Suy niệm chung tháng 3- Yêu thương trong tỉnh thức

92

Suy niệm tháng 3/2023

YÊU THƯƠNG TRONG TỈNH THỨC

Làm sao sống? Làm sao sống để khơi dậy trong lòng một thứ thôi thúc trái tim chúng ta sống, làm việc và cháy hết mình? Làm sao sống để có “một thứ gì đó” mà chúng ta nỗ lực tìm kiếm và mong muốn mang đến cho cuộc đời này/ hay gần gũi hơn là cho chính cộng đoàn mà chúng ta đang hiện diện? Để có được câu trả lời, mỗi người chúng ta cần phải chân nhận rằng mình còn sống, và còn bước đi trên mặt đất này là một phép lạ. Hơn thế nữa, việc chúng ta tin rằng nơi mình đang đứng, đang ở trong cộng đoàn này/ là kết quả của những lựa chọn, quyết định mà chúng ta đã đưa ra một cách chủ đích và tự do, điều đó chắc chắn phải bắt nguồn từ một lời mời gọi yêu thương và thúc đẩy chúng ta khao khát dâng hiến. Chỉ vậy thôi cũng đủ để chúng ta cảm thấy trân trọng và yêu thương đủ đầy cuộc sống của mình rồi. Một định nghĩa sáng ngời trong Kinh Thánh: “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.” (1Ga 4,16). Đã bao lâu rồi chúng ta chưa cảm nhận được mình ở trong Thiên Chúa? Và đã bao lâu chúng ta chưa xác tín tình yêu của Ngài lấp đầy tâm hồn chúng ta? Hãy bắt đầu bằng việc trở về với chính mình trong thinh lặng và cô tịch/ để cảm nhận cũng như thức tỉnh trái tim, bởi trước khi sống với người khác, tôi phải là chính tôi.

Sau một chuyến đi mệt mỏi, chúng ta cần một lúc nghỉ để lấy lại năng lượng/ hay sau một quãng đường liên tục cố gắng, chúng ta cần một khoảng lặng chiêm nghiệm để rồi bước tiếp. Cha Elio Gambari đã viết rằng:“Một bầu khí yên tĩnh giúp cho người ta có thể sống thinh lặng nghe tiếng Chúa, dễ dàng thưa chuyện với Ngài/ và nhìn ra hoạt động ân sủng trong mình.”[1] Có một câu chuyện rất hay về khoảng lặng:

Một lần nọ, có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Đó không phải là một cái đồng hồ thông thường bởi nó còn có giá trị về mặt tình cảm đối với ông. Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, người nông dân phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài. Ông hứa, nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng. Nghe thấy vậy, đám trẻ con nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến tận cả chỗ cho gia súc ăn, nhưng vẫn không thấy. Chỉ đến khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa.

Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: “Tại sao lại không chứ? Sau tất cả thì cậu bé này có vẻ khá chân thành”.  

Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất hạnh phúc và ngạc nhiên, ông hỏi cậu bé: “Làm cách nào mà cháu có được nó, sau khi tất cả các bạn khác đã từ bỏ?”.

Cậu bé đáp: “Cháu không làm gì cả và chỉ ngồi im một chỗ để lắng nghe. Trong im lặng, cháu thấy tiếng kim đồng hồ chạy và theo đó cháu tìm ra nó”.

Khi chúng ta bận rộn, loay hoay, ồn ào, chúng ta tưởng rằng mình đang tỉnh thức, đang nỗ lực, nhưng rất có thể chúng ta chỉ đang “quấy bận” tâm trí của mình mà thôi. Khi trong tâm chúng ta đầy tiếng ồn, chúng ta không nghe được tiếng gọi của sự sống, của tình thương. Trái tim chúng ta đang nói chúng ta cũng không nghe được, và thậm chí không có thời gian để lắng nghe tiếng nói của trái tim. Chúng ta đang sống trong một thế giới ai cũng thích nói và hết sức ồn ào, điều này khiến chúng ta cũng quá ồn ào. Ồn ào bên ngoài và ồn ào cả trong tâm hồn. Một trong những thứ tiếng ồn lôi kéo chúng ta đó là việc hồi tưởng và lưu giữ những ký ức đau khổ, để rồi mình khổ đi khổ lại, đau đi đau lại những niềm đau đã qua.

Có thể nói sự mất mát lớn lao nhất không hẳn là mất mạng sống, cũng chưa hẳn là mất đi người thân thương, mà là mất đi những rung cảm trong mình khi không còn thấy, không còn cảm, không còn đau, không còn thương và rồi không còn biết mình ngay cả khi mình còn sống. Chúng ta nhận thấy có hai thứ ngăn trở mình cảm nhận tình yêu thương và sự bình an nội tâm, đó là nuối tiếc về quá khứ và lo lắng cho tương lai. Chúng ta không thể thực sự sống tỉnh thức và trọn vẹn ở hiện tại cho đến khi học được cách buông những thứ này. Đừng chỉ vì một ai đó làm chúng ta tổn thương mà chúng ta gây thương tổn lại cho họ và cho người khác. Hai con người tiếp tục làm nhau đau đớn vì điều gì? Để thoả mãn cái tôi trong khi tâm mình thì vụn vỡ? Đã đến lúc chúng ta ngừng “giam mình” trong chiếc lồng chật chội của quá khứ hay tương lai/ để sống tỉnh thức trọn vẹn trong hiện tại, trân trọng một nơi ấm êm được gọi là “Cộng đoàn” để vun đắp, tận tâm với một công việc để phục vụ, và hiện tại ấy được bao bọc vẹn tròn trong tình yêu thương mà Thiên Chúa đặt để trong mình.

Là một nữ tu Mến Thánh Giá, chị em chúng ta được mời gọi trở thành “thân thể trong Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.” (1Cr 12,27). Như vậy, cộng đoàn là dấu chỉ của sự hiệp nhất và chị em chúng ta là những chứng nhân sống động của Đức Kitô. Trong dịp cử hành Thánh lễ Đời Sống Thánh hiến 02/02/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Trong các cộng đoàn của chúng ta cần sự kiên nhẫn hỗ tương là: chịu đựng, nghĩa là mang trên vai cuộc sống của anh chị em chúng ta, bao gồm cả những điểm yếu và thất bại của người đó. Chúng ta hãy ghi nhớ rằng Chúa không kêu gọi chúng ta trở thành những nghệ sĩ độc tấu, nhưng để trở thành một phần của dàn hợp xướng, đôi khi có thể bỏ sót một hoặc hai nốt nhạc, nhưng phải luôn cố gắng cùng nhau hát.”[2] Chính vì thế, chúng ta cần cảm ơn những người đôi khi không “dễ chịu” trong cuộc sống của mình, cũng dừng việc đổ lỗi cho người khác, điều gì có thể quên hãy quên, buông những điều đáng buông, và tha thứ mọi sự, trở về với chính mình, nhắc nhớ bản thân về lý tưởng, về ước mơ và khao khát, về những người Chúa trao gửi đến với mình ở đây và ngay lúc này. Có một nhà tư tưởng người Đức đã đưa một bí quyết sống tỉnh thức như sau:“Người quan trọng nhất trong lúc này là người đối diện với ta; giờ phút quan trọng nhất trong lúc này là giây phút hiện tại; công việc quan trọng nhất là việc bổn phận ta đang làm. Chỉ chú ý vào người đối diện, vào giờ hiện tại, vào công việc ta đang làm, đó là bí quyết sống hạnh phúc”. Cuộc sống vốn bình dị, hạnh phúc vốn giản đơn, nó bắt đầu từ việc ngừng cạnh tranh và chứng tỏ mình hơn người khác/ để trở về bao bọc sự sống của mình với lòng biết ơn khi tim mình còn đập, hơi thở còn ấm nóng. Chẳng có góc nào của sự sống mỗi khi đôi mắt chúng ta chạm tới mà không khiến chúng ta biết ơn vô cùng. Hãy biết ơn những người chị em đang sống cùng chúng ta, biết ơn tất cả những khoảnh khắc đã hình thành nên con người chúng ta ngày hôm nay, và sống hết mình ở hiện tại.

            Lạy Chúa, Chúa đặt chúng con vào đời để làm người và được thông phần chia sẻ trong một tình yêu với Chúa và với nhau. Chúng con chỉ mong ý muốn trong chúng con chẳng còn gì để chỉ còn Chúa là tất cả, và nhờ thế, chúng con thực hiện ý muốn của Chúa trong suốt cuộc đời. Trong Mùa Chay Thánh này, xin cho chúng con luôn biết trở về với lòng mình để tìm gặp Chúa, kín múc nơi Chúa tình yêu thương để chúng con sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại với lòng mến yêu Chúa và tha nhân. Amen.

Mary Huyen Nguyen, MTG. Thủ Đức

 

[1] Đời Tu Dưới Ánh Sáng Công Đồng, Cha Elio Gambari, p.125

[2] Trích Bài Giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Thánh Lễ Đời Sống Thánh Hiến Ngày 02/02/2021.

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-ngay-doi-song-thanh-hien.html