Suy niệm chung tháng 8/2023-Được sai đi với lòng thương xót

76

ĐƯỢC SAI ĐI VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT

Là người tu sĩ, chúng ta được Thiên Chúa trao cho sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Vậy, chúng ta đã và đang thi hành sứ mạng ấy với tâm thế như thế nào? Hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm chủ đề ĐƯỢC SAI ĐI VỚI LÒNG THƯƠNG XÓT. Qua đó, chúng ta cảm nghiệm sâu hơn, xác tín hơn vào lòng thương xót mà Thiên Chúa dành riêng cho bản thân mình, đồng thời duyệt xét lại cách thức mà mình đã và đang thi hành sứ mạng trở thành hiện thân của lòng Chúa thương xót đối với tha nhân.

  1. Thiên Chúa thương xót con người

Khi suy gẫm Lời Chúa, chúng ta gặp thấy rất nhiều đoạn nói về việc Thiên Chúa xót thương dân Người. Thánh Gioan đã khẳng định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8). Tình yêu ấy được biểu lộ rõ ràng và chân thực nhất qua việc “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”, để Chúa Giêsu “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta.” (Rm 8,3). Còn gì cao quý hơn tình yêu của Người đã chết cho người mình yêu!

 Mỗi người chúng ta là đối tượng của lòng Chúa thương xót. Chúa chính là nguồn hy vọng, là niềm an ủi và hạnh phúc của mỗi chúng ta. Khi đứng trước một đám đông bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương. Người giảng dạy, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền cho họ. Người không những thương cả đám đông, mà còn thương từng người trong họ. Người đã cho anh mù Batimê được sáng mắt, chữa lành mẹ vợ ông Simon, giải thoát người câm bị quỷ ám, tha thứ tội lỗi cho người phụ nữ ngoại tình, … Lòng thương xót của Chúa không những chữa lành thể xác mà còn trao ban hy vọng, trao ban tình yêu; Người không chỉ cứu chữa một con người nhưng còn làm sống lại cả một cuộc đời.

Đã bao lần chúng ta đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình. Ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần được đón nhận tình thương ấy: khi chúng ta lãnh nhận bí tích hòa giải, khi rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, hay qua những giây phút tâm tình cùng Chúa trong cầu nguyện, những khi can đảm thi hành thánh ý Chúa trao, can đảm bỏ mình và cảm nhận được niềm vui nội tâm, … Ai trong chúng ta đã chưa một lần vấp ngã, chưa một lần gặp thất bại, khổ đau, đắng cay, hay ê chề thất vọng? Giữa lúc cuộc đời đầy sóng gió, khi thuyền đời ta gặp phong ba bão táp, chẳng phải chính Chúa Giêsu đã bước đến trấn an: “Chính thầy đây, đừng sợ!”, và khi Người bước lên thuyền, bão táp phải lặng im, cõi lòng ta tìm lại được giây phút bình yên. Chính lòng thương xót của Chúa là nguồn sức mạnh nâng chúng ta dậy, giúp chúng ta sống từng ngày sao cho xứng với ơn kêu gọi mà Chúa đã ban, để đền đáp sao cho xứng đáng với tấm lòng bao dung ngất trời của Người.

Chính khi nhận ra bản thân mình là đối tượng của lòng Chúa thương xót, chúng ta mới biết mở lòng đón nhận tình thương của Chúa. Hay nói cách khác, chỉ khi chúng ta nhận thấy mình là kẻ tội lỗi, là kẻ đáng thương, chúng ta mới biết mình cần Chúa; chỉ khi biết mình yếu đuối và bất toàn, chúng ta mới hiểu và cảm thông với tha nhân.

  1. Người tu sĩ – hiện thân của lòng Chúa thương xót

Chúng ta là những người được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ mạng với lòng thương xót, điều ấy có nghĩa là chúng ta được mời gọi trở nên hiện thân của lòng Chúa thương xót cho những người mình gặp, cho những ai mình phục vụ. Dù bản thân đầy bất toàn, tội lỗi nhưng chúng ta vẫn được Chúa chọn gọi, được nhận lãnh sứ mạng của Chúa; chẳng vì công trạng của cá nhân, nhưng chỉ vì Chúa thương yêu chúng ta. Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: “Liệu tôi đã thể hiện được phần nào tâm tình, thái độ và cách cư xử của Chúa chưa? Nhất là đối với những người tội lỗi, những con chiên không ngoan đạo, với người nghèo, người bị khinh thường, tôi có chọn cách hành xử của Chúa không?”.

 Nếu chúng ta chỉ mải mê thi hành sứ mạng mà quên mất điều cần thiết nhất là phải cầu nguyện thì dường như chúng ta chỉ đang mải mê tìm kiếm thành công cho riêng mình. Thiếu cầu nguyện có thể khiến chúng ta nhiệt tình một cách mù quáng hay tệ hơn là làm mất lửa phục vụ. Khi đời tông đồ thiếu cầu nguyện, chúng ta sẽ không thể diễn tả trọn vẹn chân dung của Đấng là tình yêu. Đôi khi chúng ta có thể làm cho chân dung của Chúa bị phai mờ, biến dạng. Chỉ khi được dìm mình trong biển sâu vô tận của lòng Chúa thương xót, chúng ta mới có thể khám phá thêm vẻ đẹp tươi sáng của mầu nhiệm tình yêu ấy và càng khao khát chiêm ngắm, chúng ta càng để cho sự ngọt ngào của mầu nhiệm đổ đầy tràn tâm trí và soi sáng cuộc sống hằng ngày[1].

Người tu sĩ vẫn thường được gọi là những người được dành riêng cho Chúa. Chúng ta không được chọn gọi để sống cho chính mình, nhưng luôn quy hướng về Chúa và mở ra với tha nhân. Chúng ta được gọi để thi hành một sứ mạng, sứ mạng của Chúa. Chỉ vì thương xót chúng ta, Chúa trao vào tay mỗi người sứ mạng thần linh, không chỉ để thánh hóa những người mình phục vụ nhưng trên hết là để thánh hóa bản thân. Một người tông đồ của Chúa chưa thể trở thành hiện thân cho lòng thương xót của Chúa nếu như chưa được nhận chìm trong biển cả của lòng thương xót ấy, chưa biết hoán cải mỗi ngày. Như ông Phêrô đã nhận lấy sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi chăn dắt đoàn chiên mà Chúa trao cho mình. Đoàn chiên là của Chúa, không phải của chúng ta, nên chúng ta không thể chăn dắt đoàn chiên ấy theo kiểu mình muốn hay kiểu mình thích, nhưng đi theo đường lối huấn lệnh Chúa. Vậy, chúng ta có thực sự quy hướng về Chúa và mở lòng cưu mang những con chiên mà Chúa gửi đến cho mình không?

Chúa Phục Sinh đã hỏi ông Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”, và ba lần ông đã đáp lại: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Ông Phêrô không chỉ đón nhận lòng thương xót vô tận của Chúa, ông còn nhận biết Chúa yêu thương mình, biết mình yếu đuối và cần đến Chúa. Chúa biết ông yếu đuối, Chúa biết ông đầy những lầm lỗi, vấp ngã, và Chúa cũng biết ông thực tình yêu mến Chúa. Điều Chúa đòi hỏi ông là phải “yêu mến Thầy hơn các anh em khác”. Nếu để so sánh về đời tông đồ với người khác, phải chăng chúng ta hãy nên tự hỏi lòng mình điều này: “Liệu tôi có yêu mến Chúa hơn những người khác không?”. Điều đó cũng đòi hỏi chúng ta phải thật sự thanh thoát: Để có thể cảm thông với tha nhân và đón nhận tha nhân với các tật xấu của họ, đồng thời dám hiến mình vì hạnh phúc của họ, cần phải coi nhẹ tất cả, thoát ra khỏi chính mình, khỏi các định kiến và không để mình bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì: tiền của, tình cảm, danh vọng và ngay cả chương trình và nhu cầu mục vụ.[2] Để rồi, khi thực thi sứ mạng của Chúa, chúng ta biết làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa.  

Ước mong sao mỗi chị em chúng ta khi đi thi hành sứ mạng, chúng ta luôn mang trong mình một trái tim biết chạnh lòng trước nỗi thống khổ của tha nhân, một trái tim được ẩn dấu trong trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu, để con tim ấy trở nên mềm mại hơn, biết mở ra hơn và quảng đại hơn. Để từng ngày, ánh lửa tình yêu của Chúa Giêsu bừng cháy trong tâm hồn chúng ta, mang theo niềm xác tín: con được Chúa yêu thương, được Chúa đón nhận.

Têrêsa Nguyễn Trông, MTG. Thủ Đức

 

[1] Mầu Nhiệm Lòng Chúa Thương Xót Và Sứ Vụ Của Linh Mục, Tu Sĩ Gm. Giuse Đinh Đức Đạo

[2] Mầu Nhiệm Lòng Chúa Thương Xót Và Sứ Vụ Của Linh Mục, Tu Sĩ Gm. Giuse Đinh Đức Đạo