Bài chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền tin sáng Chúa nhật V Mùa chay, 07/04/2019 tại Vatican.
Anh chị em thân mến
Chúa nhật thứ V Mùa chay này, phụng vụ giới thiệu cho chúng ta câu chuyện về người đàn bà ngoại tình (x. Ga 8,1-11). Trong câu chuyện đó ta thấy có hai thái độ đối lập nhau: thái độ của các kinh sư, người Pharisiêu, và thái độ của Chúa Giêsu. Những người đầu tiên muốn kết án người phụ nữ, vì họ cảm thấy họ là những người bảo vệ Lề luật và tuyệt đối trung thành với Lề luật. Trái lại Chúa Giêsu muốn cứu người đàn bà ấy, vì Ngài là hiện thân của lòng thương xót Chúa, Đấng tha thứ để cứu chuộc và hòa giải để canh tân.
Vì vậy, chúng hãy xem sự kiện này. Đang khi Chúa Giêsu giảng dạy trong đền thờ, các kinh sư và người Pharisiêu mang đến cho Ngài một người phụ nữ bị bắt khi ngoại tình; họ đặt cô đứng giữa và hỏi Chúa Giêsu, người đàn bà có phải bị ném đá cho đến chết, như Luật định của Môsê không. Thánh sử xác định rằng họ đặt câu hỏi “nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (c.6). Ta có thể nghĩ rằng mục đích của họ là thế này – hãy xem ác tâm của những người này: nếu “không” ném đá, đó sẽ là một lý do để buộc tội Chúa Giêsu vì bất tuân Luật pháp; trái lại, nếu “có” thì điều này tố cáo Ngài trước nhà cầm quyền Rôma, nơi dành riêng cho mình các bản án và không cho phép ai xét xử. Và Chúa Giêsu phải trả lời.
Những người đối chất với Chúa Giêsu bị đóng khung trong chủ nghĩa luật pháp và họ muốn vây hãm Con Thiên Chúa trong quan điểm phán xét và kết án của họ. Nhưng Ngài không đến thế gian để xét xử và luận tội, mà là để cứu rỗi và ban cho mọi người một cuộc sống mới. Và Chúa Giêsu phản ứng thế nào trước thử thách này? Trước hết Ngài im lặng một lúc, và cúi xuống dùng ngón tay viết trên đất, như để nhắc nhớ rằng Nhà lập pháp và Thẩm phán duy nhất là Thiên Chúa, Đấng đã viết Luật trên đá. Và sau đó Ngài nói: “Ai trong các người vô tội, hãy ném đá người này trước đi” (c.7). Bằng cách này, Chúa Giêsu kêu gọi lương tâm của những người tự thấy mình là “những người bảo vệ công lý”, Ngài kêu gọi họ ý thức về phận người tội lỗi của mình, vì họ không thể tự gán quyền được sống hay chết trên đồng loại của mình. Lúc bấy giờ, từng người một, bắt đầu từ người già nhất – nghĩa là những người từng trải đối với những đau khổ của mình – tất cả đều bỏ đi, từ bỏ việc ném đá người phụ nữ. Cảnh tượng này cũng mời gọi mỗi chúng ta ý thức được rằng chúng ta là tội nhân và hãy vứt bỏ khỏi đôi tay chúng ta những viên đá chê bai, kết án, nói xấu, mà đôi khi chúng ta muốn vung ra chống lại người khác. Khi chúng ta nói xấu người khác, là chúng ta ném đá, chúng ta giống như những người này.
Cuối cùng chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ. Thánh Augustinô nói: ở giữa đó là “nỗi khốn khổ và lòng thương xót” (In Joh 33.5). Chúa Giêsu là người duy nhất không có tội, là người duy nhất có thể ném đá vào cô, nhưng Ngài không làm, bởi vì Thiên Chúa “không muốn các tội nhân phải chết, nhưng muốn nó biến đổi và được sống” (x. Ed 33,11). Và Chúa Giêsu giải thoát người phụ nữ bằng những lời lẽ tuyệt vời này: “Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (c.11). Và thế là Chúa Giêsu mở ra cho cô một con đường mới, được tạo ra bởi lòng thương xót, một con đường đòi hỏi cô phải cam kết không phạm tội nữa. Đó là một lời mời có giá trị cho mỗi người chúng ta: khi Chúa Giêsu tha thứ cho chúng ta, Người luôn mở ra một con đường mới để chúng ta tiến lên. Trong Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi nhận ra mình là những tội nhân và cầu xin Thiên Chúa thứ tha. Và sự tha thứ, đến lượt nó, hòa giải chúng ta và đem lại cho chúng ta bình an, khiến chúng ta bắt đầu một lịch sử được đổi mới. Mọi chuyển đổi thực sự đều hướng đến một tương lai mới, một cuộc sống mới, một cuộc sống tươi đẹp, một cuộc sống tự do khỏi tội lỗi, một cuộc sống đầy quảng đại. Chúng ta đừng sợ xin Chúa Giêsu tha thứ để Ngài mở ra cánh cửa cho cuộc sống mới này.
Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta làm chứng cho mọi người thấy lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mà trong Chúa Giêsu, đã tha thứ cho chúng ta và đem lại cho cuộc sống của chúng ta sự mới mẻ, luôn ban cho chúng ta khả năng mới mẻ.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ