GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Sứ vụ tông đồ với Lời Khấn

Sứ vụ tông đồ với Lời Khấn

105

1. Tận hiến và sứ mệnh trong thế giới.

tông đồHơn bao giờ hết, ngày nay Giáo hội đã nhìn rõ hơn và định nghĩa rõ hơn sự liên đới của mình trong thế giới đương thời. Giáo hội đã hiểu rõ hơn sự liên đới của mình với thế giới đến mức độ nào; không những Giáo hội chịu ảnh hưởng của thế giới mà Giáo hội còn tiếp thu những gì tốt đẹp của thế giới. Chính trong điều kiện này mà Giáo hội có thể tác động vào thế giới, thông truyền cho thế giới tài sản thiêng liêng của mình để làm cho thế giới lớn lên, giúp cho thế giới một cách đầy đủ để nó tự hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Được lôi cuốn bởi những chỉ dạy của Giáo hội, các cộng đoàn tu sĩ có ý thức rõ bơn về sự dấn thân cần thiết của họ vào thế giới và các điều kiện của cuộc dấn thân này. Thay vì quan niệm đời tận hiến tu trì như là một cuộc xa tránh hay ít ra là việc rút khỏi thế giới để đi vào nơi an bình, hạnh phúc, các cộng đoàn tu trì ngày nay hiểu đời tận hiến một cách rõ ràng hơn, như bao hàm một sứ mệnh trong nhân loại, và do đó đòi hỏi mọi người Tu sĩ phải gần lại hơn con người và các môi trường đời sống nhân loại. Cả đến những cộng đoàn chiêm niệm cũng được mời gọi đến với thế giới với cách thức riêng của họ, tức là một sự hiện diện có bản chất thiêng liêng nhiều hơn, nhưng cũng đòi dấn thân thực sự, đòi quan tâm làm chứng tá và thích nghi tùy theo điều kiện riêng. Tận hiến cho Chúa một cách thân mật hơn, chính là được gọi sống thâm sâu hơn giữa lòng thế giới để tháp nhập vào đời sống Đức Kitô. Như Ngôi Lời Nhập Thể đã sống một cuộc thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa Cha trong một cuộc sống hòa lẫn với cuộc sống của những người đương thời, thì cũng vậy, những ai theo Người bằng việc giữ các lời khuyên Phúc Âm, đều được kêu mời sống ơn gọi của mình trong sự gần gũi với thế giới bao quanh mình.

Tuy nhiên sự dấn thân ấy không thể nào thực hiện được nếu không có sự trao ban đích thực trong việc tông đồ. Quan niệm này thật khác xa với não trạng chỉ muốn thu mình lại để bảo vệ sự trung tín với lời khấn và lề luật. Dần dần người ta hiểu rằng quan niệm “tu trì là đi tìm một chỗ nương tựa cho an tâm” là một thái độ thiếu sót và lệch lạc, ngược lại đời sống tông đồ phải chấp nhận những liều lĩnh, hiểm nguy cho cuộc đời hoàn toàn nhập thể.

Khi người Tu sĩ dám bước vào đời sống Khấn dòng là họ bước vào cuộc đời vô định, bởi lẽ họ chẳng hiểu rồi nó sẽ ra sao. Thế nhưng, khi họ bước vào để gặp gỡ thế giới thì sự mạo hiểm lại càng rõ rệt hơn nhiều. Làm sao ảnh hưởng của Thiên Chúa trên linh hồn người Tu sĩ có thể trở nên lớn lao hơn ảnh hưởng của môi trường nhân loại ? Làm sao cuộc sống thiêng liêng có thể đè bẹp được những khát vọng của đời sống con người tự nhiên có những điều kiện rất thực tế ? Vì thế thật là một cuộc sống mạo hiểm nếu không được Chúa kín đáo dìu dắt từng bước thoát khỏi hiểm nguy. Vì thế có một lý do duy nhất để người Tu sĩ có thể an tâm bước vào thế giới đó là họ cậy dựa vào Chúa Kitô, người Tu sĩ đầu tiên. Họ tin vào Đấng tôn sư hướng dẫn cuộc dấn thân của họ trong thế giới và họ quyết tâm mãi mãi đi theo đường lối đó mà Chúa hướng dẫn cùng với việc mở lòng mình ra và hướng về siêu nhiên. Như vậy, cuộc mạo hiểm của đời sống tận hiến được vào giữa thế giới như men của một đời sống cao hơn sẽ đạt được mục tiêu mà chính Chúa nhắm vào.

2. Tín thác vào Chúa và tin vào thế gian.

Đứng trước cuộc dấn thân vào thế giới với biết bao nguy hiểm, thái độ người Tu sĩ phải có đó là việc tín thác vào Chúa.

Thật vậy, người Tu sĩ phải có lòng tín thác vào sức mạnh chiến thắng của ân sủng. Khi dấn thân làm trọn sứ mạng tông đồ của mình, Tu sĩ biết rằng cánh đồng làm việc của mình được Thiên Chúa làm việc trước tiên. Có khi họ dậm chân tại chỗ trên mảnh đất nào đó lại là chính mảnh đất mà ở đó Chúa Kitô đã đoạt được chiến thắng ngoạn mục. Trong những cuộc chiến đấu của họ, họ phải luôn luôn nhìn nhận cuộc chiến thắng mà trên nguyên tắc Chúa Giêsu đã thắng lợi rồi. Thế gian là sản nghiệp của Thiên Chúa, dẫu cho sản nghiệp đó chưa phải là sở hữu thực sự, chưa được thực hiện cụ thể do việc chiếm hữu của Giáo hội. Tuy nhiên trong khi tuyên khấn, người Tu sĩ đã ký một giao ước với thế giới trong lãnh vực tông đồ. Họ cam kết đem Chúa Giêsu đến cho nhân loại. Cũng vậy họ cam kết thuộc về Chúa Kitô và đồng thời họ cũng thuộc về nhân loại. Ngược lại Chúa cũng rất đại lượng, không hề hẹp hòi với họ. Người cũng đã đi bước trước mà cam kết với họ như là Sứ thần Gabriel đã nói cùng Đức Maria : “Chúa sẽ cùng Trinh nữ” hay lời Chúa phán “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Lời hứa này làm cho người Tu sĩ an tâm dấn thân cam kết và đưa Chúa vào một sự hiện diện sinh động hơn trong thế giới.

Do đó, lòng tín thác của Tu sĩ không dựa vào những nhận định và tình cảm của nhân loại, nhưng dựa vào chính hữu thể của Thiên Chúa hiện diện trong hành động của Ngài. Người đã muốn liều cả mạng sống Ngài để biến lời “Ta hằng có” vô hình thành hữu hình để từ đó lòng tín thác của người Tu sĩ không chỉ dựa vào lời hứa, nhưng dựa vào sự ăn rễ sâu trong hữu thể của Thiên Chúa. Người Tu sĩ càng gắn bó với lời “Ta hằng có” này càng có khả năng hơn để có nhiều sáng kiến về việc tông đồ của mình. Họ sẽ can đảm hơn, dũng mãnh hơn và gan dạ hơn hướng về phía trước bởi họ xác tín rằng sự gan dạ đó đó nằm ẩn trong đường lối của thánh ý Chúa và họ quyết thực hiện cho bằng được thánh ý để Nước Chúa được mở mang.

Bên cạnh việc tín thác vào Thiên Chúa, người Tu sĩ muốn làm tông đồ cho thế gian thì còn cần tin vào thế gian. Thật vậy, mới nghe quan điểm này, chúng ta sẽ rất lạ lẫm vì xưa nay ta vẫn tin vào một quan niệm xưa đó là quan niệm Giáo hội đối lập với thế gian.

Nhưng thực ra sự dấn thân của các Dòng tu giữa thế gian hiện nay đòi phải tin vào thế gian. Cái thế gian mà chính Chúa Giêsu đã nhập thể vào và đã dùng chính máu mình mà cứu chuộc, một thế gian mà hoạt động thánh hóa và thần hóa của Chúa Thánh Linh ngày càng tỏ rõ và vượt thắng trên những khuynh hướng đối nghịch. Tin vào thế gian là tin vào ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, Đấng làm cho thế gian được chúc lành, được biến đổi và nâng cao. Thật vậy theo Phúc Âm của Thánh Gioan thì “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Gn 3,16), một thế gian mà mọi sự được từ từ đưa vào trong Thiên Chúa. Người Tu sĩ không được có cái nhìn khác với cái nhìn mà ánh sáng mặc khải đã đem lại cho Giáo hội. Họ được mời gọi chiếm hữu cho mình và biểu lộ trong đời sống của mình một lòng tin mạnh mẽ vào thế gian, miễn là họ luôn luôn giữ chiều hướng căn bản và siêu nhiên của nó, không được suy thoái thành một sự tín nhiệm chỉ đơn thuần đặt vào tạo vật và đặt vào bóng tối công trình cứu chuộc của Chúa Kitô và công trình thuần hóa bằng thánh sủng của Ngài. Lòng tin vào thế gian được yêu mến và ngày càng được thuần hóa bởi Thiên Chúa dẫn đến những ý hướng làm tăng giá trị cuộc dấn thân bước tông đồ. Tu sĩ phải có ý thức rằng khi được tách rời niềm tin vào Chúa Kitô, một niềm tin định đoạt cách sâu xa đời tận hiến của mình khỏi niềm tin vào thế gian được Chúa Kitô giải thoát và phục hưng. Cách nhìn đích thực của Kitô hữu về thế giới phải tỏ ra trong cách suy nghĩ và hành động. Cũng vậy, cách nhìn về thế giới trong việc tông đồ của người Tu sĩ phải luôn mang tính chất tích cực để yêu thương và rộng mở.

3. Sứ mệnh tông đồ và lời cam kết.

Để có thể thực hiện được sứ mệnh tông đồ với thế giới, người Tu sĩ phải tín thác vào Chúa, tin vào thế giới mà mình phục vụ, nhưng đặc biệt còn có thể dựa vào chính lời cam kết của mình qua lời Khấn.

Thật vậy qua các lời Khấn, người Tu sĩ tự lột bỏ chính mình để chỉ thuộc về Chúa, họ cam kết sống ba lời khuyên Phúc Âm và cam kết chọn Đức Kitô là đối tượng duy nhất của lòng mình, vì thế họ thực hiện tất cả những gì mà Đức Kitô đòi hỏi. Họ sẵn sàng thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu để đi vào thế giới và rao giảng Tin Mừng của Ngài và đồng thời làm chứng cho lời rao giảng đó dù phải gian lao vất vả và kể cả cái chết. Họ như Abraham xưa, sẵn sàng ký kết với Thiên Chúa một giao ước bằng máu của người con Ngài, cũng như Đức Kitô ký kết với Cha Ngài bằng cái chết trên thập giá. Lời cam kết này là tiếng nói của tình yêu, và đồng thời cũng là cái giá của tình yêu.

Đúng vậy, với lời cam kết sống khó nghèo, người Tu sĩ muốn trao cho thế giới một sứ điệp mà Giáo hội hằng khẳng định đó là Giáo hội của người nghèo. Làm chứng và tiếp tục sứ vụ của người Tu sĩ đầu tiên là chính Đức Kitô, người Tu sĩ hiện nay cam kết khấn khó nghèo để thuộc trọn về Đức Kitô nghèo khó mà còn thuộc về nhân loại với hơn 2/3 là những con người sống cơ bần trong cảnh thiếu thốn. Người Tu sĩ sống nghèo khó là họ thuộc về những người “xấu số” mà Đức Kitô hằng quan tâm và chúc phúc : “phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.  Người Tu sĩ tự nguyện từ bỏ quyền làm chủ của cải để có được Đức Giêsu và trao Đức Giêsu cho nhân loại này làm gia sản. Trong nghèo khó, họ có thể hòa mình vào những anh em đồng loại nghèo hèn để giới thiệu một Đức Giêsu thông cảm, chia sẻ và sẵn sàng trao ban nhưng không những của cải đời này và còn cả hạnh phúc vô cùng đời sau. Lời cam kết sống nghèo khó qua lời khấn khó nghèo là một bảo chứng hùng hồn và quyết tâm phục vụ cao độ của đời tu cho những anh em chung quanh đang cần họ. Đàng khác lời cam kết sống khó nghèo qua lời khấn không những chỉ dành cho một thế giới khó khăn về vật chất, mà cũng rất hữu ích cho một thế giới sung túc. Thật vậy với một thế giới đầy đủ về vật chất, con người có thể quên mất Đấng dựng nên và làm chủ chính cuộc sống mình, người Tu sĩ với lời khấn khó nghèo sẽ nhắc cho họ biết “con người không phải chỉ sống nguyên bởi cơm bánh mà còn sống bởi lời của Thiên Chúa và quyền bính của Ngài”. Trong khi thế giới tôn thờ của cải, tôn thờ cái bụng, người Tu sĩ chứng minh cho họ thấy rằng thế giới và cuộc sống đời này sẽ qua đi và con người còn có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều đó là cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Họ được sai đến và làm chứng cho một sự thật đó là con người được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc . Vì thế dù khó nghèo về vật chất và trơ trọi về tinh thần, người Tu sĩ vẫn cam kết theo Đức Ki tô và đi vào thế giới này để rao giảng sự giàu có đích thực cho nhân loại không những bằng lời nhưng còn cả bằng chính cuộc sống của họ.

Cũng một cách thức như vậy, với lời cam kết sống khiết tịnh, người Tu sĩ bước vào thế giới xác thịt này với lời rao giảng thật hùng hồn bằng chính cuộc sống khiết tịnh cao thượng. Thật vậy với một thế giới mà xem ra càng ngày người ta càng tôn thờ xác thịt như một nhu cầu hưởng thụ tự nhiên , coi thường những truyền thống tế nhị tốt đẹp từ ngàn xưa và không đặt giá trị con người vào đúng vị trí tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dành cho nó, thì người Tu sĩ với lời cam kết sống khiết tịnh như một ngọn đèn chiếu sáng trong đêm tối, mở đường cho những người thiện chí nhận chân giá trị của một Thiên Chúa tuyệt mỹ và sung mãn tình yêu trinh khiết. Họ dâng hiến tình yêu mình cho Thiên Chúa trọn hảo và sẵn sàng mở lòng mình ra để yêu thương nhân loại . Họ mời gọi mọi người đến với Thiên Chúa tình yêu để họ được đáp trả và mời gọi mọi người hiến thân phục vụ Thiên Chúa và con người. Vì là môt tình yêu không muốn bù trừ, nên tình yêu của họ hết sức tinh khiết, nồng nàn và chia sẻ. Lời cam kết yêu thương của họ mỗi ngày được nhân lên bởi hành động yêu thương càng ngày càng đầy tràn. Thái độ và cung cách này giúp người Tu sĩ ngày càng kết hợp thẳm sâu với Chúa Giêsu và hy sinh cho đồng loại một cách triệt để hơn. Họ sẽ là chứng tá tình yêu Thiên Chúa với con người và ngược lại tình yêu con người dâng lên Thiên Chúa . Họ vui mừng bước vào thế giới và trao ban cho thế giới một con tim yêu thương và mời gọi thế giới tiếp tục trao ban như vậy cho người khác. Như thế, họ là gạch nối giữa Thiên Chúa và con người, con người với Thiên Chúa. Họ hành động tất cả vì lý do duy nhất, đó là TÌNH YÊU : Yêu Chúa và yêu mọi người, và vì thế họ loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người.

Lời cam kết vâng phục của họ với các Bề trên đưa họ vào một cuộc phiêu lưu vô định. Điểm khởi hành và bến đỗ của họ không tùy thuộc vào họ, nhưng tùy thuộc nơi các Bề trên. Họ đến bất cứ nơi nào mà Bề trên muốn và nhân loại cần. Họ ra đi không mang giày, bị, gậy như Thầy Chí Thánh đã bảo, nhưng mang trong mình đầy ắp tình yêu Giêsu. Họ bước vào đời với một niềm tự hào lớn đó là họ là người của Chúa và đem Chúa đến cho nhân loại. Lời cam kết tự hủy ‘tự do muốn điều mình muốn và chỉ muốn điều Chúa và các Bề trên muốn’ giúp họ lăn xả vào công tác tông đồ. Không tính toán hơn thiệt mà chỉ làm sao để Đức Kitô được rao giảng là động lực thúc bách họ hy sinh thật nhiều và cam kết thật nhiều để Nước Chúa được mở rộng và nhiều người được cứu thoát. Lời cam kết của họ càng thắm đượm tình yêu cứu chuộc.

Tóm lại, lời tuyên khấn chính là một lời cam kết được người Tu sĩ bước vào thế giới để làm chứng và loan Tin Mừng của Chúa. Với tính cách là người tín hữu, họ khai mở và truyền rao công cuộc cứu độ của Chúa, với tính cách một Tu sĩ, họ sống chết cho sứ mạng này và khai triển cho đến tột độ điều họ đã khai mở từ khi là tín hữu.

Lm. Đa Minh Trần Xuân Thảo