Sùng kính Mình Máu Thánh
Chúa Giêsu chịu đau khổ vô cùng. Quân lính La-mã đã lôi thân xác tan nát của Ngài ra khỏi tòa án. Đức Mẹ vào tòa án lấy vải trắng thấm Máu Chúa Giêsu đầy trên nền. Đức Mẹ không ngừng thấm lấy hết Máu Thánh của Thánh Tử vào những tấm vải trắng.
Lòng sùng kính được nhen nhóm
Lòng súng kính Máu Thánh Chúa Giêsu không mới lạ. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, khi Ngài nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22:19-20).
Trước Công đồng Vatican II, Giáo hội đã cử hành mầu nhiệm Máu Thánh Chúa Giêsu vào mỗi ngày 1 tháng Bảy. Chân phước GH Phaolô VI đã kết hợp việc kính nhớ Thánh Huyết và Thánh Thể mà ngày nay là lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, lòng sùng kính này sau đó mới được chú trọng, nhất là sau những lần Đức Mẹ hiện ra với một thị nhân ở Nigeria.
Tháng 7-1995, vào giờ linh của Lòng Chúa Thương Xót (3 giờ chiều), Chúa Giêsu đã hiện ra với thị nhân Barnabas Nwoye, lúc đó 17 tuổi, hầu như không biết chữ, người Nigeria. Qua nhiều lần hiện ra và nhiều sứ điệp của Đức Mẹ, và của nhiều vị thánh, Barnabas được hướng dẫn cách phổ biến Lòng Sùng Kính Máu Thánh Chúa Giêsu. Phần lớn các sứ điệp này được trao cho Barnabas trong những khi chầu Thánh Thể tại một nhà thờ ở Enugu, tại Nigeria.
Trong khi những lần hiện ra vẫn được Giáo hội điều tra, các sứ điệp được trao cho Barnabas đã được xem xét bởi một Ủy ban Thần học do ĐGM Anthony Gbuji (GP Enugu, Nigeria) thiết lập, cuối cùng các sứ điệp đó được cấp “Nihil Obstat” (nghĩa là không có gì trái với đức tin), do đó các sứ điệp này được chuẩn nhận để công bố và truyền bá.
Lời mời gọi tôn kính Máu Thánh Chúa Giêsu
Lòng sùng kính là lời mời gọi tôn sùng Máu Thánh Chúa Giêsu, giá cứu độ. Chúa Giêsu nói với Barnabas: “Hãy tôn sùng Máu Thánh, hỡi các con yêu dấu của Ta, hãy cứu linh hồn các con và toàn thế giới. Hãy luôn sùng kính Máu Thánh… Máu Ta là Giá Cứu Độ. Nhờ Máu Thánh của Ta, các con được quy tụ thành các thành viên của một gia đình. Máu Ta đã trả món nợ nô lệ của nhân loại và làm cho họ thành nghĩa tử. Các con không còn là nô lệ mà là con. Đó là lý do Ta gọi các con là con của Ta. Ta nói với các con là hãy sùng kính Giá Cứu Độ dành cho các con”.
Lòng sùng kính này là lời mời gọi chúng ta tôn sùng và an ủi Chúa Giêsu khi Ngài chịu đau khổ. Lòng sùng kính này khuyến khích chúng ta trưởng thành trong đời sống cầu nguyện – cầu nguyện để cầu xin ơn lành của Chúa, để an ủi Chúa. Chúa Giêsu than phiền rằng nhiều người ngày nay không đánh giá cao những đau khổ mà Ngài đã chịu vì chúng ta: “Hãy sùng kính Máu Thánh mà người ta khinh suất… Hỡi các con của Ta, hãy tìm cách an ủi Ta trong cơn hấp hối của Ta. Ta chịu đau khổ nhiều để cứu độ các con… Nếu bất kỳ ai trong các con yêu mến Ta, hãy để người đó an ủi Ta. Nếu ai yêu mến Ta, hãy để người đó tôn thờ Máu Thánh của Ta. Ta sẽ cho người đó biết tình yêu mà người đó yêu mến Ta, và tỏ Lòng Thương Xót với người đó vì đã biết các Vết Thương và Máu Thánh của Ta” (ngày 25-7-1997).
Vũ khí cuối cùng chống lại ma quỷ
Chúa Giêsu hứa rằng lòng sùng kính Máu Thánh là vũ khí tối hậu để chiến tháng Satan và ác thần: “Các con sẽ được bảo vệ khỏi nọc độc của ma quỷ… Hỡi các con của Ta, Máu Ta là vũ khí tuyệt vời. Nhờ Máu Thánh của Ta, các Thiên Binh đã chiến thắng oanh liệt và xua đuổi mọi kẻ thù. Hãy cùng với Máu Thánh của Ta mà chống lại kẻ thù của các con và các tà thần. Các con sẽ chiến thắng” (ngày 21-7-1997).
Chúa Giêsu hứa cứu những người tôn sùng Máu Thánh: “Những người yêu mến Ta và tôn sùng Máu Thánh sẽ không bị hư mất. Máu Thánh của Ta sẽ cứu thoát họ” (ngày 24-7-1997).
Lời mời gọi cầu nguyện
Các sứ điệp được trao cho Barnabas có nhiều lời tiên tri liên quan Thời Cuối Cùng (nhiều lời trong đó phù hợp với những lời tiên tri về Thời Cánh Chung từ nhiều lần Đức Mẹ hiện ra ở các nơi khác, như ở Akita và Garabandal), Đức Mẹ nhấn mạnh: “Mục đích của lòng sùng kính này không để mặc khải mà để dạy thế giới biết cách cầu nguyện” (ngày 20-7-1997).
Do đó, lòng sùng kính này là lời mời gọi cầu nguyện – mức cầu nguyện sâu sắc khi liên quan sự nghiêm trọng của sự khủng hoảng luân lý và tâm linh trên thế giới. Những lời nguyện và những bài thánh ca đã được Chúa Giêsu đọc cho Barnabas viết trong những năm 1997-2001 để thiết lập lòng sùng kính Máu Thánh Chúa Giêsu, và đã có imprimatur của ĐGM Ayo Maria, GP Illorin, Nigeria (ngày 17-6-2000).
Trung tâm của lòng sùng kính này là “Chuỗi Máu Thánh Châu Báu” (Chaplet of the Precious Blood) mà Chúa Giêsu đã khuyến khích người ta đọc ngay sau Chuỗi Mân Côi hằng ngày. Trong sứ điệp trao cho Barnabas ngày 29-1-1997, Đức Mẹ nói về Chuỗi Máu Thánh: “Hỡi các con, Chuỗi máu Thánh của Con Mẹ kết hợp các lòng sùng kính về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Trên trời, lời cầu nguyện này là một trong những lời cầu nguyện tuyệt vời ngăn cơn giận của Chúa Cha và đem lòng thương xót đến cho thế giới”.
ĐGM Ayo-Maria Atoyebi, Dòng Đa-minh, GP Ilorin (Nigeria), nhấn mạnh tầm quan trọng và sức mạnh của Lòng Sùng Kính Máu Thánh, đặc biệt là Chuỗi Máu Thánh: “Chuỗi Máu Thánh cùng với việc tôn kính các Vết Thương của Chúa Giêsu là tặng phẩm tâm linh về sự vô giá dành cho thời gian khẩn cấp. Chúng ta tập trung vào Chúa Giêsu bị đóng đinh. Điều làm cho Chuỗi này mạnh mẽ là chúng ta đứng trước Thập Giá Chúa Giêsu cùng với Đức Maria, Đức Mẹ Bảy Sự, Đức Mẹ Đồng Công, Trạng Sư và Đấng Thông Chuyển mọi Ân Sủng. Ánh mắt của chúng ta nhìn vào Năm Vết Thương của Chúa Giêsu với Máu và Nước tuôn chảy ra”.
Ngày 23-7-1997, Chúa Giêsu nói: “Hỡi các con, hãy cầu nguyện Chuỗi Máu Thánh này. Ta hứa sẽ hủy diệt các lãnh địa của kẻ thù là ma quỷ”.
Lời hứa mạnh mẽ
Ngày 26-7-1997, Chúa Giêsu hứa với những người tôn sùng Máu Thánh Chúa Giêsu và thực hành lòng tôn sùng này bằng cách đọc các lời nguyện đã được trao cho Barnabas:
“Hỡi con, tại sao chỉ có một số ít trong các con tỏ lòng yêu mến Ta? Vì chỉ có người biết Ta. Hỡi các con, hãy yêu mến Ta, hãy an ủi Ta và tôn thờ Ta. Ta hứa bảo vệ bất kỳ ai chân thành an ủi Ta và tôn thờ Ta bằng lời cầu nguyện này để chống lại tấn công của ma quỷ.
Người đó sẽ không chết bất ngờ. Người đó sẽ không bị lửa thiêu hủy. Bất kỳ binh sĩ nào đọc lời cầu nguyện này trước khi ra chiến trường sẽ không bại trận. Không viên đạn nào ảnh hưởng tới người đó. Hãy đọc lời cầu nguyện này cho phụ nữ trong cơn đau đớn lúc sinh con và phụ nữ này sẽ bớt đau. Phụ nữ nào chân thành đọc lời cầu nguyện này sẽ sinh con an toàn mà không đau đớn nhiều.
Hảy đặt lời cầu nguyện này vào đầu của đứa trẻ nào bị ác thần quấy phá và thiên thần Cherubim sẽ bảo vệ nó. Ta hứa bảo vệ gia đình nào chân thành đọc lời cầu nguyện này khi bị sấm chớp. Ngôi nhà nào có lời cầu nguyện này sẽ được bảo vệ khỏi bão tố.
Nếu lời cầu nguyện này được đọc cho người hấp hối, Ta hứa rằng người đó đó sẽ không mất linh hồn… Ta hứa bảo vệ họ bằng Máu Thánh của Ta, và Ta cho những người an ủi Ta và tôn thờ Ta được trú ẩn trong các Vết Thương của Ta. Chất độc sẽ vô hại đối với các con. Ta sẽ bảo vệ ngũ quan của các con… Tổng lãnh Thiên thần Micae sẽ che chở các con… Những người chân thành an ủi Ta và tôn thờ Ta bằng lời cầu nguyện này cho tới chết sẽ được gia nhập Thiên binh và Ca đoàn Thiên thần”.
Lời Cầu nguyện theo công thức và suy niệm hoặc chiêm niệm
Thật buồn vì ngày nay nhiều linh mục có khuynh hướng coi thường các Tuần Cửu Nhật, các lời cầu nguyện theo công thức, và các dạng sùng kính khác. Thậm chí một số linh mục còn cho rằng “trưởng thành tâm linh” là phải “nâng cấp” các dạng thấp kém của việc tôn thờ trong Công giáo thành các dạng cầu nguyện “cao cấp” hơn, đó là suy niệm và chiêm niệm. Nói như vậy có nghĩa là các dạng cầu nguyện theo công thức – như Chuỗi Mân Côi, Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót, và nay là Chuỗi Máu Thánh – cũng đều là những lời cầu nguyện “cấp thấp” trong tâm linh của người Công giáo.
Điểm thứ nhất để chú ý khi đáp lại cách phản đối trên đây là nhiều lời cầu nguyện theo công thức đều có trong lời cầu nguyện chiêm niệm. Khi chúng ta lần Chuỗi Mân Côi, điều thực sự quan trọng là việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, đó là chiêm niệm các mầu nhiệm Mân Côi. Do đó, Chuỗi Mân Côi là lời kinh chiêm niệm đầu tiên. Đó là lời mời gọi suy niệm về cuộc đời Chúa Giêsu, vì chứa đựng trong các mầu nhiệm.
Chuỗi Máu Thánh cũng có những lời nguyện lặp đi lặp lại: “Kính lạy Máu Thánh Chúa Giêsu, xin cứu độ chúng con!”. Đó là lời cầu nguyện chiêm niệm mời gọi chúng ta chiêm ngắm Năm Vết Thương của Chúa Giêsu Kitô.
Tại sao có lòng sùng kính khác?
Một số người tranh luận: Tại sao cần có những lòng sùng kính khác? Chúng ta có nhiều lòng sùng kính rồi: Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ, lòng sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Tại sao cần lòng kính khác?
Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, có nhiều lĩnh vực và nhiều phương diện. Nhiều lòng sùng kính khác nhau dành cho Chúa Giêsu là để giúp chúng ta hiểu và đánh giá cao nhiều phương diện của Ngôi Con. Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu giúp chúng ta đánh giá cao Tình Yêu Thiên Chúa. Việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót dạy chúng ta biết về Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Đức Mẹ dạy chúng ta về tính bất khả phân ly của hai Thánh Tâm. Cuối cùng, lòng sùng kính Máu Thánh Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chiêm niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.
Trong sứ điệp trao cho thị nhân Barnabas ngày 15-7-1997, Đức Mẹ nói rằng lòng sùng kính Máu Thánh là tột đỉnh của mọi lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu: “Lòng sùng kính này kết hợp mọi lòng sùng kính Chúa Con và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Trời cao mãi mãi tôn thờ Máu Thánh Chúa Giêsu qua những lời nguyện này”.
Vả lại, lòng sùng kính Máu Thánh giúp chúng ta nhận biết tính ưu việt của Thánh Thể và Thánh Lễ: Dạng cao quý nhất của việc thờ phượng trong Công giáo. Lòng tôn sùng này lời mời gọi chúng ta tôn kính Máu Thánh Chúa Giêsu bằng cách thường xuyên tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.
Người công giáo có tin và ấp ủ lòng sùng kính này? Cách trả lời thực tế: Chúng ta mất gì khi thực hành lòng sùng kính này? Chúng ta có được mọi thứ và chẳng hề mất gì khi chúng ta thực hành lòng sùng kính này và đọc lời cầu nguyện này!
Chăm chú nhìn Chúa Giêsu
Sùng kính Máu Thánh Chúa Giêsu là tái tập trung vào Cuộc Khổ Nạn của Ngài. Đó là lời mời gọi chúng ta chăm chú nhìn vào nỗi đau khổ của Đức Kitô trên Thập Giá – Chúa Vũ Trụ đã tự hạ tới mức đổ đến giọt máu cuối cùng vì mỗi chúng ta. Trong thời hiện đại của chúng ta, đa số chúng ta mù quáng và say mê theo đuổi kho tàng thế gian, của cải vật chất, địa vị, danh vọng,… Chúng ta không còn thời gian dành cho Chúa Giêsu: Suốt ngày làm việc, vui chơi, ăn uống, cố tìm hạnh phúc riêng.
Chúng ta dành nhiều thời gian để tích lũy vật chất, mà quên kho tàng đích thực và mục đích của cuộc đời là Nước Trời, ngôi nhà cuối cùng của chúng ta. Thế gian này không là nơi ở vĩnh viễn của chúng ta! Chúng ta quên rắng Chúa Giêsu đã dùng Giá Máu để mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta. Lòng sùng kính Máu Thánh Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta đăm đắm nhìn lên trời, đó là phần thưởng cuối cùng, và chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu, Đấng đã mua Nước Trời cho chúng ta bằng chính Máu Thánh của Ngài.
Ngày 4-7-1998, Chúa Giêsu nói với thị nhân Barnabas: “Hỡi các con, khi thế giới cầm tay phải của Ta và đóng vào đó một cây đinh dài, Ta đã kêu la trong đau đớn vô cùng. Với tình yêu, Ta nhớ các con và dâng mọi đau khổ để chữa lành và cứu độ các con. Hãy suy niệm về nỗi thống khổ của Ta vì các con. Hãy nghĩ rằng Ta yêu thương các con biết bao!”.
Nhiều người trong chúng ta không thể thực hành đầy đủ lòng sùng kính và đọc đủ các lời nguyện, nhưng vào chính mỗi lúc nào đó, chúng ta hãy cố gắng cầu nguyện liên lỉ trong ngày với lời nguyện ngắn gọn: “Kính lạy Máu Thánh Chúa Giêsu, xin cứu độ chúng con!”.
– Khi thức dậy, hãy cầu nguyện: “Kính lạy Máu Thánh Chúa Giêsu, xin giúp con hôm nay!”.
– Trước mỗi cuộc họp hoặc cuộc gặp gỡ quan trọng, hãy cầu nguyện: “Kính lạy Máu Thánh Chúa Giêsu, xin giúp con trong cuộc gặp gỡ này!”.
– Khi công việc hoàn tất, hãy cầu nguyện: “Kính lạy Máu Thánh Chúa Giêsu, xin tạ ơn Chúa đã trợ giúp con!”.
– Trước khi đi ngủ, hãy cầu nguyện: “Kính lạy Máu Thánh Chúa Giêsu, xin tạ ơn Chúa về ngày hôm nay!”.
Nếu thành tâm làm vậy, chúng ta có thể được an ủi vì chính Chúa Giêsu đã hứa qua máu Thánh châu báu của Ngài: Ngài sẽ bảo vệ chúng ta, chúc lành cho chúng ta, và quan trọng nhất là khi kết thúc cuộc lữ hành trần gian này, Ngài sẽ cho chúng ta bình an về ngôi nhà đích thực là chính Thiên đàng.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)