Suy niệm chung tháng 09/2024 – Suy Tôn Thánh Giá Và Bài Học Về Sự Phản Ứng

42

Suy Tôn Thánh Giá Và Bài Học Về Sự Phản Ứng

Có rất nhiều bài viết về Thánh Giá và suy tôn Thánh Giá. Ở đây, chỉ xin được rút ra một bài học nhỏ từ việc chiêm ngắm Thánh Giá Chúa. Bài học ấy là học cách phản ứng cho đúng khi khó khăn xảy ra. Thường khi khó khăn xảy ra, vì trái với mong đợi, cảm xúc chúng ta dâng lên rất mạnh, và như ông bà ta nói, vội giận mất khôn, chúng ta thường phản ứng cách thái quá để rồi chính mình phải dùng rất nhiều thời gian để hàn gắn và chữa lành những vết thương và đổ vỡ.

Có câu chuyện như sau, ngày xửa ngày xưa có đôi vợ chồng nọ rất nghèo, phải làm lụng cả ngày mà vẫn thiếu trước hụt sau. Một ngày nọ, sau khi đã vất vả làm việc cả ngày ngoài đồng, chiều tối về hai vợ chồng lại không ăn cơm, vì để dành cơm cho ăn sáng và trưa, vì lúc ấy mới cần ăn để đi làm, còn tối về thì nhịn đói cũng được. Hôm ấy cũng rơi vào tháng mùa đông, trời lạnh, hai vợ chồng ngồi bên bếp lửa, than đã đỏ rực. Hai vợ chồng không khỏi nghĩ đến những món ăn mà mình ưa thích.

Bỗng dưng có ông bụt hiện ra và nói cho họ ba điều ước. Ông nói họ phải suy nghĩ thật kỹ vì ước rồi thì không đổi lại được. Bà vợ vì đói bụng mà lại thấy có sẵn than đỏ, cô liền nghĩ ngay đến dồi chó nướng, cô liền ước có một khúc dồi chó thật dài để nướng ăn cho đã thèm. Và rồi một khúc dồi chó thật dài rơi xuống trước mặt hai vợ chồng.

Ông chồng thấy vậy giận tím tái người, nghĩ sao vợ mình lại ngu như thế, sao không ước vàng bạc rồi tha hồ đi mua dồi chó mà ăn, thật là ngu ngốc hết chỗ nói. Ông chồng bắt đầu dùng những lời lẽ thật nặng nề để tránh mắng vợ, và trong cơn giận, ông ước cho khúc dồi dính luôn vào mũi của vợ. Thế là khúc dồi dính luôn vào mũi vợ. Bà vợ rất đỗi khiếp sợ, cố bứt khúc dồi ra nhưng không được, nó dính chặt vào mũi như ngón tay dính vào bàn tay vậy.

Thế là đã hết hai điều ước. Ông bụt giục hai vợ chồng ước nốt điều còn lại để ông còn đi. Giờ chỉ còn một điều ước, ước gì đây? Hai vợ chồng biết rõ một điều ước này nếu ước một hũ vàng thì cuộc đời họ sẽ rất sung sướng, nhưng nếu vậy khúc dồi chó còn đang dính vào mũi vợ thì sao? Sau bao nhiêu đắn đo, ông chồng cũng đành phải ước cho khúc dồi biến mất khỏi mũi vợ. Thế là khúc dồi biến mất, ông bụt cũng từ biệt, và cả hai lại ngồi sưởi bên đống lửa với cái bụng đói meo. Họ rất hối hận, vì họ có đến ba điều ước mà chẳng được gì. Cuộc sống chúng ta cũng chẳng như thế sao? Điều ước là những cơ hội, nguồn lực ít ỏi trong cuộc sống, thế nhưng do phản ứng vội, chúng ta lại làm mất hết những thứ ít ỏi đó.

Đấy là chuyện dụ ngôn, nhưng đời thường cũng có thật. Một gia đình nọ có một đứa con sắp thi vào đại học, bố mẹ liên tục dặn con phải lo học. Nhưng cậu bé lại chơi gêm. Và kết quả lại cậu ta không đậu vào đại học, trong khi những đứa hàng xóm thì đều đậu cả. Thế là bố mẹ không ngớt la mắng cậu, đã dặn rồi mà không nghe, hãy xem những đứa con hàng xóm, nhà chúng nó nghèo hơn thế mà chúng nó đậu, bố mẹ không còn mặt mũi nào để nhìn hàng xóm. Cậu bé chịu đựng không nổi nên đã uống thuốc tự tử. Cũng may nhà phát hiện kịp nên cứu sống, nhưng sức khỏe đã bị tổn thương nặng nề. Ngày ngày hai ông bà phải gác lại việc công ty để thay nhau chăm sóc cho đứa con trong bệnh viện.

Qua hai câu chuyện này ta thấy trong đời sống chung, khó khăn hay lỗi lầm xảy ra là điều tất nhiên. Bà vợ đã không suy tính kỹ mà ước khúc dồi chó, đứa con ham chơi gêm mà rớt đại học. Đứng trước tình thế này ai mà không buồn. Nhưng chúng ta sẽ phản ứng cách nào đây, nếu cứ phản ứng theo cảm xúc, thì kết quả càng tệ hơn và chúng ta lại mất mát thêm rất nhiều. Nếu ông chồng bình tĩnh lại dùng hai điều ước kia để ước vàng bạc thì cuộc đời vẫn tốt đẹp. Nếu bố mẹ khi thấy con thi rớt nhưng tìm cách khích lệ, động viên thì tình hình có thể khác đi.

Cả đời sống cá nhân lẫn cộng đoàn, đôi khi chúng ta vẫn gặp những trường hợp bất như ý xảy ra, và chúng ta rất vội phản ứng theo cảm xúc, và chúng ta cho đó là phải. Chúa dạy chúng ta cách khác, ai tát mà này hãy đưa má kia, ai bắt đi một dặm hãy đi hai, hãy tha thứ bảy mươi lần bảy. Khi bị treo trên Thánh Giá, Chúa đã xin Chúa Cha tha cho người giết mình vì họ không biết việc họ làm. Con người ta thích trả thù, thích giận cá chém thớt, thế nên thù hận và đau thương chẳng bao giờ nguôi. Chúa Giê-su không như vậy, Ngài gánh lấy hết mọi tội lụy của nhân loại vào mình và mang nó lên thập giá. Mọi sự dữ đều kết thúc nơi ngài. Còn chúng ta lại khác, nọc độc của con rắn và ma quỷ ngấm vào chúng ta, và chúng ta quay ra cắn xé nhau, càng cắn xé nhau, nọc độc càng lan rộng. Chúng ta chưa được như Chúa, nhận lấy tất cả nọc độc, và đưa nó lên thánh giá, kết thúc vòng xoáy của sự dữ.

Vậy suy tôn Thánh Giá chúng ta hãy bắt chước Chúa Giê-su, hãy làm cho mọi sự dữ đến với mình là kết thúc, để rồi nơi bản thân mình chỉ tỏa ra sự thiện lương mà thôi. Đây chính là cốt tủy của giới răn yêu thương. Sống giới răn yêu thương giữa trần gian này làm sao tránh được những cái xúc phạm, những nọc độc, nhưng nếu chúng ta lại truyền những xúc phạm và nọc độc cho người xung quanh, thì còn gì là yêu thương. Thế nên giới răn yêu thương cũng giống với thập giá, đón nhận cái chết và mọi nọc độc nơi mình, và rồi từ nơi mình chỉ phát tỏa sự thiện và sự sống. Theo nghĩa này có thể định nghĩa hỏa ngục là nơi con người ta làm khổ lẫn nhau bằng cách phun ra nọc độc mà họ bị người khác tiêm vào. Thiên đàng là nơi mỗi người hóa giải nọc độc ấy nơi mình và chỉ tỏa ra sự thiện lương.

Để kết thúc, phải nói thêm rằng có những cái chúng ta thấy vậy nhưng chưa chắc đã vậy, Chúa dặn chúng ta không được xét đoán và lên án, vì chính khi chúng ta làm như vậy, chúng ta sẽ bị chính Chúa xét đoán và lên án. Có một câu chuyện như sau. Trên xe buýt ở một trạm dừng bỗng có một người đàn ông và hai đứa nhỏ lên xe. Người đàn ông mệt mỏi tìm chỗ ngồi và hai đứa bé bắt đầu nô đùa làm phiền đến những người đang đọc sách trên xe. Ai nấy rất bực mình vì nghĩ rằng người đàn ông vô trách nhiệm không biết dạy con cái. Sau khoảng 15 phút một người không chịu nổi nữa cất tiếng nói với người đàn ông, nhắc nhở ông phải quản con cái đừng để chúng chạy giỡn làm phiền người khác. Người đàn ông ngước mắt lên và nói: ồ tôi rất xin lỗi, nhưng thú thật tôi cũng không biết phải làm sao. Mẹ của chúng nó vừa mất trong bệnh viện, chúng tôi vừa từ bệnh viện về. Khi nghe đến đây mọi người không còn buồn bực nữa, nhưng tràn đầy sự thông cảm. Họ thấy rằng để cho hai đứa trẻ nô đùa một chút để chúng quên đi những mất mát quá lớn mà chúng vừa chứng kiến cũng là điều nên làm.

Cũng vậy, khi đi sâu vào câu chuyện của người khác ta luôn tìm được lý do để cảm thông. Đối với cô vợ, có lẽ cái bụng của cô ấy quá đói và quá thèm thịt chó nên chẳng nghĩ được cái gì xa hơn. Đứa con thi rớt vì chơi game chắc cũng vì một vấn đề nào đó khiến cậu chán học. Người đàn ông vì vợ chết nên mới để hai đứa con nô đùa một chút trên xe. Thế nên thay vì phản ứng vội vàng và cay nghiệt, chúng ta hãy dành thời gian để tìm hiểu, để cảm thông. Chắc chắn chúng ta phải phản ứng, phải hành động, nhưng chúng ta hãy phản ứng và hành động như Chúa, hành động làm sao để nơi mình chỉ tỏa ra sự thiện và sự sống, còn tất cả những chua cay, những nọc độc của thế gian ma quỷ, hãy để nó được treo lên thập giá của đời mình vậy.

Lạy Chúa Giê-su, con tôn thờ thánh giá Chúa. Xin Chúa giúp con biết nhìn lên Chúa và bắt chước Chúa. Xin cho con biết phản ứng giống Chúa khi đứng trước những điều trái ý, để rồi những gì tỏa ta nơi con chỉ là sự thiện và sự sống mà thôi. Amen.

Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ