SUY NIỆM Lời Chúa Các bài suy niệm Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm)

Các bài suy niệm Lễ Chúa Giáng Sinh (Lễ Đêm)

.

ƯỚC MƠ ĐÊM GIÁNG SINH

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Con người luôn có những hoài bão và ước mơ. Hoài bão về quá khứ huy hoàng. Ước mơ về tương lai tương sáng. Chính những hoài bão, ước mơ ấy đã thúc đẩy con người dấn thân để xây dựng một thế giới an bình, thịnh vượng hơn. Cho dù phải đương đầu với thách đố và hiểm nguy.

Ngày 28/8/1963, mục sư Martin Luther King đã phát biểu bài diễn văn hay nhất thế kỷ với tựa đề: “Tôi có một giấc mơ”. Ông đã nói với hơn 200.000 người, trước đài tưởng niệm Lincohn. Ông kêu gọi thực hiện sự bình đẳng giữa những người khác màu da và chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc. Nhân đó, ông đã nói về những ước mơ của mình, cũng là ước mơ của nhiều người Mỹ:

Ông nói:

Tôi có một ước mơ, tôi mơ tới một ngày, trên những ngọn đồi vùng Georgia, con cái của nô lệ và chủ nô cũ có thể ngồi với nhau như anh em.

Tôi có một ước mơ, tôi mơ tới một ngày bốn người con của tôi sẽ  được sống trong một đất nước, nơi chúng sẽ không bị đối xử bằng màu da mà bằng chính thực chất con người chúng.

Diễn văn đầy nhiệt huyết của ông đã gióng lên hồi chuông, hiệu triệu và cổ vũ nhân loại đứng lên chống lại việc đối xử bất công, tàn nhẫn đối với một lớp người, vốn đã ăn sâu, bám rễ trong lòng xã hội Mỹ.

Ước mơ của ông dường như đã thành hiện thực khi mà Nước Mỹ đã bỏ phân biệt màu da. Người da đen có thể làm chính trị và thậm chí đã giữ chức vụ to lớn nhất Nước Mỹ là đương kim tổng thống Obama.

Vâng, ước mơ hòa bình, ước mơ được đối xử bình đẳng vẫn là ước mơ của con người qua mọi thời đại. Ước mơ không chỉ là một tương lai chưa đến mà là một hoài bão của con người mong được hưởng những quyền lợi mà tạo hóa ngay từ lúc tạo dựng đã ban tặng. Thiên Chúa tạo dựng ban đầu mọi sự đều tốt đẹp. Vạn vật và con người là khúc nhạc  hài hòa. Con người tràn ngập hạnh phúc trong vườn địa đàng. Thế nhưng, mọi sự đã trở thành hoài bão khi mà con người quay lưng lại với Đấng tạo hóa. Con người theo ma quỷ để từ chối quyền tối thượng của tạo hóa. Hậu quả là con người sinh ra phải đau khổ và phải chết. Tệ hại hơn nữa là vạn vật đứng lên chống lại con người.

Ước mơ được sống lại giây phút ban đầu nơi vườn địa đàng đã đi vào trong lòng người qua muôn thế hệ. Con người vẫn khao khát. Con người vẫn chờ mong được sống những giây phút bình yên hoan lạc của vườn địa đàng. Lời cầu nguyện trời cao hãy đổ sương mai và ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu đời dường như là một khắc khoải khôn nguôi của con người mong đến ngày trời đất giao hòa, vạn vật và con người cùng chung niềm vui vì có Thiên Chúa hiện diện giữa con người.

Hôm nay chúng ta tưng bừng mừng kỷ niệm việc Con Thiên Chúa xuống trần. Thiên Chúa đã đến trần gian để thực hiện ước mơ hoài bão cho con người, để giao hòa trời với đất,  để trao lại cho con người  quyền làm con Thiên Chúa. Từ nay Thiên Chúa không xa cách biệt con người. Từ nay Thiên Chúa chọn chốn dương gian làm ngôi nhà của mình. Thiên Chúa ở giữa nhân loại để những ai đón nhận Người thì Ngài sẽ ban cho họ ngập tràn ánh sáng của niềm vui và hạnh phúc. Bình an và hoan lạc sẽ ngự trị nơi tâm hồn những ai thành tâm thiện chí đi tìm Ngài.

Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc vì nhờ cuộc viếng thăm này mà thân phận con người được đổi thay. Từ nay Con Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Đồng thời, khi con người chấp nhận mở lòng cho Thiên Chúa viếng thăm cũng là lúc mời gọi con người dũ bỏ bỏ thói đời tội lỗi để mặc lấy con người mới trong ân sủng của Chúa. Đó là cách chúng ta có bình an tâm hồn. Bình an là điều ai cũng khao khát chờ mong. Nhưng bình an không ở xa mà ở tại lòng người thiện chí, biết thành tâm thiện chí theo đường thiện, biết tìm kiếm Chúa là cứu cánh đời mình.

Cuộc sống hạnh phúc biết bao khi có Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chính Ngài sẽ ban tặng bình an cho con người. Chính Ngài sẽ dẵn dắt con người đi trong chân lý vẹn tuyền. Nhưng tiếc thay, con người vẫn cứ nuôi dưỡng hoài bão tự tạo bình an theo ý mình. Ai cũng đòi theo ý mình nên thế gian thường nổi loạn, chống đối và loại trừ nhau. Con người lấy mình làm trung tâm nên chẳng ai nghe ai, chẳng ai chịu ai dẫn đến một thế giới hỗn độn, cá lớn nuốt cá bé, người người tranh chấp tị hiềm nhau.

Ước gì lời cầu chúc Noel an bình là lời cầu chân thành ước mong cho Thiên Chúa ở cùng nhân loại chúng ta. Cầu cho mọi người trên trái đất đều tin nhận Thiên Chúa. Cầu cho mọi người biết quy phục Thiên Chúa và dành cho Ngài quyền tối thượng dẫn dắt nhân loại đi trong bình an và hạnh phúc.

Ước gì Thiên Chúa là Đấng Emanuel luôn ở cùng chúng ta và ban bình an hạnh phúc cho muôn nhà trong đêm Giáng sinh hôm nay. Amen

.

ĐÊM SÓNG GIÓ

Is 9, 2-7; Tt 2,11-15; Lc 2,1-14

Lm. Jos.DĐH, GP. Xuân Lộc

Sóng gió cuộc đời, dù cường độ mạnh hay nhẹ, ngay cả bậc hiền tài cũng khó tránh khỏi những dao động. Biển có sóng gió, núi cao hiểm trở, cuộc đời vui buồn, tình yêu có hờn dỗi, dẫu có đồng ý hay không, mọi người vẫn chấp nhận như một qui luật. Đêm tối không trăng sao, không đèn nến, bước đi trong tăm tối như vậy, ai mà không khiếp sợ. Tiền nhân chúng ta thường an ủi con cháu : chớ thấy sóng kẻo ngã tay chèo. Đúng, cuộc đời đầy sóng gió, bóng tối đầy gian nan sợ hãi, mỗi người đều rất cần đến sự trợ giúp cảm thông, hầu vững bước trên con đường đi tới hạnh phúc.

Văn sĩ Nguyễn Thái Học nói rằng : nếu cuộc đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt nào có hơn ai. Chúng ta là con cái Chúa, chúng ta được mời gọi để sống yêu thương như người đã biết Chúa. Biển có sóng, tình yêu đôi lứa có một chút lãng mạn sẽ thú vị hơn. Cuộc đời có vui có buồn, tình yêu vợ chồng có giận có hờn, người ta thấy cần có tha thứ, cần đến sự hiểu biết về nhau, tình yêu gia đình như thế sẽ có giá trị hơn. Đêm nay Con Thiên Chúa xuống trần làm người, Ngài không chọn sinh ra ở hang đá bò lừa để lấy làm vui. Đức Maria và Thánh Giuse không có ý mạo hiểm, hay tìm nơi hang đá nghèo hèn để hạ sinh Con Thiên Chúa cho lãng mạn. Tất cả sóng gió ấy, chúng ta chỉ hiểu và cảm nhận được bằng tình yêu thương.

Tâm lý tự nhiên không ai thích làm bạn với người giầu mà keo kiêt; chưa ai bị xem là đau khổ, khi mà bước đi tới đâu cũng có bạn bè yêu thương quí mến ! Người đời chủ trương : tránh xa con bò 3 bước, cách xa thằng say 3 mét, và tránh nhà báo 30 mét, chẳng qua cũng là nói đến sự cẩn thận…. Với người Kitô hữu chúng ta, xa tránh cám dỗ : tiền, tình, tài, càng nhiều càng tốt, làm việc chăm chỉ hàng ngày và đến sát gần với Chúa nhiều hơn để cầu nguyện, mới là người khôn ngoan. Dân Do Thái khi xưa mong chờ Chúa đến, nhưng họ mong Chúa phải đến theo ý họ : muốn Con Thiên Chúa phải thuộc dòng tộc tư tế, muốn Con Thiên Chúa phải làm vua để thống trị muôn dân nước….

Với tình cảnh khó nghèo, trong tư cách một hài nhi bé nhỏ mà Ngài đến viếng thăm dân Người : “Đức Maria hạ sinh một con trai đầu lòng, quấn tã và đặt nằm trong máng cỏ”. Nhưng hài nhi này đến viếng thăm chúng ta với những nét đặc biệt, mang một niềm hy vọng, như bài đọc thứ nhất đã nói : Ngài sẽ là “cố vấn tuyệt vời”, Ngài sẽ là “Người Cha muôn thuở, là Ông Vua thái bình”, “là Nguồn sự sống đơi đời”. Ngài sẽ là “một mầm mống bình an”. Một hài nhi như vậy thật là quí báu, phải là Đấng mà thiên hạ mong đợi.

Trong một đất nước, một gia đình có Vua, có Cha, có bình an, đó phải là phúc lành thật sự làm cho người giầu, người nghèo, bình dân hay tri thức đều vui mừng. Đêm nay, đêm sóng gió đối với Giuse và Maria, nhưng Hài Nhi Giêsu đã biến đổi tất cả những ưu tư sợ hãi để đến ở luôn nơi tâm hồn chúng ta. Ngài trân trọng tự do của từng người và Hài Nhi chờ mong tất cả các em bé nhận được sự chăm sóc, quan tâm, yêu thương của các bậc làm cha mẹ…..

Chỉ người Kitô hữu mới tìm kiếm tình yêu nơi một em bé sinh ra trong cảnh hang bò lừa nghèo hèn; và thật là vô vị, nếu người Kitô hữu đi tìm Thiên Chúa làm người trong của cải vất chất ! Chỉ trong tình yêu thương, người ta mới hiểu gia đình hạnh phúc không thể xây dựng trên vật chất địa vị, nhưng là xây dựng trên hoà thuận, bình an trong tình yêu Giêsu.

Người Tín hữu Kitô sẽ không tìm sự đơn sơ thánh thiện nơi người giàu có, tài giỏi, nhưng là tìm nơi người có đức hạnh, có nhiệt huyết cháy bỏng yêu thương, đó cũng là dấu hiệu những người đang yêu nhau. Dấu lạ kỳ diệu mà các mục đồng đã được chỉ dẫn là : “các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, đặt trong máng cỏ”, tình yêu và bình an là ở nơi em bé đang lan truyền đến người thiện tâm. Ấy vậy : tình yêu không có gì là mới mẻ, Mầu nhiệm Giáng sinh sẽ chẳng bao giờ là cổ, là xưa, đối với niềm tin Kitô giáo của chúng ta.

Đêm nay, sẽ thật là đêm đen đối với những ai cố tình từ chối tình yêu của Thiên Chúa; bằng mắt thường, người ta chỉ nhận thấy nơi hang đá bò lừa có ông bà nghèo hèn và một em bé. Đêm nay sẽ được gọi là “Đêm Thánh” đối với những ai có mong chờ, có chuẩn bị hoặc khao khát đơn sơ như các chú mục đồng, Con Thiên Chúa là Đấng Thánh, Ngài giáng trần cứu độ nhân loại khỏi tội lỗi.

Đêm nay cũng được gọi là “Đêm ân tình” vì chính sự giáng sinh của Con Thiên Chúa là sự bình an cho mọi tâm hồn thiện chí biết xây dựng hòa bình. Ân tình hệ tại giữa người ban tặng và người lãnh nhận không phải cam kết, cầu kỳ, mà là tự nguyện yêu thương. Chúng ta không cử hành lễ Giáng sinh như để kỷ niệm một biến cố đã qua mà ta không muốn quên, nhưng “Tình Người Giáng Sinh” là lễ đón mừng một hồng ân hiện đã và đang được ban cho loài người. Tình Người Giáng Sinh mời mỗi người hãy sống niềm vui hay niềm tin của mình hòa trong yêu thương ? Hy vọng của mỗi người, mỗi tâm hồn chúng ta sẽ tìm gặp nơi Bé Hài Nhi Giêsu thật đơn sơ nhưng đầy hồng ân cứu độ.

Chỉ khi nào tất cả mọi người được yêu thương, chúng ta mới có thể mừng lễ Giáng Sinh thật đầy đủ ý nghĩa. Chỉ khi nào tất cả những người bé nhỏ, yếu ớt, nghèo hèn được kính trọng, ta mới có thể hát vang lời ca : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

 

CON CHÚA GIÁNG SINH LÀM NGƯỜI ĐỂ CON NGƯỜI LÀM CON CHÚA

Lm. Giuse Nguyên

(Lễ Nửa Đêm)

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô Giáng Sinh,

Đấng đến với con người trong cảnh cô đơn, đêm khuya giá lạnh và nghèo túng !

Trong đêm rất thánh này, Máng Cỏ thành Belem mời gọi chúng ta hãy đến với Hài Nhi Giêsu thật tốt lành, từ bi nhân hậu. Từ trời cao, Chúa xuống thế làm người, mặc xác thân người trần thế, lâm cảnh cơ hàn, sống với con người để cứu thoát con người khỏi vòng tội lụy, nhưng loài người đã chối bỏ. Đêm nay, chúng ta hãy chiêm ngắm Hài Nhi mới sinh rất dịu dàng, hãy mềm lòng để Ơn Sủng Chúa Giáng Sinh ngấm sâu vào lòng trí chúng ta.

Thật vậy, qua bài Tin Mừng của Thánh sử Luca mà chúng ta vừa nghe, cứ hình dung hoàn cảnh Ông Giuse và Bà Maria từ Nazareth, theo lệnh nhà Vua trở vế quê Belem miền Giuđêa kê khai nhân khẩu. Ở đây, trong đêm khuya giá lạnh, Bà Maria đến giờ hạ sinh Thánh Tử. Vì không tìm được quán trọ, bị lâm cảnh bơ vơ không nơi nương tựa, Ông Bà phải vào tạm trú trong Hang Đá là “cái chuồng bò” mà dân du mục nhốt súc vật qua đêm. Bà Maria đã hạ sinh Con Trai đầu lòng trong hang của súc vật, không người trợ giúp, thiếu thốn mọi sự cần thiết, Bà lấy khăn che đầu làm tã bọc con, Bà đặt Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ….! Trần gian im lặng đắm chìm trong màn đêm u tối, dân thành Belem lạnh lùng chối bỏ Đấng đến cứu chuộc mình. Chỉ có các chú mục đồng đang tỉnh thức canh giữ đoàn vật được hạnh phúc chứng kiến hoàn cảnh Chúa Giáng Sinh. Họ là dân lao động nghèo khổ, đơn sơ thấp hèn trong xã hội, nhưng lại là những “vị khách quý”, những người ưu tiên hàng đầu trên thế giới làm chứng nhân cho cuộc Giáng Sinh khi họ được Thiên Thần hiện đến báo tin mừng trọng đại : “Này ta báo anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng của toàn dân. Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh trong thành vua Đa-vít. Anh em cứ dấu này mà nhận biết Người : một Hài Nhi mới sinh, bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ…” Các mục đồng là hạng người “tỉnh thức” không mê ngủ, đơn sơ thấp hèn, nhưng được Thiên Thần tuyển chọn ưu tiên đón nhận tin vui nên họ hối hả lên đường đi tìm gặp Đấng Cứu Thế ….Khi đã đến nơi, họ thấy Bà Maria, Giuse và Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ, đúng như lời Thiên Thần báo.

Tình cảnh này khiến chúng ta vô cùng xúc động và cảm mến biết chừng nào ! Và phải ngỡ ngàng kêu lên rằng : Ôi lạy Giavê, Thiên Chúa Toàn năng ! Con người là gì mà Chúa cần biết đến ? Phàm nhân là chi mà Chúa đã phải bận tâm ? (Tv. 143,3). Để cứu con người, Thiên Chúa xuống thế làm người trong hang đá hôi tanh của chiên bò, bị dân thành Belem chối bỏ. Từ giây phút đầu tiên của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã đi vào cảnh ngộ cô đơn, nghèo túng của kiếp người, đồng hành với mọi khổ đau của cuộc sống con người trần gian. Máng Cỏ Belem là dấu hiệu tiên báo cây Thập Tự trên đồi Calvê. Chỉ vì tình yêu, Chúa đã yêu thương đến cùng, yêu thương đến tận “máng cỏ hôi tanh” của cuộc đời chúng ta. Một tình yêu đắm say như điên dại, nhưng là “lễ tiệc cưới muôn thuở” của Trời Đất đang tỏa sáng khắp thế gian, ngấm sâu vào lòng trí chúng ta với bao nhiêu tâm tình cảm mến tri ân và nhiều suy nghĩ, bởi vì : Con một Thiên Chúa xuống thế làm người để con người được làm con Thiên Chúa.

  1. Giáng sinh , “Hôn Lễ vĩnh cửu” của Trời Đất : Tình Chúa Tình Người

Tổ tông Ađam-Evà đã phạm tội đánh mất hạnh phúc ban đầu, lãnh nhận sự chết, nhưng Đấng Tạo Hóa luôn yêu thương cứu vớt. “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế …” Ngôi Lời Thiên Chúa giáng sinh làm người, chia sẻ mọi cảnh ngộ của cuộc sống con người. Thiên Chúa muốn nhập cuộc, đi sâu vào nội tâm của từng người và ban một sức mạnh siêu nhiên không thể phai mờ, một tình yêu mãnh liệt kỳ diệu không thể có gì so sánh.

Một câu chuyện cổ từ ngàn xưa kể rằng : Có một vị Vua rất tài đức, cai trị đất nước được thái bình thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc ấm no, người người ăn ngon mặc đẹp, không có ai đói khổ. Nhà Vua chỉ có một cậu trai duy nhất là hoàng tử có quyền kế vị. Hoàng tử đã khôn lớn, đẹp trai học giỏi, thông minh tài đức vẹn toàn. Vua đã già muốn truyền ngôi cho Hoàng Tử tiếp nối vua cha lãnh đạo đất nước, nhưng Hoàng Tử lại chưa kết hôn. Nhà Vua truyền lệnh các quan đi tìm kiếm các thiếu nữ trẻ đẹp, sắc nước hương trời để “làm mai ” cho hoàng tử. Các quan ra đi khắp nơi, đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, rồi rước về cung điện một “đoàn hoa hậu thế giới ” để trình diện cho hoàng tử chọn mặt gửi vàng. Cô nào cũng đẹp dễ sợ : đôi mắt bồ câu, lông mày lá liễu, mà lúm đồng tiền….!! Nhưng lạ thay, giới thiệu cô nào, hoàng tử cũng lắc đầu từ chối…? Một hôm, bầu trời nắng dịu gió mát, hoàng tử xuất cung đi dạo khắp phố phường, tình cờ đi đến phố Hàng Cá, hoàng tử “nhéo lông mi ” nhìn vào quán ăn thấy một cô gái đang ngồi ăn nhậu với bọn trai đàng điếm. Hoàng tử vội bước tới ngồi cạnh cô nàng trò truyện rất vui vẻ hồi lâu. Rồi bất ngờ, hoàng tử ngỏ ý muốn kết hôn với cô nàng…Trời ơi! Cô này thì xấu ơi là xấu, xấu gớm xấu ghê, xấu hết chỗ chê : Cô ta có đôi mắt diều hâu, lông mày lá chuối, môi cong như mỏ quạ, chửi tục nói phét, gian dối lừa gạt…ai cũng chê cười xa tránh. Quả thật, cô ta xấu người xấu nết nhưng hoàng tử lại đem lòng yêu thương cô nàng và ngỏ lời tâm sự : Anh yêu em lắm, anh biết em xấu người xấu nết, ăn chơi đàng điếm, xảo quyệt lừa dối mọi người……nhưng anh quyết yêu em trọn đời để từ nay cả hai chúng ta nên một, cùng yêu nhau sống bên nhau, cùng nhau nên tốt, nên thánh thiện….Các quan trong triều biết chuyện đều thất vọng buồn bực, nhung biết nói sao bây giờ, ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên ? Thế là nhà Vua phải quyết định làm lễ thành hJHHHhHhhhôn cho Hoàng tử….!

Cuộc lễ thành hôn này thật kỳ lạ, có một không hai trên mặt dất, nhưng lại là “cột mốc vĩ đại” của lịch sử nhân loại, đó chính là đại Lễ Giáng Sinh, cuộc Hôn Lễ Vĩnh Cửu tại Hang Đá Belem đã hơn 2000 năm. Vị Hoàng Tử tuyệt vời là Đức Giêsu Kitô Con một Thiên Chúa ; Cô Gái xấu người xấu nết chính là loài người tội lỗi chúng ta ! Thật vậy, lễ Giáng Sinh là ngày của tình, tình Chúa tình người. Lễ Giáng Sinh là ngày Trời Đất giao hòa, như lời Tiên tri Isaia đã nói: “Ngươi không còn phận bạc duyên đơn, nhưng được gọi là Ái khanh lòng ta hỡi. Ngươi được tiếng là duyên thắm chỉ hồng, vì Thiên Chúa đã sủng ái nhà ngươi, lập hôn ước cùng xứ sở ngươi (Is.62,5).

Chúa đã yêu thương đến cứu con người, nhưng tại sao đến nay trần gian vẫn còn là bể khổ ? Chỉ vì con người đánh mất tình thương. Tình thương là món quà quý Thiên Chúa ban tặng con người. Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Chúa. Ở đâu tình thương can thiệp, ở đó đau khổ tan biến. Tình thương xóa hết hận thù, tẩy sạch mọi bất công gian ác. Chân lý tuyệt vời này phát xuất từ Máng Cỏ Belem. Chúng ta hãy nghiêng mình thờ lạy Hài Nhi Giêsu là sợi giây tình thương nối kết trời và đất.

     2- Giáng sinh là biến cố của kẻ nghèo lao động, đơn sơ khiêm hạ.

Nghèo là đặc điểm của Chúa Giáng Sinh. Để các mục đồng không đi lạc đường vào nơi giàu có sang trọng, Thiên Thần báo tin đã phải căn dặn tỉ mỉ : “Các ngươi cứ dấu này mà nhận ra Người : Một Hài Nhi mới sinh, bọc trong khăn, nằm trong máng cỏ”. Nhóm mục đồng là những người tỉnh thức, lao động nghèo khổ, đơn sơ thấp hèn trong xã hội, nhưng họ đã trở thành “hàng xóm láng giềng” của Đấng Cứu Thế, là những “vị khách quý” duy nhất của Bà Maria, Giuse và Hài Nhi Giêsu mới sinh. Đừng ai đi tìm Chúa Giáng Sinh trong cảnh giầu sang, lắm tiền nhiều của. Thiên Chúa không chọn cảnh giáng sinh trong lâu đài, biệt thự hoành tráng, trong cung điện nguy nga ! Bởi lẽ của cải vật chất làm mê hoặc lòng người. Loài người dễ xa cách Chúa vì ham danh chuộng lợi, trọng giàu khinh nghèo, thực tế tất cả chỉ là hạng người ích kỷ, tự giam mình trong tư lợi. Chúa giáng sinh làm Người để tỏa sáng công lý và tình thương cho những “người còn bước đi trong u tối, cư ngụ miền thâm u sự chết “( Bài đọc I). Vì vậy, Thánh Augustinô đã kêu lên : “ Hỡi con người, hãy thức dậy, Thiên Chúa vì ngươi mà làm người ”. Thiên Chúa cao sang vô cùng, nay trở nên người phàm trần dưới thân hình một Hài Nhi yếu ớt. Thiên Chúa quyền phép vô cùng, sáng tạo mọi loài, nay lâm cảnh cơ hàn của người trần thế. Sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa thật nhiệm mầu, vượt quá trí hiểu của chúng ta.

Ôi, đẹp đẽ thay, Đại Lễ Giáng Sinh !

Là vẻ đẹp của mọi nơi mọi thời. Vẻ đẹp thu hút đám mục đồng Belem hối hả đi tìm. Vẻ đẹp thu hút ba Đạo Sĩ từ xa đến thờ lạy Chúa nhờ ngôi sao lạ. Vẻ đẹp thu hút cụ già Simeon đang mong chờ Đấng Cứu Tinh. Vẻ đẹp của cảnh nghèo túng cô đơn, bị loài người chối từ. Ánh mắt dịu dàng của Chúa Hài Nhi trong máng cỏ đã thu hút biết bao tâm hồn nam nữ quảng đại hiến dâng cuộc đời để phục vụ những con người bơ vơ cùng khốn. Máng Cỏ Belem đã nảy sinh biết bao vị Đại Thánh trong Giáo Hội. Vì thế, Đại Lễ Giáng Sinh đã trở nên đẹp đẽ biết chừng nào !

Chúng ta hãy vui lên ! Chân-Thiện-Mỹ chính là Đức Kitô. Lễ Giáng Sinh là ngày Ánh Sáng bừng lên trong đêm tối. Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đó là nguồn sống đích thực của nhân loại, không ai bị lọai trừ ra khỏi niềm vui này.

-Bạn nghèo khổ ư ? Hãy vui lên, Chúa Giáng sinh đã lâm cảnh cơ hàn như chúng ta.

-Bạn giàu sang ư ? Chúa Hài Nhi đang mời gọi hãy sống quảng đại, hòa nhịp với những trái tim vị tha bác ái.

-Bạn đau khổ ư ? Từ Máng cỏ Belem dến cây Thập Giá, Chúa gánh chịu mọi khổ đau của loài người chúng ta.

-Người có tội, hãy vui lên. Chúa giáng sinh đến cứu vớt tội nhân, chờ đón từng người đến lãnh nhận ơn tha thứ.

-Người thánh thiện, hãy vui lên, vinh quang Thiên Chúa đang tỏa sáng, bao trùm khắp trần gian khổ ải !

– Hết thảy chư dân , hãy vui lên, Chúa tình yêu đang tha thiết mời gọi hết thảy mọi người đáp trả tình yêu.

Thiên Chúa không còn xa cách cao vời nữa, nhưng đã đến với chúng ta bằng xương thịt của người trần thế, ở trước mặt chúng ta, bên cạnh chúng ta, cùng đồng hành trên mọi nẻo đường với con người. Trong Đêm Thánh này, chúng ta hảy mềm lòng trước Máng Cỏ Belem để thờ lạy Đấng Cứu Thế đã giáng sinh, hợp cùng ca đoàn các Thiên Thần để tung hô : Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

.

CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Trầm Thiên Thu

Hơn hai ngàn năm qua, câu chuyện Chúa giáng sinh vẫn luôn là đề tài nóng hổi đối với mọi người – dù lương hay giáo, kể cả người vô thần. Câu chuyện Chúa giáng sinh không còn là chuyện riêng của Công giáo hoặc Kitô giáo, mà là câu chuyện mang tính quốc tế, toàn cầu. Lễ Giáng Sinh có điều gì đó kỳ diệu, khó tả, ai cũng phải công nhận điều này.

Thật vậy, trong cái se lạnh hoặc giá lạnh (tùy vùng hoặc quốc gia), lòng người chợt lắng đọng, và có cái gì đó chộn rộn theo ánh đèn chớp nháy trên cửa các nhà dọc theo đường đi, từ thành thị tới thôn làng. Tiếng nhạc chuông leng keng khiến người ta không thể bình lặng như những ngày thường khác. Những bài nhạc đời liên quan Chúa giáng sinh vang lên khắp nơi. Nào là thánh ca: “Đêm Đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” (Hang Belem – cố NS Hải Linh), nào là nhạc đời: “Một mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời…” (Mùa Sao Sáng – cố NS Nguyễn Văn Đông). Tất cả đều hướng về Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế.

Và tất cả như hợp lời với các thiên thần trong đêm xưa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Đêm Con Thiên Chúa giáng sinh là đêm thánh, đêm hồng phúc, đêm an bình, đêm giao hòa đất trời.

Chúng ta phải chuẩn bị thế nào để mừng Chúa giáng sinh? Thánh nữ Faustina cho biết rằng chính Đức Mẹ đã dạy Chị cách chuẩn bị Lễ Giáng Sinh: Con hãy cố gắng thinh lặng và khiêm nhường để Chúa Giêsu, Đấng ngự trong tâm hồn con, có thể nghỉ ngơi. Hãy tôn thờ Ngài trong tâm hồn con, đừng ra khỏi nội tâm của con (Nhật Ký, số 785). Im lặng và khiêm nhường là cách Chúa muốn chúng ta mừng đón Ngài trong đêm nay.

Vương Nhi Giêsu là Đấng bảo vệ Chân Lý và Công Lý, Ngài đến để giải thoát những người thấp cổ, bé miệng, bị áp bức, kêu chẳng ai thèm nghe. Kinh Thánh đã xác định: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa” (Is 9:2-4).

Con người luôn có “máu yêng hùng”, muốn chứng tỏ bản lĩnh của mình, khởi đi từ Lòng Tự Ái. Cái Tôi lớn lắm, nên trong Anh ngữ, đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít luôn Viết HOA là I [ai]. Ghê thật! Đáng sợ thật! Vì thế mà người ta luôn muốn đè bẹp người khác bằng nhiều cách, với những kiểu rất tinh vi, khó có thể nhận ra. Đè bẹp nhau, trù giập nhau là áp bức nhau.

Cái thói kiêu ngạo đã ăn sâu vào máu thịt con người từ khi Ông Bà Nguyên Tổ phạm tội, và chúng ta “được” di truyền cái “tố chất” đó. Khó nhất là “từ bỏ mình”. Từ đó, nhân loại trở nên bất an, bất bình, bất công, không còn hòa bình vì không tôn trọng công lý, do đó Thiên Chúa Cha phải sai chính Con Một Ngài đến giải thoát những người bị áp bức: “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó. Chúa Thượng đã gửi một lời đến Gia-cóp, lời ấy rơi xuống Ít-ra-en” (Is 9:6-7).

Liên quan tội lỗi và thói kiêu ngạo, đại nhân Khổng Tử phân tích thật chí lý: “Đạo làm quân tử có bốn điều đúng: [1] Mạnh dạn khi làm điều nghĩa, [2] Nhũn nhặn khi nghe lời can gián, [3] Lo nghĩ khi nhận bổng lộc, [4] Cẩn thận đối với việc sửa mình”. Làm người cho đúng danh nghĩa thật là khó, càng làm lớn càng khó “nên người”. Đừng ảo tưởng!

Con Thiên Chúa đến thế gian, chia vui sẻ buồn với chúng ta, niềm hạnh phúc quá lớn lao đối với phàm nhân chúng ta! Vâng, chắc chắn không ai có thể trì hoãn cái sự sung sướng như vậy, nên tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người” (Tv 96:1-3).

Không chỉ con người mới là thụ tạo, các loài khác cũng là thụ tạo của Thiên Chúa, vì thế chúng cũng có trách nhiệm phải tôn vinh Ngài: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96:11-13).

Chỉ có Đấng chí minh và chí thiện mới có quyền xét xử, Đấng đó là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng Cứu Tinh.

Tất cả là hồng ân, chúng ta được lãnh nhận “miễn phí” thì chúng ta cũng phải trao tặng cho tha nhân như vậy. Chúng ta cũng không có quyền đòi hỏi hoặc áp đặt Thiên Chúa theo ý mình. Ơn Cứu Độ là do Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa được ứng nghiệm tỏ tường từ đêm Con Thiên Chúa giáng sinh – đêm hồng phúc kỳ diệu.

Thánh Phaolô nói: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2:11-12). Thiên Chúa đã ban Ơn Cứu Độ, chúng ta có được cứu độ hay không là tùy thuộc chính chúng ta, vì Thiên Chúa cho chúng ta quyền tự do. Thánh Phaolô giải thích: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:13-14). Quả thật, theo Chúa không thể cứ tà tà mà đi, cứ ung dung mà sống, chắc chắn không thể cứ thoải mái vô tư được. GIỮ ĐẠO quá dễ, SỐNG ĐẠO khó lắm!

Tác giả đã dày dạn kinh nghiệm nên luôn cầu xin: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5). Dĩ nhiên chúng ta cũng không thể làm gì khác hơn!

Trình thuật Lc 2:1-14 quá quen thuộc, chí ít thì mỗi năm chúng ta cũng được nghe một lần. Càng nhiều tuổi thì càng nghe nhiều. Trình thuật ngắn gọn nhưng hàm chứa cả câu chuyện giáng sinh.

Thánh sử Luca cho biết: Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đa-vít tức là Belem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Các mục đồng thật diễm phúc và họ là các chứng nhân đầu tiên về việc Con Chúa giáng sinh làm người. Họ diễm phúc vì họ đơn sơ, thật thà, hèn mọn,…

Và rồi bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Để đúng luật thơ lục bát, người Việt có cách nói: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Cũng cùng ý nghĩa của Kinh Thánh. Nhưng câu này khiến chúng ta suy tư: Tôi có xứng đáng được Chúa thương? Tôi đã thiện tâm chưa mà đòi Chúa thương?

Đêm nay, nhìn vào hang đá, chúng ta thấy Thiên Chúa cao sang bậc nhất, thế mà Ngài chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo hèn tới mức không thể nghèo hèn hơn. Bài học nghèo thật khó học! Một phần khó học thuộc “bài học nghèo” vì cách làm hang đá ngày nay sang trọng quá, nhìn vào cứ ngỡ là khách sạn cao cấp. Do đó, ý tưởng về sự nghèo khó dần dần trở nên lỗi thời, nhất là trong xã hội ngày nay, người ta coi trọng vật chất và đánh giá con người qua hình thức bề ngoài. Đệ Nhất Hàn Vương Giêsu dạy chúng ta bài học nghèo, nhân đức nghèo khó, nhưng người ta lại “ngại” học bài học này!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết chấn chỉnh tâm hồn thành thiện tâm để xứng đáng được Ơn Bình An của Chúa Hài Đồng. Xin thương nâng đỡ những người không nhà cửa, không thân nhân, phải vất vưởng giữa cuộc đời này. Xin giúp chúng con sống nhân đức khó nghèo đúng Tôn Ý Ngài. Xin thương ban phúc lành cho nước Việt Nam nhỏ bé của chúng con vẫn còn chịu nhiều bất công xã hội. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Nhi Giêsu, Đấng Kitô cứu độ chúng con. Amen.

THIÊN CHÚA GIẢI THOÁT VÀ NÂNG CAO PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc

Vào ngày 2/12/2014 vừa qua, tại Vatican, Đức Thánh Cha Fancisco đã cùng với các lãnh đạo tôn giáo khác tuyên bố quyết tâm loại bỏ các hình thức nô lệ mới vào năm 2020.

Thưa quý OBACE, người ta cứ tưởng xã hội càng văn minh, tiến bộ, khoa học công nghệ càng phát triển thì sẽ càng giải phóng và nâng cao phẩm giá con người. Tuy nhiên, trong thực tế, dường như con người không những không được giải phóng mà còn bị ràng buộc và bị nô lệ bởi chính sự văn minh tiến bộ của mình. Cũng vì lợi nhuận, con người đã tạo ra nhiều hình thức nô lệ mới để thỏa mãn lòng tham và ham muốn của mình như : nô lệ trẻ em, nô lệ lao động, nô lệ tình dục, nô lệ ma túy… Tất cả đang xúc phạm trầm trọng đến phẩm giá của con người.

Trong khung cảnh xã hội dường như tiền bạc, hưởng thụ, vật chất đang thống lĩnh và gây sức ép trên tất cả mọi người thì Tin Mừng Giáng Sinh hôm nay nói với chúng ta rằng : Con Thiên Chúa xuống thế làm người để giải thoát và nâng cao phẩm giá con người. Thiên Chúa làm người để cho con người được làm con Thiên Chúa.

Thiên Chúa nâng cao phẩm giá và giải thoát con người như thế nào ? Trong bài đọc một, tiên tri Isaia loan báo về một cuộc giải thoát khỏi sự áp bức bên ngoài và sự ràng buộc bên trong con người. Isaia đã loan báo về ngày một Người Con sẽ được ban tặng cho nhân loại, chính Đấng ấy sẽ là Đấng giải thoát con người. Lời tiên báo này được công bố khi Israel đang chịu cảnh nô lệ tại Babylon. Họ đang phải sống một cuộc sống khổ cực vì lao động nô dịch, chịu cảnh dùi cui và đế giày của dân ngoại hành hạ. Trước mắt dân Israel là một bầu trời đen tối, không lối thoát. Trong khung cảnh dường như tuyệt vọng như thế, lời tiên tri Isaia mở ra cho Israel một tia hy vọng. Lời hứa của Thiên Chúa như làm cho họ hồi sinh, những lời của vị tiên tri như tăng sức mạnh cho họ. Vị tiên tri loan báo : Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm sẽ được thấy ánh sáng huy hoàng… vì cái ách đè lên vai họ, ngọn roi của kẻ áp bức đè lên cổ của họ đều bị bẻ gẫy… những chiếc giày lộp cộp và những chiếc chiến bào đẫm máu sẽ bị quăng vào lửa.

Đấng thực hiện tất cả những điều đó chính là một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta. Ngài chính là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Ông Vua thái bình. Ngài sẽ đem lại một thời đại mới, thời đại hòa bình, an vui, hạnh phúc. Ngài sẽ giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ và gánh nặng của cuộc sống đang đè trên vai họ. Vị Hoàng Tử Hòa Bình sẽ đem đến cho con người sự bình an và hạnh phúc từ trong tâm hồn, giải phóng con người khỏi sự nô lệ của ma quỷ và khỏi gánh nặng của tội lỗi, là nguyên nhân dẫn đến đau khổ và bất hạnh. Ông đã đề cập đến vị Hoàng Tử sẽ chia sẻ gánh nặng cho con người và thiết lập một Vương quốc của tình yêu thương trên thế giới này.

Vị Hoàng Tử ấy chính là Hài Nhi Giêsu, là Ngôi Hai Thiên Chúa, mà đêm nay, chúng ta cùng nhau kỷ niệm ngày Ngài Giáng sinh làm người. Thiên Chúa đã thể hiện tình yêu đến cùng dành cho nhân loại. Ngài đã cho Con của Ngài đến làm người để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của Satan và tội lỗi, là nguyên nhân khiến cho con người trở thành nô lệ.

Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể có nhiều cách để đưa Con của Ngài vào trần gian. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không chọn bất cứ cách nào khác, mà Ngài lại chọn để Con của Ngài được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Thiên Chúa không gửi Con Ngài vào trong một gia đình danh giá, giàu sang, nhưng lại trao Con của Ngài cho Giuse và Maria, một cặp vợ chồng nghèo. Việc làm này cho thấy Thiên Chúa muốn tôn vinh đời sống của các gia đình, tôn vinh phẩm giá và địa vị của những người cha, người mẹ. Đặc biệt, Thiên Chúa tôn vinh người phụ nữ, vì một Thiên Chúa mà lại chấp nhận để làm con một người phụ nữ, được chăm sóc, bú mớm bởi người phụ nữ.

Không chỉ nâng cao phẩm giá của gia đình mà qua việc giáng sinh làm người, Thiên Chúa đã nâng cao phẩm giá con người và giá trị của thân xác con người. Thiên Chúa cho thấy rằng, thân xác con người không phải chỉ là một tảng thịt, cũng không phải là một ngục tù và càng không phải là một công cụ để cho con người thoả mản những tham lam, khát vọng và dục vọng, hay để khai thác, lợi dụng lẫn nhau. Mang thân phận con người dưới hình hài của một Hài Nhi bé nhỏ cần sự chở che, bao bọc của người khác, cần sự yêu thương và hơi ấm của người khác, Thiên Chúa muốn dạy cho con người biết yêu con người, biết quan tâm, chia sẻ và biết bảo vệ lẫn nhau.

Tin Mừng giải thoát được trao ban trước hết cho các Mục đồng. Họ là những thành phần thấp kém, bị coi thường và bị lạm dụng nhiều nhất trong xã hội. Sứ thần đã báo tin cho các mục đồng : Các anh đừng sợ, này đây ta báo cho các anh một tin mừng trọng đại,…: Hôm nay, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho anh em trong thành của vua Đavit. Sự xuất hiện của Sứ thần và lời ca hát của các thiên thần : Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương, cho thấy rằng, khi thế gian này ngập tràn sự bình an của Thiên Chúa, thì Danh Chúa sẽ được tôn vinh, được mọi người biết đến. Đồng thời, khi mọi người cùng nhau tôn vinh Danh Chúa, thì bình an của Thiên Chúa sẽ đến ở trong tâm hồn và trên cả thế giới này.

Như thế, để cho Tin Mừng Giáng Sinh hôm nay thực sự là một tin mừng giải thoát và nâng cao phẩm giá con người, thì mỗi chúng ta phải cộng tác và đón nhận Tin Mừng này, hay nói rõ hơn là phải đón nhận chính vị Hoàng Tử Bình An là Hài Nhi Giêsu vào tâm hồn mình. Thiên Chúa chỉ có thể giải thoát chúng ta khi chúng ta đưa tay ra cầm lấy tay Ngài. Ngài chỉ có thể nâng chúng ta lên khi chúng ta dám trao phó cuộc đời cho Thiên Chúa.

Thưa quý OBACE, Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của tội lỗi, khỏi sự trói buộc của Satan và Ngài nâng cao phẩm giá, địa vị con người chúng ta lên địa vị là con Thiên Chúa. Đó là một vinh dự và là niềm hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, để đáp lại tình thương của Thiên Chúa, chúng ta cần phải giữ mình, không để mình bị tái rơi vào vòng nô lệ của ma quỷ và tội lỗi, cũng không làm giảm giá trị và địa vị là con Thiên Chúa của mình. Để có thể giữ được phẩm giá con người và con Chúa, Thánh Phaolô dạy rằng : Ân sủng của Thiên Chúa đã được ban tặng để trợ giúp chúng ta. Ân Sủng đó đòi chúng ta phải dám từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục là những nguyên nhân biến mình trở thành nô lệ ; đồng thời, hãy sống chừng mực, công chính và đạo đức để bảo vệ phẩm giá của mình, cũng đừng bao giờ biến người khác thành nô lệ dưới bất cứ hình thức nào.

Thực tế cho thấy, con người đã lạm dụng tự do của mình để chà đạp tự do của người khác, tìm lợi ích cho mình mà gây tổn hại đến người khác. Họ dùng tiền bạc, thế giá của mình để mua chuộc và biến người khác thành nô lệ, thành những công cụ đáp ứng cho sự thỏa mãn của mình. Báo đài cho thấy các hình thức nô lệ tình dục, buôn bán trẻ em và phụ nữ, bóc lột sức lao động trẻ em đang diễn ra khủng khiếp trên thế giới. Nó được mặc cho một cái vỏ là những dịch vụ du lịch, hợp tác lao động và nhân đạo. Đức Thánh Cha kêu gọi : Chúng tôi kêu gọi tất cả những người có tín ngưỡng, các vị lãnh đạo, chính quyền, xí nghiệp, mọi người nam nữ thiện chí, hãy quyết liệt hỗ trợ và tham gia các phong trào chống nạn nô lệ tân thời dưới mọi hình thức”

Sự xúc phạm phẩm giá con người cũng đang diễn ra ngay trong các gia đình, khi vợ chồng không biết tôn trọng nhau, không nhìn nhận nhau là xương thịt của mình. Họ đối xử với nhau bằng bạo lực thể xác lẫn tinh thần. Sự coi thường phẩm giá con người đang diễn ra qua các hình thức bạo lực giữa cha mẹ với con cái, bạo lực nơi nhà trường, bạo lực trong các tương quan xã hội. Trầm trọng hơn hết là tình trạng nạo phá thai gia tăng. Tại các bệnh viện lớn ở Việt Nam, có khoảng 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm. Trong đó có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Chúng ta đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai. Cũng theo thống kê của Ủy ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình, ở nước ta, cứ 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai bị phá bỏ. Mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, tương ứng với đó là con số bào thai bị phá bỏ.

Đó là tội ác, tội giết người, là hình thức xúc phạm phẩm giá con người trầm trọng nhất. Cùng với mọi người thành tâm thiện chí, chúng ta có trách nhiệm phải đẩy lùi sự xúc phạm phẩm giá này và loại trừ khỏi xã hội chúng ta các hình thức nô lệ mới này nay. Hãy bắt đầu bằng việc tôn trọng bản thân, tôn trọng mình là hình ảnh của Thiên Chúa và cũng biết tôn trọng mạng sống, sức khỏe và thân xác người khác như thế. Vì thân xác con người đã được con Thiên Chúa mang lấy và mạng sống con người đã đượcThiên Chúa cứu chuộc.

Xin cho niềm vui Giáng sinh thúc đẩy chúng ta thành những con người đem bình an của Thiên Chúa đến cho thế giới hôm này để Thiên Chúa được vinh danh và con người được ơn cứu độ. Amen.

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc

Exit mobile version