SUY NIỆM Đàng Thánh Giá Suy niệm Đàng Thánh Giá Đức Thánh Cha cử hành tại Roma_2016

Suy niệm Đàng Thánh Giá Đức Thánh Cha cử hành tại Roma_2016

Bài suy niệm cho buổi đi đàng thánh giá năm nay do ĐHY Gualtiero Bassetti, 74 tuổi, TGM giáo phận Perugia, trung Italia, biên soạn. Ngài chọn chủ đề là: ”Thiên Chúa là lòng thương xót”.

 ** Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình

 Trích Tin Mừng theo Thánh Marco (Mc 15,14-15): Philatô nói với họ: ”Ông này có làm điều ác gì đâu?”. Nhưng họ càng kêu to hơn: ”Đóng đinh nó vào thập giá!. Philatô vì muốn làm hài lòng đám đông, nên đã tha Baraba cho họ và sau khi cho đánh đòn Chúa Giêsu, ông giao Ngài cho họ đóng đinh”.

 Chúa Giêsu đơn độc trước quyền lực của trần thế này. Và ngài tùng phục đến cùng công lý của loài người.

 Philatô đứng trước một mầu nhiệm mà ông không hiểu nổi. Ông tự hỏi và yêu cầu giải thích. Ông tìm một giải pháp, và có lẽ đi đến ngưỡng cửa sự thật.

 Nhưng ông quyết định không vượt qua ngưỡng cửa ấy. Giữa sự sống và sự thật, ông chọn mạng sống của mình. Giữa hôm nay và vĩnh cửu, ông chọn ngày hôm nay.

 Đám đông chọn Baraba và bỏ rơi Chúa Giêsu. Đám đông muốn công lý trên trần thế và chọn kẻ hành quyết: đó là người có thể giải thoát họ khỏi áp bức và gông cùm của nô lệ. Nhưng công lý của Chúa Giêsu không hoàn thành với một cuộc cách mạng: nhưng tiến qua gương mù thập giá. Chúa Giêsu đảo lộn mọi kế hoạch giải phóng vì Ngài vác lấy sự ác của trần thế và không lấy ác báo ác. Và loài người không hiểu nổi điều này. Họ không hiểu rằng công lý của Thiên Chúa có thể đến từ một chiến bại của con người.

 Ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta là thành phần của đám đông đang hô lên: ”Đóng đanh nó vào thập giá!”. Không ai có thể cảm thấy bị loại ra ngoài. Thực vậy, đám đông và Philatô bị một cảm giác nội tâm đè nặng, chung cho mọi người, đó là sự sợ hãi. Sợ bị mất an ninh của mình, tài sản, mạng sống. Nhưng Chúa Giêsu chỉ dẫn một con đường khác.

 Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm thấy giống những nhân vật ấy dường nào. Bao nhiêu sợ hãi trong đời sống chúng con! Chúng con sợ điều khác biệt, sợ người ngoại quốc, người di dân. Chúng con sợ tương lai, những điều bất trách, lầm than. Bao nhiêu sợ hãi trong gia đình chúng con, trong môi trường làm việc, các thành thị chúng con.. Có lẽ chúng con sợ cả Thiên Chúa: nỗi sợ bị Chúa phán xét nảy sinh từ sự thiếu lòng tin, từ sự không biết lòng Chúa, nghi ngờ lòng thương xót của Ngài. Lạy Chúa Giêsu, Chúa bị sự sợ hãi của loài người lên án, xin giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ sự phán xét của Chúa. Xin làm cho tiếng thét lo âu của chúng con không cản trở chúng con cảm thấy sức mạnh dịu dàng lời mời gọi của Chúa: ”Các con đừng sợ!”

 ** Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác thập giá

 Trích Tin Mừng theo thánh Marco (15,20): Sau khi nhạo cười Ngài, họ lột áo đỏ của Ngài và cho Ngài mặc lại y phục như trước, rồi dẫn Ngài ra ngoài để đóng đanh.

 Sợ hãi đã tuyên án, nhưng không thể tỏ lộ và nấp sau những thái độ trần tục: nhạo cười, hạ nhục, bạo hành và chế riễu. Giờ đâu Chúa Giêsu mặc lại y phục của Ngài, hình ảnh con người của Ngài, đau thương và rướm máu, không có áo ”đỏ” nào nữa, cũng chẳng có dấu hiệu nào về thiên tính của Ngài. Và như Philatô giới thiệu Ngày: ”Này là người!” (Ga 19,5).

 Đó là thân phận của bất kỳ ai đi theo Chúa. Kitô hữu không tìm kiếm sự hoan hô của trần thế hoặc sự ủng hộ của đám đông. Kitô hữu không dua nịnh và không nói những lời dối trả để chinh phục quyền bính. Kitô hữu chấp nhận sự chế nhạo và hạ hục vì yêu mến sự thật.

 ”Sự thật là gì?” (Ga 18,38), đó là câu Philatô hỏi Chúa Giêsu. Đó là câu hỏi của mọi thời đại, là câu hỏi của thời nay. Đây là sự thật: sự thật của Con Người như các ngôn sứ đã báo trước (Xc Is 52,13-53,12), một khuôn mặt nhân atrần bị biến dạng biểu lộ lòng trung thành của Thiên Chúa.

 Trái lại, quá nhiều khi chúng ta đi tìm kiếm một sự thật rẻ tiền, tiện lợi cho đời sống chúng ta, đáp ứng những bất an của chúng ta hoạt thỏa mãn những lợi lộc thấp hèn nhất của chúng ta. Vì thế, rốt cuộc chúng ta hài lòng với chân lý nửa chừng hoặc có vẻ là sự thật, để cho mình bị lường gạt vì những ”tiên tri chuyên loan báo tai ương tệ hại nhất’ (Thánh Gioan 23) hoặc những kẻ mê hoặc khéo léo làm cho con tim của chúng ta không còn nhạy cảm vì những thứ âm nhạc mê hoặc kéo chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô.

 Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, đã đến kể cho chúng ta chân lý toàn vẹn về Thiên Chúa và về con người. Thiên Chúa là Đấng vác lấy thập giá trên vai )Xc Ga 19,17) và tiến bước theo con đường hiến thân theo lòng thương xót. Và con người thành đạt trong chân lý là người theo Chúa trên cùng con đường ấy.

 Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con được chiêm ngưỡng Chúa trong huy hoàng của thập giá, là điểm cao nhất trong mạc khải của Chúa, và cho chúng con nhận ra trong ánh quang huyền nhiệm của nhan Chúa những đường nét của khuôn mặt chúng con.

 ** Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống lần thứ I dưới sức nặng của thập giá

 Trích sách ngôn sứ Isaia (53,4-7): Ngài đã mang lấy đau khổ của chúng ta, vác lấy những đau đớn của chún gta, và chúng ta coi Ngài là người bị trừng phạt, bị Thiên Chúa đánh và hạ nhục. Bị ngược đãi, Ngài chấp nhận và không mở miệng: Ngài như chiên con bị dẫn tới lò sát tế, như con chiên im lặng trước thợ xén lông và không mở miệng ra.

 Chúa Giêsu là Chiên Con, được Ngôn Sứ tiến báo, Ngài đã vác lấy trên vai tội lỗi của toàn thể nhân loại. Ngài mang lấy sự yếu đuối của người được yêu thương, những đau khổ và tội phạm của họ, những gian ác và nguyền rủa. Chúng ta đi tới điểm cùng cực trong sự nhập thể của Ngôi Lời. Nhưng có một điểm càng sâu hơn nữa: Chúa Giêsu ngã xuống dưới sức nặng của thập giá này. Một vị Thiên Chúa ngã xuống!

 Trong sự ngã ấy chính Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa cho đau khổ của con người. Đau khổ đối với con người nhiều khi là một điều vô lý, tâm trí không thể hiểu được, là điềm báo chết chóc. Có những hoàn cảnh đau khổ dường như phủ nhận tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở đâu trong các trại tiêu diệt? Chúa ở đâu trong các hầm mỏ và các công xưởng nơi mà các trẻ em làm việc như nô lệ? Chúa ở đâu trong con thuyền ọp ẹp chìm trong Địa Trung Hải?

 Chúa Giêsu đã xuống dưới sức nặng của thập giá, nhưng Ngài không bị đè bẹp. Này đây Chúa Kitô ở đó. Bị gạt bỏ trong số những người bị gạt bỏ. Người rốt cùng trong số những người thấp hèn nhất. Bị đắm trong số những người bị chìm tàu.

 Thiên Chúa đảm nhận tất cả. Một vị Thiên Chúa vì yêu thương đã từ khước bày tỏ sự toàn năng của Ngài. Nhưng chính như thế, khi ngã xuống đất như hạt lúa, Thiên Chúa trung tín với chính mình: trung tín trong tình yêu.

 Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho tất cả những hoàn cảnh đau thương dường như không có ý nghĩa, cầu cho những người Do thái chết trong các trại tiêu diệt, cho các tín hữu Kitô bị giết vì người ta oán ghét đức tin, cho các nạn nhân bị bách hại đủ loại, cho các trẻ em bị biến thành nô lệ trong công việc, cho những người vô tội chết trong chiến tranh. Lạy Chúa xin làm cho chúng con hiểu có biết bao tự do và sức mạnh nội tâm trong mạc khải chưa từng có về thiên tính của Chúa, và nhân trần đến độ ngã xuống dưới thập giá tội lỗi của con người, nhưng thương xót thần thiêng dường nào đến độ đánh bại sự ác đang đè nén chúng con.

 ** Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài

 Trích Tin mừng theo thánh Luca (2,34-35.51): Ông Simeon chúc phúc cho họ và nói với Maria Mẹ Ngài: ”Này đây, Người ở đây để làm cho nhiều người trong Israel hư mất và sống lại và như dấu chỉ chống đối – và một lưỡi gương sẽ đâm thâu qua lòng bà, để những tư tưởng của nhiều người được tỏ lộ”. Mẹ Ngài giữ tất cả những điều đó trong tâm hồn.

 Thiên Chúa đã muốn rằng sự sống đến trong trần thế qua những đau đớn khi sinh ra: qua những đau đớn của một bà mẹ khi sinh con. Tất cả đều cần một bà Mẹ, kể cả Thiên Chúa. ”Ngôi Lời đã làm người” (Ga 1,14) trong cung lòng một Trinh Nữ. Mẹ Maria đã đón nhận Chúa, đã sinh Người ra tại Bethlehem, đã bọc Người trong tã, giữ gìn và làm cho Người lớn lên trong hơi ấm tình thương của Mẹ, và cùng với Người đến ”giờ”.

 Giờ đây dưới chân đồi Canvê, lời tiên tri của Simeon được ứng nghiệm: một lưỡi gươm đâu thâu qua tâm hồn Mẹ. Mẹ Maria nhìn lại Con, tiều tụy và kiệt lực dưới sức nặng của Thập Giá. Đôi mắt đau buồn, đôi mắt của Mẹ, tham phần đến cùng đau khổ của Con, nhưng đó cũng là đôi mắt đầy hy vọng, từ ngày Mẹ thưa ”xin vâng” khi sứ thần truyền tin (Xc Lc 1.26-38) đôi mắt ấy không hề ngừng phản chiếu ánh sáng thần linh chiếu tỏa rặng ngời trong ngày đau khổ ấy.

 Mẹ Maria là hôn thê của thánh Giuse và là Mẹ Chúa Giêsu. Hôm qua cũng như hôm nay gia đình là con tim đang đập của xã hội; là tế bào bất khả nhượng của đời sống chung; là cái cột trụ không thể thay thế được trong các quan hệ giữa con người với nhau; tình yêu mãi mãi sẽ cứu vãn thế giới.

 Maria là phụ nữ và là mẹ. Là thiên tài nữ giới và dịu dàng. Khôn ngoan và bác ái. Maria, như mẹ của tất cả mọi người, ”là dấu chỉ hy vọng cho mọid ân tộc đang chịu cái đau của sự hạ sinh”, là ”nữ thừa sai đến gần để tháp tùng chúng ta trong cuộc sống” và ”như một bà mẹ đích thực, Mẹ đồng hành với chúng ta, chiến đấu với chúng ta, va không ngừng phổ biến sự gần gũi của tình yêu Thiên Chúa” (Tông huấn Evang. gaudium, 286).

 Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Chúa, Mẹ đã là phản ánh đầu tiên lòng thương xót của Chúa Cha cho người Con thần linh của Mẹ, lòng thương xót ấy, mà tại Cana Mẹ đã xin Người biểu lộ ra. Nay Con của Mẹ đã tỏ cho chúng con Khuôn Mặt của Chúa Cha cho đến những hệ luận tột cùng của tình yêu, Mẹ âm thầm bước theo vết của Người, như nữ môn đệ đầu tiên của thập giá. Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ trung thành, xin Mẹ chăm sóc tất cả những trẻ mồ côi trên trái đất, xin bảo vệ mọi phụ nữ là đối tượng bị khai thác và bạo hành. Xin Mẹ khơi dậy những phụ nữ can đảm để mưu ích cho Giáo Hội. Xin soi sáng cho mỗi bà mẹ giáo dục con cái trong sự dịu dàng của Tình Yêu Thiên Chúa, và trong giờ thử thách, xin Mẹ tháp tùng hành trình của họ với sức mạnh âm thầm niềm tin của họ.

 ** Chặng thứ V ông Simon Cirene vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu

  Trích Tin Mừng theo thánh Marcô: ”Họ bắt một người từ ngoài đồng về đi ngang qua đó là ông Simon thành Cirene, cha của Alessandro và Rufo vác thập giá của Người. Họ điệu Chúa Giêsu tới Golgotha, nghĩa là núi Sọ” (Mc 15,21-22).

 Trong lịch sử cứu độ xuất hiện một người không xa lạ. Simon thành Cirene, một nông dân từ ngoài đồng trở về bị bắt vác thập giá. Nhung chính nơi ông là người đầu tiên mà ơn thánh tình yêu của Chúa Kitô hành động qua thập giá ấy. Và Simon bị bó buộc vác một gánh nặng chống lại ý muốn của mình sẽ trở thành một môn đệ của Chúa.

 Sự khổ đau không bao giờ được chờ đợi, khi nó gõ cửa nhà chúng ta. Xem ra luôn luôn là một bó buộc, đôi khi còn giống như một sự bất công nữa. Và nó có thể tìm thấy chúng ta hoàn toàn không được chuẩn bị.

 Một cơn bệnh có thể làm hỏng các dự tính cuộc sống của chúng ta. Một đứa trẻ tàn tật có thể khuấy động các giấc mơ của chức làm mẹ được ước ao biết bao. Nhưng nỗi khổ đau không muốn ấy gõ cửa trái tim con người một cách uy quyền. Chúng ta hành xử ra sao trước nỗi khổ đau của một người thân thương? Chúng ta chú ý tới tiếng kêu của người khổ đau nhưng sống xa chúng ta tới mức nào?

 Người Cirene giúp chúng ta bước vào trong sự giòn mỏng của tâm hồn con người và đưa ra ánh sáng một khía cạnh khác trong nhân tính của Chúa Giêsu. Cả đến Con Thiên Chúa cũng cần có ai đó giúp Người vác thập giá. Vậy người Cirene là ai? Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử loài người. Thiên Chúa tự làm bẩn tay với chúng ta, với các tội lỗi và các giòn mỏng của chúng ta. Ngài không xấu hổ. Và Ngài không bỏ rơi chúng ta.

 Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì ơn này: nó vượt quá mọi chờ mong và vén mở cho chúng con lòng thương xót của Chúa. Chúa đã yêu thương chúng con không phải chỉ tới độ trao ban ơn cứu rỗi cho chúng con, mà tới độ biến chúng con thành dụng cụ cứu rỗi. Trong khi thập giá Chúa trao ban ý nghĩa cho mọi thập giá của chúng con, chúng con được ơn tột đỉnh của sự sống  là tham dự tích cực vào mầu nhiệm cứu độ, là dụng cụ cứu rỗi cho các anh em của chúng con.

 ** Chặng thứ VI: Bà Veronica lau mặt Chúa Giêsu.

 Trích sách ngôn sứ Isaia: ”Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.” (Is 53,2-3).

 Giữa sự kích động của đám đông chứng kiến Chúa Giêsu tiến lên núi Calvario, xuất hiện bà Veronica, một phụ nữ vô danh, không lịch sử. Nhưng là một phụ nữ can đảm, sẵn sàng lắng nghe Thần Khí và làm theo các gợi hứng của Người, có khả năng nhận biết vinh quang của Con Thiên Chúa trong gương mặt bị biến dạng của Người và nhận ra lời mời gọi của Người: ”Này tất cả những ai qua lại, hãy nhìn kỹ mà xem: Có nỗi khổ nào so sánh được với nỗi khổ Chúa giáng trên tôi, khi Người nổi trận lôi đình mà trừng phạt.” (Ac 1,12).

 Tình yêu mà người đàn bà này nhập thể, khiến cho chúng ta không nói nên lời. Tình yêu khiến cho bà mạnh mẽ đến thách thức các lính canh, vượt đám đông để đến gần Chúa và làm một cử chỉ của sự cảm thương và niềm tin: chặn máu của các vết thương, lau khô các nước mắt khổ đau, chiêm ngưỡng gương mặt biến dạng, đàng sau dấu ẩn gương mặt của Thiên Chúa.

 Tự bản năng chúng ta chạy trốn khổ đau, bởi vì khổ đau gây ghê tởm. Có biết bao nhiêu gương mặt biến dạng bởi các khổ đau của cuộc sống mà chúng ta gặp gỡ và quá thường khi chúng ta quay cái nhìn đi phía khác. Lám sao không trông thấy gương mặt của Chúa nơi gương mặt của hàng triệu người di cư tỵ nạn và tuyệt vọng chạy trốn các chiến tranh, các bách hại và các chế độ độc tài? Với gương mặt không thể lập lại được của Ngài, Thiên Chúa luôn luôn biểu lộ cho từng người trong họ như một người cứu giúp can đảm. Như bà Veronica, một phụ nữ vô danh, yêu thương lau khô mặt của Chúa Giêsu.

 ”Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài” (Tv 27,8). Xin giúp con tìm thấy nó trong các người anh em đang đi trên con đường của khổ đau và nhục nhã. Xin cho con biết lau nước mắt và máu của các kẻ thất bại thuộc mọi thời đại, của những người mà xã hội giầu sang và vô tư gạt bỏ không thương tiếc. Xin cho con biết nhận ra gương mặt đẹp vô tận của Chúa đàng sau từng gương mặt, kể cả gương mặt của người bị bỏ rơi nhất.

 ** Chặng thứ VII: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai

 Trích sách ngôn sứ Isaia: ”Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53,5)

 Chúa Giêsu lại ngã xuống đất nữa. Bị nghiền nát nhưng không bị giết vì sức nặng của thập giá. Một lần nữa Ngài lột trần nhân tính của mình. Đó là một kinh nghiệm tận cùng của sự bất lực, của xấu hổ trước kẻ chế nhạo Người, của nhục nhã trước kẻ đã thúc vào Người. Không ai muốn ngã xuống đất và sống kinh nghiệm sự thất bại bao giờ. Nhất là trước những người khác.

 Rất thường khi con người nổi loạn với tư tưởng không có quyền bính, không có khả năng đưa cuộc sống của mình tiến tới. Trái lại, Chúa Giêsu nhập thể ”quyền bính của những người không có quyền bính”. Ngài sống kinh nghiệm nỗi đớn đau của thập giá và sức mạnh cứu rỗi của đức tin. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu rỗi chúng ta. Chỉ có Ngài mới có thể biến đổi một dấu chỉ của sự chết thành một thập giá vinh quang.

 Nếu Chúa Giêsu đã ngã xuống đất lần thứ hai, vì sức nặng của tội lỗi chúng ta, thì cả chúng ta nữa cũng hãy chấp nhận ngã, đã ngã, có thể ngã nữa vì tội lỗi chúng ta. Chúng ta hãy thừa nhận là chúng ta không thể cứu rỗi chính mình với sức riêng của mình.

  Lạy Chúa Giêsu, là Đấng đã chấp nhận sự nhục nhã, lại ngã xuống trước mắt mọi người, chúng con không chỉ muốn chiêm ngưỡng Chúa trong khi Chúa ở trong bụi đất, nhưng dán cái nhìn vào Chúa từ vị thế của chúng con, cũng ở trên đất vì đã ngã xuống do các yếu đuối của chúng con. Xin cho chúng con ý thức về tội lỗi chúng con, ý chí đứng dậy nảy sinh từ sự đau đớn. Xin ban cho toàn thể Giáo Hội ý thức khổ đau. Xin cống hiến một cách đặc biệt cho các thừa tác viên của sự Hoà Giải ơn chảy nước mắt vì tội lỗi của mình. Làm sao các vị có thể khẩn nài trên mình và trên các người khác lòng thương xót của Chúa, nếu các vị không biết khóc than tội lỗi của mình trước?

 ** Chặng thứ VIII: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem

 Trích Phúc Âm theo thánh Luca: ”Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: ”Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,27- 28).

 Cả khi có bị xé nát vì đau đớn và tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu cảm thương dân chúng theo Ngài và trực tiếp ngỏ lời với các phụ nữ đang đồng hành với Ngài trên đường lên núi Calvario. Và lời Ngài là một lời mạnh mẽ mời gọi hoán cải.

 ”Đừng khóc thương Tôi, Người thành Nagiarét nói, bởi vì Tôi đang thực thi ý muốn của Cha, nhưng hãy khóc trên chị em vì tất cả những lần đã không làm theo ý muốn của Thiên Chúa.”

 Đây là Chiên Con Thiên Chúa nói, và khi mang trên vai tội lỗi của thế giới Ngài thanh tẩy cái nhìn của các nữ tử này, tuy đã hướng về Ngài, nhưng còn trong một cách thế bất toàn. ”Chúng tôi phải làm gì?”, xem ra tiếng khóc của họ kêu lên trước Đấng Vô Tội. Đó cũng đã là câu hỏi mà các đám đông hướng tới Vị Tẩy Giả (x. Lc 3,10) và các người lắng nghe Phêrô rao giảng sau Lễ Ngũ Tuần sẽ lập lại, vì cảm thấy con tim bị đâm thâu: ”Chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,37).

 Câu trả lời đơn sơ và rõ ràng: ”Anh chị em hãy hoàn cải”. Một sự hoán cải cá nhân và tập thể: ”Hãy cầu nguyện cho nhau được lành” (Gcb 5, 16). Không có sự hoán cải, nếu không có bác ái. Và bác ái là kiểu là Giáo Hội.

 Lạy Chúa Giêsu, ước gì ơn thánh Chúa nâng đỡ con đường hoán cải trở về với Chúa của chúng con, trong sự hiệp thông với các anh em khác, chúng con xin Chúa ban cho chúng con chính tấm lòng thương xót của Chúa đối với họ, tấm lòng hiền mẫu khiến cho chúng con có khả năng cảm thấy sự hiền dịu và cảm thương đối với nhau, và đến cả chỗ hiến dâng chính mình cho sự cứu rỗi của tha nhân nữa.

 ** Chặng thứ IX: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba

 Trích thư thánh Phaolo tông đồ gửi tín hữu Philipphê (2, 6-7): Đức Giêsu Kitô, vốn là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hành với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ chính mình mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân.

 Chúa Giêsu ngã gục lần thứ ba. Con Thiên Chúa sống cho đến tận cùng điều kiện nhân trần. Với lần té ngã này, Chúa bước cách vững bền hơn nữa vào trong lịch sử nhân loại. Và đồng hành, trong mọi lúc, với nhân loại khổ đau. ”Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28, 20) Biết bao lần những người nam và người nữ té gục xuống đất. Biết bao lần bao người nam nữ và trẻ em đau khổ vì gia đình tan vỡ. Bao nhiêu lần những người nam và nữ nghĩ rằng mình không còn phẩm giá bởi vì không có công ăn việc làm. Bao nhiêu lần người trẻ bị buộc phải sống một cuộc đời tạm bợ và đánh mất hy vọng cho tương lai. Con người bị ngã gục, và đang nhìn Thiên Chúa bị té ngã, chính là con người cuối cùng đã có thể nhìn nhận sự yếu đuối và bất lực của mình mà không sợ hãi hay tuyệt vọng, chính bởi vì Thiên Chúa cũng đã cảm nghiệm điều ấy qua Con Thiên Chúa. Vì lòng thương xót, Thiên Chúa đã hạ mình đến độ ngã gục trên con đường lấm bụi đất. Những hạt bụi thấm ướt mồ hôi của Adam và đẫm máu của Chúa Giê su cũng như của các thánh tử đạo mọi thời đại trong lịch sử. những hạt bụi được chúc lành bởi những giọt nước mắt của bao nhiêu người anh em gục ngã vì bạo lực hay vì con người lạm dụng con người. Trên những hại bụi được chúc phúc, bị chà đạp, bị xúc phạm, bị lòng ích kỷ của con người bóc lột ấy, Thiên Chúa đã dành cho chúng vòng tay ôm ấp cuối cùng của Người.

 Lạy Chúa Giêsu, quỳ gục trên mặt đất khô cằn này, Người ở ngay cạnh những ai đang đau khổ Và đổ vào trong con tim họ nguồn năng lực để giúp họ đứng dậy. Con cầu xin Chúa, Thiên Chúa của lòng từ nhân, Cho tất cả những ai đang ngã quỵ dưới đất Vì bao nhiêu nguyên do: Vì tội lỗi cá nhân, hôn nhân đổ vỡ, Vì cô đơn, Mất việc, thảm kịch gia đình, Âu lo trước tương lai .

 Xin Chúa hãy cho mỗi người trong số họ, cảm nhận được sự gần gụi của Người, Bởi vì người ở gần Chúa nhất, ôi Đấng là lòng thương xót nhập thể, chính là người cảm thấy cần được tha thứ nhất và tiếp tục hy vọng dù không còn hy vọng nào nữa.

 ** Chặng thứ X: Chúa Giêsu bị lột áo  

 Trích Tin Mừng theo thánh Marco (15,24): Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Ở chân thập giá, dưới Đấng bị đóng đinh và hai tên trộm đang chịu nhục hình, có bọn lính đang tranh dành nhau áo xống của Chúa. Thật là điều tầm thường của sự ác.

 Ánh mắt của nhóm binh lính ở thật xa sự đau khổ ấy và cách quãng dòng lịch sử bao quanh chúng. Hình như những gì đang xảy ra không dính líu gì đến họ cả. Trong khi Con Thiên Chúa đang chịu khổ hình trên thập giá, chúng thản nhiên tiếp tục cuộc sống chạy theo những đam mê vượt lên trên tất cả. Đây cũng chính là sự tự do ngược đời lớn nhất mà Thiên Chúa trao ban cho chính các con cái của Người. Đứng trước cái chết của Chúa Giêsu, mỗi một người đều có thể chọn lựa: Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu khổ hình hay bắt thăm chọn áo xống Người.

 Khoảng cách ngăn chia Đấng chịu đóng đinh với những kẻ hành hình Người sâu rộng biết bao. Sự tranh dành áo xống Người cách hạ cấp không cho phép chúng thấu hiểu được ý nghĩa của cái thân xác bất động, bị khinh bỉ, chế nhạo và bị hành hạ, trong đó, đang hiện thực thánh ý Thiên Chúa cứu chuộc toàn thể nhân loại. Cái thân xác mà Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị cho chính Con Mình, bây giờ, đang biểu hiện tình yêu của Con hướng về Cha và là món quà tận hiến của Chúa Giêsu cho mọi con người. Cái thân xác ấy, bị tước lột tất cả, ngoại trừ tình yêu, ôm gọn trong chính mình khổ đau vô bờ của toàn nhân loại và kể lể mọi vết thương lở loét. Đặc biệt là những vết thương đau nhất: vết thương lở loét của những em bé bị xúc phạm nhục nhã trong chính sự sâu kín nhất của chúng.

 Cái thân xác im lìm và đẫm máu, bị roi đòn và bị khinh miệt ấy, chỉ cho thấy con đường của công lý. Công lý của Thiên Chúa có thể biến đổi đau khổ kinh hoàng nhất thành ánh sáng phục sinh.

 Lạy Chúa Giêsu, Con mong muốn giới thiệu lên Chúa toàn thể nhân loại khổ đau, Những thân xác của bao người nam nữ, của trẻ em, và người già, người bệnh và người khuyết tật không được tôn trọng trong phẩm giá của họ. Bao nhiêu là bạo lực dọc dài lịch sử của toàn nhân loại này đã đánh thẳng vào cái mà con người có như là sở hữu đặc thù nhất, một điều thánh thiêng và được chúc lành nhất vì đã đến từ Thiên Chúa. Chúng con cầu xin Chúa, ôi lạy Chúa, Cho những ai đã bị xúc phạm trong nơi sâu kín nhất, Cho những ai không nắm chắc được sự mầu nhiệm thân xác của họ, cho những ai không chấp nhận hay làm ô uế nét đẹp của thân xác ấy, cho những ai không tôn trọng sự yếu đuối và tính chất thiêng liêng của một thân xác đang già nua và chết đi. Và một ngày kia sẽ sống lại!

 ** Chặng thứ XI: Chúa Giêsu bị đóng đanh.

 Trích Tin Mừng theo thánh Luca (23, 39-43): Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người ”Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ sao? Chúng ta chịu khổ hình là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm gì sai trái”. Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: Ông Giêsu ơi xin hãy nhớ đến tôi khi ông vào Nước của ông. Và Người nói với anh ta: Này tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.

 Chúa Giêsu đang ở trên thập giá, cây thập giá phong phú và vinh quang, là giường cưới, là ngai vàng và là điện thờ. (Thánh ca phụng vụ: Đây là Cờ Thánh Giá). Và từ ngai vàng cao sang ấy (Gv 12, 32), điểm thu hút chú ý của toàn bộ vũ hoàn ấy, Người tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người trên thập giá ”vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 43). Trên thập giá Chúa Kitô, cán cân của sự cứu chuộc vĩ đại, ngời sáng một vì Thiên Chúa toàn năng đã tự lột bỏ chính mình, một trí khôn ngoan đã tự hạ mình xuống thành cuồng điên, một tình yêu đã tự tận hiến trở thành hy lễ. Ở bên phải và bên trái Chúa Giêsu, có hai tên bất lương, có lẽ là hai kẻ sát nhân. Hai kẻ bất lương ấy nói thẳng vào tâm tư của mỗi một người bởi vì họ tiêu biểu hai cách ở trên thập giá khác nhau: người thứ nhất nguyền rủa Thiên Chúa; người thứ hai nhận biết Thiên Chúa trên cây thập giá ấy. Tên bất lương thứ nhất đề nghị giải pháp tiện lợi nhất cho mọi người. Nó đề nghị sự cứu mạng nhân trần và giữ cái nhìn hướng xuống thấp. Sự cứu thoát đối với nó có nghĩa là chạy trốn khỏi thập giá và loại trừ đau khổ. Đó chính là cái luận lý của nền văn hóa loại trừ. Xin Thiên Chúa loại bỏ tất cả những gì không còn đem lại ích lợi nữa và không còn xứng đáng được sống nữa.

 Tên bất lương thứ hai trái lại, không mặc cả trả giá một giải pháp. Anh ta đề nghị một sự cứu chuộc thần thiêng và trọn hướng cái nhìn về trời cao. Sự cứu chuộc đối với anh có nghĩa là chấp nhận thánh ý Thiên Chúa ngay cả trong những điều kiện tàn tệ nhất. Đó chính là chiến thắng của nền văn minh tình yêu và tha thứ. Đó là sự cuồng điên của thập giá, đứng trước thập giá, mọi khôn ngoan của loài người chỉ còn biết biến mất và ngậm miệng thinh lặng.

 Lạy Đấng đã chịu đóng đinh vì tình yêu, xin cho con ơn tha thứ của Chúa để giúp con quên đi và tình thương xót của Chúa giúp con bắt đầu trở lại Hãy cho con được thử nghiệm, mỗi lần con xưng thú tội lỗi, hồng ân người đã tạo dựng nên con giống như Người và theo hình ảnh Người, và Người tiếp tục tái tạo mỗi lần con đặt cuộc đời con, với bao thấp hèn lầm lỗi, trong bàn tay ân cần thương xót của Chúa Cha. Xin cho lời Chúa tha thứ lại vang lên mãi cho con, với xác tín của tình yêu cứu chuộc con, biến con thành con người mới và được ở với Chúa mãi mãi. Bấy giờ con sẽ trở thành một kẻ bất lương được ân xá Và mỗi tha thứ của Người sẽ giống như Một lần nếm thử thiên đàng, ngay từ bây giờ.

 ** Chặng thứ XII: Chúa Giêsu chết trên thập giá

 Trích Tin Mừng theo thánh Marco (15, 33-39): Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng ”Eloì, Eloì, Lemà sabactàni?”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Nghe vậy một vài người đứng đó liền nói: Kìa hắn kêu cứu ông Elia. Một người chạy đi lấy miếng bọt biển nhúng đầy dấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: ”Để xem ông Elia có đến đem hắn xuống không?” Nhưng Chúa Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong đền thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Chúa Giê Su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: Người này quả thật là Con Thiên Chúa”.

 Bóng tối bao phủ vào giờ thứ sáu, vào giữa trưa: có điều gì đó lạ lùng phi thường và không thể ngờ trước đang xảy ra trên mặt đất này, nhưng lại không thuộc về trái đất. Con người đang giết Thiên Chúa! Con Một Thiên Chúa đã bị đóng đinh vào thập giá như là một kẻ bất lương. Chúa Giêsu lớn tiếng kêu lên những lời đầu của thánh vịnh 22 hướng về Thiên Chúa. Đây là tiếng kêu than của đau khổ và sầu thương, nhưng cũng là tiếng kêu của lòng tin tưởng trọn vẹn vào chiến thắng của Thiên Chúa và vào xác tín vinh quang. (Benedetto XVI 14.09.2011)

 Tiếng kêu của Chúa Giêsu cũng là tiếng kêu của mỗi người bị đóng đinh trong lịch sử, của người bị bỏ rơi và người bị nhục mạ, của vị tử đạo và người tiên tri, của người bị vu khống và bị kết án bất công, của người bị lưu đày hay là bị cầm tù. Đó là tiếng kêu của tuyệt vọng con người, nhưng rồi tiếng kêu ấy sẽ đổ dồn vào chiến thắng vinh quang của lòng tin, biến cái chết thành sự sống vĩnh cửu. Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa, cho anh em tất cả được hay. Và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương (Tv 22,23).

 Chúa Giêsu chết trên thập giá. Phải chăng đây là cái chết của Thiên Chúa? Không, đó là nghi lễ cao cả nhất của chứng tá Đức Tin. Thế kỷ 20 đã được định nghĩa là thế kỷ của các vị tử đạo. Các gương mẫu như của Massimiliano Kolbe và Edith Stein đã tỏa ra một ánh sáng chói lọi. Nhưng cả ngày nay nữa, thân mình Chúa Kitô vẫn bị đóng đinh thập giá ở nhiều nơi trên thế giới. Các vị tử đạo thế kỷ XXI này là những tông đồ đích thực của thời đại ngày nay. Trong bóng đêm đen tối, lóe lên ánh sáng Đức Tin: ” Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa”, bởi vì những ai phải chết như thế, biến tuyệt vọng của cái chết thành hy vọng sự sống, thì dơn giản không thể chỉ là một con người. Đấng chịu đóng đinh là hy tế vẹn toàn, Không giữ lại cho mình một chút gì, ngay cả một mảnh áo, hay một giọt máu, hay chính mẫu thân. Người đã cho đi tất cả: Mọi sự đã hoàn tất (Consummatum est). Một khi không còn gì để cho đi nữa, bởi vì đã trao ban tất cả rồi, thì sẽ có khả năng trao tặng những món quà đích thực. Bị tước lột, trần trụi, hao mòn vì thương tích, gặm nhắm vì cơn khát bỏ rơi, bị nguyền rủa, không còn mang hình dạng con người nữa. Cho đi tất cả: đó chính là đức bác ái Nơi nào kết thúc cái tôi, nơi đó bắt đầu thiên đàng. (Cha Primo Mazzolari)

 ** Chặng thứ XIII: tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá

 Trích Tin Mừng theo thánh Marco (15,42-43.46): Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức là hôm trước ngày sabat, nên ông Giuse thành Aritmatea, thành viên thế giá của hội đồng và cũng là người hằng mong đợi triều đại của Thiên Chúa, mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philato để xin thi hài Chúa GiêsuẨÔng mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giêsu xuống. Ông Giuse thành Aritmatea đã đón tiếp Chúa Giêsu trước cả khi nhìn thấy vinh quang của Người. Ông đón tiếp Chúa khi Người thất bại, bị xem như kẻ bất lương, bị chối bỏ. Ông xin Philato cho nhận xác Chúa để tránh cảnh thi hài bi quẳng vào hố chôn tập thể. Ông Giuse đã bất chấp thanh danh của mình và có lẽ, như Tobi, không màng đến cả mạng sống mình nữa. Nhưng sự can đảm của ông Giuse không phải là sự táo bạo của các chiến sĩ anh hùnh trên trận tuyến. Sự can đảm của ông Giuse là sức mạnh của Đức Tin. Một đức Tin biến trở thành ân cần đón tiếp, quảng đại nhưng không và tình yêu. Tắt một lời: bác ái. Sự thinh lặng, đơn sơ và thanh nhã của Giuse khi đến gần thân xác Chúa Giêsu đối nghịch với sự phô trương, tầm thường hóa và xa hoa tráng lệ trong tang lễ của các nhà lãnh đạo quyền thế của thế giới này. Chứng tá của ông Giuse trái lại, gợi nhớ tất cả những tín hữu ky tô ngày nay cũng đang liều mạng sống mình vì một tang lễ. Ai có thể tiếp nhận thân xác vô hồn của Đức Giêsu nếu không phải là người đã trao ban sự sống cho thân xác ấy? Chúng ta có thể tưởng tượng ra những cảm xúc của Mẹ Maria lúc đón xác Chúa trong vòng tay, Mẹ là đấng đã tin vào lời Thiên Thần truyền tin và đã ấp ủ mọi sự trong tim mình. Khi ôm trong tay thân xác vô hồn của người Con, Mẹ Maria đã một lần nữa lập lại lời thưa Xin Vâng. Đó là thảm kịch và là thử thách đức Tin. Không một thụ tạo nào đã đau khổ như Mẹ Maria, vị hiền mẫu đã tái sinh tất cả chúng ta trong đức Tin khi đứng dưới chân thập giá.

 Lập lại lời nguyện cầu trong thế giới:

 Lạy Cha Abbà, nếu có thể.. Chỉ một nhánh ô liu đong đưa trên đỉnh đầu Trong tiếng gió âm thầm Nhưng không một chiếc gai nhọn người gỡ ra khỏi vòng gai. Ngay cả tư tưởng cũng đau nhói, không thể nào, không thể nào trên cao nơi ấy, tư tưởng này lại không làm nhỏ máu! Và không một bàn tay nào Gỡ ngọn đinh ra khỏi gỗ Lau dòng máu trào ra từ đôi mắt Và cho Người nhìn thấy Ít nhất là Mẹ người Đứng đó một mình Ngay cả những tay quyền bính Và bậc thầy tàn bạo bất nhân Cũng như bao người khác Đã phải che mặt khi nhìn Người Và Người trôi lơ lửng trong một đám mây, đám mây của sự buông mình thánh thiêng. Để rồi sau đó, chỉ sau đó, Bạn và Ta trả lại sự sống cho Người. (Cha Turoldo)

 ** Chặng thứ XIV: táng xác Chúa Giêsu trong mộ

 Trích Tin Mừng theo thánh Mattheo (27, 59-60): Ông Giuse nhận thi hài Chúa Giêsu, lấy tấm vải gai sạch mà liệm và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá; Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Trong khi ông Giuse lấp cửa mồ chôn Chúa Giêsu, Người ra xuống hỏa ngục và mở toang cánh cửa.

 Điều mà các Giáo Hội Tây phương gọi là ”xuống địa ngục”, các giáo hội đông phương đã cử hành như Anastasi nghĩa là Phục Sinh. Các giáo hội anh em đã thông truyền cho con người chân lý toàn vẹn của Mầu nhiệm duy nhất này; đó là ”Này đây, Ta mở cửa mồ chôn các ngươi, ta đưa các người ra khỏi mồ chôn, hỡi dân của ta. Ta sẽ cho thần trí ta đi vào các ngươi và các ngươi sẽ sống lại”. (Ez 37, 12-14) Giáo Hội của Chúa ôi lạy Chúa, mỗi sáng đều cất tiếng hát rằng ”Nhờ sự dịu hiền và tình nhân ái của Thiên Chúa chúng ta, mặt trời đã mọc lên cao để đến viếng thăm chúng ta, để chiếu sáng trên những kẻ sống trong đêm tối và trong bóng sự chết. (Lc 1 78-79) Con người, bị lóa mắt vì những thứ ánh sáng mang màu sắc của đen tối, bị sự dữ xúi dục, đã lăn tảng đá lớn và đã đóng kín Chúa trong mồ. Nhưng chúng con biết rằng Chúa, ôi đức Chúa khiêm hạ, trong sự thinh lặng mà từ do của chúng con đã đẩy Chúa vào đó, Chúa vẫn hoạt động mạnh mẽ hơn bao giờ hết để tạo nên một hồng ân mới cho người Chúa yêu. Lạy Chúa, xin hãy bước vào mồ chôn chúng con, hãy khơi dậy tia sáng của tình yêu Người trong trái tim của mỗi con người, giữa lòng mọi gia đình, trên đường đi của mọi dân tộc. Ôi lạy Chúa Giêsu Kitô, Tất cả chúng con đang đi về cái chết Và nấm mồ của chúng con. Hãy cho phép chúng con trong tâm tưởng Dừng chân lại bên mồ Chúa. Xin để cho quyền lực sự sống Phát sinh từ mộ Chúa đâm thâu con tim chúng con. Và xin cho Sự Sống ấy trở thành ánh sáng soi dẫn hành trình dương thế của chúng con. Amen (Thánh Gioan Phaolô 2)

 Trần Đức Anh OP, Linh tiến Khải, Mai Anh chuyển ý

 

Exit mobile version