Suy niệm chung tháng 9/2023-Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh-tâm điểm của cuộc đời tôi

250

Suy niệm Tháng 9/2023

ĐỨC GIÊSU KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH – TÂM ĐIỂM CỦA CUỘC ĐỜI TÔI

“Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cor 2,2).  Để nói lên lời tuyên bố đầy xác quyết, mạnh mẽ và dứt khoát trên, ắt hẳn Thánh Phaolô đã có một cảm nghiệm rất sâu về tình yêu của Đấng Chịu-Đóng-Đinh. Một tình yêu mà thánh nhân dám chấp nhận mất hết tất cả để được Đức Kitô, và được kết hợp với Người (x.Pl 3,7-9). Là một Kitô hữu, cách riêng là một nữ tu mang danh hiệu Mến Thánh Giá, Đức Kitô Chịu Đóng Đinh có phải là tâm điểm trong đời sống thánh hiến và trong sứ vụ của tôi không?”

        Chúng ta đang bước vào những ngày chuẩn bị mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá -Tước hiệu của Dòng Mến Thánh Giá. Có lẽ đây cũng là cột mốc thời gian để mỗi chị em chúng ta, những người sống căn tính Mến Thánh Giá chiêm ngắm và suy niệm về mầu nhiệm tình yêu Thánh giá, và nhìn lại cách thế chúng ta đã, đang và sẽ tháp nhập đời mình với hy tế Thập giá Đức Kitô ra sao.

Nói đến tình yêu, nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” Tình yêu quả thật khó mà cắt nghĩa, mỗi người có thể có những định nghĩa khác nhau về tình yêu. Nhưng để hiểu được tình yêu đúng nghĩa, để học sống chữ yêu cách trọn vẹn, chúng ta không học ở đâu ngoài thập giá Đức Kitô và đi theo con đường mà Ngài đã đi. Chính Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập của chúng ta cũng đã khuyên: “Hãy học hỏi Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”( B. Jacqueline, Sđd, tr.226).

Để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, Chúa Giêsu đã xuống thế làm người. Ngài đã làm tất cả các công việc mục vụ, tông đồ, truyền giáo,… một cách hoàn hảo. Và hơn thế nữa, Ngài đã dùng chính cái chết trên thập giá để hoán cải tận lòng người. Đối diện với những đau đớn về thể xác và những đau khổ trong tâm hồn, Chúa Giêsu đã sẵn lòng đón nhận tất cả. Ngài không oán hận, không hờn trách. Ngài có đủ năng quyền nhưng lại không phản kháng kẻ đánh đập, lăng nhục và đóng đinh Ngài trên thập giá. Để thấu cảm được nỗi đau của Chúa, để thấu hiểu tình yêu sâu thẳm của Chúa, chúng ta không chỉ dừng việc chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá ở đôi tai, đôi mắt mà chúng ta hãy dùng trái tim của mình để lắng nghe và cảm nhận từng nhát búa tác động vào những cây đinh đóng vào tay chân Chúa, mũi giáo nhọn đâm vào cạnh sườn Chúa, những vết roi đòn chọc vào từng thớ thịt, những lời phỉ báng, nhục mạ, khinh khi,…  Chúng ta chiêm ngắm thái độ của Chúa Giêsu trước mầu nhiệm thập giá, để có thể cảm nghiệm trái tim hiền hòa bao dung tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại, và tình yêu hiếu thảo vâng phục đối với Thiên Chúa Cha. Nhờ Thánh Giá, nhân loại được hòa giải và liên kết với Thiên Chúa. Chính vì thế, việc rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh và đón nhận thập giá mỗi ngày phải là điều thiết yếu của người môn đệ Chúa Kitô. Dọi vào thẳm sâu cõi lòng, chúng ta hãy tự hỏi lòng mình: Tôi đã thực sự đặt Đức Giêsu-Ki-tô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của cuộc đời tôi hay chưa? Đã bao giờ tôi chiêm ngắm Thập giá Chúa một cách say mê, hoặc một lần được chạm vào trái tim bao dung tha thứ của Chúa Giêsu, để cảm nhận tình yêu dịu dàng của Đấng Chịu-Đóng-Đinh chưa?

Trong suốt hành trình lịch sử của Giáo hội, Chúa không ngừng mời gọi các môn đệ cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ nhân loại: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34). Là người nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta được mời gọi mang lấy những tâm tình của Chúa, đau nỗi đau của Chúa và trăn trở những điều Chúa trăn trở. Chúng ta được mời gọi “tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người”(x.Btt 9). Chúng ta cũng được mời gọi “chấp nhận thập giá của chính đời sống thánh hiến bằng cách cố gắng chu toàn các đòi hỏi của ba lời khấn: Khiết Tịnh, Nghèo khó, Vâng phục và đời sống cầu nguyện, đời sống cộng đoàn, đời sống tông đồ” (HC 67, 2).

Dù muốn hay không, thập giá vẫn còn nơi cuộc sống của con người. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và con người không ai giống ai… thì chắc hẳn là thập giá của mỗi người cũng khác nhau nhiều. Thập giá ấy đôi khi đơn giản chỉ là những giới hạn của bản thân, từ vấn đề sức khỏe, vấn đề gia đình, công việc, tương quan, những thiếu sót nơi cộng đoàn, những lao nhọc, những giọt nước mắt trên đường sứ vụ. Nhưng tâm điểm của mầu nhiệm Thập Giá là tình yêu chứ không phải đau khổ. Đau khổ là hoàn cảnh, là thách đố để tình yêu được thi thố; đau khổ cũng là một sứ mệnh, là sự cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại. Vì thế những nỗi đau khổ như là phương tiện để thanh luyện bản thân, là phương cách để nên một với Chúa Giêsu chịu tử nạn, và là cơ hội để góp phần cứu độ bản thân và thế giới. Chúa Kitô đã vác lấy thập giá của Ngài, đã đi trọn con đường thập giá, và làm cho thập giá của Ngài nở hoa, thì chúng ta cũng noi gương Chúa Giêsu, vác lấy thập giá đời mình, đi trên hành trình đức tin và nhận lấy thập giá này như là phương tiện để thanh luyện bản thân và là phương thế để thánh hóa đời mình.

Thế nhưng, trong xã hội văn minh vật chất hiện nay, với cách nghĩ và nếp sống lấy thoải mái, tiện nghi như lý tưởng của cuộc đời thì việc đón nhận thập giá là điều hết sức khó khăn. Yêu mến Thánh giá là điều mà nhân loại ngày hôm nay sợ hãi, tránh né và trốn tránh. Con người không dễ dàng chấp nhận những khó khăn, đau khổ xảy đến mà còn coi bất cứ đau khổ nào xảy đến, ngay cả những đau khổ của Chúa Giêsu cũng là bất nhân và vô lý. Vì thế, việc phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh giá Con Thiên Chúa, và chấp nhận sống theo “định luật của hạt lúa mì chịu mục nát” để sinh nhiều hoa trái là hai thách đố cho mỗi người chúng ta. Đối diện với não trạng của xã hội đương thời, tôi có can đảm lội ngược dòng để rao giảng về Đấng Kitô Chịu đóng đinh không? Và tôi đã đối diện với những thập giá của đời mình như thế nào?

Thánh Tôma Aquinô xác tín: “Tôi học biết nhiều điều khi quỳ dưới chân Thánh Giá hơn là tìm hiểu trong sách của các vị tiến sĩ”. Chớ gì mỗi chị em chúng ta cũng biết liên lỉ ở bên Thánh Giá Chúa, trong thinh lặng của lòng tin và của tình thương yêu, để biến các đau khổ của cuộc đời thành nguồn ơn cứu độ cho bản thân và những người mà chúng ta phục vụ nhân danh Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con, là Đấng con nguyện ước bước theo, xin cho con vui vác thập giá mình trên đường Thánh Giá, xin phù trợ để con biết cố gắng từng ngày say yêu Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh qua cuộc đời và sứ vụ của con, và ước mong sao, lòng con có thể tự hào như tâm tình của Thánh Phaolô: “Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Amen. 

Maria Ngọc Yến, MTG. Thủ Đức