SUY NIỆM Lời Chúa Sứ Vụ Ngôn Sứ

Sứ Vụ Ngôn Sứ

(Dựa theo Tin mừng Mc 6,17-29)

Tin Mừng hôm nay hiện ra như một vở kịch nhiều khúc đoạn, thánh Máccô đã rất khéo léo khi lồng ghép câu chuyện về cái chết của Gioan Tẩy Giả trong bối cảnh Đức Giêsu bắt đầu sai các môn đệ đi rao giảng (Mc 6, 7-13). Phải chăng Chúa muốn nhắc nhở cho các môn đệ biết rằng: Con đường của sứ vụ ngôn sứ mà các ông đang và sẽ đi, không phải lúc nào cũng là con đường nhung lụa dẫn đến thành công, nhưng có khi đó là con đường đầy mồ hôi và nước mắt, thậm chí phải đổ máu.

Sau đây là những gương chính diện và cả phản diện mà ta có thể tìm thấy bài học cho riêng mình.

  1. Nhân vật thứ nhất: Gioan Tẩy Giả

Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu rằng:

Thuốc đắng dã tật,

Sự thật mất lòng”

Chân dung Gioan Tẩy Giả hiện ra là mẫu người rất mực can đảm, không sợ “mất lòng” và cũng chẳng sợ “mất đầu”. Để nói lên một sự thật, để lên án một điều vô luân, Gioan đã phải trả giá bằng cái chết đau thương. “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài” Câu nói cương nghị , thẳng thắn ấy đã đẩy cho vở kịch đi đến hồi kết. Đây không phải là lần đầu tiên Gioan can đảm tố cáo những vô lý trong cuộc sống. Trước đó ông đã không ngần ngại vạch mặt những vấp phạm của con người: “Hỡi loài rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối.” (Lc 3, 7)

Cái chết của Gioan có vẻ bi đát nhưng không vô nghĩa chút nào. Cả cuộc đời ông vừa là lời loan báo, vừa là lời chứng sống động cho Đấng đến sau ông. Ông sống để nói lên sự thật và chết cũng là để bảo vệ sự thật. Sự thật về hiện trạng xã hôi, sự thật về sứ mạng mà người tông đồ đảm nhận sẽ phải đối diện. Theo như lời thánh Jose Escriva thì Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ “không chết” nhưng ngài “chỉ chuyển đến một ngôi nhà mới” vĩnh cửu.

  1. Nhân vật thứ 2: Hêrôđê Antipa

Ông là tiểu vương miền Galilê, năm thứ mười lăm dưới triều đại hoàng đế Tibêriô, là con của vua Hêrôđê cả. Ông được gọi với cái tên Hêrôđê Antipa, có người em là Philípphê, làm tiểu vương miền Abilên (Lc 3,1-2)

Một đời sống trụy lạc, ham mê sắc dục đã khiến Hêrôđê phạm vào giới răn thứ sáu. Ông đã cho tống ngục Gioan Tẩy Giả chỉ vì muốn bịt miệng vị ngôn sứ này. Hêrôđê đã bị xâu xé giữa lời hứa điên rồ mà ông đã thốt lên trước đám quan chức “tai to mặt lớn” với sự nể trọng của ông đối với vị tiên tri. Sự hèn nhát nhu nhược đã khiến Hêrôđê nhắm mắt coi rẻ một tâm hồn chính nhân. Thật đáng tiếc!

  1. Hêrôđia và con gái bà.

Hêrôđia là vợ của Philípphê, là chị dâu của Hêrôđê Antipa,không ai biết nhan sắc của bà đẹp đến cỡ nào nhưng chắn chắn đằng sau vẻ đẹp bí ẩn ấy là một tâm địa không đẹp chút nào. Ngược lại là sự nham hiểm và man rợ đã khiến bà trở thành người phụ nữ độc ác. Để che đậy một tội người ta thường có xu hướng  phạm một tội lớn hơn. Người đàn bà bất trung ấy đã đi quá xa trong chức phận làm vợ, làm mẹ. Và con gái bà liệu có giẫm lên vết xe đổ ấy không?

Lạy Chúa Giêsu !

 Dường như vở kịch đã kết thúc với cái kết không có hậu, nhưng cái chết và sự sống lại của Chúa đã chứng tỏ cho chúng con thấy rằng sự dữ không có tiếng nói đầu tiên và cũng không có tiếng nói cuối cùng. Bởi vì Thiên Chúa có thể làm cho sự dữ xấu xa nhất nảy sinh ra sự tốt lành tuyệt đối. (x.YOUCAT, số 51) Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan Tẩy Giả, xin Chúa giúp chúng con can đảm làm “ngôn sứ” cho Chúa giữa đời thường, hôm nay và ngày mai. Amen.

Sr. Anna Bích Hạt, Học viện MTG Thủ Đức

Exit mobile version