Lời Chúa Năm A Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày- Tuần 12 Thường Niên

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày- Tuần 12 Thường Niên

SUY NIỆM TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

Lm Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

HÃY SỬA MÌNH TRƯỚC KHI SỬA ANH CHỊ EM

(St 12:1-9; Mt 7:1-5)

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Điều này chỉ ra mục đích ngày sống của mỗi người chúng ta, đó là một hành trình đi từ sự chết đến vinh quang, một cuộc biến đổi hoàn toàn để trở thành con người mới trong Đức Kitô. Để đạt được điều đó, chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn.

Trong bài đọc 1, tác giả sách Sáng Thế trình bày cho chúng ta ‘ơn gọi’ của Ápram. Ông đã được Đức Chúa chọn để làm cha của một dân tộc được tuyển chọn mà qua đó Ngài sẽ thực hiện lời hứa cứu độ của Ngài. Cũng giống như bất kỳ ơn gọi nào trong Kinh Thánh khi được Đức Chúa gọi, Ápram cũng phải bỏ lối sống cũ để đi theo hành trình mà Đức Chúa đã vạch ra: “Hồi ấy, Đức Chúa phán với ông Ápram: ‘Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi’” (St 12:1). Bên cạnh đó, Đức Chúa sẽ làm cho ông trở nên vĩ đại: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12:2). Không những Đức Chúa chúc lành cho chính Ápram, nhưng còn chúc phúc cho những người làm tốt cho Ápram và qua ông mọi dân tộc sẽ được chúc phúc: “Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 14:3). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Mỗi người chúng ta được mời gọi để trở nên lời chúc phúc cho người khác. Chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều lần chúng ta đã trở nên gánh nặng hoặc ‘lời chúc dữ’ cho người khác. Chúng ta cần phải học ở Ápram. Khi nghe tiếng Chúa mời gọi từ bỏ ‘quê cha đất tổ,’ nơi mang lại sự an toàn thì ông “Ápram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông” (St 12:4a). Hãy đặt trọn niềm tin vào Chúa và bước theo sự hướng dẫn của Ngài, hầu trở nên nguồn chúc phúc cho nhiều người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ về việc xét đoán người khác. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật hôm nay trong Tin Mừng Thánh Luca (6:37-40). Chúa Giêsu dạy các môn đệ như sau: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt 7:1-2). Những lời này giải phóng người môn đệ khỏi nhu cầu làm lương tâm của người khác. Chúng giải phóng chúng ta khỏi bất kỳ sự xét đoán nào. Trong cuộc sống, mỗi một câu nói dù đơn giản, ví dụ như “con bò này màu nâu” nếu mang tính nhận xét, cũng là một lời xét đoán. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm, chẳng hạn các bậc cha mẹ, những người yêu nhau, những người chủ, những quan toàn, những người lãnh đạo trong giáo hội thì luôn phải có những nhận xét về những người mình chăm sóc,  ngay cả cá tính luân lý của họ. Nên cần phân biệt nhận xét (xét đoán) để giúp thăng tiến khác với xét đoán để lên án. Lời dạy của Chúa Giêsu khuyến cáo những người có khuynh hướng loại bỏ những phán quyết tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng duy nhất nhìn thấy lòng mỗi người và thay vào đó là những phán quyết rất thành kiến của mình.

Sau khi khuyến cáo các môn đệ không được xét đoán người khác, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ phải nhìn vào chính mình, nhận ra thân phận yếu đuối của mình trước khi nhìn đến anh chị em mình: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn,’ trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7:3-5). Những lời này chứa đựng lời cảnh báo về những lời xét đoán mang tính cách giả hình. Những người có thái độ này cho rằng việc họ xét đoán anh chị em mình là điều cần thiết. Nhiều khi, họ đặt chính mình vào vị trí của Thiên Chúa: họ xét đoán và kết án anh chị em mình. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài thực hiện hai điều: (1) Nhìn vào bên trong mình để nhận ra những khiếm khuyết lỗi lầm của mình. Khi đã nhận ra những yếu đuối lỗi phạm của bản thân, hãy bắt đầu sửa lỗi. Sau khi đã sửa lỗi mình xong thì (2) giúp anh chị em mình sửa những lỗi của họ, chứ không xét đoán và lên án họ. Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta chỉ biết xét đoán và lên án người khác, đôi khi còn nói xấu để hạ thấp danh dự của người khác chứ chúng ta không tìm cách để giúp anh chị em của mình. Hãy giúp người khác tìm lại niềm vui sống trong Chúa và với nhau chứ đừng xét đoán và kết án họ!

THỨ BA TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

HÃY LÀM ĐIỀU TỐT CHO NGƯỜI KHÁC

(St 13:2.5-18; Mt 7:6.12-14)

Tranh chấp là chuyện thường xảy ra trong đời sống hằng ngày. Tranh chấp xảy ra ngay giữa những người thân trong một gia đình. Chúng ta chứng kiến điều này trong bài đọc 1 hôm nay, cuộc tranh chấp giữa những người làm công cho Ápram và Lót. Để giải quyết tranh chấp, Ápram đưa ra một cách giải quyết theo “thước vàng” được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay: “Sao cho đừng có chuyện tranh chấp giữa bác và cháu, giữa người chăn súc vật của bác và người chăn súc vật của cháu. Vì chúng ta là anh em họ hàng với nhau! Tất cả xứ chẳng ở trước mặt cháu đó sao? Cháu hãy xa bác đi. Nếu cháu đi về bên trái thì bác sẽ đi về bên phải; nếu cháu đi về bên phải thì bác sẽ đi về bên trái” (St 13:8-9). Ápram cho Lót chọn phần tốt nhất vì đó là điều mà ai cũng muốn người khác làm cho mình khi có tranh chấp. Chúng ta sẽ thấy ý tưởng này được phản chiếu trong bài Tin Mừng hôm nay.

Đoạn trích từ sách Sáng Thế hôm nay trình bày cách chi tiết về Ápram, người rất giàu có vì “ông có nhiều súc vật và vàng bạc” (St 13:2). Theo tư tưởng thời đó, giàu có là dấu hiệu được Thiên Chúa chúc lành. Dù giàu có, nhưng Ápram không quan tâm đến của cải cho bằng tương quan với người thân. Ápram đặt đã tương quan lên trên của cải vật chất. Chúng ta thường nghe những câu chuyện đau lòng trong xã hội hôm nay. Vì của cải vật chất, cha mẹ từ con cái hoặc con cái từ cha mẹ; vì một tí lợi lộc vật chất, con người sẵn sàng gạt bỏ tương quan tình thân sang một bên. Chúng ta đã từng nghe rằng: tiền bạc [vật chất] che mờ con mắt. Thực tế mà nói, vật chất là cần thiết cho cuộc sống. Nhưng vật chất không phải là cùng đích mà con người tìm kiếm. Đừng để vật chất che khuất tầm nhìn về vĩnh cửu, về thiên đàng. Cụ thể mà nói, khi của cải vật chất bỏ chúng ta ra đi, liệu có người thân nào bên cạnh chúng ta không?

Trình thuật Tin mừng hôm nay có một cấu trúc rất chặt chẽ: Bắt đầu với việc phải có hành động tương xứng, biết giá trị của từng vật và kết với lời khuyến cáo phải nỗ lực để đi qua cửa hẹp. Phần giữa hai mệnh đề này là “Thước Vàng.” Phần mở thuộc về lời dạy không được xét đoán, còn “Thước Vàng” thuộc về lời dạy “xin, tìm và gõ” của Chúa Giêsu; lời mời gọi đi qua cửa hẹp thuộc về phần kết luận của bài giảng. Như thế, bài Tin Mừng được nối kết bởi ba phần khác nhau, tạo nên “bản tóm tắt” của những gì Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài.

Bài Tin Mừng bắt đầu với những lời sau của Chúa Giêsu: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Mt 7:6). Các học giả Kinh Thánh cho rằng, ý nghĩa của câu này không rõ ràng lắm. “Của thánh” trong Cựu Ước ám chỉ đến thịt được dâng làm của lễ (x. Xh 29:33). Trong bối cảnh của trình thuật Tin Mừng, nó có nghĩa là sứ điệp của Nước Thiên Chúa; sau này “của thánh” được áp dụng cho Thánh Thể (x. Did. 9:5; 10:6). Còn “ngọc trai” trong bối cảnh này có thể có nghĩa là sứ điệp của Nước Trời hoặc chính là bài giảng của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu nói đừng “quăng của thánh” hoặc “liệng ngọc trai” cho chó và heo, Ngài ám chỉ việc không được đưa những gì thánh thiện cho những người không biết ý nghĩa của nó. Như chúng ta biết, chó và heo là những con vật bị ô uế [không thanh sạch] trong Cựu Ước (x. Tv 22:17,21). Đây là hình ảnh của những người bị ô uế trong văn chương của các rabbi và những người dân ngoại, hoặc những người lạc giáo. Trong bối cảnh bài Tin Mừng, hình ảnh chó và heo ám chỉ đến những thính giả không có cảm tình với sứ điệp Nước Trời. Chi tiết này cho thấy, sứ điệp Nước Trời sẽ bị loại trừ. Các môn đệ Chúa Giêsu phải khôn ngoan, phải biết công bố sứ điệp Nước Trời cho những người sẵn sàng mở lòng đón nhận, còn những người không đón nhận, cách thức rao giảng tốt nhất chính là làm cho họ những gì mà “Thước Vàng” chỉ dẫn.

Trong bối cảnh của lời dạy về xin, tìm và gõ, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài đối xử với nhau theo tiêu chuẩn của “Thước Vàng”: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7:12). Nhìn từ khía cạnh văn chương, theo các học giả Kinh Thánh, câu này là câu kết của bài giảng, một lời tóm tắt của nội dung bài giảng, trước khi kết thúc với những lời chúc lành và chúc dữ mang tính giao ước. Câu này nối kết với cấu trúc của các câu khác (5:17,20; 6:1,33; và 22:34-40), những nơi mà công thức “đây là lề luật và các ngôn sứ” xuất hiện. “Thước Vàng” có một quá trình tiền lịch sử dài. Những lời này có thể đã được ám chỉ trong Đnl 15:13, Tob 4:15. “Thước Vàng” của có một quá trình tiền lịch sử trong văn hóa Hy Lạp, xuất hiện khoảng thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Nền đạo đức được khuyến khích trong “Thước Vàng” được đặt nền trên sự công bằng và trên sự cân bằng trong các bổn phận. “Thước Vàng” này cần được kiểm soát bởi khái niệm về “điều tốt.” Nếu không, “Thước Vàng” sẽ trở thành sự hỗn loạn trong đời sống đạo đức.

Bài Tin Mừng kết với lời dạy mang tính giao ước với Thiên Chúa: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14). Những lời này chỉ ra cho chúng ta hai con đường: con đường dẫn đến sự sống – cửa hẹp, và con đường dẫn đến sự chết – cửa rộng (x. Đnl 28; 30:15). Chúa Giêsu kết thúc bài giảng của mình bằng việc đặt trước các môn đệ một giao ước, một lối sống mà Ngài muốn các môn đệ bước theo. Nếu các môn đệ sống theo lời Ngài dạy, thì sẽ được sống; ngược lại, nếu không đi theo đường Ngài dạy bảo, thì sẽ dẫn đến chỗ diệt vong. Chúng ta sẽ chọn gì: Sự sống hay sự chết, đi theo Chúa Giêsu hay bỏ Ngài?

THỨ TƯ TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

SỐNG THẬT ĐỂ SINH HOA TRÁI THẬT

(St 15:1-12.17-18; Mt 7:15-20)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về giao ước Thiên Chúa lập với Ápram. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta quan tâm và suy gẫm là cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Ápram. Có thể nói, đây là một trong những mẫu “đối thoại với Chúa” tuyệt đẹp nhất trong Cựu Ước. Chúng ta cùng nhau sắp xếp lại mẫu đối thoại này:

Đức Chúa: “Hỡi Ápram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.”

Ông Ápram: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Êliede, một người Đamát.”

[Ông Áp-ram còn nói:]

Ông Ápram: “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi; và một gia nhân của con sẽ thừa kế con.”

Đức Chúa: “Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi.”

[Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán:]

Đức Chúa: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.”

[Người lại phán:]

Đức Chúa: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”

Thái độ của Ápram sau cuộc đối thoại đáng để chúng ta suy gẫm: “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính.” Ông tin ngay cả khi chưa thấy lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Nhưng cuộc đối thoại không ngừng ở đó, mà tiếp tục với việc Ápram đi tìm sự hiểu biết cho đức tin của mình khi Đức Chúa hứa ban cho ông đất làm sở hữu. Cuộc đối thoại được tiếp tục như sau:

Đức Chúa: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ua của người Canđê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu.”

Ông Ápram: “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?”

Đức Chúa: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non.”

Đức Chúa: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Aicập đến Sông Cả, tức sông Êuphơrát.”

Như chúng ta thấy, trong phần 1 của giao ước, Đức Chúa hứa ban cho ông Ápram “con cháu.” Còn phần 2 của giao ước nói về việc Đức Chúa hứa ban cho ông đất làm sở hữu. “Con cháu” và “đất” là hai yếu tố cần thiết cho một dân tộc, một quốc gia. Như vậy, trong cuộc đối thoại giao ước này, Đức Chúa đã hứa cho Ápram trở thành tổ phụ của một dân tộc hùng cường. Một điều khác chúng ta thấy trong cuộc đối thoại giao ước này là việc Đức Chúa luôn luôn là Người bắt đầu; Ngài luôn đi bước trước. Còn Ápram là người luôn đáp trả với đức tin. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta? Ngày sống của chúng ta cũng là một giao ước. Thiên Chúa luôn đi bước trước; Ngài luôn yêu chúng ta trước và ban cho chúng ta một ngày để cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Chúng ta sẽ đáp lại như thế nào?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một nguyên tắc để phân biệt tốt – xấu, thật – giả. Ngài rút nguyên tắc này ra từ những sự kiện hằng ngày, dựa trên định luật của cây cối. Nói cách khác, định luật Chúa Giêsu đưa ra dựa trên bản chất của sự vật. Đoạn Tin Mừng được đọc hôm nay được gọi là đoạn trích về “sinh hoa trái.” Chúng ta cũng tìm thấy đoạn trích này trong Tin Mừng của Thánh Luca (6:43-44). Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần liên kết với lời dạy của Chúa Giêsu về “cửa hẹp và đường chật” và “cửa rộng và đường thênh thang” mà chúng ta suy gẫm ngày hôm qua. Ở đây Chúa Giêsu sử dụng nguyên lý “nhân-quả” để giảng dạy. Nói theo triết học, Chúa Giêsu sử dụng nguyên lý “hữu thể nào – hành động đó” để phân biệt ngôn sứ giả và ngôn sứ thật.

Theo nguyên lý triết học này, hành động của một hữu thể sẽ tương xứng và mạc khải hữu thể. Ví dụ, nghe tiếng sủa chúng ta biết đó là chó, thấy một người chữa bệnh cho người khác chúng ta biết người đó là bác sĩ [y sĩ hoặc thầy thuốc]. Cũng thế, một ngôn sứ giả, dù họ có “đội lốt chiên mà đến với anh em” (Mt 7:15), thì nhìn hành động [hoa quả] họ thực hiện sẽ biết họ. Kinh nghiệm cuộc sống dạy chúng ta rằng: dù có che đậy điều gì, cũng không thể che đậy suốt đời. Một người giả dối sẽ không thể sống thật suốt đời dù họ cố gắng thành thật một lúc nào đó để lừa người khác. Bản chất sẽ được tỏ lộ qua hành động! Chúa Giêsu áp dụng định luật này vào trong thiên nhiên được diễn giải trong những câu kế tiếp (câu 16-18): “Có người nào lại hái nho ở bụi gai hay hái vả trên cây găng? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây sâu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt.” Như vậy, một người tốt sẽ thực hiện những hành động tốt. Một người xấu thì hành động của họ cũng sẽ xấu. Bản chất đi đôi với hành động!

Điểm cuối cùng đáng suy gẫm là việc nhận ra ngôn sứ giả được diễn giải trong câu mở đầu (câu 16) và câu kết thúc (câu 20). Đây là lối viết kiểu “bánh mì kẹp” quen thuộc để nói lên đề tài chính của đoạn trích này: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7:16,20). Hoa quả mà Chúa Giêsu nói ở đây là một “đức tin được sống [không được sống]” hoặc “hành vi luân lý tốt [xấu] được thực hiện.” Đây là những yếu tố để đánh giá một người. Nếu đặt trong bối cảnh của bài giảng trên núi, những hoa quả này được sinh ra bởi việc sống theo “tiêu chuẩn” mới của Chúa Giêsu về sự công chính (x. Mt 5:17-48), sống theo các mối phúc thật. Chúng ta đang sinh loại hoa trái nào? Hay nói đúng hơn, hành động của chúng ta có tương xứng với hữu thể [ơn gọi] của chúng ta không?

THỨ NĂM TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
Thánh Phêrô Và Thánh Phaolô, Tông Đồ

TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN TRUNG THÀNH CỦA CHÚA GIÊSU

(Cv 12:1-11; 2 Tm 4:6-8.16b.17-18; Mt 16:13-19)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Chúng ta đã nghe, đã đọc nhiều về các ngài, nhưng chúng ta đã học được gì ở các ngài để đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày của mình. Chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta, hầu khi mừng lễ các ngài hôm nay, chúng ta không để việc mừng kính này trôi qua cách vô hiệu, nhưng học ở các ngài, biết đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời mình và trở nên những chứng nhân trung thành của Ngài trong đời sống hằng ngày.

Bài đọc 1 hôm nay thuật lại việc Hội Thánh sơ khai đối diện với bắt bớ, ngược đãi và việc Thiên Chúa giải thoát Phêrô khỏi ngục tù. Câu chuyên thuật lại cho chúng ta nhân vật ngược đãi Hội Thánh sơ khai là vua Hêrôđê. [Ông là Herod Agrippa I, cháu của Hêrôđê cả]. Những việc ông làm là: (1) ngược đãi một số người trong Hội Thánh; (2) chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan; và (3) bắt Phêrô tống ngục. Hình ảnh đáng để chúng ta lưu ý là việc Phêrô được Thiên Chúa giải cứu. Sự kiện này xảy ra là do bàn tay Thiên Chúa can thiệp. Chúng ta nhận ra điều này qua hai chi tiết: (1) Việc canh giữ của lính canh [“Trong đêm trước ngày bị vua Hêrôđê đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người lính, và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh” (Cv 12:6)]. Chi tiết này cho thấy, về phía con người, không ai có thể vào cứu và Phêrô cũng không thể trốn chạy. Nhưng (2) Hội Thánh cầu nguyện cho Phêrô [“Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12:5)]. Dù con người không thể làm được gì, thì mọi sự Thiên Chúa có thể làm. Chính điều này đã làm cho Phêrô thốt lên khi đã được đưa ra khỏi tù ngục: “Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn và nói : “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê, và khỏi mọi điều dân Do Thái mong muốn tôi phải chịu” (Cv 12:11).

Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô viết những lời “tâm sự” đầy xúc động cho Timôthê trước khi đối diện với cái chết của mình để làm chứng cho Chúa Giêsu. Ngài đã cho Timôthê biết rằng: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4:7-8). Trong những lời này, Thánh Phaolô nói cho Timôthê biết hai đặc tính quan trọng trong đời sống của người môn đệ [tông đồ] của Chúa Giêsu, đó là trung thành và chỉ mong phần thưởng từ Thiên Chúa.

Thánh Phaolô cũng nói cho Timôthê biết về một thực tại sẽ xảy ra trong đời sống làm chứng cho Chúa Giêsu, đó là sẽ bị mọi người bỏ mặc (x. 2 Tm 4:16a). Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người môn đệ cảm thấy nản chí thất vọng. Sức mạnh trong đời sống làm chứng không đến từ con người, nhưng đến từ Thiên Chúa: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời” (2 Tm 4:17-18). Thiên Chúa là Đấng không bao giờ bỏ rơi người môn đệ. Chỉ khi nhận ra điều này, chúng mới có thể cất cao lời ca tụng như Thánh Phaolô ngay cả khi chúng ta đối diện với đau khổ và chống đối: Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời.”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Thánh Phêrô, đại diện các môn đệ, tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Trình thuật này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (8:27-30) và Thánh Luca (9:18-21). Việc tuyên xưng của Phêrô tạo nên điểm quan trọng trong Tin Mừng Thánh Maccô. Thánh Mátthêu thêm vào trình thuật của mình câu 16b-19, để nói đến sự bổ xung nổi tiếng mang tính Giáo Hội về lời tuyên xưng của Thánh Phêrô. Chúng ta suy gẫm trên lời tuyên xưng của Thánh Phêrô và lời khen của Chúa Giêsu dành cho Thánh Phêrô.

Trước câu hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” Các môn đệ thuật lại cho Chúa Giêsu nghe những gì mà người khác nói về Ngài: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16:14). Điều chúng ta lưu ý ở đây là việc Thánh Mátthêu nói đến Giêrêmia. Tại sao Thánh Mátthêu đề cập đến vị ngôn sứ này ở đây? Bởi vì kinh nghiệm sự bị loại trừ và đau khổ phải đối diện của vị ngôn sứ này báo trước việc bị loại trừ và những đau khổ của Đấng Kitô. Những lời trên chứa đựng câu trả lời của những người nghe Ngài giảng, nhìn thấy phép lạ Ngài làm, nhưng không “ở lại” với Ngài. Chúa Giêsu muốn nghe câu trả lời từ những người “theo” Ngài và “ở lại” với Ngài, nên Ngài hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” (Mt 16:15).  Câu hỏi này nói lên sự khác biệt đến từ việc “ở lại” với Chúa Giêsu. Phêrô đại diện các môn đệ: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Chúng ta cũng đã theo Chúa Giêsu nhiều năm, đã nghe lời Ngài và đã chứng kiến nhiều phép lạ Ngài làm trong cuộc sống chúng ta và người khác. Chúng ta đã biết Chúa Giêsu đến mức nào? Biết Chúa Giêsu không hệ tại ở một số “kiến thức” chúng ta có về Ngài, nhưng là trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài ngày một hơn. Chúng ta đã trở nên giống Chúa Giêsu chưa?

 Câu trả lời của Thánh Phêrô đã mang lại cho thánh nhân một lời khen và một sứ mạng. Trong lời khen, chúng ta đọc thấy: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17). Những lời này cho thấy, lời chúc lành cho Thánh Phêrô không đến từ nỗ lực học hỏi của cá nhân, nhưng là ân ban của Thiên Chúa. Một cách cụ thể, để biết về Thiên Chúa, lý trí con người luôn có giới hạn. Chúng ta không thể nào đạt đến Thiên Chúa nếu Ngài không mạc khải chính mình cho chúng ta. Thiên Chúa luôn mạc khải chính mình cho những kẻ “bé mọn,” những người sống khiêm nhường và luôn chìm sâu trong đời sống cầu nguyện. Thiên Chúa chỉ tìm thấy trong những con tim tràn đầy tình yêu, chứ không ở trong những khối óc tràn đầy kiến thức.

Sứ mạng của được trao cho Thánh Phêrô là nắm giữ chìa khoá Nước Trời: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:18-19). Sứ mạng của Thánh Phêrô là trở nên tảng đá để Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh của Ngài. Thánh nhân cũng là người nắm giữ chìa khoá của Nước Trời, của tha thứ, của yêu thương. Nói cách khác, sứ vụ của Thánh Phêrô là trở nên nền móng đức tin cho mọi người theo Chúa Kitô. Thánh nhân thực hiện điều này qua sứ vụ tha thứ và yêu thương. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi học nơi Thánh Phêrô, trở nên những thừa tác viên mang ơn tha thứ của Chúa đến cho mọi người, bắt đầu từ những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày và nhất là những người chúng ta thấy khó tha thứ.

THỨ SÁU TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

SỐNG ĐÁNG YÊU TRƯỚC MẶT CHÚA

(St 17:1.9-10.15-22; Mt 8:1-4)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về giao ước giữa Đức Chúa và Ápraham cùng dòng dõi ông. Giao ước này nhắm mục đích giúp cho ông và dòng dõi ông sống hoàn hảo trước mặt Đức Chúa: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo” (St 17:1). Điều chúng ta cần lưu ý ở đây là giao ước với Ápraham dường như chỉ giới hạn với dòng dõi ông Ápraham theo nghĩa hẹp, đó là cho con cái Israel và dường như chỉ dành cho đàn ông: “Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì” (St 17:9-10). Không những thế giao ước này cũng chỉ giới hạn cho “đứa con hợp pháp”: “Ông Áp-ra-ham thưa với Thiên Chúa: ‘Ước chi Ítmaên được sống trước nhan Ngài!’ Nhưng Thiên Chúa phán: ‘Không đâu! Chính Xa-ra, vợ ngươi, sắp sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ đặt tên cho nó là I-xa-ác. Ta sẽ lập giao ước của Ta với nó; đây sẽ là giao ước vĩnh cửu cho dòng dõi nó sau này. Còn về Ít-ma-ên, Ta nghe lời ngươi xin: Này Ta chúc phúc cho nó, Ta sẽ cho nó sinh sôi nảy nở ra nhiều, thật nhiều. Nó sẽ sinh ra mười hai đầu mục, Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn. Nhưng giao ước của Ta thì Ta lập với I-xa-ác, đứa con mà Xa-ra sẽ sinh cho ngươi vào độ này sang năm’” (St 17:18-21). Những chi tiết này giúp cho chúng ta biết Đức Chúa cũng “tiệm tiến” trong việc mạc khải kế hoạch yêu thương của Ngài. Giao ước Ngài thiết lập với Ápraham là “khởi điểm” cho việc tuyển chọn dân riêng để qua đó Đấng Cứu Thế sẽ đến, Đấng sẽ “canh tân” và “mở rộng” giao ước của Thiên Chúa với mọi dân tộc trong thời kỳ viên mãn mà chính chúng ta là những người ký kết với Ngài. Thật vậy, trong bí tích rửa tội, chúng ta đã thiết lập giao ước với Thiên Chúa và hứa sẽ sống hoàn hảo trước mặt Ngài. Chúng ta đã, đang và sẽ sống giao ước này với Thiên Chúa như thế nào? Cụ thể hơn, chúng ta có trở nên hoàn hảo mỗi ngày qua đi không?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi. Chúng ta cũng tìm thấy câu chuyện này trong Tin Mừng Thánh Máccô (1:40-45). Điều đáng để chúng ta lưu ý là việc chữa lành được đặt trong bối cảnh “đi theo Chúa Giêsu”: “Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người” (Mt 8:1). Những lời này cho thấy, sau bài giảng trên núi, nhiều người đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Điều làm chúng ta ngạc nhiên là người mắc bệnh phong có phải là một người trong đám đông hay không. Theo thông lệ thời đó, những người mắc bệnh phong không được sống trong cộng đoàn. Như vậy, anh ta từ đâu đến? Điều này không được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh của bài Tin Mừng, anh ta là một trong những người đang theo Chúa Giêsu. Chi tiết này cho thấy, những người theo Chúa Giêsu không phải là những người hoàn toàn thanh sạch. Họ có thể là những người bị loại trừ hoặc bị một “căn bệnh” nào đó ngăn cản họ hoàn toàn hội nhập vào đời sống cộng đoàn. Đây là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng là những con người bất toàn. Trong mỗi người chúng ta cũng có một hoặc nhiều chứng bệnh ngăn cản chúng ta hoàn toàn hội nhập với đời sống cộng đoàn như bệnh ích kỷ, nói xấu, xét đoán, dèm pha, ghen tỵ, v.v. Khi nhận ra chứng bệnh của mình, chúng ta hãy chạy đến với Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành như Ngài đã làm cho người mắc bệnh phong.

Điều thứ hai chúng ta có thể suy gẫm là hành vi của người bị bệnh phong: “Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: ‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’” (Mt 8:2). Như chúng ta biết, bệnh phong trong Kinh Thánh được hiểu là bệnh do vi trùng Hansen hoặc một bệnh nào đó về da. Người mắc bệnh phong thực hiện ba điều: (1) đi đến, (2) tôn thờ, và (3) cầu xin. Thánh Mátthêu đã làm cho bản văn mang một ý nghĩa tôn giáo mạnh mẽ bằng việc làm cho người mắc bệnh phong gọi Chúa Giêsu là Chúa và bái lạy [tôn thờ] Ngài. Trong hành vi cầu xin, người mắc bệnh phong không xin cho ý mình được thể hiện, nhưng xin theo ý của Chúa Giêsu: “Nếu ngài muốn.” Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình khi đến với Chúa, nhất là khi đến cầu xin Ngài điều gì. Chúng ta không xin để mọi sự xảy ra theo ý của mình, nhưng để mọi sự được xảy ra theo thánh ý Chúa.

Về phần mình, Chúa Giêsu cũng thực hiện ba hành động: (1) chạm đến anh ta, (2) chữa anh ta, và (3) sai anh ta đi thực hiện điều luật truyền dạy [“Người giơ tay đụng vào anh và bảo: ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch.’ Lập tức, anh được sạch bệnh phong. Rồi Đức Giêsu bảo anh: ‘Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết’” (Mt 8:3-4)]. Trong hành vi chạm đến người mắc bệnh phong, Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài đã chạm đến những người không đáng yêu. Ngài không sợ chạm đến họ, thiết lập một tương quan với họ. Chi tiết này giúp chúng ta xét lại tình yêu của mình. Nó đã đạt đến mức độ không loại trừ ai và sẵn sàng thiết lập mối tương quan với những người không đáng yêu chưa?

 

THỨ BẢY TUẦN XII THƯỜNG NIÊN

NGÀI MANG LẤY NỖI THỐNG KHỔ CỦA CHÚNG TA

(St 18:1-15; Mt 8:5-17)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta mẫu gương trong Cựu Ước về người được ngụ trong nhà Chúa, đó là Ápraham. Hình ảnh ba người khách đến thăm Abraham tại cụm sồi Mamrê được trình bày trong bài đọc 1 hôm nay (St 18: 2) gợi hứng cho Andrei Rublev vẽ bức tranh nổi tiếng về Chúa Ba Ngôi. Chính sự niềm nở đón tiếp và hiếu khách của Ápraham và vợ ông đã mang lại cho họ “người con thừa tự”: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai” (St 18:10a). Tuy nhiên, điều chúng ta tập trung chia sẻ chính là thái độ khiêm nhường và hiếu khách của Ápraham. Từ khi thấy ba người khách, Ápraham thực hiện một loạt hành động sau: chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy, cầu xin ba người ghé thăm, lấy nước cho khách rửa chân, soạn chỗ cho khách nằm nghỉ, lấy bánh cho khách ăn. Đây là những hành vi diễn tả cõi lòng của người ngụ trong nhà Chúa. Họ không nghĩ đến chính mình. Họ chỉ nghĩ đến việc phục vụ người khác một cách tốt nhất. Chúng ta có đang sống thái độ này với anh chị em chúng ta không?

Chi tiết thứ hai trong bài đọc 1 đáng để chúng ta suy gẫm là cuộc đối thoại giữa Đức Chúa và vợ chồng Ápraham về việc họ sẽ có con trai:

Đức Chúa: “Bà Xara vợ ông đâu?”

Ápraham: “Thưa nhà tôi ở trong lều.”

Đức Chúa: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai.”

[Ông Ápraham và bà Xara đã già nua tuổi tác, và bà Xara cũng không còn gặp điều vẫn thường xảy ra cho phụ nữ.]

Bà Xara (cười thầm tự bảo): “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao? Ông nhà mình lại là một ông lão!”

Đức Chúa: “Tại sao Xara lại cười và nói: ‘Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng?’ Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xara sẽ có một con trai.”

Bà Xara: (sợ nên mới chối và nói): “Con đâu có cười!”

Bà Xara: “Có, ngươi đã cười!”

Những lời trên cho thấy, không có điều gì kỳ diệu mà Đức Chúa không làm được. Chính tác giả sách Sáng Thế cho biết là ông Ápraham và bà Xara đã “già nua tuổi tác” và không còn khả năng để sinh con. Nhưng Đức Chúa đã khẳng định rằng họ sẽ có con trai khi Ngài ghé lại thăm họ vào năm sau. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là việc Đức Chúa lặp lại lời khẳng định trên cho cả Ápraham và Xara. Tuy nhiên, Ápraham không “cười thầm và tự bảo” còn bà Xara thì có. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về những lần chúng ta nghi ngờ hay kém tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Cũng có người trong chúng ta “cười thầm” như bà Xara vì đối với sức con người thì điều chúng ta hoặc người khác đang đối diện là điều không thể xảy ra. Trong cuộc đối thoại trên, Đức Chúa nhắc cho chúng ta rằng không có điều kỳ diệu nào mà Ngài không thể làm. Chúng ta có tin như thế không?

Chúng ta tìm thấy trong bài Tin Mừng hôm nay những sự kiện chữa lành của Chúa Giêsu. Cụ thể là, (1) Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8:5-13), (2) Chúa Giêsu chữa lành mẹ vợ của Phêrô (Mt 8:14-15), và (3) chữa lành những người đau ốm vào buổi chiều (Mt 8:16-17). Chúng ta có thể rút ra điều gì để suy gẫm trong ba sự kiện chữa lành này?

Trong câu chuyện chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng chúng ta thấy một sự tương phản đáng lưu ý với trình thuật chữa người bị mắc bệnh phong [trình thuật đi trước] theo luật lệ Torah đưa ra. Câu chuyện này giúp chúng ta nếm trước sứ mệnh cho dân ngoại (x. Mt 28:19). Câu chuyện không được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô, nhưng xuất hiện trong Tin Mừng Thánh Luca trong một hình thức khác (x. 7:1-10) và cũng theo một hình thức khác trong Tin Mừng Thánh Gioan (x. 4:46-54). Thánh Mátthêu mở rộng cốt chuyện căn bản với câu 11 và 12 (x. Lc 13:28-29). Để hiểu hơn về ý nghĩa câu chuyện, chúng ta viết lại theo kiểu hội thoại như sau:

Viên đại đội trưởng: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.”

Chúa Giêsu: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.”

Viên đại đội trưởng:  “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.”

Chúa Giêsu:  “Tôi bảo thật các ông: ‘tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’ Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: ‘Ông cứ về đi! Ông tin thế nào, sẽ được như vậy!’ Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.”

Trong cuộc đối thoại, chúng ta thấy viên đại đội trưởng [người chỉ huy khoảng 100 lính] là một người dân ngoại. Ông đến cầu xin Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ (Gk pais – có nghĩa là “đứa bé trai” hoặc có thể là “con” (x. Ga 4:46). Trong lời cầu xin của mình, viên đại đội trưởng dùng kinh nghiệm của ông về “sức mạnh của lời [mệnh lệnh] để liên tưởng đến sức mạnh của lời Chúa Giêsu phán. Nói cách cụ thể hơn, nếu ông là một con người mà những mệnh lệnh ông đưa ra đều được thực hiện, huống gì lời [mệnh lệnh] của Chúa Giêsu sẽ có sức mạnh như thế nào. Trong lời nói “chỉ nói một lời,” viên đội trưởng cho thấy sự tử tế, khiêm nhường và nhạy bén trước sự khó xử của người Do Thái để vào nhà của một người dân ngoại, vì điều này sẽ biến họ thành người bị ô uế. Những lời trên của viên đại đội trưởng thật phi thuờng đến nỗi chúng được sử dụng trong phụng vụ Thánh Thể của nghi thức Latin như là lời tuyên xưng sự không xứng đáng để đón nhận Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Đứng trước sự khiêm nhường của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu đã khen ông, không chỉ về thái độ nhạy bén, khiêm nhường mà còn về đức tin ông học được qua kinh nghiệm sử dụng quyền của mình. Theo các học giả Kinh Thánh, lời khen của Chúa Giêsu dành cho viên đại đội trưởng chỉ ra vấn đề đang xảy ra trong cộng đoàn Thánh Mátthêu, đó là thiếu đức tin (vào Chúa Giêsu như là Đấng Messia). Từ những chi tiết trên, chúng ta nhận ra rằng qua kinh nghiệm hằng ngày của mình chúng ta có thể cảm nghiệm hay đúng hơn đạt đến kinh nghiệm về Thiên Chúa. Để đạt được điều này, chúng ta phải có thái độ tốt lành, khiêm nhường và nhạy bén như viên đại đội trưởng.

Sau khi chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng [người dân ngoại và là người đàn ông], Chúa Giêsu chữa mẹ vợ của Phêrô [một người phụ nữ]. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu lời khẳng định của Chúa Giêsu về tính phổ quát của ơn cứu độ, điều mà Ngài đã nói đến trong câu 11 và 12. Hành vi chữa lành mẹ vợ của Phêrô cũng giống với hành vi chữa lành người mắc bệnh phong, đó là chạm vào người mắc bệnh vì cả hai là người Do Thái: “Đức Giêsu đến nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà trỗi dậy phục vụ Người” (Mt 8:14-15). Điều này khác với việc chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng [chỉ phán một lời mà không đụng vào] vì là người dân ngoại. Qua câu chuyện chữa lành mẹ vợ của Phêrô “ở nhà,” Thánh Máttthêu muốn nâng cao quyền năng của Chúa Giêsu như là Đức Chúa. Nói cách khác, Chúa Giêsu không chỉ có quyền năng khi ở trong Đền Thờ, nhưng cả ở nhà. Quyền năng của Chúa Giêsu được thể hiện trong câu chuyện này qua hai hành động: (1) nhìn thấy – hành động này cho thấy Chúa Giêsu không cần người khác nói cho biết là mẹ vợ của Phêrô bị bệnh. Vừa vào nhà là Ngài đã thấy điều đó. (2) chạm vào tay bà – cái chạm nhẹ có sức chữa lành là đủ để cho cơn sốt biến mất. Sức khoẻ của bà trở lại như thường và bà trở lại công việc phục vụ Đức Kitô [chi tiết này khác với Tin Mừng Thánh Máccô là phục vụ “họ”]. Câu chuyện này mời gọi chúng ta sống thái độ phục vụ chân thành. Trong khi phục vụ, chúng ta phải nhớ rằng mình phục vụ vì Chúa Giêsu chứ không phải vì bất kỳ một lý do nào khác.

Câu chuyện về những chữa lành vào chiều tối được xem như là bản tóm tắt của sứ vụ Chúa Giêsu được sai đến, đó là để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm: “Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giêsu. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8:16-17). Chúa Giêsu trừ quỷ là câu trả lời cho những yếu đuối của con người, còn chữa lành mọi kẻ đau ốm là câu trả lời cho những bệnh tật mà con người phải chịu. Đoạn trích trên được lấy trực tiếp từ sách Ngôn Sứ Isaia (53:4), đó là Bài Ca Thứ Tư của Người Tôi Tớ Đau Khổ. Đây là bài ca quan trọng để hiểu cái chết của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Trong bài ca Isaia, người Tôi Trung “mang lấy” bệnh tật trên mình, trong khi đó Tin Mừng Chúa Giêsu “lấy đi” [chữa lành] bệnh tật. Điều Thánh Matthêu muốn nhấn mạnh ở đây là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được xác nhận bởi lời các ngôn sứ. Như thế, Ngài đến để kiện toàn, chứ không phải để huỷ bỏ Lề Luật và các Ngôn Sứ. Là những người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi tiếp tục sứ mệnh chữa lành của Ngài. Mong sao khi gặp mình, anh chị em chúng ta được chữa lành chứ không mang thêm vết thương trong lòng vì những lời nói, hành động không hay không đẹp của chúng ta.

Exit mobile version