Sự thật về luyện hình

95

Có người sợ vào Luyện Hình, có người mong được vào đó; có người coi đó là bằng chứng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, có người lại coi đó là hình phạt của Thiên Chúa. Nhiều người không biết gì về Luyện Hình, nhiều người lại quên chính mình đã từng biết.

Người ta thường hiểu không đúng về Luyện Hình, giáo huấn của Công giáo về Luyện Hình cũng bị hiểu sai. Các giáo huấn không quá phức tạp. Về cơ bản, các giáo huấn có thể “cô đọng” thành 9 điều cốt lõi – các chân lý này không chỉ soi sáng về giáo lý Công giáo, mà còn cho thấy ý nghĩa của các giáo huấn đối với chúng ta và những người đã qua đời. Các điều cốt lõi đó là gì?

  1. LUYỆN HÌNH CÓ THẬT

Điều đó có vẻ minh nhiên, nhưng đối với một số người Công giáo, Luyện Hình trở nên cái mà Lm Dwight Longenecker gọi là “giáo lý bị lãng quên.” Trên blog “Standing On My Head”, Lm Longenecker nói: “Nhiều người Công giáo không hề biết Luyện Hình là gì. Họ nghĩ rằng tội lỗi không có hệ lụy, mọi người đều lên trời vì Thiên Chúa rất nhân lành nên không thể để bất cứ ai đi vào nơi khác.”

Tuy nhiên, giáo lý Công giáo về Luyện Hình nhắc chúng ta nhớ rằng TỘI LỖI CÓ HỆ LỤY – hệ lụy đời đời. Mặc dù Thiên Chúa là tình yêu, Ngài vẫn tôn trọng quyền tự do chọn lựa của con người.

Tiến sĩ Regis Martin, giáo sư thần học tại ĐH Phanxicô, nói: “Đó là lời khen khủng khiếp mà Thiên Chúa trả cho các thụ tạo. Ngài dùng sự tự do mà chúng ta xử lý, mặc dù điều đó đưa chúng ta vào thẳng Hỏa Ngục. Trong khi một số ít chúng ta quá tồi tệ đến nỗi chúng ta mãi mãi xấu xa mà không có Thiên Chúa, không nhiều người trong chúng ta tinh tuyền để được vào ngay trong vòng tay của Thiên Chúa. Đa số chúng ta ở khoảng giữa.”

Vì thế cần có Luyện Hình – nơi thanh tẩy cuối cùng dành cho những người chết trong ân tình của Thiên Chúa nhưng chưa hoàn toàn sạch vết tội hoặc chưa đền bù những việc làm sai trái khi còn ở đời này. Tiến sĩ Regis Martin nói: “Khi chúng ta trình diện Đức Kitô Thẩm Phán, mọi thỏa thuận của chúng ta và mọi vùng xám mà cách chọn lựa của chúng ta dẫn chúng ta vào, tất cả đều được thanh toán. Chính chúng ta phải trình bày với Ngài.”

  1. LUYỆN HÌNH KHÔNG CHỈ LÀ HÌNH PHẠT

Luyện Hình là tặng phẩm thương xót và chứng cớ về tình yêu Thiên Chúa. Robert Corzine, phó chủ tịch Chương Trình và Phát Triển tại Trung Tâm Thánh Phaolô về Thần Học Kinh Thánh, nói: “Đôi khi người ta nghe nói về đau khổ của các linh hồn trong Luyện Hình và họ nghĩ rằng đau khổ là ý muốn của một Thiên Chúa báo thù, một Thiên Chúa muốn hành hạ thân xác. Nhưng không phải vậy. Thiên Chúa tha thứ chúng ta ngay khi chúng ta xin. Vai trò của đau khổ là phục hồi sự hư hỏng mà chúng ta đã làm. Chính Thiên Chúa chữa lành và làm cho chúng ta trở nên hình ảnh hoàn hảo của Đức Kitô.”

Hình ảnh hoàn hảo của Đức Kitô chính là điều Thiên Chúa mời gọi mỗi chúng ta trở nên. Theo Giáo lý Công giáo về Ơn Cứu Độ, Thiên Chúa không chỉ muốn cứu chúng ta thoát khỏi Hỏa Ngục – thoát khỏi tình trạng xa cách Ngài mãi mãi, mà Ngài còn muốn cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi, thoát khỏi những gì thấp hèn hơn con người mà Ngài đã tạo dựng.

Corzine nói: “Thiên Chúa như vị bác sĩ phẫu thuật tim, cố gắng thay trái tim mới mà chúng ta cần. Nhưng chúng ta cứ lắc lư trên bàn mổ, tránh né dao mổ. Lúc đó cái chết như thuốc mê làm cho chúng ta nằm yên. Trong Luyện Hình, chúng ta không thể chống lại việc chữa trị cần thiết, và Ngài có thể hoàn tất nhiệm vụ mà Ngài đã bắt đầu khi chúng ta còn sống.”

  1. ĐAU KHỔ NƠI LUYỆN HÌNH KHÔNG LÀ ĐAU KHỔ THỂ LÝ

Qua nhiều thế kỷ, các họa sĩ cố gắng mô tả sự đau khổ ở Luyện Hình bằng cách vẽ người ta bị lửa đốt. Nhưng các hình ảnh đó không thể hiện theo nghĩa đen về tình trạng thanh luyện. Trong Luyện Hình, linh hồn vẫn tách rời thân xác, thế nên người ta chỉ đau khổ về tinh thần chứ không đau khổ về thể lý.

Tuy nhiên, đừng nói rằng lửa Luyện Hình không có thật. Lửa đó rất thật. Susan Tassone, tác giả 7 cuốn sách về Luyện Hình – trong đó có cuốn “Prayers, Promises, and Devotions for Holy Souls in Purgatory”, cho biết: “Lửa mà chúng ta được thanh luyện là lửa yêu mến Chúa cháy trong nội tâm. Sau khi chết, linh hồn trong Luyện Hình thấy Thiên Chúa vinh quang. Họ thấy tình yêu thương, lòng nhân từ, và các kế hoạch mà Ngài dành cho chúng ta. Họ khao khát điều đó. Họ thiêu đốt vì điều đó, với niềm khao khát hơn cả mọi sức nóng của lửa trên thế gian.”

Nói cách khác, đau khổ đầu tiên phải chịu trong Luyện Hình là không được thấy Thiên Chúa. Họ đau khổ vì cái mà tác giả Tassone gọi là “cơn sốt tâm linh.”

Khi “cơn sốt” phát lên, nó tách linh hồn ra khỏi tội lỗi, một quá trình đau khổ tương đương. Corzine nói: “Tới mức mà chúng ta tách khỏi tội lỗi của mình, sự tách rời gây đau đớn. Đó là điều khủng khiếp – cách nó gây thương tích cho chúng ta và người khác, cách nó dẫn chúng ta xa khỏi kế hoạch hoàn hảo của Thiên Chúa – không có loại lửa thực tế nào có thể gây đau đớn như vậy.”

  1. CÁC LINH HỒN NƠI LUYỆN HÌNH TRẢI NGHIỆM CẢ VUI MỪNG VÀ ĐAU KHỔ

Trong vở kịch “Divine Comedy,” khi Dante đi qua Luyện Hình, các linh hồn mà ông gặp rất đau khổ, nhưng khác với các linh hồn ông gặp ở Hỏa Ngục, họ đau khổ tình nguyện và vui vẻ, không tội nghiệp và luôn mong muốn tiếp tục chịu đau khổ khi Dante ngưng phỏng vấn họ.

Với lòng nhiệt thành, các linh hồn trong truyện giả tưởng này muốn trắc nghiệm sự chịu đựng giáo huấn Công giáo nói rằng Luyện Hình không là phòng ngoài của Hỏa Ngục, mà là phòng trước của Nước Trời. Mọi linh hồn trong Luyện Hình sẽ được vinh quang. Số phận của họ đã được đóng ấn, và cuối cùng sẽ là số phận phúc lành. Do đó, thời gian họ ở Luyện Hình, dù lâu hay mau, là thời gian được ghi dấu không chỉ bằng đau khổ mà còn bằng niềm vui nữa.

Lm Longenecker nói: “Bất cứ cái gì cũng đáng chịu đau khổ để tiến bộ, nhưng đó là chịu đau khổ để cuối cùng được phần thưởng. Đôi khi điều đó giúp chúng ta nghĩ về Luyện Hình như quá trình tập thể dục. Có đau khổ, nhưng đó là dấu hiệu của sự tiến bộ. Nghĩa là bạn đang trên đường tới nơi bạn muốn tới. Điều đó làm thành sự đau khổ vui mừng.”

  1. LỜI CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI ĐÃ QUA ĐỜI CÓ GIÁ TRỊ ĐỜI ĐỜI

Các linh hồn trong Luyện Hình sẽ được vinh quang, nhưng quá trình thanh luyện có thể vẫn lâu dài và đau khổ. Hãy cứu các linh hồn chịu lửa mến thanh luyện, các linh hồn không thể làm gì để rút ngắn thời gian thanh luyện hoặc giảm bớt đau khổ.

Đó là nơi có thể chúng ta sẽ vào. Tassone nói: “Chúng ta cần cầu xin nhiều ân sủng cho các linh hồn trong Luyện Hình. Khi linh hồn ra khỏi thân xác, thời gian lập công đã hết. Linh hồn không thể tự lo liệu nữa. Đó là lý do họ cần lời cầu nguyện của chúng ta – Kinh Mân Côi, Chầu Thánh Thể, Chặng Đàng Thánh Giá, và nhất là Thánh Lễ. Các Thánh Lễ chúng ta xin cho các linh hồn trong Luyện Hình là điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho những người thân yêu đã qua đời. Đó là lý do Thánh Lễ là dạng cao nhất của việc thờ phượng và việc cầu nguyện.”

Martin nói thêm: “Điều đó thực sự là một trong các điều giáo lý của Giáo Hội. Không ai có thể đứng một mình. Chúng ta đứng trên đôi vai của người khổng lồ vĩ đại nhất là Đức Kitô. Đau khổ và hy sinh của chúng ta có thể trở thành sự giúp đỡ cho các linh hồn nhờ sự đau khổ và sự hy sinh của Ngài”.

Bằng nhiều cách, mối quan hệ của chúng ta với các linh hồn trong Luyện Hình là phần mở rộng trong “sự hợp lý của tình yêu,” người ta mở rộng chính mình để người khác có thể có thời gian dễ dàng về điều đó. Và đó là quy luật không được nối kết bởi sự chết.

Nó cũng không được nối kết bởi thời gian. Giáo Hội dạy rằng Luyện Hình hoạt động ngoài không gian và thời gian mà chúng ta trải nghiệm trên thời gian này. Nghĩa là chúng ta đừng bao giờ ngừng cầu nguyện cho những người đã qua đời. Tassone nói: “Không có lời cầu nguyện nào lãng phí. Lời cầu nguyện chúng ta dành cho những người thân yêu trong suốt đời sẽ giúp họ vào Nước Trời.”

  1. CÁC LINH HỒN CẦU THAY NGUYỆN GIÚP CHO CHÚNG TA

Các linh hồn trong Luyện Hình không thể làm gì cho mình được nữa, nhưng Giáo Hội vẫn tin rằng họ có thể làm điều gì đó cho chúng ta: Họ có thể cầu nguyện cho chúng ta, giúp chúng ta có ân sủng cần thiết để theo bước Đức Kitô và nên hoàn thiện.

Tassone nói: “Chúng ta có những người can thiệp quan trọng như vậy đấy, chính là các linh hồn. Họ lo lắng cho sự cứu độ của chúng ta. Họ muốn giúp để chúng ta hiểu sự ma mãnh của tội lỗi và tầm quan trọng của việc sống theo ý Chúa, để chúng ta có thể tiến thẳng vào Nước Trời sau khi chúng ta chết.”

Cũng vậy đối với các linh hồn trên Thiên Đàng, lời cầu của họ rất hữu ích. Tassone giải thích: “Các linh hồn trở nên như Thiên Thần Bản Mệnh thứ hai của chúng ta vậy, che chở chúng ta dưới cánh của họ. Đó là vì tặng phẩm chúng ta đã dành cho họ mà họ được vĩnh phúc, đó là tặng phẩm cao quý nhất.”

  1. GIÁO HUẤN CÔNG GIÁO VỀ LUYỆN HÌNH CÓ NGUỒN GỐC KINH THÁNH

Nếu bạn tìm chứng cớ trong Kinh Thánh về Luyện Hình, hãy bắt đầu từ sách Ma-ca-bê: “Ông Giu-đa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giê-ru-sa-lem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.” (Mcb 12:43-46)

Martin nói: “Lời cầu nguyện của họ ngụ ý có niềm hy vọng phía sau ngôi mộ của những người quá cố.” Trong Tân Ước, Thánh Phaolô cũng gợi ý về lửa thanh tẩy trong Luyện Hình: “Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa.” (1 Cr 3:12-15) Ngài cũng cầu nguyện cho các linh hồn trong gia đình của Ô-nê-xi-phô-rô (2 Tm 1:15-18).

Vả lại, theo Corzine, sự hiện hữu của Luyện Hình là cách duy nhất để tạo ý nghĩa khi trích dẫn các câu Kinh Thánh như: “Không vật ô uế nào được vào Nước Trời.” (Kh 21:27) cũng như mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Corzine nói: “Có Luyện Hình là hợp lý. Nếu không có quá trình thanh luyện sau sự chết, dân số Nước Trời sẽ ít lắm, gồm số ít những người để cho Thiên Chúa làm cho họ hoàn thiện ở đời này.”

  1. LUYỆN HÌNH KHÔNG LÀ SÁNG TẠO CỦA GIÁO HỘI THỜI TRUNG CỔ

Mặc dù Giáo Hội không bắt đầu chính thức định nghĩa giáo lý về Luyện Hình cho tới thời Trung Cổ (bắt đầu tại Công Đồng Lyons II năm 1274), ngay từ đầu Giáo Hội đã tin có sự thanh luyện sau khi chết. Corzine nói: “Chứng cớ liên tục của lịch sử Giáo Hội cho chúng ta biết rằng các Kitô hữu luôn cầu nguyện cho những người đã qua đời. Trước khi sử dụng chữ ‘Luyện Hình,’ người ta đã biết cần cầu nguyện và xin lễ cho những người đã qua đời.”

Chứng cớ không ngừng đó bao gồm các bản văn của các Thánh Giáo Phụ và các Thánh Tiến Sĩ từ thế kỷ I. Cũng bao gồm tài liệu của người Công giáo tưởng niệm những người thân yêu đã qua đời với Thánh Lễ và lời cầu nguyện, kể cả việc an táng người chết trong tinh thần thương xót, và qua các thế kỷ, các Kitô hữu đã tự nguyện dùng tiền để xin lễ cầu hồn. Corzine nói: “Vì những người bị phạt không thể hưởng lợi nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, và các thánh trên Thiên Đàng không cần đến lời cầu nguyện của chúng ta, chứng cớ liên tục đó ngụ ý đề cập một nơi khác mà các linh hồn hiện diện và có thể hưởng lợi từ Thánh Lễ và lời cầu nguyện.”

  1. LUYỆN HÌNH NHƯ KHÓA HỌC HÈ TÂM LINH

Sao thế? Ngồi học trong tháng Một thì dễ hơn ngồi học trong tháng Bảy, chịu đau khổ và hy sinh để nên thánh thiện trên thế gian thì dễ hơn trong Luyện Hình, một phần vì trên thế gian chúng ta vẫn mang thân xác. Lm Longenecker nói: “Nhiệm vụ của chúng ta là tuân theo Đức Kitô. Đó là nhiệm vụ chúng ta phải làm ở đây, và đó cũng là nhiệm vụ chúng ta phải dùng thân xác của mình. Nó có chiều kích thể lý.”

Với thân xác, chúng ta có thể làm việc tốt để tách mình khỏi tội lỗi và cái tôi của mình. Chúng ta có thể cho người nghèo có bữa ăn, giúp đỡ người vô gia cư, kiêng cữ trong Mùa Chay, đi hành hương,… Không có thân xác, người ta không thể làm từ thiện, yêu thương, phục vụ, đền tội,…

Luyện Hình như khóa học hè, có thể không học. Corzine nói: “Luyện Hình không là tiêu chuẩn. Thiên Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta mọi ân sủng cần thiết trong đời sống để nên thánh. Chúng ta có thể làm công việc cần thiết để nên thánh ngay đời này. Chúng ta phải tận dụng các ân sủng mà Ngài ban cho chúng ta ở đời này.”

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ OSV.com)