SUY NIỆM Lời Chúa Sứ vụ dọn đường và làm chứng cho Đức Giêsu

Sứ vụ dọn đường và làm chứng cho Đức Giêsu

LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Is 49,1-6 ; Cv 13,22-26 ; Lc 1,57-66.80

——-

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Lc 1,57-66.80

(57) Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. (58) Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. (59) Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép Cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. (60) Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gioan. (61) Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng có ai có tên như vậy cả”. (62) Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì? (63) Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan”. Ai nấy đều rất bỡ ngỡ. (64) Ngay lúc ấy, miệng lưỡi của ông lại mở ra. Ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa. (65) Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. (66) Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi sẽ ra thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. (80) Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.

  1. Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay tập trung vào lễ nghi Cắt bì và Đặt tên con trẻ Gioan. Khi được chứng kiến những sự lạ lùng, nhất là sự kiện Dacaria được khỏi bệnh câm, mọi người đều bỡ ngỡ và thắc mắc về sứ mệnh của em nhỏ sau này. Về sau Gioan đã vào sống trong hoang địa cho đến khi ra vùng sông Giođan thi hành sứ mệnh tiền sứ: giúp dân Ít-ra-en chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 59 : + Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép Cắt bì: Cắt bì là một nghi lễ có từ lâu đời trong đạo Do thái, do lệnh Thiên Chúa truyền (x Gs 5,2). Đây còn là một dấu chỉ hữu hình của Giao ước giữa Thiên Chúa với dân Do thái mà mọi bé trai đều phải mang trên da thịt mình (x Xh 4,26). Tuy nhiên, Ngôn sứ Giêrêmia lại cho thấy cắt bì trong tâm hồn mới là điều quan trọng (x Gr 9,24; 4,4). Cũng như Gioan, Đức Giêsu cũng đã chịu nghi lễ Cắt bì và được đặt tên là Giêsu (x Lc 2,21).

+ Về sau, trong thời Giáo hội sơ khai: Theo đề nghị của thánh Phaolô, để các Kitô hữu gốc lương dân khỏi phải chịu đựng cái ách nặng nề của Luật Môsê mà họ không chu tòan được (x Gl 6,12.15), thì Công đồng Giêrusalem năm 49 đã quyết định như sau: không buộc lương dân xin gia nhập đạo công giáo phải chịu phép cắt bì của đạo Do thái trước khi chịu bí tích rửa tội (x Cv 15,5-6.10-11.28-29), mà chỉ đòi họ có thứ đức tin hành động nhờ đức ái trong Chúa Kitô là đủ (x Gl 5,6).

  1. CÂU HỎI: 

1) Tại sao bà Êlisabét không đồng ý đặt tên cho con trẻ là Dacaria mà là Gioan ? 2) Hãy cho biết những sự lạ đã xảy ra trong nghi lễ cắt bì và đặt tên của Gioan Tẩy giả ? 3) Cắt bì là gì ? Những ai được chịu phép cắt bì ? Mục đích của phép cắt bì thế nào ? 4) Tại sao ngày nay khi theo đạo công giáo, lương dân không phải chịu phép cắt bì trước khi chịu phép rửa tội để gia nhập vào Hội thánh?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA:

  1. LỜI CHÚA: “Đức Kitô phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30).
  2. CÂU CHUYỆN: CUỘC ĐỜI CỦA GIOAN TIỀN SỨ:

Gioan là vị tiền hô của Chúa Giêsu (x.Mt 3,3). Gioan là con của ông Dacaria và bà Êlisabét. Cả hai thuộc dòng tộc tư tế. Bà Êlisabét là chị họ của Đức Maria, nên Gioan là anh bà con của Đức Giêsu. Cha mẹ của Gioan sống ở miền núi xứ Giuđê (x.Lc 1,39). Từ nhỏ, Gioan đã sống cuộc đời ẩn tu khổ hạnh trong sa mạc. Đến năm thứ 15 thời Hoàng đế Tibêria, Gioan mới xuất hiện tại vùng hoang địa miền Giuđê cạnh sông Giođan để rao giảng và làm phép rửa sám hối cầu ơn tha tội (x.Mt 3,1). Phép rửa của ông là một nghi thức thống hối kèm theo sự xưng thú tội lỗi (x. Mt 3,6). Gioan nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai khi ông giới thiệu Người với các môn đệ của ông: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29). Có lần đức Giêsu gọi Gioan là Êlia khác, là người lớn nhất trong Cựu ước, là tiên tri loan báo Nước Trời (x.Mt 11,2 –19; Lc 7,18-33).

Cuộc đời của Gioan kết thúc bằng khổ hình bị chém đầu trong nhà tù, do ông can đảm bênh vực cho công lý, dám lên tiếng can ngăn vua Hêrôđê không được lấy bà chị dâu Hêrôđiađê làm vợ. Do đó ông đã bị vua Hêrôđê tống giam vào ngục và sau đó ông còn bị bà Hêrođia-đê âm mưu hãm hại khiến ông bị vua Hêrôđê chém đầu cách oan ức trong ngục tối (x. Lc 9,7-9).

  1. THẢO LUẬN: Chúng ta cần làm gì để noi gương nhân đức của Gioan như: khiêm nhường (x Ga 3,30), khó nghèo (x Mc 1,6-8), vâng phục (x Mt 3,13-15). trung tín (x Ga 1,35-37), thật thà (x Ga 1,20-23), dũng cảm (x Mt 14,3-4; Lc 3,7-9) ?
  2. SUY NIỆM:
  3. Sứ vụ làm tiền hô đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai: Trước khi Đức Giêsu ra giảng đạo, tại miền núi xứ Giuđê nước Do Thái, người ta thấy ông Gioan ăn mặc cổ quái: áo bằng lông lạc đà, lưng thắt dây da thú, đồ ăn đạm bạc là châu chấu nướng với mật ong rừng… nên Thượng Hội Đồng Do thái ở thủ đô Giêrusalem đã cử mấy vị tư tế đến điều tra. Họ hỏi Gioan: “Ông có phải là đấng Thiên Sai không?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là đấng Thiên Sai. Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến”. Rồi hôm sau, khi thấy Đức Giêsu đến với mình, ông Gioan đã giới thiệu Người với các môn đệ của ông như sau: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36). Nghe thầy giới thiệu, hai môn đệ của Gioan là Anrê và Gioan đã nghe thầy đi theo làm môn đệ Đức Giêsu.

Hôm nay Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta thi hành sứ vụ dọn đường cho Chúa là giới thiệu Đức Giêsu cho tha nhân, và dẫn đưa họ đến trở thành môn đệ Chúa Giêsu. Đề nên giống Gioan, chúng ta không được coi mình là trung tâm và muốn cho mọi người đến với mình, nhưng phải giới thiệu để họ đi theo làm môn đệ của Chúa Giêsu.

  1. Sứ vụ kêu gọi mọi người ăn năn sám hối và tin vào Chúa Giêsu: Tin Mừng thánh Luca (3,1-18) đã trình bày sứ vụ của Gioan là dọn đường cho Đấng Thiên Sai: Bạt đồi núi xuống, lấp thung lũng cho đầy, uốn thẳng con đường quanh co… nghĩa là Gioan dạy người ta phải ăn năn sám hối tội lỗi và làm những việc đạo đức bác ái. Đối với mỗi hạng người, Gioan đều có những lời răn dạy phù hợp: Ông gọi những người Biệt phái giả hình gian dối là loài rắn độc, không thể thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa nếu không cấp thời ăn năn sám hối (x. Lc 3,7-9); Với những người thiện chí, Gioan khuyên họ phải có lòng thương xót, biết bố thí cơm áo cho người nghèo để rửa sạch tội lỗi (x. Lc 3,10-11); Với bọn người thu thuế, Gioan bảo họ không cần phải đổi nghề, mà chỉ cần giữ đức công bình, đừng ăn hối lộ, không được lạm thu bất chính (x. Lc 3,12-13); Với quân nhân, Gioan dạy họ đừng hà hiếp bóc lột ai, đừng dọa nạt ai, nhưng phải bằng lòng về số lương của mình (x. Lc 3,14)… Với tất cả mọi người, Gioan khuyên họ hãy chịu phép rửa là nghi lễ tỏ lòng khiêm hạ sám hối để đáng được Chúa tha tội và sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (x. Lc 3,16). Khi các người Biệt phái hạch hỏi: “Nếu không phải là Đức Kitô, tại sao ông lại làm phép rửa?” Gioan đã giới thiệu về Đấng Thiên Sai là Chúa Giêsu qua câu nói khiêm hạ: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Đấng ấy sẽ rửa các ông bằng Thánh Thần và lửa.” (Lc 3,16).

Hôm nay, mừng lễ sinh nhật thánh Gioan, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta trở nên những người tiền hô đi trước dọn đường cho Chúa như Gioan Tẩy Giả. Vậy chúng ta có giúp những người đến với mình nên tốt hơn không ? Có giúp họ nên giống Chúa Giêsu hơn không?

  1. Sứ vụ hy sinh tất cả để làm chứng cho Đấng Thiên Sai Giêsu: Ông Gioan luôn có lối sống khiêm hạ, làm cho mình nhỏ bé lại, để Chúa được lớn lên trước mặt mọi người. Ông đã nói với môn đệ khi họ báo cáo về công việc của Đức Giêsu với ông: “Thưa Thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan, và được thầy làm chứng cho. Bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông ấy.” Ông Gioan đã trả lời họ rằng : “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3,26)… “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,30). Gioan đã luôn chu toàn sứ vụ giới thiệu Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai cho mọi người. Thay vì ganh tị, ông đã vui mừng khi thấy có nhiều người đã đến xin chịu phép rửa với Người (Ga 3,28-29). Ông cũng khuyến khích hai môn đệ thân tín là Anrê và Gioan bỏ mình theo làm môn đệ Đức Giêsu (x. Ga 1,35-37). Cuối cùng ông còn can đảm làm chứng cho sự thật, là đứng ra can ngăn vua Hêrôđê không được lấy bà chị dâu làm vợ, để rồi cuối cùng ông đã chịu chết vì hành động dũng cảm ấy.

Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta có sẵn sàng hy sinh công sức, tiền bạc… để loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu, tích cực góp phần giúp anh em lương dân nhận biết và gia nhập Nước Trời là Hội thánh Công giáo để cùng được hưởng ơn cứu độ của Chúa với chúng ta hay không?

  1. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊSU. Thánh Gioan đã thực hiện sứ vụ tiền sứ kèm theo những dấu lạ, khiến mọi người phải bỡ ngỡ thán phục. Đời con chẳng có những dấu lạ giống như ngài. Nhưng Chúa chỉ muốn con trở nên chứng nhân cho tình thương của Chúa. Xin cho con trở thành dấu chỉ để giúp người đời nhận biết Chúa qua lối sống bác ái yêu thương tha nhân và khiêm nhường phục vụ, nhất là phục vụ những người nghèo đói của con.    

– LẠY CHÚA GIÊSU. Thánh Gioan Tẩy giả đã nêu gương khiêm tốn và can đảm làm chứng cho Chúa. Làm chứng trong cuộc sống hôm nay chính là: Tự làm cho mình lu mờ đi bằng việc ít nói về mình, không khoe khoang thành tích, và để Chúa được lớn lên nơi tha nhân. Làm chứng cho Chúa hôm nay cũng là: sống điều độ chừng mực, tránh lối sống xa hoa lãng phí hay chè chén say sưa. Làm chứng cho Chúa hôm nay còn là hy sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình cho Chúa như Gioan xưa, hầu giúp nhiều người nhận biết và theo làm môn đệ của Chúa. Xin giúp chúng con luôn biết sống đơn sơ khó nghèo, can đảm làm chứng cho sự thật và không bao giờ chịu lùi bước trước những khó khăn trở ngại gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH- HHTM

 

Exit mobile version