Sức mạnh đích thực của người tín hữu là sức mạnh của sự thật và tình yêu

88
Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc Kinh Truyền Tin sáng Chúa nhật 18/08/2013, tại đền thờ thánh Phêrô
Anh chị em thân mến.Trong phụng vụ hôm nay chúng ta nghe những lời của thư gửi tính hữu Do thái : “chúng ta hãy hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Ðức Giêsu là Ðấng khai mở và kiện toàn lòng tin”. (Dt 12,1-2). Đây một diễn đạt mà chúng ta phải nhấn mạnh cách đặc biệt trong Năm Đức Tin này. Cả chúng ta nữa, trong suốt năm nay, chúng ta hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, vì đức tin, đó là lời “xin vâng” của chúng ta đối với tương quan làm con với Thiên Chúa, tương quan đến từ Thiên Chúa, đến từ Chúa Giêsu. Người là trung gian duy nhất của mối tương quan giữa chúng ta với Cha, Đấng ngự trên trời. Chúa Giêsu là Con, và chúng ta là những người con trong Người.

Thế nhưng Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay cũng chứa đựng lời của Chúa Giêsu, làm cho chúng ta khủng hoảng, và đã được Người giải thích, vì nếu không nó có thể sinh ra những hiểu lầm. Chúa Giêsu nói cho các môn đệ : “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ.”  (Lc 12,51). Điều này có ý nghĩa gì? Nghĩa là đức tin không phải là đồ vật để trang trí, trang sức; Sống đức tin không phải là trang trí cho cuộc sống với một ít tôn giáo, giống như một chiếc bánh và người ta trang trí cho nó bằng bột kem. Không phải thế, đức tin không phải vậy. Đức tin đòi hỏi chọn lựa Thiên Chúa như là tiêu chuẩn căn bản của cuộc sống, và Thiên Chúa không phải không có, Thiên Chúa không phải là trung lập, Thiên Chúa luôn là xác thực, Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu thì xác thực!

Sau khi Chúa Giêsu đến thế gian, không thể làm như là chúng ta không nhận biết Thiên Chúa. Như thể Thiên Chúa là cái gì trừu tượng, trống rỗng, ám chỉ một danh nghĩa cách thuần túy. Không, Thiên Chúa có một khuôn mặt cụ thể, có tên : Thiên Chúa là Đấng xót thương, trung tín, là sự sống trao ban cho tất cả chúng ta. Vì thế Chúa Giêsu nói : Thầy đến để đem đến sự chia rẽ; Chúa Giêsu không muốn chia rẽ con người với nhau, trái lại :  Người là sự bình an của chúng ta, là sự hòa giải của chúng ta. Nhưng bình an này không phải là bình an của những nấm mộ, không có tính trung lập, Chúa Giêsu không đem lại tính trung lập, bình an này không phải là sự thỏa hiệp bằng tất cả mọi giá.

Theo Chúa Giêsu cần phải từ bỏ sự dữ, ích kỷ và chọn lựa điều thiện, sự thật, công bình, ngay cả những điều đòi hỏi phải hy sinh và từ bỏ những thú vui của mình. Đúng vậy, chia rẽ; chúng ta biết, nó cũng chia rẽ những liên hệ mật thiết nhất. Nhưng phải chú ý : Chúa Giêsu không chia rẽ! Người đặt ra tiêu chuẩn : Sống cho chính mình, hay sống cho Thiên Chúa và tha nhân; trở nên được phục vụ hay phục vụ; vâng lời chính mình hay vâng phục Thiên Chúa. Trong ý nghĩa đó Chúa Giêsu là  “dấu chỉ của sự mâu thuẫn” (Lc 2, 34)

Vì vậy, Lời này của Tin mừng hoàn toàn không cho phép sử dụng sức mạnh để truyền bá đức tin. Trái lại : sức mạnh đích thực của người tín hữu là sức mạnh của sự thật và tình yêu, đòi hỏi phải từ bỏ mọi bạo lực. Đức tin và bạo lực xung khắc nhau! Trái lại Đức tin và đức dũng mạnh đi đôi với nhau. Người kitô hữu không bạo lực, nhưng mạnh mẽ. Và với sức mạnh nào? Đó là sức mạnh của sự dịu dàng, sức mạnh của tình yêu.

Anh chị em thân mến, giữa những người thân của Chúa  cũng có những người không hoàn toàn chia sẻ cách sống và rao giảng của Người, Tin mừng đã nói cho chúng ta điều đó (x. Mc 3,20-21). Nhưng Mẹ Người thì luôn trung thành bước theo Người, luôn nhìn vào trái tim của Chúa Giêsu, Con Đấng Tối Cao, và vào mầu nhiệm của Người.  Cuối cùng, nhờ đức tin của Đức Maria, những người thân thuộc của Chúa Giêsu bước vào làm thành một phần của cộng đoàn tín hữu đầu tiên (x. Cv 1,14). Chúng ta cầu xin Mẹ nâng đỡ cũng như giữ cho ta gắn chặt cái nhìn lên Chúa Giêsu và  luôn bước theo Người, cho dù phải trả giá.

Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ