Sức mạnh của lời khen

87

Ronald Rolheiser, 2018-08-13

Thánh Tôma Aquinô từng nói rằng không khen ai đó khi họ xứng đáng được khen cũng là một tội, vì khi kìm lại lời khen là chúng ta đang tước đoạt của người ấy của ăn mà người ấy cần để sống. Ngài nói đúng. Có lẽ kìm hãm lời khen không phải là tội, nhưng đó đúng là một sự bần cùng hóa đáng buồn, cho cả người đáng được khen và người cố dằn lòng không khen.

Chúng ta không chỉ sống nhờ cơm bánh. Chúa Giêsu đã nói vậy. Tâm hồn chúng ta cũng cần được nuôi dưỡng và của ăn của nó là sự thừa nhận, công nhận, và chúc phúc. Tất cả chúng ta đều cần được người khác thừa nhận một cách lành mạnh, mỗi khi chúng ta làm gì đó tốt, để rồi chúng ta có vốn để thừa nhận người khác khi họ xứng đáng. Chúng ta không thể cho đi những gì chúng ta không có! Rõ ràng rồi. Và như thế, để chúng ta yêu thương và công nhận người khác, thì chúng ta phải được yêu thương trước, được chúc phúc trước, và được khen ngợi trước. Khen ngợi, công nhận, và chúc phúc là những điều hun đúc tâm hồn chúng ta.

Nhưng khen người khác không chỉ quan trọng với người được khen, mà nó cũng quan trọng hệt như thế cho người đưa ra lời khen. Khi khen ai đó, là chúng ta cho người ấy của ăn cần thiết cho tâm hồn, nhưng khi làm thế, chúng ta cũng nuôi dưỡng cho tâm hồn mình. Nó cũng tương tự như chuyện của các nhà hảo tâm. Chúng ta cần trao đi không chỉ bởi người khác cần điều đó mà còn bởi chúng ta không thể nào lành mạnh nếu không trao đi bản thân mình. Sự ngưỡng mộ lành mạnh là nhà hảo tâm của tâm hồn.

Hơn nữa, ngưỡng mộ và khen ngợi người khác là một việc làm ngoan đạo. Thầy Benoit Standaert đã nói rằng “khen ngợi nảy sinh từ cội nguồn hiện hữu của ta.” Thầy nói thế nghĩa là gì?

Khi khen ngợi và tán dương người khác, chúng ta đang chạm vào điều thâm sâu nhất trong chúng ta, chính là hình ảnh giống Thiên Chúa. Khi khen ngợi ai đó, là chúng ta đang thổi sinh khí vào người ấy, như Thiên Chúa đã làm vậy. Người ta cần được khen ngợi. Chúng ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, và không chỉ sống nhờ dưỡng khí.

Hình ảnh giống Thiên Chúa trong chúng ta không phải là một biểu tượng mà là một sinh lực thật nhất trong chúng ta. Vượt trên cái tôi, những tổn thương, kiêu căng, tội lỗi và sự nhỏ nhen trong tâm trí, thì điều thật nhất trong chúng ta chính là lòng cao thượng, nhân từ, hệt như cách Thiên Chúa nhìn xuống thế gian và nói: “Thật tốt đẹp! Mọi sự rất tốt đẹp!” Khi sống tốt nhất bản thân mình, nói năng và hành động với sự trưởng thành, thì chúng ta có thể ngưỡng mộ. Thật vậy, sẵn sàng khen ngợi người khác là dấu chỉ của trưởng thành, và ngược lại. Chúng ta trở nên trưởng thành hơn khi rộng rãi trong lời khen.

Nhưng chúng ta lại không dễ mở lời khen ngợi. Hầu hết chúng ta đều bị khóa kín trong thất vọng, chán nản với cuộc đời mình đến nỗi rơi vào yếm thế và ghen tị, chạy theo những thứ này hơn là sống nhân đức. Chúng ta biện hộ cho những thứ này bằng nhiều cách khác nhau, hoặc bằng cách nói rằng cái người đó nhỏ hơn mình (hay thật ra là muốn nói chúng ta quá sáng láng và tinh vi nên không thể thấy ấn tượng gì nơi người khác) hoặc nói rằng khen ngợi chỉ làm người ta thêm tự đại, và chúng ta sẽ không làm hại cái tôi của người khác. Tuy nhiên, thường thì lý do thực sự của chúng ta khi kìm nén lời khen là vì chúng ta thấy mình chưa được khen ngợi cho đủ, và vì thế chúng ta ghen tị cũng như thiếu sức mạnh để khen ngợi người khác. Tôi đồng cảm mà nói rằng, tất cả chúng ta đều bị tổn thương.

Một số người thấy ngại khi khen ngợi người khác vì chúng ta tin rằng lời khen sẽ làm hư người ta, tâng bốc cái tôi của họ lên. Yêu cho roi cho vọt mà! Nếu chúng ta mở lời khen, thì nó sẽ đi vào cái đầu của người ta. Nhưng lý lẽ này không đúng. Một lời khen chính đáng không bao giờ làm hư người khác. Lời khen thành thật và đúng đắn khiến người được nhận thấy thêm khiêm tốn hơn là hư thân. Chúng ta muốn được yêu, bao nhiêu cũng đủ, chỉ không muốn được yêu cách sai lầm thôi.

Nhưng, các bạn có thể nói, còn về những đứa trẻ xem mình là cái rốn vũ trụ vì chỉ toàn được khen mà không được uốn nắn thì sao? Tình yêu và sự trưởng thành thật sự thì phân biệt được giữa việc khen ngợi những gì đáng khen và thách thức những gì cần được chỉnh đốn trong cuộc đời người khác. Khen ngợi không bao giờ là tâng bốc bừa bãi, nhưng thách thức và chỉnh đốn chỉ có hiệu quả nếu trước đó người ấy biết được rằng mình được yêu thương và công nhận xứng đáng.

Lời khen chân thật không bao giờ sai. Nó chỉ là công nhận sự thật thôi. Nó là một cưỡng bách đạo đức. Tình yêu cần có khen ngợi. Như lời thánh Tôma Aquinô, không chấp nhận ngưỡng mộ người khác khi họ xứng đáng được khen ngợi, là một sai sót, một lỗi phạm, ích kỷ, nhỏ nhen và thiếu trưởng thành. Ngược lại, khen ngợi ai đó khi họ xứng đáng, là một đức hạnh và trưởng thành.

Quảng đại là cho đi lời khen, không khác gì cho đi đồng tiền. Chúng ta không được hà tiện lời khen. Nhà thần nghiệm thế kỷ 14, John Ruusbroec, đã dạy rằng, “những ai không mở lời khen ngợi tán dương trên đời này thì sẽ bị câm muôn đời.”

J.B. Thái Hòa dịch