Lời Chúa Năm A Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần 7 Thường niên _A +...

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần 7 Thường niên _A + Mùa Chay

TUẦN VII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

          1. CHÚA NHẬT

          2. THỨ HAI

          3. THỨ BA

          4. THỨ TƯ (Lễ Tro)

          5. THỨ NĂM (sau Lễ Tro)

          6. THỨ SÁU(sau Lễ Tro)

          7. THỨ BẢY(sau Lễ Tro)

Lm Ngọc Dũng, SDB

CHÚA NHẬT

TÌNH YÊU VƯỢT QUA BẢN TÍNH TỰ NHIÊN

(Lv 19:1-2.17-18;1 Cr 3:16-23; Mt 5:38-48)

Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta suy gẫm về thái độ và cách sống luật Chúa của mình. Mục đích của luật là để giúp chúng ta trở nên hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời. Bài đọc 1, cho chúng ta thấy bối cảnh giao ước và ban luật, “Đức Chúa phán với ông Môsê rằng: ‘Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh’” (Lv 19:1-2). Để trở nên thánh thiện, con cái Israel phải sống luật yêu thương. Luật yêu thương này được tác giả sách Lêvi trình bày theo lối tiêu cực như sau: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa” (Lv 19:17-18). Trong những lời này, chúng ta thấy tiêu chuẩn yêu người khác là tình yêu dành cho chính mình: Mình yêu chính mình với tình yêu thế nào thì cũng yêu người khác với tình yêu giống như thế. Điều này có xảy ra trong đời sống của người Kitô hữu không? Chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều người trong chúng ta chưa sống giới luật này, có nghĩa là chẳng mấy người trong chúng ta yêu người khác như chính mình. Trái lại, nhiều lúc chúng ta sử dụng người khác như phương tiện để đạt đến mục đích ích kỷ của mình. Chúng ta chỉ yêu người khác như chính mình khi chúng ta nhìn người khác như là những chủ thể và cũng là con cái như mình.

Vì chúng ta được mời gọi trở nên thánh thiện, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 chỉ ra rằng mỗi người là “Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong mỗi người” (1 Cr 3:16). Đây chính là lý do để chúng ta tôn trọng và yêu người khác. Bên cạnh đó, Thánh Phaolô chỉ ra hai yếu tố cần thiết để biết một người có thánh thiện hay không, đó là (1) không khôn ngoan theo thói đời [“Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài” (1 Cr 3:18-20) và (2) không dựa vào phàm nhân mà tự hào”] “Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào” (1 Cr 3:21). Đây là hai điều chúng ta thường tim kiếm trong thế giới hôm nay: chúng ta thường tìm kiếm sự khôn ngoan theo tiêu chuẩn con người hơn là tìm sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Bên cạnh đó, chúng ta dựa vào con người hơn là Thiên Chúa để giải quyết những khó khăn và vấn đề của cuộc sống mình. Cuối cùng, Thánh Phaolô cho biết rằng những người sống thánh thiện là những người thuộc về Thiên Chúa: “Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3:21-23).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu tiếp tục trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu đến để kiện toàn lề luật như thế nào. Ngài giải thích luật theo một cách thức rất mới mẻ vì Ngài mang con người về lại với ý định ban đầu của Thiên Chúa khi ban luật. Trong trích đoạn hôm nay, Chúa Giêsu nói đến hai vấn đề quan trọng mà người Do Thái thường đối diện, đó là trả thù và yêu thương kẻ thù. Về việc trả thù [và bồi thường], họ đã có luật dạy rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5:38). Câu này là một luật mang tính pháp lý về sự trả thù hay đúng hơn là sự đền bù cho những tổn thương gây ra (x. Xh 21:22-25; Lv 24:20; Đnl 19:21). Mặc dù ngày nay luật này nghe có vẻ man rợ, nhưng ý hướng ban đầu của nó rất nhân bản vì nó giới hạn sự trả thù (chỉ một mắt cho một mắt, chứ không phải hai hoặc ba). Khi luật này được áp dụng lần đầu tiên, nó mang lại một sự tiến bộ thật sự về mặt luân lý. Đến thời gian của Chúa Giêsu, các rabbi cảm thấy luật này quá khắc nghiệt và bắt đầu quá trình thay đổi hình phạt, nhưng nguyên lý của sự tương đồng vẫn được giữ lại trong lối suy nghĩ mang tính pháp lý của các biệt phái và luật sĩ.

Đứng trước luật “mắt đền mắt, răng đền răng” trong việc đền bù [hay trả thù], Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5:39-42). Trong những lời này, Chúa Giêsu dạy các môn đệ có thái độ không chống lại sự dữ theo nghĩa là tránh bạo lực hoặc tổn thương thể lý. Điều này có thể mở ngỏ cho khả thể chống lại sự dữ trên bình diện tâm lý và luân lý, ‘chiến đấu trên phương diện truyền thông.’ Một cách cụ thể hơn, lời dạy của Chúa Giêsu là một phương cách để chiến thắng sự dữ, chứ không phải ngồi khoanh tay cách bị động hoặc vô cảm trước sự dữ. Mục đích của lời dạy là để làm cho kẻ thù phải xấu hổ mà thay đổi cuộc sống của mình. Điều này giả định một sự cởi mở của kẻ thù, điều mà không luôn luôn xảy ra. Trong trường hợp kẻ thù không sẵn sàng thay đổi, thì nguyên lý khác của Kinh Thánh được áp dụng, đó là việc “giơ cả má bên trái ra nữa.” Nguyên lý này phản ánh một chi tiết quan trọng trong văn hoá của người Do Thái,  đó lá đánh má bên phải với phía sau của bàn tay được xem là một điều xỉ nhục. Tóm lại, trong lời dạy của mình về vấn đề trả thù hoặc đền bù, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài phải có thái độ tử tế, chịu đựng, quảng đại, và cởi mở trước những người làm tổn thương mình.

Điều luật thứ hai Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ là yêu thương kẻ thù của mình. Trích đoạn trong Tin Mừng hôm nay bắt đầu với lời trích không đầy đủ của Lv 19:18: “Hãy yêu đồng loại” và bỏ đi từ quan trọng là “như chính mình,” và thêm vào đó là những lời không có trong sách Lêvi, “và hãy ghét kẻ thù.” Đây là một cái nhìn mang tính rất tiêu cực vì nó giới hạn tình yêu của chúng ta vào trong một cái khung mang tính dân tộc hạn hẹp. Đứng trước thái độ hạn hẹp và tiêu cực đó, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Những lời này không phải là một lý tưởng mang tính hoang tưởng [Làm sao tôi có thể yêu kẻ thù? Điều này là hoang tưởng!), nhưng là một chiến lược khôn ngoan để chiến thắng những người bách hại. Cụ thể hơn, những lời này trình bày cho chúng ta điều mà cộng đoàn Thánh Mátthêu đang trải qua, đó là bị loại trừ và bách hại. Trong thời kỳ ban đầu của Kitô Giáo, thời kỳ bắt đạo, Kitô Giáo không phải là tôn giáo “dồn nén bên trong.” Sự dồn nén này là một chiến lược để chiến thắng sự dữ qua sự khôn ngoan của tình yêu.

Tóm lại, khi sống với sự khôn ngoan của tình yêu để đáp lại những kẻ làm hại mình, các môn đệ của Chúa Giêsu “mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Chỉ khi người môn đệ vượt qua tình yêu hạn hẹp của mình để sống tình yêu của Cha trên trời, họ mới “nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

THỨ HAI

CẦU NGUYỆN LÀ VŨ KHÍ CHỐNG LẠI MA QUỶ

(Hc 1:1-10; Mc 9:14-29)

Chúng ta bắt đầu nghe bài đọc 1 từ sách Huấn Ca. Sách Huấn Ca là một trong những sách dài nhất trong Kinh Thánh. Nó chứa đựng phần lớn văn chương khôn ngoan của dân Do Thái. Tựa đề của sách mang tiếng Hípri là “Sự Khôn Ngoan của Yeshua [Jesus]  ben  [con  của]  Eleazar  ben  Sira.”  Sách  được  dịch  sang  tiếng  Hy  Lạp  là “Sirach” hoặc “Ecclesiasticus” [có thể có nghĩa là “Giáo Hội”]. Theo các học giả Kinh Thánh, tác giả của sách Huấn Ca là Ben Sira, sống khoảng thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Ông ta là người ở Giêrusalem, tận hiến cuộc đời cho việc nghiên cứu và học hỏi Lề Luật, Ngôn Sứ và trở thành nhà thông luật và bậc thầy rất được kính trọng. Ông viết sách Huấn Ca với mục đích chứng minh rằng lối sống của người Do Thái thì cao cả và đáng ca ngợi hơn văn hoá Hy Lạp. Nói cách khác, ông ta muốn chứng minh rằng, sự khôn ngoan đích thật chỉ có thể được tìm thấy ở Giêrusalem, chứ không phải ở Athen. Vì vậy, những người Do Thái chân thật không nên chiều theo cám dỗ sống theo lối sống của người Hy Lạp. Điều này nhắc nhở chúng ta, những người Kitô hữu rằng: Sự khôn ngoan chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô, và nếu là người môn đệ chân thật của Ngài, chúng ta không nên chiều theo cám dỗ để sống lối sống không xứng hợp với bậc sống của mình.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ben Sira trình bày cho chúng ta nguồn gốc của sự khôn ngoan: Tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời” (Hc 1:1). Ai trong chúng ta cũng muốn được khôn ngoan. Chúng ta đi tìm sự khôn ngoan trong sách vở, hoặc tốn nhiều tiền để mời những người có học thức và khôn ngoan hầu mong cũng học được một ít khôn ngoan từ họ. Nhưng càng tìm sự khôn ngoan nơi người đời, mà không tìm khôn ngoan nơi Đức Chúa, thì sự khôn ngoan của chúng ta sẽ chóng tàn vì sự khôn ngoan của con người cũng chỉ là kết quả của việc quan sát sự tuần hoàn luân chuyển của vũ trụ. Nói cách khác, khôn ngoan của con người cũng chỉ là sự chia sẻ trong sự khôn ngoan của Đấng tạo dựng muôn loài muôn vật: Chỉ có một Đấng khôn ngoan rất đáng sợ, ngự trên ngai của Người. Đó chính là Đức Chúa. Người đã tạo dựng, đã thấy, đã đếm và làm cho khôn ngoan nổi bật trên mọi công trình, nơi mọi phàm nhân, theo lòng quảng đại của Người, và Người đã rộng ban khôn ngoan cho những ai yêu mến Người” (Hc 1:8-10). Như vậy, muốn được khôn ngoan, hãy chìm sâu trong đại dương của tình yêu Thiên Chúa, trong cầu nguyện. Đây chính là nội dung chính của bài Tin Mừng hôm

Trích đoạn của Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu chữa lành một đứa trẻ bị quỷ câm ám. Câu chuyện này đáng lưu ý vì nó dài và được kể lại cách chi tiết. Chúng ta cũng tìm thấy câu chuyện này trong Tin Mừng Mátthêu (17:14-21) và Luca (9:37- 43a). Câu chuyện bắt đầu với các câu 14-19 và kết với các câu 28-29 với sự tập trung vào việc các môn đệ không có khả năng để chữa lành đứa trẻ; ở giữa câu chuyện (9:20-27), người cha và cậu bé là những nhân vật chính. Trọng điểm của câu chuyện là cuộc đối thoại giữa người cha với Chúa Giêsu (9:21-24) mà chúng ta chỉ tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô. Lời tuyên xưng đức tin của người cha dần xuất hiện như là yếu tố cần thiết trong tiến trình chữa lành. Việc các môn đệ không có khả năng để thực hiện việc chữa lành cuối cùng được giải thích với sự quy chiếu về việc chỉ dựa vào quyền năng của Thiên Chúa (9:29). Câu chuyện được đặt ngay sau biến cố Chúa Giêsu biến hình và câu hỏi về Elia (9:1-13). Khi Chúa Giêsu “và ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông” (9:14). Nội dung của cuộc tranh luận giữa các kinh sư với chín môn đệ còn lại của Chúa Giêsu là việc các môn đệ không có khả năng chữa lành cậu bé bị quỷ ám: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi” (9:17-18). Chi tiết đáng lưu ý ở đây là khi Chúa Giêsu ‘không ở chung với họ,’ các môn đệ không thể thực hiện việc chữa lành. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc liên lỉ kết hợp với Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn thực hiện những việc Chúa Giêsu làm. Đứng trước sự bất lực của các môn đệ, Chúa Giêsu không chỉ khiển trách các ông, mà khiển trách cả ‘thế hệ’ cứng lòng tin: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi” (9:19). Trong những lời này, Chúa Giêsu một cách mặc nhiên nói về tầm quan trọng của đức tin như là điều kiện cần thiết cho tiến trình chữa lành mà sẽ được vén mở trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người cha. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại này như sau:

Chúa Giêsu: Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?

Người cha:  Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.

Chúa Giêsu: Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin

Người cha:  Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!

Trong cuộc đối thoại này, chúng ta thấy nơi đức tin của người cha có chứa đựng một sự ‘không chắc chắn,’ tức là chưa hoàn toàn phó thác và tin tưởng. Điều này được diễn tả trong lời ‘nhưng nếu Thầy có thể làm được gì.’ Chúa Giêsu không nói với ông ta là Ngài có thể hay không có thể, mà Ngài nói ‘mọi sự đều có thể đối với Người tin.’ Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn nói với người cha rằng những người tin sẽ nhận biết Ngài có thể làm được hết mọi sự. Chính vì lời này mà người cha nhận ra rằng mình vẫn chưa hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu nên xin Ngài giúp cho lòng tin yếu kém của ông. Trong cuộc sống của chúng ta cũng thế, nhiều lần chúng ta không hoàn toàn đặt niềm tin vào Chúa Giêsu. Niềm tin của chúng ta vẫn pha lẫn với yếu tố không chắc chắn và nghi ngờ. Vì vậy, chúng ta cần phải khiêm nhường xin Chúa Giêsu giúp cho niềm tin yếu kém của chúng ta.

Câu chuyện kết thúc bằng việc tập trung lại về các môn đệ. Nếu chúng ta lưu ý cẩn thận, chúng ta nhận ra câu chuyện được bắt đầu với Chúa Giêsu và các môn đệ và kết cùng một cách thức như thế. Đây là lối viết ‘bánh mì kẹp’ quen thuộc. Như thế, câu chuyện này nói về tình trạng của các môn đệ, cụ thể hơn là niềm tin của các môn đệ vào Chúa Giêsu. Họ vẫn chưa hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào Ngài, vì vậy họ không thể thực hiện những điều mà Ngài sai họ đi thi hành, nhất là việc chữa lành. Với những lời “giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (9:29), Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ về việc chỉ dựa vào quyền năng của Thiên Chúa trong tất cả những gì mình làm. Trong cuộc sống, chúng ta có hoàn toàn dựa vào ơn Chúa để thi hành những công việc thường ngày của chúng ta không?

THỨ BA

ĐÓN TIẾP CHÚA GIÊSU VỚI TÂM HỒN TRONG TRẮNG CỦA TRẺ THƠ

(Hc 2:1-11; Mc 9:30-37)

Lời Chúa ngày hôm nay tập trung vào việc trình bày các phẩm chất cần thiết của những người muốn dấn thân phụng sự Thiên Chúa [những người muốn sống đời thánh hiến], và trở nên môn đệ chân chính của Chúa Giêsu. Bài đọc 1 hôm nay đưa ra cho chúng ta những đức tính cần thiết sau: (1) Sẵn sàng chịu thử thách: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2:1); (2) sống đời sống ngay thẳng và kiên trì: “Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên” (Hc 2:2-3); (3) biết chấp nhận mọi sự trong cuộc sống: “Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục” (Hc 2:4-5); (4) luôn đặt niềm tin và cậy trông vào Chúa: “Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con. Đường con đi, hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người” (Hc 2:6). Tóm lại, điều quan trọng nhất cho những người dấn thân phụng sự Thiên Chúa là “đừng lìa xa Người kẻo ngã” (Hc 2:7). Nếu chúng ta không gắn liền cuộc đời với Thiên Chúa, thì những hoa trái chúng ta sản sinh ra trong đời sống hằng ngày không phải từ Ngài!

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về lần thứ hai Chúa Giêsu giải thích về ơn gọi Thiên Sai của Ngài (Mc 9:30-10:31). Lần đầu tiên được tìm thấy trong Mc 8:31-9:29. Hai lần đều bắt đầu với việc tiên báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần 1 (Mc 9:30-32) là tiên báo về cuộc thương khó của Chúa Giêsu; trong phần 2 (Mc 9:33-37), Chúa Giêsu sửa sai các môn đệ về việc các ông hiểu lầm về ơn gọi của người môn đệ. Khi sửa sai các môn đệ về hiểu lầm của các ông, Chúa Giêsu một lần nữa nhắc nhở các môn đệ về những điều kiện người môn đệ cần có mà Ngài đã nói cho họ khi các ông không hiểu lầm Ngài [nhất là Phêrô] trong lần tiên báo đầu tiên về cuộc thương khó của Ngài (x. Mc 8:31-9:1). Ở đây, chúng ta lưu ý đến một chi tiết khác biệt nhỏ nhưng quan trọng trong hai lần tiên báo: Trong lần đầu vì Chúa Giêsu đang rao giảng ở Galilê vùng đất của người Do Thái nên Ngài tiên báo là Ngài sẽ bị nộp vào tay các thầy tư tế và trưởng lão (Mc 8:31); còn lần tiên báo thứ hai này xảy ra ngoài Galilê, trong vùng đất của dân ngoại, nên Ngài sẽ bị nộp vào tay “người đời” (Mc 9:31). Điều này giúp chúng ta hiểu rằng, Chúa Giêsu chết không chỉ cho người Do Thái mà cả dân ngoại và cái chết của Ngài không phải chỉ vì tội của người Do Thái, mà còn cả tội của dân ngoại, của mỗi người chúng ta.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường cãi nhau khi chúng ta “hiểu lầm” nhau. Các môn đệ cũng cãi nhau nhưng không phải là vì hiểu lầm nhau, nhưng hiểu lầm điều Chúa Giêsu dạy các ông. Theo bản tính tự nhiên, ai cũng muốn có quyền để thống trị người khác. Nhìn vào xã hội và Giáo Hội, nhiều người mất tiền của và nhân phẩm chỉ để được quyền thống trị người khác. Ít người trong chúng ta hiểu rằng: Quyền thống trị vĩ đại nhất đến từ việc phục vụ vì qua việc phục vụ, chúng ta chiếm được cõi lòng và con tim của người khác. Đây chính là điều Chúa Giêsu nói đến khi nói đến quyền bính. Chiếm được cõi lòng thì mới có khả năng làm cho người khác thực hiện công việc với tình yêu, còn nếu không thì người khác làm việc chỉ vì bị bắt buộc bởi hoàn cảnh và miếng cơm manh áo, chứ không có tự do và yêu thương.

Đứng trước sự hiểu lầm của các môn đệ và mỗi người chúng ta về quyền bính để thống trị người khác, Chúa Giêsu dùng hình ảnh của một em nhỏ để dạy các môn đệ và chúng ta về những đức tính cần có của những người nắm quyền. Chúng ta có thể rút ra được điều gì từ “linh đạo trẻ em” này của Chúa Giêsu? Trong nhiều điều chúng ta có thể rút ra, ở đây chúng ta chọn ra ba thái độ căn bản và cần thiết nhất:

Thứ nhất, trẻ em biết điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống. Đối với trẻ em, bố mẹ là những người quan trọng nhất trong cuộc sống. Đi lâu, làm gì mà không có bóng dáng của bố mẹ, thì trẻ em sẽ khóc, sẽ tìm cho đến khi có bố mẹ ở bên. Nói cách khác, trẻ em luôn luôn “kết hiệp” với bố mẹ là những người quan trọng nhất trong đời mình. Điều này dạy chúng ta rằng, những người có quyền là những người xem Thiên Chúa và anh chị em của mình là quan trọng nhất chứ không phải công việc và của cải vật chất.

Thứ hai, trẻ em không xin những gì mình không cần. Các em biết chính xác mình đang đói hay khát, đang lạnh hay nóng và chỉ xin điều mình cần, không xin hơn và cảm thấy thoả mãn khi người khác đáp ứng cho điều mình xin. Còn những người lớn như chúng ta, chúng ta không thoả mãn với những gì mình có và luôn muốn có hơn, chính vì vậy chúng ta không thấy hạnh phúc và trở nên tham lam. Những người mong đợi ít từ cuộc sống sẽ thấy được thoả mãn và hạnh phúc hơn những người mong chờ nhiều.

Thứ ba, trẻ em tha thứ rất nhanh. Chúng ta từng chứng kiến trẻ em chơi với nhau, chúng cãi nhau, đánh nhau, khóc lóc và sau đó vài phút chúng lại chơi với nhau như không có gì xảy ra. Trẻ em dễ dàng tha thứ và không để trong lòng sự “hận thù” và nỗi đau người khác làm cho mình. Còn chúng ta những người lớn, chúng ta thường để trong lòng sự hận thù và nỗi đau mà người khác làm cho mình và nhiều khi chúng ta mang theo gánh nặng của hận thù này xuống nấm mồ. Có câu nói trong đời rằng: “Người không sống tha thứ là người tự giam mình trong nhà tù mà mình tự tay xây lên cho chính mình. Và khi người đó tha thứ, người đó tự giải thoát chính mình khỏi nhà tù mà họ tự xây lên.” Hãy tự giải thoát chính mình bằng việc tha thứ cho người khác.

THỨ TƯ

HÃY TRỞ VỀ VỚI CHÚA TRONG CHAY TỊNH, BỐ THÍ VÀ CẦU NGUYỆN

Lễ Tro

(Ge 2:12-18; 2 Cr 5:20 – 6:2; Mt 6:1-6.16-18)

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bắt đầu mùa chay thánh. Thánh Phaolô trong bài đọc 2 xem mùa chay là mùa hồng ân, mùa cứu độ: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cor 6:1-2). Mùa chay bắt đầu với Thứ Tư Lễ Tro. Trong phụng vụ hôm nay, chúng ta sẽ thực hiện hai hành vi quan trọng sau: “xức tro” và “giữ chay kiêng thịt.” Chúng ta cùng nhau tìm hiểu cách ngắn gọn ý nghĩa của hai hành vi quan trọng trên dựa vào lời Chúa của ngày hôm nay.

Theo truyền thống của người Do Thái, họ xức tro trên đầu [và mặc phải thô] để khóc than cho người chết và khóc than cho tội lỗi của họ. Nói cách khác, việc xức tro lên đầu là dấu hiệu của việc ăn chay và sám hối. Trong phụng vụ hôm nay, hình ảnh tro được sử dụng để nhắc nhở chúng ta về thân phận bụi đất yếu đuối, về những tội lỗi chúng ta đã xúc phạm đến Chúa. Khi thừa tác viên xức tro trên đầu chúng ta, họ đọc một trong hai công thức sau: (1) “Hãy nhớ bạn là bụi tro, một mai bạn sẽ trở về tro bụi”; (2) “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Tuy nhiên, ý nghĩa chính của toàn bộ mùa chay và của thứ tư lễ tro hôm nay được diễn tả rõ ràng trong bài đọc 1 của ngôn sứ Giôen: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Ge 2:12). Việc xức tro, khóc lóc, ăn chay, cầu nguyện hoặc bố thí là diễn tả bên ngoài của hành vi “hết lòng trở về với Chúa” qua việc “xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2:13). Như vậy, mùa chay nói đến hành trình nội tâm [trở về với Chúa] hơn là hành trình bên ngoài [ăn chay, kiêng thịt]. Đây là hành trình trở về [metanoia] để cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng “từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2:13). Thánh Phaolô trong bài đọc 2 diễn tả hành trình này như sau: “Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cor 5:20-21). Tóm lại, hành vi xức tro nhắc nhở chúng ta hai điều: Thứ nhất là thân phận yếu đuối tội lỗi của chúng ta, và thứ hai là tình thương vô biên và lòng thương xót đầy khoan dung của Thiên Chúa.

Việc quan trọng thứ hai chúng ta phải thực hiện hôm nay là giữ chay thánh. Bài đọc 1 viết: “Hãy rúc tù và tại Xion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng” (Ge 2:15). Người Do Thái giữ chay để cầu xin Đức Chúa nhớ đến họ như là dân riêng của Ngài, nhớ đến những công trình kỳ diệu mà Ngài đã làm cho họ để một lần nữa tỏ lòng khoan dung tha thứ cho lỗi lầm họ đã phạm đến Ngài (x. Ge 2:16-18). Như vậy, việc ăn chay không mang tính cách “quy thân” [tập trung vào mình], nhưng là “quy Thiên” [hướng về Thiên Chúa]. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dạy rằng:  “Việc ‘ăn chay’ được thực hiện với những lý do khác nhau như là chữa bệnh, giảm cân và những lý do khác. Nhưng ăn chay với những mục đích như thế không giải thoát chúng ta khỏi cái tôi ích kỷ của mình. Ăn chay là để giải phóng chính mình khỏi khỏi cái tôi để hoàn toàn tự do cho Thiên Chúa và cho người khác nữa. Như vậy, việc ăn chay của người Kitô hữu phải là một cuộc xuất hành mang tính giải phóng khỏi chính cái tôi. Điều này có nghĩa là mùa chay cũng phải là mùa sinh hoa trái qua những công việc tốt chúng ta thực hiện cho người khác, nhất là việc bố thí. Chúng ta hãy nhớ rằng: Thiên Chúa sẽ không dủ lòng thương xót đối với chúng ta khi chúng ta no đầy, sung túc còn những người chung quanh lại đang đói khát và thiếu thốn.”

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta ba công việc đạo đức chính của mùa chay, đó là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Ba công việc đạo đức này diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và tạo nên sự biến đổi tận căn trong đời sống nội tâm của chúng ta. Cả ba lời dạy của Chúa Giêsu về bố thí, cầu nguyện và ăn chay có cùng cấu trúc: Không làm vì động lực bên ngoài [tìm sự khen ngợi của con người] – tránh thái độ đạo đức giả – làm mọi sự với trọn cõi lòng [cách kín đáo và thành thật để chỉ tìm phần thưởng từ Thiên Chúa]. Cấu trúc này được trình bày trong câu đầu tiên của Tin Mừng hôm nay: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6:1). Chúng ta chỉ hiểu điều này khi đặt đoạn Tin Mừng này vào bối cảnh Chúa Giêsu thiết lập nền luân lý mới cho các môn đệ của Ngài, đó là, Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 4:23-7:29).

Việc lành phúc đức thứ nhất là bố thí. Theo truyền thống Do Thái, bố thí thường được tổ chức cách có hệ thống vì nó là một trong ba cột trụ của thế giới. Vì được tổ chức  cách  có  hệ  thống,  nên  thường  xảy  ra  tình  trạng  “khua  chiêng  đánh trống…trong hội đường và ngoài phố xá” (Mt 6:2). Chúa Giêsu không muốn điều này xảy ra với các môn đệ của Ngài. Ngài muốn họ đi vượt ra khỏi khuôn khổ, hệ thống khi làm điều tốt. Nói cách khác, Ngài muốn các môn đệ của Ngài làm điều tốt mọi nơi và cho mọi người cách âm thầm. Tuy nhiên, một chi tiết chúng ta cần lưu ý về việc bố thí là: Đừng bố thí cho người khác những thứ dư thừa hoặc những thứ chúng ta không dùng đến. Hãy bố thí cho người khác những thứ có giá trị đối với chúng ta. Như vậy, chúng ta mới có ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa.

Việc phúc đức thứ hai là cầu nguyện. Cầu nguyện phải là sự hiệp nhất cá vị cách thành thật với Thiên Chúa. Cầu nguyện không mang lại gì cho Chúa, nhưng sinh ơn cứu độ cho chúng ta. Vì vậy, cầu nguyện là lương thực của đức tin. Lời dạy của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện “cách kín đáo trong phòng” không có ý coi thường việc tôn thờ chung bởi vì chính Chúa Giêsu tham dự việc tôn thờ trong đền thánh và hội đường. Theo các học giả Kinh Thánh, “vào phòng, đóng cửa lại” khi cầu nguyện có nghĩa là “vào trong con tim” của mình để gặp Thiên Chúa ở đó và dùng ngôn ngữ tình yêu để đối thoại với Ngài vì Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4:8).

Việc phúc đức thứ ba là ăn chay. [Chúng ta đã trình bày điểm này ở trên, nên chúng ta chỉ trình bày thêm một chi tiết nhỏ dựa trên Tin Mừng]. Theo truyền thống Do Thái, ăn chay là việc đạo đức phổ biến. Nó có thể được thực hiện cách chung cả cộng đoàn hoặc riêng từng cá nhân. Người Do Thái không có mùa chay như chúng ta, nhưng họ có vài ngày ăn chay chung, nhất là lễ Yom Kippur (“Ngày Đền Tội”), và họ giữ chay riêng vào thứ hai và thứ năm. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu trình bày cho chúng ta nét đặc trưng của việc ăn chay của chúng ta là niềm vui. Chúng ta vui vì, qua việc ăn chay, chúng ta chết đi cho cái tôi của mình và sống cuộc sống mới trong Đức Giêsu Kitô. Nếu việc ăn chay không làm cho chúng ta gần Chúa và trở nên giống Ngài hơn, thì chúng ta vẫn chưa ăn chay thật [chưa chết đi cho tội lỗi của mình].

Điểm cuối cùng chúng ta có thể rút ra để suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là tránh lối sống giả tạo [bề ngoài] để sống thật. Khi đi mua đồ không ai trong chúng ta muốn mua đồ giả, và trong cuộc sống, không ai trong chúng ta muốn làm bạn với những người giả tạo. Chúng ta đến với Chúa cũng vậy, không được giả tạo. Đây là ý nghĩa của mùa chay: là mùa mời gọi chúng ta sống “thật” với ơn gọi làm Kitô hữu của mình [sống “thật” với ơn gọi thánh hiến của mình]. Cụ thể hơn, thái độ sống thật này được Chúa Giêsu mời gọi trong cả ba công việc chính yếu của mùa chay: Làm việc lành phúc đức [bố thí], cầu nguyện và ăn chay. Hãy tránh thái độ “đạo đức giả” (x. Mt 6: 2, 5, 16)!

THỨ NĂM

CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ SỐNG: CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ

(Đnl 30:15-20; Lc 9:22-25)

Đề tài chính của lời Chúa trong mùa chay là mời gọi chúng ta trở về với đường lối của Chúa, về với những điều chúng ta đã tuyên hứa với Chúa trong Bí Tích Rửa Tội là từ bỏ ma quỷ và đường lối của chúng để thuộc trọn về Chúa. Trong bài đọc 1, Môsê đặt trước mặt dân Israel hai chọn lựa: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ” (Đnl

30:15). Nếu chọn được sống, được hạnh phúc thì họ “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên

Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu” (Đnl 30:16). Còn nếu chọn sự chết và tai hoạ bằng cách “trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng” (Đnl 30:17), thì “chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Giođan để vào chiếm hữu” (Đnl 30:18). Hai chọn lựa này cũng luôn được đặt trước chúng ta trong từng giây phút sống. Theo Richard Rohr, càng sống và càng thêm tuổi, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta chỉ có hai chọn lựa trong cuộc sống: Thiên Chúa hay là cái tôi, việc của Chúa hay là việc của tôi. Bạn đang chọn gì: Chúa hay cái tôi của bạn? việc của Chúa hay việc của bạn?

Đứng trước hai chọn lựa sống và chết, Môsê khuyên nhủ dân Israel “chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống, nghĩa là hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh em sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Đức Chúa đã thề với cha ông anh em, là ông Ápraham, ông Ixaác và ông Giacóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Đnl 30:19-20). Con đường sống mà Môsê đề nghị cho dân Israel được Thánh Luca trình bày cách rõ ràng trong Tin Mừng hôm nay, đó là con đường thập giá của Chúa Giêsu. Thật vậy, chỉ có con đường thập giá mới mang lại cho chúng ta sự sống muôn đời, sự sống “lâu dài ở trên đất Đức Chúa đã thề hứa.”

Trong lời tiên đoán của mình, Chúa Giêsu cho các môn đệ biết rằng Đức Kitô của Thiên Chúa phải được nhìn từ khía cạnh thập giá: “Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: ‘Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy’.” Lời tiên đoán này nhằm mục đích giúp các môn đệ có một hình ảnh chân thật về Đức Kitô, vì cho đến bây giờ (x. Lc 4:16-9:6), Chúa Giêsu luôn thành công trong việc làm cho những người chống đối Ngài phải im tiếng. Trong lời tiên đoán này, Thánh Luca dụng ý hướng dẫn người đọc rằng những người chống đối không im lặng, nhưng đang bày mưu tính kế để đưa Ngài đến cái chết. Điều này nhắc nhở chúng ta những người môn đệ của Chúa Giêsu rằng khi sống trọn vẹn cho Thiên Chúa, chúng ta sẽ luôn đối đầu với những người chống lại chúng ta bằng cách này hay cách khác. Chúng ta chỉ có thể vượt qua được những chống đối này nếu chúng ta hoàn toàn nhìn lên Đức Kitô như mẫu gương chân chính cho đời mình.

Sau khi nói với các môn đệ lời tiên báo về cuộc thương khó và phục sinh của người, Chúa Giêsu ‘mở rộng’ lời mời gọi làm môn đệ của Ngài cho mọi người: “Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: ‘Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?’” (Lc 9:23- 25). Trong những lời này, chúng ta lưu ý đến hai chi tiết sau. Thứ nhất, khi mời gọi mọi người vác ‘thập giá’ hằng ngày để theo Ngài, Chúa Giêsu không nói đến những vấn đề làm chúng ta đau đầu mỗi ngày, cũng không phải là cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống, nhưng là sự dấn thân của Chúa Giêsu và sự chia sẻ của các môn đệ trong Nước Thiên Chúa qua lời nói và việc làm. Thứ hai, sự dấn thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu là lý do duy nhất để người môn đệ mất mạng sống mình, hầu giúp mang Nước Thiên Chúa đến. Tóm lại, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta thấy những thập giá trong đời sống hằng ngày là hệ quả của việc sống trọn vẹn tình yêu dành cho Thiên Chúa, và cũng chỉ với tình yêu này mà người môn đệ sẵn sàng liều mất mạng sống của mình để tìm lại nó trong cuộc sống mai sau trên Thiên Đàng.

THỨ SÁU

HÃY GIỮ CHAY LÒNG

(Is 58:1-9a; Mt 9:14-15)

Trong mùa chay, ba việc đạo đức chúng ta thường làm là: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Lời Chúa hôm nay tập trung vào việc ăn chay. Theo truyền thống công giáo, chúng ta chỉ ăn chay [và kiêng thịt] trong hai ngày, Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Một vài dòng tu hoặc những người công giáo đạo đức ăn chay và kiêng thịt vào mỗi thứ sáu. Khi nói đến ăn chay, chúng ta nghĩ ngay đến việc “ăn ít lại.” Cụ thể hơn, thay vì ăn ngày ba bữa thì chúng ta ăn hai bữa, có người ăn một bữa rưỡi hoặc một bữa hoặc thậm chí không ăn gì trong ngày, chỉ uống nước lã. Tóm lại, khi nói đến ăn chay là chúng ta nói đến thức ăn, thức uống, là nói đến những thứ từ bỏ mang tính cách bên ngoài.

Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Isaia nói đến một loại ăn chay không mang tính bên ngoài, nhưng mang tính nội tâm (bên trong). Đây là loại ăn chay mà Đức Chúa ưa thích. Ngôn sứ Isaia cho chúng ta hay rằng: Đức Chúa không thích loại ăn chay mang tính bên ngoài vì “ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách” (Is 58:3-4). Cách ăn chay mà Đức Chúa ưa thích là: “mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục (x. Is 58:6-7).

Qua những lời của Ngôn sứ Isaia, chúng ta nhận ra rằng: Thật không phải khi chúng ta ăn chay mà lại giận hờn, ghen tỵ và nói xấu người khác; thật không phải khi chúng ta ăn chay mà gian lận, nói dối; thật không phải khi chúng ta ăn chay mà sống đời sống bất công, không tha thứ, không yêu thương. Loại ăn chay bỏ một bữa ăn hoặc một ngày không ăn thì dễ hơn loại ăn chay bỏ tật xấu của mình. Mục đích của ăn chay là để tỏ lòng sám hối, là để đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và người khác. Nhưng khi ăn chay mà chúng ta không sống yêu thương tha thứ, sống xa cách anh chị em của mình, thì chúng ta đã làm mất ý nghĩa của việc ăn chay. Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay Thánh Mátthêu giải thích cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả [và chúng ta] về ý nghĩa của ăn chay.

Chúng ta hiểu đối thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ của Gioan về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn khi chúng ta đặt cuộc đối thoại này trong bối cảnh lớn hơn: bối cảnh nói về quyền bính và lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu (8:1-9:38). Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau đoạn nói về việc Chúa Giêsu gọi ông Mátthêu, một người thu thuế và dùng bữa ở trong nhà ông với tất cả những người thu thuế khác và những người tội lỗi. Trong mẫu chuyện đó, những người Pharisêu hỏi các môn đệ của Chúa Giêsu về việc Ngài ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi; còn trong bài Tin Mừng thì các môn đệ của Gioan đến hỏi Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Ngài không ăn chay như họ và những người Pharisêu. Chúng ta cùng nhau phân tích bài Tin Mừng hôm nay để khám phá ra điều Chúa muốn nói với chúng ta và muốn chúng ta đem ra thực hành.

Như chúng ta đã trình bày, bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn [chỉ có hai câu] và nằm trong bối cảnh tranh luận về việc ăn chay (Mt 9:14-17). Cuộc tranh luận này gồm có cuộc đối thoại mang tính tranh luận với các môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Mt 9:14-15) và hai dụ ngôn nhỏ Chúa Giêsu sử dụng để trả lời về lý do tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay (Mt 9:16-17). Sợi dây nối kết hai phần chính là sự khác biệt mà sự hiện diện của Chúa Giêsu mang lại. Đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta không khỏi không thắc mắc: Tại sao các môn đệ của Gioan Tẩy Giả không hỏi về chính việc ăn chay của Chúa Giêsu, nhưng lại hỏi về việc ăn chay của “môn đệ Ngài.” Điều này cho thấy: Chúng ta không nghi ngờ gì về việc các môn đệ của Chúa Giêsu là những người Do Thái như môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Pharisêu, nhưng khi theo Chúa Giêsu, họ đã sống khác, ngay cả trong việc tuân giữ luật ăn chay. Nói cách khác, khi theo Chúa Giêsu, họ không còn ăn chay theo truyền thống của người Do Thái như những người Pharisêu và các môn đệ của Gioan làm. Như vậy, Chúa Giêsu đem lại một cái gì đó thật mới mẻ trong việc tôn thờ Thiên Chúa, trong việc thực hành các việc đạo đức và nhất là trong cuộc đời của họ. Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa đích thật của các việc đạo đức mà Thiên Chúa muốn, chứ không phải là tập tục của các tiền nhân. Việc có Chúa Giêsu trong cuộc đời của chúng ta có mang lại sự mới mẻ gì không? Hay chúng ta cũng sống một lối sống như bao nhiêu người khác? [Còn những người sống đời thánh hiến, chúng ta có sống tốt hơn và thánh thiện hơn so với khi chúng ta mới bước vào đời tu không?]. Việc đi theo Chúa Giêsu phải mang lại sự đổi mới không ngừng trong lời nói và hành động của những người theo Ngài.

Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn để giải thích cho các môn đệ của Gioan Tẩy Giả về việc các môn đệ của Ngài không ăn chay. Ngài sử dụng hình ảnh tiệc cưới để trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay” (Mt 9:15). Trong câu trả lời, Chúa Giêsu sử dụng chữ “than khóc.” Theo Thánh Mátthêu, việc ăn chay được hiểu là dấu hiệu của việc than khóc cho tội lỗi của mình [điều xảy ra trong trường hợp của Mátthêu mà Ngài mới gọi làm môn đệ được trình thuật trước đó]. Chúa Giêsu so sánh các môn đệ của Ngài như là những khách dự tiệc của chàng rể, tức là họ được mời gọi đến tham dự một sự kiện mang đậm nét yêu thương và vui tươi. Áp dụng vào trong cuộc sống của chúng ta: Chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu, là những người sống vui tươi và yêu thương. Người khác có thấy nét vui tươi trên khuôn mặt và tình yêu thương trong lời nói và cử chỉ của chúng ta không?

Cuối cùng, theo các chuyên gia Kinh Thánh, khi sử dụng từ “chàng rể,” các môn đệ của Gioan hiểu ngay Chúa Giêsu đang nói đến ai, Ngài đang nói đến chính Thiên Chúa. Hình ảnh “chàng rể” là hình ảnh được các ngôn sứ sử dụng để nói về Thiên Chúa là chàng rể, còn Israel là tân nương. Điều này được xác nhận bởi công thức: “Nhưng khi tới ngày.” Đây là công thức thường được các ngôn sứ sử dụng để nói đến “ngày của Thiên Chúa,” khi Thiên Chúa sẽ cưới Israel về. Trong câu này, Chúa Giêsu nói đến hai khoảng thời gian: thời gian của Ngài [“khi chàng rể đang còn ở với họ”] và sau thời gian của Ngài  [“khi chàng rể bị cất đem đi rồi”]. Trong khoảng thời gian chờ đợi, các môn đệ sẽ đối diện với nhiều bách hại và thử thách, lúc đó họ sẽ ăn chay để khóc than cho những vấp ngã của họ khi không chiến thắng thử thách và bách hại. Như vậy, trong câu trả lời của Ngài, Chúa Giêsu nói đến thực tại mà người môn đệ phải đối diện, đó là, họ phải chịu nhiều đau khổ như Chúa Giêsu đã chịu. Để đứng vững, họ phải giữ chay lòng, tức là, sống đời sống yêu thương, vui tươi, đổi mới và tha thứ.

THỨ BẢY

LẠY CHÚA, CON CẦN CHÚA!

(Is 58:9b-14; Lc 5:27-32)

Lời Chúa ngày hôm nay tiếp tục kêu gọi chúng ta trở về với Ngài. Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia nhắc nhở dân Israel về những điều kiện họ cần phải thực hiện để được trở về và tái thiết lại đất nước của họ. Những điều kiện đó là: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục” (Is 58: 9b-10). Khi họ thực hiện những điều này, thì Thiên Chúa “sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi, giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng; xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp. Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm như mạch suối không cạn nước bao giờ” (Is 58:11). Qua lời sấm này, Ngôn sứ Isaia hàm ý nói rằng: Những người bước đi trong đường lối của Chúa và được Chúa hướng dẫn, họ sẽ không thiếu thốn gì và họ sẽ trở thành nguồn phúc cho nhiều người. Nói cách khác, những người sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa sẽ luôn mang niềm vui và an bình cho người khác. Sự hiện diện của chúng ta mang niềm vui hay nỗi buồn cho anh chị em của chúng ta?

Bài Tin Mừng hôm nay có thể được chia ra làm hai phần: phần đầu trình thuật về ơn gọi của Lêvi (Lc 5:27-28); và phần hai nói về cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu về việc Ngài dự tiệc trong nhà Lêvi với “đông đảo những người thu thuế.” Chúng ta chỉ hiểu được ơn gọi làm môn đệ của Lêvi khi chúng ta liên kết đoạn Tin Mừng hôm nay với đoạn đi trước, đó là đoạn nói về việc Chúa Giêsu có quyền tha tội (Lc 5:17-26). Khi liên kết hai đoạn lại với nhau, Thánh Luca ngụ ý nói rằng: Quyền tha tội của Chúa Giêsu biến một tội nhân thành môn đệ và tông đồ của Ngài. Hay nói ngược lại, một tội nhân trở thành môn đệ của Chúa Giêsu khi đến với Ngài với lòng sám hối để được tha tội.

Chi tiết đầu tiên chúng ta suy gẫm, đó là, việc Chúa Giêsu gọi Lêvi trong khi ông đang làm công việc hằng ngày của mình: “Đức Giêsu trông thấy một người thu thuế, tên là Lêvi, đang ngồi ở trạm thu thuế” (Lc 5:27). Lêvi đang làm công việc mà nhiều người xem là tội lỗi và bất công. Khi trông thấy “tội nhân Lêvi,” Chúa Giêsu hát câu điệp khúc: “Hãy theo tôi” (Lc 5:27), như Ngài đã nói với các môn đệ đầu tiên (Lc 4:19, 22). Và chúng ta thấy Lêvi đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách dứt khoát như các môn đệ khác. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta? Điều này ngụ ý nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa Giêsu đến gọi mỗi người chúng ta trở thành môn đệ của Ngài trong mọi hoàn cảnh: Có người đang trong tình trạng thánh thiện, nhưng cũng có người đang trong tình trạng tội lỗi. Yếu tố quan trọng quyết định ơn gọi làm môn đệ là chúng ta có dám như Lêvi [và các môn đệ khác]: “Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người” (Lc 5:28). Từ bỏ tất cả trong trường hợp của Lêvi là từ bỏ lối sống bất chính và tội lỗi của mình. Đây chính là sứ điệp của mùa chay: Hãy từ bỏ lối sống tội lỗi để đón Chúa Giêsu [và những người khác, những người chúng ta không thích] vào “nhà” ngồi chung bàn tiệc với chúng ta.

Theo các học giả Kinh Thánh, một trong những chủ đề của Tin Mừng Thánh Luca là “bàn tiệc.” Chủ đề này được trình bày trong Tin Mừng hôm nay: “Ông Lêvi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài” (Lc 5:29). Kinh Thánh trình bày cho chúng ta việc Thiên Chúa luôn muốn ở với các tạo vật của Ngài, nhất là con người. Việc “ở lại” của Thiên Chúa với con người thường được diễn tả qua bàn tiệc với niềm vui của lễ hội, của tình bạn và hạnh phúc. Trong bối cảnh Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca muốn nói rằng: Nơi nào có sự hiện diện của Chúa Giêsu là có sự tha thứ, hiệp nhất, tiệc mừng, tình yêu, niềm vui và hạnh phúc. Tuy nhiên, ai muốn ngồi vào dự bàn tiệc này phải mở rộng cõi lòng để đón nhận những người “bạn” của Chúa Giêsu, đó là, những người tội lỗi và “không thánh thiện.” Chính vì không chấp nhận thực tế này, nên “những người Pharisêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giêsu rằng: ‘Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?’” (Lc 5:30). Thái độ của những người Pharisêu  có thể là thái độ của mỗi người chúng ta: Chúng ta có thể ngồi vào bàn tiệc với Chúa Giêsu, nhưng chúng ta không chấp nhận ngồi vào bàn với những người bạn của Chúa Giêsu, là những người làm chúng ta đau khổ, là những người chúng ta không thích. Khi chúng ta không muốn ngồi vào bàn cùng với những người Chúa Giêsu yêu mến [phường tội lỗi], thì chính chúng ta loại chính mình ra khỏi bàn tiệc của Ngài.

Hơn nữa, trong tư tưởng của người Do Thái, ngồi ăn chung không đơn giản là chia sẻ của ăn với nhau, nhưng chính là chia sẻ sự sống. Khi Chúa Giêsu ngồi ăn với những người tội lỗi, Ngài chia sẻ sự sống thần linh của Ngài cho họ, để thánh hoá và chữa lành những vết thương mà tội lỗi đã gây ra cho họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5:31-32). Sự hiện diện của những người Pharisêu [không ngồi trong bàn tiệc nhưng trách Chúa Giêsu về việc ngồi ăn với những người tội lỗi] và câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy có một sự khác biệt giữa việc dùng bữa của người Do Thái [đặc biệt là Pharisêu] và những người môn đệ của Chúa Giêsu. Đối với người Do Thái, họ chỉ dùng bữa với những người “thánh thiện,” còn bàn tiệc của các môn đệ của Chúa Giêsu là bàn tiệc của những tội nhân, bàn tiệc của những người từng là kẻ thù của nhau. Nhưng nhờ Chúa Giêsu họ đã trở nên một với nhau. Nơi nào mọi người chia sẻ bàn ăn [dù nghèo nàn, thiếu thốn] với niềm vui và hiệp nhất yêu thương, ở nơi đó có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Còn nơi nào trong bàn ăn [sang trọng với rượu ngon thịt béo] có sự giận hờn, chia rẽ và ghen tỵ, ở đó những người ngồi ăn chung không dành một chỗ cho Chúa Giêsu trong bàn ăn của họ.

Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm là câu trả lời của Chúa Giêsu cho những người Pharisêu: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ăn năn” (Lc 5:31). Câu này nhắc nhở mỗi người chúng ta về thực tại của đời mình.

Ai trong chúng ta cũng là người tội lỗi và cần đến Chúa Giêsu; ai trong chúng ta cũng cần phải sám hối ăn năn mỗi ngày. Chỉ những người hiểu được thực tại này của cuộc sống của mình mới có con tim khiêm nhường, cảm thông, và không lên án anh chị em của mình khi họ lỗi phạm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng, ân sủng và tình thương của Chúa Giêsu thì nhưng không, nhưng đòi hỏi ở chúng ta một sự canh tân sám hối, metanoia. Điều này được trình bày trong hình ảnh của Lêvi. Ông bỏ hết mọi sự, bỏ lối sống tội lỗi của ông để chỉ có tìm niềm vui trong Chúa Giêsu và chia sẻ niềm vui được cứu độ với những người bạn của mình nơi bàn tiệc. Hãy chỉ tìm niềm vui trong Chúa và chia sẻ niềm vui có Chúa cho mọi người.

Exit mobile version