Lời Chúa Năm B Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày- sau Lễ Tro

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày- sau Lễ Tro

SUY NIỆM LỜI CHÚA MỖI NGÀY

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ NĂM SAU LỄ TRO

THEO CHÚA GIÊSU TRÊN CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ

(Đnl 30:15-20; Lc 9:22-25)

Đề tài chính của lời Chúa trong mùa chay là mời gọi chúng ta trở về với đường lối của Chúa, về với những điều chúng ta đã tuyên hứa với Chúa trong Bí Tích Rửa Tội là từ bỏ ma quỷ và đường lối của chúng để thuộc trọn về Chúa. Trong bài đọc 1, Môsê đặt trước mặt dân Israel hai chọn lựa: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ” (Đnl 30:15). Nếu chọn được sống, được hạnh phúc thì họ “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu” (Đnl 30:16). Còn nếu chọn sự chết và tai hoạ bằng cách “trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng” (Đnl 30:17), thì “chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Giođan để vào chiếm hữu” (Đnl 30:18). Hai chọn lựa này cũng luôn được đặt trước chúng ta trong từng giây phút sống. Theo Richard Rohr, càng sống và càng thêm tuổi, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta chỉ có hai chọn lựa trong cuộc sống: Thiên Chúa hay là cái tôi, việc của Chúa hay là việc của tôi. Bạn đang chọn gì: Chúa hay cái tôi của bạn? việc của Chúa hay việc của bạn?

Đứng trước hai chọn lựa sống và chết, Môsê khuyên nhủ dân Israel “chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống, nghĩa là hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh em sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Đức Chúa đã thề với cha ông anh em, là ông Ápraham, ông Ixaác và ông Giacóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Đnl 30:19-20). Con đường sống mà Môsê đề nghị cho dân Israel được Thánh Luca trình bày cách rõ ràng trong Tin Mừng hôm nay, đó là con đường thập giá của Chúa Giêsu. Thật vậy, chỉ có con đường thập giá mới mang lại cho chúng ta sự sống muôn đời, sự sống “lâu dài ở trên đất Đức Chúa đã thề hứa.”

Ngay sau Thứ Tư Lễ Tro, Giáo Hội chọn đoạn Tin Mừng hôm nay để nói đến mầu nhiệm thập giá trong cuộc sống của chính Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài (Lc 9:18-27). Câu 22, nói đến thập giá của Chúa Giêsu, là trung tâm của Tin Mừng hôm nay. Nó giúp chúng ta hiểu lý do tại sao Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải vác thập giá hằng ngày mà theo Ngài trong những câu tiếp theo. Họ phải vác thập giá vì họ là những người được mời gọi “theo Ngài” và con đường của Ngài là con đường thập giá. Nói cách khác, trong câu 22 này, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ rằng, họ chỉ hiểu được mầu nhiệm của Đấng Cứu Độ từ góc cạnh mới, đó là, góc cạnh của thập giá. Hơn nữa, Thánh Luca sử dụng danh xưng “Con Người” nhằm miêu tả Chúa Giêsu là Đấng có uy quyền để tha thứ tội lỗi (x. Lc 5:23) và thay đổi luật lệ ngày sabát (x. Lc 6:5). Uy quyền đó bây giờ được diễn tả trong sự khiêm nhường tự hạ của Ngài: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9:22). “Con Người phải chịu đau khổ” nói lên rằng sau thập giá của Chúa Giêsu là kế hoạch của Chúa Cha và vinh quang của Ngài trong phục sinh. Thập giá là “yếu tố không thể thiếu trong mầu nhiệm của Đấng Cứu Chuộc. Cùng cách thức ấy, đằng sau thập giá của mỗi người chúng ta là kế hoạch đầy yêu thương của Chúa Cha và vinh quang thiên đàng mà Ngài đã dành sẵn cho những ai vác thập giá hằng ngày để đi theo Con Yêu Dấu của Ngài. Như vậy, thập giá cũng là yếu tố không thể thiếu trong cuộc đời chúng ta, những người môn đệ của Ngài. Tại sao chúng ta lại ngạc nhiên và phàn nàn về thập giá đời mình?

Một chi tiết rất quan trọng khác của bài Tin Mừng hôm nay chúng ta cần phải lưu ý là việc Chúa Giêsu thay đổi “thính giả” của mình: Trong một đoạn Tin Mừng ngắn mà Chúa Giêsu nói với hai loại thính giả. Khi nói về thập giá đời mình, “Đức Giêsu nói với các môn đệ,” nhưng khi nói đến điều kiện vác thập giá hằng ngày để đi theo Ngài thì “Đức Giêsu nói với mọi người.” Như vậy, Ngài mở rộng việc đi theo Ngài trên con đường thập giá cho hết mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23), nhưng để hiểu mầu nhiệm thập giá của Ngài trong công trình cứu độ thì chỉ có các môn đệ của Ngài mới có thể hiểu. Thật vậy, chúng ta có hai loại thập giá để hiểu: Thập giá Chúa Giêsu và thập giá của chúng ta. Khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của thập giá Chúa Giêsu thì chúng ta cũng sẽ hiểu được ý nghĩa của thập giá trong cuộc đời chúng ta. Nhưng để hiểu ý nghĩa thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta chỉ cần thực hiện một điều: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy” (Ga 15:9).

Như chúng ta đã trình bày ở trên, điểm cốt lõi của lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu là thập giá. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu nói đến thập giá, Ngài không có ý nói đến những chuyện làm chúng ta đau đầu hoặc những chuyện luẩn quẩn trong cuộc sống, hoặc những người chúng ta phải chịu đựng. Ngài muốn nói đến sự trung thành và dấn thân của Ngài trên con đường thập giá để thi hành thánh ý Chúa Cha và sự chia sẻ của các môn đệ trong mầu nhiệm thập giá của Ngài qua lời nói và việc làm hằng ngày. Như vậy, việc vác thập giá của chúng ta chỉ là sự chia sẻ trong mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu để nói lên sự trung thành với Thiên Chúa, với ơn gọi và lối sống yêu thương mà Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta.

Trong mầu nhiệm thập giá, việc hy sinh mạng sống là điều không thể tránh: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9:24). Trong câu này, Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta: chỉ có sự hiến thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu là nền tảng để liều mất mạng sống của mình để làm cho Nước Thiên Chúa trị đến. Và Ngài tiếp tục khuyến cáo chúng ta về thực tại của những nguy hiểm đánh mất chính mình luôn ẩn chứa trong ơn gọi của các môn đệ: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9:25). Những người đánh mất chình mình là những người liều mạng sống không phải vì Ngài. Đây là mối nguy hiểm rình rập chúng ta trong từng ngày sống. Chúng ta làm nhiều việc; chúng ta làm đến độ “đầu tắt mặt tối,” để rồi cuối ngày sống chúng ta không còn sức ngay cả nói lên lời cám ơn Chúa. Chúng ta liều mất mạng sống [làm đến chết] vì mình và vì người khác hoặc để tìm hư danh cho chính mình chứ không phải vì Chúa và tìm vinh danh cho Chúa. Như thế thì nào có lợi gì? Ngay cả những người ngoại giáo còn làm tốt hơn chúng ta! Hãy làm việc và sống xứng đáng như những môn đệ của Chúa Giêsu, là những người “từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo.”

 

THỨ SÁU SAU LỄ TRO

SỐNG NIỀM VUI THEO CHÚA GIÊSU

(Is 58:1-9a; Mt 9:14-15)

Trong mùa chay, ba việc đạo đức chúng ta thường làm là: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Lời Chúa hôm nay tập trung vào việc ăn chay. Theo truyền thống công giáo, chúng ta chỉ ăn chay [và kiêng thịt] trong hai ngày, Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Một vài dòng tu hoặc những người công giáo đạo đức ăn chay và kiêng thịt vào mỗi thứ sáu. Khi nói đến ăn chay, chúng ta nghĩ ngay đến việc “ăn ít lại.” Cụ thể hơn, thay vì ăn ngày ba bữa thì chúng ta ăn hai bữa, có người ăn một bữa rưởi hoặc một bữa hoặc thậm chí không ăn gì trong ngày, chỉ uống nước lã. Tóm lại, khi nói đến ăn chay là chúng ta nói đến thức ăn, thức uống, là nói đến những thứ từ bỏ mang tính cách bên ngoài.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia nói đến một loại ăn chay không mang tính bên ngoài, nhưng mang tính nội tâm (bên trong). Đây là loại ăn chay mà Đức Chúa ưa thích. Ngôn sứ Isaia cho chúng ta hay rằng: Đức Chúa không thích loại ăn chay mang tính bên ngoài vì “ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách” (Is 58:3-4). Cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích là: “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục (x. Is 58:6-7).

Qua những lời của Ngôn sứ Isaia, chúng ta nhận ra rằng: Thật không phải khi chúng ta ăn chay mà lại giận hờn, ghen tỵ và nói xấu người khác; thật không phải khi chúng ta ăn chay mà gian lận, nói dối; thật không phải khi chúng ta ăn chay mà sống đời sống bất công, không tha thứ, không yêu thương. Loại ăn chay bỏ một bữa ăn hoặc một ngày không ăn thì dễ hơn loại ăn chay bỏ tật xấu của mình. Mục đích của ăn chay là để tỏ lòng sám hối, là để đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và người khác. Nhưng khi ăn chay mà chúng ta không sống yêu thương tha thứ, sống xa cách anh chị em của mình, thì chúng ta đã làm mất ý nghĩa của việc ăn chay. Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay Thánh Mátthêu giải thích cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả [và chúng ta] về ý nghĩa của ăn chay.

Chúng ta hiểu đối thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ của Gioan về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn khi chúng ta đặt cuộc đối thoại này trong bối cảnh lớn hơn: bối cảnh nói về quyền bính và lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu (8:1-9:38). Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau đoạn nói về việc Chúa Giêsu gọi ông Mátthêu, một người thu thuế và dùng bữa ở trong nhà ông với tất cả những người thu thuế khác và những người tội lỗi. Trong mẫu chuyện đó, những người Pharisêu hỏi các môn đệ của Chúa Giêsu về việc Ngài ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi; còn trong bài Tin Mừng thì các môn đệ của Gioan đến hỏi Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Ngài không ăn chay như họ và những người Pharisêu. Chúng ta cùng nhau phân tích bài Tin Mừng hôm nay để khám phá ra điều Chúa muốn nói với chúng ta và muốn chúng ta đem ra thực hành.

Như chúng ta đã trình bày, bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn [chỉ có hai câu] và nằm trong bối cảnh tranh luận về việc ăn chay (Mt 9:14-17). Cuộc tranh luận này gồm có cuộc đối thoại mang tính tranh luận với các môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Mt 9:14-15) và hai dụ ngôn nhỏ Chúa Giêsu sử dụng để trả lời về lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay (Mt 9:16-17). Sợi dây nối kết hai phần chính là sự khác biệt mà sự hiện diện của Chúa Giêsu mang lại. Đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta không khỏi không thắc mắc: Tại sao các môn đệ của Gioan Tẩy Giả không hỏi về chính việc ăn chay của Chúa Giêsu, nhưng lại hỏi về việc ăn chay của “môn đệ Ngài.” Điều này cho thấy: Chúng ta không nghi ngờ gì về việc các môn đệ của Chúa Giêsu là những người Do Thái như môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Pharisêu, nhưng khi theo Chúa Giêsu, họ đã sống khác, ngay cả trong việc tuân giữ luật ăn chay. Nói cách khác, khi theo Chúa Giêsu, họ không còn ăn chay theo truyền thống của người Do Thái như những người Pharisêu và các môn đệ của Gioan làm. Như vậy, Chúa Giêsu đem lại một cái gì đó thật mới mẻ trong việc tôn thờ Thiên Chúa, trong việc thực hành các việc đạo đức và nhất là trong cuộc đời của họ. Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa đích thật của các việc đạo đức mà Thiên Chúa muốn, chứ không phải là tập tục của các tiền nhân. Việc có Chúa Giêsu trong cuộc đời của chúng ta có mang lại sự mới mẻ gì không? Hay chúng ta cũng sống một lối sống như bao nhiêu người khác? [Còn những người sống đời thánh hiến, chúng ta có sống tốt hơn và thánh thiện hơn so với khi chúng ta mới bước vào đời tu không?]. Việc đi theo Chúa Giêsu phải mang lại sự đổi mới không ngừng trong lời nói và hành động của những người theo Ngài.

Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn để giải thích cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả về việc các môn đệ của Ngài không ăn chay. Ngài sử dụng hình ảnh tiệc cưới để trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9:15). Trong câu trả lời, Chúa Giêsu sử dụng chữ “than khóc.” Theo Thánh Mátthêu, việc ăn chay được hiểu là dấu hiệu của việc than khóc cho tội lỗi của mình [điều xảy ra trong trường hợp của Mátthêu mà Ngài mới gọi làm môn đệ được trình thuật trước đó]. Chúa Giêsu so sánh các môn đệ của Ngài như là những khách dự tiệc của chàng rể, tức là họ được mời gọi đến tham dự một sự kiện mang đậm nét yêu thương và vui tươi. Áp dụng vào trong cuộc sống của chúng ta: Chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu, là những người sống vui tươi và yêu thương. Người khác có thấy nét vui tươi trên khuôn mặt và tình yêu thương trong lời nói và cử chỉ của chúng ta không?

Cuối cùng, theo các chuyên gia Kinh Thánh, khi sử dụng từ “chàng rể,” các môn đệ của Gioan hiểu ngay Chúa Giêsu đang nói đến ai, Ngài đang nói đến chính Thiên Chúa. Hình ảnh “chàng rể” là hình ảnh được các ngôn sứ sử dụng để nói về Thiên Chúa là chàng rể, còn Israel là tân nương. Điều này được xác nhận bởi công thức: “Nhưng khi tới ngày.” Đây là công thức thường được các ngôn sứ sử dụng để nói đến “ngày của Thiên Chúa,” khi Thiên Chúa sẽ cưới Israel về. Trong câu này, Chúa Giêsu nói đến hai khoảng thời gian: thời gian của Ngài [“khi chàng rể đang còn ở với họ”] và sau thời gian của Ngài  [“khi chàng rể bị cất đem đi rồi”]. Trong khoảng thời gian chờ đợi, các môn đệ sẽ đối diện với nhiều bách hại và thử thách, lúc đó họ sẽ ăn chay để khóc than cho những vấp ngã của họ khi không chiến thắng thử thách và bách hại. Như vậy, trong câu trả lời của Ngài, Chúa Giêsu nói đến thực tại mà người môn đệ phải đối diện, đó là, họ phải chịu nhiều đau khổ như Chúa Giêsu đã chịu. Để đứng vững, họ phải giữ chay lòng, tức là, sống đời sống yêu thương, vui tươi, đổi mới và tha thứ.

 

THỨ BẢY SAU LỄ TRO

NIỀM VUI ĐÓN CHÚA VÀO TRONG ĐỜI

(Is 58:9b-14; Lc 5:27-32)

Lời Chúa ngày hôm nay tiếp tục kêu gọi chúng ta trở về với Ngài. Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia nhắc nhở dân Israel về những điều kiện họ cần phải thực hiện để được trở về và tái thiết lại đất nước của họ. Những điều kiện đó là: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục” (Is 58: 9b-10). Khi họ thực hiện những điều này, thì Thiên Chúa “sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ” (Is 58:11). Qua lời sấm này, Ngôn sứ Isaia hàm ý nói rằng: Những người bước đi trong đường lối của Chúa và được Chúa hướng dẫn, họ sẽ không thiếu thốn gì và họ sẽ trở thành nguồn phúc cho nhiều người. Nói cách khác, những người sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa sẽ luôn mang niềm vui và an bình cho người khác. Sự hiện diện của chúng ta mang niềm vui hay nỗi buồn cho anh chị em của chúng ta?

Bài Tin Mừng hôm nay có thể được chia ra làm hai phần: phần đầu trình thuật về ơn gọi của Lêvi (Lc 5:27-28); và phần hai nói về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu về việc Ngài dự tiệc trong nhà Lêvi với “đông đảo những người thu thuế.” Chúng ta chỉ hiểu được ơn gọi làm môn đệ của Lêvi khi chúng ta liên kết đoạn Tin Mừng hôm nay với đoạn đi trước, đó là đoạn nói về việc Chúa Giêsu có quyền tha tội (Lc 5:17-26). Khi liên kết hai đoạn lại với nhau, Thánh Luca ngụ ý nói rằng: Quyền tha tội của Chúa Giêsu biến một tội nhân thành môn đệ và tông đồ của Ngài. Hay nói ngược lại, một tội nhân trở thành môn đệ của Chúa Giêsu khi đến với Ngài với lòng sám hối để được tha tội.

Chi tiết đầu tiên chúng ta suy gẫm, đó là, việc Chúa Giêsu gọi Lêvi trong khi ông đang làm công việc hằng ngày của mình: “Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế” (Lc 5:27). Lêvi đang làm công việc mà nhiều người xem là tội lỗi và bất công. Khi trông thấy “tội nhân Lêvi,” Chúa Giêsu hát câu điệp khúc: “Hãy theo tôi” (Lc 5:27), như Ngài đã nói với các môn đệ đầu tiên (Lc 4:19, 22). Và chúng ta thấy Lêvi đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách dứt khoát như các môn đệ khác. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta? Điều này ngụ ý nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa Giêsu đến gọi mỗi người chúng ta trở thành môn đệ của Ngài trong mọi hoàn cảnh: Có người đang trong tình trạng thánh thiện, nhưng cũng có người đang trong tình trạng tội lỗi. Yếu tố quan trọng quyết định ơn gọi làm môn đệ là chúng ta có dám như Lêvi [và các môn đệ khác]: “Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người” (Lc 5:28). Từ bỏ tất cả trong trường hợp của Lêvi là từ bỏ lối sống bất chính và tội lỗi của mình. Đây chính là sứ điệp của mùa chay: Hãy từ bỏ lối sống tội lỗi để đón Chúa Giêsu [và những người khác, những người chúng ta không thích] vào “nhà” ngồi chung bàn tiệc với chúng ta.

Theo các học giả Kinh Thánh, một trong những chủ đề của Tin Mừng Thánh Luca là “bàn tiệc.” Chủ đề này được trình bày trong Tin Mừng hôm nay: “Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài” (Lc 5:29). Kinh Thánh trình bày cho chúng ta việc Thiên Chúa luôn muốn ở với các tạo vật của Ngài, nhất là con người. Việc “ở lại” của Thiên Chúa với con người thường được diễn tả qua bàn tiệc với niềm vui của lễ hội, của tình bạn và hạnh phúc. Trong bối cảnh Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca muốn nói rằng: Nơi nào có sự hiện diện của Chúa Giêsu là có sự tha thứ, hiệp nhất, tiệc mừng, tình yêu, niềm vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, ai muốn ngồi vào dự bàn tiệc này phải mở rộng cõi lòng để đón nhận những người “bạn” của Chúa Giêsu, đó là, những người tội lỗi và “không thánh thiện.” Chính vì không chấp nhận thực tế này, nên “những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: ‘Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?’” (Lc 5:30). Thái độ của những người Pharisêu  có thể là thái độ của mỗi người chúng ta: Chúng ta có thể ngồi vào bàn tiệc với Chúa Giêsu, nhưng chúng ta không chấp nhận ngồi vào bàn với những người bạn của Chúa Giêsu, là những người làm chúng ta đau khổ, là những người chúng ta không thích. Khi chúng ta không muốn ngồi vào bàn cùng với những người Chúa Giêsu yêu mến [phường tội lỗi], thì chính chúng ta loại chính mình ra khỏi bàn tiệc của Ngài.

Hơn nữa, trong tư tưởng của người Do Thái, ngồi ăn chung không đơn giản là chia sẻ của ăn với nhau, nhưng chính là chia sẻ sự sống. Khi Chúa Giêsu ngồi ăn với những người tội lỗi, Ngài chia sẻ sự sống thần linh của Ngài cho họ, để thánh hoá và chữa lành những vết thương mà tội lỗi đã gây ra cho họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5:31-32). Sự hiện diện của những người Pharisêu [không ngồi trong bàn tiệc nhưng trách Chúa Giêsu về việc ngồi ăn với những người tội lỗi] và câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy có một sự khác biệt giữa việc dùng bữa của người Do Thái [đặc biệt là Pharisêu] và những người môn đệ của Chúa Giêsu. Đối với người Do Thái, họ chỉ dùng bữa với những người “thánh thiện,” còn bàn tiệc của các môn đệ của Chúa Giêsu là bàn tiệc của những tội nhân, bàn tiệc của những người từng là kẻ thù của nhau. Nhưng nhờ Chúa Giêsu họ đã trở nên một với nhau. Nơi nào mọi người chia sẻ bàn ăn [dù nghèo nàn, thiếu thốn] với niềm vui và hiệp nhất yêu thương, ở nơi đó có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Còn nơi nào trong bàn ăn [sang trọng với rượu ngon thịt béo] có sự giận hờn, chia rẽ và ghen tỵ, ở đó những người ngồi ăn chung không dành một chỗ cho Chúa Giêsu trong bàn ăn của họ.

Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm là câu trả lời của Chúa Giêsu cho những người Pharisêu: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ăn năn” (Lc 5:31). Câu này nhắc nhở mỗi người chúng ta về thực tại của đời mình. Ai trong chúng ta cũng là người tội lỗi và cần đến Chúa Giêsu; ai trong chúng ta cũng cần phải sám hối ăn năn mỗi ngày. Chỉ những người hiểu được thực tại này của cuộc sống của mình mới có con tim khiêm nhường, cảm thông, và không lên án anh chị em của mình khi họ lỗi phạm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng, ân sủng và tình thương của Chúa Giêsu thì nhưng không, nhưng đòi hỏi ở chúng ta một sự canh tân sám hối, metanoia. Điều này được trình bày trong hình ảnh của Lêvi. Ông bỏ hết mọi sự, bỏ lối sống tội lỗi của ông để chỉ có tìm niềm vui trong Chúa Giêsu và chia sẻ niềm vui được cứu độ với những người bạn của mình nơi bàn tiệc. Hãy chỉ tìm niềm vui trong Chúa và chia sẻ niềm vui có Chúa cho mọi người.

Exit mobile version