Trong tông huấn Đời sống thánh hiến (Vita Consecrata), thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trình bày Đức Maria như mẫu gương của đời thánh hiến trong việc đáp lại và đi theo tiếng Chúa gọi, bằng việc thông dự vào mầu nhiệm Vượt Qua và diễn tả một tình yêu phong phú. Ngoài ra, Đức Maria còn là mẹ của các người tận hiến, cầu bầu cho họ trung thành với ơn gọi. Chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của một tín hữu đã sống trọn vẹn cho Chúa Kitô, hay nói như các giáo phụ, Mẹ là mẫu gương của đời tận hiến cho Thiên Chúa. Mặt khác, dựa vào lời ký thác của Chúa Kitô trên thập giá, chúng ta muốn bắt chước thánh Gioan rước Đức Maria về nhà mình, chia sẻ cuộc sống với mình, cách riêng chia sẻ con đường theo chân Chúa Kitô phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Một trong những cách thức giúp người tu sĩ diễn tả tâm tình con thảo với Đức Maria, đó là yêu mến lời kinh Mân Côi. Đối với người tu sĩ, kinh Mân Côi chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của họ. Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm chủ đề: NGƯỜI TU SĨ VỚI KINH MÂN CÔI.
Kinh Mân Côi là lời kinh của những con tim yêu mến Chúa Giêsu và Đức Maria. Đọc kinh Mân Côi, cùng với Mẹ Maria, chúng ta được rảo qua những nẻo đường cuộc sống của Chúa Giêsu và của Đức Mẹ từ Bêlem đến Núi Sọ, qua những biến cố “Vui – Thương – Mừng – Sáng”. Chúng ta gặp thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình, trộn lẫn vui buồn, âu lo và hy vọng. Kinh Mân Côi là kinh nguyện thanh luyện tu đức: nhờ việc chiêm ngắm cuộc đời Đức Kitô và Đức Maria, chúng ta học đòi những nhân đức của các ngài, cố gắng họa lại cuộc đời của mình theo gương của các ngài.
Người bảo gì, các con cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Đó là lời dạy dỗ đầy yêu thương mà Đức Maria đã nhắn nhủ cho mỗi người Kitô hữu nói chung và cho những người sống đời thánh hiến nói riêng. Đức Maria có một vị trí và vai trò rất quan trọng trong đời sống của người tu sĩ. Bằng trái tim của người mẹ, Đức Maria liên kết cách đặc biệt với mỗi người tu sĩ. Nơi Mẹ, người tu sĩ noi gương Mẹ bằng lối sống quảng đại dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa và hết lòng thực thi sứ vụ Chúa trao phó. Người tu sĩ liên kết với Mẹ trong nhịp sống thường ngày. Cùng với Mẹ, họ thưa xin vâng và kéo dài lời xin vâng ấy trong suốt đời sống của mình. Lời “Xin vâng” được cất lên trong ngày Truyền Tin cũng là lời xin vâng khi sinh con trong cảnh khó khăn thiếu thốn; xin vâng khi dâng con trong Đền Thánh mà lòng gẫm suy lời tiên tri của cụ già Simêon và nữ ngôn sứ Anna; xin vâng khi cùng với thánh Giuse bồng bế Hài Nhi lánh nạn sang Ai cập, vượt qua bao nguy hiểm rình rập; xin vâng khi lạc mất con, Mẹ vẫn vững tin dù có lúc chưa thể hiểu thấu Lời Chúa; xin vâng suốt thời gian Chúa Kitô sống ẩn giật; và nhất là xin vâng khi kiên cường đứng dưới chân thập giá. Khi suy niệm từng biến cố cuộc đời của Chúa Giêsu, người tu sĩ cất lên lời kinh Lạy Cha vang vọng một lời ngợi khen tình yêu Thiên Chúa, khát khao sống vâng phục suốt đời. Những lời kinh Kính Mừng lặp đi lặp lại sẽ chẳng thể trở nên nhàm chán đối với những ai yêu mến Chúa chân thành. Người tu sĩ dâng lên Chúa con tim từng ngày vẫn vang vọng một lời mời gọi yêu thương.
Lần hạt Mân Côi là vũ khí thiêng liêng cho người tu sĩ trước bao cám dỗ, khi phải đối diện với bao thử thách, đau khổ. Đức Maria là niềm hy vọng cho những ai đang thất vọng. Mẹ là nguồn cậy trông cho những ai đang lần bước giữa tối tăm. Khi chiêm ngắm Đức Maria đứng dưới chân thập giá, người tu sĩ học nơi Mẹ tấm lòng can đảm, trung kiên theo Chúa đến cùng. Mẹ không gục ngã trong đau khổ, không bi lụy trước tang thương. Chiêm ngắm Mẹ trong tiệc cưới Canna, chúng ta học nơi Mẹ tấm lòng yêu thương, quan tâm đến nhu cầu của người khác. Có biết bao biến cố xảy đến trong cuộc sống của mình, chúng ta đều có thể liên hệ đến từng biến cố trong cuộc đời Chúa Cứu Thế và của Đức Mẹ. Để nhờ đó, chúng ta được củng cố đức tin, gia tăng lòng yêu mến và thêm cậy trông vào Thiên Chúa, được Người ban sức mạnh và những ơn cần thiết để chu toàn ơn gọi Chúa ban.
Yêu mến Đức Maria, người tu sĩ cũng yêu mến Kinh Mân Côi. Bằng việc lặp lại cách trung thành từng lời kinh với tâm tình yêu mến chân thành, họ bước vào đời sống chiêm niệm, cùng Mẹ “suy đi nghĩ lại trong lòng” những lời Chúa dạy, khắc sâu Lời Chúa vào trong trái tim, tâm trí. Để khi được Lời Chúa dẫn dắt, họ biết thực thi những gì Chúa truyền dạy. Để chính khi biết Chúa bảo gì, thì họ mau mắn làm theo. Như những gia nhân trong tiệc cưới Cana, người tu sĩ chờ đợi nơi Mẹ sự quan tâm, nhờ Mẹ lên tiếng ngỏ lời với Con yêu dấu của Mẹ. Mẹ hiểu rõ tấm lòng từ ái của Chúa Giêsu, và chắc chắn, Chúa Giêsu sẽ làm mọi điều mà Mẹ cầu xin. Mẹ mời gọi mỗi người hãy mau mắn lắng nghe điều Chúa truyền dạy và khi đã nhận lãnh lời ấy thì mau mắn thi hành, không nghi nan, ngờ vực.
Thật đẹp biết bao hình ảnh các tu sĩ cùng nhau đọc kinh Mân Côi. Như lời ca trong thánh vịnh 133: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”. Khi cùng nhau đọc kinh Mân Côi, chị em trong cộng đoàn nâng đỡ nhau, gắn bó, hiệp thông với nhau, cưu mang nhau trong chính lời kinh của mình. Tình chị em trong cộng đoàn vì thế cũng được nối kết. Mỗi người cùng nhau lắng nghe sự hướng dẫn của Mẹ bằng cách để cho lời kinh ngân vang trong cõi lòng, thấm nhập vào cuộc sống và thúc đẩy mỗi người hoán cải đời sống, để cùng với Mẹ tận hiến đời mình cho Thiên Chúa. Kinh nghiệm thiêng liêng cho thấy, nếu đời sống cộng đoàn có lúc rơi vào cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, chị em chưa hiểu nhau, thì việc cùng nhau đọc kinh Mân Côi, kết hợp với lòng chân thành cầu nguyện và khao khát được nối kết với chị em, có một sức mạnh thiêng liêng lôi kéo và thúc đẩy mỗi người ngồi lại với nhau, bởi chính Chúa Giêsu đang hiện diện giữa họ. Kinh Mân Côi chữa lành những rạn nứt trong tương quan, thổi vào đời sống cộng đoàn sức sống của Chúa Kitô phục sinh. Như Đức Maria cầu nguyện với các Tông đồ trong nhà Tiệc Ly, Mẹ hiện diện giữa cộng đoàn tu trì, nối kết họ với nhau và với Chúa. Hơn ai hết, Mẹ là người sống trong sự đầy tràn ân sủng Chúa Thánh Thần. Nhờ Mẹ, chúng ta học cách mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Ước mong mỗi chị em trở thành những người tu sĩ yêu mến kinh Mân Côi, noi gương thánh Gioan rước Đức Maria về nhà mình, để được Mẹ chia sẻ cuộc sống với mình, cách riêng chia sẻ con đường theo chân Chúa Kitô phụng sự Thiên Chúa và tha nhân.
Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Trông, MTG. Thủ Đức