Suối nguồn yêu thương

Thánh Gioan tông đồ kể lại: sau khi Chúa Giêsu tắt thở trên thánh giá, những người lính đến định đánh giập ống chân của Người, nhưng khi thấy Người đã chết, một người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Người, và lập tức máu và nước chảy ra (x. Ga 19,31-37). Ngay từ thời các Giáo phụ, hình ảnh nước và máu chảy ra từ Trái tim Chúa đã được chú giải như tượng trưng cho hai bí tích Kitô giáo: Bí tích Thanh tẩy và Bí tích Thánh Thể. Quả vậy, Bí thích Thanh tẩy cho ta được tái sinh làm con cái Chúa; Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình và Máu Người. Đời sống người Kitô hữu bắt nguồn từ Trái tim Chúa Giêsu mở ra trên thập giá. Từ Trái tim Chúa Giêsu, suối nguồn yêu thương đã tuôn trào, vừa để khẳng định tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, vừa để nuôi dưỡng con người trên hành trình dương thế. Hãy đến với suối nguồn yêu thương, để kín múc những hồng ân cao cả Chúa ban. Ai đến với Thánh Tâm Chúa, sẽ được nghỉ ngơi bổ sức nơi nguồn suối dạt dào tình thương này.
 
Khi ghi lại sự việc người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa, tông đồ Gioan liên tưởng tới hình ảnh con chiên Vượt qua còn xương cốt vẹn toàn. Ông cũng ghi lại lời  Kinh Thánh: không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lời này nằm trong những chỉ thị về việc mừng lễ Vượt Qua mà Chúa đã qua ông Môisen để truyền cho dân (x. Xh chương 12). Qua việc trích dẫn Cựu ước, Thánh Gioan khẳng định: Chúa Giêsu chính là Chiên Vượt qua mới. Người mang trên mình mọi tội lỗi trần gian. Người chịu sát tế trên thập giá và chịu chết vào khoảng ba giờ chiều ngày thứ Sáu, tức là ngày áp lễ Vượt Qua, đúng vào giờ người ta giết chiên trong Đền Thờ để chuẩn bị cử hành các lễ nghi trọng thể vào ngày hôm sau. Nếu mỗi năm một lần, người ta sát tế chiên để cử hành lễ Vượt Qua, thì nay, nghi thức ấy không còn cần thiết nữa, vì Chúa Giêsu là Chiên Vượt Qua mới, hiến dâng một lần là đủ cho tất cả và cho mãi mãi. Dòng nước chảy ra từ Thánh Tâm Chúa là suối nguồn yêu thương, luôn tắm gội cho con người mọi thời đại. Dòng nước ấy cũng đang nuôi dưỡng mỗi người Kitô hữu, để nhờ đó mà họ tìm được sức mạnh giữa sóng cả ba đào nơi trần gian.
 
Trong những lần hiện ra với thánh nữ Maria Magarita, một nữ tu dòng Thăm viếng tại Paray-le-Monial, Chúa Giêsu đã tỏ cho thánh nữ thấy trái tim rực lửa của Người. Vào tháng Sáu năm 1675, Chúa nói với thánh nữ: “Đây là Trái tim đã yêu mến loài người quá bội, đến mức mòn mỏi và tiêu hao để chứng minh tình yêu cao cả của Thiên Chúa, nhưng đối lại, Ta chỉ nhận được sự vô ơn bạc nghĩa”Vào thời thánh nữ Margarita, Giáo Hội bị đe doạ bởi chủ nghĩa Giansenit, trình bày Thiên Chúa như là một Đấng công thẳng đáng sợ. Lòng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở con người rằng Thiên Chúa là tình yêu, chứ không chỉ là Đấng thẩm phán. Trong những lần hiện ra, Chúa cũng tỏ ra cho thánh nữ biết ao ước của Người muốn Giáo Hội cử hành một ngày lễ đặc biệt tôn kính Thánh Tâm Người vào ngày thứ Sáu của tuần sau lễ kính Mình Thánh Chúa. Tuy vậy, đến năm 1856, tức là gần hai thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Piô IX mới thiết lập ngày lễ này trong Giáo Hội. Việc tôn kính Thánh Tâm Chúa và ngày lễ Kính Thánh Tâm là để đáp lại lời đề nghị của chính Chúa Giêsu. Khi tôn kính Thánh Tâm, người Kitô hữu được mời gọi đón nhận sứ điệp yêu thương được diễn tả qua Trái tim rộng mở của Đấng Cứu thế. Có người hỏi tại sao người Công giáo lại thờ một “quả tim”. Thực ra, một quả tim đơn độc chẳng có ý nghĩa gì. Trái tim mà chúng ta tôn thờ chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Thờ lạy Trái tim Chúa là thờ lạy Thiên Chúa đã làm người để cứu nhân độ thế. Chúa Giêsu đã yêu thương con người, đến độ hiến mình làm giá cứu chuộc con người. Người đã đón nhận cái chết để cho nhân loại được sống. Trong nhiều nền văn hóa trên thế giới, trái tim tượng trưng cho tình yêu, sự hy sinh và chia sẻ. Trong ngôn ngữ Việt Nam chúng ta, trái tim cũng đồng nghĩa với tấm lòng. Tấm lòng không phải là một bộ phận cơ thể người, nhưng nó tượng trưng cho sự tử tế, bao dung nhân hậu và hy sinh cho người khác. Thiên Chúa đã sống với con người bằng “tấm lòng”, đến độ trở nên người để chung chia phận người với chúng ta.
 
Việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta hãy sống với nhau bằng tình yêu thương, như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). “Như Thày đã yêu thương”, đó là tiêu chí và mẫu mực cho cách đối nhân xử thế của người Kitô hữu. Trong xã hội hôm nay, con người càng ngày càng vô cảm với tha nhân. Vì thế, có vô số những nạn nhân bạo lực, những người bị gạt ra bên lề cuộc sống, những người bị quên lãng bởi chính những thành viên trong cùng một gia đình. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” – Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã diễn tả điều này bằng một bài hát có tựa đề “Để gió cuốn đi”, rất ý nghĩa và cụ thể. Đó là sẻ chia niềm hy vọng, vươn lên giữa những thương đau, nhìn đời bằng con mắt lạc quan và yêu thương, để giữ lại những điều tốt đẹp ta gặp thấy hằng ngày. Sống không có tấm lòng, con người trở thành hoang dã, chỉ lo chụp giật và thanh toán lẫn nhau. Không có tấm lòng, cuộc sống sẽ bất hạnh, cho dù nhiều của cải bạc vàng. Chúa đã sống với chúng ta bằng tấm lòng. Chúng ta cũng vậy, hãy đi và thực thi những điều tốt đẹp với tha nhân. Đó là một thông điệp quan trọng của ngày lễ kính Thánh Tâm.
 
“Trái tim Đức Chúa Giêsu là mạch đầy rẫy hằng chảy ơn lành cho hết mọi người chúng con” (Kinh cầu Trái tim Chúa Giêsu). Hãy đến với suối nguồn có tên Giêsu để tận hưởng ơn phúc ngọt ngào Chúa ban cho những ai thành tâm yêu mến Chúa. Từ Trái tim đã mở ra trên thập giá, dòng suối yêu thương đang chảy đến mọi người, mọi nhà, để đem lại cho nhân loại hạnh phúc và bình an.
 
“Như nai rừng mong tới suối, hồn con khát khao Ngài, Lạy Chúa!” (Tv 42,2). Hình ảnh con nai thường được trang trí gần Nhà tạm Thánh Thể, hoặc bên bàn thờ Thánh Tâm. Con nai chạy đến suối, không phải chỉ để khát, mà nó đang gặp nguy hiểm, bởi có con sói đuổi đàng sau. Niềm khát khao của con nai, không phải để uống nước, nhưng là để cứu mạng, vì một khi con nai nhảy xuống dòng nước, thì con sói – vốn sợ nước – không thể làm gì được. Suối nước là chỗ trú ẩn an toàn, là nơi con nai được bình an. Người tín hữu khát khao suối nguồn yêu thương, giống như con nai, vừa tìm nơi che chở, vừa tìm được của nuôi dưỡng. Nguồn suối từ Thánh Tâm Chúa dồi dào ân sủng, chính là nơi chúng ta được nghỉ ngơi: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Hãy đến với Chúa, Thánh Tâm Chúa đã chờ đợi chúng ta!
 
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Exit mobile version