Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần 5 Mùa Thường niên _A

166

TUẦN V MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Thứ Hai Tuần V Thường Niên

PHÚC ÂM: Mc 6, 53-56

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

Suy niệm: GIÁO HỘI VÌ NGƯỜI NGHÈO

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc… Tuy nhiên, mẹ trở nên một người có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo và những người bện tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến 9 ngàn người.

Chúng ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay: “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành…”.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng thuật lại cho chúng ta khái quát về những hoạt động của Đức Giêsu. Ngài làm việc không biết mệt mỏi, đi đến đâu là thi ân giáng phúc tới đó.

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy, bởi Ngài thấy được những vấn đề cấp thiết mà họ đang mong đợi.

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu, không có con đường nào khác để loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa chọn người nghèo, người sống bên lề, vùng biên của xã hội.

Nếu Giáo Hội quên đi điểm căn cốt, bản lề này, thì Giáo Hội đánh mất đi bản chất và ý nghĩa của sự hiện diện.

Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra là: trong khi phục vụ, chúng ta có thái độ nào với họ? Phải chăng là trưởng giả, hay chỉ phục vụ gián tiếp? Không! Phục vụ như Chúa, đến để phục vụ chứ không phải được phục vụ. Tinh thần Kitô giáo không chấp nhận phục vụ hình thức, hay trên môi miệng, hoặc chỉ dừng lại nơi tư duy mà không đi đến hành động cụ thể!

Lạy Chúa Giêsu, xin thương ban cho chúng con mặc lấy tâm tư của Chúa. Sẵn sàng trở nên điểm tựa và niềm hy vọng cho những ai cần sự giúp đỡ của chúng con. Amen.

****************

Thứ Ba Tuần V Thường Niên

PHÚC ÂM: Mc 7, 1-13

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: ‘Hãy thảo kính cha mẹ’, và ‘ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử’. Còn các ngươi thì lại bảo: ‘Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)’, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

Suy Niệm: Tìm cái cốt yếu (trích Mỗi ngày một tin vui)

Nhiều tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của Ðạo. Chẳng hạn người Ấn giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Ðấng Mêsia đến; ngay cả Gioan Tẩy giả cũng coi việc dìm người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến. Người Do thái còn đi xa hơn đến mức đưa nghi thức tẩy rửa ấy vào từng chi tiết đời sống thường ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa chén đĩa, bình lọ…

Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Ðối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: “Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Ðiều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.

Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào Ðền thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế nhưng trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.

***************

Thứ Tư Tuần V Thường Niên

PHÚC ÂM: Mc 7, 14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Suy Niệm: Trong và ngoài

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Giáo huấn của Chúa thật sâu xa. Vừa theo luật tâm lý, giúp ta hiểu cặn kẽ con người, giúp đánh giá chính xác hành vi. Vừa đưa ra chuẩn mực về đời sống đạo đức. Chúa không nhìn bên ngoài nhưng nhìn vào đáy sâu tâm hồn. Chúa dạy ta sống không phải bằng hình thức bên ngoài nhưng bằng tâm tình phát xuất từ đáy lòng. Nên hôm nay Chúa đưa ra chỉ dẫn tuyệt đối: Mọi sự tốt xấu đều từ trái tim mà ra.

Thật vậy Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp. Xấu xa là từ lòng người. Mọi trái cây đều tốt. Nhưng vì bà E-và ăn với ý đồ đen tối: muốn trở nên bằng Chúa. Chính ý đồ đen tối đã tẩm nọc độc vào trái cây. Khiến gây nên đau khổ chết chóc cho loài người (năm lẻ).

Người làm sao chiêm bao làm vậy. Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Với kẻ có tâm hồn xấu xa thì mọi sự bên ngoài dù có tốt đẹp cũng trở thành xấu xa. Còn với người có tâm hồn tốt lành thì mọi sự bên ngoài dù có xấu xa cũng trở thành tốt đẹp. Ta hãy nhìn gương các thánh tử đạo. Vua chúa xấu xa bắt đạo. Các ngài bị hành hạ bằng những hình khổ đáng ghê tởm. Nhưng đối với các ngài tất cả là ơn phúc. Bị bắt bớ là dịp được gặp Chúa. Bị hành hình là được chia sẻ với đau khổ của Chúa. Chịu chết là được về với Chúa. Những gì xấu xa đã trở nên tốt lành. Vì tâm hồn các ngài tốt lành.

Trái tim quyết định tất cả. Sa-lo-mon khôn ngoan nhất trần đời vì ông nhìn thấu tâm can con người. Vì thế mà phân biệt được phải trái. Vì thế mà xét xử công minh (năm chẵn).

Trái tim quyết định tất cả. Người khôn ngoan sẽ lo thanh tẩy trái tim hơn rửa bên ngoài chén đĩa.

Trái tim quyết định tất cả. Sự xấu chỉ xâm nhập nếu tôi cho phép. Vì thế tôi kiên quyết không thỏa hiệp với cái xấu. Để mọi cử chỉ lời nói của tôi đều tốt lành.

********************

Thứ Năm Tuần V Thường Niên

PHÚC ÂM: Mc 7, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

Suy Niệm1:  Kiên nhẫn – khiêm nhường trong đức tin vững mạnh

Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

Câu chuyện

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp. Thế là ông lấy hết sức lực, và la lớn: “Lạy Chúa”.

Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa”. Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế”. “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất”. Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra”. Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!” (Trích “Món quà giáng sinh”).

Suy niệm

Người phụ nữ đau khổ vì hằng ngày chứng kiến cảnh quỷ dữ hành hạ con gái bà. Bà đã tìm thầy chạy thuốc khắp nơi rồi nhưng con bà vẫn không khỏi…

Chúa Giêsu đang ở vùng đất Tyrô và Siđon, rất xa quê hương bà. Thế nhưng bà đã tìm đến gặp Ngài. Tuy nhiên có sự ngăn cách giữa bà và Chúa Giêsu vì Người là người Do Thái mà người Do Thái lại không tiếp xúc với dân ngoại như bà, dòng giống Syrôphênixi. Tuy nhiên bà đến và phục lạy Ngài. Phục lạy là thái độ chỉ dành cho thần minh, như vậy có nghĩa là bà đã tôn vinh Ngài là vị thần.

Chúa Giêsu hiền lành, luôn chạnh lòng trước nỗi khổ của người dân (x. Mc 6,30-34) và sẵn sàng đáp trả… Thế nhưng Ngài có vẻ dửng dưng, thoái thác trước nỗi khổ tâm của người đàn bà đau khổ này. Thái độ của Chúa Giêsu đáp lại làm cho chúng ta bị “sốc”: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó” (Mc 7,27). Nhưng bà càng tỏ ra cương quyết và đặt trọn niềm phó thác vào tình thương cùng với quyền năng của Ðức Giêsu: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái” (Mc 7,28).

Với cách đối xử có vẻ phân biệt chủng tộc, giai cấp… và dường như dửng dưng khinh miệt, nhưng trước niềm tin mạnh của bà, Ngài vẫn ban cho bà điều mà bà kêu xin. Ngài muốn dạy cho bà và qua đó cũng dạy cho chúng ta sự kiên nhẫn và khiêm nhường trong một đức tin vững mạnh trải qua gian nan thử thách.

Xin Chúa cho chúng ta một đức tin kiên trung, đức cậy trông vững vàng, để không khó khăn thử thách nào có thể tách chúng ta ra khỏi đức tin vào Ngài.

Ý lực sống: “Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 24,13).

********************

Suy niệm 2: NIỀM TIN CẦN ĐƯỢC TÔI LUYỆN QUA THỬ THÁCH

Giuse Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

Trong đời sống đức tin của mỗi người, nhiều khi chúng ta phải mần mò đi trong đêm tối! Có những lúc tưởng chừng như Chúa đang bỏ rơi chúng ta! Có khi cuộc đời chúng ta đi vào ngõ cụt với biết bao thách đố mà chúng ta khó hòng vượt qua.

Tuy nhiên, khi chúng ta không còn biết cậy dựa vào ai, thì lúc đó Chúa có mặt và giải thoát chúng ta cách nhiệm mầu. Điều quan trọng là chúng ta có dám lỳ trong đức tin hay không mà thôi.

Tin Mừng hôm nay thuật lại gương sáng của người đàn bà dân ngoại. Một mẫu gương về niềm tin tuyệt đối vào Đức Giêsu. Bà thừa biết mình là người dân ngoại, nên không thể có lý do gì để xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà. Thế nhưng, niềm tin và sự hy vọng đã làm cho bà vượt qua hàng rào ngăn cách đó, nên bà đã mạnh dạn đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà.

Quả thật, Đức Giêsu đã không chữa ngay, mà ngược lại, Ngài đã nói một câu rất nặng để thử thách đức tin của bà, Ngài nói: “Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà mà nén cho lũ chó con” (Mc 7,27). Người phụ nữ này đã không nản lòng, nhưng qua câu nói đó, bà lại càng khiêm tốn và đức tin mỗi lúc lại mãnh liệt hơn, bà thưa với Đức Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con” (Mc 7, 28).

Chính đức tin mãnh liệt như thế, nên phép lạ đã xảy ra. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương và cứu thoát con gái bà khỏi Quỷ ám.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy kiên trì, trung thành và vững tin nơi Chúa. Bởi lẽ đức tin chỉ có thể trưởng thành khi chúng ta trải qua đau khổ và được tôi luyện bằng nghịch cảnh. Nhờ thế, chúng ta mới có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, đồng thời xứng đáng trở nên chứng nhân về niềm hy vọng cho con người hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con vững tin vào quyền năng của Chúa. Amen.

********************* 

Thứ Sáu Tuần V Thường Niên

PHÚC ÂM: Mc 7, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh, Người ta đem đến cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephpheta!”, nghĩa là “Hãy mở ra!”, tức thì tai anh ta mở ra và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

Suy Niệm : Mở và đóng

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Con người có tương giao. Nhưng không phải tương giao nào cũng tốt. Vì thế tâm hồn cần có cánh cửa để đóng mở hợp lý. Mở ra với những tương giao tốt đẹp làm phong phú bản thân. Đóng lại với những tương giao nguy hiểm để bảo toàn tâm hồn.

Bà E-và không đóng mở hợp lý. Bà mở ra với loài rắn độc nguy hiểm. Bà lắng nghe những lời phỉnh nịnh đường mật. Bà mở sang thế giới tội lỗi. Nên thấy mình thật xấu xa. Khi mở sang thế giới ma quỉ, bà đóng lại tương giao với Thiên Chúa. Đóng lại cánh cửa ân phúc. Cắt đứt mối tình cha con. Và trốn tránh Thiên Chúa. Trốn tránh cả tha nhân bằng che phủ mình đi. Khi còn tương giao tốt đẹp với Thiên Chúa bà tự do và thành thực. Đến với Chúa và tha nhân làm phong phú và tươi đẹp nên không cần che giấu. Nhưng khi đóng chặt tâm hồn bà chìm trong tội lỗi. Thấy mình thật nghèo nàn nhơ uế. Không dám gặp gỡ. Trốn trong bụi rậm. Không còn chân thực. Nên phải che giấu (năm lẻ).

Đó cũng là trường hợp của Sa-lo-mon.Khi còn tương giao tốt đẹp với Thiên Chúa và toàn dân ông càng thêm phong phú. Nhưng khi đóng lại với Thiên Chúa ông trở nên nghèo nàn. Càng chiếm hữu thêm dục vọng và tà thần càng thấy trống rỗng, nghèo túng và khô cằn. Ông giống như manh áo rách. Ông đánh mất đất nước. Đánh mất dân chúng (năm chẵn).

Chúa Giê-su đến mở ra cánh cửa tâm hồn. E-pha-ta. Chúa đóng kín cánh cửa xấu xa. Giam kín ma quỉ và dục vọng. Để con người mở ra tiếp xúc với Thiên Chúa và tha nhân. Để lắng nghe và trao đổi. Để làm cho tâm hồn phong phú. Tương giao với Thiên Chúa là tương giao thân tình và quan tâm chăm sóc. Hãy chiêm ngắm Chúa “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh”. Thật là thân tình. Thật là quan tâm chăm sóc. Cảnh tượng này gợi nhớ đến thuở tạo dựng Thiên Chúa nặn nên con người, thổi hơi vào lỗ mũi, ban sự sống cho con người. Hôm nay Chúa Giê-su ban sự sống mới. Sự sống trong tương giao. Con người mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa và đồng loại. Để cho đi và lãnh nhận trong một trao đổi phong phú. Để dứt khoát với thái độ đóng kín vào bản thân đầy nghèo nàn, tù túng và tàn lụi. Để mở ra trong một đời sống mới phong phú, tự do và triển nở.

***********************

 Thứ Bảy Tuần V Thường Niên

PHÚC ÂM: Mc 8, 1-10

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”. Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no!” Và Người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát. Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền mà đến miền Đal-ma-nu-tha.

Suy Niệm : Hãy biết chạnh lòng thương

Ngọc Biển SSP

Khi kể về ơn gọi của Mẹ Têrêxa Calcutta với người nghèo, người ta không quên được sự kiện làm cho mẹ thay đổi ơn gọi. Từ một giáo viên dạy địa lý và là một nữ tu của Dòng Nữ Vương Ðức Bà Loreto, mẹ đã trở thành một nữ tu khiêm tốn, chuyên phục vụ người nghèo khi quyết định rời bỏ dòng cũ để lập nên Hội Dòng Nữ Tu Bác Ái với hy vọng xoa dịu nỗi khổ cho biết bao con người ngày đêm kêu cứu. Vì thế, mẹ đã trở thành người nổi tiếng về lòng bao dung, nhân hậu.

Nguyên nhân để mẹ trở thành vĩ nhân là vì mẹ đã cảm nghiệm sâu xa lời kêu cầu của Đức Giêsu trên Thánh Giá “Ta khát” qua hình ảnh của một người già nghèo khổ, trong sân ga tàu hỏa khi mẹ lên đường để đi chữa bệnh.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Qua phép lạ này, chúng ta thấy nổi bật lên sự quảng đại, lòng nhân hậu, thương xót của Đức Giêsu với đám đông dân chúng.

Thấy một đám đông đang theo mình, Đức Giêsu đã không thể yên vị được khi thấy họ vất vưởng và bụng đói, nên Ngài đã nói với các môn đệ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” (Mc 8, 2). Và Đức Giêsu đã làm phép lạ để nuôi dân chúng.

Hình ảnh thật đẹp về một Đức Giêsu: Ngài nhìn đám đông với một ánh mắt đăm chiêu, trìu mến và lộ rõ sự thao thức! Ngài nói với các môn đệ về nỗi thao thức của mình, rồi lường trước được những mối nguy hại khi họ bụng đói ra về! Và cuối cùng Ngài đã hành động để nuôi dân chúng.

Ngày hôm nay, vẫn có nhiều chương trình phúc lợi xã hội, nhưng không biết có phải là những chương trình được khởi đi từ tình thương hay là một dịp thuận tiện để những kẻ chuyên tham nhũng, bóc lột có cơ hội trục lợi cá nhân và đoàn thể khi nhân danh điều thiện???

Thật vậy, nếu mọi việc công ích, không được khởi đi từ lòng nhân hậu và tình thương thì sớm muộn gì nó cũng sẽ bị những ý đố đen tối, xấu xa xen vào và bị biến thái.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mặc lấy tấm lòng từ bi nhân hậu và thương xót của Chúa, để chúng con biết đem Chúa đến với anh chị em chúng con. Amen.