Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần 10 Thường niên

86

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – Tuần X Thường niên

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN

SỐNG CÁC MỐI PHÚC THẬT

(1 V 17:1-6; Mt 5:1-12)

Bài đọc 1 trình thuật cho chúng ta nghe về lời sấm của Êlia. Lời sấm nói về nạn hạn hán sẽ xảy ra ở Israel: “Hồi ấy, ông Êlia, người Títbe, trong số dân cư ngụ tại Galaát, nói với vua Akháp rằng: ‘Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm sắp tới, sẽ chẳng có mưa, có sương, nếu tôi không ra lệnh’” (1V 17:1). Ngôn sứ là người nói cho dân biết những gì Thiên Chúa muốn. Một trong những tiêu chuẩn để phân biệt giữa ngôn sứ giả và ngôn sứ thật là lời sấm vị ngôn sứ nói được hoàn thành. Không chỉ nói lời Thiên Chúa, ngôn sứ còn là người làm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, đi theo hành trình mà Thiên Chúa đã vạch ra chứ không vạch ra hành trình cho riêng mình: “Có lời Đức Chúa phán với ông như sau: ‘Ngươi hãy bỏ đây đi về phía đông, và ẩn mình trong thung lũng Cơrít, phía đông sông Giođan. Ngươi sẽ uống nước suối. Ta đã truyền cho quạ nuôi ngươi ở đấy’” (1V 17:2-4). Khi đi theo hành trình Thiên Chúa đã vạch ra, ngôn sứ sẽ nhận được tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình: “Ông ra đi và làm như Đức Chúa truyền: là đến ở thung lũng Cơrít, phía đông sông Giođan. Buổi sáng, quạ mang bánh và thịt cho ông; buổi chiều, quạ cũng mang như vậy. Nước ông uống là nước suối” (1V 17:5-6). Qua bí tích rửa tội, chúng ta cũng trở nên ngôn sứ của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi nói lời Thiên Chúa và đi theo đường Ngài chỉ vẽ. Chỉ khi chúng ta đi theo đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy những gì chúng ta cần cho hành trình của mình sẽ được cung cấp.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần Bài Giảng trên Núi của Chúa Giêsu (Mt 4:23-7:29). Bài giảng trên Núi là một trong năm bài giảng lớn đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Đây chính là tuyệt phẩm của Thánh Mátthêu và thường được trích dẫn trong thời đầu của Giáo Hội. Theo G. A. Kennedy, đây là mẫu văn hùng biện nhằm thuyết phục người nghe hãy làm việc trong trong hiện tại để vui hưởng niềm vui tương lai; nó cũng nhằm cung cấp một bản tổng hợp của toàn bộ Tin Mừng, mang lại sự thoả mãn và an toàn  cho tâm trí của người nghe. Theo nghĩa Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu tính chất cánh chung, luân lý và sự khôn ngoan mang tính pháp lý dưới sự hướng dẫn của Luật (Torah) trong viễn cảnh của Nước Trời. Đề tài quan trọng của bài giảng trên núi là Nước Trời và sự công bình. Tóm lại, bài giảng trên núi rất có hệ thống, bao gồm những lãnh vực chính về đời sống luân lý và tôn giáo như được hiểu trong dân Israel. Nhiều người chỉ trích bài giảng trên núi này vì nó đưa ra những tiêu chuẩn quá cao không thể thực hiện. Nhưng nếu chúng ta hiểu bản văn này trong tương phản với bối cảnh Do Thái Giáo, nó trở nên có thể nhưng vẫn là tiêu chuẩn cao của sự khôn ngoan luân lý về cuộc sống. Chúng ta sẽ cùng nhau phân tích các mối phúc để xem chúng có khả thi với chúng ta hay không.

Thánh Mátthêu bắt đầu bài giảng trên núi bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu như một Môsê [hay một thầy Rabbi] như sau: “Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên” (Mt 5:1). Đây chính là hình ảnh của một người Thầy với các môn sinh. Như vậy, các lời dạy [mối phúc theo sau] nhắm đến các môn đệ. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng, đây chính là “bản đồ” mà Chúa Giêsu đưa ra để các môn đệ đi theo hầu đạt đến Nước Trời. Hay nói cách khác, tám mối phúc là những thái độ sống mà các môn đệ phải sở hữu nếu họ muốn đạt đến Nước Trời. Một số học giả Kinh Thánh lại cho rằng đây chính là chân dung của Chúa Giêsu mà các môn đệ phải hoạ lại trong cuộc đời của họ.

Tám mối phúc được viết theo lối “bánh mì kẹp” quen thuộc. Mối phúc đầu và cuối có cùng một lời hứa: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3) và “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:10). Điều này cho thấy mục đích chính của tám mối phúc là đạt đến Nước Trời. Sáu mối phúc ở giữa là những “thái độ cụ thể” để diễn tả sự khó nghèo và khi phải đối diện với sự “bách hại vì sống công chính.” Chúng ta thấy ở đây thái độ sống ở thể hiện tại, nhưng lời hứa ở thể tương lai. Lời hứa trong tương lai hoàn toàn ngược lại với thể hiện tại:

4Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Mối phúc thứ 9 được xem như bản tóm tắt của tám mối phúc trên. Tất cả những gì họ trải qua: sống nghèo khó, hiền lành, chịu sầu khổ, sống khao khát nên người công chính, sống xót thương, sống trong sạch, xây dựng hoà bình, và bị bách hại vì sống công chính, tất cả vì Đức Giêsu. Chúng ta chỉ được phúc khi chúng ta sống những điều này vì Chúa Giêsu: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5:11-12). Thật vậy, trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng phải chịu nhiều điều trái ý phật lòng: có khi chịu đói và có khi phải tỏ thái độ hiền lành, có khi sầu khổ và có lúc khao khát nên thánh, có lúc thấy xót thương cho người khác và có lúc phải chiến đấu để giữ tâm hồn trong sạch, có khi được mời gọi trở nên người hoà giải nhưng cũng có khi bị người khác bách hại. Tất cả những điều này chúng ta làm vì động lực nào? Vì Chúa hay vì mình? Phần thưởng Nước Trời dành cho những ai sống những điều này vì Chúa.

Những lời cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ ra cho các mộn đệ về một sự thật: các mối phúc chỉ là “lời tiên báo” về những gì các môn đệ sẽ phải đối diện vì danh Ngài. Đây cũng là điều các ngôn sứ đã phải trải qua vì danh Thiên Chúa: “Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:12). Như chúng ta đã đề cập ở trên, theo các học giả Kinh Thánh, các mối phúc vẽ lên “chân dung” đích thật của Chúa Giêsu. Các mối phúc chính là bản tóm tắt của tất cả những gì Chúa Giêsu dạy các môn đệ mà chúng ta nhìn thấy nơi Đức Giêsu Kitô. Liệu chúng ta có để Chúa vẽ lên chân dung này trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta không?

**********************

THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN – Thánh Banaba tông đồ

RAO GIẢNG TIN MỪNG NƯỚC TRỜI

(Cv 11:21b-26; 13:1-3; Mt 10:7-13)

Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Banaba được tìm thấy trong Tân Ước. Thánh nhân là một người Do Thái, sinh ở Syprus và được đặt tên là Giuse. Thánh nhân bán hết của cải mình và trao mọi sự cho các Tông Đồ. Các Tông Đồ đặt tên cho thánh nhân là Banaba. Thánh nhân sống với những người theo đạo đầu tiên ở Giêrusalem. Thánh nhân thuyết phục cộng đoàn ở Giêrusalem đón nhận Thánh Phaolô như là một môn đệ. Thánh nhân được sai đến Antiôkhia để chăm sóc cộng đoàn ở đó và từ đó thánh nhân đưa Phaolô đến Tarsus. Theo truyền thống, Banaba giảng dạy ở Alexandria và Rôma. Thánh nhân là người thiết lập Giáo Hội Cyprus, là giám mục của Milan [nhưng trong thực tế ngài không giữ chức vụ này]. Thánh nhân bị ném đá đến chết tại Salamis khoảng năm 61. Hôm nay mừng lễ thánh nhân, chúng ta học ở ngài sự quảng đại và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa mời gọi để trở nên chứng nhân trung thành của Ngài, dù phải chịu đau khổ và bị giết chết. Chúng ta cùng nhau để lời Chúa chỉ cho chúng ta biết những nhân đức cần thiết của người môn đệ Chúa Giêsu mà Thánh Banaba đã sống.

Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta câu chuyện về sứ mệnh của Banaba tại Antiôkhia. Banaba được trình bày như là “người tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin” (Cv 11:24). Điều đáng để chúng ta học ở thánh nhân là thái độ sống tràn đầy niềm vui và đức tin của ngài. Tuy nhiên, niềm vui không dựa trên điều gì ngoài việc nhìn thấy ơn Chúa hoạt động nơi người khác (x. Cv 11:22-23). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về đời sống chứng tá của mình. Nhiều khi thấy ơn Chúa hoạt động nơi người khác, thay vì thấy vui mừng, chúng ta lại trở nên ghen tỵ. Học theo gương thánh Banaba, chúng ta tìm niềm vui trong việc phục vụ Chúa, để rồi qua sự lao nhọc của mình, anh chị em của chúng ta được trở nên những người tin và trở lại cùng Thiên Chúa. Thật vậy, qua sự làm việc của Banaba và Phaolô mà giáo hội ở Antiôkhia được củng cố: “Hai ông cùng làm việc trong Hội Thánh ấy suốt một năm và giảng dạy cho rất nhiều người. Chính tại Antiôkhia mà lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu” (Cv 11:26). Lời Chúa mời gọi chúng ta sống đời sống thánh thiện và nhiệt tình để qua đời sống của mình, chúng ta củng cố niềm tin và lôi kéo nhiều người trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu sai nhóm Mười Hai đi rao giảng. Sự khẩn thiết của việc rao giảng hệ tại sự kiện là “Nước Trời đã đến gần” (Mt 10:7). Chi tiết này chỉ cho thấy sứ điệp mà các tông đồ rao giảng giống với sứ điệp của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Nói cách khác, sứ điệp Tin Mừng luôn là một trong nguồn gốc [Thiên Chúa]. Người rao giảng không thể thay đổi tuỳ ý mình. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về đời sống rao giảng của mình. Chúng ta đang rao giảng sứ điệp của ai: của Thiên Chúa hay của chính mình? Chúng ta chỉ có thể rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa khi chúng ta đến gần Chúa Giêsu, ở với Ngài, học nơi Ngài và được Ngài sai đi. Khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa Giêsu cũng đưa ra cho họ những chỉ dẫn cần thiết.

Nếu lưu ý kỹ, chúng ta thấy những chỉ dẫn cần thiết của Chúa Giêsu có thể được chia ra làm ba loại: (1) những việc phải làm; (2) những việc phải tránh; và (3) những thái độ cần có khi đến nơi rao giảng. Với những việc phải làm, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi để “chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết trỗi dậy, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8). Đây là những công việc Chúa Giêsu thực hiện mà các môn đệ đã chứng kiến. Nói cách cụ thể, các môn đệ được sai đi để làm những việc Chúa Giêsu đã làm, hay đúng hơn để tiếp tục sứ vụ của Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả trong mệnh đề cuối của câu, đó là các môn đệ đã nhận mọi sự nhưng không từ Chúa Giêsu [học mọi sự từ Chúa Giêsu] thì phải trao ban cách nhưng không. Theo các học giả Kinh Thánh, câu nói này được tìm thấy trong các thư của Thánh Phaolô (x. Rm 3:24; 2 Cr 11:7). Câu này ám chỉ rằng những sự thật của Thiên Chúa thì quan trọng cho tất cả mọi người. Những sự thật này phải được dạy cho mọi người mà không nên quan tâm đến khả năng người nghe có thể trả “lệ phí” hay không. Nhưng tư tưởng này được cân bằng bởi thực tại trong câu 10b: “Thợ thì đáng được nuôi ăn.” Người được sai đi phải được nuôi sống. Sự đối kháng giữa hai mệnh đề này không mang tính tuyệt đối, nhưng làm thế nào để cân bằng cũng là một điều không dễ dàng. Chúng ta cũng được Chúa Giêsu sai đi để chữa lành những tương quan đã bị tổn thương, khôi phục lại những tương quan đã bị đổ vỡ, thanh luyện cõi lòng con người để đón nhận anh chị em mình, đưa anh chị em mình về hoà nhập với đời sống cộng đoàn, xua đuổi những sự dữ đang hoành hành trong đời sống con người [và cộng đoàn]. Để thực hiện được điều này, chúng ta trước tiên phải thiết lập lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Vì nơi Ngài, chúng ta nhận được mọi sự. Nếu không đến với Ngài, chúng ta sẽ không làm được gì.

Bên cạnh những việc phải làm, các môn đệ phải tránh những điều sau: “Đừng kiếm vàng bạc hay tiền đồng để giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10:9-10). Danh mục trên bao gồm những gì cần thiết cho hành trình. Tư tưởng này có thể được lấy từ lời dạy trong m. Ber (9:5): không ai được vào Đền Thánh với những danh mục trên. Trong Tin Mừng Thánh Maccô (6:8-11), Chúa Giêsu cho phép các môn đệ mang giày và cầm theo gậy đi đường (để xua đuổi thú hoang và trộm cướp). Điểm chính yếu của những lời trên là nói đến sự khẩn thiết của sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta. Nhiều lần chúng ta quá chú trọng đến những nhu cầu vật chất và những bảo đảm cho hành trình mà quên mất sứ vụ của mình là đi rao giảng về Nước Trời. Chúa Giêsu muốn chúng ta tìm kiếm Nước Trời trước, còn mọi sự khác sẽ được ban cho. Đừng quá để cho những lo lắng về “cơm áo gạo tiền” mà quên đi nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng qua đời sống thánh thiện thường ngày của chúng ta.

Chúa Giêsu kết thúc những hướng dẫn của mình với việc nói cho các môn đệ về những thái độ cần có khi đến nơi được sai đến: “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em” (Mt 10:11-13). Những lời này chỉ ra rằng, người môn đệ được sai đi hoàn toàn lệ thuộc và sự hiếu khách của dân địa phương. Họ phải chia sẻ cuộc sống với những người mà họ được sai đến – với tất cả những nguy hiểm và thiếu thốn mà cuộc sống rao giảng phải đối diện. Chi tiết này mời gọi chúng ta phải sống tình liên đới với mọi người. Người môn đệ của Chúa Giêsu không có thái độ dửng dưng trước những khó khăn của anh chị em mình. Họ là những người mang sự bình an cho người khác. Để được như thế, trước tiên các môn đệ Chúa Giêsu cần phải để cho Ngài bước vào “nhà” [con tim] họ và ban cho họ sự bình an của Ngài. Có như thế, họ mới có thể là khí cụ của bình an và là sứ giả của Tin Mừng.

**********************

THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN

LỀ LUẬT ĐƯỢC KIỆN TOÀN TRONG ĐỨC KITÔ

(1 V 18:20-39; Mt 5:17-19)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về “cuộc chiến” giữa Êlia, ngôn sứ của Thiên Chúa thật và những ngôn sứ của thần Baan. Trong cuộc chiến bảo vệ niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất và thật này, chúng ta có thể phân biệt được căn tính của ngôn sứ thật và ngôn sứ giả. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là lời khiển trách của Êlia đối với toàn thể con cái nhà Israel: “Các người nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Baan thì cứ theo nó!” (1V 18:21). Thấy dân chúng sống “nửa vời” với Thiên Chúa, Êlia muốn họ phải chọn lựa. Để giúp cho họ nhận ra Thiên Chúa thật và ông là ngôn sứ thật duy nhất còn sót lại, Êlia “thách đấu” với các ngôn sứ của thần Baan: “Ông Êlia lại nói với dân: ‘Chỉ sót lại mình tôi là ngôn sứ của Đức Chúa, còn ngôn sứ của Baan có những bốn trăm năm mươi người. Hãy cho chúng tôi hai con bò mộng; họ hãy chọn lấy một con, chặt ra và đặt trên củi, nhưng đừng châm lửa; tôi cũng làm thịt con bò kia, rồi đặt trên củi, nhưng sẽ không châm lửa. Đoạn các người hãy kêu cầu danh thần của các người; còn tôi, tôi kêu cầu danh Đức Chúa. Vị thần nào đáp lại bằng lửa thì vị đó chính là Thiên Chúa’” (1V 18:22-24). Trong thách đấu để tìm ra Thiên Chúa thật của Êlia, chúng ta nhận ra chân lý sau: Sự thật không luôn luôn lệ thuộc vào số đông. Dân chúng chạy theo thần Baan vì có số đông các ngôn sứ giả khuyến khích. Điều này cũng thường xảy ra trong đời sống thường ngày. Chúng ta cũng thường chạy theo số đông để tìm một tí danh lợi, chạy theo lối sống tôn thờ ngẫu tượng của thời đại để bỏ quên Đức Chúa. Hình ảnh của ngôn sứ Êlia khuyến khích chúng ta sống trung thành với niềm tin của mình, dù phải bị chống đối hay loại trừ. Cuối cùng, sự thật luôn luôn khải thắng.

Sau khi vẽ lên chân dung của một người môn đệ lý tưởng trong các mối phúc (Mt 5:1-12) và nói về bản chất của người môn đệ là ánh sáng cho trần gian và muối cho thế giới (Mt 5:13-16, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ một sự công chính cao hơn của “những người biệt phái và Phariêu.” Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn trích trong bài Tin Mừng hôm nay là những câu bị tranh cãi nhiều nhất trong Tin Mừng Thánh Mátthêu mà không tìm ra một sự đồng ý nào trong việc giải thích chúng. Vấn đề xảy ra ở đây là việc Chúa Giêsu khẳng định tính hợp pháp của Torah, nhưng điều này lại đối nghịch với khẳng định của Thánh Phaolô (x. Gl 2:15-16; Rm 3:21-31). Thêm vào đó, chúng ta không bị đòi hỏi phải giữ tất cả 613 luật trong Cựu Ước, nhưng chỉ tuân giữ 10 điều răn và lệnh truyền yêu Chúa và yêu người thân cận. Có nhiều ý kiến khác nhau để giải quyết vấn đế này, nhưng chúng ta chỉ chọn ý kiến được xem là khả thể nhất. Ý kiến này cho rằng, theo nguyên tắc, luật trong Tin Mừng Thánh Mátthêu không cắt đứt với Torah, nhưng với “luật” được người Pharisêu đưa ra. Chúng ta thấy điều này được Chúa Giêsu thường nói đến trong các cuộc tranh luận của Ngài vời những người Pharisêu.

Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng nói mục đích của việc Ngài đến, đó là không phải để bãi bỏ lề luật, mà làm cho nó được kiện toàn: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định ba điều: (1) có người đang “hiểu sai” về mục đích rao giảng của Ngài trong tương quan với Torah và các ngôn sứ, và như thế (2) Ngài khẳng định giá trị của Luật Môsê [Torah] và lời các ngôn sứ. Tuy nhiên, dù (3) Luật Môsê và lời các ngôn sứ có giá trị, nhưng chúng vẫn chưa đạt đến sự hoàn hảo, nên Ngài đến để kiện toàn chúng. Sự hoàn hảo của Luật Môsê và các ngôn sứ chỉ được tìm thấy trong Ngài. Công thức “Luật và ngôn sứ” thường được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (x. 7:12; 11:13; 22:40). Công thức này ám chỉ toàn bộ sự mạc khải của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Còn sự tương phản giữa “phá huỷ – kiện toàn” dạy chúng ta rằng thái độ căn bản của Chúa Giêsu trước di sản của người Do Thái là tích cực và cảm thông [đồng tình], mặc dầu thái độ này bao gồm việc chỉ trích một số phát triển về luật mà Ngài xem là có hại (x. chương 15 và 23). Như thế, Ngài muốn bắt đầu một thời đại mới. Thái độ của Chúa Giêsu về luật dạy chúng ta rằng: mục đích của luật là giúp chúng ta thăng tiến trong các tương quan với Thiên Chúa và anh chị em mình. Nói cách khác, mục đích của luật là giúp chúng ta trở nên những con người tốt và thánh thiện. Khi luật làm chúng ta xa Chúa và vô cảm trước những nhu cầu của người anh chị em, chúng ta cần phải xem lại những luật đó và “kiện toàn” chúng.

Điểm cuối cùng để chúng ta suy gẫm là việc Chúa Giêsu khẳng định giá trị của Torah và các ngôn sứ: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18). Chúa Giêsu khẳng định điều này vì Torah và các ngôn sứ có giá trị mang lại sự sống đời đời, nên “ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5:19). Trong những lời này, Chúa Giêsu liên kết việc tuân giữ Torah và các ngôn sứ với Nước Trời. Hơn nữa, trong những lời này, Chúa Giêsu dùng lối tương phản để nói về việc tuân giữ luật và vị trí trong Nước Trời: không tuân giữ điều “nhỏ nhất” sẽ là người nhỏ nhất trong Nước Trời, nhưng nếu tuân giữ điều “nhỏ nhất” sẽ được gọi là “lớn” trong nước trời. Điều quan trọng ở đây chính là điều “nhỏ nhất,” điều nhiều người trong chúng ta không mấy để ý đến. Tuy nhiên, trước mặt Chúa, một cử chỉ nhỏ nhất cũng đáng giá thật nhiều. Đừng chê bai những gì “nhỏ bé” vì mọi sự luôn bắt đầu với những gì là đơn sơ và nhỏ bé nhất. Tại sao chúng ta lại mong ước làm việc lớn, trong khi ngay những cái nhỏ nhất chúng ta không muốn thực hiện? Làm sao chúng ta nên thánh khi một việc nhỏ nhất chúng ta không muốn thực hiện, ví dụ: chào người chúng ta không thích hay làm một việc tốt cho người làm chúng ta buồn?

**********************

THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN

SỐNG CÔNG CHÍNH QUA ĐỜI SỐNG HIỀN LÀNH

(1 V 18:41-46; Mt 5:20-26)

Ai trong chúng ta cũng đã một lần cầu xin Chúa điều gì đó trong khi cầu nguyện. Nhiều khi chúng ta nhận được điều mình xin, nhưng có lúc không được. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Êlia cũng cầu xin Thiên Chúa một điều, đó là cho mưa xuống trên Israel trong nạn hạn hán. Qua kinh nghiệm cầu xin của Êlia, chúng ta nhận ra rằng yếu tố quan trọng khi cầu xin là đức tin: Dù không nhìn thấy dấu hiện hứa hẹn nào, nhưng vẫn đặt trọn niềm tin vào Chúa. Điều này được chỉ rõ trong cuộc đối thoại giữa Êlia và tiểu đồng của ông:

Ông Êlia: “Con đi lên và nhìn về phía biển.”

Tiểu đồng (đi lên, nhìn và nói): “Không có gì cả!”

Ông Êlia: “Hãy trở lại bảy lần.”

Tiểu đồng (lần thứ bảy, nó nói): “Kìa có một đám mây nhỏ bằng bàn tay người, đang từ biển bốc lên.”

Ông Êlia: “Con hãy lên thưa với vua A-kháp: xin vua dừng lại, xuống khỏi xe để tránh cơn mưa.”

Cuộc đối thoại bắt đầu với việc Êlia sai tiểu đồng đi xem có dấu hiệu gì cho biết mưa sẽ đến không. Dữ liệu ban đầu cho thấy không có dấu hiệu gì. Nhưng Êlia không thất vọng mà sai tiểu đồng đi xem “bảy lần.” Như chúng ta biết, trong tư tưởng của người Do Thái, số bảy là số hoàn hảo. Điều này có nghĩa là Êlia muốn tiểu đồng tiếp tục tìm kiếm dấu hiệu một cách hoàn hảo, không bỏ cuộc. Đến lần thứ bảy, dù dấu hiệu chỉ là một đám mây nhỏ cũng đủ cho Êlia nhận ra dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa, đó là sẽ cho mưa rơi trên vùng đất khô cằn của Israel. Quả thật, điều Êlia cầu xin đã xảy ra: “Lập tức trời kéo mây đen nghịt và nổi gió, rồi trút mưa lớn” (1V 18:45). Câu chuyện về Êlia nhắc nhở chúng ta về đức tin của mình mỗi khi đến cầu xin Chúa điều gì. Liệu chúng ta có tiếp tục đặt niềm tin vào Chúa khi chúng ta không thấy dấu hiệu gì hoặc chỉ một tí dấu hiệu không?

Ai trong chúng ta cũng muốn được lên Thiên Đàng. Để đạt được điều này, chúng ta thường cố gắng sống tốt và làm việc tốt. Trong Tin Mừng của Thánh Mátthêu, có hai lần Chúa Giêsu nói cách trực tiếp đến điều kiện cần để được vào Nước Trời, đó là: (1) “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20); (2) “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:3). Chúng ta có cả hai hay một trong hai điều kiện để vào Nước Trời trên không? Nếu chưa có, chúng ta phải có gắng hầu tìm được niềm vui với Chúa trên Thiên Đàng.

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt nằm trong bối cảnh bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Như chúng ta đã nghe trong những ngày qua, trong bài giảng này, Chúa Giêsu đặt ra trước các môn đệ một tiêu chuẩn sống mới, hay đúng hơn là một nền luân lý mới để hướng dẫn các hành động của họ. Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta đã nghe Chúa Giêsu khẳng định về giá trị của Luật Môsê và ngôn sứ và Ngài đến để kiện toàn chúng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ thấy Ngài kiện toàn chúng qua việc giải thích cách mới mẻ với những đòi hỏi mới.

Điều đầu tiên Chúa Giêsu muốn kiện toàn  là giới răn thứ 5 trong 10 điều răn: Giới răn chớ giết người. Trong giới răn này, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy gốc rễ của giết người, và một trong những gốc rễ đó là tức giận: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Bất cứ ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5:21-22). Thật vậy, luận chứng đầu tiên trong sáu luận chứng Chúa Giêsu nói về sự tức giận trong bài giảng trên núi. Theo tâm lý học, chúng ta có thể nói rằng tức giận là một phản ứng bình thường trước một ai hoặc một điều gì đó “làm phiền” chúng ta. Tuy nhiên, nếu tức giận không được kiểm soát thường dẫn đến “bạo lực.” Người tức giận thường nghĩ xấu và ước muốn làm điều xấu cho người khác. Nói cách khác, trong tư tưởng, những người tức giận thường muốn giết chết người làm cho họ tức giận. Ông bà ta thường nói, “giận quá thì mất khôn.” Thật vậy, khi tức giận chúng ta thường có những lời nói và hành động làm tổn thương đến người khác. Đây là điều mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Theo Chúa Giêsu, tức giận thường làm cho chúng ta “mắng” và “chửi” anh chị em của mình. Hãy là người kiểm soát “cảm xúc” nóng giận, đừng để “cảm xúc” kiểm soát chúng ta! Đừng để sự nóng giận làm chúng ta “mất khôn” nhưng hãy khôn ngoan điều phối sự nóng giận. Đừng để một phút nóng giận làm chúng ta ân hận suốt đời!

Điều thứ hai Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay là cách thức hành xử khi có sự bất hoà với anh chị em của mình. Sự bất hoà này thường là hậu quả của sự nóng giận. Theo Chúa Giêsu, sự bất hoà với người khác có ảnh hưởng đến việc tôn thờ Thiên Chúa của chúng ta. Nói cách khác, khi tương quan của chúng ta với anh chị em của mình bị tổn thương, thì tương quan của chúng ta với Thiên Chúa cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, “nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng” (Mt 5:23-26). Theo các học giả Kinh Thánh, những lời đưa ra hai giả định: (1) Đền Thánh vẫn còn đứng vững và chưa bị phá đổ bởi người Rôma vào năm 70. Nên đoạn văn này phải được viết trước năm 70; (2) Chúa Giêsu chuẩn nhận Đền Thánh và hệ thống hy lễ của Đền Thánh. Việc Chúa Giêsu đặt ưu tiên về đời sống luân lý trên nghi lễ phản ảnh lời dạy của các ngôn sứ trong Cựu Ước: sẽ không có việc tôn thờ Thiên Chúa cách chân thật nếu không có đức công bình và yêu thương. Điều này mời gọi chúng ta xem lại đời sống thờ phượng của mình. Việc thờ phượng Thiên Chúa phải làm cho chúng ta trở nên những người sống yêu thương và hài hoà với anh chị em. Hãy làm hoà với anh chị em khi chúng ta đang còn đi với họ trên đường về Thiên Đàng và gặp vị thẩm phán chí công. Bản án của chúng ta hệ tại việc chúng ta sống với anh chị em như thế nào.

**********************

THỨ SÁU TUẦN X THƯỜNG NIÊN

GÌN GIỮ CON MẮT THỂ XÁC VÀ LINH HỒN

(1 V 19:9a.11-16; Mt 5:27-32)

Câu chuyện được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay thật cảm động. Đây là cuộc gặp gỡ giữa ngôn sứ Êlia và Thiên Chúa trong hành trình trốn chạy khỏi sự bách hại của kẻ thù: “Bấy giờ có tiếng hỏi ông: ‘Êlia, ngươi làm gì ở đây?’ Ông thưa: ‘Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con’” (1V 19:13-14). Điều đầu tiên chúng ta phải lưu ý là cuộc gặp gỡ này xảy ra ở trên núi Khôrếp (x. 1V 19:9a). Như chúng ta đã biết, theo truyền thống Kinh Thánh, núi là nơi gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa mạc khải chính mình và kế hoạch yêu thương của Ngài cho con người. Hôm nay, trên núi Khôrếp, Thiên Chúa gặp Êlia và mạc khải chính mình cũng như kế hoạch của Ngài cho ông. Thiên Chúa gặp Êlia như thế nào? Chúng ta đọc thấy trong bài đọc 1 như sau: “Có lời Đức Chúa phán với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa. Kìa Đức Chúa đang đi qua.” Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang” (1V 19:11-13). Những lời này cho thấy, Thiên Chúa chỉ được tìm thấy trong sự nhẹ nhàng và dịu hiền. Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường trải qua những cơn “động đất” hoặc “lửa bỏng,” trong những giây phút như thế, Thiên Chúa vẫn ở bên chúng ta. Chúng ta chỉ nhận ra điều này khi mọi sự qua đi và chúng ta thinh lặng trước sự hiện diện nhẹ nhàng kín ẩn của Thiên Chúa. Thật vậy, trong sóng gió cuộc sống, rất khó để chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ khi bình tâm, khi để con tim mình được chiếm lấy bởi sự dịu hiền của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhận ra Thiên Chúa luôn ở với chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hướng các môn đệ về đời sống vợ chồng. Như chúng ta biết, đời sống vợ chồng là một trong những ơn gọi cao quý mà Thiên Chúa đã thiết lập từ khi tạo dựng con người. Không ai trong chúng ta có thể từ chối sự thật này, một cách bình thường, tự bản chất người nam sẽ hướng đến người nữ và người nữ sẽ hướng đến người nam. Điều này tiếp tục xảy ra ngay cả với một người đã lập gia đình [hay đã đi tu]. Vì vậy, vấn đề ngoại tình hay nhìn người khác phái với sự ham muốn vẫn xảy ra cho những người đã lập gia đình. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cắt nghĩa giới răn thứ 6 và thứ 9. Đây là hai giới răn liên quan đến đời sống “xác thịt” của con người.

Điều mới mẻ trong việc giải thích của Chúa Giêsu là Ngài đưa người nghe về lại với căn nguyên của tội ngoại tình, đó là “cái nhìn thèm muốn.” Thật ra, Chúa Giêsu đưa người nghe của mình về lại lúc khởi đầu. Khi Thiên Chúa tạo dựng Adam và Eva, hai ông bà trần truồng, nhưng không thấy xấu hổ. Khi phạm tội, hai ông bà cũng trần truồng, nhưng lại xấu hổ với nhau. Sự thay đổi ở đây chính là “cái nhìn”: Trước khi phạm tội, hai ông bà nhìn nhau như những chủ thể cần phải được tôn trọng, như những món quà Thiên Chúa ban để yêu thương, như là một phần của thân thể mình [xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi]. Còn sau khi phạm tội, họ nhìn nhau như những “đối tượng” để thoả mãn dục vọng của mình. Cái thay đổi trong họ không phải là thân xác của người khác, nhưng là cái nhìn của chính mình. Điều này khuyến cáo chúng ta rằng: trong đời sống hằng ngày, hãy cẩn thận với cái nhìn của mình. Cách thức mình nhìn người khác sẽ quyết định lối cư xử của chúng ta đối với người đó. Sự việc hoặc con người chúng ta gặp gỡ là những thực tại bên ngoài, những nhân tố tác động trên chúng ta. Chúng không làm cho chúng ta nên tốt hoặc xấu. Nhưng những gì xảy ra bên trong chúng ta, hay đúng hơn thái độ của chúng ta trước những tác động đó mới làm cho chúng ta nên người tốt hay người xấu.

Đọc kỹ bài Tin Mừng chúng ta thấy lối viết “bánh mì kẹp” quen thuộc được Thánh Mátthêu sử dụng: hai câu mở đầu (câu 27 và 28) và hai câu kết (câu 31 và 32) nói về cùng một chủ đề, đó là việc Chúa Giêsu dạy về vấn đề ngoại tình. Và hai câu giữa (câu 29 và 30) nói về việc Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải làm gì khi một chi thể của thân thể mình nên cớ vấp phạm cho mình. Cấu trúc của bài Tin Mừng này được sắp xếp như sau:

Luật dạy về ngoại tình 1: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28).

Lời khuyên để “xử lý” các chi thể làm cớ vấp phạm: Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục” (Mt 5:29-30).

Luật dạy về ngoại tình 2: “Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, bất cứ ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5:31-32).

Trong hai trường hợp, Chúa Giêsu cho người nghe biết Ngài kiện toàn Luật Môsê và các ngôn sứ như thế nào. Chúng ta thấy ở đây có sự phát triển tiệm tiến: Hai câu mở đầu, Chúa Giêsu nói đến việc không được ngoại tình, còn hai câu cuối, Chúa Giêsu cho người nghe ví dụ cụ thể về việc ngoại tình là hậu quả của việc ly dị. Để giải quyết vấn đề này, Chúa Giêsu đưa chúng ta về nguyên do của ngoại tình và ly dị và dạy chúng ta phải “xử lý” từ nguyên do đó. Nguyên do của ngoại tình và li dị luôn bắt nguồn từ chính chúng ta: từ con mắt hay nhìn thèm muốn, và từ cái tay hay lấy những gì không thuộc về mình. Tóm lại, qua những lời trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta rằng: đừng để cho những tác động bên ngoài chiến thắng để rồi chúng ta không còn đủ khả năng kiểm soát những “cảm xúc” bên trong. Hãy kiểm soát những xúc cảm bên trong để có thể chiến thắng những tác động bên ngoài.

**********************

THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN

SỐNG ĐƠN SƠ VÀ CHÂN THẬT

(1 V 19:19-21; Mt 5:33-37)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta câu chuyện về “ơn gọi” của Êlisa. Chúng ta nhận ra những chi tiết chung trong mỗi ơn gọi, đó là (1) Thiên Chúa gọi [trực tiếp hoặc gián tiếp] trong khi chúng ta đang làm những công việc thường ngày của mình, và (2) ơn gọi đó đòi hỏi chúng ta từ bỏ “lối sống cũ” để bắt đầu bước vào hành trình mà Chúa đã vạch ra cho chúng ta. Trong trường hợp của Êlisa, Thiên Chúa dùng Êlia để gọi ông khi ông “đang cày ruộng” (1V 19:19). Đây là công việc thường ngày của ông. Khi được gọi, ông “liền để bò lại, chạy theo ông Êlia và nói: ‘Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông.’ Ông Êlia trả lời: ‘Cứ về đi! Thầy có làm gì anh đâu?’ Ông Êlisa bỏ ông Êlia mà về, bắt cặp bò giết làm lễ tế, lấy cày làm củi nấu thịt đãi người nhà. Rồi ông đứng dậy, đi theo ông Êlia và phục vụ ông” (1V 19:20-21). Trong những lời này, chúng ta thấy Êlisa cắt đứt hoàn toàn với lối sống cũ. Điều này được thể hiện qua hành động “giết cặp bò” và “lấy cày làm củi nấu thịt.” Bò và cày là hai dụng cụ quan trọng cho công việc hằng ngày của ông, nhưng ông đã hoàn toàn từ bỏ, để từ nay ông chỉ còn “đi theo” và “phục vụ.” Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta “đi theo” và “phục vụ” Ngài và anh chị em trong từng giây phút sống. Chúng ta có sẵn sàng từ bỏ lối sống ích kỷ để đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa hay không?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta lời dạy của Chúa Giêsu liên quan đến vấn đề thề hứa. Như chúng ta biết, thề hứa là một trong những vấn đề quan trọng và thường xảy ra trong đời sống hằng ngày của con người. Là những người môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta phải có thái độ nào trong vấn đề thề hứa? Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được” (Mt 5:33-36). Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài không thề hứa gì và Ngài chỉ ra cho họ lý do tại sao không nên thề hứa. Chúa Giêsu trích từ sách Lêvi (19:12 và Ds 30:3). Trong phần trích này (câu 33), chúng ta thấy có một sự đối nghịch giữa “chớ bội thề,” và “hãy trọn lời thề.” Vế đầu nói không thề hứa, nhưng vế sau nói “làm trọn lời thề hứa” tức là phải có thề hứa. Theo các học giả Kinh Thánh, vế thứ hai là lối giải thích sai của vế thứ nhất, nên Chúa Giêsu sửa sai trong câu 34. Trong câu 34, Chúa Giêsu công thức hoá vấn đề thề hứa thành một mệnh lệnh trong hình thức tiêu cực [không được hoặc đừng]. Những câu kế tiếp (câu 34b-36) là những ví dụ về những công thức thề hứa chứa đựng những lối nói tránh để không sử dụng tên của Đức Chúa mà những người Do Thái đạo đức thường làm. Nhưng trong khi sử dụng những lối nói tránh này, yếu tố không thành thật được đưa vào trong lời thề. Trong câu 36, Chúa Giêsu ám chỉ rằng không có gì trong công trình sáng tạo không đến từ Thiên Chúa và hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài. Như vậy, chúng đều phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Chúng ta rút ra được gì để suy gẫm trong những chi tiết trên? Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta thường biện minh cho hành động không nói thật của mình với những “lời nói dối trắng,” tức là những lời nói dối có ý tốt, không làm hại đến ai. Thực ra, dù có ý hướng tốt, nhưng đó vẫn là nói dối. Không có lời nói dối nào mà không hại đến ai. Ít ra những lời nói dối đó hại đến chính người nói, vì người đó đã không sống đúng với bản chất của mình là hình ảnh Thiên Chúa, là tạo vật phải phản chiếu vinh quang Thiên Chúa qua đời sống thành thật và ngay thẳng của mình. Đây chính là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải sống: Không tìm cách tránh nói sự thật qua những lối nói chứa đựng ý định lừa dối người khác.

Chúa Giêsu kết lời dạy của mình với việc chỉ cho các môn đệ phải luôn sống trong sự thật: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5:37). Đây là câu nói quan trọng nhất trong lời dạy của Chúa Giêsu về vấn đề thề hứa bởi vì nó đưa ra một mệnh lệnh tích cực [phải làm] về đặc tính của lời nói, để cân bằng mệnh lệnh tiêu cực trong câu 34. Chúng ta có thể tìm thấy bản văn tương đồng trong Tân Ước là Mt 23:16-22 và Gc 5:12. Vấn đề mà những bản văn này muốn nhắm đến là vấn đề sử dụng ngôn ngữ. Trong mệnh lệnh của mình, Chúa Giêsu chống lại thái độ sống giả hình, nguỵ biện và tầm thường hoá cuộc sống. Ngài thay thế những thái độ sống đó với sự đơn sơ và ngay thẳng trong lời ăn tiếng nói. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng có thái độ giả hình, nguỵ biện và tầm thường hoá những gì thiêng liêng thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta che lấp sự giả hình của mình với những hành động hoặc lời nói có vẻ rất hay, rất đẹp, rất đúng, nhưng thực sự chỉ để che đậy ý hướng không ngay thẳng và giả dối của chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không được sử dụng danh Thiên Chúa để thề hoặc sử dụng bất kỳ hình thức thay thế nào. Ngài muốn chúng ta chỉ đơn giản sống thật, nói thật. Chúng ta có bắt đầu thực hiện điều Chúa Giêsu dạy chúng ta không?