Suy niệm chung tháng 6-Thực thi lòng thương xót trong đời sống Cộng đoàn

122

        Trong đời sống Thánh hiến, cốt cách của người tu sĩ bao gồm nhiều yếu tố phong phú. Người đời mong nhận thấy nơi các tu sĩ biểu lộ thực chất đời sống tận hiến của họ, không phải qua tấm áo dòng, mà là một đời sống chứng tá cụ thể khi họ thực thi sứ điệp yêu thương trong chính đời sống tương quan của họ với nhau và với người khác. “Hãy xót thương như cha các con là Đấng xót thương” (Lc 6, 36), lời mời gọi đó của Chúa Giêsu cô đọng trong một thái độ và hành vi duy nhất: Yêu thương. Tư tưởng này là bản lề vững chắc, là lý do xuyên suốt khiến lòng thương xót không bao giờ bị tách khỏi cộng đoàn, vì ở đâu người ta quy tụ với nhau nhân danh Đức Kitô, thì ở đó, Ngài có mặt với tư cách là vị Chúa đầy lòng xót thương.

Ngày nay, truyền thông, truyền hình và báo chí cho phép chúng ta theo dõi từng ngày, thậm chí từng giờ những đau khổ xảy ra trên thế giới này: Như trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Seria hay tình trạng xung đột chiến tranh ở Ucraina, nạn đói kém và dịch bệnh ở Châu Phi… và còn biết bao hình thức khổ đau khác của con người ở ngay trước cổng nhà dòng hoặc ở những nơi xa … Vấn đề là, những thực tại đó có đưa chúng ta tới một tình liên đới sâu xa hơn và một lòng xót thương vĩ đại hơn chăng? Đó là điều đáng ngờ. Làm thế nào để nỗi thống khổ mênh mông ấy được thấu cảm trong cốt tủy của chúng ta khiến chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, lời nói và hành động tự chính lúc này, tại đây, trong cộng đoàn mà Chúa đã đặt ta vào. Người tu sĩ cần thấy được đau khổ trên thế gian này và động lòng trắc ẩn như Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương khi thấy một đám đông không bánh ăn (Mt 14, 14). Chúng ta được mời gọi cảm nhận nỗi khổ đau của thế giới ngay trong chính cộng đoàn của mình. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những hoa trái tốt lành của đời sống huynh đệ cộng đoàn, nhưng thực tế cộng đoàn vẫn là một “cơ cấu trần thế”. Biết đâu, ở một góc khuất nào đó, trong cộng đoàn vẫn thấp thoáng những tâm hồn và cuộc đời bị gạt ra lề, cô đơn, chịu thiệt thòi, bất công, những giận dữ, ghen ghét, hận thù, chia rẽ…. Nếu cộng đoàn được quy tụ nhân danh Đức Kitô thì chúng ta cũng phải tin vào kinh nghiệm được Ngài đang ở giữa những đổ vỡ hay đau khổ như thế. Ngài ở đó để dạy chúng ta cách sống và làm việc với nhau. Vì thế thánh Gioan đã khẳng khái nhắc nhớ chúng ta rằng: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4,20).

Vậy, để thực thi lòng thương xót Chúa nơi cộng đoàn, chúng ta cần bắt đầu từ đâu và phải làm gì? Có lẽ điều đầu tiên mỗi người cần ý thức mình là tội nhân. Tội lỗi và sự dữ là nguyên nhân chúng ta làm tổn thương nhau. Chúng ta cần ghi khắc Lời Đức Giêsu cảnh báo: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Nếu Đức Giêsu, người duy nhất không có tội, đã không ném viên đá đầu tiên vào người đàn bà ngoại tình, thì chúng ta cũng không có quyền làm việc đó để xét xử bất cứ ai. Vậy hãy có lòng thương xót đối với người chị em của chúng ta khi họ lỡ lầm, hãy chống lại những khuynh hướng thúc đẩy ta đến chỗ lên án nhau. Chúng ta cần biết tha thứ, quên đi và nối lại. Trong tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chúng ta áp dụng nguyên tắc “thương xót” như là “liều thuốc” để đưa người tội lỗi can đảm đứng lên trở về với Chúa. Vì “vị thánh nào cũng có quá khứ và tội nhân nào chẳng có tương lai”.  

Khi chúng ta trưởng thành trong sự am hiểu và chấp nhận bản thân, chúng ta thường trở nên bao dung hơn với những người xung quanh. Biết mình chính là nền tảng để bắt đầu biết đồng cảm và thương xót. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh việc huấn luyện cho người theo Chúa: “Điều quan trọng là phải biết vun đắp nhân cách của mình sao cho nó trở thành cầu nối, chứ không phải rào cản, để người khác gặp được Chúa Giêsu Kitô”. Chúng ta phải tự huấn luyện nội tâm mình để mọi tư tưởng, lời nói và hành vi được thấm đẫm cung cách của Chúa Giêsu. Tiến trình “biết mình” là một sự tiệm tiến, luôn mời gọi chúng ta kiên trì để có được thứ kinh nghiệm như Phêrô, như ông Giakêu hay người phụ nữ được yêu nhiều… Cộng đoàn, nơi có cả sự phong phú lẫn sự phức tạp sẽ cho chúng ta thấy được những ưu điểm, khuyết điểm, giới hạn cũng như những khía cạnh thiếu sót của chúng ta. Cảm thức được yêu thương và được đón nhận sẽ giúp chúng ta chấp nhận con người thật của mình. Nếu chúng ta không yêu thương bản thân thì chúng ta cũng khó có thể yêu thương người khác đúng cách. Để “đụng chạm” đến nơi thẳm sâu nhất của người khác, chúng ta cần học cách lắng nghe. Người ta mất ba năm học nói nhưng có khi mất cả đời học nghe. Một nhà hiền triết từng nói: “Trời ban tặng cho con người hai tai, hai mắt, nhưng chỉ có một cái miệng chính là muốn con người nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn và nói ít đi”. Sẽ thật là thiếu sót vì đôi khi chúng ta không đủ kiên nhẫn và quảng đại để dành thời gian lắng nghe những người chị em “ít tiếng nói” ngay sát sườn chúng ta. Chỉ bằng sự lắng nghe đầy lòng từ bi chúng ta mới hiểu để thương và thương để hiểu.

Chúng ta cũng phải phân biệt rằng thương xót không có nghĩa là dung túng, bao che, đồng lõa với tội. Chúa Giê-su là người đầy lòng trắc ẩn, Ngài cảm thương sâu xa với người khác nhưng Người cũng phải cứng rắn và kiên nhẫn với họ như: người thanh niên giàu có, người phụ nữ ở giếng nước Giacóp đã năm đời chồng hay một Phêrô nóng nảy… Có đôi khi chúng ta cũng phải cương quyết như Chúa để đưa một người “lầm đường lạc lối” trở về với chính lộ. Khi thương xót chân thành, chúng ta phải cần rất nhiều lòng can đảm và sự bỏ mình, vì Chúa nói: “Nếu anh em chỉ yêu thương người yêu thương mình thì nào có ân nghĩa gì đâu” (Lc 6, 32). Nhưng làm thế nào để thương xót cả những người không mấy dễ thương, đó là thách đố cho mỗi chúng ta. Hằng ngày ta vẫn xin Chúa: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”, khi ấy chẳng phải chính ta là người trao vào tay Chúa cái thước mà Ngài phải dùng để đo tình yêu của chúng ta đó sao?

Cuối cùng, để thực thi lòng thương xót nơi cộng đoàn, chúng ta hãy ở lại với Chúa để quan sát, lắng nghe và suy đi nghĩ lại lời mời gọi của Ngài “các con hãy xót thương”. Cầu nguyện chính là một không gian có tính chữa lành, trong không gian đó không có ai bị loại trừ. Cầu nguyện cho người khác có nghĩa là làm cho họ trở thành một một thành phần của ta, nghĩa là cho phép những đau đớn, lo lắng, cô đơn, những bối rối sợ hãi của chị em dội lại trong cõi sâu thẳm của lòng ta. Chúng ta có trách nhiệm đem đến trước Thiên Chúa những con người đau khổ không chỉ “ở ngoài kia”, không chỉ những nỗi đau “đã lâu rồi” nhưng là những con người ở đây, lúc này trong cộng đoàn chúng ta. Chúng ta được mời gọi hãy cầu nguyện và sống tử tế với nhau trong từng chi tiết nhỏ bé của đời sống thường nhật, để lòng thương xót Chúa không còn là một khái niệm rỗng nhưng là những hành vi thẫm đẫm tình yêu thương không ngừng được trao ban cho chị em của chúng ta.

Lạy Chúa! Chúa chính là điểm tựa, là trục, là nền tảng để lòng thương xót được hiện thực hóa giữa cộng đoàn chúng con. Ngoài việc xin ơn Chúa trợ giúp hoặc xin ơn này ơn nọ, chúng con còn cầu xin học biết cách yêu. Vì ‘vào lúc cuộc đời xế bóng’, chúng con biết mình sẽ bị phán xét về tình yêu. Xin giúp chúng con mỗi ngày biết nhìn lên Đấng bị đâm thâu và cảm nhận dòng nước cứu độ tuôn trào từ cạnh sườn của Chúa Giêsu để từ đó chúng con cũng biết yêu thương chị em hơn nữa, hơn mãi trong lời nói và việc làm. Amen.        

                                                      Nt. Anna Bích Hạt – Học viện Mến Thánh Giá Thủ Đức