Suy niệm chung Tháng 11/2023-Hướng về đời sau để dấn thân sống Thánh trong hiện tại

146

Tháng 11 lại về, bầu trời như có chút u buồn man mác. Cái buồn của trời lập đông mau tối làm chúng ta nhớ đến một loài hoa với tên gọi: “Forget-Me-Not”, theo Anh ngữ là “Xin Đừng Quên Tôi”, Việt ngữ gọi là “Lưu Ly Thảo”. Loại hoa này nhỏ và có màu tím buồn. Ý nghĩa của loài hoa này nói về sự chung thủy trong tình yêu đôi lứa. Nhưng với người Công giáo, nó mang một ý nghĩa khác, đặc biệt trong tháng cầu cho các linh hồn này. Vâng, Lưu Ly Thảo nhắc nhở chúng ta lời kêu cứu tha thiết của các linh hồn nơi Luyện Hình: “Forget-me-not – Xin đừng quên tôi!”. Và khi nhớ đến các linh hồn, tự nhiên lòng trí chúng ta cũng nhắc nhớ phận người của mỗi người chúng ta thật mong manh, kiếp nhân sinh thật vắn vỏi. Ngày nào đó, chúng ta cũng phải trở về với tro bụi trong quy luật hạn hữu của con người. Nhưng chuyện cần thiết và quan trọng nhất là sống làm sao để đời sau được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên Thiên đàng.

          Một chân lý mà mọi người chúng ta ai cũng biết rõ là: Con người có ngày sinh ra thì cũng có ngày phải chết để vào cõi vĩnh hằng. Tuy nhiên, hầu như ai cũng sợ chết. Vì chính mỗi người sẽ phải ra trình diện trước Toà Chúa và trả lẽ về đời mình, như thánh Phaolô đã khẳng định: “tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm khi còn ở trong thân xác” (2Cr 5,10). Đó có thể sẽ là giây phút hân hoan và hạnh phúc đối với người này, nhưng đối với người kia đó lại là giây phút khiếp đảm và run sợ. Ước mong chúng ta sẽ không phải nhìn vào cõi đời sau trong sợ sệt, nhưng với niềm hy vọng sẽ được nghe những lời đầy an ủi Chúa nói trong dụ ngôn “Những yến bạc”: “Tốt lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và tín trung….Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”(Mt 25,21).

Để được nghe những lời đầy an ủi như thế, chúng ta cần phải nỗ lực sống thánh trong từng giây phút hiện tại của cuộc sống ngắn ngủi này. Là một người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi nên thánh trong chính việc sống cộng đoàn. Số 140 và 141 của Tông huấn “Hãy vui mừng và hân hoan”, Đức Thánh Cha Phanxicô có nói: “Khi ta sống tách biệt với tha nhân, việc chống lại nhục dục, cạm bẫy và cám dỗ của ma quỉ và tính ích kỷ của thế gian này sẽ rất khó khăn…. Việc lớn lên trong sự thánh thiện là một cuộc hành trình, sát cánh cùng tha nhân trong cộng đoàn.” Và ngài khẳng định rằng: đời sống cộng đoàn là dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới hôm nay.[1]

Nhưng trong thực tế, chúng ta thấy đời sống cộng đoàn lại là vấn đề nhức nhối mà hầu như dòng tu nào cũng phải đối diện. Có người yêu thích và cảm thấy phù hợp với đời sống cộng đoàn, nhưng có người lại chán ghét và cảm thấy khó chịu. Cộng đoàn có thể giúp ta nên thánh, cũng có thể biến ta thành một người xấu tính, xấu nết, khó ưa, khó gần. Cộng đoàn có thể đưa ta lên thiên đàng, nhưng cũng có thể đẩy ta xuống hoả ngục. Cộng đoàn có thể là nơi ta tìm thấy nguồn an ủi, nhưng cũng có thể là nơi ta chẳng muốn thuộc về.

Dù biết cộng đoàn luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực, nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng: nên thánh trong đời sống cộng đoàn là một sự thật hiển nhiên. Đời sống chung có một giá trị huấn luyện rất lớn. Khi sống một mình, ta dễ tự do cho phép mình sống theo những sự dễ dãi tự nhiên. Khi sống chung, ta phải ép mình theo khuôn khổ giờ giấc như mọi người, phải hy sinh để nói chuyện và tương quan với những người mình không ưa, không thích. Đàng khác, trong cộng đoàn cũng có những người sống gương mẫu. Những người này là gương sáng, là sự nhắc nhở liên lỉ cho ta phải hồi tâm và điều chỉnh đời mình theo lý tưởng đã chọn.[2] Như thế, cộng đoàn chính là thửa đất, là môi trường giúp ta lớn lên, tăng trưởng và định hình nhân cách.[3] Điều này đã được Giáo hội nói cách rõ ràng: Cộng đoàn tu trì là “Trường dạy yêu thương” giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, nên cũng là nơi cho con người được triển nở.[4] Chính trong cộng đoàn và qua cộng đoàn, mỗi người chúng ta sẽ tìm được lối đường nên thánh cho mình.

Cho dù đời tu ngày nay đang phải đối diện với rất nhiều thách đố, khó khăn, các hoạt động của cộng đoàn và thời gian dành cho nhau càng lúc càng khó, các thành viên thiếu tâm sự chia sẻ, chỉ nhìn lén nhau và dường như ai cũng muốn thoát nhanh ra thế giới bên ngoài[5], nhưng nên thánh trong đời sống cộng đoàn không chỉ là chuyện lý thuyết, ảo tưởng, xa vời, mà thực sự ở trong tầm với của ta. Chúa Giêsu đã xin các môn đệ để ý đến các chi tiết: Chi tiết nhỏ của việc tiệc cưới hết rượu; Chi tiết nhỏ về một con chiên mất; Chi tiết nhỏ của việc để ý đến hai đồng xu bà góa dâng cúng; Chi tiết nhỏ về đèn hết dầu, chú rể tới trễ; Chi tiết nhỏ của việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh.; Chi tiết nhỏ của việc nhóm lửa, nước cá khi chờ các môn đệ lúc bình minh.[6] Chính các thánh cũng đã nên thánh nhờ lưu tâm đến những chi tiết như vậy: Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu luôn chú tâm thực hiện các việc bé nhỏ như xếp lại các áo choàng mà các chị bỏ quên, phục vụ bàn ăn; Thánh Phanxicô Salê để ý đến việc đóng cánh cửa cho khẽ; Thánh Đaminh Saviô coi sự nên thánh hệ tại ở việc sống vui tươi. Và trong Tông huấn “Niềm vui yêu thương”, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý đến những từ khoá “làm ơn”, “cám ơn” và “xin lỗi”. Theo Ngài, những từ ngữ rất nhỏ và bình thường này nếu được nói vào thời điểm chính xác, bao giờ cũng bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu.

Thật lạ lùng làm sao khi việc giúp chị em quét nhà, thu rác, tưới hoa, lau sàn,… hay lấy đồ tráng miệng, hộp tăm khi trong bàn có người ăn xong hoặc nói một lời tử tế, khích lệ, hy sinh lắng nghe một người chị em chia sẻ cũng có thể chắp cánh đưa chúng ta lên thiên đàng! Là con người thì ai cũng có những yếu đuối, nhưng không có nghĩa là ta không làm được những điều nhỏ này. Mỗi người trong trách vụ và công việc của mình sẽ có những sáng kiến để nên thánh trong cộng đoàn. Chỉ cần chúng ta biết ấp ủ các chi tiết nhỏ của tình yêu, biết làm những điều nhỏ mọn với rất nhiều tình yêu, thì những thách đố trong đời thánh hiến sẽ chỉ là những ‘chuyện nhỏ’! Và những chi tiết nhỏ này được thực hiện tốt và thường xuyên thì giây phút gặp gỡ thân tình và hạnh phúc với Thiên Chúa trong cõi đời mai sau không còn phải là chuyện lớn hay chuyên mơ tưởng xa vời.

Như vậy, cho dù là cát bụi phận người, nay còn mai mất, nhưng điều quan trọng không phải là lo chết mà là lo sống. Chính Chúa đang trợ lực cho những cố gắng của chúng ta trong từng ngày sống, nên chúng ta hãy sống như mình phải sống, như Chúa muốn cho mình sống. Chính Ngài đang mong chờ cây đời chúng ta trổ sinh hoa trái nhiều hơn. Ta hãy xin Chúa Thánh Thần đổ xuống trên ta khát vọng tha thiết muốn được là các thánh để Thiên Chúa được vinh quang hơn, và ta hãy khích lệ nhau trong nỗ lực này để giúp nhau cùng sống thánh, cùng nên thánh.

          Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại Chúa ban trong ơn nghĩa Chúa; Xin cho con luôn có những suy nghĩ tích cực, và biết lưu tâm đến những chi tiết nhỏ giúp con nên thánh trong đời sống cộng đoàn, để ngày nào đó khi giờ chết đến, con sẽ ra trình diện trước mặt Chúa không phải như hai người xa lạ, nhưng như người rất thân quen. Khi ấy Chúa sẽ gọi con bằng một cái tên trìu mến và dang tay đón con vào hưởng hạnh phúc Nước Trời đời đời: “Hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng ‘Vương Quốc’ dọn sẵn cho các con từ thuở tạo thiên lập địa” (x. Mt 25,34).- Amen.

 

Maria Ngọc Yến, MTG. Thủ Đức

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate(Hãy Vui Sướng và hân hoan), bản dịch của Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, NXB Tôn giáo, 2018, chương IV.

[2] x. Lm. Đỗ Xuân quế, O.P., Sống đời Thánh hiến, chương 3.

[3] Eymard An Mai Đỗ O.Cist., Nhân cách đời tu, chương 6, trang 81-84.

[4] Hồng y Eduardo Somalo, Theo Chúa Kitô – Tổng hợp các văn kiện đời tu, phần 4: Bộ Tu sĩ, Đời sống huynh đệ cộng đoàn.

[5] x. Felix podimattam, OFM CAP., Nguyễn Ngọc Kính, OFM(chuyển ngữ) -Cộng đoàn đời sống thánh hiến, Phần nhập đề.

[6] x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate(Hãy Vui Sướng và hân hoan), bản dịch của Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, NXB Tôn giáo, 2018, chương IV, số 144.