VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN VĂN HÓA Sự Tích Chị Hằng

Sự Tích Chị Hằng

(Truyện cổ tích Việt Nam)

Các bé nhi đồng yêu dấu, các bé đã biết sự tích Chú Cuội và Cây Đa rồi, nhưng các bé đã biết sự tích về Chị Hằng chưa? Đêm Trung Thu, vừa ăn bánh kẹo vừa vui đùa, các bé cũng đọc lại truyện xưa đề biết Chị Hằng dễ thương như thế nào nhé!

Ngày xửa ngày xưa, có một dịp kia, trên trời xuất hiện mười ông mặt trời cùng chiếu sáng làm đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, dân chúng không thể sống nổi. Lúc đó, có một anh hùng tên là Hậu Nghệ đã trèo lên một đỉnh núi cao, giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, cứu sống muôn loài.

Từ đó, Hậu Nghệ nhận được mọi người yêu quý và tôn kính, rất nhiều người đã tìm đến để xin làm học trò, nhưng trong số đó có Bồng Mông là kẻ xấu bụng.

Hậu Nghệ có cô vợ rất xinh đẹp tên là Hằng Nga. Vợ chồng này được mọi người yêu quý và ngưỡng mộ. Một hôm, Hậu Nghệ đến núi Côn Lôn thăm bạn, trên đường tình cờ gặp được Vương Mẫu nương nương đi ngang qua, bèn xin Vương Mẫu thuốc trường sinh bất tử. Ai uống thuốc này sẽ lập tức được bay lên trời và thành tiên. Chàng đưa thuốc cho vợ cất giữ, không may bị Bồng Mông nhìn thấy.

Ba ngày sau, Hậu Nghệ dẫn học trò ra ngoài săn bắn, Bồng Mông có tâm địa xấu xa nên giả vờ lâm bệnh, xin ở lại. Đợi mọi người đi khuất, Bồng Mông mang kiếm đến ép Hằng Nga đưa thuốc tiên cho hắn. Trong lúc nguy cấp, Hằng Nga không biết làm gì hơn nên lấy thuốc tiên ra uống cạn. Uống xong, nàng thấy người bỗng nhẹ rời khỏi mặt đất, hướng về cửa sổ và bay lên trời. Nhưng do Hằng Nga còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi hóa thành tiên.

Tối hôm đó, Hậu Nghệ về nhà, biết chuyện nên rất đau khổ vì Hằng Nga đã lên cung trăng, và rất tức giận với kẻ xấu nhưng Bồng Mông đã trốn đi xa. Trong lúc đau khổ, Hậu Nghệ đã ngửa cổ lên trời đêm gọi tên vợ hiền. Chàng ngạc nhiên nhận ra mặt trăng hôm đó khác thường, rất sáng ngời, lại có thêm một bóng người cử động trông giống Hằng Nga. Hậu Nghệ vội sai người đến vườn hoa, nơi Hằng Nga yêu thích, lập bàn hương án, đặt lên đó những món ăn và trái cây mà Hằng Nga thường thích ăn nhất để tế nàng trên cung trăng.

Sau khi mọi người nghe tin Hằng Nga lên cung trăng thành tiên, ai nấy đều lần lượt bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban cho may mắn và bình an, gọi là “bái nguyệt”. Từ đó, dân gian có phong tục này vào dịp tết trung thu cho đến nay.

Exit mobile version