Sự thật mấy lòng (Thứ Năm Tuần 28 Thường niên)

91

Lời Chúa:  Ep 1, 1, 3-10; Lc 11, 47-54.

Lc 11_47-54Vui buồn sướng khổ là điều hiển nhiên đang xảy ra nơi cuộc sống, dù nhắc tới hay không, lời nói việc làm của ta vẫn để lại gương tốt hoặc xấu ở đời này. Sợ bị mắc lừa và luôn cần đến lòng tốt là ưu tư của người có óc cầu tiến; đấu tranh vì quyền lợi cho mình thì dễ, nhưng lên tiếng để bênh vực người cô thế cô thân, luôn là vấn đề khó khăn. Làm sao ta dám sống thật, nói thật khi mà ý chí không có, khi mà không dễ để lắng nghe sự thật như kinh nghiệm của tiền nhân : mật ngọt chết ruồi, những nơi cay đắng là nơi thật thà.

Tục ngữ cũng có câu : ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành. Khách quan thì nói thẳng ruột ngựa, hay nói toạc móng heo không quanh co, cứ tưởng là dễ, nhưng lại không mấy người nói chất phác như vậy, vừa sợ bị coi là ngu muội, vừa bị chê là quê mùa. Giải pháp an toàn thường là “rào trước đón sau” rồi mới dám nói lên sự thật, vì nhắc tới cái ưu của người bạn thì dễ, mà nói tới tật xấu của bạn bao giờ cũng khó và ngại miệng.

Bằng cảm nhận về tình yêu thương, thánh Phaolô hôm nay chia sẻ về một sự thật : con người không thể làm bất cứ sự gì để tự cứu mình; vì thế, con người phải hoàn toàn trông cậy nơi Thiên Chúa. Nghe và hiểu thánh Phaolô nói đến sự thật về Máu Đức Kitô có giá trị cứu độ, hẳn không khó đối với chúng ta, tuy nhiên đón nhận và sống niềm tin vẫn là tự do của mỗi người tin yêu Đức Kitô.

Người khôn ngoan thường bị gán cho là thâm thúy như câu ca dao : người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo. Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay không nói nửa chừng, mà nói rất mạnh, rất thật bằng từ ngữ : “khốn cho các ngươi hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, …..”. “Khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật…..”. Chúa Giêsu lên án thái độ giả hình của các luật sĩ biệt phái, Chúa nói rất thật về việc cha ông họ đã giết hại các tiên tri, dù xây mồ mả để tưởng nhớ các tiên tri, nhưng họ lại tiếp tục đi lối đi của tiền nhân, vẫn sát hại các tiên tri thời đại….

Đối diện với việc việc sống niềm tin, người tín hữu chúng ta hôm nay cũng dễ bị rơi vào tình trạng giả hình, hay còn gọi là không dám sống thật với lòng mình. Giống như các luật sĩ, tin Chúa nói đúng sự thật, nhưng lòng họ trĩu nặng bực tức, vì rất sợ phải sửa sai lối sống hình thức của mình. Không muốn chấp nhận sự thật Đức Giêsu là Thiên Chúa, vì nếu đón nhận lời Đức Giêsu, các ông sẽ mất quyền lợi, phải thay đổi cách sống giả hình mà các ông đã che đậy bấy lâu.

Trong đời sống tự nhiên, dù ở giới bần cùng nhất ta cũng không thể thiếu tình bạn. Trong tình bạn không thể thiếu sự chân thành. Nếu một lúc nào đó trong lòng ta có cảm giác là bạn bè không thành thật với mình, thì lúc đó ta là một người ích kỷ vì ta chưa thật sự chân thành trong tình bạn. Trong tình bạn chân chính thì không tồn tại sự nghi ngờ. Nếu ta muốn có một tình bạn chân chính, thì ta phải tỏ ra trung thực và chân thật trong tình bạn.

Ngày hôm nay người ta sợ phải nói lên sự thật, còn đặt ra “lời nói có cánh” để tặng nhau như một món quà thượng hạng. Quả thực, nếu ta hiểu lời khen tặng giống như hương thơm, mà người khôn ngoan sẽ để chúng thoáng qua, chứ không thể để lời khen đó thấm vào người. Tuân Tử, một hiền triết, ông để lại cho học trò tư tưởng thật triết lý : ai chê ta mà chê phải là thầy ta, ai khen ta mà khen phải là bạn ta, ai nịnh bợ ta là kẻ thù của ta.

Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ mãi là Thầy dạy của chúng ta, dù như câu tục ngữ : thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Chúa không sợ thiệt thân, không sợ đau khổ hay sợ bị chống đối. Chúa đã lên án, đã nói rất thật, cho các luật sĩ biết về thói giả hình của họ, thì Chúa cũng sẽ nói với chúng ta hôm nay như vậy; hy vọng chúng ta luôn biết đón nhận để kịp sửa sai về những hành vi bất xứng của mình. Amen.

Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc