hoạch riêng cho mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta đã không đi theo kế hoạch Thiên Chúa có cho chúng ta mà tạo ra cho mình một kế hoạch riêng, để mỗi ngày chúng ta càng đi xa đường lối của Thiên Chúa. Ngài cũng sai các “ngôn sứ” của Ngài đến nói cho chúng ta về kế hoạch của Ngài, nhưng chúng ta đã không nghe theo. Hãy trở về với Chúa! Chúng ta cần phải biết rằng, kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc đời của chúng ta luôn mang lại hạnh phúc đích thật hơn là kế hoạch chúng ta tạo ra cho chính mình.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (4:35-41). Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện có thể có vài ảnh hưởng từ Thánh Vịnh 107:23-32 và 104:5-9. Nhưng điều này vẫn chưa rõ ràng lắm. Thánh Mátthêu tái thiết lại câu chuyện để có thể sử dụng cho việc giảng dạy về đời sống của Giáo Hội sau khi Chúa Giêsu phục sinh. [Tin Mừng Thánh Mátthêu được gọi là Tin Mừng vĩ đại về Giáo Hội vì trình bày nhiều về đề tài này]. Trong trình thuật của Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu luôn là trung tâm và được đối xử với sự kính trọng, khác với Tin Mừng của Thánh Máccô. Chỉ có một khoảnh khắc ngủ được giữ lại trong trình thuật. Thánh Mátthêu chuyển dịch cuộc đối thoại với các môn đệ lên vị trí trước phép lạ để nói lên phương pháp diễn dịch của mình.

Chi tiết đầu tiên chúng ta cần lưu ý là hành động đi theo Chúa Giêsu của các môn đệ: “Khi ấy, Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người” (Mt 8:23). Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu là “nhân vật chính,” là người “điều khiển” hành trình. Ngài biết trước những gì sẽ xảy ra. Các môn đệ là những người đi theo Chúa Giêsu. Một trong những đức tính cần thiết cho người đi theo là tin tưởng vào người dẫn đường. Đây chính là điều các môn đệ thiếu, nên Chúa Giêsu đã khiển trách các ông. Trong hành trình cuộc đời mỗi người chúng ta cũng thế, Chúa Giêsu luôn là nhân vật chính, là người điều khiển hành trình. Chúng ta có đủ tin tưởng để đi theo Ngài không? Hay chúng ta chiếm lấy vị trí của Ngài và bắt Ngài đi theo hành trình chúng ta tự tạo ra?

Đứng trước sóng gió và sự “im lặng” của Chúa Giêsu, các môn đệ đã đến đánh thức Ngài dậy: “Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: ‘Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!’” (Mt 8:24-25). Những lời trích trong hai câu này là lời cầu nguyện của Giáo Hội mọi thời khi đối diện với những tấn công bởi những quyền lực của sự dữ. Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng gặp nhiều sóng gió. Có những cơn sóng thật lớn dường như nhận chìm chúng ta xuống đáy đại dương. Những giây phút như thế, chúng ta thấy Chúa Giêsu vẩn im lặng. Đôi khi sự “vắng bóng” của Ngài làm chúng ta sợ hãi. Trong những giây phút bão bùng trong cuộc sống, chúng ta cần nhớ rằng: Chúa Giêsu vẫn ở đó rất gần, Ngài ở trong chiếc thuyền của cuộc đời chúng ta và đang cùng chia sẻ những sóng gió với chúng ta. Chúng ta cần đặt trọn niềm tin vào Ngài, vì Ngài không bao giờ để chúng ta bị nhận chìm bởi sóng biển của khó khăn và thử thách.

Trước khi Chúa Giêsu làm cho gió biển im lặng, Ngài trách các môn đệ kém tin: “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ” (Mt 28:26). Ở đây, chúng ta thấy Thánh Mátthêu thay đổi từ “không có đức tin” của Thánh Máccô thành “kém lòng tin.” “Kém lòng tin” giả định sự hiện diện của đức tin và như thế cần đến sự sám hối. “Kém lòng tin” chỉ cho chúng ta thấy đức tin đã trở nên quá yếu hoặc tê liệt không còn hoạt động. Điều này chính là vấn đề của thế hệ Kitô hữu thứ hai hoặc thứ ba. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại đức tin của mình. Nhiều lần, đức tin chúng ta trở nên yếu kém và tê liệt đến độ chúng ta không còn muốn đến với Chúa, nếu có đến, chúng ta đến vì bổn phận chứ không phải vì tình yêu. Đức tin cần có ánh mắt kinh ngạc để nhìn thấy “phép lạ” trong những gì là bình thường của ngày sống. Đây chính là điều mà Thánh Mátthêu muốn mời gọi mỗi người chúng ta suy gẫm, những người đã chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu đã làm trong cuộc đời mỗi người chúng ta: “Người ta ngạc nhiên và nói: ‘Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?’” (Mt 8:27). Đối với chúng ta, Chúa Giêsu là ai?

**********************

THỨ TƯ TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

Thánh Tôma, Tông Đồ

NIỀM VUI ĐƯỢC NHÌN THẤY CHÚA

(Ep 2:19-22; Ga 20:24-29)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Tôma, Tông Đồ. Thánh nhân thường được xem là người “nghi ngờ” hay “cứng lòng tin. Thánh Tôma là một trong những người đánh cá trên biển Galilê được Chúa Giêsu gọi để trở thành Tông Đồ. Tự bản chất, thánh nhân chậm tin, dễ dàng nhìn thấy những khó khăn, và thường nhìn vào mặt trái của mọi sự. Thánh nhân có một con tim can đảm, tràn đầy yêu thương và cảm thông. Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng rằng một lần kia Chúa Giêsu đang nói về Nhà Cha của Ngài, với sự đơn sơ của mình, thánh nhân hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết  Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường?” Khi Chúa Giêsu quyết định đi Bêthany để đến mồ của Ladarô, người môn đệ dễ nản lòng này ngay lập tức sợ điều không may xảy đến cho người Thầy yêu mến của mình, liền can đảm kêu mời các môn đệ khác: “Chúng ta cùng đi và chết với Thầy.” Học ở thánh nhân, chúng ta có can đảm để mời gọi anh chị em mình: Chúng ta cùng theo Chúa cho đến cùng để cùng chết và được sống lại với Ngài không?

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô nói cho các tín hữu Êphêsô biết họ là những người có quê hương thật trên trời: “Thưa anh em, anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu (Ep 2:19-20). Những lời này giúp chúng ta hiểu về sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất chỉ có được khi mọi thành viên ý thức rằng mọi thành viên trong cộng đoàn được xây dựng trên một nền móng [các Tông Đồ] và trên một đá tảng góc tường [Đức Kitô Giêsu]. Bên cạnh đó, Thánh Phaolô cho chúng ta biết chỉ trong Chúa Giêsu mọi sự mới trở nên hoà hợp với nhau: “Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2:21-22). Những lời này chỉ rõ rằng, nơi đâu còn có sự chia rẽ, mọi người không sống hoà hợp với nhau là vì mọi thành viên chưa xây dựng đời mình trên Đức Kitô và chưa sống trong Ngài. Chỉ trong Chúa Giêsu, mọi người mới trở thành một ngôi đền thờ sống động mà trong đó những tiếng ngợi khen, tôn vinh, cảm tạ và cầu xin được dâng lên Thiên Chúa như hương trầm ngào ngạt thơm bay.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về hành trình đức tin của Tôma. Trong Tin Mừng của Thánh Gioan, chúng ta thấy có nhiều câu chuyện về hành trình đức tin, như Nicôđêmô và người phụ nữ Samaria. Họ đi từ không tin đến tin. Chúng ta cũng thấy điều này trong câu chuyện của Tôma. Chi tiết đầu tiên dẫn đến việc “chậm tin” của Tôma là ông “không ở với” Nhóm Mười Hai: “Có một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến” (G1 20:24). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được nâng đỡ bởi cộng đoàn mà trong đó chúng ta sống. Khi tách ra khỏi cộng đoàn, đức tin của chúng ta sẽ bị hao mòn và nhiều khi tắt lịm với những khó khăn của cuộc sống. Hãy nâng đỡ đức tin của nhau, đừng làm gương mù gương xấu cho những người yếu lòng tin. Đây chính là điều chúng ta thấy khi Chúa Giêsu hiện ra lần nữa cho các môn đệ và có cả Tôma ở với họ: “Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông” (Ga 20:26). Trong bối cảnh
“ở với cộng đoàn,” khát vọng được nhìn thấy, được chạm đến Thầy của Tôma được Chúa Giêsu cho thỏa mãn: “Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20:27). Những lời này một lần nữa khắng định cho chúng ta tầm quan trọng của đời sống chung, đời sống cộng đoàn. Việc ở lại với anh chị em mình sẽ giúp chúng ta nhìn thấy và chạm đến Thiên Chúa; nhìn thấy và chạm đến Đấng chịu đóng đinh và cũng là Đấng phục sinh.

Trọng tâm của bài Tin Mừng là yếu tố quyết định việc không tin và tin của Tôma. Yếu tố quyết định việc “không tin” của Tôma là việc không “thấy/nhìn thấy” và “chạm”: “Các môn đệ khác nói với ông: ‘Chúng tôi đã được thấy Chúa!’ Ông Tôma đáp: ‘Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin’” (Ga 20:25). Trong lời khẳng định của mình, Tôma muốn chắc chắn rằng Đấng phục sinh cũng là Đấng đã chịu đóng đinh. Tuy nhiên, điều thánh nhân muốn nhìn thấy và chạm đến là Đấng chịu đóng đinh, Đấng mà Ngài đã nhìn thấy và chạm đến trong quãng thời gian đi theo Ngài. Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn và đau khổ; chúng ta cũng gặp Chúa Giêsu chịu đóng đinh trong anh chị em của mình, nhưng nhiều khi chúng ta đã để cho những kinh nghiệm đau thương ngăn lối chúng ta nhìn thấy và chạm đến Đấng phục sinh.

Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hành trình cá vị hoá đức tin của mỗi người qua hình ảnh của Tôma. Nhiều người trong chúng ta sống theo số đông: ai làm gì, tôi làm đó; ai tin gì, tôi tin đó mà không biết cá vị hoá đức tin của mình. Nói cách khác, một người có đức tin vững mạnh là người biến những gì “chúng tôi tin” [những điều Giáo Hội tin] thành những gì “tôi tin” [niềm tin cá vị của tôi mà qua đó Chúa đến gặp tôi và tôi gặp Chúa]. Hành trình đức tin bao gồm: lời mời gọi – tuyên xưng – sai đi làm chứng nhân. Như vậy, đức tin không phải là một cái gì chết, nhưng là một động lực sống động hay đúng hơn là sức mạnh làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của bình an và sự tha thứ mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã mang lại cho chúng ta.

**********************

THỨ NĂM TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

CON NGƯỜI CÓ QUYỀN THA TỘI

(Am 7:10-17; Mt 9:1-8)

Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta việc những kẻ thù của Amốt âm mưu hại ông. Họ đã dựng chuyện tố cáo Amốt rằng: “Amốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ Israel, và đất nước này không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. Vì Amốt nói như thế này: “Giarópam sẽ chết vì gươm, và Israel sẽ bị đày biệt xứ” (Am 7:10-11). Thêm vào lời tố cáo này là lời răn đe: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết Ên này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều” (Am 7:12-13). Nhưng Amốt đã không chùn bước, không sợ hãi trước thế lực của những người chống lại mình. Amốt ý thức được căn tính và ơn gọi của mình. Là một vị ngôn sứ được Chúa chọn, Amốt phải trung thành với ơn gọi và sứ mệnh được giao: “Ông Amốt trả lời ông Amágia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta.’ Vậy giờ đây, hãy nghe lời Đức Chúa phán” (Am 7:14-16). Hình ảnh của Amốt đáng để chúng ta học đòi bắt chước. Là những Kitô hữu [những người được thánh hiến cho Thiên Chúa], nhiều khi chúng ta không can đảm sống đúng và sống trung thành với căn tính và ơn gọi của mình. Chúng ta sợ hãi trước sự chống đối hoặc nản lòng trước những thất bại hay lời gièm pha của người khác. Chúng ta cần đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời mình. Chỉ có như thế chúng ta mới khám phá ra giá trị đích thật của ơn gọi và căn tính của mình.

Hôm qua, chúng ta nghe đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giêsu làm cho biển yên gió lặng. Trong trình thuật đó, Chúa Giêsu quở trách các môn đệ “kém lòng tin.” Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành người bại liệt vì thấy “lòng tin” của những người khiêng anh ta. Phép lạ chữa lành người bị bại liệt xảy ra ở thành của Chúa Giêsu, đó là Nazarét (x. Mt 9:1). Điểm đầu tiên đáng để chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt dựa trên lòng tin của người khác. Thông thường, sau khi chữa một ai đó, Chúa Giêsu nói, “lòng tin của anh [ngươi] đã cứu chữa anh [ngươi].”

Câu chuyện chữa lành kẻ bại liệt được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:1-12). Sự khác biệt là trong trình thuật của Thánh Máccô, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hai phần gần như tách biệt, đó là phép lạ chữa bệnh (x. câu 1-5a và 11-12) và hành động tha thứ (x. câu 5b-10). Còn Thánh Mátthêu làm cho hai phần này tan chảy vào nhau, đồng thời bỏ đi những “chi tiết màu mè” như dỡ mái nhà và đưa người bệnh xuống từ lỗ hổng. Điều chúng ta đáng lưu ý trong câu chuyện và hai câu chuyện kế tiếp [gọi Mátthêu (Mt 9:9-13 và  ăn chay (Mt 9:14-17)], có ba nhóm chống đối lại Chúa Giêsu: nhóm kinh sư (x. Mt 9:3), nhóm Pharisêu (Mt 9:11), và nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Mt 9:14). Qua chi tiết này, Thánh Mátthêu muốn cung cấp cho người nghe một cách hệ thống toàn bộ tình hình đang xảy ra cho Chúa Giêsu.

Câu chuyện hôm nay trình bày cho chúng ta về việc chống đối của nhóm kinh sư. Họ chống đối Chúa Giêsu về điều gì? “Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng” (Mt 9:3). Các kinh sư không sai khi khẳng định rằng tha thứ tội là hành động của chỉ mình Thiên Chúa, vì tội là hành vi chống lại Thiên Chúa. Theo lối suy nghĩ thời đó, người nào kiểm soát máng chuyển thông ơn tha thứ trong xã hội là kiểm soát xã hội đó. Vì vậy, sự trả giá phải rất cao. Đây chính là điều mà Chúa Giêsu sẽ trải qua. Ngài phải trả giá bằng cái chết với tội danh “nói phạm thượng.”

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho các kinh sư bao gồm những yếu tố sau: (1) Ngài đưa họ vào trong thế giới nội tâm [“Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?” (Mt 9:4); (2) Ngài bắt họ chọn lựa: “Trong hai điều: một là bảo: ‘Tội con được tha rồi,’ hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi,’ điều nào dễ hơn?” (Mt 9:5); (3) Ngài khẳng định Ngài [Con Người] là Thiên Chúa qua quyền tha tội: “Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mt 9:6); (4) Ngài chữa lành người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường mà đi về nhà!” (Mt 9:6). Những chi tiết này liên quan chặt chẽ với nhau. Vấn đề đang bàn cãi ở đây là việc tha tội. Như chúng ta biết, tội lỗi thường là vấn đề của đời sống thiêng liêng [nội tâm]. Vì vậy, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là đưa các kinh sư vào trong thế giới nội tâm để khám phá ra ở đó những ý nghĩ xấu. Sau đó, Ngài đặt trước mặt họ hai chọn lựa: cách nào dễ hơn – “tội con được tha rồi” hay “đứng dậy mà đi.” Theo bối cảnh, Chúa Giêsu muốn nói với các kinh sư rằng: thật dễ để nói “tội con được tha rồi,” vì điều này không có sự kiểm chứng mang tính thể lý. Nhưng thật khó để làm, bởi vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm; thật khó để nói “đứng dậy mà đi,” bởi vì lời của chúng ta sẽ được kiểm chứng có ứng nghiệm hay không bởi kết quả. Chúa Giêsu đã làm hai phần khó, đó là tha tội và nói “đứng dậy mà đi” và lời Ngài được kiểm chứng là ứng nghiệm qua kết quả “Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà” (Mt 9:7).

Phản ứng của dân chúng: “Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế” (Mt 9:8). Đây là chi tiết Thánh Mátthêu hoàn toàn thay đổi so với Thánh Máccô. Thánh sử di chuyển sự chú ý khỏi sự sửng sốt [trong Tin Mừng Thánh Máccô 2:12) khi chứng kiến phép lạ sang đề tài mang tính thần học, đó là Chúa Giêsu là “Con Người” (câu 6) có quyền tha tội và mở rộng quyền đó cho các thành viên trong Giáo Hội. Đây là lối nói ám chỉ điều Thánh Mátthêu ưa thích về Giáo Hội (x. Mt 16:18; 18:17). Điều này phản ánh điều thánh sử quan tâm đến đó là quyền của Chúa Giêsu sẽ có hiệu lực trong và qua Giáo Hội. Đây là vấn đề mà thế hệ thứ 2 và 3 của các tín hữu phải đối diện. Vần đề này chỉ được giải quyết nếu họ có niềm tin vào Chúa Giêsu [“thấy niềm tin của họ”].

**********************

THỨ SÁU TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

YÊU CHÚA GIÊSU LÀ YÊU TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI NGÀI YÊU

(Am 8:4-6.9-12; Mt 9:9-13)

Bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Amos khuyến cáo những người “đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ” (Am 8:4). Ngôn sứ Amos là ngôn sứ chống lại sự bất công trong xã hội. Sứ điệp của ngôn sứ là nói về việc Đức Chúa đứng về phía những những người nghèo, những người bị áp bức để bảo vệ quyền lợi của họ. Điều này được diễn tả trong những lời Đức Chúa phán: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8:7). Những hành vi mà Đức Chúa không quên là những hành vi bất công mà những người “đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt những kẻ nghèo trong xứ” là (1) bày thóc bán lúa với giá “cắt cổ”; (2) làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm để “ăn bớt” của dân; (3) làm lệch cán cân “công bình” để đánh lừa thiên hạ; (4) lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ làm đầy tớ; (5) bán lúa nát gạo mục (x. Am 8:5-6). Những hành vi của họ là những hành vi bất công, chèn ép người nghèo và cô thế cô thân. Nhưng Đức Chúa không bao giờ quên một hành vi nào. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận về hành vi của mình.

Câu chuyện về ơn gọi của Thánh Mátthêu được Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại (Mc 2:13-17; Mt 9:9-13; Lc 5:27-32). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, câu chuyện được chia ra làm hai phần: phần 1 nói đến việc Chúa Giêsu gọi Mátthêu (câu 9) và phần 2 kể về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu (câu 10-13). Chúng ta cùng nhau phân tích cách chi tiết hai phần này để hiểu rõ hơn điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta.

Cũng như bao ơn gọi khác, Chúa Giêsu gọi Mátthêu đang khi ông làm công việc thường ngày của mình: “Khi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mátthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người” (Mt 9:9). Trong cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu là người chủ động gọi Mátthêu và ông mau mắn đáp lại. Trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu, ngài nêu đích danh của mình. Còn trong Tin Mừng Thánh Máccô và Luca, ngài được gọi là Lêvi? Tại sao có sự khác biệt này? Theo các học giả Kinh Thánh, vào thời gian mà Tin Mừng Thánh Mátthêu được viết thì cái tên Lêvi không còn quan trọng cho bằng cái tên Mátthêu, người được xem như là một tông đồ. Trong Mt 10:3, Mátthêu được gọi là người thu thuế. Vì vậy, bản văn này được đưa vào để trình bày Mátthêu như là nhân vật chính của bàn tiệc giữa Chúa Giêsu với những người thu thuế và tội lỗi. Điều đáng để chúng ta lưu ý ở đây là sự mau mắn đáp lại lời mời gọi làm môn đệ Chúa Giêsu của Mátthêu. Sự mau mắn đáp trả của Mátthêu giả định một sự hiểu biết về Chúa Giêsu, sứ mệnh của Ngài và khả thể ông được chia sẻ trong sứ mệnh đó. Nói cách khác, để đáp lại tiếng Chúa Giêsu gọi, Mátthêu đã tìm hiểu về Ngài và suy gẫm về ý nghĩa cuộc đời của mình. Chính hành trình tìm hiểu về Chúa Giêsu và chính mình đã tạo nên trong Mátthêu một sự metanoia (“sám hối”). Sự sám hối này đã làm cho thánh nhân thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi con tim, thay đổi lối sống để hoàn toàn thuộc trọn về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng “đi ngang” qua cuộc đời chúng ta mỗi giây phút. Ngài cũng gọi chúng ta trong khi chúng ta bận rộn với công việc. Liệu chúng ta có như Thánh Mátthêu, dù bận rộn, nhưng con tim luôn nhạy cảm với lời mời gọi của Chúa Giêsu không?

Sau khi đáp lại tiếng mời gọi của Chúa Giêsu, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta về bàn tiệc chia sẻ niềm vui trong nhà của mình. Trong bàn tiệc đó, chúng ta thấy có những thành phần sau: Mátthêu, nhiều người thu thuế và tội lỗi khác, Chúa Giêsu và các môn đệ (x. Mt 9:10). Tất cả cùng chia sẻ trong cùng một bàn ăn. Như chúng ta biết, trong tư tưởng của người Do Thái, chia sẻ cùng bàn ăn không đơn giản chia sẻ với nhau thức ăn, nhưng quan trọng hơn là chia sẻ chính sự sống cho nhau. Trong bàn tiệc tại nhà Thánh Mátthêu, mọi người được mời gọi để chia sẻ trong cùng sự sống của Chúa Giêsu, cả những người “đã tốt” [các môn đệ] và những “chưa tốt” [người thu thuế và tội lỗi]. Những ai không chấp nhận ngồi vào bàn ăn với Chúa Giêsu sẽ tự tách mình ra khỏi sự sống mà Ngài trao ban. Đây là những người Pharisêu. Đúng với tên gọi của họ: Pharisêu có nghĩa là “tách riêng ra.”

Chính việc Chúa Giêsu đón tiếp và ăn uống với những người bị loại ra bên lề xã hội, những người được xem là tội lỗi mà Ngài bị nhóm Pharisêu chống đối. Đứng trước lời chống đối của người Pharisêu, Chúa Giêsu trích hai câu ngạn ngữ sau: (1) “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9:12) và “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9:13). Câu ngạn ngữ thứ nhất lấy từ “công cảm” được tìm thấy trong Stobaeus, Plurarch và Diogenes Laertius. Tư tưởng này bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ triết học Hy Lạp. Theo lối suy nghĩ của các triết gia Hy Lạp, người triết gia là thầy thuốc của linh hồn. Người thầy thuốc phải đặt mình vào sự nguy hiểm của bệnh dịch để chữa bệnh. Khi nói điều này, Chúa Giêsu nói với nhóm Pharisêu về việc Ngài là một thầy thuốc của linh hồn. Ngài đang đặt mình vào mối nguy hiểm của bệnh dịch để chữa bệnh. Còn câu ngạn ngữ thứ hai được Ngài trích từ Ngôn sứ Hôsê (6:6). Thánh Mátthêu thêm câu này ở đây và trong 12:7. Câu trích này trở nên quan trọng đối với các Rabbi để giúp đền bù cho sự mất mát của hy lễ trong Đền Thánh Giêrusalem [bị phá huỷ năm 70] như là phương thế để được tha tội. Theo các Rabbi, học Kinh Thánh và những công việc bác ái được xem là những thay thế chính đáng cho lễ tế. Chúa Giêsu kết thúc cuộc tranh luận bằng cách khẳng định rằng: “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13). Qua câu này, Chúa Giêsu khẳng định cho nhóm Pharisêu về sứ mệnh của Ngài, đó là kêu gọi người tội lỗi; không chỉ kêu gọi người tội lỗi, mà Ngài còn chết cho họ để mang lại cho họ ơn tha thứ. Từ mẫu gương của Chúa Giêsu, chúng ta xét lại chính bản thân mình: Có bao giờ chúng ta đón nhận những anh chị em được xem là “tội lỗi” để yêu thương họ và chết cho họ không? Thành thật mà nói, chúng ta thường giống như những người Pharisêu, chúng ta không tiếp đón những người lầm lỡ, nhưng còn chỉ trích những ai mở lòng đón tiếp những con người đáng thương đó. Thiên Chúa không cần của lễ, nhưng cần một con tim biết yêu thương để ôm chầm tất cả những người tội lỗi. Chúng ta có con tim như thế để dâng lên Ngài không?

**********************

THỨ BẢY TUẦN XIII THƯỜNG NIÊN

SỐNG TINH THẦN MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

(Am 9:11-15; Mt 9:14-17)

Lời tuyên sấm của Amốt trong bài đọc 1 hôm nay mang một sắc thái thật an ủi cho con cái Israel. Đồng thời, lời tuyên sấm cũng nói lên tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa dành cho nhà Đavít. Một cách cụ thể hơn, bài đọc 1 nói về “Ngày của Đức Chúa.” Trong ngày đó, Đức Chúa sẽ thực hiện hai điều: (1) Ngài sẽ khôi phục lại nhà Đavít: “Trong ngày ấy, Ta sẽ dựng lại lều xiêu vẹo của Đavít, bít kín các lỗ hổng của tường thành, tái thiết những gì đã tan hoang, xây dựng nó như những ngày xưa cũ; để chúng được chiếm hữu số sót của Êđôm và của tất cả các dân tộc đã được mang danh Ta” (Am 9:11-12); (2) Ngài sẽ vun trồng, chăm sóc vườn nho là Israel để nó sinh nhiều hoa trái: “Này đây sắp đến những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – thợ cày nối gót thợ gặt, kẻ đạp nho tiếp bước người gieo giống; núi đồi sẽ ứa ra nước cốt nho, và mọi gò nỗng sẽ tuôn chảy. Ta sẽ đổi vận mạng của Israel dân Ta: chúng sẽ tái thiết những thành phố điêu tàn và định cư ở đó; chúng sẽ uống rượu vườn nho mình trồng, ăn thổ sản vườn mình canh tác. Ta sẽ trồng chúng lại trên đất xưa chúng ở, và chúng sẽ không còn bị bứng đi khỏi thửa đất Ta đã ban cho chúng” (Am 9:13-15). Hình ảnh Đức Chúa được vẽ lên trong lời sấm của Amốt là Đức Chúa luôn “khôi phục” những gì đã bị phá huỷ và “vun trồng, chăm sóc” những gì không sinh hoa trái. Chúng ta cũng thường gặp hình ảnh của một Thiên Chúa như thế trong đời sống hằng ngày. Ngài cũng tìm cách khôi phục lại những tương quan [với Ngài và với người khác] mà chúng ta đã làm đổ vỡ bởi sự chai đá của con tim chúng ta. Bên cạnh đó, Ngài cũng “vun trồng, chăm sóc” để chúng ta sinh hoa trái yêu thương và công bình. Liệu chúng ta có để cho Thiên Chúa khôi phuc, vun trồng và chăm sóc chúng ta không?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ ông Gioan về vấn đề ăn chay. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:18-22). Trong câu chuyện này, chúng ta sẽ nhìn thấy một Đức Kitô thật kỳ diệu. Chúng ta thấy trong trích đoạn có hai phần, (1) cuộc đối thoại mang tính tranh luận (câu 14-15) và (2) hai dụ ngôn nhỏ (câu 16-17). Sợi dây nối kết hai phần chính là sự khác biệt mà sự hiện diện của Chúa Giêsu mang lại.

Trong phần 1, chúng ta thấy sự tế nhị của người hỏi. Họ không hỏi về việc ăn chay của Chúa Giêsu, mà của các môn đệ: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (Mt 9:14). Tuy nhiên, trong câu hỏi này, người hỏi một cách gián tiếp hỏi Chúa Giêsu về việc ăn chay của Ngài. Trước câu hỏi của họ, Chúa Giêsu không trả lời trắng đen, mà sử dụng hình ảnh để giúp họ hiểu ý nghĩa của việc ăn chay: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9:15). Trong những lời này, Thánh Mátthêu cho biết việc ăn chay là một dấu chỉ của sự than khóc [than khóc cho tội của mình, than khóc cho những bất hạnh xảy ra cho dân]. Chúa Giêsu so sánh các môn đệ của mình như là những khách được mời đi dự tiệc cưới, là những người được tham dự vào một sự kiện tràn đầy niềm vui. Trong lối giải thích của các rabbi, chàng rể thường được hiểu chính là Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu muốn nói rằng: Những ai có Thiên Chúa bên cạnh [trong lòng], luôn sống vui tươi. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống của mình. Chúng ta tự hào đã theo Chúa nhiều năm, chúng ta có thật sự có Chúa trong cuộc đời mình không? Những người có Chúa luôn sống với niềm vui sâu kín trong tâm hồn dù phải gặp nhiều gian nan thử thách.

Để chứng tỏ sự khác biệt mà sự hiện diện của mình mang lại, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn nhỏ sau: “Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai” (Mt 9:16-17). Qua những lời này, Chúa Giêsu mời gọi thính giả của Ngài phải có thái độ tương xứng với những sự kiện Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử. Chỉ những người có tấm lòng rộng mở, biết kinh ngạc trước những điều mới Thiên Chúa thực hiện mới có thể nhận ra và đón nhận những biểu hiện của Nước Trời [của sự hiện diện của Thiên Chúa]. Đừng đóng kín chính mình trong lối nhìn thiển cận của mình, nhưng rộng mở cõi lòng để nhận ra sự hiện diện mới mẻ của Thiên Chúa trong từng giây phút sống của cuộc đời chúng ta.