Đón nhận sứ vụ mới – kẻ khóc người cười
Những ngày gần đây, học trò đề nghị tôi chia sẻ vài cảm nghiệm về dịp nhiều người nhận sứ vụ mới. Đang lúc chần chừ, tôi chợt nhớ đến cách đây vài năm. Dịp mùa hè, đi giảng tĩnh tâm năm cho một Hội Dòng. Giữa hai đợt tĩnh tâm, chị em có dịp tập trung thường huấn và bề trên sẽ công bố bài sai cho chị em. Ngồi dùng cơm trưa với các chị bề trên, thấy các chị ưu tư nhiều. Các chị bảo, chiều nay cha sẽ thấy: kẻ khóc, người cười! Quả vậy, chiều đó, mình đã chứng kiến cảnh tượng này. Nhiều chị cười vui mừng vì sứ vụ mới, cũng không ít chị nước mắt đầm đìa vì sứ vụ vừa nhận.
Tôi cũng khựng lại một chút vì những ký ức ùa về qua những lần nhận sứ vụ mới trong đời linh mục. Và hình như, có một điều gì đó mà nhiều người đang trải qua trước sứ vụ mới: một thách đố mới hay một cơ hội mới nhỉ! Có lẽ là cả hai! Nhưng bằng cách nào để biến thách đố thành cơ hội và chỉ còn là vui mừng và hy vọng cho một sứ vụ mới?
Sứ vụ mới – thách đố mới
Thách đố về một môi trường mới
Mỗi lần nhận sứ vụ mới là mỗi lần phải khăn gói lên đường đến một vùng đất mới. Và không chỉ là vùng đất lạ, đó còn là một hoàn cảnh hoàn toàn mới mẻ cho một sứ vụ. Chính điều này làm cho nhiều người e ngại.
Môi trường có những ảnh hưởng khác nhau trên những tổ chức khác nhau. Khoa học về hành vi tổ chức thường phân chia hai cấp độ: môi trường chung và môi trường nhiệm vụ. Môi trường chung gồm các yếu tố về văn hóa, chính trị, kinh tế và luật pháp. Môi trường nhiệm vụ gồm những cá nhân, nhóm ảnh hưởng đến tổ chức.
Cần phải thích nghi với môi trường không chỉ là tự nhiên, nhưng còn là môi trường văn hóa mới; thậm chí, cả một nền kinh tế mới đang bao trùm môi trường này. Tuy nhiên, trong số tất cả, có lẽ đối diện với môi trường văn hóa vẫn là thách đố gay go nhất cho mục vụ. Bởi lẽ, môi trường văn hóa của tổ chức đã được hình thành ngay từ khởi đầu của một tổ chức do người sáng lập nên nó. Nó tiếp tục được củng cố và phát triển theo dòng thời gian. Chưa kể đến cả nhưng văn hóa nhóm như văn hóa làng xã, đồng hương,… trong cộng đoàn mới của sứ vụ.
Nhận sứ vụ mới trong một môi trường văn hóa mới trở thành thách đố của hội nhập làm nhiều người e ngại. Không thể hội nhập vào trong nền văn hóa này, mọi thứ sẽ tiếp tục là thách đố và có nguy cơ trở thành một thứ đối đầu dẫn đến những căng thẳng khó lường.
Thách đố về con người mới
Môi trường mục vụ không chỉ là tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cốt lõi nhất chính là những con người đang hiện diện trong môi trường đó. Đích nhắm của mục vụ cũng không thể khác hơn là chính con người.
Trước hết, đó là những con người sẽ cộng tác với chúng ta trong sứ vụ. Nói theo ngôn ngữ của khoa học lãnh đạo, một “team” mới sẽ được hình thành. Nhưng không phải là một “team” mới hoàn toàn theo ý muốn của mình. Bởi lẽ, “team” này đã được hình thành trước đó. Phần chúng ta, việc hội nhập vào trong nhóm này sẽ như thế nào là một thách đố thực sự.
Kế đến, họ là những con người mình được sai đến để phục vụ họ. Trong mỗi nơi chốn khác nhau, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối diện với những con người rất khác nhau. Điều này trở thành một thứ thách đố với người làm mục vụ. Đến môi trường mới, bắt đầu lại với những khám phá về những con người mới.
Những con người mới này, dù trong tư cách là cộng sự mới hay đối tượng phục vụ mới, đều có những tính cách, ứng xử hành vi, cung cách làm việc… rất khác nhau dựa trên nhiều nhân tố khác nhau. Để thích ứng với những con người mới này không luôn là điều dễ. Đó là một thách đố cần vượt qua.
Thách đố về một cuộc biến đổi
Từ góc độ cá nhân, khi đã bước vào tuổi trưởng thành, những suy nghĩ, kiểu ứng xử hành vi… dường như đã ăn rễ trong mỗi người. Đón nhận một sứ vụ mới cũng đồng nghĩa phải chấp nhận một cuộc thay đổi về suy nghĩ, về hành vi ứng xử, về nhiều nhiều thứ trong đời sống cá nhân. Bởi lẽ, khi cùng đồng hành với những con người mới trong những môi trường mới, người ta không thể có cùng cách thức như trong môi trường cũ với những con người đã thân quen. Đó là một thách đố thực sự.
Đàng khác, đảo lộn một nhịp sống vốn đã quen thuộc, chắc chắn ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng nhất định trên đời sống tâm linh. Chưa thể thích ứng ngay với môi trường mới và con người mới, chúng ta cũng khó có thể thích ứng ngay với một khung mới về thời gian và không gian cho đời sống tâm linh của mình. Không thể không là thách đố!
Hơn nữa, với thời gian đã qua với sứ vụ trong một hoàn cảnh đã quen thuộc, chắc hẳn chúng ta đã có ít nhiều những thành công gặt hái được. Những gì chúng ta đã vun vén và xây dựng đã trở thành thân quen như một phần cuộc sống của mình giờ phải dứt bỏ để trao lại cho ai khác; và bắt đầu xây dựng lại ở một vị trí mới. Ngay cả mối tương giao thân tình giữa người với người đã kết dệt từ nhiều năm dường như cũng phải chia xa. Khó lắm! thách đố lắm!
Sứ vụ mới – cơ hội mới
Tuy không thể phủ nhận những thách đố trước một sứ vụ mới, chúng ta cũng không thể không nhận thấy những cơ hội mới đang mở ra đầy hy vọng cho chúng ta.
Cơ hội đồng hành với nền văn hóa
Người môn đệ Đức Giêsu là người được mời gọi lên đường “đi khắp tứ phương thiên hạ” (Mc 16, 15). Nhưng trong thực tế, đâu phải người môn đệ nào trong sứ vụ của mình cũng được chọn lựa làm người thừa sai ở mọi vùng đất xa lạ khắp tứ phương. Bởi lẽ đó, một sứ vụ mới được giao phó, đồng nghĩa người môn đệ được mời gọi lên đường, được mời gọi ra đi đến với vùng đất mới.
Xét trong thực tế, có thể vùng đất mới này không xa lắm về mặt địa lý, về không gian… nhưng rõ ràng nó là một thách đố. Chính đó, mà người môn đệ vẫn còn một dịp để nhận ra đó là một cơ hội tốt cho sứ vụ của người môn đệ.
Một cách cụ thể, nhìn từ góc độ của khoa học tổ chức, trong công tác tuyển chọn nhân sự cho tổ chức mình, người ta thường tuyển chọn những ứng viên có thể đáp ứng với nền văn hóa của tổ chức ngay từ căn bản khởi đầu để có thể tiếp tục hội nhập vào trong nền văn hóa tổ chức. Trong sứ vụ của chúng ta, việc giao phó sẽ tùy theo bề trên suy nghĩ, cầu nguyện và chọn lựa. Phần còn lại là chính ứng viên trong sứ vụ mới sẽ phải cố gắng để thích ứng và hội nhập trong nền văn hóa mới này. Chính điều này làm nên một cơ hội để chúng ta đồng hành với một nền văn hóa mới như một môn đệ thừa sai đích thực.
Cơ hội chia sẻ hành trình với Dân Chúa
Người môn đệ thừa sai không dừng lại với đối tượng được sai đến để phục vụ. Chúng ta chỉ là những mố cầu chuyển tiếp để anh chị em đến với Chúa. Dừng chân lâu với một cộng đoàn, nguy cơ bám chặt giữa chúng ta và cộng đoàn, giữa cộng đoàn với chúng ta hoàn toàn là điều có thể trong tư cách rất người của chúng ta. Điều này làm chúng ta đánh mất đi một cơ hội đồng hành với những anh chị em khác, ở những môi trường khác.
Nói cách khác, đón nhận sứ vụ mới chính là một cơ hội để chúng ta có dịp gặp gỡ và mở ra với những con người mới mà chúng ta sẽ gặp gỡ trên đường sứ vụ. Đó cũng là cơ hội để chúng ta có thể sống với niềm “vui mừng và hy vọng” của đoàn dân lữ hành cùng với mẹ Hội Thánh. Chính khi làm được điều đó, chúng ta mới có cơ hội để trở nên những người dấn thân mục vụ thực sự như điều mà hiến chế Mục vụ – Vui mừng và Hy vọng – mong đợi.
Cơ hội “ném phao lại”
Mỗi lần thay đổi sứ vụ là mỗi dịp chúng ta có cơ hội nhìn lại toàn bộ hành trình đã qua. Bên cạnh những kỷ niệm đẹp ùa về trong ký ức của mình, chắc chắn chúng ta không thể không phải đối diện với những thiếu sót trong bổn phận của mình. Giây phút của sứ vụ sẽ chỉ còn là những nuối tiếc về những thiếu sót, những sai lầm hoặc do vô ý hoặc cả cố ý nữa trong sứ vụ đã qua. Thế nhưng, đó lại là một cơ hội mở ra cho chúng ta – trong tư cách người môn đệ – một khoảng thời gian mới trước mắt để bắt đầu lại.
Đàng khác, những chương trình, những kế hoạch mục vụ cũ có thể là điều khó đối với chúng ta nơi cộng đoàn cũ; thì này, một cơ hội mới mở ra để chúng ta có thể mặc cho nó những chiếc áo mới và tinh thần mới để phục vụ cho một cộng đoàn mới. Chỉ cần một chút tình yêu khởi đi từ cơ hội đồng hành với nền văn hóa mới và chia sẻ hành trình với dân Chúa, chúng ta hoàn toàn có một cơ hội mới thật mới trong tiến trình phục vụ. Điều này cũng có nghĩa là nó sẽ mở một cơ hội để bản thân bắt đầu lại cho hành trình đời sống tâm linh.
Xét về mặt tâm lý, ở lâu trong một môi trường quá lâu, chúng ta sẽ dễ bị “thích ứng, bão hòa” trong nhịp sống đều đặn thường ngày. Thay đổi nhịp sống, bước đầu có thể là một thách đố, nhất là với những người đã lớn tuổi, nhưng nó luôn là một cơ hội thật tốt, gây nhiều cảm hứng, nhiều tâm tình để bắt đầu lại.
Lên đường với sứ vụ mới – vui mừng và hy vọng
Gần đây, trong tâm lý học học tập, một số tác giả chú ý nhiều đến động cơ. Họ cho rằng, điều quyết định khởi đầu cho sự thành công chính là động cơ tích cực. Theo họ, câu hỏi: “What’s in it for me?” (điều này có liên hệ gì với tôi) nếu được trả lời bằng một câu trả lời tích cực sẽ giúp người học có một cách thức học tích cực và đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo họ, câu trả lời này nhiều khi không hiển hiện một cách rõ ràng mà cần phải sáng tạo ra nó nữa.
Có lẽ điều này cũng hoàn toàn đúng với chúng ta trong sứ vụ mới. Sẽ chỉ còn là vui mừng và hy vọng, khi chúng ta bắt đầu có câu trả lời tích cực cho câu trả lời “What’s in it for me?” cho sứ vụ mới này.
Quá khứ đã qua và không còn là của chúng ta nữa – đừng nuối tiếc!
Tương lai trước mắt còn nằm trong tay Chúa – đừng sợ hãi!
Hiện tại với sứ vụ mới chính là thời gian Chúa tặng ban cho chúng ta để bắt đầu lại – hãy lên đường!
Viết đến những dòng cuối của những gẫm suy này, tôi tình cờ đọc được tâm tình của một người anh em linh mục vừa nhận sứ vụ mới, sau những ngày trăn trở băn khoăn cũng đã bắt đầu viết lên những tâm tình trả lời cho câu hỏi này để lên đường:
Novitas placet
Nhìn sự kiện vấn đề cách mới mẻ
Bắt theo hướng tích cực
Một sự phát triển
Những góc nhìn mới
Những quan hệ đòi hỏi khám phá
Thử sức với ơn Chúa Thánh Thần
Vận dụng kỹ năng sống
Ứng xử tinh tế khôn ngoan
Sống vui và nghĩa tình
Phía trước Đấng Phục Sinh đang vẫy gọi
Làm chứng cho Thầy
Vâng ! Lạy Chúa, con đây./.
Mùa của sứ vụ mới 2015
Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ