THÁNG 11-THÁNG CẦU CHO CÁC LINH HỒN
Suy niệm chung tháng 11/2024
Để thêm lòng sốt sắng cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục, thiết tưởng chúng ta cần biết về tình trạng khốn khổ của họ, khi biết nhiều chúng ta mới thương nhiều. Nhưng biết về luyện ngục là việc khó, vì chúng ta bị giới hạn ở thế giới này. Dẫu vậy, chúng ta hãy tìm hiểu bao nhiêu có thể dựa vào Kinh Thánh, Thánh Truyền và các mạc khải tư được Giáo hội công nhận.
- Nền Tảng Kinh Thánh
Các linh hồn sẽ rất cơ cực khi chết vì thời gian lập công của họ đã hết và họ sẽ phải đối diện với một vị Thiên Chúa vô cùng công minh. Khi chết, thời gian lập công của ta đã hết. Khi ta còn sống, cho dù tội lỗi có nhiều, chỉ cần ăn năn sám hối và xưng tội là được tha và được kể như chưa phạm tội. Nhưng khi chết rồi thì không còn cơ hội này. Chính vì để nhấn mạnh thời gian quý báu lúc con sống, thánh Phao-lô phải thốt lên: “Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.” (2Cr 6,2). Thánh vịnh cũng khuyên “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng”. Còn chính Chúa Giê-su lại dạy chúng ta phải biết tranh thủ thời gian lúc còn sống, Ngài nói cuộc sống giống như việc cùng đối phương ra tòa, chúng ta phải mau mau thu xếp mọi việc trước khi đến tòa, vì khi đến rồi thì “người ấy sẽ nộp anh cho quan toà, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng (Mt 5, 25-26).
Thứ đến, mặc dù lòng nhân hậu và thương xót của Chúa bao la vô bờ, nhưng mọi sự sẽ khác đi khi chúng ta qua đời. Điều này không phải là Thiên Chúa thay đổi, nhưng điều này nói lên việc chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Chúng ta hãy nhớ chuyện năm cô trinh nữ khờ dại, chỉ vì hết dầu và phải đi mua mà khi về thì cửa đã đóng. Điều các cô nghe thấy từ miệng của một vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu là “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” Chúng ta ít khi nghĩ Thiên Chúa từ bi nhân hậu lại nói những lời không chút cảm thông như vậy. Nhưng đấy là sự thật. Một trong những cách cám dỗ của ma quỷ là nói rằng Chúa rất từ bi và giàu lòng thương xót, hết dầu thì đi mua, mua về trễ xíu cũng không sao, gõ cửa là Chúa mở thôi. Ở một nơi khác Chúa nói một điều tương tự “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào, thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến! (Lc 13, 25).
- Nền Tảng Thánh Truyền
Sách Giáo lý Công giáo mô tả Luyện ngục là trạng thái thanh tẩy cho những ai chết trong ơn Chúa nhưng vẫn cần được thanh tẩy khỏi các tội nhẹ hoặc sự quyến luyến với tội lỗi trước khi vào thiên đàng (GLCG 1030-1032). Công đồng Florence tuyên bố rằng những linh hồn chết trong ơn nghĩa Chúa nhưng vẫn cần được thanh tẩy sẽ trải qua Luyện ngục. Công đồng Trentô tái khẳng định sự tồn tại của Luyện ngục, bác bỏ quan niệm rằng Luyện ngục không phải là nơi thanh tẩy thật sự, và ủng hộ việc cầu nguyện và dâng lễ cho các linh hồn ở đó.
Nhiều vị giáo hoàng đã thảo luận về Luyện ngục, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo lý này trong đức tin Công giáo. Trong thông điệp Niềm Vui Cứu Độ (2007), Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI mô tả Luyện ngục như là một “ngọn lửa” thanh tẩy biến đổi linh hồn, giải thoát linh hồn khỏi sự quyến luyến tội lỗi nhờ tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhấn mạnh Luyện ngục là biểu hiện của lòng thương xót Chúa, cung cấp phương tiện thánh hóa cho các linh hồn.
- Mặc Khải Tư
Ở đây chỉ xin trích dẫnThánh Faustina. Ngài nói, “Tôi đang ở trong một nơi mù mịt, đầy những lửa cháy, trong đó có rất nhiều linh hồn đang quằn quại. Các ngài cầu nguyện sốt sắng, nhưng lại không lãnh nhận được gì; chỉ chúng ta mới có thể giúp đỡ họ được. […] Tôi nghe một tiếng nói trong lòng, lòng nhân lành của Cha không muốn điều ấy, nhưng phép công bình đòi phải như vậy. Kể từ đó, tôi kết hợp mật thiết hơn với các linh hồn đau khổ ấy. (Nhật ký số 20).
“Một đêm kia, một chị qua đời hai tháng trước đã hiện về với tôi. Tôi thấy chị trong một tình trạng thê thảm, toàn thân ngập trong những ngọn lửa, và bộ mặt méo dạng cách đau đớn. Việc này chỉ xảy ra một lúc, và sau đó chị biến đi. Một cái rùng mình xuyên suốt linh hồn tôi vì tôi không biết chị ấy đang chịu khổ hình trong luyện ngục hay hoả ngục. Tuy nhiên, tôi vẫn gia tăng lời cầu nguyện cho chị. Đêm hôm sau, chị lại hiện về, tôi thấy chị trong một thảm cảnh còn ghê rợn hơn, giữa những ngọn lửa phừng phực, và có thể nhìn thấy nỗi thất vọng trên gương mặt. […] Bẵng một thời gian, chị lại hiện về với tôi trong đêm, nhưng đã thay đổi hoàn toàn. Không còn những ngọn lửa như trước kia, gương mặt chị rạng rỡ, ánh mắt loé lên niềm hạnh phúc. Chị nói rằng tôi đã có một tình yêu thương chân thật đối với những người chung quanh, và nhiều linh hồn đã được hưởng nhờ những kinh nguyện của tôi. Chị khuyên giục tôi hãy tiếp tục cầu nguyện cho các linh hồn luyện ngục, và cho biết chị không còn bị giam phạt bao lâu nữa” (Nhật ký 58).
“Hôm nay con hãy dâng lên cho Cha những linh hồn luyện ngục, rồi dìm họ xuống vực thẳm Lòng Thương Xót của Cha. Hãy để những dòng Máu của Cha làm mát dịu những ngọn lửa đang thiêu đốt họ. Tất cả các linh hồn này được Cha hết lòng thương yêu. Họ đang đền bồi phép công bình của Cha. Con có khả năng đem lại phúc thanh nhàn cho họ. Con hãy lãnh nhận mọi ân xá từ kho tàng Hội Thánh để dâng tặng các linh hồn ấy. Ôi, nếu con biết được những cực hình họ đang phải chịu, chắc con sẽ không ngừng cho họ những của bố thí thiêng liêng và thay họ đền bồi phép công bình của Cha” (Nhật ký 1226).
Tóm lại, cả ba bình diện Kinh thánh, Thánh truyền và mặc khải tư đều nói về việc các linh hồn rất túng quẫn sau khi chết. Họ phải đối diện với một vị Thẩm phán nghiêm minh trong khi họ không thể làm gì để lập công. So với các linh hồn nơi luyện ngục, chúng ta thật là người giàu có. Quả vậy, khi còn sống nếu chúng ta chỉ cần thực lòng hoán cải, đọc kinh đi lễ sốt sắng thì bao là ân phúc tuôn tổ ngập tràn trên chúng ta. Hơn thế, Chúa cho phép chúng ta làm thay cho các linh hồn, chuyển ơn phúc cho các linh hồn qua việc các thánh cùng thông công.
Để dễ hiểu hơn chúng ta hình dung chúng ta có người bà con ở một vùng đất đầy kim cương. Chỉ cần họ lấy búa đập ra mấy viên và gửi về cho chúng ta thì chúng ta sẽ giàu. Thế nhưng chúng ta ngạc nhiên khi thấy không mấy ai chịu khó gửi. Việc đi lấy kim cương và gửi cũng dễ như việc đi lễ, đọc kinh và hãm mình, toàn là những việc trong tầm tay chúng ta. Nhưng chính chúng ta cũng ít khi làm.
Lạy Chúa, trong tháng các linh hồn, xin Chúa giúp chúng con nghĩ tới các linh hồn nhiều hơn, để rồi chúng con có động lực hoán cải và canh tân đời sống và chúng con xin chuyển tất cả mọi ơn ích ấy cho các linh hồn.
Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ