Sự thờ ơ vô cảm

88

vô cảmCuộc giáng lâm của Con Thiên Chúa đã chứng kiến nhiều sự kiện lạ lùng xảy ra. Ngài đã đến thế gian bằng một cách nghèo hèn vượt qua cả sự tưởng tưởng của con người. Ngài được gửi gắm nơi một gia đình nghèo. Ngài chọn một cảnh nghèo khổ và bi đát để sinh ra. Những người bần cùng nhất trong xã hội thời đó lại là những người đầu tiên đến với Ngài. Tất cả những điều ấy là minh chứng cho tình yêu vô biên mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với phận người ngang qua Con Một của mình. Thế nhưng, ngay cả thời đó, sự thờ ơ lạnh nhạt của con người đã được thể hiện rõ xung quanh sự kiện Chúa Giêsu sinh ra.

Trong xã hội thời nay cũng vậy, không những chỉ có sự thờ ơ với Thiên Chúa mà sự vô cảm giữa con người với con người đang được báo động hơn bao giờ hết. Sự thờ ơ và vô cảm đó đã và đang ngày một gia tăng và nó đang gây ra bao nhiêu đau thương cho thế hệ con người hôm nay. Tình bằng hữu đang ngày một rạn nứt khi chủ nghĩa cá nhân được đặt lên mối lợi hàng đầu. Mạng sống con người đã trở nên rẻ rúm khi mà lợi ích kinh tế và chính trị của quốc gia được xem là thiết yếu hơn.

Ở nhiều nước trên thế giới, bao nhiêu con người đang phải lưu vong không nhà cửa, không thức ăn nước uống để tránh làn bom đạn do chiến tranh đang hoành hành trên quê hương. Mạng sống họ đang được tính từng giây, từng phút khi lênh đênh trên đại dương mà chẳng biết nơi cập bến. Ấy thế mà cũng không ít quốc gia vẫn tỏ thái độ thờ ơ, trốn tránh sự giúp đỡ trước sinh mạng của anh em đồng loại.

Bao nhiêu gia đình đang tan cửa nát nhà vì sự thờ ơ của vợ, hay sự lạnh nhạt của chồng trong việc chăm lo và vun đắp đời sống hôn nhân. Vì những ích kỷ cá nhân hay những lợi ích riêng mà họ quên đi cái nền tảng của mình là gia đình. Hệ lụy đau thương là biết bao nhiêu đứa con không được chăm sóc dạy dỗ đầy đủ. Vợ theo đường vợ, chồng theo đường chồng, chẳng ai ngó ngàng tới con cái hay chăm lo cho chúng. Đó là nguyên nhân làm cho co cái cảm thấy thiếu vắng tình thương và không tìm được chỗ dựa nơi gia đình. Chúng sa vào những trò chơi nguy hiểm, chạy theo những thú vui vô bổ và đánh mất luôn chính mình trong những tệ nạn đó.

Tình làng nghĩa xóm giờ cũng đã trở nên hiếm trong đời sống nông thôn thời hiện đại. Vật chất đã làm cho con người thay đổi, không chỉ ở thành thị mà nó đã len lỏi đến những miền quê hẻo lánh. Tình người giờ cũng được cân đong đo đếm như những món hàng giá trị. Những người nghèo và kém may mắn không những không được quan tâm mà con bị đẩy ra bên lề xã hội. Những mối quan hệ đều dựa trên những lợi ích kinh tế mà những vụ lợi cá nhân. Kẻ mạnh bắt tay với người giàu để trục lợi, còn kẻ yếu người nghèo thì vẫn mãi lủi thủi với phận bọt bèo của mình mà ít ai đoái hoài thương giúp. Thiếu tình thương nâng đỡ lẫn nhau đang ngày một tạo nên những phân cách lớn giữa con người trong xã hội.

Cũng là con người với nhau, đã bao giờ trái tim chúng ta có một chút hơi ấm của tình người để san sẻ, động viên nhau trong cuộc sống chưa? Hay sự lạnh lùng, vô cảm đã hóa đá con tim chúng ta trước những nổi khốn khổ của người khác? Ai trong chúng ta cũng biết mình sinh ra trên đời này không ai là một hòn đảo, không ai có thể tồn tại độc lập. Thiên Chúa đã dựng nên con người với những mối tương quan khác nhau, đó là tương quan với Thiên Chúa, với loài người và với các loài thụ tạo khác. Những nhịp cầu tương quan ấy làm cho cuộc sống trở nên phong phú và giúp chúng ta ngày một hoàn thiện hơn. Mở lòng mình ra, sẻ chia tình cảm ta mới thấy lúc đó mình được lãnh nhận và lớn lên. Tuy nhiên, ta lại luôn đặt những mối lợi của bản thân và những giá trị vật chất lên trên tình nghĩa bằng hữu. Trong khi, tình liên đới mới thực sự làm cho ta xứng đáng với phẩm giá con người và là con Thiên Chúa.

Chúa đã đến cách nghèo hèn là vì muốn gần gủi với con người và cũng mong con người dễ dàng đến với Chúa hơn. Không có lý do gì để chúng ta trở nên thờ ơ với Chúa, vô tâm với anh chị em đồng loại của mình. Hãy đến với Chúa để nhận lấy hơi ấm giữa cái giá lạnh ích kỷ của nhân gian. Đến với Ngài để từ đó chúng ta mang sức nóng tình thương đến để đốt cháy cái băng giá của sự thờ ơ và vô cảm nơi con người.

J.B Lê Đình Nam