Suy niệm chung Tháng 07/2024 – Cần Bám Chặt Vào Lời Chúa Trong Thời Hiện Đại

6

Suy niệm chung tháng 07/2024

CẦN BÁM CHẶT VÀO LỜI CHÚA TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

Lm. Giuse Vũ Uyên Thi, SJ

Thời hiện đại có nhiều nguy cơ khiến chúng ta rời xa lời Chúa. Lời Chúa đã có từ rất lâu, lâu quá nên có khi bị nghĩ là lỗi thời; con người ta thích đi tìm cái mới, không phải cái mới hay hơn, nhưng cái mới mang lại sự thay đổi. Giống như thời trang, thời trang thay đổi liên tục, không phải kiểu mới đẹp hơn, nhưng chỉ vì kiểu mới không phải là kiểu cũ.

Nếu không để ý, chúng ta cũng bị xu hướng thích cái mới lạ dẫn dắt, bỏ quên lời Chúa để đi tìm những tư tưởng mới nơi con người. Cái mới từ con người, tuy không phải lúc nào cũng sai, nhưng cũng chưa chắc đến từ Chúa. Vì thế, nơi tư tưởng mới lạ của con người, có rất nhiều chỗ trống, lỗ hổng cho Satan lẻn vào làm việc và thao túng.

Lời Chúa vốn là lời chân lý, lời ánh sáng, đem lại sức sống, nhưng cũng chính lời Chúa ấy cũng là lời Thần Khí, thế nên càng ngày càng có nguy cơ xa lạ với thế gian, vì họ nghe mà không hiểu, nhìn mà không thấy. Thế rồi theo quy luật tự nhiên, con người đi tìm những gì hợp với mình. Nhưng tìm những gì hợp với mình thật nguy hiểm, vì cái “mình” ở đây là thân phận con người nơi thế gian, ở trong bóng tối, và ưa thích bóng tối. Tin Mừng dạy phải từ bỏ mình để có thể theo và đón nhận Chúa. Thế gian dạy bỏ lời Chúa để đi tìm những gì hợp với mình. Tình trạng này thật nguy hiểm.

Vậy phải làm sao? Trước hết cần xác định lại vị trí của lời Chúa. Lời Chúa là lời chân lý, bất biến, có sức soi sáng, hướng dẫn, thêm sức, đỡ nâng; lời Chúa là chính Chúa. Vì vậy thái độ thích hợp là cứ tập trung vào lời Chúa, đặt lời Chúa lên hàng ưu tiên trong tất cả mọi sự. Điều này có nghĩa rằng, cho dù lời Chúa khó hiểu, cho dù bản thân không thấy được đánh động, thì vẫn phải đặt lời Chúa lên hàng ưu tiên và tập trung vào Lời Chúa. Chỉ có thái độ mạnh mẽ và dứt khoát như vậy mới giúp chúng ta có những bước tiếp theo. Nếu coi lời Chúa như là một món ăn tùy chọn giữa các món ăn khác, coi lời Chúa như một quyển sách có thể được chọn như bao quyển sách khác, thì thật là nguy hiểm.

Có nhiều người lý luận rằng đúng là lời Chúa quan trọng và là ưu tiên số một, nhưng quá cao, nên con bắt đầu đọc những sách tâm lý, hạt giống tâm hồn, hay các sách khác để như bước đệm để hiểu lời Chúa. Lý luận như vậy cũng có lý nhưng cũng có nguy hiểm ở chỗ, họ dành cả đời để đọc những sách kia mà đến lúc chết cũng chưa có giờ cho Kinh Thánh. Vì cuộc đời ngắn ngủi, không nên mất quá nhiều thời gian cho những gì không quan trọng.

Như thế, cần tập trung vào lời Chúa ngay và sớm nhất có thể. Câu hỏi đặt ra là: để hiểu lời Chúa thì cần những gì và việc học các môn học khác và đọc những sách khác giúp chúng ta ở mức độ nào trong vấn đề hiểu Lời Chúa hay không.

Điều dễ thấy là các môn học khác như văn học, tâm lý, xã hội, giúp con người ở một mức độ nhất định trong việc hiểu lời Chúa, thế nhưng đừng đầu tư quá nhiều thời gian. Chỉ cần kiến thức vừa vừa là được. Điều cần tập trung vào đó là chuẩn bị con người nội tâm, hay chuẩn bị linh hồn mình. Lời Chúa không chỉ là chữ, nhưng cốt yếu là Thần Khí và là sự sống. Điều nay mang nhiều nghĩa nhưng một trong những ý nghĩa đó có thể được ví như tần số. Lời Chúa có tính chất như tần số của sóng điện từ, tâm hồn nào có cùng tần số ấy thì sẽ nghe được và hiểu được Lời Chúa.

Làm gì để có cùng tần số với sóng Lời Chúa? Có nhiều điều cần làm nhưng tựu trung lại là phải can đảm bỏ hết mọi sự, chỉ tìm kiếm duy nhất một mình Chúa mà thôi, và liên tục tìm kiếm trong nhẫn nại và tỉnh thức. Vấn nạn khiến con người không hiểu lời Chúa là vì họ tìm kiếm quá nhiều thứ. Sâu xa hơn là họ không dám chịu cực khổ khi dám bỏ đi những cái an ủi thông thường của những điều nơi thế gian để chuyên tâm tìm kiếm Chúa. Kế đến là sự kiên trì, mấy ai được như Đức Mẹ, không hiểu nhưng cứ suy đi nghĩ lại trong lòng. Cuối cùng là sự tỉnh thức, chính sự gạt bỏ đi những cái thế gian không cần thiết mới giúp con người có được không gian tĩnh lặng bên trong để có thể hiểu được lời Chúa qua những chuyển động nội tâm và những soi động của linh hồn. Những điều này giả thiết rằng người muốn hiểu lời Chúa không vương mắc tội trọng hay nết xấu lớn nào. Nếu còn vướng, thật khó để hiểu lời Chúa.

Khi có những điều kiện này rồi, hãy cầm quyển Kinh Thánh trên tay, xin ơn soi sáng và bắt đầu đọc. Đừng tìm kiếm quá nhiều sách chú giải, Lời Chúa tự có sức soi sáng cho linh hồn tìm kiếm thánh ý Chúa. Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta có sự vui sướng khi hiểu lời Chúa, và chính khi ấy, lời Chúa sẽ là niềm vui bù đắp lại cho những hi sinh và từ bỏ của chúng ta. Điều đáng mừng nhất là chúng ta được chính lời Chúa soi đường chỉ lối và lối sống của chúng ta được sát với Lời Chúa.

Chưa thời nào mà thông tin nhiều như ngày nay, chưa thời nào mà thông tin trở thành bất khả kiểm duyệt như ngày nay. Ngày nay ai cũng có thể viết, ai cũng có thể chia sẻ. Viết với ý ngay lành thì cũng có, viết với ý định xấu xa cũng rất nhiều. Chính trong môi trường truyền thông như vậy ắt hẳn ma quỷ cũng không làm ngơ, nhưng tận dụng tối đa để truyền bá những tư tưởng xấu xa của chúng.

Vấn để là chúng ta không thể không dùng truyền thông, nhưng đừng để cho truyền thông trở nên một gã khổng lồ chiếm hết không gian và thời gian của mình, đừng để truyền thông “nuốt chửng” Kinh Thánh. Cần gì lên kênh truyền thông tìm, lời Chúa trở thành điều gì đó rất tùy phụ.

Đứng trước nguy cơ này, chúng ta hãy dành giờ để suy nghĩ. Chúng ta phải dành vị trí nào cụ thể cho Lời Chúa trong đời sống hằng ngày? Vấn đề không phải là lý thuyết, nhưng là thực hành: một cách cụ thể tôi sẽ đọc Kinh Thánh bao nhiêu phút, vào những giờ nào. Tôi sẽ chuẩn bị bản thân như thế nào để có thể hiểu lời Chúa? Khi đọc mà không hiểu, tôi sẽ phải làm gì?

Lạy Chúa, chúng con vốn giới hạn mà lại sống trong thế giới có quá nhiều thông tin, quá nhiều lối sống. Xin Chúa giúp con nhận ra nguy cơ của thời đại mình, và xin cho chúng con bám thật chặt vào lời Chúa, cùng chăm chỉ đọc và suy niệm lời Chúa mỗi ngày. Amen